TÔI ĐỌC "KHÚC SÁO ÂN TÌNH"

của linh mục nhà văn Trần Cao Tường


"Khúc Sáo Ân Tình" là tác phẩm thứ bảy của linh mục nhà văn Trần Cao Tường, phục vụ gíao xứ ở New Orleans, nơi có khoảng 10 ngàn người Việt di cư Công giáo. Linh mục cũng là tác giả cuốn Đường Nở Hoa Lê Thị Thành, xuất bản vào năm 1996, mô tả khá tỉ mỉ cuộc đời của thánh nữ.

Theo lời tác giả thì "Khúc Sáo Ân Tình" là một vũ khúc triển dương tạ ơn, như mốc ghi được kết bằng 25 hòn đá rải rác trên quãng đường dài 1975-2000, mốc ghi người Việt ly hương mở ra biên cương mới của đất Việt trong tầm nhìn mới."

Tại sao tác giả không gọi cuốn sách ghi lại quãng đường dài 25 năm di cư bằng cái tên như "25 Năm Ân Tình" Hay "25 Năm Xa Xứ" mà lại chọn một cái tên rất kỳ lạ và rất thơ mộng là "Khúc Sáo Ân Tình?"

Chọn như vậy ắt hẳn phải có một lý do chính đáng và thầm kín, nó thầm kín như chính con người của tác giả vậy.

Theo lời tiết lộ của tác giả thì ông đã đi học thổI sáo Tây cả hai năm, và mới đây ông chuyển qua học thổi sáo trúc. Theo ông, sáo trúc bình dị từ "cây trúc tầm thường" nhưng lại rất rung cảm.

Chính vì thổi sáo trúc mà tác giả đã đi sâu vào con đường chiêm niệm - contemplation - và con đường thiền - mystic.

Chúng ta hãy nghe ông mô tả nghệ thuật - hay nói đúng hơn là bí quyết huyền nhiệm - của người thổi sáo ân tình: "Trước hết người thổi sáo phải hòa nhập trở thành chính ống sáo với lòng trống và thanh tịnh cho hơi thở của Trời chuyển vào. Phải biết xả cho tâm mình trống không, tụ khí xuống thật sâu tận đáy lòng, nơi tụ điểm hòa nhập với hơi thở của đất trời, rồi chuyển hơi vào lỗ sáo như một lời cầu nguyện."

"Xuống được đáy lòng, tác giả viết tiếp, vào sâu trong nội tâm, chính là gặp được giao điểm của trời đất, người Tàu gọi là đan điền (ruộng son), người Nhật gọi là khí hải (biển khí)."

Mô tả bí quyết thổi sáo như trên, tác giả đi tới kết luận: "Thì ra người thổi sáo cũng phải trở thành chính ống sáo. Những đục khóet trong đời không phải là những phi lí lãng xẹt, mà là do Thần Khí Chúa "lùa dao khoét lỗ luyện kinh, tác thành ống sáo cho tình dâng cao."

Nhận thức được nghệ thuật và tác động thiêng liêng huyền nhiệm của tiếng sáo như vậy nên tác giả mới đặt tên cho sách của mình là "Khúc Sáo Ân Tình."

Linh mục Trần Cao Tường không chỉ là một nhà văn, ông cũng không phải chỉ là một linh mục. Ông còn là một nhà chiêm niệm, một "thiền gia" - mystic - theo theo nghĩa thời Trung Cổ của danh từ này.

Những thiền gia đều cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong thế giới thiên nhiên và trong tất cả các sinh vật, đưa tới sự biến dạng - trandfiguration - của những vật tầm thường chung quanh mình.

Chínnh cái nhìn biến dạng này đã khiến cho nhà văn gọi đoạn viết về thổi sáo là "Thiền Thổi Sáo." Cây sáo trúc tầm thường của người Việt đã trở thành chiếc ống chuyên chở Thần Khí của Chúa Thánh Linh vào tận đáy lòng.

Viết về tôn giáo là một điều không dễ dàng và dễ hiểu. Lại viết về chiêm niệm và thiền Công giáo thì quả là một đề tài vô cùng khó khăn, khó hiểu và khó truyền cảm. Nhưng tác giả "Khúc Sáo Ân Tình" coi như đã thành công vì ông đã diễn tả những gì rất trừu tượng, rất "huyền bí," rất xa xôi và sâu thẳm bằng những hình ảnh và lời văn thông thường của đời sống hằng ngày, những hình ảnh và lời văn mà mọi người dân quê Việt Nam đã quen thuộc từ lâu, vì nó đã ăn sâu vào lòng như những câu ca dao tục ngữ của cha ông truyền lại cho con cháu từ ngàn xưa thăm thẳm.

Tác giả không viết về những cuộc đời chiêm niệm và thiền qua nghiên cứu sách vở. Ông sống thật cuộc đời đó trước khi mô tả nó. Ông đã gặp được Thần Khí trước khi đưa Thần Khí vào văn chương. Có nghĩa ông là người biết thổi sáo - và thổi sáo hay - trước khi diễn tả tiếng sáo ngọt ngào, trầm bổng và quyến dũ cho người khác cùng thưởng thức, đưa họ vào một thế giới không phải của Tiên Nga, Ngọc Nữ như trong thơ của Thế Lữ, mà đưa họ vào thế giới Tình Yêu muôn thuở, đẹp như những rừng hoa không bao giờ tàn, và lung linh thơ mộng như vầng trăng không bao giờ lặn...

Con người không mô tả được cảnh đẹp của Thiên Đường có thực mà chỉ mô tả được cảnh đẹp của Thiên Thai trong tưởng tượng. Linh mục Trần Cao Tường cũng chỉ mới cảm nhận được vẻ đẹp Thiên Đường này. Ông chưa thực sự sống tràn ngập trong đó.

VÀO SA MẠC

Người ta thường nói: đạo Công giáo phát xuất từ sa mạc - sa mạc Sinai - nên trong lòng mỗi người Công giáo đều có một niềm nhớ nhung sa mạc và một tiếng gọi xa xăm trở về sống trong sa mạc. Nếu hình ảnh con trâu và lũy tre dẫn đưa người Việt tha hương về với quê hương đất nước nơi trần thế, thì hình ảnh sa mạc và ngọn núi Sinai dẫn đưa con người Công giáo về với nguồn gốc tôn giáo của mình.

Có lẽ chính vì vậy mà linh mục Trần Cao Tường, một nhà chiêm niệm và một "thiền gia" đã nhiều lần vào sống trong sa mạc.

Ngay trong phần mở đầu cuốn "Khúc Sáo Ân Tình," tác giả cho biết ông đã có dịp vào sa mạc trống trong một thời gian dài ba mươi ngày để tĩnh tâm. Theo tác giả thì "đây là cơ hội cho mình nhìn lại cuộc sống, có bổng mà cũng có trầm, có đủ màu sắc hỉ nộ ái ố xanh vàng tím đỏ, có những lúc tâm hồn mọc cánh thênh thang, mà lại cũng trải qua những gai đoạn bị đục khoét lia chia mà chẳng hiểu tại sao..."

Chính sự đục khoét tâm hồn cho rỗng trống, chính những mâu thuẫn nội tâm trầm bổng đã kết lại thành một hòa khúc dịu êm, như hòa khúc mà Đức Mẹ đã nghe được thiên thần báo tin sẽ sinh con Thiên chúa. Hòa khúc này, tác giả đặt tên nó al Vũ Khúc Tuyên Dương:

Chúa đã làm cho tôi muôn việc kỳ diệu

Người nâng cao những ai phận nhỏ
.

Tác giả vào sa mạc để thấy con người của mình phận nhỏ li ti khi đứng trước cái mênh mông của đất trời. Và trong lúc tác giả cảm nghiệm được thân phận thấp hèn mong manh của mình như vậy là chính lúc Thần Khí Chúa mang một cây sáo trúc tặng cho ông để ông tấu lên thành "Khúc Sáo Ân Tình" ngay giữa lòng sa mạc.

Như vậy, độc giả người Việt đọc "Khúc Sáo Ân Tình" có thể kết luận được rằng nếu tác giả là người không biết thổi sáo trúc của người dân quê Việt Nam, và nếu tác giả không sống lâu ngày trong sa mạc bao la để thấy thân phận con người nhỏ bé li ti như hạt cát, và để nhìn lên trời cao chỉ thấy có trăng sao và những đám mây vần vũ, thì có lẽ ông không sáng tác được hòa khúc "Khúc Sáo Ân Tình."

"Khúc Sáo Ân Tình" không phải chỉ là một tiếng sáo vẳng lên trời cao rồi lịm tắt. Cuốn sách in đẹp, trình bày mỹ thuật và đơn giản, dày trên 400 trang, gồm có 57 tiếng sáo nhỏ kết lại thành một bản Trường Ca Ân Tình làm say mê độc giả suốt mấy tiếng đồng hồ, nhất là vào những giờ thanh vắng đêm khuya khi ngoài trời có gió thổi và trên trời có một vài vì sao lấp lánh cô đơn, lạnh lẽo.

Lối viết và lối suy tư của tác giả làm cho người ta nhớ lại cuốn "Bread for the Journeỳ của linh mục nhà văn nổi tiếng thế giới Henri J.M. Nouwen, chuyên viết về tu đức. Cuốn sách này được chia thành 365 bài cho một năm, mỗi bài tự nó làmột đề tài suy niệm, rất súc tích và sâu sắc nhưng lại dễ hiểu và trong sáng như lối viết của Tân Ước.

Cuốn "Khúc Sáo Ân Tình" của linh mục nhà văn Trần Cao Tường với lối diễn tả nhìn thẳng vào vấn đề và diễn tả vấn đề đó bằng một lối hành văn gẫy gọn, mạch lạc, dễ hiểu, dùng nhiều hình ảnh, giai thoại và ẩn dụ rút ra từ Thánh Kinh, từ sách báo, từ đời sống của các nhà đạo đức, và rút ra từ chính cuộc đời của tác giả.

Đây là một loại sách hiếm về chiêm niệm và Thiền Công giáo rất cần thiết trong đời sống ồn ào, phức tạp, đầy hoài nghi và lo sợ viển vông của nhiều người chúng ta đang sống trong một thế giới quá đầy đủ về tiện nghi vật chất, nhưng thiếu vắng những suy tư về tâm linh.

Nói tóm lại, cũng như linh mục tác giả Trần Cao Tường, mỗi người chúng ta phải trở về sa mạc để tìm lại nguồn gốc tôn giáo của mình và cho lòng mình cảm nghiệm thấy trống rỗng, cô đơn để đón nhận Thần Khí Chúa từ trời cao đầy hồn trí, như một cơn mưa rào.