Washington Post : Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc “Từ dưới đất chui lên”

LTS : Washington Post là tờ báo lớn và uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ trong số ra ngày 29 tháng 4 năm 2005, nơi trang A14, đăng bài có tựa đề “ Từ dưới đất chui lên” (Up From The Underground) do ký giả Phillip P. Pan viết. Chúng tôi xin dịch để quý độc giả thấy sức sống kiên cường và tinh thần anh dũng của người Công Giáo Trung Hoa.

WUQIU, Trung Quốc : Trên con đường làng lầy lội, cạnh những cánh đồng lúa mới trồng, viên công an đứng canh chừng không cho khách ra vào thăm khu nhà thờ. Nhưng đêm đến, người ta có thể lọt vào khu này khi dân làng cầm đèn soi đường đi đến nhà thờ mà Đức Cha Julius Jia Zhiguo, 71 tuổi, thuộc Giáo Hội Hầm Trú đang chờ đón để cử hành thánh lễ cho họ.

Trên khuôn mặt đầy vết nhăn, ngài mỉm cười nói: “Công an đã giới hạn hoạt động của tôi cả hàng chục năm rồi. Họ lúc nào cũng muốn kiểm soát Giáo Hội Hầm Trú ”

Sau đó ĐGM mặc áo lễ trắng ra cử hành thánh lễ. Ngôi thánh đường mà Đức Giám Mục Jia coi sóc được chính quyền địa phương làm ngơ cho phép xây cất cách đây 2 năm. Cứ đêm đến hàng trăm giáo dân đến nhà thờ tham gia công tác xây cất. Công an địa phương không cấm cản gì.

Quang cảnh này đánh dấu uy tín của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và đặt ra những thách thức cho vị Giáo Hoàng kế nhiệm là Đức Bênêđictô XVI trong một quốc gia đông dân nhất thế giới. Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc đã hầu như bị nghiền nát vì các cuộc đàn áp tôn giáo trong vụ Cách Mạng Văn Hóa ở Trung Hoa. Nhưng dưới triều đại ĐGH Gioan Phaolô II Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc đã hồi sinh mạnh mẽ, tuy nhiên lại bị phân ly với Giáo Hội hoàn vũ. Và chính trong lòng Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc cũng có sự chia rẽ vì Giáo Hội đã không thiết lập được mối quan hệ ngoại giao bình thường với Trung Quốc.

Theo chính quyền Trung Quốc, có khoảng 5 triệu người Công Giáo thuộc về tổ chức Công Giáo Trung Hoa Yêu Nước được chính quyền chấp thuận và không thừa nhận quyền bính của Tòa Thánh Vatican. Còn đối với Tòa Thánh thì có khoảng 8 triệu người Công Giáo Trung Quốc thuộc Giáo Hội Hầm Trú, trung thành với Tòa Thánh Vatican và không tôn trọng đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Mặc dù bị đàn áp nhưng vị thế của Giáo Hội tại đây có vẻ như mạnh hơn bao giờ hết kể từ năm 1949 là năm cách mạng của Cộng Sản.Từ đó Cộng Sản Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican. Tuy bị công an liên tục bố ráp, bỏ tù Giám Mục, Linh Mục thuộc Giáo Hội Hầm Trú, nhưng vẫn có những vị được công khai hoạt động. Trong khi đó, Tòa Thánh Vatican vẫn xâm nhập vào được Giáo Hội của nhà nước, do vậy một số giáo sĩ của tổ chức này vẫn trung thành với Giáo Hội La Mã.

Thắng lợi đó là đòn bẩy mạnh cho Đức Giáo Hoàng Benedict trong nỗ lực tái lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc để đoàn kết giáo Hội Công Giáo Trung Quốc trong Giáo Hội Hoàn Vũ.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cũng có nỗi lo ngại với Giáo Hội, coi Giáo Hội là một lực lượng thù địch có thể lật đổ chế độ Cộng Sản Trung Quốc cũng như đã lật đổ chết độ Công Sản ở Đông Âu.

CỞI MỞ VÀ ĐÀN ÁP

Theo ông Ren Yanli, một học giả hàng đầu về Công Giáo ở Trung Quốc cho biết Giáo Hội Trung Quốc có tất cả 70 giám mục thì chỉ trừ ra 9 vị còn tất cả bí mật tuyên bố trung thành với Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh Vatican. Và theo tin của một vị Giám Mục xin được dấu tên thì trong vòng 5 năm trở lại đây, hầu như tất cả các giám mục được nhà nước chấp thuận thì cũng đã được ĐGH Gioan Phaolô II bí mật bổ nhiệm trước. Đức Giám Mục nói” Chính quyền biết chúng tôi chỉ yêu cầu họ phê chuẩn một vị Giám Mục đã được Đức Giáo Hoàng chấp thuận trước, nhưng họ cũng tỏ ra hài lòng vì họ đâu có lựa chọn nào khác. Họ cũng biết giáo dânkhông chấp nhận một vị Giám Mục nào không được Đức Giáo Hoàng thuận thảo. Học giả Ren nói: “Thực ra, chính quyền đã không còn kiểm soát được chính Giáo Hội Công Giáo Yêu Nước của họ thành lập nữa”.

Những nỗ lực của chính quyền nhằm nghiền nát Giáo Hội Hầm Trú đã phải chùn bước. Đặc biệt ở Hồ Bắc nơi mà ¼ số người Công Giáo toàn cõi Trung Quốc cư ngụ ở đó thì nhiều giáo sĩ thuộc Giáo Hội Hầm Trú đã công khai hoạt động động đến độ từ ngữ “hầm trú” không còn đúng nghiã nữa.

Trong những năm gần đây, các linh mục được ĐGM Jia truyền chức đã xây được những ngôi thánh đường rộng rãi hơn so với những nhà thờ được nhà nước chấp thuận. Một số linh mục cho biết : “Các viên chức chính quyền địa phương làm ngơ và có cảm tình với giáo dân vì họ muốn thâu tiền lệ phí hay tiền phạt của giáo dân”

Một linh mục trẻ trong lúc đưa tôi đi thăm nhà thờ mới xây của Ngài cho biết: “Giới chức chính quyền lo về tôn giáo không muốn điều đó, nhưng chính quyền địa phương đâu có quan tâm gì.” Ngài kể tiếp: ‘”Ngôi nhà thờ khang trang đẹp đẽ đã được chúng tôi vội vã xây dựng trong 2 năm trong lúc chính phủ đang bận tâm lo diệt bệnh SARS. Chúng tôi biết nếu chúng tôi xây lên rồi chính quyền sẽ không phá hủy đi.

Một linh mục thuộc Giáo Hội Hầm Trú năm nay 80 tuổi xin được dấu tên và yêu cầu gọi Ngài bằng tên Thánh Giuse. Ngài cho biết ngày nào vào buổi tối Ngài cũng chạy xe gắn máy đến các làng để cử hành thánh lễ, thông thường thánh lễ được cử hành tại các tư gia của giáo dân. Chính quyền địa phương biết chuyện này nhưng không làm khó tôi vì họ biết tôi đâu có gây ra chuyện rắc rối gì.

Tuy nhiên tại những vùng khác công an đâu có để cho Giáo Hội Hầm Trú ngóc đầu lên hoạt động. Ví dụ những người Công Giáo ở thành phố gần Bảo Định đã bị đàn áp một cách dữ đội trong mấy năm liền, Đức Giám Mục Su Zhimin năm nay 72 tuổi cai quản giáo phận Bảo Định đã bị bắt biệt tăm từ năm 1997 đến nay

Tại Wuqiu, Đức Cha Jia bị quản thúc tại gia từ năm 1989. Lúc nào công an cũng theo dõi Ngài. Ngài thường bị công an bắt đi điều tra. Mỗi lần như thế Ngài bị bắt trong một hai tuần, có khi cả một tháng.

Vào ngày thứ Tư vừa qua, theo tổ chức của Đức Hồng Y Kung, hàng chục công an đã đến bao vây nhà thờ ở Wuqiu và bắt đi 7 linh mục thuộc Giáo Hội Hầm Trú vì các vị đã từ các nơi khác về tòa Giám Mục tĩnh tâm.

Đức Cha Jia cũng cho biết chính quyền gây khó dễ cho Ngài trong việc điều hành viện mồ côi của Giáo Phận là nơi đang săn sóc cho hơn 80 em bé tàng tật. Ngài cho biết cảnh sát cấm khách đến thăm cô nhi viện, nếu bắt được ai ra vào, công an sẽ phạt rất nặng. Họ cũng ra lệnh cho các bệnh viện địa phương phương không được chữa trị cho các em thiếu nhi trong cô nhi viện của Giáo Phận.Tuy nhiên Đức Cha Jia cho biết tình hình đã được cải thiện. Sau hàng chục năm bị bức bách duới thời Mao Trạch Đông, đã có dấu hiệu Công Giáo được khoan dung hơn.

Trong những năm 1950, việc học của cậu Jia (bây giờ là Đức Cha Jia) bị gián đoạn vì công an đóng cửa chủng viện, bắt các cha giáo. Vào năm 1963 cậu Jia bị bắt vì bảo vệ các linh mục. Cậu bị kết án 15 năm lao động khổ sai. Đến năm 1978, thầy Jia được thả. Rồi sau khi Mao Trạch Đông chết được 2 năm và triều đại ĐGH Gioan Phaolô II khởi sự, thầy Jia tiếp tục học để chịu chức linh mục. Năm 1980, thầy Jia thụ phong linh mục thuộc Giáo Hội Hầm Trú. Vài tháng sau, ĐGH Gioan Phaolô II bổ nhiệm Ngài làm Giám Mục giáo phận Zhending. Chính quyền cố ép ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo Yêu Nước nhưng Ngài từ chối.

CHIA RẼ VÀ SỢ SỆT

Sự chia rẽ giữa hai Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc cũng thường vì lý do cá nhân nữa. Những thành viên bên Giáo Hội Hầm Trú bị tù đầy tra tấn trong thời Các Mạng Văn Hóa của Mao Trach Đông đâu có dễ tha thứ cho những người láng giềng được thảnh thơi vì gia nhập Giáo Hội Công Giáo Yêu Nước. Sự chia rẽ đó làm phức tạp thêm cho những cuộc nói chuyện bình thường hóa.

Chính quyền Trung Quốc đặt hai điều kiện để tái lập quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican. Trung Quốc muốn Tòa Thánh ngưng quan hệ ngoại giao với Đài Loan và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Tòa Thánh Vatican đã cho thấy sẽ đáp ứng điều kiện thứ nhất, giảm thiểu ngoại giao với Đài Loan nhưng các nhà nggoại giao cho rằng điều kiện thứ hai của Trung Quốc gây ra trở ngại vì Tòa Thánh Vatican không sẵn sáng từ bỏ quyền của ĐGH là bổ nhiệm các Giám Mục. Thay vào đó một giải pháp dung hòa đã được đề nghị là Tòa Thánh cho phép chính quyền Trung Quốc xem xét các ứng viên hay đề cử các ứng viên để Đức Giáo Hoàng lựa chọn. Tòa Thánh đã đạt được giải pháp này với một số chính phủ độc tài.

Tuy nhiên, ông Liu Bainan, Phó Chủ Tịch của Tổ Chức Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc đã nói lên mối lo ngại. Ông nói: “ Chúng tôi còn nhớ những gì xảy ra tại Ba Lan và trong khối Sô Viết cũ. Không ai có thể chối bỏ vai trò quan trọng của Tòa Thánh Vatican tại hai nơi đó.Tòa Thánh đã thúc đẩy cho Đông Âu thay đổi lớn lao và bây giờ lại muốn chuyện đó xảy ra tại Trung Quốc nữa.”

Ông Liu còn cho biết thêm là chính quyền đã vượt qua được mối lo ngại đó và vào năm 1999 chính quyền đã gần đạt được thỏa thuận với Vatican. Ông cho biết ông đã chuẩn bị để Đức Giáo Hoàng đến cử hành thánh lễ tại Bắc Kinh. Tuy nhiên dàn xếp đó bị hỏng vì chính quyền Trung Quốc vội vã phong chức một lúc cho 5 vị Giám Mục vào năm 2000, rõ ràng như thế là đặt Tòa Thánh vào vị thế Đức Giáo Hoàng phải từ bỏ quyền hạn của mình. Nhiều Giám Mục, Linh Mục và các chủng sinh trong Giáo Hội được nhà nước công nhận cũng tẩy chay không tham dự nghi lễ phong chức cho 5 vị Giám Mục này.

Sự kiện trên đây làm ngạc nhiên giới lãnh đạo Trung Quốc, làm họ càng lo sợ trước ảnh hưởng của vị Giáo Hoàng. Nhiều giới thạo tin cho rằng vì vụ này chính quyền Trung Quốc lượng giá lại vấn đề liên lạc với Tòa Thánh Vatican. Mối liên lạc lại bị suy đồi thêm nữa khi Tòa Thánh quyết định phong thánh cho hàng chục giáo dân Trung Quốc. Quyết định này Bắc Kinh cho là can thiệp vào nội tình Trung Quốc.

Sau đó đảng Công Sản Trung Quốc rà soát lại việc kiểm soát Giáo Hội Hội Công Giáo. Các chủng sinh trong các chủng viện của nhà nước bị giải tán, các cha giáo không cho dậy học nữa. Vụ này xẩy ra sau khi các chủng sinh của một chủng viện khác từ chối trả lời cuộc thăm dò về tình hình trung thành với Tòa Thánh Vatican.

Đức Cha Jia kể rằng trong mấy năm gần đây, Ngài ban phép lành cho mấy linh mục trong Tổ Chức Công Giáo Yêu Nước vì họ bí mật tuyên bố trung thành với Đức Giáo Hoàng. Vì việc này một số linh mục khác đã cáo buộc Ngài phản bội lại Tòa Thánh vatican.

Đức Cha Jia còn cho biết: “Nếu Tòa Thánh và Trung Quốc thiết lập được quan hệ ngoại giao thì tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết. Chúng ta cứ cầu nguyện cho ngày đó đến. Giống y như Chúa vừa đi vừa vác thánh giá trên vai, Giáo Hội cũng phải vác thánh giá mà theo Ngài.”