Giải đáp phụng vụ: Những ai được lãnh nhận Bí tích Xức dầu?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong giáo xứ của con và các giáo xứ lân cận, vào ngày thứ sáu đầu tháng, bí tích xức dầu được ban trong Thánh Lễ. Những người mà con quen biết là khỏe mạnh hoặc không có nguy cơ tử vong (thí dụ, các vận động viên trẻ) được xức dầu. Điều này dường như đối với con là một sự lạm dụng bí tích. Nền tảng cho ý kiến này là rằng một điều kiện cần thiết để lãnh nhận một bí tích là người phải có khả năng lãnh nhận nó. Nếu một người không được rửa tội, người ấy thiếu khả năng để lãnh nhận bất cứ bí tích nào. Người ấy có thể rước Mình Thánh, nhưng không lãnh nhận bí tích Thánh Thể - vì người ấy là incapax (không đủ khả năng). Nếu một người không phạm tội, người ấy không có khả năng lãnh nhận bí tích giải tội. Nếu một người không bị bệnh nặng hoặc không có nguy cơ tử vong (thí dụ, sắp bị xử tử hình), thì người ấy không có khả năng lãnh nhận bí tích xức dầu. Xin cha cho biết ý kiến của cha về các điểm trên đây; cám ơn cha nhiều. - F. M., Gosford, Australia


Đáp: Theo qui định hiện hành, bí tích xức dầu được ban “cho một tín hữu đã biết xử dụng trí khôn, khi họ lâm cơn hiểm nghèo vì bệnh tật hay tuổi già” (Bộ giáo luật, điều 1004 §1; bản dịch Việt ngữ của các linh mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh). Sách Giáo lý, tổng hợp các công hiệu của bí tích này, cho biết trong số 1532:

"Ơn riêng của bí tích Xức Dầu có những hiệu quả sau đây:

“- kết hiệp bệnh nhân với Ðức Kitô chịu khổ nạn, vì lợi ích cho họ và toàn thể Hội Thánh;

“- được ơn sức mạnh, bình an và can đảm đón nhận theo tinh thần Kitô giáo những đau khổ do bệnh tật hay tuổi già ;

“- tha tội trong tường hợp bệnh nhân không xưng tội được;

“- hồi phục sức khoẻ nếu hữu ích cho phần rỗi;

“- chuẩn bị bước vào đời sống vĩnh cửu” (Bản dịch Việt ngữ của Ban giáo lý Tổng giáo phận Sàigòn).

Các quy định của “Nghi thức xức dầu cho bệnh nhân và chăm sóc mục vụ cho họ [PCS]" do Tòa Thánh ban hành, làm rõ các điều kiện để có thể lãnh nhận bí tích này.

Về việc xem xét mức độ nghiêm trọng của bệnh, số 8 của Nghi thức nói rằng "Thật là đủ khi có một phán đoán thận trọng hoặc có thể xảy ra về mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tất cả sự lo lắng về vấn đề này cần được đặt sang một bên và, nếu cần thiết, hỏi ý kiến bác sĩ”.

Ngoài ra: "Bí tích này có thể được thực hiện lại, nếu người bệnh đã phục hồi sau khi lãnh nhận bí tích lần trước rồi. Bí tích cũng có thể được ban thêm một lần nữa nếu, trong lúc bị bệnh tương tự, tình trạng nguy hiểm của người bệnh trở nên trầm trọng hơn".

Sự phẫu thuật lớn cũng là một nguyên nhân đủ để lãnh nhận bí tích, ngay cả nếu điều kiện là tự thân chưa đe dọa mạng sống ngay lập tức: "Trước khi phẫu thuật (tức là “mổ”), bí tích xức dầu có thể được ban cho người bệnh, vì thường bệnh nguy hiểm là nguyên nhân của phẫu thuật".

Ở đây, Giáo Hội phân biệt giữa một bệnh tự nó không đảm bảo việc nhận lãnh bí tích, và bệnh tương tự trước khi phẫu thuật. Trong trường hợp sau, việc xức dầu trở nên bảo đảm.

Về người cao tuổi: "Bí tích xức dầu có thể được ban cho người già, đang bị yếu nhiều về sức khỏe, mặc dù không có dấu hiệu của một bệnh nguy hiểm". Trong trường hợp này, việc xức dầu có thể được lặp đi lặp lại theo định kỳ khi tuổi già càng tăng lên.

Bí tích xức dầu cũng có thể được ban cho trẻ em bị bệnh "từ thời họ đạt đến tuổi khôn và sử dụng lý trí, để họ có thể được tăng sức mạnh bởi bí tích này".

Bí tích xức dầu cũng có thể được ban cho người bất tỉnh nếu "là tín hữu, họ có thể sẽ xin lãnh bí tích, trong khi họ đang sở hữu khả năng của mình". Tương tự như vậy, nếu một người dường như đã chết, nhưng linh mục "nghi ngờ liệu người ấy đã thực sự chết không, ngài có thể xức dầu có điều kiện cho người ấy".

Cho đến gần đây, giáo lý Công Giáo không xem bí tích xức dầu là cần thiết cho các bệnh mãn tính không đe dọa tính mạng, bệnh tâm thần và các điều kiện khác, như nghiện ma túy và nghiện rượu. Tuy nhiên, bí tích có thể được ban, trong trường hợp của một tình trạng nguy hiểm, vốn phát sinh từ các điều kiện ấy, chẳng hạn dùng thuốc quá liều.

Tuy nhiên, y khoa đã phát hiện ra rằng một số bệnh tâm thần là thực ra triệu chứng của sự mất cân bằng về thể chất. Ví dụ, bệnh mất trí nhớ, liên quan đến bệnh Alzheimer, là dường như tâm thần, nhưng nó cũng là một bệnh gây tử vong và không thể chữa khỏi.

Ngay cả khi bệnh tâm thần nghiêm trọng không bị gây ra bởi các hiện tượng vật lý được biết đến, số 53 của phần Dẫn nhập của "Nghi thức xức dầu cho bệnh nhân và chăm sóc mục vụ cho họ [PCS]" mở ra khả năng của việc sử dụng bí tích xức dầu trong trường hợp như vậy. Xin mời đọc:

"Một số loại bệnh tâm thần hiện nay được xếp loại như là nghiêm trọng. Những người được đánh giá là có một bệnh tâm thần nghiêm trọng, và người sẽ được tăng sức mạnh bởi bí tích, có thể lãnh bí tích này. Việc xức dầu có thể được lặp lại theo các điều kiện đối với các loại bệnh nghiêm trọng".

Thừa tác viên nên tiến hành một cách thận trọng đối với việc xức dầu cho người bệnh tâm thần. Không có tiêu chuẩn rõ ràng để xác định "tình trạng nghiêm trọng". Vì lý do này, các tình huống này cần được xử lý trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, và nên tham vấn với bác sĩ của người đó.

Thật là quan trọng để nhắc lại rằng các nguồn ân sủng thông thường của Giáo Hội, chẳng hạn việc năng đến với bí tích hòa giải và bí tích Thánh Thể, sùng kính Đức Mẹ, cũng như cầu nguyện và tìm sự linh hướng, là lợi ích nhiều trong việc giúp chúng ta vượt qua các gánh nặng ấy, hoặc ít nhất là nhẫn nại chịu các sự thử thách, vốn được Chúa cho phép.

Động thái ban bí tích xức dầu không (mặc dù nó có thể bao gồm) là tha tội cá nhân của người lãnh nhận, nhưng để hô có được sức mạnh mà họ có thể cần, hoặc để chịu đau khổ của họ, hoặc để vượt qua sự nản lòng. Như số 52 của Nghi thức xức dầu nói: "Những người lãnh nhận bí tích này, trong đức tin của Giáo Hội, sẽ thấy nó là một dấu hiệu thực sự của sự an ủi và hỗ trợ, trong thời gian thử thách và đau khổ. Nó sẽ hoạt động để vượt qua bệnh tật, nếu đó là ý Chúa muốn".

Do đó, mặc dù các sự xếp đặt của Giáo Hội cho phép một việc ban bí tích hào phóng cho bệnh nhân, bí tích được nhắm tới việc bệnh trở nên nặng từ một tình trạng thể lý hoặc tinh thần. Bí tích xức dầu không nên được ban chung chung và bừa bãi.

Cuối cùng, mặc dù độc giả chúng ta đề cập đến một tội phạm sắp bị tử hình, một người như vậy thường không đủ khả năng cho bí tích xức dầu. Trong khi cái chết có thể sắp xảy ra, nguyên nhân không phải là do bệnh tật. Đối với một người như vậy, bí tích Hòa giải và việc rước lễ sẽ là phương tiện bình thường, cho sự an ủi tinh thần trong những giây phút ấy. (Zenit.org 28-6-2016)

Nguyễn Trọng Đa