Niềm tin Việt Nam: Lời khen thành thật

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.
Tình già, Ảnh Nguyễn Trung Tây


Tan buổi họp Legio, vừa về tới cửa nhà, dì Tư đã cất tiếng than,

— Tui là tui hổng có thích bà Hội Trưởng!

Ông Tư trợn mắt nhìn vợ,

— Lạ kỳ chưa! Mọi bữa tui thấy hai người hay gọi điện thoại nói chuyện xì xào chị chị em em với nhau thân tình lắm mà. Giờ sao tự dưng ở đâu rớt xuống một cái bịch, “Tui hổng có thích bà Hội Trưởng!”. Bà nói năng lãng xẹt như vậy, ai mà hiểu cho nổi?

Dì Tư chép miệng,

— Ờ, thì ông nói cũng đúng! Ta nói bà Hội Trưởng Hội Legio cái chi cũng được. Trong nhà ngoài ngõ, chuyện chi bả ấy cũng tốt lành. Chồng chết từ bao lâu nay rồi, mà một tay bả dậy dỗ con cái tám đứa là đều tăm tắp tám đứa. Ta nói mấy đứa con mặc dù lớn ở bên đây, nhưng thấy tui bước vô nhà là cúi đầu chào, “Con chào dì Tư. Dì Tư mạnh khỏe?”, rồi là tự tay pha trà mang ra mời khách. Còn việc trong Hội Legio là một mình bả ấy lo toan tính toán, sổ sách giấy tờ chi thu đâu đó minh bạch, không thiếu một đồng, không lọt một xu. Thiệt tình tui coi bả ấy như chị ruột của mình, như là một tấm gương sáng cho mình soi…

Dì Tư dừng lại,

— Nhưng bà Hội Trưởng chỉ có một cái “tật” mà tui hổng có thích từ bao lâu rồi. Ta nói bà ấy cứ mở miệng ra một cái là khen ngợi người này ca tụng người kia. Ông nghĩ tui nói có đúng hay không? Góp tay xây dựng cho Hội Legio là việc của mọi người. Nhưng hễ tui cứ vừa mần chiện cho Hội xong một cái là bữa sau bả ấy đứng lên khen tui oang oang ở ngay giữa hội trường…

Ông Tư trợn mắt,

— “Bà ấy cứ mở miệng ra một cái là khen ngơi người này người kia”. Có thế thôi mà bà không thích người ta.

Dì Tư chép miệng,

— Ông nói chiện! Thì ai mà lại không thích được khen…

Dì Tư ngập ngừng... Ông Tư mất kiên nhẫn,

— Bà có chuyện chi muốn nói thì cứ tự nhiên mà nói. Việc chi mà bà cứ phải mần tuồng làm như tui với bà hai người lạ mặt, mới đụng mặt nhau ở ngay cửa chợ không bằng.

Bị chồng càm ràm, dì Tư buông lời nói luôn,

— Thì ta nói ai mà chẳng thích được khen. Nhưng bởi bà Hội Trưởng cứ mở miệng một cái là khen, khiến tui tự kiêu, mất đức khiêm nhường, nghĩ là mình ngon, rồi là lên mặt song tàn với người trong Hội. Cho nên tui thấy phước đâu chưa thấy mà đã thấy tội, mà lại là cái tội tự kiêu, đầu mối mọi thứ tội. Ông còn nhớ cái chiện ông Adong bà Evà chứ gì. Đó, đó! Cũng chỉ bởi vì cái tội tự kiêu, nghĩ là mình ngon, rồi lên mặt song tàn muốn cho bằng Thiên Chúa…

Dì Tư nhìn chồng, đo lường tình thế,

— Ông thấy tui nói có phải tuồng phải tích hay không?

Ông Tư nhìn xuống đất, đầu gật gù,

— Bà nói tuồng tích cũng phải mà lý lẽ cũng thông. Nhưng tôi nhớ đâu có mấy lần Chúa Giêsu cũng cất tiếng khen ngợi người ta ngay nơi công cộng thì sao?

Dì Tư hỏi lại cấp kỳ,

— Đâu, đâu? Ông chỉ cho tôi coi cái đoạn đó nó nằm ở chỗ nào trong Kinh Thánh?

Ông Tư chép miệng,

— Thì tôi nhớ đâu cái câu truyện mà ông sĩ quan La Mã mở miệng xin Chúa chữa bệnh cho người đầy tớ của ổng đó. Rồi thêm cái bà xứ Canaan cứ đi theo năn nỉ xin Chúa chữa cho cô con gái bị quỷ ám. Rồi lại thêm cái bà góa, cái bà mà chỉ có hai xu là tài sản duy nhất lận trong người đó, thế mà bà ta cũng dám dâng tặng hết cả hai xu vào trong thùng tiền cúng. Ta nói gặp ba người này, Chúa cất tiếng khen ngợi cả ba oang oang ngay giữa phố xá vậy thôi.

Ông Tư phân tích,

— Ta nói khen ngợi người khác không phải là một vấn đề khiến tôi bận tâm, nhưng cái tâm ý khiến mình mở miệng khen mới là điều làm tôi suy nghĩ. Thiên hạ có người hay mở miệng khen để lợi dụng nhờ vả, hoặc “mật ngọt chết ruồi” để rồi thừa lúc người ta không để ý, mình giơ cao tay ám hại. Những trường hợp này, tôi không muốn nói tới.

Ông Tư nhìn vợ,

— Nhưng nếu mình khen một người, mà lời khen đó thành thật; mình khen mà không phải khen giả dối để mà cầu lợi; mình khen bởi vì người ta là một tấm gương sáng, xứng đáng với lời khen; mình khen bởi vì muốn khuyến khích người ta tiếp tục trở thành một tấm gương sáng, trong những trường hợp như thế, mình cũng nên học theo gương Chúa Giêsu cất tiếng khen ngợi khuyến khích người ta. Chứ chẳng lẽ mình cứ phải đợi lúc người ta chết chôn sâu dưới ba tấc đất, lúc đó mới đọc diễn văn, đánh trống, thổi kèn rùm beng khen ngợi người ta hay sao? Mà bà biết rồi đó, Chúa Giêsu đâu có làm như vậy đâu...

Lời Chúa
Ra khỏi đó, Đức Giêsu lui về miền Tire và Sidon, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi”. Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bấy giờ Đức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi (Matt 15:21-28).

Lời Nguyện
Lạy Chúa, xin dậy chúng con biết bắt chước Chúa, mở miệng khuyến khích nhau cùng tiếp tục sống chứng nhân Tin Mừng cho danh Chúa ngày thêm chiếu sáng trên mặt quả địa cầu.

www.nguyentrungtay.com