Phần thứ bẩy và là phần chót trong Tin Mừng Thánh Luca là trình thuật phục sinh, phần trong đó, “cuộc xuất hành (exodus, Lc 9:31) của Chúa Giêsu hoàn tất, khi Người “trỗi dậy” (Lc 24:6), bước vào “vinh quang của Người” (Lc 24:26) và sau cùng “rời khỏi” các môn đệ và “được đem về trời” (Lc 24:51). Nó là cao điểm của Tin Mừng Luca xét như một toàn thể và tạo bước chuyển tiếp sang cuốn sách thứ hai của ngài, tức Tông Đồ Công Vụ. Tính trung tâm của Giêrusalem đã được nhấn mạnh vì chính ở đây Chúa Giêsu đã hoàn tất số phận của Người để bước vào vinh quang. Thành phố này được coi như tiêu điểm của viễn tượng địa dư vì nó đã trở nên địa điểm mà từ đó các lời nói về Người sẽ “phải được rao giảng cho mọi dân nước, bắt đầu từ Giêrusalem” (Lc 24:47; xem Cv 1:8). Hơn nữa, trình thuật phục sinh là trình thuật của một ngày duy nhất; tất cả những gì thuật lại ở đây đều đã diễn ra vào “ngày đầu tiên trong tuần”: sống lại, hiện ra và lên trời (câu 1; xem các câu 13, 33, 36, 44, 50-51).

Phần này trùng hợp với ba Tin Mừng kia ở tình tiết đầu khi nhắc tới các phụ nữ đi viếng mộ và thấy nó trống trơn (Lc 23:56b-24:12; xem Mc16:1-8; Mt 28:1-8; Ga 20:1-13). Nhưng sau đó, mỗi Tin Mừng đi theo con đường riêng của mình. Tình huống này đòi phải xem xét một số điểm tổng quát của bản chất trình thuật phục sinh, trước khi chuyên biệt đi vào trình thuật phục sinh của Thánh Luca.

I. Trình thuật Phục Sinh nói chung

Cũng như hai trình thuật tuổi thơ và khổ nạn, trình thuật phục sinh là một phân hạng của thể loại văn chương Tin Mừng. Nó không luôn luôn tách biệt với trình thuật khổ nạn. Ấy thế nhưng vì tính đa dạng của truyền thống tin mừng thấy ở đây, nó đáng được bàn tới cách riêng. Hơn nữa, người ta thường thắc mắc không biết phần này có phải là nguyên thủy hay cổ xưa như trình thuật khổ nạn hay không. Một vài mảnh của sơ truyền (kerygma) tiền Phaolô nguyên thủy được lồng vào các trước tác Tân Ước không những đã nhắc tới việc Chúa Giêsu sống lại (thí dụ 1Tx 1:10; 1Cr 15:4; Rm 4:24-25; 10:8-9) mà cả các lần hiện ra của Chúa Kitô phục sinh nữa (thí dụ 1Cr 15:5-7) đến nỗi nội dung căn bản của trình thuật phục sinh hẳn phải là một phần của lời tuyên xưng ban sơ (“Chúa Kitô chết… được mai tang… đã trỗi dậy… và hiện ra…”); nó có đặc điểm cũng nguyên thủy như nội dung căn bản của trình thuật khổ nạn. Cần phải nhấn mạnh điều này, dù ta hiểu rằng việc lên công thức cho các câu truyện cá biệt trong trình thuật phục sinh có thể chỉ xuất hiện sau này trong truyền thống.
Mặt khác, cũng có một truyền thống tiền Phaolô nhắc tới việc siêu tôn Chúa Giêsu lên tư thế trên trời như là cái hậu việc Người chịu chết trên thập giá, nhưng lại không hề nhắc đến việc phục sinh (xin xem Pl 2:8-11).Cũng nên so sánh kiểu nói mơ hồ về việc Chúa Giêsu “được nâng lên” trong truyền thống Gioan, trong đó, người ta thắc mắc không biết nó nói tới việc “được nâng lên” thập giá hay lên vinh quang nước trời, hay cả hai (Ga:14; 8:28;12:32,34). Tương tự như thế là việc vượt qua từ hy sinh thập giá tới cung thánh thiên quốc trong Dt 9:12, 24-26. Việc vượt qua này không bác bỏ việc phục sinh, càng không mâu thuẫn với nó; nhưng chúng có thể phản ảnh lối nói trước đó về việc siêu tôn Chúa Kitô mà không cần nhắc tới phục sinh.

Không Tin Mừng nào trong bốn Tin Mừng cố gắng thuật lại chính việc phục sinh như Thánh Luca cố gắng thuật lại việc lên trời trong Cv 1:9-11), ấy thế nhưng các Tin Mừng Nhất Lãm và Tin Mừng Gioan đều có câu truyện tìm thấy ngôi mộ trống, điều mà trong truyền thống Nhất Lãm cũng đã bao gồm các nét căn bản của praeconium paschale (công bố phục sinh)…

Ngoài câu truyện ngôi mộ trống và việc công bố phục sinh của nó trong truyền thống Nhất Lãm ra, việc thiếu nhất trí trong các trình thuật phục sinh của các Tin Mừng là điều đáng lưu ý. Thực vậy, sự thiếu nhất trí này đáng lưu ý ví nó tương phản rất lớn trước sự nhất trí của các trình thuật khổ nạn trước đó. Sự nhất trí này được giải thích là do nhu cầu cần phải có một câu truyện liên tục và có gắn bó cho thấy cuộc đời Chúa Giêsu tại sao đã kết thúc như nó đã kết thúc và kết thúc như thế nào. Còn nhu cầu cần một câu truyện liên tục về những lần Chúa Kitô phục sinh hiện ra vừa không hề có vừa không được coi là chủ yếu. Như nhận định của V. Taylor trong Formation of the Gospel Tradition, 59-60:

“Ở đây, nhu cầu tức khắc là việc bảo đảm cho một sự kiện mới và đáng ngạc nhiên. Có thật là Chúa Giêsu đã trỗi dậy và đã hiện ra với các Môn Đệ không? Để thỏa mãn câu hỏi này, các câu truyện riêng rẽ cũng đã đủ rồi; không đòi phải có một câu truyện liên tục như lòng mong ước của con người hiện nay. Chứng từ làm bằng chứng cho sự kiện hiện ra là điều chủ yếu đầu tiên đối với cả người giảng lẫn người nghe. Cho nên, ta có thể hiểu rằng các chu trình kể truyện khác nhau đã thịnh hành tại nhiều trung tâm khác nhau của Kitô Giáo tại Palestine và Syria, nhưng không có câu truyện liên tục nào cho thấy diễn tiến liên tục các biến cố từ Ngôi Mộ tới lúc Chúa Giêsu rời xa các môn đệ của Người lần cuối cùng”.

Điều trên giải thích lý do tại sao, ta không thể đặt các câu truyện hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh vào các cột song song trong một nhất lãm (synopsis) được. Tính đa dạng của phần này trong truyền thống tin mừng sẽ được thấy rõ khi ta xem xét 6 hình thức của nó nghĩa là 6 trình thuật phục sinh:

1) Máccô 16:1-8: Đây là đoạn kết thực sự của Tin Mừng Máccô theo nhiều thủ bản Hy Lạp. Các câu từ 1 tới 8 này tường thuật việc các phụ nữ (Maria Mađalêna, Maria Mẹ của Giacôbê, và Salômê) khám phá ra ngôi mộ trống vào lúc hừng đông của ngày thứ nhất trong tuần. Họ đến để xức dầu thơm cho xác của Chúa Giêsu; việc praeconium paschale (công bố phục sinh) đã được một thanh niên ngồi ở phía tay phải ngôi mộ nói cho các bà; người thanh niên này truyền cho các bà đi nói cho các môn đệ và Phêrô hay Chúa Giêsu đi Galilê trước họ, nơi họ sẽ thấy Người; các phụ nữ trốn chạy và không dám nói với ai điều gì “vì sợ”. Ở đây, không có mô tả nào về việc Chúa Giêsu phục sinh cũng như các lần Người hiện ra.

2) Mátthêu 28:1-20: Đây là đoạn kết của Tin Mừng Mátthêu. Các câu 1-8 thuật lại việc các phụ nữ (Maria Mađalêna và bà Maria khác) tìm ra ngôi mộ trống vào lúc hừng đông của ngày thứ nhất trong tuần; việc praeconium paschale (công bố phục sinh) đã được một thiên thần của Chúa nói với các bà; thiên thần này từ trời xuống lăn tảng đá; ngài truyền cho các bà đi nói với các môn đệ rằng Chúa Giêsu đã trỗi dậy và đi Galilê trước các ông. Vừa sợ vừa mừng, các bà chạy đi báo tin sốt dẻo, nhưng trong hai câu 9-10, Chúa Giêsu hiện ra với họ trên đường đi báo tin. Các câu 11-15 thuật lại việc hối lộ lính canh, và các câu 16-20, Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với 11 tông đồ ở Galilê và trao cho các ông nhiệm vụ chiêu dụ các môn đệ khác, dạy dỗ và rửa tội. Ở đây, cũng không có mô tả nào về việc phục sinh; nhưng có việc Chúa Giêsu phục sinh hiện ra ở Giêrusalem và Galilê; không có việc Chúa Giêsu rút lui (như về trời chẳng hạn).

3) Luca 23:56b-24:53: Đây cũng là đoạn kết của Tin Mừng Luca, với 5 tình tiết: (a) Các phụ nữ (Maria Mađalêna, Maria mẹ Giacôbê, Gioanna và các người khác) tìm ra ngôi mộ trống vào lúc hừng đông ngày thứ nhất trong tuần (23:56b-24:12); việc praeconium paschale (công bố phục sinh) được hai người đàn ông vận áo sáng láng bỗng xuất hiện với các bà loan báo. Hai người này truyền cho các bà nhớ lại những lời Chúa Giêsu đã nói với các bà lúc Người còn ở Galilê; các bà trở về loan báo cho nhóm Mười Một, bị các ông coi là chuyện vớ vẩn. Chỉ có Phêrô là vội ra đi để tự tìm hiểu (và Chúa Giêsu đã hiện ra với ông đầu tiên ở câu 34). (b) Chúa Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ trên đường đi Emmau; họ trở về thuật lại những điều họ trải nghiệm (các câu 13-35). (c) Chúa Kitô hiện ra với 11 tông đồ và các bằng hữu của các ngài ở Giêrudalem (các câu 36-43). (d) Người ủy nhiệm cho các ông làm “chứng tá cho việc này” và rao giảng nhân danh Người (các câu 44-49); và cuối cùng (e), Người dẫn các ông tới Bêtania, nơi Người từ giã các ông và về trời vào đêm Chúa Nhật Phục Sinh (các câu 50-53). Một lần nữa, vẫn không có mô tả nào về phục sinh; chỉ hiện ra ở Giêrusalem và vùng phụ cận; từ giã các ông bằng việc lên trời.

4) Ga 20:1-29: Đoạn kết thực sự của Tin Mừng Gioan. Các câu 1-10 cho ta một câu truyện tỉ mỉ về việc Maria Mađalêna tìm ra ngôi mộ trống, sau đó, bà kể lại cho Simong Phêrô và Người Môn Đệ Yêu Quí; hiện ra với Maria Mađalêna, cho bà hay Người sẽ thăng thiên (các câu 11-18); hiện ra với các môn đệ tại Giêrusalem vào tối Chúa Nhật Phục Sinh, không có Tôma (các câu 19-23); và hiện ra với các ông một tuần sau, lần này có Tôma (các câu 24-29). Vẫn không có mô tả nào về phục sinh; ba lần hiện ra đều diễn ra ở Giêrualem; không nhắc tới việc từ giã.

5) Ga 21:1-23: Phụ lục của Tin Mừng Gioan. Chúa Kitô phục sinh hiện ra với 7 môn đệ đang đánh cá ở Hồ Tibêria (các câu 1-14) sau khi Phêrô được ủy thác việc chăm sóc các chiên của Chúa Kitô, và các vai trò tương phản của Phêrô và của Môn Đệ Yêu Quí được đặt trình bầy (các câu 15-23). Ở đây, không nhắc gì tới phục sinh, ngôi mộ trống; chỉ có một lần Chúa Kitô hiện ra ở Galilê.

6). Máccô 16:9-20: Phụ lục của Tin Mừng Máccô. Những câu này chỉ tìm thấy ở một số bản chép tay và được Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận là thành phần của Tin Mừng Máccô. Sở dĩ như thế, vì không có lần hiện ra nào ở Mc 16:1-8. Ở đây, ba lần hiện ra tại khu vực Gêrusalem vào ngày thứ nhất trong tuần: lần đầu tiên, với Maria Mađalêna (các câu 9-11); lần thứ hai, với hai môn đệ đang đi về vùng quê, họ trở lại Giêrusalem và thông báo với các môn đệ và được các môn đệ tin (các câu 12-13); rồi với 11 tông đồ, ngài quở trách các ông không tin nhưng sau đó, đã ủy thác cho các ông việc rao giảng tin mừng cho mọi dân tộc (các câ 14-18). Cuối cùng, nói xong, Người lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa, còn các tông đồ thì ra đi rao giảng (các câ 19-20). Ở đây, cũng không nhắc gì tới việc phục sinh, ngôi mộ trống; ba lần hiện ra ở khu vực Giêrusalem; lên trời vào đêm sau ngày thứ nhất trong tuần.

Ngoại trừ ngôi mộ trống và việc công bố phục sinh trong truyền thống Nhất Lãm ra, chỉ có các song hành sau đây mà thôi: (a) Chúa hiện ra với các môn đệ trên đường Emmau (Lc 23:13-25) và các câu 12-13 của phụ lục Máccô; và (b) Chúa lên trời (Lc 24:50-51) và câu 19 trong phục lục Máccô. Dù chúng phát xuất từ một nguồn độc lập, cả hai đều phản ảnh việc khai triển sau này trong truyền thống trình thuật phục sinh.

Mặt khác, việc công bố phục sinh trong truyền thống Nhất Lãm có 3 hình thức khác nhau dù bản chất của nó đều có ở từng trình thuật:

a) Máccô 16:6: Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa!

b) Mátthêu 28:5-6: Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói!

c) Luca 24:5-6: Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi!

II. Việc Phục Sinh

Trước khi đi vào chính trình thuật phục sinh của Thánh Luca, thiết tưởng cũng nên xem qua cung cách Tân Ước nói tới việc phục sinh.

Trong Tông Đồ Công Vụ 1:22, ở tình tiết chọn Matthia thay thế cho Giuđa, một trong các tiêu chuẩn chọn lựa là người được chọn phải là “chứng nhân của phục sinh”. Ấy thế nhưng như ta đã thấy, cả thánh Luca lẫn các thánh sử khác, không vị nà đã mô tả bất cứ ai chứng kiến việc phục sinh, nghĩa là tận mắt nhìn thấy hành vi Thiên Chúa làm Chúa Giêsu đã chết được sống lại cả. Vì quả không có vị nào đã chứng kiến nó, và nó cũng không được ngụ hàm cả trong Mt 28:2b lúc thiên thần của Chúa từ trời xuống lăn tảng đá khỏi cửa mộ, một chi tiết chỉ có trong Tin Mừng Mátthêu. Trong Công Vụ, ý nghĩa của Thánh Luca rất rõ ràng: Một ai đó phải thế chỗ của Giuda trong nhóm Mười Hai, nhưng ai đó này phải là chứng nhân của việc Chúa Kitô phục sinh. Tuy nhiên, ngài chỉ đề cập tới vấn đề một cách trừu tượng, như một tiêu chuẩn để được chọn.

Điều các soạn giả Tân Ước không nói về việc phục sinh, thì truyền thống tin mừng ngụy thư đã đảm nhiệm. Như Tin Mừng Phêrô chẳng hạn (§35-42) đã viết như sau:

“Trong đêm rạng sáng Ngày của Chúa, khi các binh sĩ đang canh giữ, mỗi phiên hai người, thì có tiếng nói lớn từ trời. Họ thấy các tầng trời mở ra, và từ đó, hai người đàn ông rất sáng láng xuất hiện, các ngài tiến lại gần mộ thánh. Phiến đá chắn cửa vào mộ bắt đầu tự lăn ra một bên và mộ được mở ra, và cả hai người đàn ông bước vào. Lúc ấy, khi các binh sĩ thấy vậy, liền đánh thức viên bách quản và các kỳ lão, vì các người này cũng có mặt ở đó để phụ giúp việc canh chừng. Và trong khi họ đang thuật lại việc này, họ lại thấy ba người từ mộ đi ra, và hai người đỡ người kia, và thập giá theo sau họ. Họ thấy đầu hai người chạm tới trời, nhưng còn người được họ cầm tay dẫn ra đã vượt quá các tầng trời. Rồi họ nghe thấy một tiếng nói từ trời: 'Con đã giảng cho họ nghe giấc ngủ ấy chưa?' Và từ thập giá câu trả lời sau đây đã được nghe thấy: 'Con đã' (xem Hennecke-Schneemelcher, New Testament Apocrypha 1. 185-186).

Mô tả về phục sinh như trên rõ ràng cho thấy một cố gắng nhằm trả lời cho các thắc mắc sau đó về việc nó đã diễn ra thế nào. Đây là một khai triển vượt quá các chi tiết do thánh Mátthêu thêm vào câu truyện ngôi mộ trống, nhưng chắc chắn cùng một thể loại.

Dù Thánh Luca có chêm vào một khoảng thời gian giữa việc Chúa sống lại và việc Người lên trời (khoảng 40 ngày sau, xem Cv 1:3, nhưng ở Cv 13:31chỉ nói “nhiều ngày sau), nhưng ngài cũng không bao giờ mô tả Chúa Sống Lại cư ngụ trên trái đất hoặc hiện ra như một ai đó ngự phía sau một tấm thảm sặc sỡ. Dù mô tả Chúa Kitô sánh bước với hai môn đệ trên đường đi Emmau (Lc 24:15), ngài cho ta hay khi được nhận ra, Chúa Kitô đã biến mất khỏi mắt họ. Thực vậy, Thánh Luca minh nhiên cố gắng (Lc 24:37-39) đánh tan ý niệm cho rằng Chúa Kitô giống như một bóng ma, khi nhấn mạnh tới thực tại tính nơi thân xác sống lại của Người, mô tả Người ăn cá nướng và nhấn mạnh rằng thân xác Người không bị hư nát (Cv 2:27; 13:35,37).

Hơn nữa, không tác giả Tân Ước nào mô tả việc phục sinh của Chúa Giêsu như chỉ là một cuộc hồi sinh (resuscitation) hay trở lại với lối hiện hữu tự nhiên, trần thế như trước [như hồi sinh đứa con trai duy nhất của bà góa thành Naim (Lc 7:15) hay đứa con gái ông Giairô (Lc 8:54-55) hay ngay cả Ladarô (Ga 11:43-44; 12:1-2)]. Cách riêng, Thánh Luca nhấn mạnh rằng Chúa Kitô phục sinh, Đấng cùng đi với các môn đệ tới làng Emmau, thực sự đã bước vào “vinh quang của Người” (Lc 24:26: “Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, trước khi bước vào vinh quang của Người đó sao?”). Câu vừa rồi phát ra từ cửa miệng Đấng, khi được các môn đệ nhận ra tại làng Emmau, đã biến mất trước mắt họ. Biến đi đâu? Rõ ràng, tới “vinh quang của Người”! Nói cách khác, chính từ “vinh quang” nghĩa là từ nhan Cha của Người, Chúa Kitô phục sinh đã hiện ra với với các môn đệ, không những trong khoảng thời gian trước ngày Người lên trời mà cả trong cuộc hiện ra này nữa, tức chính việc lên trời, vốn không là gì khác ngoài việc hiện ra từ vinh quang trong đó, Người từ giã các môn đệ một cách hữu hình lần cuối cùng.

Sơ truyền nguyên khởi, tức việc xác nhận Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, đã được phát biểu tại Palestine và trong một nền văn hóa ít khi có khả năng quan niệm nó là gì khác ngoài việc là một cuộc “phục sinh” thể xác. Như thế, nó xuất phát từ một môi trường chưa chịu sự thống trị hoàn toàn của ý niệm lưỡng phân (dichotomy) xác hồn trong nền triết học Hy Lạp hay ý niệm bất tử của linh hồn. Ý niệm sau tuy có trong Sách Khôn Ngoan (Kn 3:4; 4:1 v.v…), nhưng có nguồn Do Thái từ Alexandria. Khuôn khổ sơ truyền là một khuôn khổ luôn bao hàm việc “phục sinh”. Ấy thế nhưng niềm tin này đã phải lưu ý tới sự dị biệt giữa thân xác trần gian và thân xác phục sinh, như một số cột mức trong Tân Ước đã cho thấy nhân dịp nói tới Chúa Kitô phục sinh. Luca 24:16 mô tả các môn đệ trên đường tới Emmau thoạt đầu đã không nhận ra Chúa Kitô. Nếu việc này liên hệ với Máccô 16:12, thì ta biết lý do tại sao các ông đã không nhận ra Người: “Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác (en hetera morphe) cho hai người trong nhóm các ông”. Tương tự như thế, Maria Mađalêna, thoạt đầu, cũng khó khăn lắm mới nhận ra Chúa Giêsu (Ga 20:14-16). Muốn giải thích điều này, ta phải đọc 1Cr 15:42-44 của Thánh Phaolô khi ngài phân biệt “thân xác sinh khí” (soma psychikon), một thân xác gieo xuống thì khả diệt, hèn hạ, yếu đuối, và “thân xác thần khí” (soma pneumatikon), một thân xác trỗi dậy thì bất diệt, vinh quang, mạnh mẽ. Khi Thánh Phaolô muốn nói một điều gì đó về thân xác phục sinh, ngài thường sử dụng lối nghịch dụ (oxymoron) và đồng hóa cùng một “thân xác” này với tất cả những gì không phải là thân xác, nghĩa là với tinh thần, thần khí. Dù cũng như bất cứ người nào khác, có thể ngài biết rất ít về thể tạng của thân xác phục sinh, nhưng Thánh Phaolô vẫn cố gắng duy trì thực tại của thân xác này.

Sơ truyền của Kitô Giáo sơ khai, một sơ truyền tìm thấy biểu thức gây ấn tượng sâu sắc ngay ở tình tiết đầu tiên trong mỗi trình thuật phục sinh của bốn Tin Mừng chính quy, đã không hài lòng chỉ khẳng định việc Chúa Giêsu quả đang sống hay Người chỉ trở thành ảnh hưởng sống động duy nhất trong đời sống và trong tâm trí các tông đồ và môn đệ mà thôi. Nó còn quả quyết rằng: Người đã trỗi dậy mà bước vào “trạng thái vinh quang trước nhan Chúa Cha” và điều này có nghĩa “trong hình thức thân xác”.

Thời hiện đại, người ta nghi vấn việc “phục sinh” của Chúa Kitô vì có những mưu toan muốn làm nó phù hợp với tính lưỡng phân hồn xác thừa hưởng được từ triết học Hy Lạp và là điều khá thông thường đối với mọi tư duy của Tây Phương hiện đại. Nó cũng bị nghi vấn vì nhiều khó khăn triết học khác mà người ta vốn có đối với ý niệm này, do các bác khước khoa học hay cách thế nhìn nhân sinh của thời hậu Ánh Sáng gây ra. Nhưng ta cần nhớ rằng các soạn giả Tân Ước, những vị soạn ra các trình thuật phục sinh và tổng hợp sơ truyền nguyên thủy về phục sinh vào trong đó ít khi phải loay hoay với loại suy nghĩ này. Việc bác bỏ “phục sinh” đã có từ thời Thánh Phaolô, như 1Cr 15 đã chứng tỏ, nhưng ngài đâu có băn khăn chi với các vấn nạn thời nay; và quả có hơi không hợp thời khi mong chờ các nhà thần học trả lời các câu hỏi này dựa vào các văn bản của thế kỷ thứ nhất. Cả Thánh Luca cũng cố gắng đương đầu với việc tỏ dấu hoài nghi đối với việc phục sinh, nhưng cách ngài làm thế ít có tính triết lý hơn là Thánh Phaolô (xem Lc 24:41-43; Cv 1:3a; 10:41).

III. Trình thuật phục sinh của Thánh Luca

Các tình tiết trong trình thuật phục sinh của Thánh Luca không nói tới cuộc hiện ra nào của Chúa Kitô tại Galilê. Câu duy nhất nhắc tới khu vực này là câu 6 kể lại việc hai người mặc áo sáng láng nói với các phụ nữ, không phải Chúa Giêsu sẽ đi trước họ và các môn đệ tới Galilê, như trong Máccô 16:7, nhưng họ phải nhớ lại những gì Người đã nói với họ lúc còn ở Galilê. Nhờ thế, việc nhắc tới Galilê đã được duy trì, nhưng nó đảm nhận một chức năng khác. Trong Tin Mừng Luca, xuất phát từ Galilê để tới Giêrusalem, Chúa Giêsu sẽ không trở về Galilê nữa, vì viễn tượng địa dư đã thắng thế. Giêrusalem sẽ trở thành tiêu điểm của phần còn lại trong chương này và sau đó giữ vai trò quan trọng trong phần đầu của Công Vụ. Thánh Luca chắc chắn biết các lần Chúa Giêsu hiện ra ở các khu vực khác; nhưng ngài đã quyết định loại bỏ chúng vì viễn tượng văn chương bao quát của ngài.

Trình thuật phục sinh của Thánh Luca sẽ kết thúc khi nhắc tới việc các môn đệ dành thì giờ cầu nguyện tại Đền Thờ Giêrusalem “liên lỉ ca tụng Thiên Chúa” (Lc 24:53), do đó, đã đem Tin Mừng đến chỗ kết thúc tại khu vực nó đã khởi đầu. Vì tình tiết đầu của Tin Mừng này thuật lại việc Ông Giacaria phục vụ tại Đền Thờ Giêrusalem (Lc 1:5-24); chính trong lúc ấy, việc sinh hạ Gioan Tẩy Gỉa đã được công bố.
Ở đây, ta cũng nên lưu ý: trình thuật phục sinh của Thánh Luca đã nổi bật về chủ đề ứng nghiệm lời tiên tri của Cựu Ước và các hy vọng của dân Do Thái. Nhất là các câu 19b-21, 25-27, 44-46. Chứng cớ tiên tri sẽ được dùng để nhấn mạnh liên tục tính của Kitô Giáo đối với Do Thái Giáo thời xưa.

Cuối cùng, ta nên lưu ý đến sự tương phản xuyên suốt cả chương này: việc công bố phục sinh hay các chứng cớ về việc Chúa Giêsu sống lại bị thách thức bởi việc thiếu niềm tin và am hiểu của con người. Thánh Luca không mô tả việc các môn đệ bỏ trốn và đào ngũ lúc Người chịu khổ nạn; nhưng ngài không hề xem nhẹ việc các ông trì độn trước sự phục sinh của Người.

Thiển nghĩ nên khảo sát kỹ đoạn 23:56b-24:12. Trong tình tiết đầu của trình thuật phục sinh, tức việc các phụ nữ viếng ngôi mộ trống, Thánh Luca không những theo sát thứ tự của Thánh Máccô, mà còn trình bầy một hình thức biên tập nào đó đối với Mc 16:1-8 trong các câu 1-9. Câu 56b, nói về các phụ nữ nghỉ ngơi ngày Sabát, có thể đã đến với Thánh Luca từ nguồn “L” (nguồn Luca), giống như Lc 24:12; nhưng câu cuối cùng này đã được Thánh Luca cho vào điều được một tác giả gọi là “đơn vị trong ngoặc đơn” (parenthetic unit), do Thánh Luca soạn thảo dựa vào Máccô 16:1a và một truyền thống đước đó. Máccô 16:7 đã kể riêng Thánh Phêrô song song với “các môn đệ của Người”, còn Luca 24:34 (“Người đã hiện ra với Simong” [xem 1 Cr 15:5]) cho thấy ngài có biết một truyền thống xưa từng cho rằng: không những các phụ nữ mà cả Phêrô nữa cũng đã đi thăm mộ, xem Lc 24:24 [tines, “vài người trong nhóm chúng tôi”]. Đơn vị này kết thúc với câu 12, một câu rất giống với Gioan 20:3,4,5,6,10, và được trích dẫn từ một nguồn chung của cả Tin Mừng Luca lẫn Tin Mừng Gioan.

Trên đây xem ra là quan điểm của đa số các nhà giải thích thời nay về đoạn này. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ các nhà giải thích thích nghĩ hơn rằng ở đây, Thánh Luca sử dụng một trình thuật độc lập lấy từ nguồn không phải Máccô, một nguồn tương tự như Máccô 16:1-8, nhưng một số chi tiết Máccô đã được lồng thêm vào…

Các dị biệt chính trong trình thuật phục sinh của Thánh Luca là việc các phụ nữ nghỉ ngơi ngày Sabát, không có việc lo lắng xem ai sẽ lăn tảng đá ra, minh nhiên cho thấy các phụ nữ không tìm thấy xác Chúa Giêsu, nhắc đến “hai người đàn ông” thay vì một chàng thanh niên, diễn tả lại sứ điệp ngỏ với các phục nữ, hoãn nói tới tên các phụ nữ, và việc Phêrô ra mộ kiểm chứng.

Các câu sau đây cho thấy một số chi tiết vụn vặt trong việc biên tập của Thánh Luca: (1) “vừa tảng sáng” (Lc 24:1; xem 24:22; 21: 38; Cv 5:21); (2) nhắc đến việc “chuẩn bị” dầu thơm (Lc 24:1b; xem 23:56a); (3) “họ không thấy” (Lc 24:3); (4) nhắc đến lời Chúa Giêsu nói ở Galilê (Lc 24:6-8; xem 9:22,44); (5) dùng ngoa ngữ “tất cả” (Lc 24:9b); (6) nhắc đến Nhóm Mười Một (xem Lc 24:33; Cv 1:26; 2:14); (7) “Đứng lên” (Lc 24:12); (7) “rất đỗi ngạc nhiên” (Lc 24:12); (8) “sự việc đã diễn ra” (Lc 24:12).

Vì có nhiều động từ giống như Tin Mừng Gioan, nên một số người coi câu 12 ở đây là sử dụng văn chương của Thánh Gioan (Johannism). Nhưng thực ra, theo linh mục Joseph A. Fitzmeyer (The Gospel According to Luke, X-XXIV), điều này cùng lắm chỉ chứng minh hai tin mừng này cùng sử dụng chung một nguồn mà thôi. Cùng với các câu 3b, 6a, câu 12 này phải được kể là thành phần của Tin Mừng Luca. Như thế, Thánh Luca đã phối hợp một phần truyền thống khác về việc, ngoài các phụ nữ ra, còn nhiều người khác và Thánh Phêrô đi thăm ngôi mộ trống nữa, vào điều ngài đã biên tập được từ Mc 16:1-8.

Xét về phương diện phê bình hình thức, tình tiết này hẳn phải được coi như câu truyện khác về Chúa Giêsu, dù nó chỉ gián tiếp nói về Người; nó là thành phần của truyền thống kể truyện của Tin Mừng. Có tác giả cảm thấy rất đúng rằng Máccô 1-8 đã không tiếp nối Máccô 15, vì các phụ nữ, từng đã được kể tên ở Mc 15:40, 47), đâu cần phải kể tên lần nữa ở đây ngay ở đầu chương 16. Đàng khác, ý định của họ trong việc ướp xác Chúa Giêsu không ăn ý mấy với câu 15:46 là câu không ngụ ý cho thấy họ coi việc chôn cất Chúa Giêsu là tạm bợ, chưa hoàn tất. Tuy nhiên, khi biên tập nguồn “Mk” (nguồn Máccô), Thánh Luca đã loại bỏ một số điểm không nhất quán đó bằng cách chỉ nêu tên các phụ nữ sau đó (câu 10, một câu đã phối hợp Mc 16:1 và việc ngài nhắc tới các phụ nữ ở Lc 8:2).

Trọng tâm của cảnh này là việc công bố phục sinh trong câu 6b: “Người không ở đây, nhưng đã trỗi dậy!”. Ở đầu tình tiết, Thánh Luca mô tả các phụ nữ Galilê, sau khi chuẩn bị dầu và thuốc thơm, đã nghỉ ngơi vào ngày Sabát “như Luật truyền” (câu 56b). Như thế, việc công bố đã được ngỏ trước nhất cùng các phụ nữ Do Thái ngoan đạo, giữ Luật, những người đã trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Giờ đây, họ vâng theo bổn phận, tới mộ thực hiện cho xác Chúa Giêsu điều mà Giuse Arimathêa đã không đủ thì giờ hoàn thành (nên để ý câu 23:55d, “Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào”). Họ thấy ngôi mộ, nhưng không thấy xác của Người. Rồi các bà được hai người đàn ông mặc áo sáng láng trao cho nhiệm vụ công bố việc Chúa Giêsu phục sinh: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại”. Như thế, chỉ có trình thuật phục sinh của Thánh Luca là nhắc tới lời tiên đoán Chúa Giêsu sẽ chết và phục sinh. Sau khi đã nhớ lại những lời ấy, các phụ nữ đã trở về thuật lại sự việc cho nhóm Mười Một, nhưng không được các ngài tin.

Nói tóm lại, chứng từ về phục sinh đã được ngỏ trước nhất với các phụ nữ Galilê. Nhưng chứng từ của họ đã không sản sinh ra niềm tin; nó không đem lại “sự bảo đảm chắc chắn” (asphaleia). Câu truyện của Thánh Luca còn dám đơn cử “các tông đồ” như những người không tin phúc trình này. Niềm tin của các ngài còn tùy thuộc ở việc chính mắt các ngài được trông thấy (xem Cv 1:22). Chỉ có ông Phêrô là được đánh động, nhưng là do tò mò; ông ra đi tự tìm hiểu lấy, và lúc trở về “rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xẩy ra” (câu 12), nhưng vẫn chưa tin. Việc này cần việc hiện ra của Chúa phục sinh, một việc sẽ diễn ra trong câu 34. Câu truyện này sẽ được tóm tắt trong Lc 24:22-24 để chuẩn bị cho câu truyện về Thánh Phêrô.

Mục đích của tình tiết này, một tình tiết vốn xoay quanh việc công bố phục sinh, là trình bầy Chúa Giêsu như người chiến thắng sự chết. Qua “đau khổ” của Người, Chúa Giêsu đã trở thành Đấng Kitô và Chúa Tể phục sinh (xem Cv 2:36); Người đã từ địa vị một bậc thầy và người chữa lành trần thế vươn tới địa vị Chúa Con được siêu tôn, Đấng sẽ đổ tràn “lời hứa của Cha Ta” (Cv 1:4) xuống tất cả những ai biết nhận ra Người lúc bẻ bánh. Sự chết không còn kìm giữ được Người nữa. Trong tình tiết này, ta đã chứng kiến sự kiện: ngay các môn đệ nhiệt thành cũng thấy việc thấu hiểu được cuộc chiến thắng sự chết của Người là điều khó khăn ra sao. Sự khó khăn này sẽ trở nên càng rõ rệt hơn trong những tình tiết tiếp theo, khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với những con người đó và chỉ dần dần mới được họ thừa nhận trong con người thực của Người. Chỉ lúc đó, lời Chúa Giêsu ngỏ với người ăn trộm biết ăn năn mới có ý nghĩa: “Hôm nay, anh sẽ ở với Ta trên Thiên Đàng” (Lc 23: 43). Như người đã chiến thắng sự chết, Chúa Giêsu giờ đây quả đã bước vào nước của Người. Việc chia phần với Người đang chờ đợi bất cứ người môn đệ nào biết nhìn nhận Người như Chúa Tể đã sống lại.