Theo báo Gia Ðình và Xã HộI, vào dịp Tết, ai cũng cần một ít tiền mới để mừng tuổi. Vì vậy, nhu cầu đối với tiền mới lên khá cao. Muốn có được tiền mới, cách thuận tiện nhất là ra chợ đen, đổi qua mấy người buôn ở đầu phố Tràng Tiền hoặc các cửa hàng vàng bạc lớn. Chính vì sự khó khăn này mà "tiền đã trực tiếp đẻ ra tiền".

Qua tiếp xúc với những người chuyên "buôn tiền", chúng ta có thể thấy được mức độ "siêu lợi nhuận" của dịch vụ đổi tiền này. "Loại cọc tiền 10.000 mới đổi 1 triệu (tiền mới) lấy 1,1 triệu đ (tiền cũ), còn loại tiền càng bé thì giá lại bớt đi. Đổi loại 5.000 đ thì cứ 1 triệu, đổi 1,04 triệu; loại 2.000 đ thì 1 triệu đổi 1,02 triệu".

Khi bị chê là đắt thì những người đổi tiền cho biết "Bây giờ, ra ngân hàng cũng không đổi được đâu, hết từ lâu rồi. Chúng tôi phải phục từ hàng tháng trước mà cũng phải "thân quen" mới đổi được đấy". Theo ý hiểu thì "thân quen" có nghĩa là người buôn tiền cũng phải trả tiền để có được tiền mới.

Những ngày này, việc đi đổi tiền mới quả là khó khăn. Một phần vì mọi người đổ xô đi đổi, phần còn lại số tiền mới này bị tuồn ra chợ đen. Không hề quá chủ quan khi nói, phần lớn tiền mới đã có mặt tại đầu Bờ Hồ - Tràng Tiền. Nhiều người cho biết, họ phải nhờ người quen trong ngân hàng mới đổi được mà không mất khoảng 20% như những người khác.

Vấn đề hiện được đặt ra là tại sao chợ đen đang có quá nhiều tiền mới được tuồn ra trong khi hỏi ngân hàng thì lại không có tiền mới để đổi. Vô hình chung nhiều người được hưởng lợi từ việc đẩy giá đổi tiền lên cao trong khi những người cần đổi tiền mới trong dịp Tết phải chịu những giá chênh lệch đến vô lý như vậy.