Giải đáp phụng vụ: Đưa vật nuôi vào Nhà Thờ được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Xin cha cho con biết vài điều sáng tỏ về việc liệu đưa chó vào nhà thờ khi đi tham dự thánh lễ được không? – T. K., bang Maharashtra, Ấn Độ


Đáp: Tôi đã tìm tài liệu bằng nhiều ngôn ngữ nhưng không thấy các qui định của Giáo Hội về việc đưa vật nuôi vào nhà thờ, như bạn nói.

Ngay cả pháp luật dân sự cũng rất khác nhau về việc này. Chẳng hạn một luật ở Ý cho phép con chó có dây xích được vào ở hầu hết các nơi công cộng, trừ nơi chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, chó dẫn đường hoặc chó phục vụ cho người mù được phép vào các nơi chế biến thực phẩm nữa. Ở các nước khác, việc vật nuôi được vào nơi công cộng là nhiều hay ít bị hạn chế, hoặc quyết định là tùy vào chủ sở hữu các nơi ấy.

Văn hóa địa phương và các thái độ đối với động vật cũng là một yếu tố quan trọng. Một số xã hội có một thái độ rất tích cực đối với sự hiện diện của vật nuôi, trong khi các xã hội khác ít hoan nghênh điều này. Dường như không có bất kỳ tiêu chuẩn phổ quát nào có thể được thiết lập.

Điều này cũng là đúng, nhiều hơn hoặc ít hơn, cho các nhà thờ. Từ những gì tôi đã có thể thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, dường như trong hầu hết các trường hợp, quyết định cuối cùng là tùy ở linh mục, và ngài sẽ quyết định theo các nguyên tắc chung và tình hình địa phương.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, câu trả lời của các linh mục là không khuyến khích các tín hữu mang vật nuôi của họ đến nhà thờ, ngoại trừ trường hợp của vật nuôi phục vụ.

Thật vậy, cảm tính này được chia sẻ bởi đa số các tín hữu. Hầu hết mọi người xem là không thích hợp khi đem vật nuôi vào nhà thờ, và sẽ không thoải mái trong một tình hình có đông người khác có mặt.

Trong số các lý do cho sự miễn cưỡng đưa vật nuôi vào nhà thờ, có:

- Hầu hết các tín hữu đến nhà thờ để thờ phượng Thiên Chúa với sự tập trung tâm trí đầy đủ của mình. Nếu họ muốn được giải trí, họ nên đến một buổi hòa nhạc hoặc đi xem kịch. Nếu họ thích có sự có mặt của vật nuôi, họ nên đi đến công viên. Tương tự như vậy, họ có thể để vật nuôi của họ ở nhà một mình trong rất nhiều dịp khác, chẳng hạn khi họ đi làm, đi xem hát, hoặc tham dự một sự kiện xã hội chính thức. Do đó, một lý do khác nữa để không đem vật nuôi đến nhà thờ, vì đó là nơi mà vật nuôi có thể là nguồn chia trí cho mình và cho người khác.

- Các vật nuôi không hưởng lợi gì từ buổi lễ, và thực sự môi trường khép kín có thể là một nguồn căng thẳng cho chính các vật nuôi.

Lẽ tất nhiên, trường hợp ngoại lệ là nghi thức chúc phúc hàng năm cho các vật nuôi, vốn được thực hiện vào ngày lễ của một số vị thánh, chẳng hạn lễ Thánh Phanxicô Átxidi. Nhưng vào dịp này, toàn bộ buổi lễ hoặc nghi thức chúc phúc thường được cử hành bên ngoài nhà thờ, chứ không bên trong nhà thờ.

- Ngay cả các vật nuôi được huấn luyện tốt nhất và sạch sẽ nhất vẫn có thể gây ra phản ứng dị ứng, hoặc chứng sợ hãi cho một số người trẻ và người cao tuổi. Hầu hết các Kitô hữu muốn mình không là tác nhân, cho dù là không cố ý, của các sự khó khăn như thế cho các người đồng đạo của mình.

Trên đây là một số lý do tại sao cả linh mục và các tín hữu thường không ủng hộ việc đưa chó và các vật nuôi khác vào nhà thờ. Có thể có một số trường hợp ngoại lệ, và ít hay nhiều khoan dung ở một số nơi, nhưng tôi tin rằng đây là quan điểm chung.

Thực tế này không có nghĩa rằng Giáo Hội có một cái nhìn tiêu cực về các động vật, và không đánh giá cao chúng như là một phần của việc Chúa tạo thành. Bởi vì Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo nói rõ:

“2415 (226, 358 378 373) Ðiều răn thứ bảy dạy phải tôn trọng sự toàn vẹn của vạn vật. Thiên Chúa đã ban thú vật, thực vật và những vật vô tri, nhằm phục vụ lợi ích chung của nhân loại trong quá khứ, hiện nay và tương lai (x. St 1,28-31). Khi sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật trong vũ trụ, con người phải tôn trọng các đòi hỏi của luân lý: Ðấng Sáng Tạo đã ban cho con người quyền bá chủ trên các vật vô tri và những sinh vật khác, nhưng không phải quyền tuyệt đối, vì phải để ý đến ảnh hưởng trên đời sống của tha nhân, kể cả những thế hệ tương lai; quyền này đòi chúng ta phải trân trọng sự toàn vẹn của vạn vật (x. CA 37 -38).

“2416 (344) Thú vật là những thụ tạo của Thiên Chúa và được Người ân cần chăm sóc (Mt 6,2). Chúng hiện hữu để ca tụng và tôn vinh Người (x. Ðn 3, 57 -58). Do đó, con người phải biết thương chúng. Các thánh như Phan-xi-cô Át-xi-di hoặc Phi-1ip-phê Nê-ri đều đối xử dịu hiền với thú vật.

“2417 (2234) Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Người và trao phó quyền quản lý các thú vật (x. St 2,19-20; 9,1-4). Do đó con người được phép ăn thịt thú vật và lấy da làm y phục, có thể thuần hóa chúng để trợ lực con người trong lao động và giải trí. Những thí nghiệm y học và khoa học trên thú vật có thể chấp nhận được về phương diện luân lý, miễn là ở trong những giới hạn hợp lý và góp phần vào việc chữa bệnh hoặc cứu lấy mạng sống con người.

“2418 (2446) Hành hạ hay giết hại thú vật cách vô ích là điều trái với phẩm giá con người. Cũng thế, chi phí những số tiền quá đáng cho thú vật, lẽ ra phải ưu tiên làm giảm bớt sự khốn cùng của con người, thì cũng là một việc bất xứng. Người ta có thể thương thú vật, nhưng không được dành cho chúng tình yêu, chỉ xứng với con người” (Bản dịch tiếng Việt của Ban Giáo Lý Tổng giáo phận Sài Gòn).

Như vậy, việc không đưa các vật nuôi vào nhà thờ chỉ có nghĩa rằng, khung cảnh của việc thờ phượng không phải là nơi thông thường hoặc nơi thích hợp, cho việc tỏ lòng tôn trọng và yêu thương đối với vật nuôi. (Zenit.org 10-9-2013)

Nguyễn Trọng Đa