Làm gì khi phải diện đối với sự côi đơn, bóng lẻ? (Phần II)

Một Tình Yêu Vĩnh Cửu (Abiding Love)

Dẫu rằng, có thể là Chúa Giêsu đã bắt đầu trưởng thành, nhưng vào lúc mà Ngài bắt đầu đời sống rao giảng công khai, lúc nào cũng vậy, Ngài luôn ý thức được rằng Thiên Chúa Cha vẫn luôn chiếm ngự một cách trọn vẹn ngay trong chính bản thân của Ngài. Ngài chưa bao giờ cảm thấy côi đơn, bóng chiếc như là chúng ta đã từng nghĩ về Ngài. Chính vì thế, chúng ta cũng vậy, chúng ta vẫn chưa hề bao giờ bị bỏ rơi, bị côi đơn, bị lạc lõng, chỉ vì chúng ta không biết mà thôi. Do vậy, sự thật ấy chính là một trong những cơ hội để cho chúng ta biết ý thức thêm rằng Abba của chúng ta đã và đang hiện diện trong chúng ta.

Có một sự nhận thức cụ thể bên trong chính là việc Chúa Giêsu có lẽ cũng đã từng cảm nghiệm được một dòng nước chảy đều trong chính bản thân của Ngài, và dòng nước đó cũng hiện hữu trong chính bản thân của chúng ta, của bạn, cũng như của tôi, mà Chúa Giêsu đã từng nói về nó qua các biểu tượng, giống hệt như “nước hằng sống” vậy. Vì Chúa Giêsu biết được rằng Thiên Chúa Cha đang hiện diện trong chính bản thân của Ngài, Ngài cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Cha trong chính bản thân mình, và tình yêu đó, lúc nào cũng vậy, giống hệt như một suối nguồn huyền nhiệm, tuôn chảy một cách sâu thẳm trong chính bản thân của Ngài. Vì Ngài vẫn mãi luôn trong sự hiệp kết gắn bó gần gũi với Thiên Chúa Cha, do thế, Ngài không bao giờ bị tách rời xa khỏi nhận thức về tình yêu bao dung đó.

Tình yêu tối cao tâm nội ấy cũng luôn hằng hữu bên trong mỗi người chúng ta. Đó chính là một phần về bản tính tự nhiên của chúng ta. Đó chính là hình ảnh của Thiên Chúa bên trong chúng ta, và hình ảnh đó không bao giờ tùy thuộc vào người khác hay vào bất kỳ hoàn cảnh nào. Người, như Chúa Giêsu, vẫn luôn lúc nào cũng ý thức được về tình yêu đó, và cảm nghiệm được cuộc sống của Ngài như là một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương, và cuộc sống đó, chẳng có gì khác hơn, ngoại trừ tình yêu. Thì người như vậy không thể cảm thấy côi đơn, bóng lẻ, bởi vì tình yêu luôn lúc nào cũng hiện diện, và tràn đầy.

Bởi vì tình yêu tâm nội của Thiên Chúa cũng chính là một phần trong mỗi con người chúng ta, do thế, chúng ta không bao giờ thiếu vắng đi tình yêu đó. Sự ý thức về một thứ tình yêu nội tâm đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu đã hứa với người đàn bà Samari (như trong Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 4, câu 4 có tường thuật lại.)

Để khám phá ra được tình yêu vô tận, và vĩnh cữu bằng chính những cảm nghiệm riêng của chúng ta, thì chúng ta cần phải biết chú ý đến tình yêu đó. Cách tốt nhất để làm việc đó chính là thực hành việc trầm tư suy tưởng hằng ngày, nghĩa là, biết dành thời gian cho Chúa, và chỉ cho mình Thiên Chúa thôi, để cho tâm trí được lắng đọng và yên nghĩ trong thứ tình yêu tâm nội ấy. Khi chúng ta biết làm được điều này, như là một thói quen, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, chẳng cần thiết phải làm điều này để giúp chúng ta đối phó với sự đơn côi, hiu quạnh; mà chúng ta làm như vậy, chỉ vì tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta mà thôi. Thì đó chính là một cách sống cao đẹp, thuần khiết và đúng nghĩa nhất.

Bởi vì Chúa Giêsu sống trong sự nhận thức huy hoàng của một tình yêu độc lập bên trong chính bản thân Ngài, do thế, Ngài dễ dàng yêu mến hết cả thảy mọi người, và ngược lại. Ông Zakêu chính là một ví dụ điển hình (như trong Tin Mừng theo Thánh Luca, chương 19, từ câu 1 đến 10 có trình thuật lại). Với sự đổi trao liên tục về tình yêu cao vời này, do thế, sự côi đơn, đã thật sự không thể nào có thể đến với Chúa Giêsu. Đến một mức độ nào đó, rằng chúng ta đang sống trong sự nhận thức được về một tình yêu tâm nội của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng sẽ khám phá ra rằng sự đơn côi, bóng chiếc quả thật là không còn hiện hữu nữa để nó dám thách đố chúng ta.

Điều đó có dễ dàng không, thưa bạn? Không đâu. Vậy có đáng để nổ lực không? Thưa, đúng vậy, nó xứng đáng hơn bất kỳ mọi thứ trên thế giới này đó, bạn ạ!

Cảm Nghiệm Về Cuộc Sống (Experiencing Life)

Chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy được, bằng việc đọc các sách Phúc Âm, rằng Chúa Giêsu hoàn toàn bận rộn với công việc của Ngài. Chúng ta đọc trong sách Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 5, câu 19, Ngài không bao giờ cảm nghiệm rằng Ngài làm việc một mình, nhưng bằng việc ngắm nhìn xem Thiên Chúa Cha làm việc thông qua Ngài. Do vậy mà sự tập trung và lôi cuốn của Ngài đã trở nên trọn vẹn: Ngài sống có mục đích; Ngài hoàn thành sứ vụ trong chính cuộc đời của Ngài. Và thay vào đó, sự chú tâm và tận hiến đó, đã hoàn thiện lấy Ngài, có lẽ là hơn bất kỳ điều gì khác mà chúng ta có thể tưởng tượng ra.

Điều này có thể khiến chúng ta cần phải nhìn lại mức độ về sự tập trung, và lôi cuốn của chúng ta trong chính cuộc sống riêng của chúng ta. Nói đúng ra, việc nhìn nhận lại sự quan tâm của chúng ta có nghĩa là chúng ta hãy tự hỏi xem rằng là chúng ta đã dành cho chính bản thân của chúng ta nhiều bao nhiêu. Chúng ta đã đầu tư được bao nhiêu, cả về mặt tình cảm lẫn sự sáng tạo trong cuộc sống gia đình của riêng chúng ta, những công việc khác ngoài công việc của gia đình, trong tình bạn, trong cuộc sống nơi giáo xứ của chúng ta, và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta?

Tới một mức độ nào đó, khi chúng ta bị quán xuyến trong chính đời sống của riêng chúng ta, thì sự bóng chiếc, đơn côi sẽ không còn chế ngự chúng ta được nữa.

Hầu hết mỗi người trong chúng ta, ai cũng vậy, đôi lúc, cảm thấy côi đơn, nhưng sự đơn côi đó không thể cứ mãi là một cảm nghiệm chính, lấn chiếm trọn cả đời sống của riêng mỗi người trong chúng ta. Mặc khác, nếu chúng ta giống như “những củ khoai tây bị loại bỏ đi” trong chính cuộc sống riêng của chúng ta, thì chắc chắn là chúng ta sẽ rồi lại rơi vào sự côi đơn. Thật ra, sự háo hức, say mê sao lãng sẽ khiến cho chúng ta càng cảm thấy cô đơn hơn, dẫu rằng chúng ta có thể quên bẵng nó đi, chỉ trong chốc lát mà thôi.

Một phần của việc trở nên quán xuyến nhiều hơn qua cung cách sống cũng chính là việc biết đón nhận lấy tất cả mọi kinh nghiệm, và xem chúng như là các cơ hội. Chúng ta có thể tìm thấy được những món quà tặng bằng việc ở với mọi người và qua việc kiếm tìm về chính bản thân của chúng ta trong sự tĩnh mịch, cô liêu. Chúng ta có thể sung sướng sẽ chia mọi năng lực của chúng ta với những người khác cũng như trong sự tỉnh lặng, suy gẫm nội tâm.

Chúng ta càng có thái độ biết cởi mở nhiều đối với bất kỳ mọi tình huống bao nhiêu, thì chúng ta càng nhận thức ra được rằng những cảm nghiệm về mặt tình cảm, bao gồm cả sự côi đơn, vẫn thường hay đến đến và đi rất nhanh. Trong một giây phút của niềm vui tột độ, giống thể như là một cảm nghiệm “mãi mãi” vậy. Trong một phút giây của sự côi đơn tuyệt độ, nó cũng giống thể như là một cảm nghiệm “muôn đời” vậy. Thế nhưng, sự thật là, chúng không thể nào là “mãi mãi” và “muôn đời” được, vì lẽ, chẳng có cảm nghiệm nào là tồn tại mãi được. Khi chúng ta ngắm nhìn về từng cảm nghiệm đó với sự chú tâm cao độ, thậm chí ngay cả những cảm nghiệm không mong muốn đó, cũng chẳng có thể nào là gây tổn hại cho được.

Diện Đối Với Sự Côi Đơn, Bóng Chiếc (Facing Loneliness)

Từ những chia sẽ trên, giờ đây chúng ta hãy cùng rút ra một vài ý tưởng, bạn nhé, để biết cách sống, và để cho sự đơn côi đó không còn chế ngự mỗi người trong chúng ta nữa.

Việc thứ nhất là, cần phải có được một thói quen hay biết nói chuyện với Thiên Chúa trong chính tâm nội của chúng ta, lúc nào cũng vậy, bạn nhé!

Nếu bạn cần có một hình ảnh nào đó trong tâm trí bạn, bạn có thể chọn Chúa Giêsu hay Mẹ Maria từ mẫu, hay thậm chí, một vị Thánh nào đó mà bạn quý yêu. Hãy nói chuyện với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria, hay với vị Thánh đó theo cách mà bạn vẫn thường hay chuyện trò với bất kỳ một người bạn nào, giống y hệt như tán gẫu vậy, hãy chia sẽ bất kỳ điều gì mà bạn cảm nghiệm được ngay giờ phút đó. Nếu bạn biết làm được điều này mỗi ngày, thì sự côi đơn, cảm giác trống vắng trong tâm hồn của bạn, rồi sẽ phải thay đổi. Bạn biết rồi đó, sự côi đơn ấy, không thể tồn tại lâu mãi được.

Giữa những buổi chuyện trò ấy, bạn hãy thinh lặng trong giây lát để lắng nghe lời Thiên Chúa đáp trả. Thì đây chính là một mối quan hệ hai chiều, chứ không phải độc thoại, vì thế, hãy học biết cách lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa từ tận đáy, thâm sâu của lương tâm, của khối óc và trái tim của bạn. Vấn đề chỉ là biết chú tâm thôi, bạn ạ!

Có một cách để làm được điều đó chính là tập trung vào khoảng không gian nơi mà trái tim lý thể của bạn đang tồn tại. Chỉ cần quan tâm thôi, tức, chỉ cần biết chú ý, đợi chờ và nhìn ngắm. Có một điều gì đó sẽ xuất hiện ra. Và khi nó xuất hiện ra, bạn có thể nghe được những ngữ từ, tiếng nói bên trong hoặc có những cảm giác hoặc có những ấn tượng hay thậm chí nhìn thấy được một điều gì đó, ngay trong tâm nội của bạn. Bất kỳ những cảm nghiệm nào mà bạn có được, hãy biết đón nhận nó như thể đó là lời đáp trả của Thiên Chúa.

Rồi sau đó hãy trầm tư, lắng đọng, suy nghĩ. Có lúc, ý nghĩa đó sẽ trở nên rõ ràng hơn; lại có lúc, nó đòi hỏi bạn cần phải có sự nghĩ suy, đo đắn qua những khoảnh khắc tỉnh nội, sa mạc. Nhưng hãy học biết cách để tin vào những gì mà bạn đã lĩnh hội được từ bên trong, từ tâm nội. Thiên Chúa, Ngài vẫn cứ mãi ở đó, và luôn mong muốn giao tiếp với chúng ta, cũng nhiều như Ngài đã giao tiếp với chính Người Con của Ngài là Chúa Giêsu vậy.

Việc thứ hai là, bạn cần phải tạo ra một thói quen cầu nguyện sâu lắng mỗi ngày.

Cho dẫu bạn có gọi đó là sự suy gẫm (meditation) hay sự trầm ngâm (contemplation) hay đời sống cầu nguyện trung tâm, chuyện đó không quan trọng. Điều quan trọng là bạn cần phải có thời gian thích ứng với cơ thể của bạn, hãy để tâm trí của bạn được tĩnh nội, được sâu lắng, và chỉ để tâm trí đó hòa cùng với sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Điều quan trọng là, bạn cần phải làm điều này mỗi ngày, dẫu chỉ trong 15 phút ngắn ngũi thôi. Đừng kỳ vọng vào bất kỳ một kết quả cụ thể nào đó, nhưng hãy cứ làm. Dần theo năm tháng, bạn sẽ cảm nghiệm được rằng giống thể như là nền tảng về tình cảm của cuộc sống bạn đã thay đổi. Rồi bạn sẽ cảm nghiệm được cũng những xúc cảm và những trạng thái thân quen ngày nào, nhưng lúc này, lại ít cực hoặc tột cùng hơn. Bạn sẽ cảm thấy có được nhiều sự cân bằng hơn. Rồi bạn sẽ nhận ra được rằng khi bạn cảm thấy trống vắng, đơn côi, chẳng hạn, bạn sẽ không còn cảm thấy như là sự côi đơn mà bạn vẫn thường hay cảm nghiệm tới.

Việc thứ ba là, bạn hãy biết nhìn nhận rằng sự đơn côi, trống vắng ấy không phải là một trạng thái của con người.

Sự đơn côi, nổi buồn quạnh quẽ, tịch liêu chẳng thể nào phản ánh rằng con người bạn chẳng còn có giá trị nào nữa. Nó chỉ là một thứ cảm xúc, bổng chợt đến, thôi bạn ạ! Và vì chợt đến, cho nên, nó sẽ chóng qua đi. Vì thế, hãy nhìn nhận nó, nhưng đừng chú ý vào nó quá nhiều, vì nó không đáng để bạn chú ý đâu. Nếu bạn quá chú tâm vào nó, thì bạn sẽ phải giữ nó mãi!

Nếu sự đơn côi, bóng lẻ của bạn không đến và cũng không đi-nghĩa là lúc nào, bạn cũng cảm thấy côi đơn-thì tốt hơn hết là bạn nên tìm đến một ai đó, để giúp đỡ bạn. Không có một thứ cảm xúc nào sẽ tồn tại lâu mãi được, và khi những xúc cảm tiêu cực trở thành kinh niên, thì bạn cần phải tìm đến sự giúp đỡ, bạn nhé!

Việc thứ tư chính là, hãy kiếm tìm và sẽ chia con tim bạn với những người khác, có thể là gia đình, hoặc cũng có thể là các bè bạn.

Thậm chí ngay cả khi Chúa Giêsu không được ai hiểu cho, thì Ngài vẫn cứ sẽ chia từ chính con tim của Ngài. Do vậy, hãy để cho những cảm nghĩ, những điều mong ước, những ý tưởng, những giấc mơ của bạn được biết đến, bạn nhé!

Tất cả chúng ta, không loại trừ bất kỳ ai, cũng đều mong muốn có sự giao tiếp gắn bó, thân thiết nhất với ít nhất là một người nào đó. Do thế, chúng ta cần phải kiếm tìm, nếu không phải là người mà chúng ta thích nhất, thì với người khác. Thân mật sẽ chia thì cần thiết hơn là những mối tương giao hay gắn kết xã hội.

Chúng ta vẫn thường hay muốn có nhiều loại người khác nhau trong cuộc sống của chúng ta, mỗi một người trong số họ, có một vị trí cụ thể nào đó. Hãy kiếm tìm một ý nghĩa về sự gắn kết với người khác theo những cách khác-có lẽ, là qua những chia sẽ về sở thích, cùng làm việc với nhau trong một dự án nào đó, hay chỉ là việc kể cho nhau nghe những câu chuyện cười thi vị, vui vẽ.

Việc thứ năm là hãy biết lắng nghe người khác, nếu họ không đáp lại, thì hãy yêu cầu họ đáp lại,

Có lẽ, là bạn nên biết thực tập việc lắng nghe, vì suy cho cùng, hầu hết chúng ta không ai chịu biết lắng nghe cả. Có rất nhiều bài viết về chủ đề này, nhưng điều chính yếu vẫn là: hãy xem việc lắng nghe, như là một món quà, để bạn gởi trao cho chính người bạn của bạn, và hãy lắng nghe y như thể là bạn muốn ai đó phải lắng nghe bạn vậy.

Nếu chẳng có ai lắng nghe bạn cả, thì hãy yêu cầu người đó! Bạn chỉ cần nói như thế này, “Này bạn hỡi, bạn biết không, tôi thật sự muốn nói chuyện với một ai đó. Liệu bạn có sẳn lòng lắng nghe tôi nói trong chốc lát được không?” Thì chẳng có ai, lại có thể từ chối điều đó. Cả việc lắng nghe và được lắng nghe sẽ làm giảm đi sự đơn côi, bóng chiếc.

Và việc cuối cùng chính là hãy thực hành việc liên lạc, sự gắn kết với tình yêu tâm nội của Thiên Chúa.

Một cách để làm được việc ấy chính là: hãy nhớ lại giây phút mà bạn đã cảm thấy thật sự được yêu thương, chẳng hạn như việc có một đứa trẻ mới chào đời, hay với người mà bạn thân yêu nhất, hay với phong cảnh tự nhiên hữu tình, hoặc việc ngắm nhìn mặt trời mọc từ mái hiên nhà của bạn, hay bất kỳ một kỷ niệm yêu thương, triều mến nào đó. Bạn hãy để cho chính bản thân bạn nhớ về cảm nghiệm ấy. Rồi sau đó, chỉ xoáy vào cảm giác của tình yêu, và bỏ qua những yếu tố phụ, linh tinh khác (như em bé, ánh trăng lên, hay bất kỳ điều gì đó.) Chỉ xoáy quanh và tập trung vào cái cảm nghiệm của chính tình yêu mà thôi. Bạn hãy chú ý rằng, cảm nghiệm đó vẫn còn hiện hữu trong bạn. Nó vẫn còn đó, trong trái tim bạn. Và hãy chăm chú vào, càng lâu càng tốt!

Lời Kết (Conclusion)

Đến lúc này đây, thì bạn đã gợi nhớ lại tình yêu đó bằng trí nhớ. Nhưng tất cả đều diễn ra ngay bên trong tâm nội của bạn, vì chăng, đó chính là nơi mà tình yêu được trú ngụ, mãi mãi. Khi bạn có thể cảm nghiệm được nó, bạn mới thật sự có thể “yêu mến bà con lối xóm của bạn” (như trong Tin Mừng của Thánh Luca, chương 10, câu 27 có đề cập.) Sự nhận thức về một tình yêu tâm nội sẽ khiến cho bạn cảm thấy gần gũi với tất cả mọi người, cho dẫu về thế lý, họ vẫn xăm xa diệu vợi. Ngay khi nhận thức về tình yêu tâm nội của bạn được dâng trào lên, thì sự côi đơn, bóng chiếc; sự liêu tịch, quạnh quẽ sẽ ngày càng trở nên một phần thứ yếu, càng ngày càng nhỏ lại đi, trong chính cuộc sống của bạn. Cho dẫu là giờ đây, thỉnh thoảng, nó lại xuất hiện, thế nhưng nó không còn có sức tàn phá cuộc đời, bạn đâu!

Sự đơn côi chỉ là một dấu chỉ về một điều gì đó mà chúng ta cần đến đã không hiện hữu. Đó là một dấu hiệu cho thấy chúng ta chưa biết sống một cách trọn vẹn trong sự hiệp thông, đoàn kết với tình yêu. Sự đơn côi sâu lắng, lặp đi lặp lại, cũng rõ ràng cho chúng ta thấy được rằng chính chúng ta đã thờ ơ trong việc tạo ra những mối liên hệ với chính Thiên Chúa và với người khác. Hãy nghiêm túc hỏi tự đáy thẳm tâm sâu của chúng ta, liệu sự côi đơn của chúng ta có ý nghĩa gì và được bắt nguồn từ đâu. Sau đó, hãy ngắm nhìn lên Thiên Chúa để tìm ra một manh mối để biết cách đáp trả lại dấu hiệu, và sự trống vắng này. Những phương cách thực hành nêu trên có thể giúp bạn được điều này.

Hãy thực tập, từng bước một, bạn nhé! Hãy nổ lực để tạo ra những phút giây có ý nghĩa nhất trong cuộc sống của mình, hãy học biết cách yêu thương cuộc sống của bạn như thể nó là. ..... gì đó, để bất chợt một ngày nào đó, bạn sẽ nhớ rằng sự côi đơn, trống vắng, hãy chỉ còn là một cảm xúc trong quá khứ của bạn mà thôi.

Rồi đây, trái tim của bạn sẽ được ấm cúng hơn. Bạn sẽ mĩm cười và nhận thức được bạn đã cảm nghiệm được tình yêu siêu cao, vời vợi của Thiên Chúa từ nhân, chí Thánh, và bạn sẽ vui mừng, và hoan hỉ mãi, bạn nhé!

Nguyện cầu Thiên Chúa giúp đỡ và hộ phù cho bạn trong cuộc chiến với sự đơn côi, bóng lẻ!

Atlanta - Mùa Giáng Sinh 2004, Mến chào Bạn!