1. Tổn thất nặng nề về nhân mạng tại một tu viện các nữ tu ở Michigan
Tính cho đến ngày 6 tháng Năm, Tử vong toàn thế giới đã lên đến 257,887 người, trong số 3,722,033 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, trong vòng 24 giờ trước đó, đã có thêm 4,096 người thiệt mạng và 79,582 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.
Tình hình tại Anh đã có những đột biến khiến lần đầu tiên số trường hợp tử vong vượt quá cả con số tại Ý. Tử vong tại Anh đã lên đến 29,427 vượt quá con số 29,315 tại Ý, tức là chỉ sau số trường hợp tử vong tại Hoa Kỳ.
Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 72,163 người, trong số 1,235,919 trường hợp nhiễm coronavirus. Riêng tại tiểu bang Michigan, đến nay đã có 4,179 trường hợp tử vong, trong tổng số 44,397 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.
Trong một diễn biến rất buồn, tu viện các nữ tu dòng Felicia ở Livonia, Michigan, đã phải gánh chịu một mất mát đặc biệt khó khăn. Hai mươi hai trường hợp nhiễm COVID-19 đã được xác nhận tại tu viện này, với 11 người chết. Năm trong số các trường hợp tử vong đã được xác nhận là do căn bệnh này. Sáu cái chết khác bị nghi là từ virus quái ác này.
Những người đã chết bao gồm Chị Mary Luiza Wawryzniak, 99 tuổi, là nữ tu Felicia trong 80 năm qua; Chị Celine Marie Lesinski, 92 tuổi, là nữ tu Felicia trong 71 năm và Chị Victoria Marie Indyk 69 tuổi, một y tá dẫn đầu các chuyến đi truyền giáo thường xuyên đến Haiti.
Vào ngày 20 tháng Tư, Chị Mary Christopher Moore, Bề trên tỉnh dòng Felicia Bắc Mỹ, nói rằng “ hơn 35 thành viên của cộng đồng, là các nữ tu hoặc nhân viên, đã thử nghiệm dương tính với COVID-19 trong ba tu viện lớn của chúng tôi.”
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh quan rất đẹp của tu viện dòng Felicia ở Livonia, Michigan.
Lịch sử của cộng đồng tôn giáo này đã có từ 80 năm trước, khi một nhóm chị em thành lập một tu viện ngay bên ngoài Detroit. Họ tiếp tục thành lập Đại học Madonna, một trường trung học và một số trường Grammar dành cho các học sinh xuất sắc, cũng như một trường tại Montessori và một trung tâm giữ trẻ.
Dòng các nữ tu Felicia được thành lập bởi Chân phước Mary Angela Truszkowska, sinh tại ở Kalisz, Ba Lan, vào năm 1825. Khi còn là một cô gái trẻ, vị Chân Phước đã bắt đầu phục vụ những đứa trẻ bị bỏ rơi và vô gia cư trên đường phố Warsaw và mở một trường học và nơi trú ẩn để cung cấp chỗ ăn ở cho những người dân dễ bị tổn thương này. Năm 1855, chị Angela đã hình thành một cộng đồng các nữ tu theo các giá trị và lý tưởng của Thánh Phanxicô thành Assisi. Cộng đồng mới này được gọi là Dòng Các Nữ Tu của Thánh Felix thành Cantalice, hay vắn tắt thường được gọi là “Các Nữ Tu của Thánh Felix”.
Chân phước Mary Angela mất năm 1899. Ngày nay, Các Nữ Tu của Thánh Felix phục vụ ở Ba Lan, Bắc Mỹ, Ba Tây và Kenya.
Trong thánh lễ an táng các nữ tu, sơ Mary Christopher Moore, bề trên tu viện Livonia, Michigan nói:
“Chúng ta vừa trải qua một tháng Tư buồn, và khi chúng ta nhìn lại một loạt những cái chết và những trường hợp nhiễm bệnh rồi phục hồi, chúng ta thấy mầu nhiệm Vượt Qua quá hiển nhiên trong cuộc sống của chúng ta. Kỷ niệm cuộc thương khó, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa của chúng ta rất khác lạ trong năm nay; sự tàn lụi của mùa đông và mùa xuân đến với vẻ đẹp của nó; cái chết của 13 chị em trong tháng Tư đen này; và dấu hiệu hy vọng phục hồi nơi các nữ tu bị nhiễm coronavirus của chúng ta”.
Trong một tuyên bố được đăng trên tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, hôm thứ Ba 5 tháng Năm, sơ bề trên Mary Christopher Moore cho biết:
“Đối với các nữ tu chúng tôi, mất mát lớn nhất của chúng tôi trên cơ sở cuộc sống hàng ngày là cuộc sống cộng đoàn, đó là trung tâm các đặc sủng của các nữ tu Felicia. Trong một ngày chúng tôi tập hợp năm lần - vào buổi sáng để cầu nguyện và thánh lễ, vào buổi tối để cầu nguyện và lần chuỗi mân côi, và ba lần khác vào các bữa ăn. Trong nhiều tuần qua ở các tu viện, chúng tôi phải giữ lệnh cách ly và khoảng cách xã hội, nên không có bữa ăn chung. Chúng tôi đau buồn về sự mất mát việc chia sẻ hàng ngày đó, nhưng chúng tôi phải tính đến nhu cầu sức khỏe cộng đồng và biết rằng Chân phước Mary Angela sẽ nói với chúng tôi, ‘Hãy phục vụ những nơi cần đến bạn’. Vì vậy, lợi ích chung của sức khỏe cộng đồng là điều quan trọng đối với chúng tôi hiện nay, vì lợi ích của nhau, của các nhân viên, cộng đồng, quốc gia và thế giới.”
2. Vatican cung cấp các hướng dẫn mục vụ giúp đỡ những người di cư
Hôm thứ Ba 5 tháng Năm, phân bộ di dân và tỵ nạn của Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện đã đề ra các hướng dẫn để đối phó với những thách đố mới trong việc mục vụ cho những người di cư và tỵ nạn trước những thách đố toàn cầu hiện nay.
“Định hướng mục vụ dành cho những người di cư và di dân” đã đề ra một loạt những hướng dẫn quan trọng hữu ích cho công tác mục vụ cho những người di dân dân và tỵ nạn (IDPs) trong bốn động từ: chào mừng, bảo vệ, thúc đẩy và thăng tiến.
Chào mừng
Các hướng dẫn Mục vụ thừa nhận tình trạng phức tạp của những người di cư và di dân. Thông điệp đặc biệt lưu ý rằng họ thường là những người bị xã hội bỏ quên.
Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng cuộc sống nơi quê hương bản quán của họ có nguy hiểm và bấp bênh, thì người dân mới phải bỏ xứ sở mà trốn chạy. Vì vậy thông điệp kêu gọi tất cả các tổ chức nhân đạo hãy rộng mở bàn tay nhân ái chào đón nâng đỡ họ.
Bảo vệ
Thông điệp nhấn mạnh rằng người di cư và người tỵ nạn cần được các Tổ chức quốc tế (IDPs) bảo vệ họ, vì nó liên quan đến những điều vượt qua những luật lệ quốc tế.
Tài liệu cũng lưu ý rằng các cơ quan có thẩm quyền quốc gia, nơi có trách nhiệm chính những người di cư tỵ nạn, cần phải bảo vệ họ! Công việc bảo vệ IDP ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế.
Thông điệp cũng kêu gọi hãy chăm sóc đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những nạn nhân chiến tranh nhất là phụ nữ và trẻ em, binh lính và những người tàng tật, cũng như các thành phần của các nhóm thiểu số đang phải đối diện với những phân biệt kỳ thị chủng tộc!
Thúc đẩy
Giáo hội cũng được kêu gọi việc thúc đẩy quyên góp các nhu cầu vật chất và tinh thần cho di dân, đặc biệt là những phúc lợi tạm thời cho các người di cư hầu đáp ứng nhu cầu kinh tế và xã hội cho họ. Về vấn đề này, việc giáo dục và chăm sóc y tế cần đưiợc chú trọng cách đặc biệt.
Trong khi nhiều tổ chức cố gắng đáp ứng nhu cầu vật chất, phúc lợi tôn giáo và tinh thần của người di dân... Tài liệu mới lưu ý rằng chiều kích tâm linh này là điều trọng yếu cho sự phát triển toàn diện của con người, được coi là mục tiêu của các chương trình di cư di dân (IDPs).
Đặc biệt, Tài liệu kêu gọi các giám mục địa phương hãy lợi dụng những cơ cấu và chương trình mục vụ có sẵn hầu giúp cho việc di cư dân dân này.
Thăng tiến
Thăng tiến về sự hợp nhất dành cho những người di cư và di dân thích nghi vào các cộng đồng chính mạch là giải pháp lâu dài.
Cụ thể, Tài liệu đặt ra chương trình hoặc kế hoạch thăng tiến, đây là giai đoạn khó khăn cho người di dân lẫn chủ nhà. Vì vậy, Giáo hội được kêu gọi cung cấp cho cả hai phía những Hướng dẫn và hỗ trợ thực tế… Điều này giúp các cấp thế quyền và thần quyền ý thức trách nhiệm của tất cả những người liên quan, đặc biệt là các lợi ích chung cho cả những người bị di dời và cộng đồng chào đón họ.
Source:Vatican NewsVatican provides pastoral guidelines to help internally displaced persons
Thánh lễ tại Santa Marta 6/5/2020: Đức Thánh Cha cầu xin Chúa giúp các nhà truyền thông luôn làm việc để phục vụ sự thật
Lúc 7 sáng thứ Tư 6 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.
Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những ai đang tham gia trong lĩnh vực truyền thông, là những người trong những ngày này có thể phải vất vả và gặp nhiều nguy hiểm nghề nghiệp hơn. Xin cho họ biết tôn trọng sự thật và phục vụ sự thật.
Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:
Chúng ta cầu nguyện ngày hôm nay cho những người nam nữ đang làm việc trong các phương tiện truyền thông. Trong thời đại dịch này, họ mạo hiểm rất nhiều và công việc lại rất nhiều. Xin Chúa giúp họ trong công việc, luôn luôn truyền tải sự thật, và dấn thân phục vụ sự thật.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày (Ga 12: 44-50), trong đó Chúa Giêsu nói: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta.”
Phúc Âm: Ga 12, 44-50
“Ta là sự sáng đã đến thế gian”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Ðấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Ðấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Ðấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy”.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Đoạn Tin Mừng này trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan cho chúng ta thấy sự thân mật giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Chúa Giêsu đã làm những gì Chúa Cha bảo Người làm. Và Ngài xác định sứ mệnh của mình là: “Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm”
Sứ mệnh của Chúa Giêsu là thắp sáng thế gian và chính Ngài cho biết: “Ta là sự sáng đã đến thế gian”. Tiên tri Isaia đã nói tiên tri về ánh sáng này: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.” Và sứ mệnh của các môn đệ Chúa cũng là mang lại ánh sáng như Thánh Phaolô nói. Thánh nhân được chọn để chiếu sáng, để chiếu dõi ánh sáng này, không phải của ngài, mà là của người khác. Chiếu sáng là sứ mệnh của Chúa Giêsu và các tông đồ, vì thế giới chìm trong bóng tối.
Thảm kịch ở đây là ánh sáng ấy đã bị từ chối, như lời Thánh Gioan nói khi bắt đầu Phúc Âm của ngài: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”. Họ yêu bóng tối hơn ánh sáng. Họ làm quen với bóng tối, và sống trong bóng tối. Họ không thể chấp nhận được ánh sáng, họ không thể vì họ là nô lệ của bóng tối. Và đây sẽ là cuộc đấu tranh của Chúa Giêsu, Ngài tiếp tục chiếu sáng, mang ánh sáng cho thấy mọi thứ như chúng là; để với ánh sáng của Chúa Giêsu chúng ta được tự do, để chúng ta thấy rõ sự thật.
Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về quá trình chuyển từ bóng tối sang ánh sáng, khi Chúa gặp ông trên đường đến Damascus. Thánh nhân bị mù. Nhờ phép Rửa Tội thánh nhân lấy lại được ánh sáng. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm vượt qua từ bóng tối đến với ánh sáng. Đó cũng là con đường của chúng ta, mà chúng ta nhận được trong bí tích rửa tội: vì lý do này trong nhiều thế kỷ đầu tiên, phép Rửa Tội được gọi là ‘la illuminazione’ /la i-lu-mi-na-zi-ố-nề/ – sự khai sáng, bởi vì phép Rửa Tội mang lại cho anh chị em ánh sáng, và cũng chính vì lý do đó, trong lễ rửa tội một ngọn nến được thắp sáng và được trao cho cha mẹ của cậu bé và cô bé vừa được chiếu sáng. Chúa Giêsu mang lại ánh sáng cho chúng ta.
Nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Họ đã quá quen với bóng tối đến nỗi ánh sáng làm họ choáng váng và đây là bi kịch xuất phát từ tội lỗi của chúng ta: tội lỗi làm chúng ta mù lòa và chúng ta không thể chịu đựng được ánh sáng. Chúng ta có đôi mắt ốm yếu. Chúa Giêsu nói rõ điều này trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu: “Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!” Hoán cải là để vượt qua khỏi bóng tối mà ra ánh sáng. Nhưng đâu là những điều làm chúng ta đau mắt, con mắt đức tin của chúng ta, và làm chúng ta mù quáng? Thưa: Đó là những tật xấu, tinh thần thế gian, và thói kiêu ngạo.
Ba điều này đẩy anh chị em đến chỗ dính bén đến những thứ khác để vẫn an toàn trong bóng tối. Chúng ta thường nói về mafia: đây chính là nó đó. Có những thứ mafia tâm linh, cũng như có những thứ mafia trong xã hội. Mafia là tìm kiếm người khác để che đậy bản thân mình, ngõ hầu mình có thể ở trong bóng tối. Không dễ sống trong ánh sáng. Ánh sáng làm cho chúng ta thấy rất nhiều điều xấu trong chúng ta mà chúng ta không muốn thấy: những tật xấu, tội lỗi vân vân và vân vân. Chúng ta hãy nghĩ về những tật xấu của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ về thói kiêu ngạo của chúng ta, chúng ta hãy nghĩ về tinh thần thế gian của chúng ta: những điều này làm mù quáng chúng ta, chúng tách chúng ta khỏi ánh sáng của Chúa Giêsu.
Nhưng nếu chúng ta dám thẳng thắn suy nghĩ sâu xa về những điều này chúng ta sẽ không tìm thấy một bức tường. Không. Trái lại chúng ta sẽ thấy một lối ra, bởi vì Chúa Giêsu đã nói rằng Ngài là ánh sáng: “Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian.” Chính Chúa Giêsu là ánh sáng nói: “Hãy có lòng dũng cảm: hãy để cho mình được chiếu sáng, để bản thân nhìn thấy được những gì bên trong con, bởi vì chính Ta, là người sẽ mang con về phía trước, sẽ cứu con. Ta sẽ không kết án con. Ta sẽ cứu con”. Chúa giải thoát chúng ta khỏi bóng tối mà chúng ta có bên trong tâm hồn, từ bóng tối của cuộc sống hàng ngày, của đời sống xã hội, của đời sống chính trị, quốc gia... rất nhiều bóng tối. Chúa cứu chúng ta. Nhưng Ngài yêu cầu chúng ta hãy nhìn cho rõ những thứ ấy trước, hãy can đảm nhìn thấy bóng tối của chúng ta để ánh sáng của Chúa có thể đến và cứu chúng ta.
Để kết luận, Đức Thánh Cha nói chúng ta không nên sợ hãi Chúa. Ngài là Đấng rất nhân làng, nhẹ nhàng, gần gũi chúng ta. Ngài đã đến để cứu chúng ta. Chúng ta đừng sợ ánh sáng của Chúa Kitô.
Source:Vatican News