Trong một bài viết, tôi có kể rằng sau thời đi học tôi có nghề làm chìa sửa khóa ngoài lể đường. Nhờ đó mà tôi có chút kiến thức về các loại ổ khóa. Nếu ta so sánh các loại khóa của hai chục năm trước với các loại đang được sử dụng, quả thật khóa bây giờ an toàn hơn nhiều.

Hồi đó có những loại khóa mà nếu ai biết nguyên tắc, chỉ cần dùng chiếc căm xe đạp thọc vô đúng chốt là khóa bật ra ngay. Loại ổ khóa màu đen có chữ Hoa trên đó, quen gọi là khóa Trung quốc, hay khóa bằng đồng của Mỹ được coi là an toàn nhất.

Bây giờ thì ổ khóa được thiết kế đặc biệt, ruột khóa an toàn, bi ở khắp bốn hướng, ổ khóa lại còn có nắp đậy bảo đảm nữa. Như vậy, lẽ ra con người cảm thấy an tâm hơn. Theo lý luận của xã hội bây giờ, không có chiến tranh nghĩa là hòa bình. Vậy thì khóa tốt, khó mất của, nghĩa là không còn trộm cắp. Hai lý luận này dường như có cái gì đó giống nhau.

Nhưng xét về thực tế, khi người ta nghĩ ra, làm ra và bán những loại khóa an toàn nghĩa là người ta hiểu xã hội đang có nhiều bất an, trộm cắp nhiều hơn và tinh xảo hơn. Và có lẽ người ta cũng nghĩ rằng ngoài ổ khóa, con người không còn được ai bảo vệ cũng như của cải cá nhân chẳng còn được ai quan tâm.

Việt nam vừa “được” UNESCO xếp vào “top ten” các nước có tai nạn giao thông nhiều nhất. Thế nhưng báo chí dường như không biết đến sự kiện này, hoặc nếu có thông tin thì cũng chỉ coi là điều nhẹ nhàng thôi. Bằng chứng là trên vài trang facebook, nhiều người vẫn comment đại loại là “ta không có biến động như Thái Lan, không thế này thế nọ như nước nọ nước kia”. Vậy sinh mạng con người quí hơn hay vẻ bề ngoài yên ổn quí hơn?

Một trường đại học quảng cáo rằng đội ngũ giám thị cực kỳ tinh nhuệ, không sinh viên nào quay bài được. Một trường khác nhẹ nhàng: chúng tôi không cần nhiều giám thị, vì sinh viên có ý thức. Trường nào trung thực hơn?

Trường cũ của tôi do các cha giảng dạy. Hồi ấy luật qui định một số điều “nghiêm cấm” hay “cấm rất ngặt” mà hễ ai vi phạm là “bị loại” ngay trong ngày: ăn cắp và quay cóp khi làm bài. Bây giờ khi tôi kể cho sinh viên tôi nghe, họ không tin. Ngày nay sinh viên không thể tin rằng đi học mà không quay bài. Do đó, chẳng ai ở xã hội này tin rằng bên Tây phải hoàn toàn trung thực khi đi học, bằng cấp không mua bán hay các lãnh tụ đặt tay trên Kinh Thánh mà tuyên thệ. Người bán hàng ngoài chợ khó tin là ở hiệu buôn nào đó người ta không nói thách.

Bình an là như thế ư? Là không có biến động nhưng bên trong là gian lận? Không ai có ý kiến nhưng không ai nói thật. Bình an là khi người ta khóa cửa bằng hai ba lớp khóa, thêm cửa sắt dùng remote điều khiển, và còn thêm hai ba chuông báo động?

Không, đó chỉ là cách diễn đạt của bất an sâu xa. Lo lắng càng nhiều thì khóa càng chắn chắn. Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh; yên tĩnh ban đêm không chỉ là do các lớp khóa.

Trong sứ điệp hòa bình năm 2008, Đức Thánh Cha Benedito XVI xác định “nhân vị là trọng tâm của hoà bình”. Bao lâu con người chưa nhận ra nhân vị, chưa hiểu nhân vị là tất cả những giá trị cao quý nhất mà Tạo Hóa dành riêng cho con người, thì cuộc sống còn cần rất nhiều loại khóa mới hơn, chắc chắn hơn.

Vấn đề còn nằm ở chỗ này: khóa càng chắc chắn, thiên hạ càng nghĩ ra những cách mở khóa nhanh chóng hoặc đột nhập vào nhà mà không cần mở khóa. Ví dụ loại khóa có chìa vuông chẳng hạn, cần gì dùng que như ngày xưa, chỉ cần dùng chiếc khoan nhỏ khoan chốt là xong. Hay khóa chân xe Honda có thể bị anh ăn trộm giải quyết nhanh bằng chiếc búa (nhân đây cũng xin nhắc các bạn đừng quá tin vào các loại khóa xe).

Vậy thì, để giải quyết nạn trộm cắp, không phải đối phó bằng khóa. Để tạo bình an trong xã hội, trong cộng đồng, không chỉ là cấm hay cho phép điều này điều nọ. Chỉ cần tôn trọng nhân vị mà Tạo Hóa ban riêng cho con người. Tôn trọng nhân vị như thế nào? Phải tuân theo luật phổ quát. Không thể nói mỗi xã hội quan niệm khác nhau về nhân vị nên sẽ có những cách hành xử khác nhau.

Có những giá trị mà xã hội nào cũng phải tôn trọng, hễ nói khác đi là đi ra ngoài quỹ đạo nhân sinh. Lòng biết ơn, phép lịch sự, việc học hành, sự tự chủ… là các giá trị nhân bản không ai có quyền nói “ta khác Tây”. Nhân vị cũng vậy thôi.

Khi Yêsu bước vào xã hội Do thái, những đối xử và thực hành của xã hội mang một giá trị mới. Yêsu không trói buộc thêm, không khóa thêm, cũng không phá bỏ các lề luật. Người chỉ mang đến cho tất cả một giá trị mới, ấy là đặt tất cả trên nền tảng của yêu thương và của nhân vị.

Khóa chiếc xe lại sẽ không an toàn bằng việc làm cho những người chung quanh chiếc xe của bạn thành anh em thân yêu của bạn. Hòa bình, như thế, trước hết là ở nhân vị và yêu thương.