Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Liệu còn có luật phụng vụ nào trước Công đồng chung Vatican II đòi hỏi sử dụng nến không tẩy trắng cho các thánh lễ An táng, cho Mùa Chay, Mùa Vọng và Tuần Thánh không? Nếu có, luật ấy hiện đã bị bãi bỏ chưa hay nó vẫn còn hiệu lực? - M. L., Baton Rouge, Louisiana, Hoa Kỳ.


Đáp: Đối với câu hỏi đầu tiên, chúng tôi có thể trả lời khẳng định là có luật như thế. Đã có một luật liên quan đến việc sử dụng nến không được tẩy trắng vào các ngày và mùa nói trên.

Về câu hỏi thứ hai, luật ấy hiện không còn hiệu lực nữa. Lý do không phải là vì luật ấy đã chính thức bị bãi bỏ, mà vì Tòa Thánh không còn ra luật về chủ đề này, và để các vấn đề như thế cho các Hội đồng Giám mục quyết định. Bởi vì đòi hỏi này không còn có trong Sách lễ và không Hội đồng Giám mục nào đã hợp pháp hóa luật ấy, nên đòi hỏi cụ thể này không còn là hiệu lực nữa.

Điều này có thể là không giống với các quy định liên quan đến các thành phần của nến.

Ngay cả trước khi có cải cách phụng vụ, bắt đầu vào năm 1902, Tòa Thánh đã ban phép các Giám mục có thẩm quyền khá rộng trong việc xác định thành phần của nến, để điều chỉnh số lượng của sáp ong nguyên chất. Theo Sách Nghi lễ của A. Fortescue, J. B. O’Connor và A. Reid:

“Tỉ lệ của sáp ong trong nến nhà thờ được quy định bởi luật. Nến Phục Sinh, hai nến cho Thánh Lễ thường, sáu nến cho Thánh Lễ đại triều, và mười hai nến cần thiết cho Chầu Phép Lành phải có ít nhất 65% sáp ong thật. Tất cả các loại nến khác được sử dụng trên bàn thờ phải có ít nhất 25% sáp ong thật...

“Vì vậy, Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales, vào ngày 4-12-1906 và các Giám mục Ireland. vào tháng 10-1905, đã chỉ đạo rằng Nến Phục Sinh và hai cây nến chính trên bàn thờ trong Thánh lễ cần chứa ít nhất 65% sáp ong, và tất cả các cây nến khác được sử dụng trên bàn thờ cần chứa ít nhất 25% sáp ong”.

Trong một chú thích, các tác giả nói thêm:

“Một quyết định của Thánh Bộ Nghi Lễ (ngày 13-12-1957) cho phép các Hội nghị Giám mục địa phương sửa đổi quy định của sắc lệnh 4147”.

Dưới ánh sáng của sắc lệnh năm 1957 này, một số Hội đồng Giám mục đã có các thay đổi. Thí dụ, một sắc lệnh năm 1961 của Hội đồng Giám mục Ý xác định rằng it nhất hai cây nến cần thiết cho Thánh lễ và nến Phục sinh phải có tối thiểu 10% sáp ong nguyên chất. Các nến khác được sử dụng trong nhà thờ phải có ít nhất 5% sáp ong. Một số parafin và các loại sáp thực vật và sáp khoáng chất khác cũng được cho phép trong hỗn hợp ấy.

Sáp và dầu có nguồn gốc từ mỡ động vật phải bị loại trừ hoàn toàn. Nến nhân tạo, trong đó có một hộp kim loại có lò xo đảm bảo rằng nến được đốt đẩy lên chứ không phải hướng xuống, được xem là “có thể được sử dụng”.

Sau cuộc cải cách phụng vụ, Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói khá ngắn gọn về chủ đề này, và trong số 117, chỉ đơn giản mô tả vị trí và số lượng của nến, mà không chỉ định bất cứ điều gì liên quan đến thành phần của nến cả.

Một ngoại lệ cho sự thinh lặng này là nến Phục sinh. Thí dụ, Thư Luân Lưu năm 1988 về việc chuẩn bị cho Lễ Phục sinh, được công bố bởi Thánh Bộ Phượng Tự, đã nói:

“Nến Phục Sinh phải được chuẩn bị, vốn phải được làm bằng sáp do tính biểu tượng rõ ràng, không thể là nhân tạo, được làm mới mỗi năm, và chỉ có một cây nến, có kích thước đủ lớn, để nó có thể gợi lên sự thật rằng Chúa Kitô là ánh sáng trần gian. Nến này được làm phép với các dấu hiệu và từ ngữ được quy định trong Sách lễ, hoặc bởi Hội đồng Giám mục”.

Đối với Hoa Kỳ, có một quy định chính thức từ Hội đồng Giám mục. Xin mời đọc:

“Ủy Ban Phụng vụ thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã nhận được một số câu hỏi trong năm ngoái, liên quan đến các quy định của Hội Thánh về việc sử dụng nến và đèn dầu trong phụng vụ. Nhiều người đã hỏi liệu đèn dầu có thể được sử dụng thay thế cho nến trong cử hành phụng vụ không. Lần cuối cùng câu hỏi này được Ủy ban giải quyết là trong Ban tin của tháng 6-7/1974.

“Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói như sau về việc sử dụng nến:

“Nến phải được sử dụng trong mọi cử hành phụng vụ như là một dấu hiệu của lòng tôn kính và mừng lễ” (Số 307; xem thêm số 117).

“Trong một bản giải thích năm 1974 về Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) số 307, Thánh Bộ Phượng tự nói rằng Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) không quyết định gì thêm về chất liệu của nến được tạo ra, ngoại trừ trong trường hợp đèn cung thánh, nhiên liệu cho đèn phải là dầu hoặc sáp. Tiếp đó, Thánh Bộ tiếp tục nhắc lại khả năng, mà các Hội đồng Giám mục sở hữu, để chọn các chất liệu phù hợp.

“Vì Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ chưa bao giờ sử dụng khả năng nói trên để cho phép sử dụng các vật liệu khác ngoài sáp trong việc sản xuất nến, việc sử dụng các vật liệu khác như một sự thay thế hoặc bắt chước nến là không được phép trong phụng vụ. Do đó, đèn dầu chỉ có thể được sử dụng trong “trường hợp đèn cung thánh”, như được quy định ở trên. Nến làm bằng sáp phài được sử dụng trong việc cử hành Thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác. Hơn nữa, do bản chất của chúng, không nên sử dụng mô phỏng nến trong phụng vụ, thí dụ nến Phục sinh vĩnh viễn, cũng không nên sử dụng bóng đèn điện trong cử hành phụng vụ. Vì lợi ích của tính xác thực và tính biểu tượng, thật là không thích hợp để cho các cái gọi là đèn chầu điện được sử dụng cho mục đích sùng đạo”.

Một tài liệu năm 2005 của Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales nói về nến như sau:

“Để cho biểu tượng của nến phải là xác thực, chỉ nên sử dụng nến sáp chính hãng trong phụng vụ. Việc sử dụng ‘nến giả’ với sáp hoặc dầu chèn là không được phép trong Thánh Lễ”.

Một số quốc gia khác chưa đặt ra luật, nhưng điều này không được giải thích như là giữ nguyên luật cũ ở Hoa Kỳ, nhưng đúng hơn là cho phép các giải pháp thay thế. Do đó, trong hơn 50 năm qua, việc sử dụng cái gọi là nến nhân tạo “sáp ong lỏng” đã trở nên rất phổ biến ở Ý và các nơi khác trên thế giới. Chắc chắn, hầu hết mọi cửa hàng bán đồ tôn giáo ở Rôma, bao gồm cả các cửa hàng thuộc Tòa Thánh, đều cung cấp nhiều lựa chọn các loại “nến” như thế, cùng với chất lỏng để đổ đầy vào chúng.

Tất nhiên, sự sẵn có vật dụng ở các cửa hàng tại Rôma là không đảm bảo cho việc sử dụng hợp pháp. Và tôi đã thấy khá nhiều lựa chọn của các tưởng tượng phụng vụ kỳ quái ở các cửa hàng tại Rôma. Tuy nhiên, đúng là dạng nến này là rất phổ biến trong các nhà thờ và tu viện ở Thành Đô Vĩnh Hằng.

Sau khi đọc thấy như vậy, tôi đã có thể nói là không tìm thấy sắc lệnh nào ở Ý, vốn có uy thế cụ thể về sử dụng nến không được tẩy trắng, cũng như không có luật nào cấm dùng nó. Dường như đây là một áp dụng của nguyên tắc pháp lý về “Im lặng là đồng ý” (Qui tacet consentire), hay nói đầy đủ hơn: “Ai giữ thinh lặng, khi cần nói hoặc có thể nói, là nói sự đồng ý, Qui tacet consentire videtur, ubi loqui debuit ac potuit”.

Các cử hành của Giáo hoàng tiếp tục tuân thủ sử dụng nến sáp truyền thống, và phải thừa nhận rằng từ quan điểm biểu tượng và thẩm mỹ, chúng là đẹp hơn và thích hợp hơn.

Các Giáo phụ đã thấy nhiều ý nghĩa biểu tượng trong việc sử dụng sáp ong. Một số vị nhìn sáp không tì vết là tượng trưng cho Thân thể không tì vết nhất của Chúa Kitô; cái bấc kín đáo là một hình ảnh của linh hồn Chúa, trong khi ngọn lửa phát sáng nói lên thiên tính của Ngài hiệp nhất với nhân tính trong một Ngôi vị. Các câu kết luận của Thánh thi Exsultet công bố Tin Mừng Phục Sinh làm chứng cho truyền thống này:

“Vì thế sự thánh thiện của đêm nay xua đuổi hết tội khiên,

tẩy sạch vết nhơ, người có tội được sạch trong,

kẻ ưu phiền được sướng vui hân hoan;

Này là đêm, phá tan hận thù oán ghét,

mang lại hòa thuận, yêu thương khuất phục mọi quyền bính thế gian.

Kính lạy Cha Chí Thánh, nguyện xin muôn ngàn ơn thánh đêm nay

nhận lấy như hương lễ chiều hôm,

là lễ nghi dâng cây nến làm bởi sáp ong tinh tuyền đây.

do tay thừa tác viên giáo hội cùng tiến dâng lên

“Giờ đây tôi hiểu thấu ý nghĩa của ngọn nến

thắp ngọn lửa lung linh

để Thiên Chúa được ngợi chúc tôn vinh

Dù phân chia ở khắp thế gian cũng không hao mòn chi,

vì ánh lửa soi sáng đêm nay làm bởi sáp ong do Mẹ đã gây nên

“Ôi đêm hồng phúc, này đêm nối kết trời đất

phối hợp Thiên Chúa với muôn người thế chúng tôi

“Kính Lạy Cha chí thánh,

nguyện xin cho cây nến này đâng Chúa đây

luôn luôn được ngời sáng, phá tan mọi bóng tối đêm nay

“Nguyện cho ngọn nến này dâng Chúa đêm nay,

thơm tho như lễ dâng chiều hôm

hòa hợp với muôn ngàn ánh sáng thiên cung

“Ước chi ngôi sao mai không bao giờ lặn đi,

chính là con Chúa Đức Kitô,

Người đã từ ngục tối tăm, huy hoàng chiếu sáng nhân gian

Người là đấng thống trị hằng sống đến muôn đời muôn kiếp vinh quang.

“Giáo dân: Amen” (Bản dịch Việt ngữ theo lời dệt nhạc của linh mục nhạc sĩ Văn Chi). (Zenit.org 29-1-2019)

Nguyễn Trọng Đa