CHƯƠNG IV

THÁNH THỂ, NGUYÊN TẮC VÀ KẾ HOẠCH “TRUYỀN GIÁO”

“Các ngài trỗi dậy trở về Giêrusalem ngay lập tức” (xem Lc 24:33)

24. Hai môn đệ trên đường Emmaus đã “lên đường trở lại Giêrusalem ngay tức khắc”, khi hai ông nhận ra Thầy mình” (xem Lc 24:33), hầu có thể tường thuật cho các tông đồ khác những gì mình đã nghe và thấy. Cũng thế khi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô thực sự, khi rước Mình và Máu thánh Chúa, chúng ta không thể cầm giữ niềm vui mà lại không chia sẻ. Tiếp xúc với Đức Kitô, và không ngừng được kiên vững và hòa nhập trong bí tích Thánh Thể, đòi hỏi Giáo Hội cũng như mỗi người chúng ta cấp thiết làm chứng tá rao truyền Tin mừng Chúa. Cha dựa vào lời thánh Phaolô “mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này là mỗi lần anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Chúa lại đến (1 Cor 11:26) Cha cũng đã nhấn mạnh điểm này trong bài giảng khi Cha công bố năm Thánh Thể. Thánh Phaolô liên kết tiệc Thánh Thể với việc rao giảng, nghĩa là khi ta đi vào thông hiệp cuộc nạn với Chúa Kitô thì chúng ta cũng lãnh trọng trách trở thành người truyền bá điều mà nghi thức ấy cử hành.(22) Nghi thức giải tán giáo dân sau thánh lễ đã nhắn gửi sứ mệnh mời gọi hãy loan truyền Phúc âm và những giá trị Kitô hữu làm thấm nhuần vào xã hội chúng ta đang sinh sống.

25. Thánh Thể không chỉ cung cấp sức mạnh nội tâm cần thiết để thể hiện sứ mệnh truyền giáo này mà còn là chương trình và kế hoạch cho việc truyền giáo nữa. Vì Thánh Thể là một mốt sống được Đức Giêsu chuyển đạt cho chúng ta là tín hữu của Người qua sứ điệp của Người để chúng ta đưa vào văn hóa xã hội chúng ta đang sống. Chính vì thế mà mỗi người tín hữu cũng như mỗi cộng đoàn cần thấm nhiễm những giá trị và sứ mệnh mà bí tích Thánh Thể muốn chúng ta truyền giảng. Làm sao chúng ta có thể không nhìn nhận ra những thúc bách ấy trong năm Thánh Thể này được?

Dâng lời tạ ơn

26. Một yếu tố nền tảng cho kế hoạch năm Thánh Thể được tìm thấy trong ý nghĩa danh từ “Thánh Thể”. Thánh Thể có nghĩa là tạ ơn. Trong Chúa Giêsu, trong hy tế của Ngài, qua lời “xin vâng” vô điều kiện trước thánh ý Chúa Cha đã hàm chứa lời “xin vâng”, “cám ơn” và lời “amen” cho toàn thể nhân loại. Sứ mệnh của Giáo Hội là nhắc nhớ cho người thế này sự thật lớn lao ấy, đặc biệt giữa một thế giới trần tục ngày nay, một thế giới cố tình quên sự hiện hữu của Thiên Chúa, tự cho mình là cùng đích và tự mãn. Kế hoạch Thánh Thể hóa công ăn việc làm cho cuộc sống thường nhật, trong gia đình, trường lớp, công xưởng và trong mọi cảnh sống của chúng ta để chứng minh rằng loài người thụ tạo chúng ta không thể tồn vững nếu không có Đấng Hóa Công: “Không có Chúa mọi loài sẽ bị hủy diệt”.(23) Điểm siêu việt này không ngừng nhắc nhở chúng ta cảm tạ Chúa về mọi sự chúng ta có và hiện hữu - nói khác đi, chúng ta có thái độ “Thánh Thể” là thái độ tạ ơn trước mọi thực tại trần thế hữu hình và giới hạn này.(24)

Trong năm Thánh Thể này mọi người cần phải dấn thân làm chứng nhân cho Chúa trong xã hội trần thế. Các con đừng ngại nói về Chúa và làm chứng cho niềm tin của chúng con. “Văn hóa Thánh Thể” cần phải được đưa ra đối thoại và cổ súy hầu mang lại sức mạnh và nên của ăn nuôi dưỡng chúng ta. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng việc tôn kính công khai thuộc lãnh vực tôn giáo lại chạm tới quyền bính trần thế hoặc gây ra những thái độ chống đối. Nếu trong lịch sử có những vết nhọ gây ra bởi các tín hữu thì như Cha đã giảng giải trong dịp mừng Năm Đại Thánh là những biến cố đó không phải do Kitô giáo gây nên! Một người biết nói lời “cám ơn” như Đức Kitô bị đóng đinh trên Thập tự thì đều bị kết liễu đời mình bằng một sự tử đạo chứ không phải là một kẻ gây rối!

Con đường huynh đệ

27. Thánh Thể không chỉ biểu lộ một sự hiệp thông trong đời sống của Giáo Hội mà còn là một kế hoạch của tình huynh đệ đại đồng của gia đình nhân loại. Trong việc cử hành bí tích Thánh Thể Giáo hội không ngừng canh tân lại vai trò trở thành “dấu chỉ và khí cụ” của mình, không chỉ kết hợp với Thiên Chúa mà thôi mà còn kết liên toàn thể nhân loại.(25) Mỗi thánh lễ, dù dâng riêng hay thầm kín đều mang chiều kích hoàn vũ này. Người Kitô hữu tham dự vào bí tích Thánh Thể là học đòi để trở thành người cổ súy hiệp thông, hòa bình và huynh đệ trong mọi hoàn cảnh. Hơn bao giờ hết giữa một thế giới đầy nhiễu nhương ngày nay, vì khởi đầu thiên niên kỷ mới này đã dẫy đầy những cảnh bạo tàn khủng bố và chiến tranh, chúng ta hãy cầu xin Thánh Thể Chúa là trường dậy hòa bình, uốn lòng của con người nam cũng như nữ thuộc mọi tầng lớp hãy ý thức trách nhiệm của mình với xã hội, với văn hóa và chính trị để trở thành những người cổ súy cho hòa giải và hòa hợp.

Phục vụ những kẻ thấp hèn

28. Một điểm khác mà Cha muốn nhấn mạnh tới và đó cũng là kết quả thiết thực khi thông hiệp với bí tích Thánh Thể. Đó chính là sự thúc bách mà Chúa Giêsu Thánh Thể ban cho Giáo hội, là xây dựng một cộng đoàn yêu thương huynh đệ. Chính trong Thánh Thể Chúa Giêsu đã bầy tỏ cho chúng ta tình yêu vô bờ bến của Người mà trong liên hệ bình thường con người không tìm thấy được như tiêu chuẩn Chúa đã đề ra: “Ai trong các con muốn làm kẻ cầm đầu, thì phải làm kẻ rốt hết, và làm người phục vụ cho mọi người” (Mc 9:35). Chúng ta không tìm thấy trong Phúc âm thánh Gioan tường thuật Chúa lập phép Thánh Thể, nhưng thay vào đó là hoạt cảnh “rửa chân” (xem Gioan 13:1-20): qua việc cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu giảng giải cho các ông ý nghĩa của Thánh Thể. Thánh Phaolô đã khẳng khái quả quyết rằng việc cử hành Thánh Thể sẽ thiếu xót nếu không thực thi việc chia cơm sẻ áo cho những người túng nghèo (xem1Cor 11:17-22, 27-34).

Làm thế nào chúng ta có thể cử hành năm Thánh Thể trong giáo phận cũng như tại các giáo xứ mà lại không dấn thân xây dựng tình huynh đệ đối với những người cô thế cô thân và những người nghèo đói trong xã hội? Cha nghĩ tới hàng trăm triệu người chết vì những thiên tại, bệnh tật, tới nhưữg người già lão cô đơn, tới những người nhân công thất nghiệp vì không công ăn việc làm, tới những người tỵ nạn bơ vơ... Đó là sự dữ đang hiện diện - dù dưới góc độ khác nhau - hiện diện ngay cả những nơi văn minh vật chất dư thừa nữa! Chúng ta đừng lừa dối mình nếu chúng ta biết yêu thương nhau và quảng đại chia sẻ giúp đáp những người túng quẫn, vì có làm thế chúng ta mới được gọi thực sự là những người môn sinh theo Chúa (xem Gioan 13:35; Mathêu 25:31-46). Đó cũng là tiêu chuẩn xét xử chúng ta có sống bí tích Thánh Thể thực sự hay không.

KẾT LUẬN

29. O Sacrum Convivium, in quo Christus sumitur! Năm Thánh Thể bắt nguồn từ sự chiêm ngưỡng điều mà Giáo Hội gọi là một mầu nhiệm vĩ đại, điều mà Cha không ngừng chiêm ngưỡng và suy niệm. Cha đã nói trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistia. Khi nhìn tới năm thứ 27 của triều đại giáo hoàng của Cha, Cha coi đó là một hồng ân lớn lao và Cha kêu mời toàn thể Giáo Hội hãy chiêm ngắm, tán tạ và thờ lạy bí tích Thánh Thể cực cao cực trọng. Ước mong năm Thánh Thể sẽ là cơ hội quí báu cho mỗi người thăng tiến trong việc ý thức kho tàng vô giá mà Chúa Kitô đã lại cho Giáo Hội. Ước chi năm Thánh Thể thúc đẩy mỗi người hãy tham dự thánh lễ một cách sống động, sốt mến hầu đời sống Kitô hữu của chúng con được biến đổi trong tình yêu.

Chắc chắn các giáo xứ tùy sẽ đón nhận được từ cha xứ và các thừa tác viên những sáng kiến để mừng năm Thánh Thể. Ủy Ban Phụng Tự và Bí Tích sẽ đề nghị những chương trình và kế hoạch khác nhau. Cha không đòi hỏi chúng con sẽ làm những điều qúa đặc biệt bề ngoài cho bằng những sáng kiến làm thay đổi nội tâm. Nếu thành qủa đạt được giúp các cộng đoàn cử hành thánh lễ các ngày Chúa Nhật cách sốt sắng cũng như thực hiện được các giờ chầu Thánh Thể sau các thánh lễ thì quả là năm Thánh Thể thành công mỹ mãn và là hồng ân lớn lao. Chắc chắn đó là cái đích chúng ta nhắm tới, nhưng chúng ta cũng đừng tự cao tự đại, vì chúng ta luôn trông cậy vào ơn Chúa giúp.

30. Cùng các hiền huynh giám mục, Hiền đệ tin tưởng trao phó năm Thánh Thể cho các hiền huynh và Hiền đệ tin tưởng các hiền huynh sẽ đón nhận lời mời gọi của Hiền đệ với một nhiệt huyết tông đồ.

Cùng các linh mục thân mến, các con không ngừng lặp lại lời truyền phép hàng ngày; các con là những chứng nhân và là những người loan tin phép lạ tình yêu xảy ra ngay trên tay các con: hãy cố gắng cử hành thánh lễ hàng ngày trong suốt năm nay với niềm vui và lòng sốt mến như thánh lễ đầu đời linh mục của các con, các con cũng cố gắng dành thời giờ để chầu Thánh Thể Chúa đang ngự trong nhà tạm.

Cùng các phó tế, Cha mong uớc năm nay là năm hồng ân cho các con, vì các con là những thừa tác viên của Lời Chúa và tiếp cận phụng vụ bàn thánh. Cha kêu mời các con, những thừa viên viên đọc sách và giúp lễ cũng như các thừa tác viên Thánh Thể đặc biệt, các con hãy ý thức trách vụ mà các con nhận lãnh là một món qùa qúi gía mà Thánh Thể Chúa ban tặng.

Đặc biệt với các chủng sinh, các linh m?c tương lai, Cha mời gọi các con hãy lợi dụng những giây phút tại chủng viện để làm cho thánh lễ mỗi ngày là những kỷ niệm hồng. Mỗi ngày chúng con phải có thời giờ dành cho Chúa và tâm sự với Ngài trong phép Thánh Thể.

Với các tu sĩ nam nữ chúng con được mời gọi sống tận hiến và chiêm niệm: đừng bao giờ chúng con quên Chúa Giêsu đang trong nhà tạm, Ngài mơ ước chúng con đến bên Ngài hầu Ngài có thể đong đầy trái tim tâm hồn chúng con tình bạn chí thân, vì chính tình nghĩa thiết này làm cho đời chúng con có ý nghĩa và nên trọn hảo.

Đối các tín hữu, ước mong chúng con tái khám phá ra món qùa Thánh Thể là ánh sáng và sức mạnh cho mỗi ngày sống của chúng con. Giữa trăm cảnh ngộ khác nhau, chúng con tái khám phá lại nét đẹp tròn đầy và sứ mệnh của gia đình chúng con.

Còn chung con giới trẻ, Cha kỳ vọng nơi chúng con, Cha mong gặp chúng con trong những ngày Đại Hội Giới Trẻ ở Cologne. Với chủ đề “chúng ta hãy đến thờ lạy Người” gợi lên cho chúng con kinh nghiệm tốt đẹp nhất trong năm Thánh Thể này. Các con hãy dâng cho Chúa khi gặp gỡ Ngài đang ẩn náu trong phép Thánh Thể, tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ của chúng con, những hy vọng và cả những khát vọng yêu thương của chúng con.



31. Chúng ta có các thánh là những mẫu gương, các Ngài đã tìm được của ăn dưỡng nuôi các Ngài trên con đường tiến tới sự thánh thiện. Biết bao lần các Ngài đã rơi lệ cảm động trước sự hiện diện của bí tích cực thánh này, hoặc trải qua hàng giờ ngất trí và say mến niềm vui không diễn đạt được trước nhà tạm Chúa. “Giáo Hội nhìn lên Đức Maria như mẫu gương, để bắt chước tình yêu Mẹ dành cho mầu nhiệm cực thánh này”.(26) Thánh Thể mà chúng ta rước lấy là Thiên Chúa nhập thể, Con của Mẹ: Kính chào thân xác đã được Đức Nữ trinh sinh ra - Ave verum corpus natum de Maria Virgine. Trong năm hồng ân này, nhờ Mẹ phù trì, xin cho Giáo Hội khám phá ra niềm phấn kích mới cho sứ mệnh truyền giáo và được thấu triệt trọn vẹn Thánh Thể Chúa chính là nguồn và cùng đích cho cuộc sống của Giáo Hội.

Cha gửi tới tất cả chúng con phép lành của Cha như bảo chứng ân sủng và niềm vui.

Từ điện Vatican, ngày 7/10/2004 nhân ngày Lễ Mân Côi và là 26 năm triều đại giáo hoàng của Cha.

Đức Gioan Phaolô II



(1) Hiến Chế Mục Vụ: Gaudium Et Spes, 45.

(2) Ibid., 22.

(3) No. 55: AAS 87 (1995), 38.

(4) Nos. 32-34: AAS 90 (1998), 732-734.

(5) Nos. 30-32: AAS 93 (2001), 287-289.

(6) Ibid., 35: loc. cit., 290-291.

(7) Xem Tông huấn Rosarium Virginis Mariae (16 October 2002), 19-21: AAS 95 (2003), 18-20.

(8) Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17 April 2003), 53: AAS 95 (2003), 469.

(9) No. 51.

(10) Ibid., 7.

(11) Ibid., 52.

(12) Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17 April 2003), 10: AAS 95 (2003), 439.

(13) Xem John Paul II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/4/ 2003), 10: AAS 95 (2003), 439. Ủy Ban Phụng Tự và Bí tích, Hướng dẫn Redemptionis Sacramentum về một số điều phải giữ hoạc tánh khi cử hành Bí tích Thánh Thể (25/3/ 2004), 38: Báo L'Osservatore Romano, 28/4/2004, Số đặc biệt, trang 3.

(14) Xem Thông điệp Mysterium Fidei (3/9/1965), 39: AAS 57 (1965), 764; Ủy Ban về nghi Lễ, Hướng dẫn Eucharisticum Mysterium việc tôn thờ Thánh Thể (25/5/1967), 9: AAS 59 (1967), 547.

(15) Xem Văn thư Spiritus et Sponsa, nhân kỷ niệm 40 Hiến Chế Sacrosanctum Concilium (4/12/ 2003), 13: AAS 96 (2004), 425.

(16) Xem Congregation Ủy Ban Phụng Tự và Bí tích, Hướng dẫn Redemptionis Sacramentum về một số điều phải giữ hoạc tánh khi cử hành Bí tích Thánh Thể (25/3/ 2004): Báo L'Osservatore Romano, 28/4/2004, Số đặc biệt,

(17) Ibid., 137, loc. cit., p.11.

(18) Xem John Paul II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/4/ 2003), 44: AAS 95 (2003), 462; Giáo luật, số 908; Luật Giáo Hội Đông Phương số 702; Uỷ ban Đại kết, Directorium Oecumenicum (25/3/1993), 122-125, 129-131: AAS 85 (1993), 1086-1089; Ủy Ban Tín Lý, Thư Ad Exsequendam (18 May 2001): AAS 93 (2001), 786.

(19) Xem Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 43: AAS 93 (2001), 297.

(20) Xem CĐ Vatican Hiến Chế Phụng Vụ Sacrosanctum Concilium, 41.

(21) No. 33: AAS 90 (1998), 733.

(22) Xem Bài giảng của ĐTC ngày Lễ Mình Và Máu Thánhchúa (10/6/2004): Báo L'Osservatore Romano, 11-12/6/2004, trang 6.

(23) Vatican II về Đai Kết, Hiến Chế Gaudium et Spes, 36.

(24) Ibid.

(25) Xem Vatican II về Đai Kết, Hiến Chế Giáo Hội - Lumen Gentium, 1.

(26) Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia (17/4/2003), 53: AAS 95 (2003), 469.