(Một chút cảm nhận về Thánh sử Luca)
Nếu người nào có hỏi,
“Ai đã vẽ chân dung Thiên Chúa và con người đẹp nhất” ?
Dĩ nhiên, mọi người Kitô hữu sẽ trả lời :
“Chỉ mình Đức Giêsu-Kitô,
Đấng là Con Thiên Chúa và Con loài người”.
Nhưng làm sao ta có được thủ bản của Ngài đây ?
Hãy cứ yên tâm,
Thánh Thần đã chọn một thiên tài của muôn thế kỷ.
Một nhà văn Hy Lạp, và cũng là y sĩ,
Là người mang tước hiệu THÁNH SỬ LUCA.
Vâng, với cuốn Tin Mừng thứ ba,
Và tác phẩm Tông Đồ Công Vụ,
Chính Luca đã như một kỳ công làm sống lại,
Lời rao giảng của Chúa Giêsu, Tin Mừng cứu độ,
Mà dung mạo Thiên Chúa từ đây,
Sẽ vĩnh viễn “bị bôi xóa dứt khoát,
Hình ảnh của Đấng Toàn Năng, Giận hờn và báo oán”
Để trở thành một Thiên Chúa của nhân ái bao dung.
Vâng, Thiên Chúa qua thánh sử Luca,
Đã trở thành một “Đấng Tối Cận và Đấng Tối Thấp”
Đến độ trở thành một trẻ em bé nhỏ,
Được người mẹ nhà quê
“vấn tã và đặt nằm trong máng cỏ” hôi tanh (Lc 2,7)
Là Đấng như một người cha già,
Sẵn sàng “dập tắt lời thú tội của đứa con hoang,
Để siết chặt nó trong vòng tay âu yếm” (Lc 15,21-24)
Là Đấng không ngại ngùng, lúng túng,
Để những giọt nước mắt ưu sầu tưới đẫm bàn chân,
Của một người phụ nữ,
Mà tiếng tăm là hạng tội lỗi khắp thành. (Lc 7,36-50)
Là Đấng sẵn sàng ngước mắt lên, để nhìn, để gặp,
Để trở thành vị khách không được mời,
Của một anh Giakê thu thuế ngoại đạo (Lc 19,1-10)
Rồi cũng chính Luca,
Đã hướng Phêrô gặp được ánh mắt nhân từ,
Của đêm bạo hành, chia ly và phản bội,
Để nhận ra một Thiên Chúa của tha thứ và tình yêu. (Lc 22,61-62)
Và Thiên Chúa của Luca,
Chính là Tên tội đồ bị đóng đinh,
Đã mở đôi mắt trái tim của tên trộm lành,
Để anh ta nhận ra một Vương Quốc Nước Trời,
Qua lời nhắn gởi :
“Hôm nay anh sẽ ở cùng Ta trên thiên đàng đấy nhé !” (Lc 23,43).
Vâng nhà họa sĩ, văn sĩ Luca,
Đã vẽ lại chân dung của một Thầy Giêsu,
Hiện thân của một Thiên Chúa sao mà thân thương, sao mà gần gũi !
Gần đến độ,
Dù mang hào quang chói rạng của ngày thứ nhất Phục Sinh,
Vẫn có thể đồng hành, dung dị,
Rồi chén tạc, chén thù
với bạn hữu một chiều Emmau bên quán trọ. (Lc 24,13-35)
Là Đấng Thiên Chúa tuyệt đối sang giàu,
Nhưng quá tế nhị, sẵn sàng,
Để cho đám phụ nữ thấp hèn lo cho miếng cơm manh áo. (Lc 8,1-3)
Vâng, cũng chính nhờ những nét họa của Luca,
Khi Thiên Chúa vào đời “vấn tã và nằm trong máng cỏ”,
Mà thế giới, bao độ Giáng Sinh về, tươi vui rộn rã,
Những đèn sao, những máng có, hang Bê Lem…
Và cũng nhờ bởi Luca,
Mà thế giới suốt 2000 năm hát mãi khúc tâm ca,
Bài thánh thi của Mẹ Maria Magnificat ! (Lc 1,46-56)
Và cũng từ đó,
Ta thấy được vẽ đẹp lạ lùng của từng người nhân loại,
Một nhân loại
dù hóa thân trong những phận người nghèo khó đơn sơ.
Như bà Mẹ góa Naim mất con (Lc 7,11-17),
Như nạn nhân bị vất bỏ bên đường
để gặp được người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37)
Nhờ Luca để ta tin và nhận biết một nhân loại,
Luôn được Thiên Chúa luôn rộng tay đón đợi
Và mở lối yêu thương.
Luôn được kiếm tìm và dẫn lối đưa đường,
Để tất cả trở về làm nên một Dân Tộc Mới.
Vâng, với Luca, ta đã biết có một thuở khai sinh Giáo Hội,
Mà tất cả nhờ quyền năng và sức mạnh của Thánh Thần.
Như gió bảo cuồng phong, như lửa hồng tuôn đổ,
Để làm nên một Dân Mới mang căn cước Thần Linh. (Cv 2,1-4)
Đã bao năm rồi,
Kể từ ngày Hội Thánh mới khai sinh,
Nhưng nhờ Luca,
Giêsu đó, Thiên Chúa đó, Tin Mừng đó…
Sao cứ mới mãi, trẻ hoài,
như mới sáng hôm nay khi ta vừa thức dậy !
Ôi, Luca vị Thánh sử,
Người họa sĩ tuyệt tài,
Đã vẽ chân dung của Thầy Giêsu,
Và chuyển tải Tin Mừng của Ngài sao quá tuyệt.
Người văn sĩ của Thánh Linh,
Người y sĩ thâm tình,
Nhân loại được nhờ Ngài,
Mà chạm được tới bàn tay uy quyền của Chúa.(Lc 8,43-45)
Chúng con cảm ơn Ngài,
Người họa sĩ vẽ chân dung muôn đời có một !
Sơn Ca Linh
(18/10/2016)