Ngay sau các vụ tấn công tàn bạo vào các nhà thờ Kitô giáo và một số khách sạn ở Sri Lanka, Bộ Trưởng Quốc Phòng Sri Lanka, Ruwan Wijewardene, nói với quốc hội rằng đây là một vụ trả thù cho vụ tấn công vào các nơi thờ phượng của người Hồi Giáo tại Christchurch, Tân Tây Lan.
Nhận định ấy có thể đúng. Nhưng thái độ con người diễn ra sau đó thì Sri Lanka thật khác xa Tân Tây Lan. Vì ở chốn sau, tình người hiện rõ mồn một qua những vòng ôm thân thiết của người cầm đầu chính phủ với các nạn nhân và gia đình họ. Còn ở Sri Lanka, không thấy bức hình nào cho thấy một nhà cầm quyền cao cấp hiện diện, dù là trong tang lễ tập thể của gần 100 nạn nhân ở Nhà Thờ Thánh Sebastian.
Nhưng về an ninh, thì chính phủ ấy tỏ ra hết sức năng động trong các biện pháp đưa ra sau các vụ tấn công tàn bạo. Theo tin A.P., 40 người tình nghi có liên can tới các vụ tấn công tàn bạo đã bị bắt. Ông tổng thống ban quyền rộng rãi cho các lực lượng an ninh, các quyền rộng rãi đã từng được sử dụng suốt 26 năm nội chiến: bắt giam bất cứ kẻ tình nghi nào. Chính phủ ra lệnh ngăn cấm phần lớn các phương tiện truyền thông xã hội để ngăn chặn các nguồn tin sai lạc. Các phố xá ở trung tâm thủ đô Colombo đầy lính canh. Tại phi trường quốc tế Bandaraniake, cảnh sát cho chó săn lùng sục và các ngả đường dẫn vào phi trường có trạm khám xét cốp xe và tra hỏi tài xế.
Hình như chỉ để “chuộc lỗi quá khứ” không hẳn nhằm bảo đảm an ninh tương lai. Thực thế, chính các viên chức chính phủ vào ngay hôm thứ Hai đã tiết lộ rằng một tuần lễ trước đó, họ đã nhận được các báo động cho hay nhóm Hồi Giáo quá khích có khả năng sẽ mở cuộc tấn công.
Chính phủ đã không làm gì. Chỉ sau khi các cuộc tấn công tàn bạo đã xẩy ra, Thủ Tướng Ranil Wickremesinghe mới thề “sẽ dành mọi quyền cần thiết cho các lực lượng quốc phòng” hành động chống những kẻ chịu trách nhiệm.
Theo A.P., tình báo quốc tế vốn đích danh thông bào rằng bọn người ít ai biết đến là Nhóm National Thowfeek Jamaath đang đặt kế hoạch tấn công, nhưng lời cảnh cáo của họ rõ ràng không tới tai phủ thủ tướng cho tới sau khi cuộc thảm sát đã diễn ra, “cho thấy cảnh bất ổn kéo dài về chính trị ở cấp cao nhất của chính phủ”.
Chính Bộ Trưởng Y Tế Rajitha Senaratne nói rằng các lời cảnh báo bắt đầu từ ngày 4 tháng Tư khi bộ quốc phòng viết cho tư lệnh cảnh sát, cung cấp tin tức, kể cả tên của nhóm khủng bố; ngày 11 tháng Tư, cảnh sát viết cho các người đứng đầu an ninh tại các phân bộ an ninh tư pháp và ngoại giao.
Trong khi ấy, Ông Sirisena, hôm xẩy ra các vụ khủng bố, không có mặt ở trong nước, từng bãi chức Thủ Tướng Ranil Wickremesinghe hồi tháng Mười và giải tán nội các. Tối cao Pháp Viện đã lật ngược hành động của ông ta, nhưng từ đó, Thủ Tướng không được phép tham dự các buổi họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, và do đó ông và chính phủ ông hoàn toàn mù tịt về các tin tình báo này.
Cho đến nay, người ta không được rõ liệu đã có một biện pháp nào được đưa ra đối với tin tình báo trên. Trong khi ấy, nhà cầm quyền vẫn cho rằng họ biết nhóm trên huấn luyện ở đâu và chúng cư ngụ ở chỗ nào. Ấy thế mà vẫn không nhận diện được bất cứ tên đánh bom tự sát nào và cả hàng tá nghi phạm đã bắt được sau các vụ khủng bố!
Tất cả các tên đánh bom đều là người Sri Lanka dù ông Senaratne nói rằng chắc chắn bọn chúng có liên kết với các đường dây ngoại quốc.
Người ta cũng chưa rõ các động lực đứng đàng sau các vụ khủng bố này. Lịch sử Sri Lanka đa số theo Phật Giáo, 1 xứ sở 21 triệu dân, trong đó có các nhóm thiểu số Ấn Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo, đầy những tranh chấp sắc tộc và phe phái. Trong cuộc nội chiến kéo dài 26 năm, Các Mãnh Hổ Tamil, nhóm phiến quân nổi tiếng sử dụng các tên đánh bom tự sát, sau đó bị chính phủ dẹp tan năm 2009, nhưng ít bị liên lụy đến việc tấn công các Kitô hữu. Phong trào cuồng tín chống Hồi Giáo do các người Phật giáo quá khích mới tái xuất hiện gần đây, nhưng không hề có phong trào đấu tranh Hồi Giáo. Các nhóm Kitô Giáo chỉ thỉnh thoảng mới bị xách nhiễu qua loa.
Hai trong các nhà thờ bị đánh bom là Công Giáo, một là Thệ Phản. Ba khách sạn và một nhà thờ, Nhà Thờ Thánh Antôn, thuờng được người ngoại quốc lui tới. Bộ trưởng Du lịch John Amaratunga cho hay 39 ngọai kiều thiệt mạng: Anh 8, Ấn 8, Mỹ 4, Úc 2, những người khác là Bangladesh, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hòa Lan, Đan Mạch, Bồ Đào NHa, Saudi Arabia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều người lắc đầu ngao ngán trước sự bất lực của chính phủ. Ranjith người thoát chết ở Nhà thờ Thánh Sebastian, nơi có đến hơn 1 trăm người đồng đạo của ông thiệt mạng, nói rằng “Chúng tôi lấy tay bưng đầu khi hiểu ra rằng những cái chết này có thể tránh được. Tại sao người ta lại không ngăn chặn chứ?”
Theo tạp chí America, “Vị Hồng Y người Sri Lanka yêu cầu trả lời việc thiếu an ninh”. Ngài yêu cầu “chính phủ nên mở cuộc điều tra vô tư và tìm ra ai phải chịu trách nhiệm đối với các cuộc tấn công này”.
Tờ Daily Mirror ở Sri Lanka, ngày 23 tháng Tư, cho hay: trong một cuộc họp báo, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục Colombo, lên án chính phủ đã không chịu hành động dựa trên các báo cáo tình báo. Ngài nói “Các tin tức truyền thông tường trình rằng đã có thông tin liên quan đến các vụ tấn công có thể có. Nếu đúng như thế, há chúng ta lại không thể ngăn cản tình huống này hay sao? Tại sao không hành động gì cả?”
Ông Thủ Tướng đổ lỗi hoàn toàn cho Tổng Thống. Tức khí, ông Tổng Thống chỉ biết đe dọa sẽ trừng phạt những người dưới quyền. Thực vậy, hôm thứ Ba vừa qua, Tổng Thống Maithripala Sirisena tuyên bố các viên chức không hành động để ngăn ngừa các vụ khủng bố này sẽ bị sa thải. Ông hứa với quốc dân sẽ thực hiện nhiều cải tổ lớn trong các chức vụ cao cấp phụ trách an ninh. Ông nói họ đã “lơ là”.
Nhưng không nhận lỗi về phần mình. Ông nói với quốc dân: “Tôi phải chân thực mà thừa nhận rằng có sự sai sót về phần các viên chức quốc phòng. Có báo cáo tình báo về vụ tấn công, nhưng tôi không được tường trình”. Một cố vấn tổng thống cao cấp, Ông Shiral Lakthilaka, nói rằng bộ trưởng quốc phòng và tổng thanh tra cảnh sát sẽ bị sa thải. Tổng thống thì đoan hứa: quân đội và cảnh sát sẽ được tái cấu trúc trong vòng một tuần lễ. “Trong vòng 24 tiếng sắp tới, các thay đổi sẽ xẩy tới với những nhân vật đứng đầu hai định chế này”.