Niềm tin Việt Nam: Tám mối phước thật

Niềm tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn về những đời sống niềm tin của người Việt Nam, không phải trong quá khứ, cũng không phải trong tương lai, nhưng ngay trong ngày hôm nay và ngay bây giờ. Đọc Niềm tin Việt Nam, có thể bạn sẽ nhận ra những nhân vật xuất hiện trong Niềm tin Việt Nam chính là bạn, hoặc những người thân trong gia đình, hoặc những người hàng xóm, hoặc những người tín hữu trong xứ đạo của chính bạn.

Bác và em đang đi hành hương tại Do Thái, Bắc Galilê, cạnh ngay Biển Hồ...

— Sang tới bên đất thánh, tự nhiên tôi lại đâm ra cứ nghĩ ngợi vớ vẩn.

— Em tưởng cần chi phải sang tới đất thánh, ở bên làng ta là bác cũng đã vớ vẩn tợn rồi đấy chứ.

— Ông thì cứ mở miệng ra là đâm bị thóc, chọc bị gạo. Có bữa chọc nhằm ngay hũ mắm tôm thì thơm đời nhé!

— Gớm, mới giỡn chơi có mấy câu mà bác đã khó chịu. Thì thôi, bác nói đi.

— Thì đấy, ông nhớ cái hôm cụ dẫn mình tới nhà thờ Tám Mối Phúc Thật gần sát Biển Galilê hay không? Tới sân nhà thờ, ông hướng dẫn viên mới bắt đầu kể về sự tích của ngôi nhà thờ và câu chuyện Tám Mối Phúc Thật trong Phúc Âm. Tôi nhớ ông ấy nói thật ra cũng không ai rõ là Chúa đã giảng Tám Mối Phúc Thật ở đâu. Bởi theo như thánh Luca thì từ trên núi Chúa đi xuống đất bằng, tại đây Chúa mới giảng Tám Mối Phúc Thật (Luke 6:12-17). Còn ông thánh Mátthêu thì lại nói Chúa ngồi giảng Tám Mối Phúc ở ngay trên ngọn núi (Matt 5:1). Nghe ông hướng dẫn viên nói, tớ mới bật ngửa người ra. Chết chửa, sao lại có chuyện lạ kỳ như vậy. Người nói thế này, kẻ bảo thế kia, biết ai đúng ai sai bây giờ?!

— Em hiểu rồi, hèn chi bác nói giờ sang tới bên đất thánh lại đâm ra như người vớ vẩn là thế.

— Ông khéo là nhiều trò. Tôi nói là “nghĩ ngợi vớ vẩn”, chứ không phải “như người vớ vẩn”.

— Vâng, vâng, em nhầm, cho em chữa lại, bác nghĩ ngợi vớ vẩn bởi không biết chỗ nào mới là cái nơi Chúa giảng bài giảng Tám Mối Phúc Thật.

— Chứ còn gì nữa. Thì đấy, cái lúc mà ông hướng dẫn viên đang nói, ông cũng đứng cạnh ngay bên tôi, làm gì ông không nghe thủng nhời của người ta. Mà họ là hướng dẫn viên có bằng cấp hẳn hoi chứ đâu có phải nói chuyện thằng Tí thằng Tèo...

— Vâng, em biết. Em đâu có điếc lác để mà nghe không rõ nhời người ta nói. Nhưng bác có nhớ trong thánh lễ cụ cũng có nói, “Chúa giảng Tám Mối Phúc Thật ở trên núi cao hay dưới đất bằng cũng không quan trọng. Quan trọng là Chúa đã giảng Tám Mối Phúc Thật. Và bài giảng của Chúa đã được cả hai ông thánh sử ghi lại trong sách Phúc Âm rõ ràng hẳn hoi cơ mà”.

— (Nghi ngờ) Có thật là cụ đã nói như vậy hay không đó?

— Bác rõ đến là chán như cơm nếp nhão. Chẳng lẽ bác lại nghĩ em nói điêu. Hay là bác đi kiếm cụ mà hỏi cho ra nhẽ nhé. Đây, đây điện thoại di động của em đây, bác cứ cầm lấy mà gọi cụ đi…

— (Cười chữa thẹn) Nào dám. Nhưng quả thật là tôi không có nhớ...

— Bác cũng dự một ván lễ với em, mà làm sao lại không nhớ nhời cụ giảng? Vậy là ngay cả bài giảng Tám Mối Phúc Thật của cụ trong thánh lễ, bác cũng quên tuốt luốt rồi.

— (Nói nho nhỏ) Chỗ anh em tớ nói thiệt, lúc đó quả là tớ có hơi chia trí...

— (Làm mặt kịch) Bác đến là liều, sao lại có thể lơ đãng trong lúc cụ giảng Lời Chúa như vậy? Vậy là phải dự một ván lễ khác bù vào cho trọn đấy nhé.

— Ông đừng có nói thánh nói tướng. Đêm hôm trước, ông rủ tôi xuống căng tin khách sạn lai rai mấy xị rượu vang với thịt dê nướng. Nửa đêm mò về được tới phòng, tôi say bí tỉ. Sáng còn lết được đi theo phái đoàn tới nhà thờ Tám Mối Phúc là phúc lắm rồi đấy. (Gắt gỏng) Mà đã nói với ông rõ ràng hẳn hoi rồi, “Thôi, thôi, tôi đủ rồi”. Ông thì cứ cố nài với ép, “Bác phải vui với em, có mấy thủa mà mình đến được Biển Galilê ngồi nhậu với thịt dê như thế này”…

— Thì thôi, lỗi của em. Vậy là bác không có nhớ cụ giảng chi sất?

— (Sẵng giọng) Nhớ gì! Lúc cụ giảng, tôi thăng thiên lên thẳng tới thiên đàng.

— Lên thẳng tới thiên đàng cơ à, thế sao bác không đi mà hỏi Chúa, “Chúa ơi, Chúa giảng bài giảng Tám Mối Phúc ở đâu? Trên núi hay dưới đồng bằng?” Gặp Chúa ba mặt một nhời như vậy thì chắc bác đã thôi, không còn vớ vẩn…

— Ông hay lắm, sao ông không lên đó mà hỏi Chúa?

— Thôi, thôi, được rồi, để em nhắc lại cho bác rõ, kẻo không có bữa cụ hỏi thì lại kẹt. Bữa đó cụ giảng như thế này đây nè…

Suy Niệm
Sống Tám Mối Phúc thật là:

(1). Sống nghèo khó như thánh Phanxicô một đời sống khó nghèo, trên màn trời dưới chiếu đất, nhận mặt trời là anh, gọi mặt trăng là chị, yêu thương tha nhân và thú vật với cả một tấm lòng đơn sơ chân thành. Vác bình bát đi ăn xin, gặp người vác gậy đuổi đi, thánh nhân không buồn, nhưng tiếp tục cất giọng hát bài Kinh Hòa Bình, “Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”.

(2). Sống hiền lành như Đức Mẹ, lúc nào cũng cúi đầu xin vâng theo thánh ý Chúa. Sống thương người như Đức Mẹ, nhận được tin chị Elizabeth mang thai, Mẹ từ bắc Galilê lên dốc xuống đồi lần xuống miền Nam Giuđêa săn sóc người chị bụng mang dạ chửa.

(3). Sống công chính như thánh Giuse, thà là yên lặng bỏ đi, chứ không nỡ lòng mang người bạn đời đang mang thai ra đầu làng ném đá. Thánh Giuse công chính đặt danh dự và thể diện tha nhân lên trước bản ngã của mình, thà là mình bị thiệt còn hơn người khác bị thiệt thòi.

(4). Sống sầu khổ nhưng kiên trì như thánh Monica, một đời nguyện cầu cho người con hoang đàng. Bởi những giọt nước mắt và lòng bền đổ vào lời kinh, cuối cùng hoang đàng Augustine cũng quay về lại với Chúa và với mẹ Monica.

(5). Sống tử tế như người Samaria nhân hậu, dám bỏ tất cả hiềm thù riêng tư giữa hai dân tộc chỉ để lo cho một mạng người đang dở sống dở chết nằm bên vệ đường.

(6). Sống trong sạch như Chúa Giêsu một đời khiết tịnh, lúc nào Chúa cũng tôn trọng phẩm giá của phụ nữ và trẻ em, không kỳ thị chủng tộc coi thường người khác văn hóa với mình. Gặp người nghèo đói, bệnh tật, tội lỗi, Chúa không ngoảnh mặt làm lơ, gặp người giàu sang quyền quý, Chúa không a dua xu nịnh.

(7). Sống đời hòa bình như Dr. Martin Luther King một đời tranh đấu bất bạo động cho công lý và nhân phẩm. Trong dòng lịch sử thế giới, tên của chiến sĩ hòa bình Dr. Martin Luther King khắc sâu chữ vàng.

(8). Sống tử vì đạo như thánh Dũng Lạc một đời tuyên xưng đạo Chúa dù phải đầu rơi chốn pháp trường. Hạt máu tử đạo của thánh Dũng Lạc đổ xuống biến thành đá tảng xây dựng nền nhà Giáo hội Việt Nam đời đời bền vững.

www.nguyentrungtay.com