Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “Demythologizing Conclaves”, nghĩa là “Làm sáng tỏ những huyền thoại liên quan đến Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Thông báo gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng ngài sẽ tấn phong 21 vị tân Hồng Y vào ngày 27 tháng 8, mười sáu vị trong số đó sẽ bỏ phiếu trong mật nghị được tổ chức sau ngày đó, tạo ra làn sóng những đồn đoán thường thấy về hình dạng của cuộc bầu cử giáo hoàng tiếp theo. Phần lớn việc ngắm nhìn quả cầu pha lê đó không hữu ích, vì nó dựa trên nhiều huyền thoại về các Cơ Mật Viện. Tôi hy vọng việc làm sáng tỏ các huyền thoại đó sẽ hoạt động như một chất ổn định, vì vùng nước xung quanh Con Thuyền Thánh Phêrô có thể sẽ trở nên hỗn loạn hơn trước khi mật nghị tiếp theo diễn ra trong Nhà nguyện Sistina dưới cái nhìn nghiêm khắc của Chúa Kitô Thẩm Phán.

Huyền thoại số 1: Một vị giáo hoàng tấn phong một tỷ lệ đáng kể các Hồng Y cử tri bầu người kế vị ngài sẽ qua đó quyết định người kế vị ngài là ai. Không đúng.

Năm 1878, các Hồng Y cử tri đều được đề cử bởi Đức Giáo Hoàng Grêgoriô 16 hoặc Piô thứ Chín; các ngài đã bầu Hồng Y Vincenzo Gioacchino Pecci, người, với tư cách là Đức Lêô thứ 13, đã đưa Giáo hội đi theo một hướng rất khác so với hai vị tiền nhiệm ngay trước đó của mình. Năm 1903, sáu mươi mốt trong số sáu mươi hai Hồng Y cử tri chọn người kế vị Đức Giáo Hoàng Lêô đã được tấn phong bởi vị Giáo Hoàng đã khởi xướng Cách mạng Leonine trong hơn 25 năm và sự gắn bó của Công Giáo với văn hóa và chính trị hiện đại — những vị Hồng Y này được dự kiến sẽ bầu ra một người theo hình ảnh của Đức Lêô thứ 13. Nhưng thay vào đó, sau một cuộc can thiệp đe dọa phủ quyết bởi hoàng đế Habsburg, là người cỗ vũ nồng nhiệt cho sự hội nhập Công Giáo vào thời đó, các ngài đã bầu cho Đức Hồng Y Giuseppe Melchiorre Sarto, là người với tư cách là Đức Giáo Hoàng Piô thứ 10, đã kiên quyết chặn đứng các sáng kiến táo bạo hơn của Đức Lêô thứ 13.

Năm 1958, các Hồng Y cử tri đều được tấn phong bởi Đức Piô thứ 11 và Đức Piô thứ 12, và nhiều người cho rằng vị giáo hoàng tiếp theo sẽ nằm trong hàng ngũ đó (Đức Piô thứ 12, với tên gọi Eugenio Pacelli, đã từng là Quốc vụ khanh của Đức Piô thứ 11). Thay vào đó, các Hồng Y cử tri đã chọn một vị Giáo Hoàng lớn tuổi, Đức Angelo Giuseppe Roncalli. Với tư cách là Đức Gioan 23, ngài đã dẫn dắt Giáo hội vào một công đồng đại kết mà cả Đức Piô thứ 11 và Đức Piô thứ 12 đều đã cân nhắc triệu tập trước khi bác bỏ ý kiến này; phần còn lại là lịch sử của thời khắc Công Giáo của chúng ta.

Năm 2013, đa số Hồng Y cử tri đã được Đức Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI phong làm Hồng Y. Người mà các ngài chọn, lấy danh hiệu chưa từng có là Giáo hoàng là Phanxicô, đã lặng lẽ nhưng kiên quyết phá bỏ di sản của Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI về nhiều mặt.

Huyền thoại số 2: Ai vào cơ mật viện như một giáo hoàng sẽ rời cơ mật viện như một Hồng Y. Không đúng.

Năm 1878, Đức Lêô thứ 13 nhanh chóng được chọn, điều này cho thấy rằng ngài hẳn đã là một papabile - ứng viên Giáo Hoàng sáng giá - trước mật nghị. Đức Hồng Y Giacomo Della Chiesa, Hồng Y tổng giám mục của Bologna và là một nhà ngoại giao kỳ cựu của Tòa Thánh, chắc chắn là ứng viên Giáo Hoàng khi tham gia mật nghị thời chiến năm 1914, mặc dù phải trải qua nhiều vòng ngài mới được bầu. Tất cả những người biết bất cứ điều gì đều mong đợi Đức Hồng Y Eugenio Pacelli sẽ kế vị Đức Piô thứ 11 (bao gồm cả Đức Piô thứ 11), và ngài đã thực sự nhanh chóng được chọn. Đức Hồng Y Giovanni Battista Montini chắc chắn đã là ứng viên Giáo Hoàng sáng giá vào năm 1963, một phần vì nhiều Hồng Y cử tri đã coi ngài là người kế vị hợp lý cho Đức Piô thứ 12 vào năm 1958; nhưng vì một số lý do chưa giải thích được, Đức Montini, mặc dù là tổng giám mục của Milan, không phải là Hồng Y khi Đức Piô thứ 12 qua đời.

Đối với những người không có thành kiến nhưng có sự hoài nghi thích đáng với những tưởng tượng của truyền thông Ý, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã tham gia mật nghị năm 2005 với tư cách một ứng viên Giáo Hoàng sáng giá, và rời mật nghị với tư cách là giáo hoàng sau một thời gian ngắn bỏ phiếu. Tương tự như vậy, vào năm 2013, những người có nguồn tin thực (thường không bao gồm các tờ báo Ý) đều biết rằng Hồng Y Dòng Tên Jorge Mario Bergoglio, là ứng cử viên hàng đầu, và cuộc bầu cử của ngài sau một mật nghị ngắn không có gì đáng ngạc nhiên đối với họ.

Huyền thoại số 3: Một mật nghị phải qua nhiều vòng bỏ phiếu, gây tranh cãi, sẽ dẫn đến một triều đại Giáo Hoàng không có thực quyền. Không đúng.

Các Đức Hồng Y Giacomo Della Chiesa, Achille Ratti, và Karol Wojtyla đều được bầu vào ngôi Giáo Hoàng sau những mật nghị kéo dài; hơn nữa, các mật nghị năm 1914 và 1922 đầy tranh cãi, khi các Hồng Y tiếp tục bàn cãi về di sản của Cách mạng Leonine. Tuy nhiên, Đức Bênêđíctô 15, Piô thứ 11 và Đức Gioan Phaolô II đều là những vị giáo hoàng vĩ đại đã có những đóng góp đáng kể cho Giáo hội. Bài học ở đây là gì? Thưa: Một mật nghị dài có thể tạo ra một kết quả được cân nhắc chu đáo.

Huyền thoại số 4: Những Hồng Y duy nhất có thể quyết định là những Hồng Y thực sự bỏ phiếu. Không đúng.

Kể từ khi Đức Phaolô Đệ Lục cải tổ các thủ tục mật nghị, chỉ những Hồng Y chưa quá tuổi tám mươi khi mật nghị được khai mạc mới có thể được bỏ phiếu. Tuy nhiên, tất cả các vị Hồng Y đều tham gia vào Tổng Công Nghị Hồng Y trong thời gian giữa cái chết hoặc sự thoái vị của giáo hoàng và sự hoàn thành của mật nghị. Và các ngài có thể có tác dụng thực sự, như Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor của Anh đã chứng minh qua việc ngài ủng hộ Đức Hồng Y Bergoglio vào năm 2013. Với hơn tám mươi vị Hồng Y có thẩm quyền đạo đức lớn như Francis Arinze, Wilfrid Fox Napier, George Pell, Camillo Ruini, và Giuse Trần Nhật Quân tham gia, các cuộc thảo luận trong các Tổng Công Nghị Hồng Y tiếp theo có thể có ảnh hưởng tương tự.
Source:First Things