Ký giả John L. Allen Jr. của tập san Crux, vừa cho biết một chi tiết nhỏ, nhưng nói lên sự tương đồng cốt lõi giữa Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, mặc dù, hai vị có những dị biệt không thể chối cãi.



Theo ký giả này, từ bên ngoài, Nước Ý thường được mô tả như một thành trì của văn hóa và truyền thống Công Giáo, được coi như “sân sau của Đức Giáo Hoàng”. Trong khi thực ra, dù việc thực hành đức tin ở đây tương đối lành mạnh so với các nước khác ở Tây Âu, nhưng cũng có rất nhiều thành phần duy tục cao ở xứ sở này và giới trẻ Ý lớn lên trong môi trường này thường không tiếp xúc chi với Giáo Hội.

Một nơi bạn thường gặp những người trẻ này là các đại học công cộng của Ý, và trong các thập niên 1980 và 1990, một linh mục trẻ người Ý đã nổi danh nhờ đem số đông lớp người trẻ bị hoàn toàn thế tục hóa này vào đức tin tại Đại Học Tor Vergata đang phát triển mạnh ở Rôma, với tổng số ghi danh gần 30,000 sinh viên.

“Don” Giacomo Tantardini – tên người Ý thường gọi cha, nhưng đối với các sinh viên, ngài chỉ là “Tantarda” – vốn là môn đệ đầu tiên của Don Luigi Giussani, sáng lập viên của phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng (Communion and Liberation). Tâm điểm viễn kiến của Cha Giussani là tính trung tâm của cuộc “gặp gỡ” Chúa Kitô, và Cha Tantardini có cái may mắn được phiên dịch điều đó cho giới trẻ tha hóa vốn nghĩ Giáo Hội chỉ là nghi thức, giầu có và quyền lực.

Cuối cùng, Cha Tantardini, qua đời năm 2012, trở thành người hướng dẫn tinh thần của tạp chí Công Giáo 30 Giorni (“30 Ngày”), được xuất bản bởi chính trị gia người Ý, đã trở thành huyền thoại, là Giulio Andreotti, người vốn là ngoại trưởng Ý thập niên 1980 và sau đó là Thủ Tướng Ý từ 1989 tới 1992.

(Andreotti đôi khi được gọi là “the Sphinx” [nhân sư, đầu người mình sư tử] vì sự khó hiểu về chính trị của ông, nhưng một điều luôn hoàn toàn minh bạch là đức tin Công Giáo của ông. Ông tham dự Thánh Lễ mỗi ngày lúc 7 giờ sáng, và sau đó, đứng tại cửa nhà htờ ở Rôma để chào thăm nhiều hành khất được ông tặng tiền. Ông biết tên từng người)

Khi làm mục vụ với những người trẻ được ngài giúp trở lại, Cha Tantardini hiểu ra rằng đại đa số tuyệt đối không có một chút lịch sử thực hành tôn giáo nào cả, nên năm 2001, ngài quyết định thu thập một số lời cầu nguyện đơn giản của Kitô Giáo cùng với những điều cần thiết để xưng tội tốt đẹp. Kết quả, cuốn Chi prega si salva (“Ai cầu nguyện sẽ được cứu rỗi”) trở thành tương đương như cuốn Chicken Soup for the Soul (Cháo Gà cho Linh Hồn), một trong những sách thiêng liêng ngắn ngủi nhưng bình dân nhất xưa này, dù trong trường hợp của Cha Tantardini, cuốn sách hiển nhiên có thực chất nhiều hơn.

Một người ngưỡng mộ Cha Tantardini và cuốn sách của ngài là Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđictô XVI, người đã viết lời tựa cho một ấn bản mới của Chi prega si salva đầu năm 2005, một thời gian ngắn trước khi được bầu làm giáo hoàng. Đức Bênêđictô XVI thực sự là một người hết sức ngưỡng mộ các ciellini, tên người ta quen gọi thành viên của phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng, ngài đã cử hành thánh lễ an táng Don Giussani, và thành viên một nhóm liên hệ gồm các nữ thánh hiến, Memores Domini, mà biệt danh vị giáo hoàng người Đức đặt cho là “các thiên thần bản mệnh”, hiện vẫn lo việc nhà cho ngài.

Một người rất ái mộ cha Tantardini nữa là Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người coi cha như một bạn thân ở Rôma khi vị giáo hoàng tương lai còn là Tổng Giám Mục và Hồng Y ở Buenos Aires. Về phần ngài, Cha Tantardini kể cho bạn hữu hay cha đã mang Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Argentina “trong trái tim” cha như là 1 ứng viên chức giáo hoàng năm 2005 ra sao. Khi cha Tantardini ngã bệnh trước khi qua đời năm 2012, Đức Hồng Y Bergoglio đã cử hành một Thánh Lễ Thêm Sức để cầu nguyện và xin mọi người cầu nguyện cho người bạn tốt lành của mình.

Nay, Đức Phanxicô thêm tiếng nói của mình vào hợp xướng ca ngợi ấn phẩm mới nhất cuốn sách nhỏ của Cha Tantardini, bằng cách viết lời tựa cho ấn bản mới. Lời tựa đề ngày 28 tháng Ba nhưng sẽ được xuất bản vào thứ Ba tới bởi L’Osservatore Romano, nhật báo của Tòa Thánh. Nó sẽ được in cùng với các suy tư trước đó của Đức Bênêđictô XVI.

Đức Phanxicô nổi tiếng là người nhiệt tâm với bí tích xưng tội, và phần lớn lời tựa của ngài dành cho bí tích này. Ngài viết: “Xấu hổ là một ơn thánh thúc giục ta cầu xin tha thứ, giống như hồng phúc nước mắt cũng là một ơn thánh, vì nó rửa sạch đôi mắt ta và giúp ta nhìn thực tại rõ ràng hơn”.

Đức Phanxicô ca ngợi Cha Tantardini vì “trái tim trẻ thơ và lời cầu nguyện của ngài, vì ngài biết chính Chúa đưa ra sáng kiến và ta không thể làm được gì nếu không có Người”.

Đức Giáo Hoàng cũng không quên đưa ra một số lời khuyên thực tế để xưng tội. Ngài viết: “trong tòa giải tội, ta cần cụ thể trong việc tố cáo tội lỗi, không e dè gì cả. Sau đó, ta sẽ thấy chính Chúa bịt miệng ta, như thể muốn nói với ta: ‘thôi đủ rồi!’ Đối với Người, chỉ cần thấy sự buồn rầu của ta, Người đâu có muốn hành hạ linh hồn ta, Người muốn ôm lấy nó. Người muốn ta hân hoan”.

Đức Phanxicô viết thêm: “Ta có thế nào, Chúa Giêsu đến cứu vớt ta thế ấy: ta là những kẻ tội lỗi đáng thương xin được tìm kiếm, được tìm thấy, được ôm vào cánh tay Người và được Người ẵm đi”.

Như một ghi chú đối với lời giới thiệu kép của hai vị giáo hoàng, tưởng nên nhớ rằng trong dư luận bình dân, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô thường được mô tả là đại diện cho hai giải pháp khác nhau về Giáo Hội.

Chắc chắn, có những tương phản ở điều ta có thể gọi là bình diện chính sách giáo hội học: Đức Phanxicô có khuynh hướng dành quyền kiểm soát việc phiên dịch phụng vụ cho các hội đồng giám mục địa phương, trong khi Đức Bênêđíctô XVI thích để nó ở Rôma; Đức Phanxicô đã ra dấu “đèn vàng” cho việc rước lễ của những người Công Giáo ly dị và tái hôn phần đời, trong khi dưới thời Đức Bênêđíctô XVI nó vẫn ở “đèn đỏ”.

Thế nhưng, nếu được hỏi, cả hai vị chắc chắn sẽ trả lời rằng những vấn đề ấy, tuy quan trọng, nhưng không phải là trọng tâm của vấn đề. Thay vào đó, các ngài nói, trọng tâm này nằm ở mối liên hệ của ta với Chúa Kitô, phát biểu ra trong cầu nguyện, và ở bình diện này, cả hai vị thấy nơi Cha Tantardini một hướng dẫn viên đáng tin cậy.

Tất cả những điều trên có lẽ là một điều nhắc nhở ta rằng các căng thẳng ngày nay trong Giáo Hội Công Giáo, dù không thể chối cãi và cấp thiết, thường không đụng gì đến cốt lõi, và trong cái cốt lõi ấy, Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô thường hợp nhất sâu xa hơn người ta hiểu rất nhiều.