1. UCANews: Các linh mục Trung Quốc phải chấp nhận triệt hạ thánh giá để cứu các nhà thờ
UCANews vừa có một bản tường trình chi tiết về một làn sóng bách hại mới tại Trung Quốc. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Dưới áp lực ít hơn từ Covid-19, các quan chức Trung Quốc đang loại bỏ các biểu tượng tôn giáo khỏi những nơi công cộng.
Bọn cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu một làn sóng triệt hạ thánh giá khác khi đại dịch coronavirus được báo cáo đã lắng xuống tại Hoa Lục.
Trong hai tuần qua, bọn cầm quyền địa phương đã loại bỏ các thánh giá khỏi đỉnh của hai nhà thờ, các nguồn tin nói với UCANews vào ngày 27 tháng Tư. Họ sợ nhiều hành động như vậy sẽ diễn ra trong những ngày tới.
Việc triệt hạ thánh giá bắt đầu khi bọn cầm quyền báo cáo bệnh nhân Covid-19 cuối cùng đã xuất viện ở Vũ Hán, thành phố trung tâm của Trung Quốc nơi coronavirus được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết cả nước chỉ báo cáo ba trường hợp Covid-19 vào ngày 26 tháng Tư. Hai người là người Trung Quốc trở về từ nước ngoài, trong khi một người nhiễm bệnh thông qua sự lây lan ở địa phương.
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo địa phương cho biết các cuộc triệt hạ thánh giá bắt đầu khi bọn cầm quyền cảm thấy tương đối ít chịu áp lực từ đại dịch COVID-19.
Bọn cầm quyền địa phương đã gỡ bỏ thánh giá của Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi tại Giáo phận An Huy (Anhui – 安徽) vào ngày 18 tháng Tư, một nguồn tin trong giáo phận nói với UCANews.
Nguồn tin nói rằng nhà thờ này là một phần của Giáo Hội công khai được nhà nước công nhận nhưng không có linh mục hay nữ tu để lãnh đạo các hoạt động tôn giáo. Giáo dân tự quản lý các chương trình tôn giáo.
Năm ngày trước khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo giáo xứ đã có cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương để thỉnh cầu họ cho phép sửa chữa nhà thờ. Nhưng các quan chức cộng sản cho biết kế hoạch của họ là phải triệt hạ thánh giá của cả hai nhà thờ Công Giáo và Tin lành trong khu vực trước rồi mới tính sau.
Một quan chức chính quyền địa phương, được gọi là giám đốc cộng đồng, vào ngày 16 tháng Tư đã yêu cầu giáo dân trao cho hắn các chìa khóa của nhà thờ. “Họ muốn vào nhà thờ và triệt hạ thánh giá bên trong nhà thờ”.
Giáo dân đã báo cáo tình hình cho Đức cha Lưu Tân Hồng (Liu Xinhong - 刘新红) của giáo phận An Huy. Lưu Tân Hồng từng bị vạ tuyệt thông và chỉ mới được giải vạ sau thoả hiệp của Tòa Thánh với Bắc Kinh hồi tháng 9 năm 2018. Ông ta chỉ đạo anh chị em giáo dân đến văn phòng địa phương của Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc mà khiếu nại. Nhưng các quan chức địa phương của Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc phủ nhận không có chuyện đó.
Giám đốc cộng đồng nói với giáo dân vào ngày 17 tháng Tư rằng các quan chức đang hành động theo chỉ đạo của cấp trên. Tuy nhiên, hắn không đưa ra tài liệu nào để chứng minh cho tuyên bố này.
Vào ngày 18 tháng Tư, giám đốc cộng đồng đã dẫn đầu một nhóm thanh niên đến triệt hạ thánh giá.
Trong một biến cố khác cũng tại Giáo phận An Huy vào ngày 19 tháng Tư, một cây thánh giá đã bị triệt hạ khỏi một nhà thờ ở quận Vĩnh Kiều (Yongqiao, 永桥) của thành phố Tô Châu (Suzhou - 苏州) vào khoảng 4 giờ sáng, có lẽ để tránh người Công Giáo tụ tập phản đối. Ban đầu, bọn cầm quyền địa phương dự trù triệt hạ thánh giá vào buổi chiều.
Các hoạt động từ mờ sáng được thực hiện dưới sự bảo vệ của cảnh sát. Bọn cảnh sát không cho ai vào nhà thờ, cũng không cho tụ tập bên ngoài hoặc chụp ảnh. Một chiếc điện thoại di động đã bị tịch thu khi ai đó cố gắng chụp ảnh.
Trong vụ việc mới nhất vào ngày 27 tháng Tư, bọn cầm quyền cố gắng triệt hạ thánh giá của một nhà thờ Tin Lành ở đường Tô Châu, thuộc thành phố Hợp Phì (Hefei - 合肥).
Một linh mục, được biết với tên là Cha Trần (Chen -陈), nói với thông tấn xã UCANews rằng chiến dịch triệt hạ thánh giá với chiến thuật tương tự được sử dụng trên khắp Trung Quốc, chứ không phải riêng tại một giáo phận hoặc một tỉnh cụ thể nào. “Nó đang diễn ra trên khắp đại lục, nhưng Giáo hội đại lục lại im lặng”.
Ngài tin rằng An Huy sẽ phải đối mặt với việc triệt hạ thánh giá nhiều hơn. “Nếu các thành phần trong Giáo Hội không đoàn kết chống lại, nhiều cây thánh giá sẽ bị triệt hạ,” ngài nói.
Giáo phận Hàm Đan (Handan - 邯郸) ở tỉnh Hà Bắc cũng đang phải đối mặt với việc triệt hạ thánh giá thậm chí là phá hủy toàn bộ các nhà thờ.
Một thành viên cao cấp của hàng giáo sĩ, người không muốn được nêu tên, cho biết giáo phận gần đây đã nhận được thông báo từ bọn cầm quyền cộng sản yêu cầu loại bỏ thánh giá bên ngoài bốn nhà thờ ở thành phố Phi Tường (Feixiang -飞翔).
Vị linh mục cao cấp nói với UCA News rằng từ năm 2019, người Công Giáo và các tôn giáo khác đã bị buộc phải thực hiện các thay đổi trong các nhà thờ bị bọn cầm quyền cho là “bất hợp pháp” để làm cho các nhà thờ này trở thành hợp pháp theo các yêu cầu của pháp luật.
Đó chỉ là một quả lừa. “Sau khi các biểu tượng tôn giáo bị xóa bỏ, các nhà thờ này bị biến thành một trung tâm sinh hoạt, một viện dưỡng lão hoặc một cái gì đó tương tự. Nó không còn là một nhà thờ nữa,” ngài nói.
Kể từ tháng 10 năm 2018, hàng trăm thánh giá trên khắp Trung Quốc đã bị triệt hạ. Các giáo phận ở các tỉnh Chiết Giang, Hà Nam, Hà Bắc và Quý Châu đã chứng kiến một số thánh giá bị triệt hạ, vì bị cáo buộc vi phạm luật quy hoạch.
Vào tháng 10 năm 2019, một nhà thờ ở huyện Quan Đào (Guantao - 关涛), Hà Bắc đã bị phá hủy vì bị buộc tội chiếm giữ trái phép đất canh tác. Chỉ riêng trong năm nay, thánh giá của hai nhà thờ ở huyện A Khâu (Qiu - 阿丘) ở Hà Bắc đã bị triệt hạ.
Các linh mục cho biết các giáo phận thường sẽ hợp tác trong việc triệt hạ thánh giá với hy vọng cứu được nhà thờ.
Cha Trần cho biết các cuộc đàn áp Giáo hội đã gia tăng kể từ khi Vatican ký thỏa thuận với Trung Quốc vào tháng 9 năm 2018 về việc bổ nhiệm các giám mục. Ngài nói rằng bọn cầm quyền không từ bỏ các cuộc đàn áp ngay cả khi Covid-19 đang hoành hành ở Trung Quốc. Ngài kêu gọi người Công Giáo trên toàn cầu cùng tham gia và lên tiếng để khôi phục quyền của Kitô hữu ở Trung Quốc.
2. Báo cáo của Quốc Hội Hoa Kỳ: Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, khuyến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định Ấn Độ vào danh sách các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt, gọi tắt là CPC, cùng với các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo triền miên như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Ả Rập Saudi.
Trong năm 2019, Ấn Độ đã có một bước thụt lùi mạnh mẽ. Đó là nhận định trong báo cáo thường niên của USCIRF, năm 2020, vừa được công bố hôm 29 tháng Tư. Chính phủ quốc gia, của Thủ tướng Narendra Modi thuộc đảng Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, đã sử dụng đa số tại Quốc Hội để đưa ra các chính sách vi phạm tự do tôn giáo trên khắp Ấn Độ, đặc biệt là đối với người Hồi giáo.
Đáng chú ý nhất là nó đã ban hành Đạo luật Công dân, quy định cấp nhanh chóng quyền công dân Ấn Độ cho những người di cư không theo đạo Hồi từ Afghanistan, Bangladesh và Pakistan đang cư trú ở Ấn Độ. Theo các quan chức chính phủ, luật này nhằm bảo vệ các cộng đồng tôn giáo không theo đạo Hồi. Nhưng trong thực tế, nó dùng để chống lại việc cấp quyền công dân cho người Hồi giáo và kết quả là giam giữ, trục xuất và hàng chục triệu người rơi vào tình cảnh không quốc tịch.
USCIRF lưu ý rằng chính phủ quốc gia Ấn Độ và nhiều chính phủ tiểu bang khác cũng cho phép các chiến dịch quấy rối và bạo lực trên toàn quốc đối với các nhóm tôn giáo thiểu số. Ủy ban cho biết các cấp chính quyền và cả cảnh sát cũng tham gia và dung túng cho lời nói căm thù và kích động bạo lực chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo.
Mặt khác, USCIRF đã khen ngợi hai quốc gia vì những tiến bộ mà họ đã đạt được và lưu ý rằng các quốc gia này đã hợp tác chặt chẽ với ủy ban để cải thiện hồ sơ của họ.
“Chúng tôi được khuyến khích bởi những bước tích cực mà một số chính phủ đã thực hiện trong năm 2019 - đặc biệt là hai chính phủ có liên quan chặt chẽ với USCIRF - để thiết lập một môi trường an toàn hơn cho tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng,” Chủ tịch USCIRF, Tony Perkins, cho biết trong một tuyên bố. Tại Sudan, hàng lãnh đạo mới với ý chí cải cách đã có thể nhanh chóng mang lại những cải tiến rõ rệt. Uzbekistan cũng đã đạt được tiến bộ quan trọng trong năm 2019 đối với việc thực hiện các cam kết mà họ đã thực hiện để cho phép các nhóm tôn giáo thiểu số tự do hơn.
Ngoài Ấn Độ, USCIRF khuyến nghị 13 quốc gia khác được chỉ định vào danh sách CPC vì chính phủ của họ tham gia hoặc dung túng cho các vi phạm có hệ thống, liên tục, nghiêm trọng. Chúng bao gồm chín quốc gia mà Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định là CPC vào tháng 12 năm 2019 – bao gồm Trung Quốc, Eritrea, Iran, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Ả Rập Saudi, Tajikistan và Turkmenistan - cũng như bốn quốc gia khác là Nigeria, Nga, Syria và Việt Nam.
Tình hình tại Trung Quốc là đặc biệt nghiêm trọng. Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đối với Kitô Giáo, song song với chiến dịch triệt hạ Thánh Giá, chúng ra lệnh phải gỡ xuống hay đục bỏ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và thay bằng các lời dạy của “Bác Tập”.
Các quan chức của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Hội Công Giáo Yêu Nước đang yêu sách các nhà thờ phải treo ảnh Tập Cận Bình trang trọng hơn ảnh Chúa và Đức Mẹ nếu muốn được mở cửa trở lại.
Ngay sau lệnh dỡ bỏ cô lập tại Vũ Hán, thông tấn xã UCANews, và Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết chiến dịch loại bỏ thánh giá vừa được tái tục tại Hoa Lục.
3. 10 tiểu bang tại Hoa Kỳ ngăn chặn mọi cuộc tụ họp thờ phượng, 15 tiểu bang lại cho phép không giới hạn số tín hữu tham dự
Trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của coronavirus, mọi tiểu bang ở Hoa Kỳ đã ban hành các hướng dẫn hoặc các lệnh hạn chế tương tác xã hội. Nhưng những quy tắc này không phải lúc nào cũng được áp dụng đồng đều khi nói đến các cử hành thờ phượng trực tiếp và các cuộc tụ họp tôn giáo khác.
Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew về các quy định gần đây của nhà nước, trên thực tế, chỉ có 10 tiểu bang ngăn chặn các cuộc tụ họp tôn giáo trực tiếp dưới bất kỳ hình thức nào. Danh sách này bao gồm California, nơi một nhóm các giáo hội đang kiện Thống Đốc Gavin Newsom tại tòa án liên bang cáo buộc ông vi phạm quyền tự do tín ngưỡng được ghi trong Tu Chính Án thứ nhất của Hoa Kỳ. Một thẩm phán liên bang tuần trước đã từ chối yêu cầu của những người khiếu nại muốn tổ chức các buổi cử hành trực tiếp, nghĩa là có tín hữu tham dự.
Tuy việc kiện tụng của nhóm các giáo hội tại California không đi đến đâu, những lo sợ bị kiện tụng như vậy đã khiến hầu hết các tiểu bang khác đưa ra các miễn trừ cho các cuộc tụ họp tôn giáo trong các lệnh cách ly và các chỉ thị khác, trong nỗ lực cân bằng các mối quan tâm về tự do tôn giáo với các thực hành khoảng cách an toàn xã hội. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, gọi tắt là CDC, tiếp tục khuyến nghị rằng các cuộc tụ họp hơn 10 người phải bị đình chỉ, và trong khi trong các cuộc tụ tập diễn ra, mọi người nên đứng cách nhau ít nhất 6 feet, tức là khoảng 1.8m, ở mọi thời điểm.
Một số tiểu bang xem các sinh hoạt tôn giáo là thiết yếu và gộp vào cùng cùng loại với việc mua sắm thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Những tiểu bang này bao gồm Florida, Nam Carolina và Tennessee, và một số tiểu bang khác nữa.
15 tiểu bang, tức là khoảng một phần ba các tiểu bang tại Hoa Kỳ đang cho phép các cuộc tụ họp tôn giáo được tiếp tục diễn ra mà không có bất kỳ giới hạn nào về số người tham dự.
22 tiểu bang và thủ đô Washington quy định rằng các cuộc tụ họp tôn giáo có thể diễn ra, nhưng giới hạn từ 10 người trở xuống. Tại Rhode Island, các cuộc tụ họp bị giới hạn không quá năm người. Hai tiểu bang Connecticut và Oregon giới hạn các cuộc tụ họp tôn giáo tương ứng là 50 và 25 người. Trong khi đó, Kentucky đang cấm các cuộc tụ tập đông người - kể cả các cuộc tụ họp tôn giáo - nhưng không nêu rõ có bao nhiêu người tạo thành một cuộc tụ họp đông người.
Trong một số trường hợp, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã chống lại lệnh của nhà nước, tổ chức các cử hành bất chấp cảnh báo từ các quan chức. Nhưng nhiều vị khác đã đình chỉ các cử hành trong một nỗ lực để tuân thủ các hướng dẫn của CDC, mặc dù các miễn trừ ở cấp tiểu bang có thể cho phép họ tiếp tục thờ phượng chung.
Một số giáo hội đã sáng tạo, không chỉ với các dịch vụ phát trực tuyến hoặc trên truyền hình mà bằng cách tổ chức các cử hành tôn giáo theo kiểu drive-in, trong đó mọi người có thể tham gia các cử hành trong khi vẫn ngồi trong những chiếc xe hơi cách nhau 6 feet, thay vì trong nhà thờ. Đến nay, bảy tiểu bang rõ ràng cho phép loại hình cử hành này được diễn ra, trong khi nhiều tiểu bang khác khuyến khích các tổ chức tôn giáo tổ chức các dịch vụ trực tuyến mà thôi.
Source:Pew ResearchMost states have religious exemptions to COVID-19 social distancing rules
4. Kết thúc vụ phạm thánh nghiêm trọng tại Senegal, Phi Châu
Một thanh niên ở lứa tuổi ba mươi đã bị cảnh sát bắt giữ vào hôm Chúa Nhật 26 tháng Tư trong khi anh ta đang cố gắng bán một bình đựng Mình Thánh Chúa và một hộp đựng Mình Thánh Chúa được dùng chung với một Mặt Nhật trong các buổi Chầu Thánh Thể. Cả hai thứ đều bị lấy đi sau khi anh ta phá tung nhà tạm của nhà thờ Saint Germaine ở Marsassoum.
Vụ phạm thánh đã diễn ra vào hôm 21 tháng Tư.
Marsassoum là một thị trấn nhỏ cách thủ phủ của tỉnh Ziguinchor 33km về hướng Tây, với dân số chỉ có 6,400 người.
Nghi phạm bị bắt giữ tại đồn cảnh sát Marsassoum sau khi các trẻ em Công Giáo thấy y đem bán hai thứ đánh cắp trên với giá 1,500 francs. Các em lập tức báo cho Cha Sở là Cha Lambert Manga, và gọi cảnh sát đến bắt y.
Nghi phạm là một người Hồi Giáo nhưng có lẽ hành động của anh ta xuất phát từ tình trạng đói kém gây ra bởi đại dịch coronavirus kinh hoàng hơn là lòng thù hận đức tin.
Cha Lambert Manga cho biết ngài quan tâm đến việc anh ta đã đổ các bánh thánh đã được thánh hiến đi đâu hơn là việc trừng phạt hay giam cầm anh ta.
Tính cho đến thứ Sáu 1 tháng 5, Senegal có 933 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, và 9 trường hợp tử vong. Senegal đã ban hành tình trạng khẩn cấp từ hôm 23 tháng Ba. Giới nghiêm được áp đặt từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau.
Ngoài tổng giáo phận thủ đô Dakar, Senegal còn có 6 giáo phận. Trong tổng số 13.6 triệu dân, 96.1% là người Hồi Giáo. Người Công Giáo chỉ có 3.6% dân số.
Source:Tele Dakar