MỘT VÀI SUY NGHĨ VÀ CẢM NHẬN KHI ĐẾN THĂM BỆNH NHÂN HIV/AIDS TẠI TRỌNG ĐIỂM MAI LINH – BÌNH PHƯỚC

Từ khi nhận được tin Huynh trưởng Giáo xứ Bà Trà được đi thăm các bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối tại Trọng điểm Mai Linh thuộc tỉnh Bình Phước, trong đầu tôi hiện ra biết bao những suy nghĩ và mường tượng về một nơi đầy rẫy sự chết chóc, buồn bã, đau thương…

Xem Hình

Ngày chúng tôi ra đi, tiết trời cũng trở nên se lạnh, ngồi trên xe, mọi người hát vang các bài ca sinh hoạt thật vui. Nhưng khi những lời ca ấy dứt thì tôi lại tiếp tục tưởng tượng ra những điều mà mình sắp chứng kiến. Có lẽ tôi là người luôn có trong mình một chút chất nghệ sĩ nên khéo tưởng tượng và mặc dầu chưa gặp họ bao giờ nhưng trong lòng tôi vẫn trào lên một niềm thương cảm, tôi tự hỏi: “các bệnh nhân ở nơi ấy đau đớn như thế nào, các Soeur chăm sóc vất vả ra sao?...”

Tôi cũng không quên cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng cho tôi biết mình cần phải nói gì và làm sao với những giây phút ngắn ngủi ở nơi ấy tôi có thể làm cho họ nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Thật khó đúng không? Nhưng Thiên Chúa Ngài hiểu thấu lòng tôi, Ngài biết nơi sâu thẳm trái tim tôi, tôi muốn nói với tất cả mọi người “Chúa yêu hết thảy mỗi chúng ta”. Tôi muốn nói với các bệnh nhân HIV/AIDS rằng: “Đối với tôi và bạn, điều quan trọng nhất trong lúc này là sự bình an, và với sự bình an ấy thì dù trong cái đau đớn của thân xác tưởng chừng như không còn hy vọng, ta vẫn có thể tìm được hạnh phúc”. Quả thực, Tôi mong ước hướng họ đến hạnh phúc từ Thiên Chúa.

Xe chúng tôi dừng ở Khoa Nội A – Bệnh Viện Nhân Ái. Tiếp đón chúng tôi có hai Soeur và một số nhân viên. Khi vừa bước xuống xe, tội nhận ra nhiều bệnh nhân đứng xa xa đang chờ đợi chúng tôi: người đứng trước cửa, người đứng ngoài khuôn viên,… Tôi cảm nhận ở nơi họ có điều gì đó toát lên cái vẻ hiền lành, đơn sơ đến mức lấn át những vết săm trên thân thể họ, và cả những quá khứ đã qua.

Tôi bắt đầu cảm nhận sự hiền hòa, yên bình của cảnh vật và con người nơi đây. Sự thân thiện, cởi mở và những nụ cười ấm áp của các Soeur đang phục vụ nơi đây, làm cho chúng tôi vững tin hơn. Tôi tin rằng, qua sự hiện diện và chăm sóc của các Soeur đã đánh động tâm hồn những bệnh nhân nơi đây và chắc hẳn họ cảm nhận được các Soeur như những người thân yêu và xa hơn họ cảm nhận được họ có một vị Cha chung, vì như Chúa Giêsu đã nói: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,35). Trong bầu khí của tình yêu hiện diện, Tôi không mấy quan tâm tới quá khứ hay tương lai của họ, điều quan trọng là giây phút hiện tại họ hiền lành và cần nhiều sự sẻ chia, động viên và khích lệ từ người khác. Tôi yêu tất cả mọi người nơi đây.

Đoàn chúng tôi đến thăm từng phòng, chúng tôi tản ra mỗi người đến với từng bệnh nhân để tặng quà và thăm hỏi họ, Tôi bắt đầu dừng lại lâu hơn ở một giường bệnh khi bắt gặp hình ảnh: Một người mẹ khóc nức nở khi đứng bên giường bệnh của con trai bà, còn cậu con trai thì ho liên hồi, khó thở; mỗi tiếng ho không phát thành tiếng của người con như những mũi dao đâm thấu trái tim bà và hai hàng nước mắt của bà trào tuôn như hai dòng nước. Bà cũng đã già lắm rồi, khuôn mặt khắc khổ, in hằn những nếp nhăn của thời gian. Nhìn vẻ mặt của bà tôi hiểu rằng, có lẽ bà còn đau đớn hơn gấp nhiều lần so với cậu con trai bà đang phải chống chọi với căn bệnh thế kỷ đang hoành hành trên thân xác từng phút, từng giây. Mỗi lần đứa con ho, bà luống cuống, muốn tìm một cách nào đó để giúp đỡ cho con bà, nhưng đành bất lực. Điều bà chỉ có thể làm cho đứa con trai tội nghiệp của bà lúc này đây chỉ có thể là những cái xoa trán, bóp tay, kèm theo những dòng nước mắt lăn dài trên má… thật tội nghiệp và xót xa.

Bà hỏi đứa con “Con ăn gì để mẹ mua, mẹ mới mượn được bốn trăm ngàn lên thăm con đây, con đừng có về (có lẽ với hoàn cảnh hiện tại của bà, bà không thể chăm sóc cho đứa con này ở gia đình), lời nói của bà hòa trong dòng lệ: “con cố gắng ở đây mà chữa bệnh, mẹ sẽ tiếp tục lên thăm con, cố gắng chữa cho khỏi rồi về (bà nói để trấn an con bà vậy thôi, chứ tôi hiểu rằng, bà biết đứa con trai của bà sẽ chẳng thể trở về với bà nữa. Mà có trở về thì lúc ấy cũng chỉ là cái xác không hồn). Tôi biết bà rất muốn ở lại với con, còn niềm đau nào đau hơn niềm đau khi đứa con thân yêu của mình sắp lìa đời mà không có người thân yêu bên cạnh… Cậu con trai trả lời bà với một giọng mệt nhọc, ánh mắt đờ đẫn vô hồn, đứt quãng bởi những tràng ho liên tục “Mẹ ra đi… chút nữa con ăn… giờ con muốn uống nước ngọt… mẹ mua nước ngọt cho con uống đi…”, rồi cậu lại tiếp tục ho…

Cuộc đối thoại ngắn ngủi của hai mẹ con đưa tôi trở về với những nét đẹp thiêng liêng của tình mẫu tử, cậu con trai đang nằm trên giường bệnh kia chắc hẳn cũng đã từng là một đứa trẻ ngoan, đã từng làm cho bố mẹ cậu vui vẻ và cảm thấy hạnh phúc vì sự hiện diện của cậu trên cuộc đời này. Chắc hẳn cậu cũng đã từng đi học, đã từng đến trường, đã từng có một tuổi thơ êm đềm bên bạn bè và những người thân… Điều gì đã khiến một đứa trẻ hồn nhiên đáng yêu ấy trở nên như thế này? Cậu đáng thương hay đáng trách?...

Tôi rùng mình khi nghĩ đến những yêu chiều của người mẹ, những thú vui sa đọa trong nhịp sống thời hiện đại, những hoàn cảnh sống không lành mạnh như một “tên giết người thầm lặng” đưa tiễn cậu vào đây. Và ngoài cái thế giới bao la rộng lớn kia còn biết bao nhiêu kẻ mù quáng, rộng bước trên con đường thênh thang sa đọa để đến với cái nơi sầu não này.

Cậu con trai tiếp tục ho, và bà mẹ lại luống cuống: “Con vái vợ con đi” (có lẽ vợ cậu cũng đa qua đời rồi). Tôi vội đeo vào tay cậu cỗ tràng hạt và nói “Anh đeo chiếc vòng này vào, anh sẽ được bình an” – Anh gật đầu và bà mẹ cũng thế. Tôi bắt đầu lo cho cái số phận đời đời của cậu cũng như những bệnh nhân nơi đây. Chính trong lúc ấy tôi nhận ra sứ mạng của các Soeur trong cộng đoàn Mai Linh thật cao cả, tôi nhận ra Thiên Chúa quả thật tài tình làm sao khi thánh hóa được những con người biết hy sinh cả bản thân mình ở trần gian này để phục vụ cho tha nhân. Những tấm gương này cho tôi thấy tôi chẳng là gì, chỉ là một hạt bụi nhỏ trên con đường nhân đức.

Sau lời cầu chúc bình an cho hai mẹ con, tôi ra đi, trong lòng đen xen những cảm xúc khó tả.

Đến với những bệnh nhân khác, tôi nhận thấy có người vui vẻ ca hát, có người buồn phiền, đau khổ, thất vọng, có người vẫn chưa trút bỏ được hết cái vẻ hoang đàng của mình, nhưng nhìn chung mọi điều đều như đi vào một trật tự bình yên của bệnh viện. Tôi hiểu rằng chỉ có tình yêu Thiên Chúa bao trùm lên nơi đây mới có thể mang lại một vẻ yên bình như thế, yên bình như một dòng sông êm đềm mà lòng sông thì dậy sóng.

Chia tay với các bệnh nhân, chúng tôi về ăn cơm, nghỉ ngơi và nghe các Soeur chia sẻ. Có Soeur đã phục vụ nơi đây hơn chín năm rồi, có Soeur ba, bốn năm, có Soeur một vài tháng… Có lẽ tôi có cái suy nghĩ hơi khác với mọi người là thương cảm cho các Soeur hiện diện nơi đây. Tôi thấy các Soeur thật hạnh phúc khi được Thiên Chúa mời gọi để đến với một nơi tận cùng của xã hội như thế này, hạnh phúc khi những điều các Soeur cho đi để mang về cho Thiên Chúa những linh hồn tội lỗi, những con chiên lạc đàn, hạnh phúc khi các Soeur phục vụ cho tha nhân, làm chứng cho Chúa trong cuộc đời này mang đến cho các bệnh nhân nơi đây một tia hy vọng đã bị tắt ngấm từ lâu. Chính các Soeur đã cho những bệnh nhân nơi đây nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của họ. Giữa bùn lầy nước đọng dơ bẩn, giữa sầu não hoang tàn chết chóc, mọc lên cây hoa hy sinh, dấn thân, phục vụ vươn mình đón ánh nắng mặt trời đâm chồi nảy lộc và nở hoa. Chính trong ánh nắng chan hòa của tình người, Thiên Chúa đã sưởi ấm cho cuộc đời những con người tội lỗi nơi đây. Để ở nơi khắc nghiệt nhất, một nơi ngập tràn đau khổ, mọi người cảm nhận được tình yêu trỗi vượt lên trên tất cả mọi sự kể cả sự chết. Căn bệnh thế kỷ được chữa lành bởi mạch nước trường sinh khi bàn tay của các Soeur rửa tội cho các bệnh nhân nơi đây, để từ một người tội lỗi, họ trở về với cái nét đẹp nguyên thủy lúc ban đầu, đẹp đẽ như một thiên thần. Tôi nhận ra rằng, Chúa đặt để mỗi người ở một vị trí khác nhau, mỗi sứ mệnh khác nhau và trong bất kỳ hoàn cảnh nào ta cũng có thể dùng đời sống của mình làm chứng nhân cho Chúa.

Tôi và bạn, chúng ta không thể kiêu sa như đóa Hồng, không thể khoe màu như nàng Cúc, không thể kiêu hãnh như Mẫu Đơn, không nhiều hương thơm như Dạ Lý, và cũng chẳng được thánh thiện như nàng Huệ, nhưng tôi và bạn hoàn toàn có thể làm những đóa hoa đồng nội mọc lên giữa đồng, hay bên vệ đường để những người sống bên lề của xã hội họ cũng được nhìn ngắm sự mong manh, yếu đuối, cố sức vươn lên đón ánh nắng mặt trời và được tưới mát trong dòng nước trường sinh của Thiên Chúa. Tôi và bạn đều đẹp dù là hoa lá hay cỏ cây.

Tôi hy vọng sau chuyến đi này, mỗi người Huynh trưởng nhận ra và ý thức về sứ mạng của mình để dấn thân hơn trên con đường phụng sự Thiên Chúa theo cách riêng của mỗi người dù bạn đang ở cương vị nào, vị trí địa lý nơi đâu.

Chia tay các Soeur với những nụ cười ấm áp, chan hòa, những cái ôm nhẹ đầy quyến luyến, đoàn chúng tôi lên đường trở về. Trên xe, thay vì hát, chúng tôi đọc kinh cảm tạ Thiên Chúa, mọi người im lặng, có lẽ ở trong lòng mỗi người đều có những suy nghĩ và cung bậc cảm xúc khác nhau.

Sau chuyến đi này, Tôi hy vọng với sứ mạng của người Huynh trưởng, mỗi người chúng ta hy sinh hơn, dấn thân hơn trên con đường phụ sự của mình, lấy “chất liệu” từ những “mầm, chồi” là các em thiếu nhi, ươm mầm một tương lai tươi đẹp, nối kết nhau qua bao thế hệ, cùng tạo nên một thế giới yên bình – thánh thiện nơi đó tràn ngập tiếng cười và tình yêu thương và nơi đó không còn những đua tranh, ganh ghét và cũng không còn những tệ nạn xã hội nữa. Làm được điều đó, chúng ta đã cộng tác đắc lực vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa để mọi điều trở nên tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn.

Trước khi kết thúc, tôi xin được mượn một câu nói của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận để thay cho lời kết: “Sống cho giây phút hiện tại, chấm này nối chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài, phút này nối phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp, sống mỗi phút cho tốt đời sẽ thành, đường hy vọng cho mỗi chấm hy vọng, đời hy vọng do mỗi phút hy vọng”.

Mến chúc tất cả mọi người mang trên mình vẻ đẹp của Thiên Chúa, sống chứng nhân để bất cứ ai khi tiếp xúc với bạn và tôi, họ cũng cảm nhận tình yêu Thiên Chúa. Chúc mọi người sẽ là “cây hoa đẹp” giữa “vườn đời” bao la.

Bình Dương, ngày 4 tháng 01 năm 2014

Têrêsa Lê Nguyễn Phương Anh