Trong một diễn biến thật đáng buồn một nhà hoạt động cho quyền của người da đen trong phong trào “Black Lives Matter” nghĩa là “Mạng Sống Người Da Đen Đáng Giá” đã lớn tiếng đòi giật sập tất cả các tượng Chúa, Đức Mẹ và các thánh trên đất Mỹ.

Shaun King, 40 tuổi, nói:

“Tôi nghĩ rằng những bức tượng của người Âu châu da trắng mà họ tuyên bố là Chúa Giêsu cũng phải bị giật xuống. Họ là một hình thức của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Luôn luôn là như thế.” Shaun King đã hô hào như trên giữa lúc phong trào đòi giật đổ các tượng đài đang trở thành một cao trào tại Mỹ.

King mở rộng yêu cầu của mình bao gồm tất cả các bức tranh trên tường và cửa sổ kính màu vẽ Chúa Giêsu với nước da trắng, và Mẹ người, và các thánh theo hình ảnh của người Âu Châu.

“Những ảnh tượng này là một dạng thức thô bạo của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Chúng được tạo ra như là công cụ của áp bức và tuyên truyền phân biệt chủng tộc. Tất cả những ảnh tượng đó phải bị giật xuống.”

Trong một diễn biến có liên quan, Tổng thống Trump đe dọa những người biểu tình lật đổ các pho tượng sẽ bị bắt và chịu những án tù dài hạn. Diễn biến này xảy ra sau một đêm biểu tình trước Tòa Bạch Ốc, trong đó một số người biểu tình đã cố gắng giật sập bức tượng của Tổng thống Andrew Jackson đứng ngay tại Quảng trường Lafayette đối diện với Tòa Bạch Ốc.

“Tôi đã chỉ thị cho Chính phủ Liên bang bắt giữ bất cứ ai phá hoại hoặc phá hủy bất kỳ đài kỷ niệm, các pho tượng hoặc bất cứ tài sản Liên bang nào ở Hoa Kỳ với án tù tối đa lên đến 10 năm, theo Đạo luật Bảo tồn Đài Tưởng niệm Cựu chiến binh, hoặc các luật khác phù hợp. Hãy nhớ đấy.” Tổng thống Trump đã tweet vào sáng thứ Ba.

Theo luật liên bang, thiệt hại đối với tài sản liên bang vượt quá 100 đô la có thể bị phạt tù tới 10 năm và phạt tiền lên tới 250, 000 đô la, mặc dù rất hiếm khi các thẩm phán áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt. Các trường hợp liên quan đến vẽ bậy thường bị truy tố như tội thường phạm và nhiều bức tượng đang bị người biểu tình nhắm đến trong những tuần gần đây thuộc về các tiểu bang và sẽ không được bảo vệ theo đạo luật liên bang

Trong một diễn biến khác, một tuyên bố từ hai linh mục dòng Đa Minh là Cha Brian J. Shanley và Cha Kenneth Sicard là Hiệu trưởng đáo nhiệm và tân Hiệu trưởng của Đại học Providence, Rhode Island, nói rằng khoảng 9:30 tối thứ hai, các nhân viên an ninh đã phát hiện một người đàn ông trong khuôn viên nghĩa trang nhà trường nơi an nghỉ của các tu sĩ dòng Đa Minh giảng dạy tại đây và đã chết.

Người đàn ông này đang đốt cờ Mỹ, sơn và vẽ các khẩu hiệu bài Công Giáo trên cây thánh giá lớn ở giữa nghĩa trang và vẽ bậy lên phần mộ các tu sĩ dòng Đa Minh.

Khi bị phát hiện y đánh tới tấp vào đầu nhân viên an ninh và bỏ chạy. Sau khi cảnh sát đến tăng viện, y bị bắt khi đang trốn trong một bụi rậm.


Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận không dám tranh cãi về việc biến Nhà Thờ Hagia thành đền thờ Hồi Giáo

Hagia Sophia là một đại đền thờ của Kitô Giáo, thuộc tòa Constantinople, đã bị quân Hồi Giáo chiếm và biến thành đền thờ Hồi Giáo.

Ngôi nhà thờ này được xây dựng bởi Hoàng đế Giúttinô Đệ Nhất và là nhà thờ lớn nhất thế giới vào năm 537.

Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Thánh Giáo Hội Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng đến thăm đại đền thờ này. Thoạt đầu đây là một nhà thờ Công Giáo nhưng đã trở thành nhà thờ chính thống sau cuộc đại ly giáo 1054. Sau đó, ngôi nhà thờ đã trở thành một đền thờ Hồi Giáo sau khi đế quốc Ottoman chiếm Constantinople, ngày này ta gọi là Istanbul, vào năm 1453.

Mustafa Kemal Atatürk được coi một vị “cha già dân tộc”, là người đã khai sáng ra nước Cộng Hòa Thổ Nhĩ Kỳ, thay thế cho đế quốc Ottoman. Ông là người quyết liệt chống lại ý tưởng về một thứ “nhà nước Hồi Giáo”, mà bọn khủng bố Hồi Giáo IS theo đuổi. Vì thế, ông đã biến tòa nhà này trở thành một bảo tàng viện vào năm 1935.

Gần tám mươi năm sau cái chết của ông Mustafa Kemal Atatürk - vị tổng thống đầu tiên lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ 1923 đến 1938, thế giới lại chứng kiến sự nổi dậy của ý tưởng “nhà nước Hồi Giáo” nơi bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Sau khi tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi bị giết chết, người ta lại bắt đầu phải quan ngại về những mưu toan của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, người có lẽ đang manh nha một thứ “nhà nước Hồi Giáo” khác tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau cuộc đảo chính vào ngày 15 tháng 7 năm 2016, mà đến giờ phút này nhiều người vẫn cho rằng đó chỉ là một cuộc đảo chính giả, do chính Erdogan dựng lên, Tổng thống Recep Erdogan đã thâu tóm vào trong tay rất nhiều quyền hành. Tính chất thế tục, biệt lập với Hồi Giáo của chính quyền Erdogan tàn phai một nhanh chóng.

Trong một diễn biến gây sửng sốt cho nhiều người, Erdogan đã đến cầu nguyện tại Hagia Sophia vào ngày 14 tháng 4, 2017 là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, cùng với các nhà hoạt động Hồi giáo, là những người luôn lập luận rằng tòa nhà này là một đền thờ Hồi giáo.

Quyết định đến cầu nguyện tại Hagia Sophia đúng vào ngày mà thế giới Kitô giáo cử hành Thứ Sáu Tuần Thánh, cho người ta thấy rõ thái độ cực đoan Hồi Giáo của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Gần đây, Recep Erdogan tiến xa hơn và cho biết sẽ sớm biến tòa nhà này thành một đền thờ Hồi Giáo.

UNESCO, là tổ chức tuyên bố Hagia Sophia là một Di sản Thế giới vào năm 1985, đã xác nhận rằng một sự thay đổi trong việc sử dụng di tích này cần phải tham khảo ý kiến quốc tế.

Chính Thống Giáo Hy Lạp quyết liệt bác bỏ kế hoạch này, mô tả Hagia Sophia là “một kiệt tác kiến trúc, nổi tiếng trên toàn cầu là một trong những di tích ưu việt của nền văn minh Kitô giáo.”

“Bất kỳ sự thay đổi nào sẽ gây phản đối mạnh mẽ và thất vọng giữa các Kitô hữu trên toàn thế giới, cũng như làm tổn hại đến chính Thổ Nhĩ Kỳ, ” tuyên bố của Thượng Hội Đồng Chính Thống Giáo cho biết vào ngày 12 tháng 6.

Tuy nhiên, các giám mục Công Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận các ngài không muốn tranh cãi về kế hoạch biến nhà thờ Hagia Sophia cổ xưa của Istanbul thành một đền thờ Hồi Giáo.

“Chúng tôi là một Giáo Hội bị tước đoạt tình trạng pháp lý, vì vậy chúng tôi không thể đưa ra bất cứ phản kháng nào về các vấn đề nội bộ của nước này, ” Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một tuyên bố gửi đến Catholic News Service.

“Mặc dù chúng tôi muốn Hagia Sophia giữ lại tính cách một bảo tàng viện của nó, không đến lượt chúng tôi can thiệp. Thậm chí đưa ra ý kiến cũng là điều nguy hiểm.” Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy tình trạng tự do tôn giáo tồi tệ tại quốc gia này.


Source:Crux