Ngày 16 tháng 12 vừa qua, trong buổi triều yết chung hàng tuần, Đức Bênêđíctô XVI đã đề cập tới một nhà thần học và triết học người Anh thuộc thế kỷ 12, John thành Salisbury. Sinh năm 1120 tại Salisbury (Anh), cũng có tên là Joannes Parvus (Gioan Bé Nhỏ), ông vừa là một tác giả, một nhà giáo dục, một nhà ngoại giao, và từng là giám mục Chartres (Pháp) từ năm 1176 tới khi qua đời vào năm 1180. Khoảng năm 1136, ông qua sống tại Pháp và theo học tại Paris dưới sự chỉ dạy của Pierre Abélard. Sau khi Abélard về hưu, ông theo học Alberich thành Reims và Robert thành Melun. Từ 1138 tới 1140, ông học văn phạm và cổ điển dưới sự chỉ dạy của William thành Conches và Richard l’Evêque, cả hai là học trò của Bernard thành Chartres. Việc giảng dạy của Bernard rất nổi tiếng, một phần vì khuynh hướng thân Platon của ông, phần khác vì ông chú trọng tới việc nghiên cứu các văn sĩ Latinh vĩ đại. Việc nghiên cứu này gây ảnh hưởng lớn đối với các công trình sau này của John thành Salisbury. Khoảng năm 1140, ông học thần học dưới sự chỉ dẫn của Gilbert de la Porrée, rồi sau đó, dưới sự chỉ dẫn của Robert Pullus và Simon thành Poissy. Năm 1148, ông ngụ tại Moutiers la Celle, thuộc giáo phận Troyes và tham dự công đồng Reims do Đức GH Eugene III chủ tọa và có lẽ được Thánh Bernard thành Clairvaux giới thiệu với Theobald, Tổng Giám Mục Canterbury. Chính vị tổng giám mục này bảo trợ để ông trở lại Anh vào năm 1150, và bổ nhiệm ông làm thư ký riêng. Trong chức vụ này, ông thường được gửi qua Rôma trong nhiều sứ vụ ngoại giao đặc biệt. Chính trong thời gian này, ông soạn thảo các công trình vĩ đại nhất của mình, được công bố vào năm 1159, đó là hai cuốn Policraticus (Người Cầm Quyền), và Metalogicon (Bênh Vực Luận Lý), cung cấp cả một kho tàng dữ liệu liên quan tới chất thể và hình thể của nền giáo dục kinh viện và nổi bật về văn phong bác học và khuynh hướng nhân bản. Cuốn Policraticus cũng cho thấy sự xuống dốc trong cung cách sống cũng như nền đạo đức thấp kém của cung đình và hoàng gia. Sau khi Theobald qua đời, ông tiếp tục làm thư ký cho Thánh Thomas Becket và đóng vai trò tích cực trong cuộc tranh chấp lâu dài giữa vị giáo chủ này và Vua Henry II. Các thư từ của ông trong dịp này giải thích nhiều điều liên quan đến cuộc tranh chấp hiến pháp đang giao động nước Anh lúc ấy. Cùng với Thánh Becket, ông qua Pháp trong thời gian nhà vua bất bình; và đã cùng với vị giáo chủ này trở lại Anh năm 1170, và có mặt tại Canterbury lúc thánh nhân bị ám hại. Chính ông đã viết cuốn tiểu sử về Thánh Becket. Năm 1176, ông được đề cử làm giám mục Chartres, và năm 1179, đã tích cực tham dự Công Đồng Lateran thứ ba, và qua đời ngày 25 tháng 10 năm 1180.

Giáo huấn của PolicraticusMetalogicon

Theo Đức Bênêđíctô XVI, trong “Policraticus”, John thành Salisbury bác bỏ chủ trương của phe coi văn hóa chỉ là một thứ hùng biện trống rỗng, vụ ngôn vô dụng. Phần ông, ông ca tụng văn hóa, ca tụng triết lý chân chính, coi chúng như một gặp gỡ giữa tư duy và thông đạt rành mạch, nghĩa là ngôn từ có hiệu quả. Ông viết: “Thực tế, hùng biện mà không được đức tin soi sáng không những chỉ là bốc đồng mà còn mù quáng thế nào, thì khôn ngoan mà không chịu sử dụng ngôn từ không những là yếu ớt, mà theo một nghĩa nào đó, còn què cụt thế ấy: Dù cái thứ khôn ngoan mà không dùng lời kia rất có thể có ích cho một số lương tâm cá biệt nào đó, nhưng hiếm họa và rất ít ích lợi đối với xã hội” (Metalogicon 1,1 PL 199,327).

Đức Thánh Cha bảo đó là một giáo huấn rất thích hợp. Vì ngày nay, điều mà Jophn thành Salisbury gọi là “hùng biện” hay khả năng thông đạt bằng những phương tiện công phu và phổ biến hơn bao giờ hết, hiện đã gia tăng gấp bội. Bởi thế, ngày nay ta càng cần phải thông truyền nhiều sứ điệp giầu nội dung “khôn ngoan”, tức các sứ điệp được chân, thiện, mỹ gợi hứng. Đây là trách nhiệm lớn lao, cách riêng, của những người đang làm việc trong lãnh vực đa dạng và phức tạp của văn hóa, truyền thông và báo chí. Và đây cũng là một lãnh vực trong đó ta có thể loan báo Tin Mừng với hết lòng nhiệt thành truyền giáo.

Trong tác phẩm thứ hai gọi là "Metalogicon", John thành Salisbury đề cập tới các vấn đề thuộc luận lý, những vấn đề gây nhiều quan tâm vào thời đại của ông. Ông đặt câu hỏi khá nền tảng: Lý trí con người có thể biết được gì? Đến điểm nào lý trí ấy có thể đáp ứng được khát vọng sau đây nơi mỗi con người: đó là khát vọng đi tìm sự thật? Câu trả lời của John thành Salisbury xem ra khá chừng mực, dựa trên một số giáo huấn của Aristốt và Xixêrô. Theo ông, xét một cách thông thường, lý trí con người có thể đạt được một hiểu biết không hẳn là không thể tranh cãi nữa, nhưng là một hiểu biết có tính cái nhiên và có thể tranh cãi được. Bởi thế, hiểu biết của con người là một hiểu biết bất toàn, vì nó lệ thuộc tính hữu hạn, lệ thuộc các giới hạn của con người. Tuy nhiên, nó tăng tiến và được hoàn hảo hóa nhờ kinh nghiệm và việc chi tiết hóa lối suy tư chính xác và cụ thể, có khả năng thiết lập được các mối liên hệ giữa ý niệm và thực tại; cũng như nhờ việc thảo luận, tranh biện, và kiến thức được hết thế hệ này qua thế hệ nọ làm cho phong phú. Chỉ ở nơi Thiên Chúa, mới có hiểu biết hoàn hảo, một hiểu biết từng được thông truyền cho con người qua mạc khải được đức tin chào đón. Như thế, hiểu biết của đức tin mở ra nhiều tiềm năng cho lý trí và làm cho lý trí ấy khiêm hạ thăng tiến trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Tín hữu và nhà thần học nào biết đi sâu vào kho tàng đức tin cũng sẽ đón nhận được những hiểu biết thực tiễn hướng dẫn họ trong sinh hoạt hàng ngày, nghĩa là lề luật luân lý và thực hành nhân đức. Theo John thành Salisbury, “Thiên Chúa nhân từ đã đoái ban cho chúng ta lề luật của Người, là lề luật thiết định ra điều có ích cho nhận thức của ta, và ấn định mức độ ta được phép biết về Thiên Chúa và được quyền tìm hiểu bao xa… Thực vậy, trong lề luật này, Thiên Chúa minh nhiên và tỏ tường bày tỏ ý muốn của Người ra, đến độ mỗi người trong chúng ta biết rõ điều gì mình cần phải làm” (Metalogicon 4,41, PL 199,944-945).

Luật tự nhiên và tự do

Ngoài ra, theo John thành Salisbury, còn có một sự thật khách quan và bất biến bắt nguồn từ Thiên Chúa, mà lý trí con người có thể vươn tới được. Sự thật ấy liên quan tới các hành động thực tiễn và có tính xã hội. Nó chính là luật tự nhiên, mà từ đó, các luật lệ nhân bản cũng như thẩm quyền chính trị và tôn giáo cần lấy cảm hứng để có thể cổ vũ ích chung. Đặc tính của luật này là tính công bằng (equity) nghĩa là dành cho mỗi người các quyền của họ. Từ đó, phát sinh ra các qui tắc có giá trị cho tất cả mọi người mà ta không thể nào miễn chước. Đức Bênêđíctô XVI cho đây là chủ đề chính của “Policraticus”, một chuyên khảo về triết học và thần học chính trị, trong đó, John thành Salisbury trình bày các suy tư của ông về các điều kiện giúp một nhà lãnh đạo chính trị hành động một cách công chính và có thẩm quyền.

Dù các thảo luận khác trong sách có liên quan tới hoàn cảnh lịch sử lúc được viết ra, nhưng chủ đề về mối tương quan giữa luật tự nhiên và trật tự pháp lý thực định, do nguyên tắc công bằng cầm cân nẩy mực, thì ngày nay vẫn còn rất quan trọng. Thực vậy, trong thời đại của chúng ta, nhất là tại một số quốc gia, ta đang phải chứng kiến sự phân rẽ đáng tiếc giữa lý trí, là cơ năng có nhiệm vụ khám phá ra các giá trị đạo đức có liên hệ với phẩm giá con người, và tự do, là thứ có trách nhiệm chào đón và phát huy các giá trị ấy. Xem ra John thành Salisbury muốn nhắc nhở chúng ta ngày nay rằng chỉ được coi là công bằng hợp lý những luật lệ nào biết bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống con người và bác bỏ việc hợp pháp hóa nạn phá thai, an tử và thí nghiệm di truyền thả dàn, những luật lệ biết tôn trọng phẩm giá của hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, những luật lệ được gợi hứng bởi tính thế tục đúng đắn của nhà nước, tức tính thế tục luôn luôn biết bảo vệ tự do tôn giáo, và những luật lệ biết mưu cầu tính phụ đới và tính liên đới trên bình diện quốc gia và quốc tế.

Nếu không, điều mà John thành Salisbury gọi là “sự bạo ngược của nhà chuyên chế” hay điều mà chúng ta quen gọi là “nền độc tài của chủ nghĩa tương đối” kết cục sẽ thắng thế. Chủ nghĩa tương đối ấy, như chính Đức Giáo Hoàng trước đây mấy năm từng đề cập tới, “không nhìn nhận bất cứ điều gì là nhất định và nó chỉ lấy bản thân mình và các thèm muốn của mình làm thước đo mà thôi” (Bài giảng trong Thánh Lễ Bầu Cử Giáo Hoàng, ngày 19 tháng Tư năm 2005)

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, nhân dịp này, nhắc lại Thông Điệp “Bác Ái Trong Chân Lý” mới đây của ngài, một thông điệp gửi mọi người thiện chí đang cố gắng bảo đảm để hành động xã hội và chính trị không bị tách rời khỏi chân lý khách quan về con người và phẩm giá của họ. Trong Thông Điệp này, Đức Giáo Hoàng viết như sau: “Ta không thể sản xuất ra chân lý, và tình yêu mà nó biểu lộ: ta chỉ có thể tiếp nhận chúng như quà tặng. Nguồn gốc tối hậu của chúng không phải, và không thể là nhân loại, mà chỉ có thể là Thiên Chúa, Đấng vốn là Chân Lý và Tình Yêu. Nguyên tắc này cực kỳ quan trọng đối với xã hội và phát triển, vì không thứ nào trong chúng có thể là sản phẩm duy nhất của con người; ơn gọi phát triển của cả cá nhân lẫn dân tộc không đặt căn bản duy nhất trên sự lựa chọn nhân bản, nhưng là thành phần nội tại của một kế hoạch có trước chúng ta và thiết lập ra cho mọi người chúng ta một bổn phận phải tự do tiếp nhận nó” (Số 52).

Theo Đức Bênêđíctô XVI, kế hoạch này có trước chúng ta, vì nó là chân lý của hữu thể, ta phải tìm kiếm và chào đón nó, chỉ có thế công chính mới phát sinh. Nhưng ta chỉ có thể tìm ra nó và chào đón nó bằng trái tim, bằng ý chí và một lý trí được ánh sáng Thiên Chúa thanh tẩy.