Tặng quà cho nhau có thể là một truyền thống trong mùa Tết âm lịch ở Việt Nam nhưng cũng có thể là một chuyện nhức đầu đối với các nhân viên kẹt tiền mà buộc lòng phải trao các bao đỏ lì xì cho các vị “sếp” của mình.

Theo truyền thống của người Việt thì trong mùa Tết kéo dài cả tuần lễ, những ngày quan trọng nhất trong năm, thì cha mẹ ông bà thường bỏ tiền vào các bao đỏ và lì xì cho con cháu để chúc giàu sang thịnh vượng trong năm mới. Nhưng kể từ khi nước cộng sản này bắt đầu chuyển sang một nền kinh tế thị trường vào năm 1986, phong tục này cũng lan dần vào các nơi làm việc.

Điều khác biệt ở đây là những món quà này chạy ngược chiều, từ các nhân viên thấp bé lên các vị “sếp” thay vì ngược lại. Nhân viên có được tăng lương hoặc lên chức hay không đôi khi cũng tùy nơi các món quà Tết này. Và điều đó thường khiến các nhân viên giỏi giang, có nhiều tham vọng nhưng lương tiền ít ỏi phải phân vân tự hỏi có nên nuôi dưỡng cái hệ thống này hay không, hoặc giả sẽ bị cấp cao của mình cố tình làm ngơ.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tiền bạc là món quà quí nhất trong trường hợp này. Trong bao thơ thường thấy một món tiền từ 10 đô la trở lên và trong vài trường hợp lên tới hằng ngàn đô la. Những số tiền quá lớn như vậy đã khiến chính phủ hồi năm 1995 ra lệnh cấm công nhân viên nhà nước không được dùng công quỹ để mua sắm quà Tết.

Ngoài tiền mặt ra, người ta cũng thường tặng rượu “vang” và các loại rượu mạnh nhập từ nước ngoài. Điều này giải thích phần nào nạn buôn lậu rượu từ Trung Quốc và Thái Lan tăng mạnh trong thời gian trước Tết. Đối với một số các quan chức cao cấp trong chính phủ và các giám đốc xí nghiệp của nhà nước thì đây cũng là một mối lợi lớn vì họ đem bán lại cho người khác số rượu chưa dùng.(VOA)