Ðó là tiết lộ của ông Mai Hoàng Ân, Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt May Việt Nam, Ông đánh giá, đây sẽ là một thách thức lớn đối với ngành dệt may trong thời gian tới.

Theo ông Ân, việc Mỹ áp dụng hạn ngạch đối với Việt Nam là một thực tế không thể trì hoãn. Đầu tháng 12/2001, Mỹ đã đề nghị Việt Nam đàm phán về Hiệp định Dệt may và tiến hành cuộc gặp đầu tiên ngay trong tháng. Phía Việt Nam đã đề nghị hoãn đến sau Tết Nguyên đán Quý Mùi.

Tuy nhiên, suốt hơn 1 tháng nay, Hiệp hội các nhà sản xuất hàng dệt may Mỹ (ATMI) đã liên tiếp yêu cầu Chính phủ Mỹ có các biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng dệt may từ các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Các công ty sản xuất tại Mỹ cho rằng, hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển có sức cạnh tranh lớn, nhờ được hỗ trợ bởi chính sách duy trì đồng nội tệ yếu hơn đồng USD. Họ còn khẳng định, việc nhập hàng không hạn chế đã làm cho ngành dệt may Mỹ bị mất 177.000 việc làm từ năm 1977. Chính phủ Mỹ hiện chưa công bố lộ trình cụ thể cho vấn đề hạn ngạch, nhưng có thể đến tháng 6 sẽ bắt đầu áp dụng.