III. Nhận định của Đức Hồng Y Kurt Koch

Đức Hồng Y Koch, Chủ Tịch Ủy Ban Liên Lạc Tôn Giáo với Người Do Thái, đóng một vai trò có ý nghĩa trong cuộc tranh luận này. Ngài là người cho đăng tải tiểu luận của Đức Bênêđíctô và ngài cũng là người cuối cùng làm an lòng các giáo sĩ quan tâm của Do Thái Giáo đối với tiểu luận và cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo như ta thấy Giáo Sỉ Pushkin quả quyết trên đây.

Trong bài “Information about Self-Understanding: Not calling into question but deepening the dialogue with Jews” đăng trên Katholische Nachrichten-Agentur, Ökumenische Information 33 (14 Tháng Tám, 2018), Đức Hồng Y Koch cho biết ngài ý thức rõ tiểu luận nhận được nhiều nhận định tích cực nhưng cũng đã nhận được nhiều tố cáo ồ ạt, phần lớn cho rằng nó góp phần vào chủ nghĩa bài Do Thái (antisemitism) và bài Do Thái giáo (anti-Judaism). Đức Hồng Y nhận ngài là người đã khuyên Đức Giáo Hoàng Hưu Trí cho công bố tiểu luận trên tạp chí Communio. Chính với tư cách này, ngài muốn nhận định đôi điều. Và điều ngài nhấn mạnh nhất là đối thoại không hẳn để thuyết phục nhau mà để hiểu nhau hơn, do đó, không những trình bầy các điểm có chung mà còn phải trình bầy trung thực các điểm dị biệt. Chính vì thế, ngài tỏ ý buồn khi, trong đối thoại với anh chị em Do Thái Giáo, không thiếu các thần học gia Công Giáo ngại nói đến thập giá.



Phục vụ cách hiểu trong Kitô giáo

Khởi điểm tiểu luận của Đức Bênêđíctô là văn kiện “‘Vì hồng phúc và ơn gọi của Thiên Chúa là điều không thể thu hồi’ (Rm 11:29)” được Ủy Ban Liên Hệ Tôn Giáo với Người Do Thái công bố nhân dịp kỷ niệm 50 năm tuyên bố Nostra Aetate của Công đồng Vatican II. Vì Ủy Ban này chuyên biệt chịu trách nhiệm đối với “các mối liên hệ tôn giáo với Do Thái giáo”, nên, như đã nói trong lời nói đầu, ý định của nó là dựa vào Thánh kinh, làm phong phú và thâm hậu hóa “chiều kích thần học của cuộc đối thoại Do Thái-Công Giáo” trong niềm xác tín rằng Do Thái Giáo và Kitô giáo là hai tôn giáo gắn bó mật thiết với nhau và do đó cũng nên bước vào một cuộc trao đổi thần học. Một trong các vấn đề thần học nền tảng nhất cần phải xem xét là: xác tín nền tảng của Do Thái về tính giá trị vĩnh cửu của giao ước giữa Thiên Chúa và Israel, một giao ước các Kitô hữu chúng tôi cùng chia sẻ, có liên hệ như thế nào với xác tín của Kitô Giáo rằng nơi Chúa Giêsu Kitô một điều mới mẻ đã bước vào lịch sử, để cả hai đối tác có thể cùng nhau cảm thấy mình được hiểu rõ? Ủy Ban đã nhấn mạnh các điểm chủ chốt về vấn đề khó khăn và nhậy cảm này, nhưng cũng chờ mong các phản đáp mới cả từ phía Do Thái lẫn phía Công Giáo.

Đức Bênêđíctô XVI đưa ra câu trả lời theo viễn ảnh Kitô Giáo. Đây không phải là một hành vi của huấn quyền, mà chỉ là ý kiến thần học của bản thân ngài, đó là lý do tiểu luận đã được công bố trong một tạp chí thần học. Vả lại, tiểu luận có tiểu tựa khá khiêm nhường “Các Ghi chú về khảo luận ‘De Judaeis’”.

Đức Bênêđíctô XVI nhận định về hai xác tín nền tảng của cuộc đối thoại Do Thái-Công Giáo, vốn cũng được nhấn mạnh trong văn kiện của Ủy Ban Tòa Thánh, tức là việc bác bỏ nền giáo hội học duy thay thế (supersessionist ecclesiology) — hiểu theo nghĩa người Do Thái, những người không chấp nhận đức tin vào Chúa Kitô, không còn là dân Chúa chọn nữa và Giáo Hội đã thay thế Israel, và xác tín tích cực cho rằng giao ước giữa Thiên Chúa và Israel không thể bị thu hồi. Hai xác tín được Đức Bênêđíctô XVI thảo luận này chắc chắn không nhằm nghi vấn hóa hay tương đối hóa chúng, càng không phải là làm rỗng chúng, nhưng để định rõ và làm chúng biện biệt (discriminating) hơn và nhờ thế thâm hậu hóa chúng về thần học. Về phương diện này, các suy tư của Đức Bênêđíctô XVI là một cách hiểu trong nội bộ Kitô Giáo nhằm cổ vũ cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo chứ tự nó không phải là một văn kiện phát xuất từ cuộc đối thoại này. Cuộc đối thoại này rất quan trọng; nó sẽ tiếp diễn nhằm phát sinh ra các văn kiện mới trên bình diện quốc tế.

Thâm hậu hóa cuộc đối thoại thần học

Các xem xét thần học của Đức Bênêđíctô XVI rất quan trọng đối với cuộc đối thoại. Đức Hồng Y Koch tin rằng trong cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo, nhất là liên quan tới chiều kích thần học của nó, “chúng ta chỉ tiến bộ nếu cả hai bên làm chứng và tái khám phá những gì chúng ta có chung, cũng như nói cho nhau nghe những gì làm chúng ta khác nhau. Các giáo sĩ chính thống của Do Thái Giáo vốn chứng tỏ nguyên tắc này có tính tự nhiên xiết bao trong văn kiện ‘Giữa Giêrusalem và Rôma’ năm 2017 của họ bằng cách tuyên bố công khai và trung thực các xác tín Kitô giáo nào họ không thể chia sẻ mà không đặt câu hỏi liệu có nên chấm dứt cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo hay không... Cũng thế, các Kitô hữu nên và có thể tuyên bố các niềm tin sâu sắc nhất của họ và họ khác với người Do Thái như thế nào và cũng như với đức tin của họ, mối liên hệ sâu sắc với anh chị em Do Thái giáo vẫn có thể được xây dựng và bồi đắp. Chính vì Kitô hữu chúng tôi xác tín rằng chúng tôi có chung Cựu Ước với người Do Thái, thì chúng tôi cũng có bổn phận phải cởi mở tiết lộ việc chúng tôi đọc Cựu Ước dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo như thế nào, mà không bỏ qua cách người Do Thái đọc cùng các trước tác ấy. Sự phân biệt này cũng tương ứng với cách người Do Thái hiểu mặc khải, như giáo sĩ Walter Homolka đã phát biểu một cách chi tiết trong một tiểu luận mới đây, tức việc Do Thái Giáo diễn biến qua một diễn trình tiệm tiến của mặc khải : “Ý niệm của chúng ta là thánh ý Thiên Chúa liên tục được biểu lộ và ở mỗi thời điểm đặc thù, nó phải được giải thích lại một cách không trệch ra ngoài các giải thích của quá khứ”. Và do đó, giáo sĩ Homolka thấy trong Do Thái Giáo, có “sự kính trọng đối với các ý kiến đa dạng” (trong M. Graulich and R. Weimann, eds., Eternal Order in a Changing Society, Freiburg, 2018, p. 32).

Kitô hữu chúng tôi cũng coi mặc khải Tân Ước như 1 phần của diễn trình này. Khi Kitô hữu chúng tôi nói công khai và trung thực với người Do Thái về các niềm tin sâu sắc nhất của mình, chúng tôi thi hành những gì đã được viết trong văn kiện của Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh năm 2001 tựa là “Người Do Thái và Các Sách Thánh của họ trong Kinh Thánh Kitô Giáo”. Một đàng, văn kiện này nhấn mạnh rằng “Các Kitô hữu có thể học hỏi nhiều ở khoa giải thích Do Thái đã có từ 2,000 năm nay”. Đàng khác, ngược lại, nó cũng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu chúng tôi có thể hy vọng “người Do Thái giáo sẽ hưởng được lợi ích từ các nghiên cứu của khoa giải thích Kitô giáo”. Đem hai cách đọc vào cuộc đàm đạo với nhau có thể làm giầu lẫn cho nhau. Trong một cuộc đối thoại như thế giữa người Do Thái và Kitô hữu, các điểm giống nhau sẽ được nhấn mạnh, nhưng các điểm dị biệt không bị bác bỏ; chúng phải được kể rõ và phải thâm hậu hóa hữu hiệu các mối liên hệ mà không áp đặt hoặc hạ giá nhau. Đó chính là diễn trình đã được các phát biểu của Đức Bênêđíctô XVI hỗ trợ. Đức Hồng Y Koch xác tín rằng các tuyên bố này sẽ giúp thâm hậu hóa cuộc đối thoại thần học.

Cuộc thảo luận có tính biện biệt trong đó có sự hiện diện của các dị biệt.

Tất nhiên, các giải thích chỉ đạt được hiệu quả mong muốn khi chúng được hiểu như đã được viết và muốn nói. Chúng là “các ghi chú về khảo luận ‘De Judaeis’”, mà trước đây thường được dùng để dị biệt hóa với Do Thái Giáo, nhưng ngày nay nên dùng để cổ vũ các mối liên hệ anh em. Với tập chú này, điều hợp lý là trong tiểu luận, người ta sẽ không tìm được nhiều chủ đề mà người ta vốn mong chờ nơi cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Do đó, ở đây gần như không có bất cứ phát biểu nào về tầm quan trọng của Do Thái Giáo thời hậu Thánh Kinh và thời nay. Các thể tài khác, như lịch sử đau khổ của dân Do Thái, rõ ràng là ở hậu trường, và không được chuyên biệt thảo luận vì tiểu luận chỉ nhằm giải nghĩa rõ các hạn từ Kitô Giáo. Tuy nhiên, bất cứ ai đọc “các ghi chú” của Đức Bênêđíctô dưới ánh sáng các tuyên bố đánh giá cao Do Thái Giáo trước đây của ngài hẳn biết chắc rằng tác giả khá rõ ràng trong quyết định của ngài [về việc này]. Ngay bài báo trên tờ Communio cũng không thể đem lại lý do gì để ngờ vực. Điều này được chứng minh ngay bằng tựa đề bài báo “Ơn Thánh và Ơn Gọi không Hối Hận” và bằng cả đoạn cuối cùng trong đó, công thức “giao ước không bao giờ bị thu hồi” đã được giải thích bằng câu của Thánh Phaolô “Reuelos (không thể thu hồi) là ơn thánh và ơn gọi do Thiên Chúa ban” (Rm 11:29). Bài báo của Đức Bênêđíctô phải được đọc và giải thích theo khởi đầu và kết luận này...

Trong số các chủ đề không được Đức Bênêđíctô minh nhiên bàn đến là việc truyền giáo (1) cho người Do Thái. Không thể vì thế mà kết luận rằng ngài kêu gọi phải truyền giáo cho họ. Ở đây, phải phân nhận trên nguyên tắc có việc truyền giáo cho người Do Thái bằng việc công bố hàng ngày của Giáo Hội. Cả ở đây, cũng không có mâu thuẫn nào giữa Đức Bênêđíctô và Đức Phanxicô khi Đức Đương Kim Giáo Hoàng nhấn mạnh trong Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii gaudium [§249]) rằng có một “sự bổ túc phong phú” giữa người Do Thái và Kitô hữu, và “mặc dù một số niềm tin Kitô Giáo không thể được Do Thái Giáo chấp nhận, Giáo Hội vẫn không thể không loan báo Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Mêxia”.

Cuộc đối thoại thành công khi lời phê phán không những chỉ nhấn mạnh tới những điều không có trong bản văn, mà cũng phải xác nhận những điều được nói ở đấy một cách tích cực. Đức Hồng Y đơn cử một điểm. Đúng là theo Đức Bênêđíctô, “về phương diện thần học, lời hứa lãnh thổ hiểu theo nghĩa thuyết tân Mêxia chính trị” (new political messianism) là điều bất khả hữu. Tuy nhiên, ngài phản ảnh quan điểm Kitô giáo về mối tương quan giữa lãnh thổ và con người mà không bác bỏ một quan điểm khác về Do Thái Giáo. Trái lại, ngài minh nhiên chỉ ra rằng vì một cái hiểu khác, Do Thái giáo “phần nào nhất thiết phải tìm cho được ý nghĩa cụ thể đời này cho lời hứa lãnh thổ” và đã tìm thấy nơi Nhà Nước Israel. Và ngài cũng minh nhiên nhận định rằng các biến cố Shoah đã “làm cho nhà nước riêng của họ càng khẩn thiết hơn đối với người Do Thái”. Khi đã nhận ra nơi Nhà Nước Israel một dấu chỉ “lòng trung tín của Thiên Chúa đối với dân Do Thái”, hiển nhiên Đức Bênêđíctô đã xây một câu cầu hiểu nhau đối với một vấn đề phức tạp, một vấn đề, dĩ nhiên, phải được nhìn khác nhau bởi người Do Thái và Kitô hữu nhưng vẫn phải được đeo đuổi xa hơn.

Xử lý cách nhậy cảm các vấn đề vốn nhậy cảm

Điều làm Đức Hồng Y Koch đau lòng là có người chỉ trích Đức Bênêđíctô bài Do Thái và bài Do Thái Giáo. Vì một lẽ giản dị là Đức Bênêđictô luôn chống lại việc bài Do Thái và bài Do Thái Giáo, coi đó như hình thức gian dối của chủ nghĩa bài thần (antitheism). Đức Hồng Y cho rằng không có lý do gì để tố cáo như thế trong bài báo của Đức Bênêđíctô. Nhất là trong xã hội ngày nay khi chủ nghĩa bài Do Thái đang dâng cao, Giáo Hội Công Giáo muốn là và mãi mãi là đối tác đáng tin cậy của người Do Thái trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái này. Đức Hồng Y cho phổ biến bài báo vì đối với ngài, bài báo cho thấy cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái giáo và bài Do Thái có gốc rễ trong chính Tin Mừng Kitô giáo.

Việc cho công bố tiểu luận của Đức Bênêđíctô, một lần nữa, chứng minh rằng điểm nhậy cảm nhất trong cuộc đàm đạo Do Thái-Kitô giáo là Kitô học hay cái hiểu về Đấng Mêxia. Nhưng giữ im lặng hoài về chủ đề này là điều không đúng vì nó liên tiếp tự ý trồi lên. Đúng hơn, vấn đề chủ chốt là liệu các Kitô hữu làm chứng cho một Kitô học khích lệ tranh chấp giữa các tôn giáo hay một Kitô học làm hòa bình trở thành khả hữu. Bất cứ ai đã từng đọc các sách viết về Chúa Giêsu của Đức Bênêđíctô và đã ghi nhận các phản ứng tích cực đối với các sách này từ thế giới Do Thái chỉ có thể xác tín đối với phương thức thứ hai...

Cộng đồng những người hy vọng

Như một kết luận, Đức Hồng Y Koch phát biểu niềm hy vọng của ngài và của các Kitô hữu nói chung: “về vấn đề cánh chung, câu hỏi quan trọng đối với Kitô hữu là liệu họ có thể hy vọng Đấng Mêxia mà người Do Thái mong đợi, và Đấng Mêxia mà Kitô hữu chúng tôi tin đã xuất hiện nơi Chúa Giêsu, sẽ là một. Chính tôi vốn có niềm hy vọng này; tôi tuyên xưng nó. Tôi hy vọng không vì thế mà bị tố cáo là bài Do Thái Giáo. Đối với tôi, tin vào Lời hằng sống của Thiên Chúa, Lời mà Chúa Giêsu vốn công bố một cách trung thành và chính Người cô đọng, là động lực mạnh mẽ nhất trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái và bài Do Thái giáo, nhưng còn mạnh mẽ hơn nữa là việc thúc đẩy đi tìm và vun sới tình bạn. Đối với các Kitô hữu, đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô là phần yếu tính của niềm hy vọng cánh chung vốn là của chung giữa người Do Thái và Kitô hữu và cộng đồng những người đang chờ đợi việc hoàn thành thế giới trong Vương Quốc Thiên Chúa.

“Tôi coi là đáng công việc tiếp tục thảo luận vấn đề thần học cốt lõi này trong cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Ngoài ra, tiểu luận của Đức Bênêđíctô mang lại cho nó một thúc đẩy rất tốt đẹp. Tôi vận động cho nó được công bố, vì nó chứa đựng nhiều viễn ảnh cần được khai triển và sâu sắc hóa trong cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Với việc công bố tiểu luận, không điều gì bị giật lùi trong cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Nhưng theo ý kiến tôi, nó là một phần của cuộc đối thoại chân chính trong đó hai đối tác thông tri rõ ràng cái hiểu thần học về chính mình và trách nhiệm của mình, và các niềm tin họ đem vào cuộc đối thoại mà không tìm cách cải đạo nhau. Vì lý do này, tôi không thể thấy bất cứ nguy hiểm nào hoặc ngay cả nghi vấn nào đối với cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo trong tiểu luận của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí, trái lại thấy một gợi hứng để thâm hậu hóa cuộc đối thoại này về phương diện thần học. Tôi hy vọng cách đọc này sẽ chiếm ưu thế, một cách đọc vốn tương ứng với ý định và bản văn đóng góp của ngài”.

Tuyên bố báo chí 22 tháng Giêng, 2019

Bài nhận định chi tiết trên dường như không được nghiên cứu kỹ nên vẫn có những phê phán tiêu cực đối với tiểu luận. Bởi đó, sau cuộc gặp gỡ giữa 3 giáo sĩ Do Thái, trong đó có, Trưởng Giáo Sĩ Arie Folger, và Đức Bênêđíctô tại Vatican, một số đại biểu cả Công Giáo, Thệ phản lẫn Do Thái giáo Đức đã gặp gỡ Đức Hồng Y Koch và do đó, có tuyên bố báo chí ngày 22 tháng Giêng, 2019 tựa là “Không có gì nên rút lại, Cuộc đàm đạo về cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo tại Vatican”.

Thông cáo trên cho hay các đại diện nhận định rằng tiểu luận đã “dẫn đến sự mơ hồ đáng kể cho cuộc đàm luận Kitô giáo-Do Thái. Nhất là, việc ngài phê phán biểu thức ‘giao ước không bị thu hồi’ của Thiên Chúa với Israel khiến người ta hoài nghi liệu việc Giáo Hội Công Giáo đánh giá cao Do Thái giáo dựa trên Nostra Aetate có còn đứng vững không”. Họ lo ngại rằng những gì đã đạt được trong các liên hệ Do Thái-Kitô giáo có thể vì thế mà bị đặt thành nghi vấn.

Trả lời các lo ngại ấy, Đức Hồng Y Koch phần lớn cũng đưa ra các lập luận đã được ngài trình bầy trên đây. Theo ngài, tiểu luận không có thế giá của một văn kiện huấn quyền, mà chỉ là “lập trường của một học giả”. Và khi được hỏi liệu tác giả của tiểu luận có dành cho nó một “trọng lượng” như thế hay không, Đức Hồng Y Koch không trả lời trực tiếp, nhưng ngài nhấn mạnh: “Tuyên bố Nostra Aetate mới có thế giá huấn quyền cao nhất và văn kiện của Ủy Ban được Giáo Hội chính thức ban quyền, trong khi bản văn của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí chỉ phản ảnh quan điểm cá nhân của ngài”.

Đức Hồng Y Koch quả quyết rằng “Đức Giáo Hoàng Hưu Trí không hề muốn nghi vấn Nostra Aetate; ngài hoàn toàn ủng hộ bản văn (năm 2015) của Ủy Ban. Ngài chỉ phê phán về thần học hai điểm chuyên biệt, như, liệu người ta thậm chí có thể nói tới “việc thu hồi” giao ước theo cái hiểu của Thánh kinh hay không. Các câu hỏi ngài nêu lên đáng được xem xét, không nhằm rút lại bất cứ điều gì, nhưng thâm hậu hóa [sự hiểu biết]. Trong bối cảnh này, Đức Hồng Y Koch nhận định rằng lời lẽ của Đức Giáo Hoàng Hưu Trí liên quan tới “việc tái lập giao ước Sinai trong giao ước mới bằng máu Chúa Giêsu” nhằm cái hiểu về chính mình của Công Giáo chứ không hề nhằm hạ giá Do Thái Giáo. Ngài không hề bác bỏ giao ước với Israel đời đời có giá trị. Dĩ nhiên, cuộc tranh luận cho thấy về phía Công Giáo, câu hỏi làm thế nào đức tin Kitô giáo vào tính cứu rỗi phổ quát của Chúa Kitô và tuyên bố đức tin cũng rõ ràng không kém là giao ước không bao giờ bị thu hồi của Thiên Chúa với Israel có thể được duy trì và phát biểu một cách đầy xác tín với nhau mà không gây hại, câu hỏi ấy chưa được trả lời thoả đáng và cần được suy nghĩ nhiều hơn nữa.

Các đại diện cũng cho rằng sau 50 năm, cuộc đối thoại vẫn chỉ là “chiếc mầm nhỏ non nớt”, thành thử đây càng là lý do để niềm tín thác vừa được tạo nên không bị nguy hại bằng những phát biểu gây hoang mang. Đức Hồng Y Koch nhấn mạnh rằng, trong cuộc đối thoại giữa người Do Thái và các Kitô hữu, không bên nào nên phải đặt nghi vấn đối với chính các niềm tin của mình, trái lại phải chờ mong bên kia có các sự thật đức tin không vừa ý mình. Đức Hồng Y than phiền rằng trong cuộc đối thoại với người Do Thái, không phải mọi người Công Giáo đều nói một cách cởi mở, hầu như ai cũng dấu giếm thánh giá. Ngài kêu gọi, trong cuộc đối thoại, mọi bên phải thẳng thắn hơn trên bình diện bình đẳng.

Kết quả mọi tham dự viên cuộc gặp gỡ thỏa thuận rằng công trình thần học cần được tiếp tục, kể cả việc hiểu ý nghĩa thần học của lời hứa lãnh thổ. Họ nhấn mạnh đến ý nghĩa xã hội của cuộc đối thoại Do Thái-Kitô giáo. Họ cám ơn Đức Hồng Y Koch về cơ hội được trao đổi cởi mở và xây dựng.