Tuy đã bổ nhiệm nhiều vị tân tổng trưởng hoặc các vị đứng đầu các cơ quan ngang hàng 1 bộ trong Giáo Triều Rôma, việc Đức Phanxicô bổ nhiệm Đức Hồng Y Tagle làm tân tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc được nhiều người bình luận rất hào hứng, đến độ cho rằng đây là một động thái chuẩn bị để bầu người thay thế ngài.



Ngày 11 tháng 12 vừa qua, hai ký giả kỳ cựu chuyên tường trình về Vatican đều cùng nói đến động thái này. John Allen đặt tựa cho bài nhận định của ông là “In Tagle, Pope strengthens his Vatican hand and sets up possible successor” (Nơi Tagle, Đức Giáo Hoàng củng cố cánh tay của ngài tại Vatican và thiết lập vị có khả năng kế nhiệm ngài). Tựa đề bài nhận định của Sandro Magister là “Conclave Rehearsals. The Next Pope Will Take His Name From Sant’Egidio” (Diễn tập Mật Nghị Hội Bầu Giáo Hoàng. Vị Giáo Hoàng Kế Tiếp Sẽ Lấy Tên Hiệu từ Sant’Egidio” (có ý nói đến Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Tổng Giám Mục Bologna và đồng sáng lập viên của Cộng Đồng Sant’Egidio), trong đó Magister đề cập tới 6 vị Hồng Y có triển vọng được bầu làm Giáo Hoàng trong mật nghị hội sắp tới. Một trong 6 vị đó, có Đức Hồng Y Tagle.

Bốn lý do

John Allen nêu 4 lý do khiến việc điều động Đức Hồng Y Tagle về Vatican trở thành quan trọng:

Lý do thứ nhất là thêm một Giám Mục ủng hộ Đức Phanxicô mạnh mẽ trong một chức vụ lớn ở giáo triều. Nó tăng cường hàng ngũ nhân viên ở Vatican sẵn sàng cổ vũ nghị trình của Đức Giáo Hoàng, nhờ thế giúp ngài nhiều đòn bẩy hơn để hoàn thành nhiệm vụ.

Đức Hồng Y Tagle xưa nay vốn có tiếng là “Phanxicô của Á Châu”, một người có xu hướng công bằng xã hội ôn hòa vốn hỗ trợ di dân và người nghèo và lối sống bản thân cho thấy sự đạm bạc và đơn giản. Lúc mới làm Giám Mục, ngài đã có tiếng là đạp xe đạp đi cử hành Thánh Lễ theo lịch trình và mời các hành khất địa phương tới nhà dùng bữa trưa.

Bối cảnh thần học của Đức Hồng Y Tagle phản ảnh xu hướng cấp tiến, thiên cải tổ của Công Đồng Vatican II. Ngài từng phục vụ tại Ban Biên Tập của tác phẩm nhiều cuốn tựa là Lịch Sử Vatican II do Giuseppe Alberigo và Alberto Melone lãnh đạo; họ là các nhân vật chủ chốt của “Trường Phái Bologna” đại diện cho cách đọc cấp tiến đối với Vatican II.

Lý do thứ hai, Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc là một bộ lớn ở Vatican và nó sẽ còn trở nên lớn hơn nữa trong những ngày sắp tới.

Ngày nay, dưới dự án cải tổ giáo triều sắp tới, nó sẽ trở thành tâm điểm của một siêu thánh bộ Truyền Giảng Tin Mừng, sáp nhập luôn Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa. Vốn được biết dưới tên cũ Propaganda Fide, bộ này có trách nhiệm đối với Giáo Hội tại các lãnh thổ truyền giáo, một điều vốn làm nó thành có nhiều quyền lực cả về chính trị lẫn tài chánh tại Rôma và khắp thế giới. Người ta cho rằng tân thánh bộ Truyền Giảng Tin Mừng sẽ trở thành thánh bộ số một trong trật tự phân hạng nội bộ của Vatican, thay thế cho thánh bộ Giáo lý Đức Tin, một thánh bộ xưa nay vẫn được coi là La Suprema (Thánh Bộ Tối Cao).

Hơn nữa, nguyên sự kiện nay Đức Hồng Y Tagle cầm đầu cũng đủ tăng uy thế cho Propaganda Fide, vì ngài vốn nổi tiếng trong giới diễn giả Công Giáo. Ngài là một nhà truyền thông có tài, thành thực nói hết những gì mình nghĩ, mình cảm và nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Thứ ba, việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Tagle cũng còn là một việc đề cao sự hiện diện của người Phi Luật Tân trong Đạo Công Giáo hoàn vũ. Ngày nay, nước này là nước Công Giáo lớn thứ ba trên thế giới với khoảng 90 triệu tín hữu, sau Ba Tây và Mễ Tây Cơ, và dĩ nhiên hơn Hoa Kỳ. Tuy nhiên, so sánh với Ba Tây và Mễ Tây Cơ, Đạo Công Giáo ở Phi Luật Tân có khuynh hướng năng động hơn với cấp độ đức tin và thực hành trung bình cao hơn và nhiều ơn gọi linh mục và tu trì hơn.

Tại nhiều nơi trên bản đồ Công Giáo, kể cả ở Hoa Kỳ, người Phi Luật Tân hiện nay giống như người Ái Nhĩ Lan ngày trước, nghĩa là các nhà truyền giáo giữ cho các Giáo Hội địa phương sống động. Ngày nay, vào bất cứ khu vực xe điện ngầm nào tại một thành phố Hoa Kỳ người ta cũng thấy người Phi Luật Tân, những người năng động nhất nơi các cộng đồng địa phương và bất cứ nơi nào họ hiện diện, các giáo xứ cũng đã mọc lên.

Những người Phi Luật Tân xa xứ cũng là xương sườn của các Giáo Hội địa phương trong đủ thứ khung cảnh, từ Saud Arabia, nơi họ làm việc trong kỹ nghệ dầu hỏa và như người làm việc nhà cho các gia đình Saudi giầu có, tới Australia và cả Y đại lợi nữa.

Lý do thứ bốn: đặt Đức Hồng Y Tagle vào 1 nhiệm vụ quan trọng như thế tại Giáo Triều đã củng cố tư thế của ngài như một người có tiềm năng kế vị Đức Phanxicô.

Giả thiết mật nghị hội bầu Giáo Hoàng vẫn còn xa, nhưng viễn ảnh này khiến đến lúc nó diễn ra thì Đức Hồng Y Tagle sẽ ở giữa đến cuối tuổi 60, rất đúng lúc để các cử tri Hồng Y Đoàn nghiêm túc xét đến việc bầu chọn ngài: trẻ đủ để cai trị, nhưng cũng già đủ để đừng ở ngôi vị quá lâu!

6 ứng cử viên có tiềm năng

Như trên đã thưa, Sandro Magister giới thiệu 6 vị Hồng Y có tiềm năng kế vị Đức Phanxicô. Magister là người Âu Châu, nên vẫn còn khuynh hướng đề cao người Âu Châu hay Bắc Mỹ, nhất là người Ý. Nên 2 vị được ông đặt lên hàng đầu là các Hồng Y Marc Ouellet và Christoph Schonborn; tiếp đến là các Đức Hồng Y Robert Sarah, rồi Pietro Parolin, rồi mới đến Đức Hồng Y Tagle và sau cùng là Đức Hồng Y Matteo Zuppi.

Magister ghi nhận tính cách quan trọng của việc bổ nhiệm Đức Hồng Y Tagle vì cho rằng “để dành chỗ cho ngài cầm đầu ‘Propaganda Fide’, Đức Phanxicô đã đột nhiên kéo ra khỏi đó vị tiền nhiệm của ngài, Đức Hồng Y Fernando Filoni, bất chấp sự kiện vị này chưa hết thời gian tính theo tuổi, mới 73, hay thời gian giữ chức vụ, chỉ chấm dứt vào năm 2021”.

Magister nhận định thêm rằng “Đức Giáo Hoàng dành cho Đức Hồng Y Filoni một chức vụ, có tính danh dự nhiều hơn thực chất, là Đại Sư Hội Hiệp Sĩ Mộ Thánh Giêrusalem. Việc Đức Phanxicô ít có thiện cảm với ngài có thể gán cho cả việc Đức Hồng Y gần gũi với Phong Trào Neocatechumenal Way, một phong trào bị Đức Giáo Hoàng dị ứng một cách trông thấy, lẫn các nhận xét ngài phát biểu trong 2 cuộc phỏng vấn của tờ L’Osservatore Romano và của Vatican News, liên quan đến thoả thuận bí mật hồi tháng 9 năm 2018 giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, vốn được Đức Phanxicô hết lòng ủng hộ”.

Về Đức Hồng Y Tagle, Magister cho rằng “Tagle là hoàng thái tử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người kế vị ‘giữ trong lòng’ (in pectore) của ngài. Khi mời Đức Hồng Y đứng đầu ‘Propaganda Fide’, Đức Giáo Hoàng ủy thác cho ngài việc cai quản một phần Châu Mỹ La Tinh, hầu hết Châu Phi, hầu hết Á Châu trừ Phi Luật Tân, và Châu Đại Dương trừ Úc, tóm lại là khu ngoại vi mênh mông của Giáo Hội vốn rất thân thiết đối với Đức Phanxicô”.

Magister nhận định thêm “Nhưng trước cả việc trên, Đức Phanxicô vốn đã hành động để củng cố tư thế quốc tế của người mình sủng ái. Ngài vốn mời Đức Hồng Y chủ tọa Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia đình. Và tháng 4 năm 2016, ngay sau khi tông huấn Amoris Laetitia được ban hành, trong đó, Đức Giáo Hoàng mở đường cho các người ly dị tái hôn được rước lễ, Đức Hồng Y Tagle là một trong các Giám Mục của toàn thế giới đã dành cho nó một lối giải thích rộng rãi nhất.

“Với những người phản đối, cho rằng huấn quyền mềm mỏng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang tạo ra nhiều nghi ngờ hơn là chắc chắn, Đức Hồng Y Tagle trả lời: ‘Thỉnh thoảng mơ hồ là điều tốt. Nếu sự việc luôn rõ ràng, thì mình đâu có sống trong đời thực nữa’”.

Tuy nhiên, Magister viết thêm, “về nẻo đường đi của Giáo Hội trong thời hiện tại, thì Đức Hồng Y Tagle có một ý tưởng hết sức rõ ràng: với Vatican II, Giáo Hội đã xa lìa với quá khứ và đã đánh dấu một khởi đầu mới. Đó là luận đề chép sử của cái gọi là 'trường phái Bologna' do Cha Giuseppe Dossetti thành lập và hiện nay do Giáo sư Alberto Melloni đứng đầu, và Đức Hồng Y Tagle là thành viên”...

Chưa hết, theo Magister, lúc kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên năm 2018, Đức Hồng Y Tagle là vị đầu tiên được bầu đại diện Á Châu để chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng kế tiếp. Và rồi hồi tháng Giêng năm 2019, Đức Phanxicô ủy thác cho ngài đọc diễn văn dẫn nhập tại hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng tình dục, một hội nghị có tiếng vang quốc tế.

Magister cho rằng nếu Đức Hồng Y Tagle có được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày mai, thì chẳng ai ngạc nhiên chi. Tuy nhiên, Magister nghĩ rằng tuổi tác có thể là một trở ngại vì hiện Đức Hồng Y Tagle chỉ mới 62, làm Giáo Hoàng lâu quá sẽ bị nhiều người lo ngại!

Nhận định của Magister rõ ràng không mấy thiện cảm đối với vị Hồng Y Á Châu rất dễ thương, khác hẳn nhận định đầy thiện cảm của John Allen, phải chăng vì Đức Hồng Y Tagle xuất thân từ một Đại Học Hoa Kỳ, chứ không phải Rôma.