LỄ KÍNH CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN
MICHAEN, GABRIEN VÀ RAPHAEN

Hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng lễ kính các tổng lãnh thiên thần Micaen, Gabrien và Raphaen. Xin được gợi ý suy niệm ba điểm sau đây: Sự hiện diện của các thiên thần; sứ mạng của các ngài; nhiệm vụ của chúng ta đối với các thiên thần.

1. Sự hiện diện của các thiên thần
Là người Kitô hữu, chúng ta xác tín về sự hiện diện của các thiên thần. Có vô số các thiên thần. Có các tổng lãnh thiên thần. Có các thiên thần bản mệnh. Đó là chân lý đức tin. Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 328 dạy rằng: “Sự hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thân xác mà Thánh Kinh thường gọi là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Chứng từ của Thánh Kinh cũng rõ ràng như toàn thể Thánh Truyền”.
Thật vậy, từ Cựu Ước sang Tân Ước, nơi này nơi khác làm chứng cho chúng ta về sự hiện diện của các Thiên Thần. Xin được đơn cử một vài dẫn chứng:
Thánh vịnh 103 diễn tả:
“Chúng tụng Chúa đi, hỡi muôn vì thiên sứ
Bậc anh hùng dũng mãnh thực hiện lời Người
Luôn sẵn sáng phụng lệnh” (Tv 103,20)
Các Thiên Thần hát mừng Chúa trong đêm Giáng Sinh: “Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:"Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương."(Lc 2,13-14)
Trong ba năm giảng đạo, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến các Thiên Thần. Ngài cho biết rằng, dù là kẻ bé mọn thì cũng có các Thiên Thần đồng hành, gìn giữ: “Anh em coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các Thiên Thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”(Mt 18,10). Ngài cho biết thêm: trong cuộc phán xét chung, khi Con Người đến trong vinh quang, có các thiên thần theo hầu (x. Mt 25,31). Và Sau khi sống lại, con người giống như các thiên thần (x.Lc 20,36). Và trong đoạn tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với ông Nathanaen rằng: "Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người"(Ga 1,51).
Thỉnh thoảng các tông đồ cũng nhắc tới sự hiện diện của các thiên thần. Thánh Phêrô nhắc đến các thiên thần dữ: “Thiên Chúa sẽ không dung thứ cho các thiên thần có tội, nhưng đã đẩy họ vào hố địa ngục tối tăm giữ họ để chờ chuộc phán xét” (2Pr 2,4). Trong bài đọc thứ nhất, sách Khải huyền nói đến sự giao chiến giữa thiên thần Micaen với Con Mãng Xà (Kh 12,17). Thánh Phaolô nhắc đến tên tổng lãnh thiên thần, Ngài nói: “Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên”(1Tx 4,16).
Như vậy, niềm tin vào sự hiện diện của các thiên thần là niềm tin chắc chắn, vì có nền tảng từ Thánh Kinh và Thánh Truyền.

2. Sứ mệnh của các thiên thần
“Ngay từ khi Chúa sáng tạo trời đất, các thiên thần luôn có mặt, và suốt lịch sử cứu độ, các ngài đã hoặc xa hoặc gần loan báo ơn cứu độ và phục vụ việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa”(x.Giáo lý HTCG số 332).
Thánh Augustinô nói rằng: “Tên các thiên thần là danh xưng chỉ các chức phận chứ không chỉ bản tính”. Thường chúng ta nghe kể đến ba Tổng lãnh thiên thần mà Giáo Hội mừng kính hôm nay: Micaen, Gabrien và Raphaen. Tổng lãnh thiên thần Micaen với danh hiệu là “Ai bằng Thiên Chúa”. Tổng lãnh Thiên thần Gabrien với danh hiệu là “Sức mạnh của Thiên Chúa”. Tổng lãnh thiên thần Raphaen với danh hiệu là “Linh dược của Thiên Chúa”. Ngoài ra, còn có vô số các thiên thần: “Các Ngài đã đóng lại vườn địa đàng, bảo vệ ông Lót, cứu chữa Agar và con bà này, ngăn lại bàn tay của ông Abraham, Lề Luật cũng đã được thông ban nhờ thừa tác vụ của các ngài. Các ngài đã dẫn đưa Dân Thiên Chúa. Các ngài đã loan báo những sự sinh con, và những ơn gọi, đã trợ tá cho các tiên tri”(x. Giáo lý GHCG số 332).
Sách Isaia diễn tả các thiên thần Xê-ra-phim đứng chầu: “Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay” (Is 6,2).
Các thiên thần luôn luôn chiêm ngưỡng thánh nhan của Cha Thầy trên trời (x. Mt 18,10). Các thiên thần là những người làm theo lời Thiên Chúa, luôn chú ý nghe lời Ngài, sẵn sàng để chờ lệnh của Thiên Chúa.
Các thiên thần là những sứ giả của Thiên Chúa. Thiên thần Gabrien truyền tin cho Đức Mẹ (x.Lc 1,26-38) và ông Giacaria (Lc 1,5-25). Thiên thần Raphaen được sai đến với ông Tôbia để thi hành nhiệm vụ: dẫn đường, cưới vợ, chữa mắt và dâng những lời cầu nguyện của ông Tôbia và cô Sara lên trước nhan Thiên Chúa(x. Tb 12,12). Thiên Thần Micaen giao chiến với con Mãng Xà.
Các thiên thần có sứ mạng bảo vệ Chúa Giêsu và thờ lạy Ngài. Từ khi sinh ra ở hang đá Bêlem, các thiên thần hát lời ngợi khen “Vinh danh Thiên Chúa trên trời”(Lc 2,14). Các thiên thần đã bảo vệ tuổi thơ của Chúa Giêsu, phục vụ Ngài trong hoang địa, an ủi Ngài trong lúc hấp hối. Cũng chính các thiên thần đã “loan báo tin mừng”(Lc 2,10) khi đưa tin mừng của việc Nhập thể và của sự Sống lại của Chúa Kitô. Và cũng các thiên thần sẽ loan báo cuộc trở lại của Chúa Kitô, phục vụ cho cuộc thẩm phán(x. Giáo lý HTCG số 333).
Các thiên thần không những có sứ mạng phục vụ Chúa mà còn có sứ mạng phù hộ loài người. “Từ tuổi thơ cho đến chết, cuộc sống con người được các ngài bảo vệ và được các ngài cầu bầu cho. Mỗi tín hữu có bên cạnh mình một thiên thần như vị bảo vệ và như mục tử để hướng dẫn mình tới sự sống”(x. Giáo lý HTCG số 336). Các Giáo phụ không ngừng lặp lại rằng: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào, Ngài sai các thiên thần là một loài cao cả hơn chúng ta, để giúp đỡ chúng ta trên đường lữ hành. Các thiên thần biểu lộ lòng thương yêu săn sóc của người Cha đối với từng người chúng ta”.
Nói tóm lại, sứ mệnh của các thiên thần là phụng thờ Thiên Chúa và phù hộ loài người.

3. Nhiệm vụ của chúng ta đối với các thiên thần
Từ nhỏ tôi rất ấn tượng về bức tranh “chết lành”. Trong bức tranh đó: Kẻ hấp hối là một người chồng đang âu yếm nhìn vào thánh giá Chúa. Có linh mục đang ban các bí tích sau hết. Có vợ con bên cạnh. Có Chúa ngự trên cao đang chờ đón. Đặc biệt, có các thiên thần. Một thiên thần đang ở bên cạnh giường để an ủi. Một thiên thần đang xua đuổi ma quỷ. Còn bức tranh “chết dữ”: Kẻ hấp hối cũng là một người chồng. Ông không nhìn thánh giá, không chịu lắng nghe linh mục khuyên bảo, không để ý đến người vợ yêu quý của mình. Ông chỉ nhìn vào bức hình của một cô gái đang còn trong tay ma quỷ (có lẽ là người tình). Vợ khóc lóc. Ma quỷ vây xung quanh giường, rắn rết, lửa hoả ngục… Còn thiên thần đang khóc và bỏ đi.
Sứ điệp của hai bức tranh đó mời gọi chúng ta: Hãy nghe theo sự hướng dẫn, thúc giục của các thiên thần. Hãy liên kết với các thiên thần, nhất là tổng lãnh thiên thần Micaen để đẩy lùi quỹ dữ dưới mọi hình thức đang vây bủa chúng ta: Vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé (x.1Pr 5,8). Hãy xin thiên thần Gabrien giúp chúng ta biết mau mắn thưa xin vâng những sứ điệp mà Thiên Chúa muốn gửi đến trong cuộc sống hằng ngày. Hãy xin thiên thần Raphaen đồng hành với chúng ta, nhắc nhở chúng ta làm nhiều việc thiện. Xin Ngài dâng lên trước toà Chúa tất cả các việc lành chúng ta làm.
Ước gì, chúng ta luôn biết cộng tác với các thiên thần sống lành để được chết lành, đừng để thiên thần phải khóc khi nhìn thấy chúng ta sa hoả ngục như trong bức tranh “chết dữ” kia. Amen

Lm. Anthony Trung Thành