Cần hợp tác hơn nữa cả về mặt đạo đức trong lĩnh vực y tế

Vatican (VIS) – Hôm 09/7, Đức Tổng Giám Mục Silvano M. Tomasi C.S., Quan sát viên Thường Trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc và Các Cơ Quan Chuyên Biệt ở Geneva, đã có bài diễn văn trước Phiên họp cấp cao của Hội Đồng Kinh Tế Và Xã Hội (ECOSOC) Liên Hiệp Quốc.

Trong diễn văn bằng Anh ngữ, được công bố chiều ngày 14/7, Đức Tổng Giám Mục Tomasi đã bày tỏ quan điểm rằng "cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế vốn do lòng tham và thiếu trách nhiệm về luân lý mang lại" đã bị làm trầm trọng thêm bởi dịch cúm A - H1N1, "được thừa nhận là đại dịch quy mô lớn, chắc chắc có tầm ảnh hưởng trong tương lai không thể dự liệu được, và bởi cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu gây nguy hiểm cho cuộc sống của hàng triệu người, nhất là những bần cùng nhất thế giới, nhiều người trong số họ đã bị suy dinh dưỡng cấp tính và mãn tính"; "Phái đoàn Tòa Thánh lưu ý với sự quan ngại sâu sắc về các dự báo của Ngân hàng Thế Giới (WB) trong đó năm 2009 sẽ có thêm 53 đến 65 triệu người sẽ bị đẩy vào hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ, và số người đói thường xuyên sẽ vượt quá con số một tỷ, 800 triệu người trong số đó sống ở khu vực nông thôn".

Sau khi nêu bật tầm quan trọng của việc vượt thắng "sự cám dỗ giảm thiểu các dịch vụ công vì lợi ích trong ngắn hạn, phải đổi lấy cái giá phải trả về nhân lực trong dài hạn", Đức Tổng Giám Mục chỉ ra rằng "viện trợ cho phát triển nên được duy trì và thậm chí cần tăng thêm như là một yếu tố quan trọng trong việc đổi mới nền kinh tế và dẫn dắt chúng ta bước ra khỏi cuộc khủng hoảng".

Ngài cho hay thêm: "Một trở ngại chính để đạt được các mục tiêu bản lề mang tầm quốc tế trong y tế chính là sự bất bình đẳng tồn tại cả trên phương diện giữa các quốc gia và trong các quốc gia, và giữa các nhóm chủng tộc và sắc tộc. Thật là bi kịch khi phụ nữ tiếp tục nhận được sự chăm sóc sức khoẻ càng nghèo nàn hơn tại nhiều khu vực".

Đức Tổng Giám Mục quan sát viên lưu ý: "Giáo Hội Công Giáo là người bảo trợ cho 5.378 bệnh viện, 18.088 cơ sở y tế, 15.448 nhà cho người già và người khuyết tật, cùng các chương trình chăm sóc sức khỏe khác trên toàn thế giới, nhưng đặc biệt là trong hầu hết các khu vực bị cô lập và bị gạt bỏ". Tuy nhiên, "các tổ chức thuộc tôn giáo lại không nhận được sự chia sẻ công bằng của các nguồn lực được thiết kế để hỗ trợ cho các sáng kiến y tế địa phương, quốc gia và toàn cầu"

Ngài cho biết: "Những chỉ số định lượng theo dõi dòng chảy của viện trợ và việc nhân lên các sáng kiến y tế toàn cầu đơn lẻ không thể đủ để đảm bảo 'Sức khoẻ cho mọi người'. Tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu và khả năng đủ thuốc cứu hộ mang tính sống còn để cải thiện y tế toàn cầu... Trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, ngay cả bệnh tật và virút gây bệnh không còn ranh giới nữa, và do đó, hợp tác toàn cầu không chỉ trở nên một thực tại cần thiết, nhưng quan trọng hơn là tính cấp thiết về mặt đạo đức của sự liên đới. Tuy nhiên, chúng ta phải được hướng dẫn bởi các truyền thống chăm sóc y tế tốt nhất vốn tôn trọng và thăng tiến quyền sống từ lúc thục thai đến lúc chết đi theo cách tự nhiên đối với tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, tư cách pháp lý, quốc tịch, tôn giáo, giới tính và tình trạng kinh tế xã hội".

Phái đoàn Tòa Thánh tin rằng "cách tiếp cận luân lý để phát triển là cần thiết trong đó bao hàm mô hình phát triển toàn cầu mới tập trung vào con người chứ không phải lợi nhuận, và bao gồm các nhu cầu và khát vọng của toàn thể gia đình nhân loại".