Trên đây ta đã thấy khái quát: Tin Mừng Luca được soạn thảo có phương pháp nhất. Ở đây, ta sẽ đi vào chi tiết hơn để tìm hiểu khía cạnh văn chương của tin mừng này.

Hầu hết các học giả ngày nay đều nhìn nhận giá trị văn chương cao, nhất là văn chương Hy Lạp, của Tin Mừng Luca. Điều này không lạ, vì từ thế kỷ thứ tư, thánh học giả Giêrôm từng coi soạn giả tin mừng thứ ba là “người viết Hy Ngữ sành điệu nhất trong tất cả các tin mừng gia” (Thư gửi Damasum 20.4,4). Theo linh mục Fitzmyer (1), việc Thánh Luca sử dụng sành sõi bút pháp Hy Lạp một phần do bối cảnh văn hóa Hy Lạp của ngài (ngài được coi xuất thân từ Antiôkia, một thành phố chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa này), một phần do ý ngài muốn viết trình thuật của mình theo khuôn thước soạn tác của văn chương Hy Lạp đương thời.

1. Bút pháp

Chỉ cần nhìn cách Thánh Luca diễn đạt lại các tư liệu nguồn cũng đủ thấy ngài rất quan tâm tới việc cải thiện văn phong Hy Lạp của các nguồn được ngài sử dụng. Linh mục X. Léon-Dufour (2) liệt kê một số điển hình độc đáo trong đó, như linh mục Fitzmyer (3) nhận định, Thánh Luca không phải chỉ là một một người thu nhặt, một người chỉ biết cắt dán tư liệu nguồn, trái lại đã đóng góp nhiều khiến các tư liệu kia đầy đủ, dễ hiểu hơn nhiều:

Trước nhất, Thánh Luca thường thêm chủ từ cho một mệnh đề giúp độc giả dễ hiểu hơn. Như khi Thánh Máccô viết: “Họ rình xem Chúa Giêsu…” (Mc 3:2) thì Thánh Luca cho biết “họ” đây là ai: “Các kinh sư và những người biệt phái rình xem Chúa Giêsu…” (Lc 6:7). Ngài cũng thường xác định thuộc từ cho động từ. Máccô chẳng hạn viết “vì chúng biết Người” (Mc 1:34) còn Thánh Luca cho biết thêm: “Vì chúng biết Người là Đấng Kitô” (Lc 4:41). Còn nếu có tối tăm, Thánh Luca sẵn sàng giải thích. Như lúc Thánh Máccô viết: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2:17) thì Thánh Luca giải thích thêm: “để họ sám hối ăn năn” (Lc 5:32). Ngài luôn tìm cách loại bỏ hết các hàm hồ có thể để đạt được độ chính xác cao, giúp độc giả nắm vững giòng chẩy của các biến cố. Ta thấy trong khi Thánh Máccô viết ở 1:38: “Người bảo các ông: chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa…”, thì Thánh Luca nói rõ Chúa Giêsu rao giảng điều gì: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa…” (Lc 4:43).

Việc trình bày bối cảnh tâm lý cho những chữ quan trọng cũng nhằm cùng một mục đích như trên. Điều này được Thánh Luca thực hiện qua các mệnh đề phụ thêm, như trước khi Thánh Gioan Tẩy Giả chối mình không phải là Đấng Kitô, Thánh Luca viết: “Hồi đó, dân đang trông ngóng và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan: biết đâu ông chẳng là Đấng Kitô…” (3:15), trong khi ở Gioan 1:20, ngài chối ngay ngài không phải là Đấng Kitô, dù không ai thắc mắc trực tiếp về tước hiệu đó nơi ngài, mà chỉ hỏi ngài là ai. Hoặc để dẫn tới lý do tại sao Chúa Giêsu dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha, Thánh Luca viết: “Có một lần Chúa Giêsu cầu nguyện ở nơi kia. Khi Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người; Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện…(11:1). Trái lại trong Mátthêu 6:7-8, ngữ cảnh tâm lý không được như thế.

Ngoài ra, các độc giả không quen thuộc với phong tục Palestine sẽ học được nhiều nơi Thánh Luca vì ngài hay có thói quen định nghĩa hay tổng quát hóa nghĩa của lời Chúa Giêsu nói liên quan tới “hương vị” quê hương: khi Mátthêu 23:23 liệt kê “bạc hà, thì là, (rau) húng” (rau là theo tiếng Việt, trong Hy ngữ, chỉ là kyminon, không có chữ rau), thì Luca 11:42 thêm “và đủ thứ rau cỏ”. Khi Máccô 13:28 nói tới “(cây) vả” (cây là bản dịch Việt Nam, Hy ngữ chỉ là sykes), thì Lc 21:29 thêm “và tất cả các cây khác”.

Sự cải thiện của Thánh Luca cũng hệ ở việc sử dụng ít cách diễn tả Sêmít hơn. So với Mátthêu 5:38-48 (nói về việc phải yêu kẻ thù), Luca 6:27-36 ít trích dẫn Luật Do Thái hơn, cả dụ ngôn về hai ngôi nhà cũng thế: trong Lc 6:47-49 về dụ ngôn hai căn nhà, Thánh Luca đã áp dụng bức tranh của Mátthêu 7:24-27 vào bối cảnh Hy Lạp. Ở đó, muốn làm nhà, phải đào móng sâu. Nhưng đào móng sâu vốn không phải là lề thói ở Palestine. Những từ như mưa sa, nước cuốn, bão táp liên hệ nhiều hơn với mùa mưa tại Palestine. Trong khi nói đến sông, có thể Thánh Luca có ý nhắc tới cơn lũ do nước sông Orontes gần Atiôkia tràn vào? (4). Trong câu truyện Chúa chữa người bất toại ở Lc 5:17-26, Thánh Luca cũng đã dùng các chi tiết rấr xa lạ với người Palestine, khi nói tới việc dỡ ngói mái nhà để đưa người bệnh xuống. Mái nhà ở Palestine thường làm bằng xà gỗ đặt lên các tường bằng đá hay bằng đất, phủ bằng sậy và đất sét. Loại mái này chỉ có thể đục thủng như Máccô 2:4 đã diễn tả, chứ không có ngói để dỡ (5).

Ngược lại, đã sử dụng nhiều hình thức có nguồn Hy Lạp hơn. Theo linh mục Fitzmyer, Thánh Luca thường xuyên thay đổi thì hiện tại của Thánh Máccô qua thì quá khứ để phù hợp hơn với lối sử văn Hy Lạp. Có tới 151 thì hiện tại trong Tin Mừng Máccô. Trong số này, khi Tin Mừng Luca có những câu song hành, thì chỉ còn một thì hiện tại được giữ lại, tuy thay đổi từ số nhiều qua số ít: erchontai trong Mc 5:35 trở thành erchetai (đến) trong Lc 8:49. Ngài cũng thường loại bỏ cú pháp la liệt (parataxis) tức hình thức đặt các câu độc lập liền nhau (6), thay thế nó hoặc bằng những câu độc lập sở hữu cách (genitive absolute)(7) hay bằng những câu phụ thuộc theo lối văn Hy Lạp nhiều hơn.

Tin Mừng Luca cũng là tin mừng duy nhất mở đầu bằng một mệnh đề nhiều đoạn (periodic sentence) (8) rất tuyệt vời (1:1-4). Lời mở đầu có nghiên cứu và hợp qui ước này khá giống với các lời mở đầu trong nền văn chương Hy Lạp đương thời hay gần đương thời. Trong Tân Ước, chỉ có đoạn Do Thái 1:1-4 là gần đạt được độ tuyệt vời về bút pháp như thế. Đoạn Luca 3:1-2 cũng tương tự như đoạn mở đầu của tin mừng này, nhưng kết cấu không được hay bằng; và lời mở đầu của Công Vụ 1:1-2 lại càng kém hơn. Tuy nhiên, cả ba đoạn này cho thấy một lối viết không tìm thấy ở đâu khác trong các soạn phẩm của Thánh Luca. Hiện người ta không hiểu tại sao lại có hiện tượng: dù ba đoạn này cho thấy Thánh Luca có dư khả năng soạn tác bằng một lối văn Hy Lạp chau chuốt, tinh tế, nhưng ngài chỉ hạn chế lối văn ấy ở ba đoạn này.

Trên thực tế, người ta phân biệt 3 loại Hy Ngữ trong các trước tác của Thánh Luca: a) bút pháp văn vẻ trong lời mở đầu; b) Hy ngữ mang mầu Sêmít trong trình thuật tuổi thơ; và c) bút pháp bình thường trong phần chính của Tin Mừng và Công Vụ. Hiện tượng này khiến linh mục Léon-Dufour (9) nhận định rằng Thánh Luca là người viết hay thay đổi nhất trong các soạn giả Tân Ước, ngụ ý thất thường nhất. Thay đổi về ngữ vựng: lúc thì dùng những chữ Hy Lạp văn hoa của vùng Attic như charis (ân huệ), belone (kim), lúc lại dùng những chữ tầm thường như apartismos (hoàn tất), brechein (mưa), lúc dùng chữ Sêmít như amen, geena (nơi thiêu đốt), mamonas (tiền tài), lúc lại dùng La ngữ như legeon (đoàn), modios (đơn vị đo lường)… Điều khó hiểu là nhiều khi Thánh Luca thay thế nhiều chữ tầm thường của Tin Mừng Máccô bằng những chữ văn hoa như klinidion (giường) thay cho krabbatos, koniortos (bụi) thay cho chous. Nhưng chữ văn hoa ngắn gọn metemorphothe (biến hình) trong Mc 9:2 đã biến thành một câu dài “và xẩy ra là…dung mạo Người bỗng đổi khác” (kai egeneto… to eidos tou prosopou autou eteron) trong Lc 9:29. Linh mục Fitzmyer nhận định rằng kiểu nói “kai egeneto” (và xẩy ra là) rất thường dùng trong Tin Mừng Luca đến nỗi làm nó trở thành độc điệu. Lại nữa, trong Lc 9:42, daimonion (quỉ) thay thế rất hay cho kiểu nói Hípri pneuma của Mc 9:20, nhưng trong cùng câu ấy lại viết pneuma akatharto (quỉ ô uế).

Về cú pháp cũng thấy có sự không nhất quán, tuy cú pháp của Thánh Luca cổ điển hơn cú pháp của Thánh Máccô. Nguyện vọng pháp (optative) (10) được sử dụng nhuần nhuyễn. Ngài cũng hay sử dụng phân từ thay thế các hình thức động từ có ngôi số (finite verbs) phải nối với nhau bằng kai, như exelthon eporeuthe (đi ra) tại Lc 4:42 thay vì exelthen kai apelthen (lên đường và trẩy đi) trong Mc 1:45 (11). Nhưng rồi cũng thế, tại Lc 8:8, kiểu nói Aram epoiesen karpon (sinh hoa kết quả) lại thay thế cho kiểu nói Hy Lạp tinh ròng edidou karpon tại Mc 4:8.

Dù sao, theo linh mục Fitzmyer, trong khi Hy ngữ của các soạn giả khác của Tân Ước nói chung hơi cách xa với Hy ngữ của thời cổ điển, thì các soạn phẩm của Thánh Luca gần gũi nhất với Hy ngữ ấy và được coi là tao nhã nhất dù có đến 90 phần trăm ngữ vựng của ngài được lấy từ bản Bẩy Mươi và theo linh mục Léon-Dufour, chúng được lấy từ các sách ít được trích dẫn và thuộc thời sau này hơn như Étra, Nơhemia, Đanien, Tôbia, Huấn Ca, 1-2 Macabê.

Thực ra, theo Fitzmyer (12), ngoài Hy ngữ của Bản Bẩy Mươi, Thánh Luca cũng đã sử dụng nhiều kiểu phát biểu của Aram và của Hípri (Sêmít nói chung). Fitzmyer trưng dẫn nhiều câu trong Tin Mừng Luca rất song hành với bản văn Aram gọi là 4Q246, tức bản văn “Con Thiên Chúa” như câu: “ Người sẽ cao cả” trong Lc 1:32 so với câu “Người sẽ cao cả trên mặt đất” trong 4Q246 1:7… hay câu “Người sẽ là vua… mãi mãi” (Lc 1:33) so với câu “Vương quốc của Người sẽ là vương quốc đời đời” trong Q246 2:5). Điều này cũng dễ hiểu, vì Thánh Luca được coi là sống tại Antiôkia, nơi người ta nói tiếng Aram. Lạ một điều, không có chứng cớ gì cho thấy Thánh Luca biết tiếng Hípri, nhưng nhiều kiểu nói Hípri đã được tìm thấy trong tin mừng của ngài, như kiểu nói kai egeneto đã nhắc trên đây, nhất là kiểu ngài dùng thuộc cách (genitive) của Hípri, tức dùng một danh từ ở thuộc cách để bổ nghĩa cho một danh từ khác, trong khi Hy ngữ thường sử dụng một tĩnh từ, như câu Lc 16:8 nói về tên quản lý bất lương mà nguyên văn của Luca là tên quản lý của sự bất lương (oikonomon tes adikias); cùng kiểu nói này đã tìm thấy tại Lc 4:22; 11:20, 31; 16:9; 16:11 và 18:6.

Điều trên cho thấy tham chiếu rộng rãi của Thánh Luca khi soạn thảo tin mừng của ngài. Tuy nhiên, như trên đã nói, nói chung, Thánh Luca vẫn đã sử dụng nhiều kỹ thuật soạn thảo của Hy Lạp. Linh mục Karris (13) nhấn mạnh tới việc Thánh Luca thích ứng các hình thức văn chương Hy Lạp để chuyên chở sứ điệp của mình như thể văn “hội nghị chuyên đề” (mời dùng bữa rồi thảo luận về một vấn đề) tại Lc 7:36-50; 11:37-54; 14:1-24; thể văn diễn từ ly biệt tại Lc 22:14-38.

Thánh Luca cũng dùng nhiều kỹ thuật khác để nối kết các truyền thống và các nguồn khác nhau lại với nhau. Kỹ thuật chuyển tiếp (transition) chẳng hạn đã giúp ngài đưa ra nhiều trình thuật có tính gắn bó. Như trong Lc 5:3, cùng những người biệt phái từng chỉ trích Chúa Giêsu ăn uống với người tội lỗi đã thắc mắc về việc ăn chay của các môn đệ Người: hai trình thuật riêng rẽ này trong Tin Mừng Máccô nay đã được lồng vào một ngữ cảnh.

Trong trình thuật về việc loan báo Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu sinh ra cũng như chính việc sinh ra ấy, ngài đã dùng kỹ thuật đối ngẫu (parallelism) nối liền nhiều truyền thống để chuyển tải nền Kitô học của mình (xem 1:5-2:52). Kỹ thuật đối ngẫu này cũng đã được sử dụng trong lời Chúa Giêsu kêu gọi Giêrusalem thống hối lúc Người vào thành và lúc Người ra khỏi thành ấy. Cẩn thận đọc cả 52 chương của Tin Mừng và Công Vụ Tông Đồ, ta sẽ tìm thấy nhiều đối ngẫu nữa như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu lúc hấp hối xin tha thứ cho kẻ thù quả đối ngẫu với lời cầu nguyện của Thánh Stêphanô; cả khi trình bày các dữ kiện địa dư, ta cũng thấy Thánh Luca sử dụng đối ngẫu: từ Galilê, Chúa Giêsu lên đường đi Giêrusalem và lên với Thiên Chúa; từ Giêrusalem, Giáo Hội lên đường đi tới tận cùng thế giới (Cv 1:8). Cả trong các chủ đề thần học, ta cũng thấy ngài sử dụng kỹ thuật song đối: hành trình của Thánh Phaolô tới Giêrusalem là một mô phỏng cuộc hành trình của Chúa Giêsu; thừa tác vụ của Giêsu khởi đầu và kết thúc với việc cầu nguyện…

2. Kết cấu

Đối ngẫu trong Tin Mừng Luca, thực ra, còn sâu sắc hơn nữa, nếu ta bàn tới kết cấu của tin mừng này. Tiến sĩ Peter Pett, trong cuốn chú giải về Tin Mừng Luca (14), đã chia tin mừng này thành 8 phần. Mỗi phần kết thúc bằng một câu khá đại biểu. Tám câu đó là :

(1) “Còn Ðức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (2:52)

(2) “Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giuđê” (4:44).

(3) “Ðức Giêsu bảo ông: ‘Ðừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống chúng ta là ủng hội chúng ta!’" (9:50).

(4) “Khi Ðức Giêsu ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng” (11:53-54).

(5) “Nó chẳng còn thích hợp để bón đất, hay trộn phân nữa, nên người ta quăng nó ra ngoài. Ai có tai nghe, thì hãy nghe" (14:35).

(6) “Ðức Giêsu nói những lời ấy xong, Người đi đầu, tiến lên Giêrusalem (19:28).

(7) “Ban ngày, Ðức Giêsu giảng dạy trong Ðền Thờ; nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ôliu. sáng sớm, toàn dân đến với Người trong Ðền Thờ để nghe Người giảng dạy” (21:37-38).

(8) “Bấy giờ các ông bái lạy người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa” (24:52-53).

Mỗi phần được kết thúc với các mệnh đề trên đây đều được sắp xếp theo một mẫu đối ngẫu ngược (chiasm) (15), một kiểu mẫu khá được văn chương Hípri cũng như văn chương Hy Lạp ưa chuộng, nhằm làm nổi bật điểm chính của mỗi phần. Những điểm chính này là:

A. Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem giữa bò lừa, được đặt trong máng cỏ (nơi Người được tuyên xưng là Cứu Chúa và là Đấng Kitô) (2.1-7).

B. Là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đối diện với các cám dỗ và đã đánh bại tên cám dỗ (4.1-13).

C. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn tuyên bố về các bí nhiệm của Nước Thiên Chúa (8.1-18).

D. Chúa Giêsu dạy các môn đệ Kinh Lạy Cha để tin mừng hóa thế giới và giải thoát khỏi thử thách sắp đến (11.1-4).

D’. Người đàn bà lưng còng được chữa vào ngày Sabát, vì Chúa Giêsu tới để giải thoát người ta khỏi quyền lực Sa Tan và đem đến cho họ sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa (13.10-17).

C’. Sau khi bị chối từ, Con Người sẽ được mạc khải trong vinh quang (Nước Thiên Chúa được mạc khải công khai) (17.22-24).

B’. Trong dụ ngôn vườn nho, Chúa Giêsu tự mạc khải Người là Chúa Con duy nhất (20.9-18).

A’. Chúa Giêsu chịu đóng đinh tại Giêrusalem giữa những kẻ trộm cướp, nơi Người được tuyên bố là “Vua Dân Do Thái”, Đấng Kitô (23.26-34).

Như ta thấy, câu A: Chúa Giêsu sinh tại Bêlem, vì Người thuộc dòng dõi Đavít, nhưng lại sinh giữa những người thấp hèn (và được các mục đồng tuyên xưng là Vua) quả đối ngẫu với câu A’: Người chết tại Giêrusalem (vì thuộc dòng dõi tiên tri) giữa những người thấp hèn, nhưng được tuyên xưng là Vua Dân Do Thái. Câu B: tư cách Con Thiên Chúa của Người được mạc khải trong cuộc đấu tranh của Người với Satan quả đối ngẫu với câu B’: tư cách ấy được mạc khải trong cuộc đấu tranh với người đời. Câu C: các bí nhiệm của Nước Thiên Chúa được công bố quả đối ngẫu với câu C’: Nước ấy đã được mạc khải công khai. Câu D: các môn đệ được dạy phải cầu xin để sự giải thoát của Chúa được tỏ lộ cho Dân Người, và để Satan bị loại trừ quả đối ngẫu với câu D’: người đàn bà lưng còng, tượng trưng cho Dân Chúa, được giải thoát và Satan bị loại trừ.

Không những 8 phần của Tin Mừng Luca được Tiến Sĩ Pett đọc theo lối đối ngẫu ngược như trên, mà mỗi phần trong 8 phần đó cũng được ông đọc theo lối ấy. Thậm chí nhiều phần nhỏ trong 8 phần đó cũng được ông làm như vậy. Như lời thiên thần nói với ông Giacaria trong Đền Thờ (Lc 1:14-17) lúc ông đang làm phận sự tư tế, đã được Tiến Sĩ Pett đọc theo lối đối ngẫu ngược như sau:

A. Ông sẽ được vui mừng hớn hở,
A. Và nhiều người cũng được hỉ hoan ngày con trẻ chào đời.
A. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa,
A. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống,
B. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần.
C. Em sẽ đưa nhiều con cái It-ra-en về với Chúa là Thiên Chúa của họ.
B’. Em sẽ đi trước mặt Người, đầy thần khí và uy quyền của ngôn sứ Êlia,
A’. Để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu,
A’. Để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay,
A’. Và chuẩn bị cho Chúa,
A’ Một dân sẵn sàng

Theo Tiến Sĩ Pett, điểm trung tâm của đối ngẫu ngược nằm ở câu C, tức việc Gioan sẽ đưa nhiều con cái It-ra-en về với Chúa, đó chính là lý do cậu được sinh ra. Vây quanh mục tiêu trung tâm đó là câu B và câu đối ngẫu B’: mục tiêu đó đạt được là nhờ Thánh Thần, thần khí và uy quyền của Êlia. Thánh Thần sẽ là sức bật chính cho hoạt động của cậu. Còn trong các câu A, ta gặp niềm vui trước việc ra đời của vị tiền hô và bức tranh tả các tiềm năng của cậu, còn trong các câu đối ngẫu A’, cậu sẽ hoàn toàn đạt được tiềm năng đó.

Hầu hết các học giả dựa nhiều vào nội dung để đọc cấu trúc của Tin Mừng Luca. Linh mục Karris cũng chia Tin Mừng Luca thành 8 phần: Lời mở đầu, hừng đông việc nên trọn của lời Thiên Chúa hứa (1:5-2:52), việc chuẩn bị cho thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu (3:1-4:13), Thừa tạc vụ tại Galilê của Chúa Giêsu (4:14-9:50), hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu (9:51-19:27), Giêrusalem bác bỏ Đấng Tiên Tri, Con duy nhất và Đền Thờ Thiên Chúa (19:28-21:38), Bữa ăn sau cùng và việc liên kết Chúa Giêsu với người tội lỗi (22:1-23:56a), chiến thắng của Chúa Giêsu, hứa ban Chúa Thánh Thần và lên trời (23:56b- 24:53). E.E. Ellis, đơn giản hơn, chia Tin Mừng Luca thành 3 phần lớn, không kể lời mở đầu (1:1-4): Tư cách Kitô và Sứ Vụ của Chúa Giêsu (1:52-9:50), giáo huấn của Đức Kitô (9:51-19:44), và hoàn tất sứ vụ của Đức Kitô (19:45-24:53). Linh mục Léon-Dufour cũng đơn giản như Ellis, chia Tin Mừng Luca thành bốn phần: lời mở đầu (1:1- 2:52), sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilê (3:1-9:50), hành trình của Chúa Giêsu tới Giêrusalem (9:51-19:27) và sứ vụ của Chúa Giêsu tại Giêrusalem (19:28-24:53).

Linh mục Nguyễn Thế Thuấn thì ngoài lời mở đầu, đã chia Tin Mừng Luca thành 5 phần: Tin mừng thời niên thiếu (1:5-2:52), sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilê (3:1-9:50), hành trình lên Giêrusalem (9:51-19:28), sứ vụ tại Giêrusalem (19:28-21:38), thương khó và sống lại (22:1-24:53). Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, ngoài lời mở đầu, chia sách thành 7 phần: thời thơ ấu (1:5-2:52), chuẩn bị thi hành sứ vụ (3:1-4:13), rao giảng tại Galilê (4:14-9:50), lên Giêrusalem (9:51-19:27), rao giảng tại Giêrusalem (19:28-21:38), bài thương khó (22-23), sau phục sinh (24). Đây cũng là lối phân chia mà theo linh mục Fitzmyer (16) được đa số các nhà chú giải hiện nay đồng ý.

Linh mục Fitzmyer cho rằng các dị biệt về bút pháp đã tách lời mở đầu và trình thuật niên thiếu không những ra khỏi nhau mà còn ra khỏi các phần khác của tin mừng thứ ba. Từ chương 3 trở đi, trình thuật của Thánh Luca chịu ảnh hưởng rõ ràng của truyền thống Nhất Lãm. Nhưng tại 9:51, ta thấy có sự dị biệt đáng kể đối với trình tự trong Tin Mừng Máccô, vì đến chỗ này, Thánh Luca cho chen trình thuật hành trình của riêng ngài vào. Việc này khiến sự phân chia tin mừng của ngài rõ ràng hơn, vả lại trình thuật này khá đặc biệt trong truyền thống Nhất Lãm; nó tiếp tục tới 18:14 lúc Thánh Luca lấy lại nhiều đoạn trong trình tự của Thánh Máccô. Hai phần sau cùng hiển nhiên do vấn đề chất liệu, phù hợp với hai biến cố khổ nạn và phục sinh mà các tin mừng khác cùng dùng để kết thúc. Vấn đề còn lại là việc tại sao tách việc chuẩn bị sứ vụ của Chúa Giêsu (3:1-4:13) ra khỏi sứ vụ của Người tại Galilê (4:14-9:50). Sự phân chia này xem ra là do cung cách Thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu trở lại thăm Nadarét (4:16-30); ngài chuyển đoạn này từ vị trí của nó trong Tin Mừng Máccô để đặt nó vào đầu các trình thuật liên quan tới sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilê. Cùng với tóm lược ngắn trước đó (4:14-15), hình như đoạn này cố ý phác họa một cách đầy biểu tượng toàn bộ các biến cố sẽ diễn ra đến tận 9:50.

Chúng tôi theo cách phân chia chi tiết như sau của linh mục Fitzmyer (*):

Lời mở đầu 1. Trình thuật đáng tin gửi Thêôphilô 1:1-4
Phần một Trình thuật thời niên thiếu 1:5-2:52
A. 1:5-56 Các biến cố trước khi Thánh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu sinh ra
2. Việc sinh hạ Thánh Gioan được loan báo 5-25
3. Việc sinh hạ Chúa Giêsu được loan báo 26-38
4. Đức Maria viếng bà Êlisabét 39-56
B. 1:57-2:52 Việc sinh ra và tuổi thơ của Thánh Gioan và của Chúa Giêsu
5. Thánh Gioan sinh ra 57-58
6. Việc cắt bì và biểu hiện của Thánh Gioan 59-80
7. Chúa Giêsu sinh ra 2:1-10
8. Việc cắt bì và biểu hiện của Chúa Giêsu 21-40
9. Tìm lại Chúa Giêsu trong Đền Thờ 41-52
Phần hai Chuẩn bị sứ vụ của Chúa Giêsu 3:1-4:13
10. Thánh Gioan Tẩy Giả 3:1-6
11. Thánh Gioan rao giảng 7-18
12. Thánh Gioan bị giam cầm 19-20
13. Chúa Giêsu chịu phép rửa 21-22
14. Gia phả của Chúa Giêsu 23-38
15. Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa 4:1-13
Phần ba Sứ vụ của Chúa Giêsu tại Galilê 4:14-9:50
A. 4:14-5:16 Bắt đầu sứ vụ tại Nadarét và Caphácnaum
16. Tóm tắt: Bắt đầu sứ vụ 14-15
17. Chúa Giêsu viếng Nadarét 16-30
18. Giảng dạy và chữa bệnh tại hội đường Caphácnaum 31-37
19. Mẹ vợ Thánh Phêrô 38-39
20. Các vụ chữa bệnh buổi tối 40-41
21. Rời Caphácnaum 42-44
22. Vai trò của Người Đánh Cá Simon; mẻ cá lạ 5:1-11
23. Chữa một người phong hủi 12-16
B. 5:17-6:11 Các tranh cãi đầu tiên với biệt phái
24. Chữa người đàn ông bất toại 17-27
25. Kêu gọi ông Lêvi; dùng bữa 27-32
26. Tranh luận về ăn chay; các dụ ngôn 33-39
27. Tranh luận về ngày Sabát 6:1-11
C. 6:12-49 Chúa Giêsu giảng dạy
28. Chọn Nhóm Mười Hai 12-16
29. Đám đông theo Chúa Giêsu 17-19
30. Bài giảng ở chỗ đất bằng 20-49
D. 7:1-8:3 Đón nhận sứ vụ của Chúa Giêsu
31. Chữa đầy tớ viên bách quân 1-10
32. Tại Naim: cứu sống con trai một bà góa 11-17
33. Câu hỏi của T.Gioan Tẩy Giả; câu trả lời của Chúa Giêsu 18-23
34. Chúa Giêsu làm chứng cho Thánh Gioan Tẩy Giả 24-30
35. Chúa Giêsu kết án thế hệ của Người 31-35
36. Tha thứ người đàn bà tội lỗi 36-50
37. Các phụ nữ Galilê theo Chúa Giêsu 8:1-3
E. 8:4-21 Lời Chúa được rao giảng và tiếp nhận
38. Dụ ngôn hạt giống được gieo 4-8
39. Tại sao Chúa Giêsu nói bằng dụ ngôn 9-10
40. Giải thích dụ ngôn 11-15
41. Dụ ngôn chiếc đèn 16-18
42. Mẹ và anh em Chúa Giêsu là những người nghe thực sự 19-21
F. 8:22-9:6 Mạc khải từ từ về quyền năng của Chúa Giêsu
43. Làm im sóng gió 22-25
44. Người qủy ám tại Ghêraxa 26-39
45. Chữa người đàn bà băng huyết 40-48
46. Cho con gái Giaia sống lại 49-56
47. Sứ vụ của Nhóm Mười Hai 9:1-6
G. 9:7-36 “Người này là ai?”
48. Phản ứng của Hêrốt đối với danh tiếng của Chúa Giêsu 7-9
49. Các tông đồ trở về; hóa bánh nuôi 5 nghìn người 10-17
50. Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô 18-21
51. Loan báo thứ nhất về Khổ Nạn 22
52. Việc Theo chân Chúa Giêsu 23-27
53. Hiển dung 28-36
H. 9:37-50 Các phép lạ và lời nói khác của Chúa Giêsu
54. Chữa bé trai động kinh 37-43a
55. Loan báo thứ hai về Khổ Nạn 43b-45
56. Các môn đệ tranh chấp nhau 46-48
57. Người không phải là môn đệ trừ qủy 49-50
Phần bốn Hành trình lên Giêrusalem (9:51-19:27)
A. 9:51-18:14 Trình thuật du hành của Thánh Luca
a. Từ lần thứ nhất đến lần thứ hai nói tới Giêrusalem như nơi sẽ tới 9:51-13:21
58. Lên đường đi Giêrusalem và được đón tiếp ở Samaria 51-56
59. Ba người có lẽ theo Chúa Giêsu 57-62
60. Sứ vụ của Nhóm Bẩy Mươi (Hai) 10:1-12
61. Khốn thay các thành Galilê 13-15
62. Các môn đệ như các đại biểu 16
63. Nhóm Bẩy Mươi (Hai) trở về 17-20
64. Chúa Giêsu ca ngợi Chúa Cha; phúc đức các môn đệ 21-24
65. Giới răn để được sống đời đời 25-28
66. Dụ ngôn người Samaria nhân hậu 29-37
67. Mácta và Maria 38-42
68. Kinh Lạy Cha 11:1-4
69. Dụ ngôn người bạn kiên trì 5-8
70. Sự hữu hiệu của cầu nguyện 9-13
71. Cuộc tranh cãi về Bêendêbun 14-23
72. Qủy phản công 24-26
73. Những người thực sự có phúc 27-28
74. Dấu hiệu Giôna 29-32
75. Các lời về ánh sáng 33-36
76. Các lời chống biệt phái và luật sĩ 37-54
77. Men biệt phái 12:1
78. Khuyên đừng sợ tuyên xưng 2-9
79. Chúa Thánh Thần 10-12
80. Cảnh cáo chống tham lam 13-15
81. Dụ ngôn người giầu có khờ dại 16-21
82. Lo lắng của cải trần gian 22-32
83. Kho tàng trên trời 33-34
84. Các lời về sẵn sàng và trung thành 35-46
85. Phần thưởng của tôi tớ 47-48
86. Điều khó hiểu về sứ vụ của Chúa Giêsu 49-53
87. Dấu chỉ thời đại 54-56
88. Thỏa thuận với địch thủ của mình 57-59
89. Kịp thời cải thiện; dụ ngôn cây vả không trái 13:1-9
90. Chữa người đàn bà lưng còng vào ngày Sabát 10-17
91. Dụ ngôn hạt mù-tạt 18-19
92. Dụ ngôn dậy bột 20-21
b. Từ lần thứ hai đến lần thứ ba nói tới Giêrusalem như nơi sẽ tới 13:22-17:10
93. Tiếp nhận và bác bỏ Nước Trời 22-30
94. Hêrốt muốn giết Chúa Giêsu; Người lên đường rời Galilê 31-33
95. Khóc thương Giêrusalem 34-35
96. Chữa người đàn ông phù thũng 14:1-6
97. Các lời về tác phong lúc ăn uống 7-14
98. Dụ ngôn bữa tiệc lớn 15-24
99. Các điều kiện trở thành môn đệ 25-33
100. Dụ ngôn muối 34-35
101. Dụ ngôn chiên lạc 15:1-7
102. Dụ ngôn đồng tiền đánh mất 8-10
103. Dụ ngôn đưa con trai hoang đàng 11-32
104. Dụ ngôn người quản lý bất lương 16:1-8a
105. Ba áp dụng của dụ ngôn 8b-13
106. Khiển trách biệt phái tham tiền 14-15
107. Hai lời về Lề Luật 16-17
108. Về ly dị 18
109. Dụ ngôn người giầu có và Ladarô 19-31
110. Cảnh cáo đừng làm gương xấu 17:1-3a
111. Về tha thứ 3b-4
112. Về đức tin 5-6
113. Chúng tôi chỉ là đầy tớ vô dụng 7-10
c. Từ lần thứ ba nói tới Giêrusalem như nơi sẽ tới đến cuối trình thuật du hành 17:1-18:14
114. Chữa mười người phong cùi 11-19
115. Nước Chúa đã tới 20-21
116. Ngày của Con Người 22-37
117. Dụ ngôn quan tòa bất hảo 18:1-8
118. Dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế 9-14
B.18:15-19:27 Trình thuật du hành của Nhất Lãm
119. Chúa Giêsu chúc lành cho trẻ nhỏ 15-17
120. Người thanh niên giầu có 18-23
121. Liên quan tới giầu có và phần thưởng của môn đệ 24-30
122. Loan báo lần thứ ba về Khổ Nạn 31-34
123. Chữa người mù thành Giêricô 35-43
124. Ông Giakêu 19:1-10
125. Dụ ngôn mười nén bạc 11-27
Phần năm Sứ vụ của Chúa Giêsu tại Giêrusalem 19:28-21:38
126. Vương giả vào Đền Thờ Giêrusalem 28-40
127. Khóc thương Giêrusalem 41-44
128. Xua đuổi người buôn bán khỏi Đền Thờ 45-46
129. Phản ứng của các lãnh tụ Do Thái đối với giáo huấn của Chúa Giêsu 47-48
130. Hỏi về thẩm quyền của Chúa Giêsu 20:1-8
131. Dụ ngôn các tá điền độc ác 9-19
132. Trả cho Chúa hay cho Xêda những gì của Chúa hay của Xêda 20-26
133. Hỏi về việc phục sinh của người chết 27-40
134. Hỏi về Con Vua Đavít 41-44
135. Hãy coi chừng các luật sĩ 45-47
136. Bà góa dâng chút xíu 21:1-4
137. Số phận Đền Thờ Giêrusalem 5-7
138. Các dấu hiệu trước ngày chung cục 8-11
139. Các khuyến cáo về cuộc bách hại sắp đến 12-19
140. Ngày khốc hại của Giêrusalem 20-24
141. Việc xuất hiện của Con Người 25-28
142. Dụ ngôn cây vả 29-33
143. Tỉnh thức và cầu nguyện 34-36
144. Sứ vụ của Chúa Giêsu tại Giêrusalem 37-38
Phần sáu Trình thuật khổ nạn (22:1-23:56a)
A. 22:1-38 Các biến cố dẫn khởi
145. Âm mưu của các lãnh tụ Do Thái (22:1-2)
146. Giuđa phản bội Chúa Giêsu (3-6)
147. Chuẩn bị Bữa Vượt Qua (7-14)
148. Bữa Tiệc Ly (15-20)
149. Chúa Giêsu nói trước về việc Người bị phản bội (21-23)
150. Chúa Giêsu nhận xét về các môn đệ và địa vị của họ trong Nước Trời (24-30)
151. Tiên đoán việc Thánh Phêrô chối Thầy (31-34)
152. Hai thanh gươm (35-38)
B.22:39-23:56a Cuộc khổ nạn, cái chết, và việc chôn cất Chúa Giêsu
153. Cầu nguyện trên Núi Cây Dầu (39-46)
154. Chúa Giêsu bị bắt (47-53)
155. Thánh Phêrô chối Chúa; Chúa Giêsu trước Hội Đồng Do Thái (54-71)
156. Chúa Giêsu bị nộp cho Philatô; cuộc xét xử (23:1-5)
157. Chúa Giêsu bị giải tới Hêrốt (6-12)
158. Philatô kết án (13-16)
159. Chúa Giêsu bị trao để chịu đóng đinh (17-25)
160. Trên đường thập giá (26-32)
161. Chúa Giêsu chịu đóng đinh (33-38)
162. Hai tội phạm trên thập giá (39-43)
163. Chúa Giêsu qua đời (44-49)
164. Chúa Giêsu được chôn cất (50-56a)
Phần bẩy Trình thuật phục sinh (23:56b-24:53)
165. Các phụ nữ tại ngôi mộ trống (56b-24:12)
166. Chúa Giêsu xuất hiện trên đường Emmau (13-35)
167. Chúa Giêsu xuất hiện với các môn đệ tại Giêrusalem (36-43)
168. Lời ủy nhiệm cuối cùng của Chúa Giêsu (44-49)
169. Chúa Giêsu lên trời (50-53).

_____________________________________________________________________________
Ghi Chú
(1) The Gospel According To Luke, Anchor Book 28, Doubleday, 1981, tr. 107tt
(2) “The Synoptic Gospels” trong Introduction to the New Testament, 1965, do hai linh mục A.Robert và A. Feillet chủ biên, tr.238
(3) Đã dẫn, tr.92
(4) Đã dẫn, tr.644
(5) Đã dẫn, tr. 582
(6) Parataxis là một kỹ thuật văn chương nhằm đặt cạnh nhau các mệnh đề, câu hay nhóm chữ không cần liên từ như: tôi đến, tôi thấy, tôi chiến thắng!
(7) Genitive absolute: trong văn phạm Hy Lạp, là lối đặt câu gồm một phân từ và một danh từ ở thuộc cách, dùng làm câu độc lập, thường ở đầu một mệnh đề, trong đó, danh từ ở sở hữu cách là chủ từ của câu độc lập, còn phân từ đóng vai thuộc từ.
(8) Mệnh đề nhiều đoạn (Periodic sentence) là cách đặt mệnh đề thường gồm nhiều câu và ý nghĩa đầy đủ chỉ xuất hiện với câu hay nhóm chữ cuối cùng.
(9) Introduction to the New Testament, bản tiếng Anh, Desclee, 1965.
(10) Nguyện vọng pháp (optative mood) là một thể văn phạm nói lên một nguyện vọng. Tiếng Việt không có thể này, muốn nói, ta phải thêm những chữ như ước chi, ước gì, mong sao. Tiếng Hy Lạp cổ có thể này.
(11) Xem thêm Lc 18:28 (Mc 10:28); Lc 19:35 (Mc 11:7); Lc 20:27 (Mc 12:18).
(12) Đã dẫn, các tr. 114 và tiếp theo.
(13) The Gospel According to Luke, trong bộ The New Jerome Biblical Commentary, Student Edition, Geoffrey Chapman, 1990, tr.676.
(14) www.angelfire.com
(15) Cấu trúc theo lối đối ngẫu ngược (chiastic structure) là một kỹ thuật văn chương được nền văn chương cổ thời sử dụng để nhấn mạnh, song đối hay tương phản các ý niệm hay quan niệm. Thường thường, nó theo điển hình A,B,C,C’,B’,A’ mà cũng có thể là AAAABCB’A’A’A’A’. Các hình thức này thường thấy trong các tác phẩm cổ văn như Odyssey và Iliad hay trong Cựu Ước và Tân Ước nhằm nhấn mạnh các điểm quan trọng mà lại khiến cho độc giả dễ nhớ thuộc lòng. Điển hình nổi bật nhất là trong bộ Ngũ Kinh của Cựu Ước, cấu trúc đối ngẫu ngược xuất hiện ở khoảng giữa sách Xuất Hành qua suốt tới cuối sách Lêvi, tức bắt đầu với giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Do Thái trên Núi Sinai và chấm dứt với lời cảnh cáo của Thiên Chúa về những gì sẽ xẩy ra nếu họ không tuân theo lề luật của Người, điều cũng được coi là giao ước. Các ý niệm chính nằm ở giữa sách Lêvi, từ chương 11 đến chương 20. Các chương này noi về sự thánh thiện nơi Nhà Tạm và sự thánh thiện của Dân It-ra-en nói chung. Cấu trúc đối ngẫu ngược hướng người đọc vào ý niệm trung tâm này: dân It-ra-en phải thánh thiện trong mọi việc họ làm.

Có người gọi cấu trúc này là lối nói xuôi và ngược (forwards and backwards): các câu nói được sắp xếp dưới hình thức phản chiếu của gương. Lối kết cấu này có thể lớn nhỏ tùy ý. Nhỏ là giữa các chữ hay các âm; lớn là giữa những nhóm chữ, mệnh đề hay ý tưởng như đã trình bày ở trên. Nhỏ như trong Amốt 5:4-6a:

Quả thế, Đức Chúa phán thế này với nhà Ít-ra-en:
A. “Hãy tìm Ta thì các ngươi sẽ được sống!
B. Nhưng đừng tìm đến Bết Ên,
C. đừng đi vào Ghin-gan,
* chớ qua Bơ-e Se-va!
C’. Vì Ghin-gan sẽ bị đày biệt xứ,
B’. và Bết Ên sẽ thành chốn không người.
A’. Hãy tìm Đức Chúa thì các ngươi sẽ được sống!
Nếu không, Người sẽ như lửa ập xuống và thiêu rụi nhà Giu-se,
mà không một ai ở Bết Ên dập tắt nổi.

Ta thấy các chữ tìmsống xuất hiện tại A và A’; các chữ Bết Ên xuất hiện ở B và B’; các chữ Ghingan xuất hiện ở C và C’, Bơe Seva đứng một mình làm “tấm gương”.
(16) Đã dẫn tr.134

(*)Đọc thêm “The structure of the Lukan Gospel” trong Fitzmyer, pp. 162-164.