1. Tuyên bố của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân ủng hộ những cáo buộc Trung Quốc của Đức Hồng Y Charles Bo

Hôm thứ Tư 6 tháng Năm, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, người Trung Hoa, nguyên Giám Mục Hương Cảng đã ra một tuyên bố đăng trên UCA News.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Đức Hồng Y Charles Bo [Tổng Giám Mục Yangon, Miến Điện, và là chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu] đã can thiệp mạnh mẽ vào cuộc tranh luận quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 (UCA News ngày 2 tháng Tư), thẳng thừng đặt trách nhiệm chính lên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự can đảm của ngài làm tôi ngạc nhiên, nhưng bài viết rất chính xác và công bằng. Tôi cảm thấy vui mừng vì tờ “The Tablet” đã tường trình diễn biến này rất tích cực.

Cũng trên UCA News (ngày 20 tháng Tư) một người Pháp là “thần học gia” Michel Chambon đã tấn công Đức Hồng Y người Miến Điện trong bài “ Đức Hồng Y Bo nhổ vào mặt Trung Quốc”. Tôi không thể tìm thấy bất cứ điều gì liên quan đến thần học trong bài viết của “thần học gia” này, với một bài viết có tiêu đề giật gân như thế, và với một nội dung thật là vu vơ và thậm chí tự mâu thuẫn.

Ông ta nói: “Tôi đồng ý với Đức Hồng Y Bo rằng dối trá và tuyên truyền đã đưa hàng triệu sinh mạng trên toàn thế giới đến chỗ gặp nguy hiểm.” Đó là chính xác những chất liệu chính trong bài viết Đức Hồng Y Bo.

Nhưng Chambon lại nói tuyên bố của Đức Hồng Y Bo “là không chính xác”, bởi vì “Các chính phủ phương Tây cũng có trách nhiệm, vì họ đã từ chối xem xét (các thông tin có sẵn) một cách nghiêm túc”. Một lần nữa Đức Hồng Y Bo đã nói điều tương tự:

“Khi chúng ta khảo sát thiệt hại gây ra cho biết bao sinh mạng trên toàn thế giới, chúng ta phải hỏi ai chịu trách nhiệm đây? Tất nhiên những lời chỉ trích có thể được nhắm vào các cấp chính quyền ở khắp mọi nơi. Nhiều chính phủ bị buộc tội không chuẩn bị khi lần đầu tiên nhìn thấy coronavirus xuất hiện ở Vũ Hán.”

Nhưng Đức Hồng Y Bo cũng nói:

“Nhưng có một chính phủ phải trách nhiệm chính, cho những hậu quả của những gì họ đã làm và những gì họ đã không làm, và đó là chế độ của đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh.” (họ đã bóp nghẹt những tin tức và buộc những người tố cáo phải im lặng)

Chambon cáo buộc Đức Hồng Y Bo là “dùng chính trị để chia rẽ thế giới”. Đó là một cáo buộc vớ vẩn. Đương nhiên và chính đáng là kẻ gây ra tai họa cho mọi người, và nạn nhân của hắn tự khắc là hai mặt đối lập của sự phân cực, không có chính trị gì trong việc này.

Và ở đây có một khẳng định đáng ngạc nhiên trong bài viết Chambon: “xúc phạm chế độ Trung Quốc cũng là nhổ vào mặt dân tộc hỗ trợ chế độ ấy”. Bất kỳ ai với một ít kiến thức về Trung Quốc sẽ cười vào mặt và tiếc xót thời gian lãng phí để đọc bài viết này của cái ông xưng mình là “thần học gia” và là “nhân chủng học nghiên cứu về Giáo Hội tại Trung Quốc”.

Với những người như Michel Chambon, sẽ không bao giờ có một cuộc cách mạng Pháp.


Source:UCAN

2. Virus Tầu giáng một đòn chí tử vào Giáo Hội tại Nga

Tính cho đến ngày thứ Năm 7 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 264,810 người, trong số 3,818,759 trường hợp nhiễm coronavirus. Tại Nga, tử vong đã lên đến 1,537 người, trong số 165,929 trường hợp nhiễm coronavirus. Chỉ trong 24 giờ trước đó, đã có thêm 10,559 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Tâm chấn của dịch bệnh hiện nay là Mạc Tư Khoa, nơi có hơn 6,000 người nhiễm bệnh chỉ trong một ngày, chiếm hơn một nửa trong tổng số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận trong một ngày của cả nước. Một trong những đạc điểm khiến tình hình tại Nga trở nên nguy hiểm là vì người Nga thích sống tập trung. Trên toàn cầu, Nga hiện đang ở vị trí thứ bảy trong số liệu thống kê về các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, vượt qua Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo Hội Công Giáo tại Nga hiện nay 6 đơn vị hành chánh cấp giáo phận hay tương đương với giáo phận. Cụ thể là có một tổng giáo phận, ba giáo phận, một giáo phận Công Giáo Đông phương và một Miền Phủ Doãn Tông Tòa. Ngày 9 tháng Tư, Đức Cha Clemens Pickel, người gốc Đức 58 tuổi, Giám Mục giáo phận San Clemente a Saratov cho biết ngài đã bị nhiễm coronavirus và đang trong tình trạng cách ly. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau đó, giáo phận ra thông báo là có sự nhầm lẫn. Ngài khoẻ mạnh và xét nghiệm âm tính với coronavirus. Trong khi đó, Miền Phủ Doãn Tông Tòa Yuzhno Sakhalinsk và giáo phận Công Giáo Đông phương đã trống tòa từ lâu và đến nay Tòa Thánh không làm sao bổ nhiệm được Giám Mục coi sóc. Trong số 142 triệu người Nga hiện nay, 20% xưng mình là tín hữu Chính Thống Giáo, 15% là người Hồi Giáo, người Công Giáo có 773,000, tức là chỉ khoảng 0.5%.

Giáo hội Chính thống Nga tiếp tục trải qua các thử thách cam go. Vào đêm 3 tháng Năm, cựu Giám Mục trưởng Astrakhan Iona, tước hiệu Giám Mục là Karpukhin, đã chết trong một bệnh viện tại Mạc Tư Khoa, ở tuổi 78. Trước khi là Giám Mục, từ năm 1991 đến 2013, ông là linh mục chính xứ Nhà thờ Suy Tôn Thánh giá, tại quận Muscovite nổi tiếng của thành phố Altufevo. Sau khi nghỉ hưu ông đã trở về sống tại đây. Trong tu viện Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu ở thành phố Kotkovo của một cộng đồng các nữ tu trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, cha giám đốc linh hướng Vladimir Veriga qua đời vào ngày 24 tháng 4. Vài ngày sau, tu viện chịu thêm cái tang khác. Lần này là cha Evgenij Korchukov, qua đời ở tuổi 66 sau khi đã là cha linh hướng cho các nữ tu trong 20 năm. Cha Evgenij Korchukov cũng là một nhà điêu khắc nổi tiếng của Nga có 5 đứa con và 9 đứa cháu.

Sau khi Cha Dmitrij Vetoshkin bị nhiễm coronavirus khi phân phát Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân trong Kuban ở miền nam nước Nga, tất cả các linh mục trong khu vực đã được yêu cầu hoàn toàn cô lập.

Chúa Nhật 3 tháng Năm vừa qua là Chúa Nhật thứ Ba mùa Phục sinh theo lịch Chính Thống Giáo và là ngày dành riêng để tôn vinh những người phụ nữ đã mang thuốc thơm đến xức xác Chúa Giêsu sau khi Ngài được hạ xác xuống và táng trong một huyệt đá mới. Trong thông điệp gởi các tín hữu Chính Thống Giáo, Đức Thượng Phụ Kirill nhận định rằng lòng sùng kính khiêm tốn của những người phụ nữ đối với cơ thể của Đấng Cứu Rỗi “linh hứng cách đặc biệt cho chúng ta. Những phụ nữ ấy không muốn chứng minh bất cứ điều gì với bất cứ ai, họ chỉ muốn có vinh dự được đứng bên cạnh Chúa trong Vương quốc của Người.” Đức Thượng Phụ nhìn nhận những nỗi buồn to lớn của ngài mình khi đối mặt với ‘thế lực sự ác kinh hoàng’, và mời gọi các tín hữu, trong nỗi buồn của sự mất mát rất nhiều người thân, và phải chịu đựng những thử thách kinh hoàng vẫn trung tín với sứ điệp Tin Mừng như các phụ nữ đã mang thuốc thơm đến xức xác Chúa Giêsu, như ông Giuse thành Arimathea và ông Nicôđêmô.

Trong giai đoạn khó khăn này, nhiều linh mục cũng thấy mình rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Khác với các linh mục Công Giáo, trong Chính Thống Giáo luật độc thân linh mục là một tùy chọn, không phải là điều bắt buộc. Cho nên, một số đông các linh mục Chính Thống Giáo là những người có gia đình, và gia đình họ thường là các gia đình rất đông. Các linh mục này lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính trầm trọng sau khi các Thánh lễ bị đình chỉ. Một số đông các vị như thế không còn cách nào khác hơn là gởi các kiến nghị lên Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa để được giúp đỡ. Căng thẳng nhất là các bức thư của các linh mục vùng Samara trên sông Volga, trong đó họ cáo buộc sự thờ ơ của các nhà lãnh đạo trong hàng giáo phẩm. Trong một lá thư ngỏ được đăng rộng rãi trên các báo chí tại Nga, họ viết: “Cho phép chúng tôi, các linh mục đơn sơ ở thôn quê, đặt một câu hỏi: kể từ khi nào thói đạo đức giả không còn là một tội lỗi nữa?”

Lý do của cáo buộc này là vì khi các vị này xin trợ cấp, Đức Thượng Phụ Kirill đáp lại bằng cách yêu cầu các “giáo dân giàu có” hỗ trợ các linh mục. Tuy nhiên, các linh mục chỉ ra rằng trong các vùng nông thôn kiếm đâu ra các “giáo dân giàu có”. Trong khi đó, Đức Thượng Phụ lại hoan nghênh lệnh cấm cử hành các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự của nhà cầm quyền và đe dọa treo chén bất cứ ai bất tuân lệnh.

Trong mấy ngày qua, Đức Thượng Phụ đã treo chén nhiều vị trong đó có linh mục trưởng nhà thờ Thánh Nicholas ở Perervinsk, là cha Vladimir Chuvikin. Ngài cũng là giám đốc của chủng viện thần học nằm trong khu phức hợp tu viện, nơi đã diễn ra các nghi lễ trong Tuần Thánh. Đến nay, chính quyền Mạc Tư Khoa đã đưa ra các cáo buộc cho rằng vì không có bất kỳ giới hạn nào về số các tín hữu tham dự các nghi thức nên đã gây ra nhiều trường hợp nhiễm trùng.

Một vị khác cũng bị Đức Thượng Phụ treo chén là linh mục thần học gia Andrej Kuraev, một trong những nhà bình luận nổi tiếng nhất về các vấn đề của Chính Thống Giáo hiện nay ở Nga. Cha Andrej Kuraev xung khắc với Đức Thượng Phụ về nhiều vấn đề. Sau khi Chính Thống Giáo Nga đoạn tuyệt với Tòa Thượng Phụ Constantinople, Cha Kuraev nói Đức Thượng Phụ Kirill muốn làm “Giáo Hoàng của Chính Thống Giáo.” Đó là một trong những nhận xét bị những người ủng hộ Đức Thượng Phụ Kirill coi là cực kỳ đại nghịch bất đạo.


Source:Asia News

3. Những tâm tình người Công Giáo cần phải chuẩn bị khi mở lại các thánh lễ

Quyết định ngưng mọi Thánh Lễ công cộng là một quyết định đau lòng, nhưng cần thiết vì thiện ích chung. Và khi các hạn chế y tế được nới lỏng và người ta bắt đầu được tụ họp lại với nhau, điều quan trọng đối với mọi người là hiểu rằng sự việc sẽ không lập tức trở lại bình thường như trước. Vấn đề tế nhị và phức tạp hơn nhiều người tưởng tượng ra. Một trong những vấn đề các giáo phận tại Mỹ băn khoăn là làm sao để người Công Giáo khỏi ngã lòng. Trong những ngày đầu tái tục trở lại chắc chắn chỉ có một ít anh chị em giáo dân được chọn tham dự các Thánh lễ. Nếu bạn không được chọn thì sao? Xin đừng ngã lòng. Xin đừng cho rằng người ta kỳ thị mình vì mình là người Á Châu. Có thể họ có sai sót. Có thể vì mình không ghi tên trong danh sách thành viên giáo xứ. Có thể họ không liên lạc được với mình. Rất nhiều cái có thể.

Thấy trước rất nhiều vấn đề tế nhị như thế, nên Tổng giáo phận Công Giáo Denver đang đặt kế hoạch cho việc phải cử hành các Thánh Lễ công cộng ra sao để phù hợp với các qui định mới về y tế, đồng thời suy tư đến cảm giác của anh chị em giáo dân.

Dưới đây là những tâm tình mà tổng giáo phận Denver nghĩ rằng người Công Giáo cần phải chuẩn bị khi mở lại các thánh lễ.

Ai cũng ước ao được trở lại giáo xứ của mình, tham dự phụng vụ, và lãnh nhận Thánh Thể. Ước ao này rất mạnh mẽ. Nhưng tổng giáo phận Denver yêu cầu mọi người tiếp cận giai đoạn mới này bằng một tâm thức kiên nhẫn, yêu thương và bác ái.

Các chi tiết chuyên biệt về việc khi nào các Thánh Lễ công cộng được tái tục và chúng sẽ diễn tiến như thế nào vẫn còn đang được nghiên cứu, nhưng trong lúc chờ đợi, tổng giáo phận đưa ra 5 điểm sau đây để mọi người chuẩn bị sẵn sàng ứng phó:

Thứ nhất: Số người tham dự sẽ hạn chế

Ai cũng biết các hạn chế vẫn được duy trì đối với các cuộc tụ họp đông người, nên tổng giáo phận đang làm việc cùng các giáo xứ để ấn định một cách hợp tình hợp lý nhất con số tối đa cho mỗi lần tham dự Thánh Lễ. Điều quan trọng là mọi người đăng ký để nhận được thông tin từ giáo xứ của mình về tình hình giáo xứ, về số người tham dự và số này là những ai cụ thể, tham dự vào những ngày nào. Không ai nên mong chờ được tham dự Thánh Lễ thường xuyên như trước.

Thứ hai: Khoảng cách xã hội sẽ được thực hành

Các người tham dự nên làm quen với việc giáo xứ của họ vạch ranh giới ở các hàng ghế, chỗ ngồi, và các gia đình nên giữ khoảng cách 6 feet với các gia đình khác. Mọi người phải sẵn sàng đeo khẩu trang và nếu ai đó có các triệu chứng mang bệnh bất cứ nào, xin hãy ở lại nhà, đừng đến nhà thờ.

Thứ ba: Sẽ có các thay đổi phụng vụ

Giống như các giao thức đã được đưa ra hồi đầu tháng 3, các thận trọng thêm nữa cần được thi hành, như ngưng việc lãnh nhận Máu Thánh và chỉ lãnh nhận Mình Thánh trên tay.

Thứ tư: Việc miễn chuẩn nghĩa vụ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật vẫn được duy trì một thời gian nữa

Đối với các nhóm có nguy cơ, những người có triệu chứng, và bất cứ ai cảm thấy ở nhà thì an toàn hơn, họ sẽ không bị buộc phải tham dự Thánh Lễ trong vài tuần sau khi tái tục lại các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự. Vì các gia đình chỉ còn có thể tham dự Thánh Lễ bất thường xuyên, và không nhất thiết vào ngày Chúa Nhật, nên đã có kế hoạch tiếp tục giữ Ngày của Chúa bằng cách tham dự các Thánh Lễ trực tuyến hay được ghi hình trước.

Thứ năm: Vẫn có thể có những nguy hiểm đối với bất cứ ai tham dự Thánh Lễ công cộng

Bất chấp các thực hành y tế tốt nhất và khoảng cách xã hội nghiêm ngặt nhất, bất cứ ai bước vào một nơi công cộng nên nhìn nhận rằng ở đấy họ có nguy cơ bị lây nhiễm coronavirus. Các nhà thờ chắc chắn sẽ tăng cường các biện pháp vệ sinh, nhưng không ai nên cho rằng ở đó, họ an toàn hơn bất cứ chỗ công cộng nào khác.

Thứ sáu: Sau cùng, hãy ráng tiến bộ, chứ không hoàn hảo

Chắc chắn sẽ có thách thức và ngã lòng. Gia đình bạn có thể không được tham dự Thánh Lễ trong các tuần lễ đầu tiên khi nó được tái tục. Giáo xứ có thể mắc lầm lỡ này hay lầm lỡ khác và sự việc không diễn tiến như dự kiến. Nhưng tổng giáo phận tin rằng tuân theo các hướng dẫn này là một hy sinh hợp lý. Khi thấy con số nạn nhân phẳng dần và giảm đi, người ta bắt đầu cảm thấy tình thế được cải thiện. Vì thiện ích chung, và sau cùng, để phục vụ cộng đồng cách tốt nhất, tổng giáo phận không muốn góp phần gây ra các hậu quả khiến việc tham dự Thánh Lể công cộng bị đẩy vào một tương lai xa xôi hơn.

Tổng giáo phận hy vọng rằng nếu mọi người cùng cố gắng chung, họ có thể nhẹ nhàng bước vào giai đoạn mới và tiếp tục nhân thừa, gia tăng số người tham dự và các phương án. Còn nếu mọi người đều tìm cách phá ngang các qui định, họ sẽ tạo ra các tình huống khiến cuối cùng mọi người buộc phải bước ngược trở lại các hạn chế nghiêm ngặt, có khi tồi tệ hơn.


Source:Denver Catholic