Phỏng vấn về công việc đạo tạo linh mục trong các chủng viện ở Trung Quốc.

Linh mục Phaolô Pei Junmin, Phó Viện Trưởng, Giám Đốc Học Vụ chủng viện Shenyang, là một trong số 22 linh mục của Giáo Hội Công Giáo được nhà nước Trung Quốc thừa nhận, đã dự buổi diện kiến Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào ngày thứ Tư 3 tháng 8 năm 2005 dành cho các du khách trên thế giới. Đức Thánh Cha đã tiếp phái đoàn này với tâm tình đặc biệt và các linh mục Trung Quốc đã đồng ca vỗ tay mừng ĐGH.

Khi tin trên được loan ra thì lập tức, các hãng truyền thông Công Giáo trên thế giới đều phổ biến tin này và giới quan sát cho đây là dấu hiệu tiến bộ trong mối liên lạc giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh Vatican.

Điều đáng chú ý là tất cả 22 vị linh mục này đều là Viện Trưởng, Phó Viện Trưởng, hoặc Giám Đốc Linh Hướng của 12 đại chủng viện ở Trung Quốc. Các vị này sang Đức tu nghiệp về giáo dục chủng viện trong vòng 2 tuần tại tu viện St Ottilien.

Linh mục Phaolô Pei Junmin đã dành cho cơ quan thông tấn Tin Tức Á Châu (AsiaNews) một cuộc phỏng vấn về hiện tình các đại chủng viện được nhà nước Trung Quốc thừa nhận.

Theo lời cha Pei Junmin, có những hình ảnh đáng âu lo như thiếu nhân sự, thiếu những vị linh hướng kinh nghiệm. Đó là kết quả của việc thanh trừng trong Cách Mạng Văn Hoá. Ngoài ra giáo dục người trẻ tại Trung Quốc cũng là một khó khăn vì họ là con một trong gia đình. Đây cũng là hậu quả của chính sách mỗi gia đình một con của chính quyền Trung Quốc

Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu sinh động như giới trẻ hăng hái đi tìm sự thật, dẫn tới việc họ hiến dâng đời mình đi tu, hoặc các người trưởng thành trở lại đạo và đi tu. Từ đó Cha Phaolo Junmin đã kêu gọi Giáo Hội hoàn vũ hãy trợ giúp Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc trong việc đào tạo linh mục.

Sau đây là cuộc phỏng vấn cha Phaolô Pei Junmin

HỎI: Những khó khăn nào cấp thiết nhất trong việc đào tạo ơn gọi tại Trung Quốc.

TRẢ LỜI : Đào tạo về thể xác, tâm lý, về thần học và tâm linh là những những vấn đề cần được giúp đỡ vì chúng tôi không có nhân sự được huấn luyện. Hiện nay, tại Trung Quốc, không có trở ngại trong việc dậy thần học. Có nhiều linh mục đi du học và đã trở về nước dậy. Ngoài ra chúng tôi có thể mời những giáo sư ở ngoại quốc đến giảng dậy một khóa. Khó khăn là chúng tôi không có nhiều chuyên viên, vấn đề nhân sự thiếu thốn lắm.

Đôi khi chúng tôi phải mời các giáo sư không phải là người Kitô Giáo đến dậy trong chủng viện, như dậy môn văn chương Trung Quốc. Ví dụ chính tôi đây, đồng một lúc, tôi vừa dậy học, vừa phụ trách công việc quản trị, vừa là Giám Đốc Học Vụ. Tuy nhiên đào tạo tâm linh thì lại là một vấn đề khác nữa.

Ơn kêu gọi ở Trung Quốc có vấn đề là các ứng sinh vào chủng viện không được trưởng thành lắm, nhất là phương diện tâm lý. Các bạn trẻ đều là con cái của các gia đình con một vì chính sách hạn chế sinh sản của chính quyền Trung Quốc. Làm việc với các bạn trẻ này khó hơn nhiều vì họ không quen sống chung đụng với các bạn trẻ khác. Tại nhà thì các bạn trẻ được cha mẹ chiều chuộng, được ông bà đối xử như là vua chúa. Từ bỏ cuộc sống nhung lụa, an bình để phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội là cả một vấn đề khó khăn đối với bản thân họ.

Mục tiêu cam go và khẩn thiết nhất đối với chúng tôi là làm sao tìm ra phương cách đào tạo có thể giúp các bạn trẻ ấy phát triển ưu thế của chính bản thân, đồng thời lại để phục vụ người khác

Một vấn đề rắc rối nữa là các bạn trẻ muốn làm linh mục hầu hết đến từ nông thôn và họ chưa học hết bậc trung học. Do vậy, họ phải học ở tiểu chủng viện mặc dù tuổi tác của họ đã lớn, so với các bạn cùng lớp.

Khoá tu nghiệp mà chúng tôi được dự ở Tu Viện St Ottilien rất hữu ích trong việc hiểu và giáo dục các người trẻ này. Một khóa học rất có kết quả, lần đầu tiên tôi được tham dự khoá huấn luyện như thế ở ngoại quốc. Chúng tôi không những học hỏi mà còn được chia sẻ những kinh nghiệm của riêng chúng tôi vì mỗi chủng viện có những thành quả riêng và những khó khăn riêng. Chúng tôi chia sẻ những đóng góp, ý tưởng, đề nghị. Riêng cá nhân tôi, tôi học được ý nghĩa thật sự của đời linh mục.

HỎI: Tại sao lại không tìm ra được đường lối giáo dục các chủng sinh ở Trung Quốc

TRẢ LỜI: Tại Trung Quốc, các người tham gia vào việc đào tạo linh mục còn quá trẻ, vào hạng tuổi từ 30 đến 50 là nhiều nhất. Chúng tôi thiếu thế hệ để có thể so sánh bản thân chúng tôi với thế hệ lớn tuổi hơn, ngõ hầu học hỏi được bài học quá khứ. Chúng tôi thiếu hẳn cái thế hệ linh mục của những thập niên 60 và 70 là thời gian có cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Tại tu viện St Ottilien, chúng tôi thấy nhiều nhân sự kinh nghiệm và trưởng thành đã tận tình giúp đỡ chúng tôi.

HỎI: Làm sao qúy cha có thể đến được tu viện ở Đức và ai đã chọn qúy cha?

TRẢ LỜI : Hội Đồng Giám Mục Trung Quốc chọn chúng tôi. Có 12 chủng viện thì mỗi chủng viện được các Giám Mục dành cho 2 chỗ. Một chỗ dành cho Viện Trưởng hay phó Viện Trưởng, chổ kia dành cho Giám Đốc Linh Hướng. Đáng lẽ chúng tôi có 24 linh mục, nhưng cha Phó Viện Trưởng chủng viện Vũ Hán và cha Viện Trưởng Jilin không đi được.

HỎI :Tại sao giới trẻ ở Trung Quốc lại chọn cuộc sống trở thành linh mục ?

TRẢ LỜI : Hầu hết các ứng viên chủng sinh đều thuộc gia đình Công Giáo lâu đời và hầu hết từ miền nông thôn. Họ đã sống trong bầu khí đạo đức ngay từ thiếu thời và có lẽ họ đã thấy một linh mục hoặc một nữ tu nào đó đã gây một ấn tượng tốt trong đời sống họ.

Giới trẻ ở Trung Quốc hăng hái đi tìm cho đời sống mình một ý nghĩa đích thực. Điều này đưa tới việc họ chọn lựa làm linh mục hay đời sống tu trì.

HỎI: Có những bạn trẻ nào có một quá khứ vô thần không và ai đã làm cho họ trở lại đạo khi trưởng thành.

TRẢ LỜI : Trong chủng viện của tôi có vài bạn trẻ thuộc những gia đình không phải là Công Giáo. Cha mẹ họ không hiểu gì về đức tin của họ. Các bạn trẻ ấy biết về Kitô Giáo nhờ bạn bè hay bạn học. Với những bạn trẻ này, đi tu là một vấn đề rất khó, gặp sự chống đối của cha mẹ. Ngay cả với chúng tôi, nhận những chủng sinh như thế cũng là một sự rủi ro. Chúng tôi phải rất cẩn thận. Chúng tôi không biết họ, không biết cái quá khứ của họ, và động lực nào thúc đây họ đi tu. Chúng tôi không biết họ có bền chí không. Tuy nhiên, có nhiều bạn đã thực sự theo được con đường tu trì và về sau cha mẹ họ cũng trở lại đạo.

HỎI : Chuyến tu nghịệp này có ý nghĩa gì đối với Cha?

TRẢ LỜI: Trước hết, chúng tôi hiểu rằng Giáo Hội hoàn vũ nên giúp đỡ chúng tôi trong việc giáo dục và đào tạo các linh mục. Quý vị nên tổ chức những chương trình học hỏi cho chúng tôi, ở ngoại quốc hay tại Trung Quốc cũng được. Ví dụ lần này tổ chức ở tu viện St. Ottilien, chỉ được 22 linh mục tham dự, con số đó quá ít. Chúng tôi nghĩ, những người làm việc trong các chủng viện như chúng tôi nên có được những cơ hội như thế này để học hỏi.

Chuyến đi này cũng có một ý nghĩa quan trọng khác nữa là chúng tôi tái khám phá được tinh thần của dòng Benedictine, đặc biệt là khẩu hiệu Ora et Labora (Cầu Nguyện và Làm Việc). Đây là điều quan trọng đối với văn hóa Trung Quốc. Cần phải đề cao hai khía cạnh này của đời sống tâm linh. Người ta không những phải chiêm niệm mà còn phải làm việc và phục vụ. Phục vụ người khác là vấn đề chủ yếu trong sứ mạng truyền giáo và loan báo tin mừng. Chúng tôi hết sức muốn đưa kinh nghiệm của dòng Benedictine trở lại đất nước Trung Quốc của chúng tôi.

Sau cùng, được gặp gỡ đức Giáo Hoàng thực sự là một điều ngạc nhiên đối với chúng tôi. Không ai trong chúng tôi nghĩ có được cơ may này, ngay cả đến việc có được đến Rome hay không. Nhưng thật là kỳ diệu, Giáo Hội Roma là mẹ Giáo Hội của tất cả các Giáo Hội, kể cả Giáo Hội Trung Quốc. Chúng tôi muốn chứng minh cho thấy Giáo Hội Trung Quốc hiệp thông với Tòa Thánh Vatican.

Cha Pei năm nay 36 tuổi, gia nhập chủng viện năm 16 tuổi, thu phong linh mục năm 1992. ngài phục vụ một năm tại nhà thờ chính tòa địa phận. Sau đó, được ĐGM gửi sang Philadelphia, Hoa Kỳ để học Kinh Thánh, Ngài là một trong những linh mục đầu tiên được gửi ra nước ngoài học. Hiện giờ Ngài là giáo sư Kinh Thánh, là Giám Đốc Học Vụ phối hợp giảng khóa cho 26 giáo sư. Ngài cũng giữ chức Phó Viện Trưởng. Đại chủng viện Shenyang có 70 thầy. Năm nay có thêm 36 tân chủng sinh. Điạ phận Shenyang có khoảng 100,000 tín hữu Công Giáo.

Theo thống kê của hãng Tin Tức Á Châu thì Giáo Hội Công Giáo được nhà nước thừa nhận có 1000 chủng sinh trong 19 đại chủng viện và 5 tiểu chủng viện. Với Giáo Hội không được nhà nước thừa nhận, có 800 chủng sinh. Với các chủng sinh thuộc giáo hội nhà nước, vấn đề đào tạo bị quy định và nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Với chủng sinh thuộc giáo hội thầm lặng, các chủng sinh có đời sống khó khăn hơn, ngay cả bi tù đầy nữa.