Bình luận của Linh mục Piero Gheddo

Rome (Zenit.org) - Những nguyên nhân căn cội gây ra nạn nghèo đói không phải do là chế độ thực dân, hoặc đa quốc gia, hay chủ nghĩa vị kỷ của những nước giầu có.

Mặc dầu người giầu có trên thế giới phải gánh nhiều trách nhiệm và tội lỗi, nhưng họ không phải là cội rễ gây ra sự nghèo túng của người nghèo.

Điều làm cho tôi buồn khi đọc trong các sách vở và báo chí là người ta không dùng cách gọi “kẻ bị bần cùng hóa” thay cho “người nghèo khổ”. Và lời giải thích được đưa ra là, chẳng hạn, trước khi bị Tây phương đô hộ, người dân châu Phi và những thổ dân vùng Amazon đã sống cuộc sống cộng đồng tự nhiên, hạnh phúc và hòa bình. Tuy nhiên, đó là một cái nhìn có tính cách lý tưởng hầu như trái ngược với thực tế lịch sử.

Để chứng tỏ điều này, hãy đọc tiểu sử của những nhà truyền giáo đầu tiên đến tiếp xúc với những thổ dân đó trước khi có sự can thiệp của những kẻ thực dân. Chẳng hạn, các nhà truyền giáo PIME (*) đã đến vùng phía đông nước Miến điện [tên gọi ngày nay là Myanmar] vào năm 1868 và thực dân Anh bắt đầu đến chiếm vùng đất này vào cuối thế kỷ 19. Lúc đó các vùng này có những thổ dân còn sống trong thời đại Đồ Đá (Stone Age, không biết gì đến kim loại như sắt thép gì cả.)

Trong thực tế, các nhà truyền giáo viết rằng những bộ tộc này thường xuyên chiến tranh với nhau, các vị đó mô tả cuộc sống của họ là không có nhân tính, chỉ hơn tình trạng súc vật đôi chút, thêm vào đó còn bị “bần cùng hóa.” Các thổ dân ở Miến điện sở dĩ phát triển được chính là nhờ hành động của các vị truyền giáo, những người đã mang lại hòa bình, dạy dỗ họ làm việc và trồng tỉa lúa gạo (vì trước đó họ sống như những người du mục nay đây mai đó), du nhập nền y khoa tân tiến, học hỏi ngôn ngữ của họ, biên soạn các từ điển, thâu thập những câu tục ngữ và truyện cổ của họ, v.v…

Năm 2001, những “người không chủ trương toàn cầu hóa” đã vắt óc nghĩ ra một câu khẩu hiệu có hiệu quả cho Nhóm Tám Quốc gia (G8) họp tại Genoa: “Chúng ta giầu có bởi vì họ nghèo nàn, và họ nghèo nàn bởi vì chúng ta giầu có.” Tôi vẫn chủ trương rằng nói ra những lời dối trá chẳng giúp gì được cho người nghèo.

Na ná như một câu khẩu hiệu khác: “Mười phần trăm dân số thế giới tiêu thụ 90% tài nguyên, còn 90% người kia tiêu thụ chỉ 10% tài nguyên còn lại.” Câu này phải được sửa lại để đọc như sau: “10% con người sản xuất và tiêu dùng 90% tài nguyên, còn 90% con người sản xuất và tiêu thụ 10% tài nguyên.”

Gốc rễ của vấn đề là trước nhất nếu muốn tiêu dùng, phải sản xuất đã: Người ta tiêu dùng nếu người ta sản xuất ra được, còn ở trong các nước nghèo, người ta sản xuất không đủ để theo được với đà gia tăng dân số.

Dân số châu Phi đã gia tăng từ 300 triệu năm 1960 lên tới ngày nay là 800 triệu người, nhưng nền nông nghiệp căn bản trên quy mô rộng lớn vẫn còn ở trong tình trạng thô sơ như thời thuộc địa. Một số người theo chủ thuyết “tai biến” (**) nói rằng vì có quá nhiều người nên không thể khắc phục được nạn đói. Điều đó không đúng.

Nhật bản, có 342 người cư ngụ trong diện tích một cây số vuông (ở nước Ý, có 194), là một trong những nước mà mật độ dân số cao nhất trên thế giới, với một đất nước nhiều đồi núi (chỉ có 19% đất đai là canh tác được), và một khí hậu khắc nghiệt, vậy mà lại tự túc được về thực phẩm căn bản họ dùng hàng ngày, đó là lúa gạo.

Nạn đói kém không phải đến từ chuyện có quá nhiều người nam nữ, mà do sự kiện là họ không được dạy bảo cách thức sản xuất nhiều hơn, vượt lên trên mức đồ ăn thức uống thuần túy.

Tuy nhiên, ở phương Tây người ta không công nhận điều đó bởi vì người ta đặt vấn đề về trách nhiệm đích thực của chúng ta là đã không tài trợ những quốc gia nghèo và trả đúng giá cho các nguyên liệu thô của họ (đây cũng là điều đúng, nhưng không phải là trước hết và quan trọng hơn hết). Trách nhiệm của chúng ta là đóng góp vào nền giáo dục của họ để họ có thể tự túc, trước nhất là sản xuất ra thực phẩm và sau đó mới đến các lãnh vực khác.

Khoảng cách giữa giầu và nghèo trên thế giới trước hết không phải là một sự kiện về kinh tế, nhưng là một sự kiện về chính trị, văn hóa. Ở châu Âu, sau nhiều thế kỷ chậm chạp trong tiến bộ về kỹ nghệ và nông nghiệp tân tiến, chúng ta đã đi đến chỗ có được kỹ thuật, khả năng, tâm thức hoạt động và kinh doanh (cộng thêm với nền dân chủ và thị trường tự do mậu dịch) để mà sản xuất. Trong khi đó thì ở cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, nhiều dân tộc vùng nam bán cầu mới bước qua được thời tiền sử -- nghĩa là, không có chữ viết – sang thời hiện đại, trong vòng chỉ một thế kỷ, mà giữa thời kỳ đó có tới hai trận Thế chiến!

Trong một tình huống như thế, thật là điều thừa thãi khi nói rằng họ có các giá trị nhân bản lớn lao, họ trẻ trung, thông minh và khả ái, thiện chí cùng mình. Dù là tôi biết rất rõ những điều đó, nhưng bước nhảy vọt văn hóa từ tình trạng tiền sử sang đến máy điện toán, đến phi cơ, có thể phần nào được một số cá nhân hấp thụ xét theo nghĩa kỹ thuật, nhưng không theo ý nghĩa văn hóa.

Đại chúng bình dân dù sử dụng điện thoại di động, máy truyền hình, nhưng cái đầu, những thói quen, tập quán trong đời sống, tâm thức cơ bản vẫn còn ít hay nhiều nằm nơi quá khứ. Đức tin tôn giáo và văn hóa không thể đổi thay nhanh chóng mà cần phải có thời gian.

Đây là câu chuyện tôi thường được nghe kể lại nhiều lần do các nhà truyền giáo sinh sống với dân nghèo, một số điều phương Tây vẫn còn chưa hiểu được, và hơn thế nữa, không muốn chấp nhận.

Vào tháng chạp Năm 2007, tôi ở Cameroon, một trong những quốc gia mẫu mực của châu Phi nằm phía nam sa mạc Sahara: rộng gấp một lần rưỡi nước Ý, với dân số là 18 triệu người, ổn định về chính trị, không có chiến tranh và xung đột nội bộ, với một hình thức có thể chấp nhận được về chính trị và tự do. Mức tăng trưởng kinh tế hàng năm bằng 2%-3% GDP. Lợi tức bình quân đầu người là 800 mỹ kim một năm, trong khi đó nhiều nước khác ở châu Phi, con số này thay đổi từ 100 đến 300 mỹ kim (ở Ý, số này khoảng 30 ngàn mỹ kim). Nợ nước ngoài gần như không có, khoảng vài chục triệu.

Những điều đó tốt thôi, nhưng sự kiện là Cameroon sản xuất rất ít hay kể như không có trong lãnh vực kỹ nghệ. Không có kỹ nghệ thực sự nào, chỉ có những công trình về xi măng, sản xuất tơ sợi và đường, bia, thuốc lá, tỉa hột bông, ít có gì khác. Nước này nhập cảng gần như mọi hàng hóa tân tiến, cả bóng đèn và tủ lạnh, trong khi xuất cảng tài nguyên thiên nhiên (dầu, khoáng sản, gỗ) và các sản phẩm nông nghiệp. Và sự tăng trưởng kinh tế là điều bất khả thi nếu không có công nghiệp.

Căn bệnh trầm kha thứ hai của nước Cameroon là tình trạng tham nhũng ở các cấp bực chính trị và hành chánh. Trong danh sách những nước tham nhũng nhất trên thế giới do Liên hiệp quốc lập, Cameroon lúc nào cũng đứng đầu bảng. Quả vậy, năm 2007 nước này được xếp hạng nhất. Đây không phải là lầm lỗi đặc biệt của người này người kia đứng đầu nước hay nhà hành chánh nào; nó là một tập tục bắt nguồn từ tâm thái: Khi một người nắm quyền, y phải nghĩ tới phe nhóm, bộ tộc, làng nước hay gia đình mình trước hết.

Đó là căn bệnh trầm kha lan rộng khắp cả châu Phi – và dĩ nhiên không phải chỉ ở châu lục này mà thôi – đã chặn đứng sự phát triển lại rất nhiều, bởi vì sự giúp đỡ và trợ cấp nhận được từ Liên hiệp quốc hoặc từ các nước khác gần như hầu hết đều chui vào túi những kẻ nắm giữ quyền hành.

Và, tôi xin lặp lại, đây là chuyện có thực xảy ra nơi các viên chức quản trị chính quyền ở cấp cao, giới quân nhân, v.v., nhưng cũng còn ở nơi bất cứ ai có chút quyền hành trên những người khác. Dĩ nhiên, cũng có những ngoại lệ, mhưng cái tập quán xấu xa mọi người nói tới chính là điều đó, và đó là căn nguyên đích thực của tình trạng kém phát triển.

Phát triển không phải chỉ là một biến cố kỹ thuật hay kinh tế, nhưng trên hết bắt nguồn từ văn hóa, từ giáo dục: Nó là công trình của những cá nhân, chứ không phải của tiền bạc, nó đến từ con người chứ không phải từ máy móc, nó phát sinh từ giáo dục, tức là một tiến trình kiên nhẫn, lâu dài, không thể thành đạt bằng những sự can thiệp khẩn cấp, nhưng bằng sự sống chung với người khác.

Chúng ta những người ở phương Tây đang làm rất ít cho công cuộc giáo dục các dân tộc nghèo, và chúng ta không bao giờ nghe đến vai trò của những giá trị về văn hoá và tôn giáo trong việc dẫn đưa tới phát triển: Đó là một đề tài bị bỏ qua bởi giới truyền thông đại chúng và những “chuyên gia” người Tây phương thường ưa chuộng chuyện viện trợ kinh tế và kỹ thuật hơn.

Nguồn: Father Piero Gheddo/Zenit.org

Linh mục Piero Gheddo hiện là giám đốc của tổ chức Mondo e Missione và của Italia Missionaria, đồng thời là người sáng lập thông tấn xã AsiaNews. Từ năm 1994 đến nay, ngài là giám đốc văn phòng chuyên về lịch sử PIME, là cáo thỉnh viên trong nhiều vụ án tuyên thánh. Hiện nay ngài đang giảng dạy tại đại chủng viện PIME ở Roma, và là tác giả của hơn 60 cuốn sách đã xuất bản.

(*) PIME: (viết tắt các chữ đầu của những từ ngữ Latinh Pontificium Institutum pro Missionibus Exteris, Học viện Giáo hoàng về Truyền giáo Ngoại quốc) là một Hiệp hội Sinh hoạt Tông đồ gồm các linh mục và giáo dân dâng hiến cuộc đời cho sứ mạng truyền giáo tại khắp 5 châu lục, được thành lập tại Ý năm 1850.

(**) Chủ thuyết “tai biến (catastrophism)” là thuyết theo đó các biến đổi địa chất xảy ra trên vỏ trái đất là do các tác nhân kích thích mãnh liệt, tác động bất thần, chứ không phải do những quá trình tiệm tiến, chậm chạp.