Đức Hồng y Gracias: Giáo Hội Á Châu đồng hành với Đức Thánh Cha Phanxicô

Mumbai (AsiaNews) - Đức Tổng Giám Mục của Mumbai nói về vị Tân Giám mục Thành Rôma và ảnh hưởng của ngài đối với Giáo Hội tại Ấn Độ và trên khắp lục địa Á Châu. Những cụm từ "Ra đi, xây dựng, tuyên xưng" mà Đức Thánh Cha sử dụng trong Thánh Lễ đầu tiên của ngài với các hồng y cũng rất quan trọng đối với Phương Đông.

"Việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một trải nghiệm của sự sống lại", bởi vì, cùng với việc từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Giáo Hội cảm thấy bất an, nó đã minh chứng cho ý nghĩa của Lễ Phục Sinh. "Nếu chúng ta ở lại với Tin Mừng, Chúa Phục Sinh sẽ luôn luôn ở cùng chúng ta", Đức Hồng y Oswald Gracias cho hay trong suy tư của ngài. Đức Tổng Giám Mục của Mumbai và chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ (CBCI) đã chia sẻ với Thông tấn xã Tin Tức Á Châu suy nghĩ của ngài về Đức Giáo Hoàng Phanxicô, lời mời gọi của ngài đừng thoái chí và đừng đánh mất hy vọng khi tiếp cận Giáo Hội tại Ấn Độ và Á Châu "theo cách thế cá nhân". Dưới đây là suy tư của Đức Hồng y Oswald Gracias:

Sự từ nhiệm của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mang lại phần lớn suy nghĩ về sự không chắc chắn trong đời sống của Giáo Hội. Đối với tôi, đó là sự đau đớn thuộc về cá nhân! Chúng ta đã rất ngạc nhiên và đau buồn sâu sắc bởi tuyên bố bất ngờ này. Nhưng chỉ trong năm vòng bỏ phiếu kín, chúng tôi đã đi đến một sự đồng thuận và đạt đa số trên hai phần ba phiếu cần thiết để chọn Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio. Cuộc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong năm vòng bỏ phiếu kín là một trải nghiệm của sự sống lại. Chúa ở cùng Giáo Hội, Chúa ban hy vọng và trao cho chúng ta với Đời sống Phục Sinh trong mỗi cuộc đời của chúng ta và chúng ta được phép sống trong sự mới mẻ của đời sống, để sống và chia sẻ Tin Mừng trong chúng ta và xung quanh chúng ta.

Cuộc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn là một trải nghiệm của sự sống lại. Sau khi cảm thấy chán nản và bối rối, nếu chúng ta tin tưởng vào Chúa, Ngài sẽ chỉ cho chúng ta con đường. Vì thế, như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta có thể không bao giờ nản lòng hay cảm thấy bị đánh bại. Nếu chúng ta ở lại với Tin Mừng, Chúa Phục Sinh sẽ luôn luôn ở cùng chúng ta. Đây là thông điệp của Lễ Phục Sinh.

Ba từ là đầy ý nghĩa là ra đi, xây dựng và tuyên xưng: Ra đi với Chúa; xây dựng tình huynh đệ hiệp nhất và tình yêu thông qua đối thoại và phục vụ; tuyên xưng lòng nhân từ và thương xót của Ngài bằng đời sống và công việc của chúng ta.

Sự ra đi của Kitô giáo luôn luôn nằm trong sự hiện diện của Chúa, trong ánh sáng của Chúa, tìm cách sống với sự trọn hảo mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi Abraham, khi Ngài kêu gọi ông theo sự dẫn dắt của Ngài.

Thứ nhì, như Đức Thánh Cha nói, "Xây dựng là một hình thức vận động trong đời sống của chúng ta." Ngài nói rằng chúng ta đang "xây dựng Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa Kitô, trên nền tảng là chính Chúa." Giáo Hội Chúa Kitô là một cộng đoàn đức tin, hy vọng và tình yêu. Giáo Hội không bao giờ ngừng loan báo Tin Mừng cho những người trong bóng tối và tuyệt vọng, và mang lại hy vọng cho những người nghèo nhất, yếu nhất và ít quan trọng nhất.

Thứ ba, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói đến là "Tuyên xưng". Chúng ta có thể đi nhiều như chúng ta muốn, chúng ta có thể xây dựng nhiều thứ, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa, Cha của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ xây dựng một cách vô ích. Giáo hội với tất cả sự yếu đuối thuộc về con người của mình được chọn là Hiền Thê của Chúa Kitô bởi vì Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tỏ lộ cho chúng ta thấy lòng thương xót và tha thứ của Ngài. Ơn cứu độ của Chúa Kitô, với ngụ ý một cuộc sáng tạo mới và đời sống mới, là của chúng ta, không vì nỗ lực của chính chúng ta, nhưng vì tình yêu tự do được biểu lộ bằng cái chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Đối với Giáo Hội tại Ấn Độ, triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, như đang diễn ra, tạo ra tiếng vang đối với chúng ta ở Ấn Độ và Á Châu. Trong nhiều thế kỷ, Giáo Hội tại Ấn Độ đã không mệt mỏi phục vụ những người nghèo nhất của người nghèo: người thiệt thòi, người yếu nhất trong xã hội, dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ. Giáo Hội tại Ấn Độ hiểu những từ chứa đầy sứ mạng của Chúa Giêsu để phục vụ những người nghèo nhất với Tình yêu của Chúa Giêsu. Tình yêu sâu sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho người nghèo, sự bảo vệ mạnh mẽ nhân quyền của ngài và sự cởi mở tuyệt vời của ngài để đối thoại xuất hiện rõ ràng trong những cuộc trò chuyện và chia sẻ của ngài.

Đối với Giáo Hội tại Ấn Độ và Á Châu, trong khi đối mặt với sự hiểu lầm, nghi ngờ và bất khoan dung, sứ điệp của Đức Giáo Hoàng là đừng thoái chí và đối với chúng ta có nghĩa là không biết mệt mỏi trong những nỗ lực của mình để làm việc cho hòa bình và đối thoại, bình lặng, bất chấp những trở ngại và khó khăn. Giáo Hội phải tiếp tục sứ mạng của mình để ra đi.

Chúng ta là người hành hương, là Giáo Hội lữ hành, và với ánh sáng sáng chói lọi của sự Phục Sinh, trong cuộc lữ hành hàng ngày của mình, chúng ta đang được canh tân ngay khi chúng ta hành hương để tuyên xưng Chúa Giêsu cho thế giới.

Những buổi lễ rửa tội trong Giáo Hội ở Mumbai và Ấn Độ mang lại mùa xuân hy vọng nơi các tâm hồn. Chúa Giêsu thu hút mọi người đến với chính Ngài. Đây là sứ mạng của chúng ta: giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người, chủ yếu bằng chứng tá đời sống và công việc của đức tin của chúng ta. Đây chính là Tân Phúc Âm hóa, và chúng ta hành hương với niềm hy vọng khắc ghi trong con tim mình, để chia sẻ với niềm vui Tin Mừng.

Trong Năm Đức Tin, chúng ta sống đức tin của mình đích thực hơn với sự Phục Sinh, công bố đức tin của chúng ta một cách tự tin hơn, và củng cố chính mình để biến đổi đời sống chúng ta với sức mạnh của Chúa Phục Sinh.