LTG: Viết về những gương mẫu của Ðức Mẹ đối với phụ nữ, dù là một Linh Mục vẫn có thể vấp lỗi chủ quan, vì vậy chúng tôi xin mượn ngòi bút của nữ tiến sĩ Anne Carson Daly để làm công việc này. Tiến sĩ Daly là giáo sư phụ khảo môn văn chương Anh tại đại học Notre Dame, Indiana. Trong nguyệt san Homiletic & Pastoral Review, số tháng 5/1986, bà đã viết bài “A woman for all ages” (Một phụ nữ cho mọi thời đại). Bài này không mang tính cách một suy tư thần học, nhưng là tâm tình chân thành của một phụ nữ thời đại muốn chia sẻ với các bạn cùng phái. Trước những lý luận nhố nhăng của một số kẻ (cả nam lẫn nữ), tự cho là thông hiểu thần học, thông hiểu về vai trò của Ðức Maria trong đời sống phụ nữ hôm nay, bài báo trên của bà Daly đã cho họ thấy, dù không học thần học nhiều nhưng bà và các bạn cùng tâm tình không dễ gì bị lôi cuốn vào đám hỏa mù do những người đó gây nên. Chúng tôi phiên dịch bài này để trình bày với bạn đọc quan niệm của một nhà trí thức nữ giới về vai trò và những gương mẫu của Ðức Mẹ đối với phụ nữ trong lịch sử nhân loại, và cho thấy rằng những gương mẫu ấy vẫn luôn phù hợp với mọi thế hệ.

Theo dòng lịch sử giáo hội, người phụ nữ luôn luôn được mời gọi và khuyến khích noi theo các nhân đức của Ðức Trinh Nữ Maria, một gương mẫu hoàn hảo của nữ tính, nữ giới, phụ đạo và mẫu nghi. Nhưng từ hậu bán thập niên 1960's, nhất là trong các xã hội Âu, Mỹ, lời mời gọi và khuyến khích đó đã không còn được hưởng ứng nồng nhiệt nữa. Ngay cả những người còn tâm huyết, muốn làm việc sùng kính Ðức Mẹ cũng luôn luôn phải đương đầu với những chống đối hoặc nhạo báng. Người ta đã đơn giản nghĩ rằng những gương mẫu của Ðức Mẹ không còn thích hợp với vai trò của người phụ nữ hôm nay. Lý luận thường được trình bày trong hiện tại là những nhân đức được gắn liền với Ðức Mẹ như Thanh Sạch, Khiêm Cung, Nhẫn Nhục, và hoàn toàn chấp nhận Thánh Ý Chúa, đã không còn phù hợp vì người phụ nữ hôm nay, đã vào đời và nhận nhiều trách niệm trong xã hội không khác gì nam giới.

Nhưng không ai có thể che đậy sự thật, là một người nữ hoàn hảo đã được tạo dựng trong một trường hợp đặc biệt nhất, trở nên hiền thê của Thiên Chúa và là mẹ của con trai duy nhất của Ngài, Ðức Maria đã chiếm một vị trí độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại và phải được tất cả chúng ta, trong mọi thời đại, để ý và tìm hiểu cách sâu xa hơn. Không phải chúng ta tìm hiểu cách tò mò nhưng là để thấu hiểu rằng Ðức Mẹ đã có rất nhiều điều để cống hiến cho mọi người phụ nữ, ngay cả những người phụ nữ của thế kỷ XXI, của đệ tam thiên kỷ.

Ðức Maria trước nhất, không những là nữ tì của Thiên Chúa, hiền thê của Thánh Giuse, mẹ của Ðức Kitô nhập thể, (và của tất cả chúng ta nữa), nhưng Ðức Mẹ còn khác xa cái thực thể nhợt nhạt, khó hiểu và không thể xác nhận mà nhiều kẻ ưa dèm pha đã trình bày về Ngài. Hơn nữa trong thập niên 50's và ngay cả đầu thập niên 60's, Ðức Maria vẫn còn được mô tả như một nhân vật của tập quán, là một người thụ động, thinh lặng, âm thầm chấp nhận đau khổ. Nhưng những cá tính đó nói với chúng ta nhiều hơn về những người đã muốn noi theo, thay vì nói về chính Ðức Mẹ.

Nếu chúng ta thực sự muốn tìm hiểu Tân Ước đã nói gì về Ðức Mẹ, thay vì những tư tưởng mà một số tâm hồn đạo đức đã cố tình gán ép cho Ðức Mẹ, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng Ðức Mẹ đã không thụ động chút nào hết. Thực sự Ðức Mẹ đã đi trước thời đại, quá xa đến độ Mẹ đã đem vào thời đại mới sự cứu độ cho một thế giới đã sa ngã. Nếu chúng ta để ý đến những sự kiện hiển nhiên trong đời sống của Ðức Mẹ, chúng ta sẽ nhận ra tức khắc một gương mẫu tốt đẹp hơn cho những người can đảm, năng hoạt động, nhiều sáng kiến, thay vì cho những ai không dám bước ra ngoài cái vỏ khuôn mẫu cứng nhắc.

Khi Ðức Maria đối diện với Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel, Mẹ đã không phản ứng cách hết sức phụ nữ, “như mọi người phụ nữ,” chẳng hạn như hét lên kinh sợ, té xỉu hoặc hoảng hốt như người mất hồn. Nhưng ngược lại, Ðức Mẹ đã chất vấn thiên thần về ý nghĩa lời chào, và sau khi thấu hiểu, Mẹ đã mạnh dạn thưa “fiat” (xin vâng). Phản ứng đó không phải là phản ứng của một kẻ yếu ớt, thụ động.

Từ sau giây phút truyền tin, cuộc đời của Ðức Mẹ đã luôn luôn hoạt động và đối diện với bao thử thách cam go. Mẹ có thể không có một “job” (nghề) như những người nữ đương thời, nhưng chắc chắn Ðức Mẹ đã có một “ơn gọi” để đối đầu với những thử thách đó. Thoạt tiên là việc phải đương đầu với vị hôn phu, thánh Giuse, người không thể hiểu được việc Ðức Mẹ, dù “không biết đến người nam” lại có thể thụ thai bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần? Nhưng Ðức Mẹ đã hoàn toàn tin tưởng nơi Chúa và đã để cho Ngài “giải thích” việc này với thánh Giuse, qua một giấc mộng. Kế đó Ðức Mẹ đã thực hiện một cuộc hành trình, một mình, đầy nguy hiểm và mệt nhọc để đến Ein Karem, giúp đỡ người chị họ, Elizabeth, đang mang thai. Hành động này càng không phải là của một người thụ động.

VAI TRÒ ÐỘC ÐÁO CỦA ÐỨC MẸ

Những thử thách lớn lao khác của Ðức Mẹ, thực sự đã đến sau khi Mẹ thành hôn với Thánh Giuse. Dù đã gần đến ngày sinh nở, Mẹ vẫn phải hành trình đến Jerusalem, và hạ sinh Ðức Giêsu trong một hoàn cảnh hoàn toàn thiếu thốn, xa cách gia đình, bạn bè, xa cách ngay cả những phong cảnh hoang dại nhất. Kế đến, Ðức Mẹ đã phải đương đầu với sự phản trắc của vua Hêrôđê, và thay vì được trở về quê hương thì lại phải lên đường lánh nạn sang đất Ai Cập xa xôi, với người chồng mới và hài nhi sơ sinh. Dù Kinh Thánh không ghi rõ thánh gia đã lưu lại Ai Cập bao nhiêu lâu, nhưng chắc chắn cuộc sống không dễ dàng đối với Ðức Mẹ, trên một miền đất ngoại lai, xa hẳn bà con xóm giềng, cắt đứt khỏi những gì Mẹ yêu quí nhất.

Lần kế, khi Kinh Thánh nhắc đến Ðức Mẹ là lúc Mẹ đã cùng Thánh Giuse lo lắng tìm kiếm Chúa Giêsu, bị thất lạc ở Jerusalem. Một lần nữa chúng ta lại thấy Ðức Mẹ đang trong một cuộc hành trình. Trước hết, hành trình đến Jerusalem cho những ngày lễ cả (Vượt Qua), rồi đến lúc phải quay lại thành thánh tìm kiếm Ðấng Thiên Sai. Cuối cùng khi các Ngài tìm thấy con trai, Ðức Mẹ đã hỏi Chúa một câu hỏi thông thường của tất cả các bà mẹ, “Này con, tại sao còn làm thế? Cha con và mẹ đã phải đau khổ tìm con!” Chúa Giêsu, dĩ nhiên, đã trả lời Ðức Mẹ bằng một câu nói mà ý nghĩa đã lập lại nhiều lần trong cuộc đời và sự rao giảng của Ngài sau này, “Tại sao phải tìm con? Cha Mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?” Thật dễ hiểu khi thánh sử Luca viết tiếp, “Nhưng Ông Bà đã không hiểu lời Ngài nói với họ.”

ÐỨC MARIA, GƯƠNG MẪU CỦA LÒNG CAN ÐẢM

Ðó không phải là lần cuối cùng Ðức Maria hành trình theo đuổi Con Trai, để bảo vệ và giúp đỡ Ngài. Trong cuội rao giảng của Ngài, Ðức Mẹ đã phải chấp nhận trong nhiều lần rằng Ngài là anh em của tất cả nam nhân cũng như nữ giới, và công việc của Cha Ngài ở trên trời sẽ luôn luôn hướng về những lưu tâm cộng đồng. Nói một cách nhân loại, thật là khổ tâm khi Ðức Mẹ muốn gặp Con Trai lại bị chào đón với những lời nguội lạnh, “Ai là mẹ Ta và anh em Ta? Là những người nghe và giữ lời của Cha Ta.” Một cách tương tự, Ðức Maria phải chịu từ bỏ con mình không những cho Cha Ngài ở trên trời, nhưng còn cho công việc rao giảng của Ngài dưới thế nữa. Chính Chúa Giêsu đã làm sáng tỏ điều đó khi Ngài trả lời một phụ nữ nói rằng “Phúc thay chiếc bụng đã cưu mang Ngài, và vú đã cho ngài bú sữa,” “Ðúng hơn, phúc cho những ai nghe và giữ lời của Chúa.” Ðó không phải là những lời nói có thể làm vừa lòng người mẹ muốn bảo vệ con, hoặc người đặt gía trị quan hệ giữa bà và người con trọng hơn quan hệ của người con đối với bà, hay quan hệ giữa bà và Thiên Chúa Cha.

Ðức Maria đã phải học bài học đắt gía là từ bỏ những gì tưởng như thông thường nhất: hôn nhân tự nhiên với Thánh Giuse, sinh con ở nhà - giữa các thân nhân, bạn bè - cơ hội sống những ngày đầu làm mẹ ở quê hương, hi vọng nhìn thấy con trẻ lớn lên ở Nazareth. Ðó là bài học mà Ðức Maria phải kiện toàn như những lời của Mẹ mà Phúc Âm đã nhắc đến lần cuối cùng. Ðức Mẹ đã nói những lời này trong bữa tiệc cưới ở Cana, khi Ðức Kitô bắt đầu cuộc rao giảng của Ngài. Như mọi người còn nhớ, Ðức Mẹ đã nói với Chúa Giêsu rằng chủ nhà đã hết rượu và xin Ngài giúp giải quyết. Thoạt tiên, dường như Chúa đã trách Ðức Mẹ, khi Ngài trả lời, “Này Bà, việc ấy có can hệ gì đến tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thực ra, trong một ý nghĩa nào đó, chính lời yêu cầu của Ðức Mẹ đã đánh dấu thời điểm rao truyền Tin Mừng của Chúa, vì ở đây Chúa đã làm phép lạ đầu tiên. Thích thú hơn nữa là lời cuối cùng Ðức Mẹ bảo các đầy tớ trong bữa tiệc cưới, cũng là lời khuyên cuối cùng của Mẹ đối với chúng ta, mà chính Ðức Mẹ đã thực hành, “Hãy làm bất cứ điều gì Ngài bảo.”

Phần còn lại trong cuộc đời của Ðức Mẹ, Mẹ đã làm điều mà Chúa Giêsu đã nói với Mẹ khi xưa ở Jerusalem, bận rộn với công việc của Thiên Chúa Cha. Ðiều này đòi hỏi du hành và cố gắng nhiều hơn. Không như những phụ nữ cùng hoàn cảnh thời ấy, Ðức Maria đã không chịu ngồi yên một chỗ, nhưng du hành luôn luôn để tìm kiếm Chúa và ở bên cạnh Chúa trong những ngày sau cùng. Mẹ đã can đảm theo Chúa trên đường Thương Khó, noi theo bước của Chúa đến tận đỉnh đồi Canvê, và cuối cùng đứng dưới chân thập tự trong khi hầu hết những kẻ theo Ngài đã bỏ chạy. Khi mọi sự đã hoàn tất, Ðức Mẹ nhận lãnh tấm thân xác bất động của Chúa, nâng niu và cuốn vào tấm khăn niệm. Nhưng ngay cả khi đó, Ðức Maria đã không chịu đau khổ trong cô đơn, và trách nhiệm của Mẹ cũng vẫn chưa kết thúc. Lúc còn trên thập gía, Chúa đã trao cho Ðức Mẹ một trọng trách nữa, “Này là con Bà,” ám chỉ Thánh Gioan đại diện cả nhân loại.

Chính vì vậy, Ðức Maria đã mang một trọng trách mà không một phụ nữ nào khác có được - là Mẹ của cả nhân loại - nhìn thấy tất cả nhân loại là những Ðức Kitô khác, cầu nguyện cho họ, đau khổ với họ, an ủi họ, chất vấn họ, dấn thân hội nhập hoàn toàn với họ. Chưa hề có một phụ nữ nào đã là Vợ, là Mẹ như vậy, và chưa bao giờ có một phụ nữ khác được trao Ơn Gọi, hay nếu bạn muốn, một “job” (nghề) như thế. Không ai khác trong lịch sử nhân loại đã có vai trò như Ðức Maria và không người nào có ảnh hưởng liên tục trên toàn nhân loại như Mẹ.

ÐỨC MARIA ÐI TRƯỚC THỜI ÐẠI

Những kẻ đã gán cho Ðức Maria chỉ một chức Tử Ðạo, đã không nghiêm chỉnh đối với Mẹ. Ðức Mẹ thật sự và vẫn luôn là một Ðấng Tử Ðạo, qua tình yêu trao ban cho Chúa Giêsu và cho chúng ta, nhưng Mẹ còn là một người nữ căn bản cho mọi thế hệ. Mẹ chính đáng nhất đối với chúng ta, vì Mẹ là Mẹ của mỗi chúng ta, Mẹ còn là mô phạm cho mọi phụ nữ có khả năng, cho những phụ nữ luôn biết sẵn sàng khi cần đến, không bao giờ thất bại, luôn luôn lên tiếng hoặc giữ thinh lặng đúng nơi và đúng lúc. Mẹ trầm tư khi cần thinh lặng và năng động khi cần hoạt động.

Những kẻ cho rằng vai trò của Ðức Maria không còn “hợp thời” nữa, thực ra họ đã không nhận biết Mẹ là ai, Mẹ làm gì và những điều Mẹ đã và đang cống hiến cho tất cả chúng ta. Họ đã để cho nỗi sợ hãi của chính họ về những vai trò cứng nhắc của phụ nữ làm cho họ tưởng rằng Ðức Maria không còn chính đáng, thay vì tự đọc Kinh Thánh để có thể nhận thấy Ðức Maria luôn luôn là mẫu mực căn bản cho tất cả phụ nữ trong mọi thế hệ.

(Xin tạm kết thúc loại bài về Đức Mẹ Maria)