Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Chính phủ Sri Lanka xin lỗi đồng bào đã để xảy ra vụ khủng bố vào ngày Chúa Nhật Phục sinh
Chính phủ Sri Lanka thừa nhận đã không có các hành động cần thiết trước nhiều cảnh báo về một loạt các cuộc tấn công phối hợp nhắm vào các nhà thờ và khách sạn vào Chúa Nhật Phục sinh, và nói rằng họ lo sợ một nhóm khủng bố quốc tế có thể đứng đằng sau bạo lực kinh hoàng này.
Phát ngôn viên của chính phủ, ông Rajitha Senaratne, cho biết nhiều cảnh báo đã nhận được trong nhiều ngày trước vụ tấn công, khiến 290 người thiệt mạng và ít nhất 500 người bị thương. Ít nhất một cảnh báo đã đề cập đến nhóm Hồi Giáo cực đoan National Thowheeth Jama’ath, là một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan ít được biết đến trên thế giới. Nhóm này trước đây chỉ giới hạn trong phạm vi phá hoại các bức tượng Phật giáo.
Ông Senaratne, cũng là bộ trưởng y tế, cho biết ông không tin rằng một nhóm địa phương có thể hành động một mình. “Phải có một mạng lưới quốc tế rộng hơn đằng sau nó,” ông nói.
Chính phủ Sri Lanka đã tỏ ra quan ngại đặc biệt sau khi khám phá ra nhiều thiết bị gây nổ sau vụ tấn công. Cảnh sát tìm thấy 87 kíp nổ trong một khu vực sửa chữa xe tư nhân thuộc trạm xe buýt chính ở thủ đô Colombo vào hôm thứ Hai. Chín quả bom tự chế đã được phát hiện gần Sân bay Quốc tế Bandaranaike vào tối Chúa Nhật.
“Thất bại không hành động theo các cảnh báo sẽ được điều tra,” ông Senaratne nói. “Chúng tôi đã thấy các cảnh báo và chúng tôi đã thấy các chi tiết được đưa ra,” Bộ trưởng Senaratne nói trong một cuộc họp báo. “Chúng tôi thành thực xin lỗi, trong tư cách một chính phủ chúng tôi phải nói điều này - chúng tôi phải xin lỗi các gia đình và các tổ chức về biến cố này.”
Ông Senaratne cho biết thêm chính phủ sẽ trả mọi chi phí chôn cất những người Sri Lanka bị thiệt mạng.
2. Quan hệ Công Giáo - Phật Giáo
Trong số 290 người bị thiệt mạng, cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé tại quốc gia này bị thiệt hại nặng nhất. Chỉ riêng tại đền thánh Antôn, là đền thánh quốc gia của Sri Lanka, ở quận Kochchikade của thủ đô Colombo đã có khoảng 170 anh chị em tín hữu bị thiệt mạng.
Tại đền thánh Antôn, một nhiếp ảnh gia AFP đã nhìn thấy các thi thể nằm trên sàn nhà, được đắp tạm bợ bằng khăn và quần áo. Anh cho biết phần lớn mái nhà thờ đã bị thổi tung đi trong vụ nổ này; gạch, kính và gỗ vụn vương vãi trên sàn nhà - cùng với những vũng máu.
Ngay khi hay tin, một nhóm các chư tăng Phật giáo trong áo cà sa đã đến đền thánh này để thăm hỏi và chia buồn. Sri Lanka là một đất nước có sự đa dạng tôn giáo rất lớn, vượt qua các biên giới chủng tộc.
Theo dữ liệu điều tra dân số hồi năm ngoái 2018, 70.2% người Sri Lanka nhận mình là Phật giáo, 12% theo Ấn Giáo, 9.7% theo Hồi giáo và 7.4% theo Kitô giáo, trong số này rằng 82% các Kitô hữu Sri Lanka là người Công Giáo.
Người Công Giáo tại quốc gia này, với 1.5 triệu tín hữu, được chia thành 1 tổng giáo phận và 11 giáo phận. Sứ thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngày 22 tháng Ba, 2014.
Tuy là quốc gia chủ yếu theo Phật Giáo, các Kitô hữu chỉ là một thiểu số nhỏ, nhưng đã có 3 vị Giáo Hoàng đến thăm quốc gia này. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là vị Giáo Hoàng đầu tiên thăm đảo quốc này vào năm 1970. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm vào 24 năm trước đây, tức là vào năm 1995. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ ba đến thăm đất nước này từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng, 2015.
Đức Thánh Cha Phanxicô là vị đã đóng góp rất lớn vào sự hiểu biết chung giữa Phật Giáo và Công Giáo. Thật thế, sau khi kết thúc cuộc nội chiến với Phiến quân Hổ Tamil kéo dài 25 năm 9 tháng và 3 ngày khiến từ 80,000 đến 100,000 người phải thiệt mạng, Sri Lanka rơi vào một tình trạng cô lập. Phần lớn là do cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa đã từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc để thực hiện một cuộc điều tra tội ác chiến tranh trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến kéo dài gần 26 năm từ 22/07/1983 đến 18/05/2009.
Sau một thời gian dài gánh chịu những xung đột về sắc tộc và tôn giáo, người dân Sri Lanka đã chú ý lắng nghe bài diễn văn của Đức Thánh Cha được trực tiếp truyền thanh và truyền hình. Đức Thánh Cha giải thích rằng lý do duy nhất của chuyến tông du của ngài là “để giúp một quốc gia bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến hơn một phần tư thế kỷ xây dựng lại và lấy lại sự bình an.” Câu nói này làm nhiều người cảm động bất kể là Phật tử, tín hữu Hồi Giáo, Ấn Giáo hay Kitô hữu. Ngài nói thêm: “Hy vọng của tôi là các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và văn hóa ở Sri Lanka, cân nhắc mỗi từ ngữ và hành động của họ xem nó có thể mang lại những điều tốt lành và chữa lành nào, sẽ đóng góp lâu dài cho đời sống vật chất và tâm linh của người dân Sri Lanka ra sao.”
Sau cuộc nội chiến với Hổ Tamil, Sri Lanka còn vướng vào một cuộc xung đột tôn giáo trầm trọng gây ra bởi nhóm Bodu Bala Sena - Buddhist Power Force (“Lực lượng quyền lực Phật Giáo”), gọi tắt là BBS. Nhóm này được thành lập vào năm 2012 với tôn chỉ Sri Lanka phải là một quốc gia Phật Giáo và sẵn sàng bảo vệ “bản sắc Phật giáo Sri Lanka” bằng bạo lực.
Một tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến Sri Lanka, nhà sư Ashin Wirathu khét tiếng bài Hồi Giáo của Miến Điện đã đến Colombo thúc giục nhóm BBS tẩy chay chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, trong video kế bên, chúng ta có thể thấy hằng trăm nhà sư Phật Giáo đã đến dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha và im lặng lắng nghe chăm chú lời kêu gọi sống chung hòa bình vì thiện ích quốc gia và dân tộc của nhà lãnh đạo tối cao của Công Giáo.
Chuyến viếng thăm bất ngờ của Đức Thánh Cha đến một ngôi chùa Phật Giáo vào hôm 14 tháng Giêng, 2015 càng củng cố thêm tình cảm giữa hai tôn giáo.
3. Chính quyền quy trách nhiệm cho Hồi Giáo cực đoan
Cảnh sát Sri Lanka đã bắt giữ 24 người bị tình nghi có liên quan đến một loạt các vụ đánh bom tự sát tàn khốc tại các khách sạn và nhà thờ vào Chúa Nhật Phục sinh.
Bộ Nội Vụ Sri Lanka đổ lỗi cho nhóm Hồi Giáo cực đoan National Thowheeth Jama’ath, là một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan ít được biết đến trên thế giới. Hơn hai tuần trước, cụ thể là ngày 4 tháng Tư, một quan chức cảnh sát đã cảnh báo về mối đe dọa đối với các nhà thờ của nhóm này, nhưng chính quyền đã chậm trễ hành động.
Một phân tích pháp y về các bộ phận cơ thể được tìm thấy tại sáu địa điểm xác định rằng 7 tên đánh bom tự sát đã tiến hành các cuộc tấn công tại ba nhà thờ và ba khách sạn. Hầu hết các cuộc tấn công được thực hiện bởi một tên nổ bom tự sát duy nhất, nhưng hai người đàn ông đã tham gia vào vụ tấn công ở khách sạn Shangri-La ở thủ đô Colombo.
Tại khách sạn Cinnamon Grand, tên đánh bom tự sát đã kiên nhẫn chờ đợi trong một hàng dài người chờ đến phiên mình lấy thức ăn trong bữa sáng tự chọn.
Cầm trên tay một chiếc đĩa, người đàn ông, có tên Mohamed Azzam Mohamed, đột ngột bước lên đầu hàng và giật dây kích nổ.
“Một trong những người quản lý của chúng tôi đang chào đón khách là một trong số những người bị giết ngay lập tức,” khách sạn cho biết.
Kẻ đánh bom cũng chết. Các bộ phận cơ thể của anh ta được cảnh sát tìm thấy nguyên vẹn và mang đi.
Giờ giới nghiêm từ hoàng hôn đến bình minh vẫn được thực hiện vào tối thứ Hai rạng sáng thứ Ba tại thủ đô Colombo. Và các dịch vụ nhắn tin và truyền thông xã hội lớn, bao gồm Facebook và WhatsApp, đã bị chính phủ ngăn chặn nhằm chống lại việc lan truyền các thông tin sai lệch.
4. Phản ứng của Đức Thánh Cha Phanxicô và các Giám Mục Á Châu trước vụ tấn công khủng bố tại Sri Lanka
Các Giáo Hội, các tổ chức và cá nhân đã hiệp cùng Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài lặp lại sự gần gũi về tinh thần và tình cảm của mình với người dân Sri Lanka sau các cuộc tấn công khủng bố vào 3 nhà thờ và 3 khách sạn vào hôm Chúa Nhật Phục sinh.
Trong diễn từ với đông đảo các tín hữu và du khách hành hương đứng chật quảng trường Thánh Phêrô vào hôm thứ Hai trong tuần Bát Nhật Lễ Phục sinh để tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói ngài gần gũi với Đức Hồng Y Malcolm Ranjith và Tổng Giáo Phận thủ đô Colombo, và cầu nguyện cho các nạn nhân và những người bị thương. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp những trợ giúp cần thiết cho Sri Lanka. Ngài cũng lên tiếng thúc giục chính phủ các nước đừng ngần ngại lên án những hành động khủng bố và vô nhân đạo không bao giờ có thể biện minh được này.
Trong khi đó, các Giáo hội tại Á châu cũng bày tỏ sự đoàn kết và chia buồn với Giáo hội Sri Lanka.
“Cho phép tôi bày tỏ nỗi buồn chân thành của mình trước thảm kịch đã gây thiệt hại cho cuộc sống của con người vô tội vào đúng ngày chúng ta cử mừng trên thế giới chiến thắng của sự sống và sự thiện đối với cái chết và cái ác,” Đức Hồng Y Charles Bo của Miến Điện, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) đã viết như trên, trong một lá thư gửi Đức Hồng Y Ranjith.
Không có nhóm nào tự nhận trách nhiệm về các vụ nổ bom tự sát ngày 21 tháng 4 giết chết gần 300 người và làm bị thương 500 người khác. Đây là cuộc tấn công nguy hiểm nhất ở đảo quốc này kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến với phiến quân Hổ Tamil vào năm 2009. Trong số những người thương vong có nhiều người nước ngoài.
Hôm thứ Hai, Bộ Nội Vụ Sri Lanka chính thức quy trách nhiệm vụ này cho nhóm Hồi Giáo cực đoan National Thowheeth Jama’ath, là một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan ít được biết đến trên thế giới. Tuy nhiên, dựa vào cách thế nổ bom tự sát để tấn công, từ giữa trưa ngày Chúa Nhật, trên các mạng xã hội, người dân Sri Lanka đã cho rằng các nhóm Hồi Giáo cực đoan đã gây ra vụ này. Chính vì thế, lúc 10g30 tối đã xảy vụ đánh bom xăng vào một đền thờ Hồi giáo và các vụ tấn công đốt phá hai cửa hàng của người Hồi giáo ở hai khu vực khác nhau của Sri Lanka.
Đức Hồng Y Malcolm Ranjith đã đưa ra lời kêu gọi người dân Sri Lanka nên bình tĩnh vì “bạo lực sẽ gây thên bạo lực”.
Hôm Chúa Nhật, ngài mô tả các cuộc tấn công là “súc vật và vô nhân đạo” và gửi lời chia buồn đến gia đình của những người chết và bị thương. Ngài cũng kêu gọi các chuyên gia y tế giúp cứu sống những người bị thương.
Đức Hồng Y nói: “Đây là một ngày rất buồn cho tất cả chúng ta.”
“Do đó, tôi muốn bày tỏ nỗi buồn và sự cảm thông sâu sắc nhất với tất cả những gia đình vô tội đã mất những người thân, và cả những người bị thương và bị thiệt hại. Tôi cực lực lên án hành động này. Nó đã gây ra rất nhiều cái chết và đau khổ cho người dân.”
Đức Hồng Y Ranjith cũng kêu gọi chính phủ Sri Lanka tổ chức một cuộc điều tra “rất vô tư, mạnh mẽ và phải tìm cho ra ai chịu trách nhiệm đằng sau những hành vi này.”
Bày tỏ sự nâng đỡ trong tình huynh đệ, Đức Tổng Giám Mục Yangon nói: “Khi tôi dâng những lời cầu nguyện khiêm nhường của mình cho tất cả các nạn nhân của bạo lực vô nghĩa này, tôi cũng cầu nguyện cho những người chăm sóc và các nhân viên cứu trợ.”
“Chúng ta cần phải cầu xin lòng thương xót của Chúa Giêsu phục sinh, Hoàng tử Hy vọng và Hòa bình, ban thêm sức mạnh cho tất cả mọi người thiện chí đang giúp ổn định tình trạng sợ hãi và nghi ngờ xảy ra sau các vụ nổ”.
Trong một thông điệp riêng, Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Độ cũng bày tỏ nỗi đau của mình đối với các vụ nổ ở Sri Lanka vào Chúa Nhật Phục sinh.
Đức Hồng Y Oswald Gracias, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI), đã viết thư cho Đức Hồng Y Ranjith vào ngày 21 tháng 4 nói rằng Giáo hội ở Ấn Độ đang rất buồn và đau đớn vì các cuộc tấn công.
“Chúng tôi bày tỏ tình liên đới và dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân, gia đình của họ và những người bị thương sau vụ đánh bom các nhà thờ,” Đức Hồng Y Gracias viết. “Vào ngày đại lễ này của niềm hy vọng Phục sinh, anh chị em của chúng tôi ở Sri Lanka đã bị tàn phá bởi bạo lực vô nghĩa này. Chúng tôi cầu nguyện xin Chúa Giêsu Phục sinh ban hòa bình cho anh chị em.”
Tình cảm tương tự đã được thể hiện bởi các cá nhân, các Giáo Hội và các tổ chức từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó có các Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Hung Gia Lợi, và Đức, Hội đồng các vị bản quyền Công Giáo ở Thánh địa, Cộng đồng Thánh Egidio, Tổng thống Sergio Mattarella của Ý, Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, và Hội đồng Giáo hội Thế giới.
5. Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence gọi các vụ nổ tại Sri Lanka là một cuộc tấn công vào Kitô giáo.
Ngay sau vụ nổ bom vào 3 nhà thờ và 3 khách sạn tại Sri Lanka, Hoa Kỳ đã nhanh chóng lên án các hành vi bạo lực này, gọi đó là “các cuộc tấn công khủng bố bạo ngược”.
“Hoa Kỳ lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ở Sri Lanka đã cướp đi rất nhiều sinh mạng quý giá vào Chúa Nhật Phục sinh này,” tuyên bố của Tòa Bạch Ốc viết.
“Lời chia buồn chân thành của chúng tôi gửi đến các gia đình của hơn 200 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Chúng tôi đứng về phía chính phủ và người dân Sri Lanka trong cố gắng đưa ra trước công lý những thủ phạm của những hành động đê hèn và vô nghĩa này,” tuyên bố nói tiếp.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence đã gọi các vụ nổ nhắm vào các nhà thờ vào ngày Chúa Nhật Phục sinh là một cuộc tấn công vào Kitô giáo và tự do tôn giáo ở khắp mọi nơi. “Potus và tôi đang theo dõi các cuộc tấn công kinh hoàng vào những người dự lễ Phục sinh ở Sri Lanka. Trái tim và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về các nạn nhân và gia đình của họ. Sự tàn bạo này là một cuộc tấn công vào Kitô giáo và tự do tôn giáo ở khắp mọi nơi. Lẽ ra không ai phải sợ hãi khi đến cầu nguyện ở một nơi thờ tự,” ông Pence Pence viết trên Twitter.
Lên án vụ tấn công, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết “Hoa Kỳ gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình và bạn bè của những người thiệt mạng và mong những người bị thương có thể phục hồi nhanh chóng.”
Ngoại trưởng Sri Lankan cho biết: 9 người nước ngoài đã được báo cáo mất tích và 25 thi thể chưa xác định được là ai đang được quàn tại nhà xác của cơ quan pháp y ở Colombo. Những thi thể này được cho là của người nước ngoài. Ông Pompeo nói rằng một số người Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công, nhưng không đưa ra con số chính xác.
“Đại sứ quán Hoa Kỳ đang làm việc không mệt mỏi để cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho các công dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công và gia đình của họ,” ông nói thêm. Ít nhất 290 người đã thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương trong một loạt tám vụ nổ tại các nhà thờ và các khách sạn cao cấp ở Sri Lanka. Cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên án các vụ nổ này. Các nhà lãnh đạo từ Ấn Độ, Vương quốc Anh, Nepal, Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác đã bày tỏ lời chia buồn với Sri Lanka.
6. Tâm tình của sơ Ramoshini Fernando
Nói chuyện với CNN bên ngoài Đền thờ Thánh Antôn, nơi thương vong được ghi nhận là nghiêm trọnh nhất, sơ Ramoshini Fernando cho biết một số bạn bè và anh chị em giáo dân mà sơ quen biết đã chết trong vụ tấn công.
Cha của sơ ở sát bên chỗ bom nổ, và đã phải vào bệnh viện với những vết thương nghiêm trọng từ các mảnh bom
Sơ Fernando cho biết sơ hy vọng tất cả người Công Giáo sẽ hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện trong các cuộc tấn công. Mặc một chiếc áo choàng màu xanh và cây thánh giá nổi bật, sơ Fernando nói rằng sơ ý thức mình có thể là mục tiêu và không cảm thấy an toàn.
“Tôi không sợ chết,” sơ nói, sơ cho biết đã cống hiến cả đời mình cho đức tin thì không còn gì phải sợ. “Tuy nhiên, giết những người vô tội và các gia đình thì thật là một điều đáng kinh tởm.”
7. Tấm ảnh cuối cùng
Người dân Sri Lanka đã bày tỏ sự thương tiếc dành cho bà Chaiha Mayadunne, một người dạy gia chánh trên đài truyền hình.
Bà có ba mươi năm kinh nghiệm trong nghệ thuật ẩm thực và trở thành một trong những đầu bếp truyền hình nổi tiếng nhất Sri Lanka. Cô đã học các kỹ thuật nấu ăn quốc tế tiên tiến tại các trường dạy nấu ăn có uy tín ở nhiều quốc gia như Úc, Anh, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ. Bà đã xuất bản hai cuốn sách về gia chánh, cuốn đầu tiên vào năm 2001, và cuốn thứ hai là vào năm 2005
Bà và con gái Nisanga Mayadunne đã thiệt mạng trong vụ nổ tại khách sạn Shangri-La, thủ đô Colombo. Ngay trước khi vụ nổ xảy ra, cô con gái đưa lên Facebook tấm hình bên dưới với dòng ghi chú rằng: “Ăn sáng ngày lễ Phục sinh với gia đình”.