ĐGH Phanxicô nói rằng tình yêu chân thật phải bắt nguồn từ Thiên Chúa.

(EWTN News/CNA) Vào hôm thứ Tư ngày 15 tháng Ba, trong buổi tiếp kiến chung các khách hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ĐGH đã cảnh báo chống lại quan niệm đạo đức giả cho rằng chúng ta có khả năng để yêu người khác một cách chân thật bằng chính những cố gắng hay sự tốt lành của chúng ta mà quên rằng khả năng đó chính là món quà và luôn là món quà đến từ Thiên Chúa.

“Chúng ta được mời gọi để yêu thương, để bác ái. Đây là lời mời gọi cao quý nhất, tuyệt vời nhất của chúng ta. Nhưng làm sao chúng ta dám quả quyết rằng tình yêu của chúng ta là chân thật, lòng bác ái của chúng ta không vị lợi?

Đằng sau những việc kia có thể hàm chứa một lối đạo đức giả khi chúng ta nói, chúng ta yêu bởi vì chúng ta tốt lành như thể là việc bác ái ấy là do chúng ta tạo nên, một sản phẩm của con tim mình. Nhưng thực ra, bác ái trước hết và trên hết là một ân sủng, một món quà; biết yêu thương là món quà của Thiên Chúa mà chúng ta cầu xin, và Chúa đã ban cho chúng ta theo ý của Ngài.

Biểu lộ tình yêu thương đối với tha nhân không phải là cái gì đó để đánh bóng mình hay nhắm mục đích gì, nhưng để phản ánh rõ nét khuôn mặt của Thiên Chúa và những hồng ân Ngài thương ban cho chúng ta.

Và cách duy nhất chúng ta có thể biểu lộ tình yêu với tha nhân là việc đầu tiên chúng ta gặp được dung nhan dịu dàng và nhân hậu của Chúa Giêsu. Nếu không gặp được Chúa, thì những việc bác ái của chúng ta có nguy cơ là một sự đạo đức giả.

ĐGH đã chia sẻ đoạn tin mừng trích từ thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Roma “Hãy yêu chân thành, gớm ghiếc điều dữ, tha thiết với điều lành. Thương mến nhau trong tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình. Hãy nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẽ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh túng thiếu và ân cần tiếp đã khách đến nhà.”

ĐGH nói rằng chúng ta không dễ gì để thực hiện những lời khuyên này. Việc nhắc lại lời của Thánh Phaolô hôm nay không có nghĩa là để chúng ta buồn trách về những lần chúng ta đã sa ngã hay không sống với những huấn lệnh đó. Thực ra những lời này là một ân huệ giúp chúng ta nhận ra rằng tự bản thân mình chúng ta không thể có tình yêu trọn vẹn, nhưng chúng ta cần Chúa tiếp tục canh tân món quà này trong lòng chúng ta qua việc trải nghiệm lòng thương xót vô bờ của Ngài.

Thánh Phalô mời gọi chúng ta nhận biết mình là kẻ có tội và vì thế cách yêu thương của chúng ta cũng vương tội lỗi. Tuy nhiên ngài cũng cho chúng ta một hy vọng là : Thiên Chúa luôn mở ra cho chúng ta con đường giải thoát, con đường cứu độ.”

Trên hết mọi sự là chúng ta có niềm hy vọng bởi vì ngay cả khi chúng ta thất bại chúng ta biết rằng “Thiên Chúa không bao giờ thất bại” và nếu chúng ta cầu xin thì Ngài sẽ ban ơn để chúng ta có thể yêu trọn vẹn hơn.

Thiên Chúa Phục Sinh đang sống với chúng ta…để chữa lành tâm hồn chúng ta. Nếu chúng ta cầu xin thì Ngài sẽ thực hiện. Chính Thiên Chúa là Đấng cho phép chúng ta, mặc dù thân phận nhỏ bé và nghèo hèn, cảm nhận được tình thương của Chúa Cha và để vui mừng với sự tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa.

Thực ra, Thiên Chúa đang sống với chúng ta và ở trong tâm hồn mỗi người chúng ta để tiếp tục gần gũi và phục vụ những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày trên hành trình đức tin.

Khi chúng ta mở lòng đón Chúa ngự vào tâm hồn mình là chúng ta được ngụp lặn trong tình yêu của Chúa và chỉ như vậy thôi chúng ta mới có thể thực hiện giới răn của Ngài là “trở thành công cụ yêu thương của Thiên Chúa.”

Và như thế chúng ta sẽ nhận ra giá trị của những việc nhỏ, đơn giản và bình thường; và chúng ta mới có thể yêu tha nhân như Chúa yêu, mong ước cho họ những điều tốt lành; coi là những vị thánh, bạn của Thiên Chúa.

Kết thúc bài chia sẻ ĐGH đã nói rằng làm được như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy “hạnh phúc khi có cơ hội đến với người nghèo khổ, thấp hèn, như Chúa Giêsu đến với mỗi người chúng ta khi chúng ta lạc đường, để cúi xuống với người anh em mình, như người Samaritan Nhân Lành, đã yêu thương chúng ta với lòng xót thương và tha thứ của Ngài.”

Giuse Thẩm Nguyễn