NHỮNG KHOẢNG CÁCH GIỮA CÁC THẾ HỆ Ở MỸ

Kinh nghiệm cho người ta thấy bao giờ cũng có những khác biệt giữa hai thế hệ già và trẻ, và người ta gọi đó là “khoảng cách thế hệ” (generation gap). Hai thế hệ già và trẻ nói trên thường được áp dụng trực tiếp vào thế hệ của những bậc cha mẹ và thế hệ của những người con đã bắt đầu đến tuổi trưởng thành.

Trong cuốn “Generations: The History of America's Future, 1584 to 2069” (Những Thế Hệ: Lịch Sử Tương Lai của Mỹ Quốc, từ năm 1584 đến năm 2069), hai tác giả William Strauss và Neil Howe đã đi xa hơn khoảng cách giữa những thế hệ để đề nghị những mô thức và những nguyên tắc của các động lực thế hệ mà theo đó người ta có thể ghi nhận được qua thời gian.

Hai tác gỉa nói trên đã chia các thế hệ trong một khoảng cách thời gian trung bình là 22 năm. Những thế hệ đó như các lượn sóng từ ngoài khơi tràn vào bờ biển; chúng tạo thành các hình tượng, nhô lên cao, tràn vào bờ, rồi biến dạng... Lý thuyết của hai ông Strauss và Howe cho rằng có những cá tính riêng của một chu kỳ bốn thế hệ. Cứ hết một chu kỳ thì cá tính của thế hệ đầu tiên xuất hiện trở lại, rồi đến thế hệ thứ hai và cứ như thế trong suốt lịch sử nước Mỹ.

Cá tính của bốn thế hệ nói trên có thể được phân chia thành: Lý tưởng (idealist), phản chứng (reactive), thuần thục (civic), và thích dụng (adaptive).

Cá tính LÝ TƯỞNG được định nghĩa là chủ động và tự giác; đến từ một cuộc xáo trộn nhân bản và thường hướng chiều về luân lý và mộng tưởng; thường khởi đầu một sự chuyển động trong đời sống tâm linh (dù thuộc hay không thuộc tôn giáo); chấp nhận một lối sống “ngôn sứ” của mộng tưởng và giá trị.

Thế hệ có cá tính PHẢN CHỨNG đến ngay sau thế hệ lý tưởng; trưởng thành trong sự chuyển động của đời sống tâm linh và chống lại những thái qúa của sự chuyển động đó; thường thực tế, đơn sơ, và thích ẩn dật; ưa lối sống phiêu linh và tự tồn của dân lãng du Bohemian.

Thế hệ THUẦN THỤC kế tiếp, thường là tự tin, chủ động, và có tinh thần phục vụ; thiết lập những qui chế; tự hi sinh và làm việc quá sự đòi hỏi. Họ có lối sống “anh hùng” trong những thành qủa và phần thưởng thế tục.

Sau hết là thế hệ THÍCH DỤNG. Họ cố tổng hợp những thành qủa của các thế hệ trước; thích ứng, nhưng có thể khởi đầu cho khủng hoảng nhân bản kế tiếp. Họ thích lối sống “thanh lịch” của những người có chuyên môn và hay cải thiện.

Tuy nhiên, xã hội Mỹ thường là một tổng hợp của cả bốn loại thế hệ hiện hữu ở những giai đoạn khác biệt trong cuộc đời của dân chúng. Họ là những người đã đến tuổi già (senior citizens), những người trung niên đang nắm vận mệnh đất nước (median adults), thành phần trẻ đang lên (young adults), và các mầm non (children). Những thành phần này luôn luôn chuyển động, “va chạm” lẫn nhau đưa đến những chu kỳ quyền lực (power cycle). Thỉnh thoảng, những sự kiện xảy ra liên tục đã hình thành một “phong trào xã hội mới”, định hướng cho cả một thời kỳ. Mỗi thời kỳ như thế thường tồn tại khoảng một thập niên. Những thế hệ và các thời kỳ tương hợp và hình thành lẫn nhau đưa đến những kết qủa rất khác biệt.

NHỮNG CHU KỲ QUYỀN LỰC CỦA THẾ KỶ XX

Các ông Strauss và Howe đã chia những nhóm thế hệ trong gần thế kỷ qua như sau:
* Thế hệ của những người lính G.I., sinh khoảng 1901-24, thuộc loại thuần thục.
* Thế hệ thầm lặng, sinh khoảng 1925-45, thuộc loại thích dụng.
* Thế hệ “nổ bùng” (Boom Generation, lấy từ chữ “Baby boom”, và cũng vì cuộc “nổ bùng” của thập niên 60’s. Họ được sinh ra sau Thế Chiến Thứ Hai, trong khoảng 1946-68, thuộc loại lý tưởng.
* Thế hệ thứ Mười Ba (13th generation), hay thế hệ X. Có người còn gọi họ thế hệ “nổ tan tành” (Bursters), sinh khoảng 1968-1990, thuộc loại phản chứng.

(Người ta đã bắt đầu phải để ý tới thế hệ mới, sinh từ năm 1990 trở về sau, đang bước vào tuổi trưởng thành. Ở Việt Nam, phải chăng những người này đang được gọi là những 9X? Trong khi dân Mỹ đã gọi họ là những người của thế hệ Thiên Kỷ, Millennial, hay thế hệ Y.)

Thế hệ lính G.I. (Government Issue, thuộc quyền xử dụng của chính phủ) đã lớn lên trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, trưởng thành trong thời đệ nhị thế chiến, khi về già, họ đã kinh nghiệm sự nổ bùng của thập niên 60s. Thế hệ thầm lặng sinh ra trong thời kinh tế khủng hoảng, họ vẫn còn trẻ trong thời thế chiến và họ đã trở thành trung niên trong cuộc nổ bùng. Thế hệ nổ bùng hay “the Boomers” được sinh ra sau thế chiến, họ đã kinh nghiệm sự nổ bùng khi vừa đến tuổi thành niên. Gọi là “thế hệ thứ 13” bởi vì họ là những người sinh vào thế hệ thứ 13 kể từ khi Hoa Kỳ lập quốc. Nhưng hiện nay nhiều người đã đồng ý gọi họ là thế hệ X.

Các ông Strauss và Howe đã giúp người đọc phần nào hiểu được cá tính của mỗi thế hệ nói trên, biết được vị trí của họ trong chu kỳ quyền lực.

* Thế hệ G.I.: Họ là những người tự tin và giải quyết các vấn đề khó khăn trong sự hợp lý. Họ can đảm nhưng không cẩu thả. Họ là những chiến sĩ đã chiến thắng trận đại chiến, những nhân tài đã chiếm giải Nobel, những nhà phát minh các loại thuốc kỳ diệu, và những người đã sáng chế ra bom nguyên tử. Họ đã đưa người lên cung trăng. Họ đã đạt những thành công lớn lao trong sự đoàn kết. Những vị tổng thống như Kennedy, Johnson, Nixon, Ford, Carter, Reagan, và Bush (bố) đã là những “sản phẩm” của thế hệ này.

* Thế hệ thầm lặng: Họ là những người cung ứng và ưa kỹ thuật cách thận trọng. Giới hạn của họ được vạch ra do những thế hệ trước và sau họ. Họ là thế hệ phồn thịnh nhất lịch sử. Họ đã sinh ra qúa trễ cho trận đại chiến và qúa sớm cho cuộc nổ bùng. Họ đã không gặp những khó khăn lớn, khi còn trẻ rất ít người mắc tội phạm, ít tự tử, hiếm có vụ mang thai khi chưa kết hôn, và họ đã không bị thất nghiệp nhiều. Họ nhấn mạnh đến những khía cạnh sòng phẳng, cởi mở, chuyên môn. Ðại diện của thế hệ này như Mục sư Martin Luther King, Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Sandra Day O'Connor...

* Thế hệ nổ bùng: Họ vị kỷ nhiều hơn và rất biết điều hay lẽ quấy. Họ nhấn mạnh đến quyền cá nhân, thích suy lý chính xác hơn là khoa học thử nghiệm, và cảm thấy cần hoàn hảo hóa đời sống tâm linh. Họ là thế hệ đã được chăm sóc đầy đủ nhất (chỉ có 2% đã phải sống trong các nơi nội trú, viện mồ côi.) Họ tiến nhiều trong lãnh vực tạo sự độc lập. Họ “tạo” ra nhiều thứ tôn giáo nhất thế kỷ. Ðại diện cho thế hệ này như: Cựu Trung Tá Thủy Quân Lục Chiến Oliver North, Oprah Winfrey (T.V. talk show), vô địch quần vợt John McEnroe. Bill Clinton, Bush (Con) và Obama đã là những tổng thống của thế hệ này.

* Thế hệ X: Họ là những người thực tế, hiểu biết, và biết tự tồn. Họ đương đầu với cuộc sống theo sự nhận định của họ, làm chậm lại hay thay đổi các việc nghiện ngập, nhưng biết đến tình dục rất sớm. Họ đã nhìn thấy một thế giới có qúa nhiều khó khăn, như cha mẹ tự hoại, gia đình tan rã, bệnh nan y HIV/AIDS, một nền văn hóa đã thay đổi từ điện ảnh loại G (tổng quát, hợp với mọi người trong gia đình) sang loại R (bạo động, tình dục…), tiền lương đi xuống, nghề nghiệp bấp bênh. Họ đã thuộc thế hệ có nhiều cuộc phá thai nhất. Cứ hai trong năm người thuộc phần sau của thế hệ này đã chẳng bao giờ được sinh ra! Trong họ đã có nhiều người tự tử và bị bắt giam nhất thế kỷ. Họ thuộc khuynh hướng của đảng Cộng Hòa, bảo thủ trong các vấn đề chính trị. Các tài tử điện ảnh Michael J. Fox, Tom Cruise, ca sĩ Whitney Houston, nữ đấu thủ quần vợt Jennifer Capriati đã thuộc thế hệ này.

THẾ HỆ X VÀ NHỮNG NGƯỜI VIỆT SINH TRONG VÀ SAU NĂM MẬU THÂN (1968)

Những người trẻ Việt Nam sinh trong và sau biến cố tết Mậu Thân (1968) đã qúa nhỏ để nhận biết quê hương khi theo gia đình lìa xa đất tổ năm 1975 hay những năm sau đó. Họ đã cùng học, cùng chơi, cùng chịu các ảnh hưởng và cùng lớn lên trong cùng một nhịp độ với những người trẻ thuộc thế hệ X ở Mỹ. Nhiều người trong họ nay đã thành tài và có sự nghiệp, nhưng nhiều người khác, còn trẻ hơn, vẫn đang phải ngụp lặn trong những khó khăn của thế hệ X. Hiểu được những khó khăn của thế hệ X của Hoa Kỳ là phần nào hiểu được giới trẻ Việt Nam ở Mỹ hôm nay.

Thế hệ X đã phải thừa hưởng những di sản không mấy tốt đẹp của thế hệ nổ bùng: Nhịp độ phá thai qúa cao, các cuộc li dị gia tăng khủng khiếp, qúa nhiều gia đình tan hoang. Họ thường phải chịu cảnh ở nhà một mình (“home alone”) khi còn bé, hay đã lớn lên trong những nhà giữ trẻ.

Thế hệ X đang thèm khát những liên hệ thân tình và một gia đình hạnh phúc, nhưng cùng một lúc họ đòi hỏi độc lập và sự riêng biệt, tự do cá nhân. Họ đòi phải được độc lập nhưng cũng biết tự chế. Những điều này có thể nhận thấy qua âm nhạc, đặc biệt là các loại nhạc ồn ào, to tiếng. Họ nghe nhạc cùng với mọi công việc họ đang làm. Trong một nhóm hay khi chỉ một mình, họ có thể nhanh chóng rút vào âm nhạc như để trốn chạy và để suy tư. Dường như âm nhạc đã cùng là sự tương giao xã hội và là cái kén của con tằm đối với họ. Nó có thể giúp làm đầy sự thiếu thốn tình cảm gia đình và trở nên mảnh đất chung cũng như đóng vai trò lớn lao trong các quan hệ bạn bè của thế hệ X.

Tôn giáo đối với thế hệ X là phải có âm nhạc, và âm nhạc đã làm thay đổi quan niệm về sự thánh trong họ. Những biểu tượng truyền thống như tòa giảng, bàn thờ hay các bí tích đã không đưa đến cho họ một tâm tình thờ kính thâm sâu. Trái lại, họ đã tìm thấy tâm tình thánh thiện trong các loại nhạc thời đại. Cùng hát, cùng vỗ tay đã giúp đưa họ hòa hợp với bạn bè. Một thánh lễ không có âm nhạc (thời đại) sẽ làm cho họ chán nản vô cùng. Thế hệ X đã được nuôi dưỡng trong thời kỳ của qúa nhiều truyền thông, của MTV, của các trò chơi điện toán. Họ ưa âm nhạc, bi kịch, biểu tượng, nghệ thuật tĩnh và đọc sách.

Ðến với thế hệ X để trình bày cho họ một sự thờ phượng sống động và đồng thời gia tăng chiều kích của các tương quan cá nhân, chia sẻ tâm tình. Trong các cuộc thờ phượng không thể không có thế hệ X và càng không thể không có các loại nhạc mà họ ưa thích. Họ linh động, duy lý, và tìm kiếm ý nghĩa của mọi sự. Họ chỉ đến nhà thờ khi nhà thờ có thể thỏa mãn những nhu cầu của họ. Nếu không, họ sẽ yên lặng rút lui thay vì phàn nàn.

Mục vụ cho thế hệ X nhất định phải nhấn mạnh đến tình nghĩa “gia đình.” Ðây là một nhu cầu sinh tồn của thế hệ này. Lắng nghe những chia sẻ và ưu tư của họ, người ta sẽ thấy những chữ “gia đình”, “nuôi dưỡng” và “tham dự” được họ nhắc tới với đầy vẻ trân trọng. Những bữa tiệc chung trong bầu khí gia đình nên thường xuyên được tổ chức trong các buổi gặp mặt. Vì họ thực tế nên chỉ muốn biết “thế nào" (How) thay vì “tại sao” (Why). Giảng dạy cho họ cần xử dụng ngôn ngữ kể chuyện và dùng thật nhiều tĩnh tự thay vì những danh từ trừu tượng; nhiều tâm tình (chúng ta, chúng mình) thay vì (các con, họ). Họ muốn được nghe những gì thực tế, cảm động và hữu dụng tức khắc.

THẾ HỆ X ÐÃ VÀ ÐANG NHẬP CUỘC

Thế hệ X đã nhìn thấy những thảm cảnh của cuộc nổ bùng, từ sự tan rã của những gia đình đến những căn bệnh nan y phát xuất từ những hành động dâm loạn; những người lãnh đạo giáo phái điên khùng như trong các vụ ở Jonestowns, Waco. Họ đang dè dặt hơn, đang cố gắng thăng bằng hóa những qúa đáng, những thiếu trách nhiệm của thế hệ đi trước họ. Sự dè dặt này ảnh hưởng đến tất cả những gì họ làm.

Một khi thế hệ X đã quyết định làm điều gì, họ sẽ theo đuổi đến cùng. Họ là những người tự tồn và tôn trọng luật chơi, dù là trong trò chơi cuộc đời. Họ có thể làm việc với, hay chỉ đi quanh, người lãnh đạo của họ. Họ có thể là cộng tác đắc lực hay không đắc lực tùy người chỉ huy. Họ đáp ứng hữu hiệu hơn với những thách đố thay vì mệnh lệnh. Là những người ưa độc lập và mạo hiểm, họ thành công nhiều hơn nếu được cho “một khoảng cách” để tự quyết định làm thế nào để đi tới mục đích.

Thế hệ X dễ bất tín nhiệm đối với cấp lãnh đạo, hay những người trên, so với các thế hệ khác. Boomers muốn cách mạng và thay đổi, nhưng họ chỉ muốn hội nhập và thành công. Boomers thích phát biểu lung tung, nhưng họ khéo léo và kín đáo. Họ muốn thành công và hăng say nhưng đòi hỏi sự lãnh đạo tốt. Họ có thể tiến lên hàng lãnh đạo sớm hơn những thế hệ trước và muốn làm việc kết đoàn (team work).

Họ không tự động tín nhiệm những người bề trên và họ cũng không để lộ điều đó ra. Họ cho những người thuộc thế hệ “boomers" (thế hệ cha, chú của họ) là đã phóng khoáng về tính dục qúa độ nhưng bây giờ lại “giảng” cho họ về sự an toàn tính dục (safe sex); là những kẻ đã tạo “cách mạng” và hỗn loạn (cuộc nổ bùng) nhưng bây giờ lại muốn lề luật và nghiêm túc; đã là những người “bạo phổi” nhưng bây giờ lại muốn giới hạn quyền tự do ngôn luận; là những người đã “thử” cần sa, ma túy thả dàn nhưng bây giờ lại muốn cầm tù những người trẻ muốn nếm mùi của các “tiên ông.” Cách tóm tắt, thế hệ X đã nhìn thấy thế hệ đi trước họ là những người “tiền hậu bất nhất” và lẫn lộn, tệ hơn nữa là gỉa hình. Dĩ nhiên những người thuộc thế hệ Boomers đã cho những thay đổi là dấu hiệu của sự trưởng thành. Sự thật đã nằm ở khoảng giữa cuộc tranh luận đó.

Thế hệ X đã và đang hiện diện trong hàng ngũ những kẻ trưởng thành của xã hội. Chúng ta, những thế hệ đi trước (ông bà, cha mẹ, người trên, boss...) đã cống hiến cho họ sự khôn ngoan, sự bất dịch, và sự cẩn trọng của tuổi đời được trau luyện bởi thời gian đã ghi tạc trong tâm hồn của chúng ta. Thế hệ X đem đến lòng sốt sắng, óc sáng tạo và năng lực tuổi trẻ đang được rèn luyện trong kinh nghiệm thế hệ đồng thời với sự trưởng thành của họ.

Chu kỳ quyền lực đang chuyển động và tiến tới. Phải chăng một “giây phút xã hội” đã được hình thành? Sự bất lực trong việc giải thích hiện tại của chúng ta cho thấy một cuộc thay đổi đã thành hình. Có lẽ thành ngữ “trật tự mới của thế giới” sẽ dùng để diễn tả thời kỳ hiện tại trong một nghiên cứu mới về các thế hệ ở tương lai, mà thế hệ kế tiếp sẽ được gọi là thế hệ “Thiên Kỷ” (Millennial Generation, có người còn gọi đây là thế hệ Y).

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng