Chủ nghĩa tương đối, mà Đức Bênêđíctô XVI hết sức lo âu trong bài giảng thánh lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã ăn sâu vào tâm tư nhiều nhà thần học Công Giáo. Lầm tưởng về khẩu hiệu Aggiornamento của Đức Gioan XXIII, một khẩu hiệu từng khơi mào cho Công Đồng Vatican II, một số người mang mặc cảm mà gần đây có người gọi là FOMO (fear of missing out) sợ bị ra rìa, hay mất cơ hội, nên đã tìm cách đi vào đủ thứ mê hồn trận của văn hóa nặng chính trị hiện đại, từ thần học giải phóng tới thần học duy nữ. Dù theo Giáo Sư Mary Ann Glendon, cựu Đại Sứ Hoa Kỳ cạnh Tòa Thánh, nền thần học duy nữ hay phong trào duy nữ Kitô Giáo đã kinh qua hết hai giai đoạn bất định hình và cổ điển để bước qua giai đoạn tân duy nữ đầy ý thức và tinh thần trách nhiệm (xem Phong trào duy nữ và lòng sùng kính Đức Mẹ, VietCatholic News 26-05-2009), nhưng người ta vẫn thấy có những người mệnh danh là thần học gia duy nữ tìm cách không phải đem tính nhân bản của Đức Mẹ đến chỗ tuyệt mỹ có thể mà là xuống tầm càng ngang hàng với những gì tầm thường càng tốt. Họ làm thế không hẳn dựa vào thế giá Thánh Kinh và Thánh Truyền cho bằng dựa vào những nguồn thế tục, những ý thức hệ phù hợp với não trạng con người thời nay, tuy các đóng góp của họ không hòan toàn tiêu cực, nhất là những điểm họ dựa vào Thánh Kinh để tìm hiểu lịch sử tính các nhân vật đầu não. Một trong những nhà thần học ấy là Nữ tu Elizabeth A. Johnson, C.S.J., Giáo Sư Thần Học Danh Tiếng tại đại học Fordham, Bronx, Nữu Ước. Bà là tác giả các tác phẩm She Who Is: The Mystery of God in Feminist Theological Discourse (1992) và Friends of God and Prophets: A Feminist Theological Reading of the Communion of Saints (1998). Sau đây là nội dung bài diễn văn bà đọc tại Phân Khoa Luật của Đại Học trên vào ngày 2 tháng 5 năm 2000 do tạp chí America bảo trợ:

Đối với thế kỷ 21, một nền thần học có căn bản thần học vững chắc, tạo được sức sống thiêng liêng và đầy thách thức đạo đức về Đức Maria phải là một nền thần học như thế nào? Câu hỏi này khó có câu trả lời đơn giản, vì người đàn bà Do Thái sống ở thế kỷ thứ nhất tên là Maria tại Nadarét này, cũng được tôn kính là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, vốn là người đàn bà thời danh hơn hết mọi người đàn bà trong truyền thống Kitô Giáo. Người ta gần như chới với khi khảo sát các cách thế được không biết bao nhiêu thời đại dùng để tôn vinh ngài trong hội họa, điêu khắc, ảnh tượng, kiến trúc, âm nhạc và thi ca; để tôn kính ngài bằng nhiều tước hiệu, lời kinh và lễ lạc; để giảng dạy về ngài trong các trước tác linh đạo, thần học và tín điều chính thức. Người ta thấy George Tavard quả có lý khi đặt tựa cho sách mình là “Ngàn khuôn mặt của Đức Maria Đồng Trinh” (The Thousand Faces of the Virgin Mary).

Câu trả lời càng khó khăn hơn, khi các nghiên cứu bác học gần đây chú trọng tới các hệ luận chính trị và xã hội trong các chân dung được thích ứng về ngài. Thí dụ, có những nghiên cứu nhấn mạnh tới mối tương quan hỗ tương giữa Đức Mẹ Fatima và mặt trận chống đối Nga Sô thời chiến tranh lạnh; hay mối tương quan giữa Đức Mẹ Đường 125 với cuộc chiến đấu để sống còn của các di dân Ý mới tới Nữu Ước; hay liên minh giữa Đức Bà Guadalupe và cuộc chiến đấu của Cesar Chavez đòi công lý cho các lao công di dân làm việc tại các vườn nho California. Dù một người đàn bà lịch sử lúc nào cũng tồn tại ở căn gốc của tất cả các hiện tượng trên, nhưng hình ảnh về bà thì quả hết sức linh động, khiến trí tưởng tượng của Kitô hữu mặc tình tạo ra đủ thứ biểu tượng cũng như nền thần học hết sức khác nhau liên hệ tới các nhu cầu tâm linh và xã hội.

Đến lượt chúng ta, một giáo hội đa văn hóa của thiên niên kỷ mới này, chúng ta sẽ giải thích và tôn kính ngài như thế nào? Câu trả lời ở đây chỉ là một trong muôn một câu trả lời có thể có. Thiển nghĩ, ta nên đến với Đức Maria thành Nadarét bằng nẻo đường ký ức lịch sử và hình dung ngài như một bằng hữu của Thiên Chúa và như một tiên tri trong hiệp thông các thánh. Điều này nhất quán với khuôn thước Thánh Kinh, là khuôn thước vốn mô tả câu truyện về ngài song song với câu truyện về các vị khác trong tình đồng hành với Chúa Giêsu. Nó cũng phù hợp với quyết định sáng suốt của Công Đồng Vatican II trong việc đặt giáo huấn Thánh Mẫu trong giáo huấn về Giáo Hội, chứ không đặt nó trong một văn kiện biệt lập, một động thái được các văn kiện khác của huấn quyền theo chân từ đó.

Một nền thần học coi Đức Maria như bằng hữu Thiên Chúa và như một tiên tri trong hiệp thông các thánh có mục đích đẩy cái nhìn này lên phía trước. Về phương diện biểu tượng, khai triển cái nhìn ấy là mời Đức Maria xuống khỏi bệ tôn kính trong quá khứ để cùng đứng chung với chúng ta trên mảnh đất cộng đồng ơn thánh của lịch sử. Chiếc thang giúp ngài bước xuống đất ít nhất cũng có bốn bậc.

Thành viên trong hiệp thông các thánh

Đem Đức Maria vào cộng đồng các thánh, mới nghe, xem ra có vẻ lạ tai, mặc dù tên vị thánh Maria từng được dùng đặt cho không biết bao nhiêu thánh đường và trường học. Nhưng hãy tưởng tượng xem ta muốn nói gì ở đây. Dọc dài qua các thế kỷ, nhờ Chúa Thánh Thần ban ơn cho hết mọi người từ mảnh đất này qua mảnh đất nọ, những người này đã tạo thành một đoàn ngũ đông đảo “các bằng hữu của Thiên Chúa và các tiên tri” (Khôn Ngoan 7:27); một cộng đồng những người thánh thiện cố gắng sống cuộc sống sống họ, ca tụng Thiên Chúa, thương yêu nhau và tranh đấu cho công lý và hoà bình. Đây là một đoàn ngũ không những bao quanh địa cầu về không gian mà còn trải dài cả về quá khứ lẫn tương lai trong thời gian. Nó bao gồm cả những người đã chết và nay đang ở trong vòng tay âu yếm của Thiên Chúa. Vì Đức Maria là người đàn bà Do Thái có đức tin sống trong thế kỷ thứ nhất, và vì ngài cũng đã qua đời, nên chắc chắn ngài thuộc đoàn ngũ ơn thánh này.

Một khi đã tiếp nhận ngài vào cùng một đoàn ngũ với chúng ta, thì câu hỏi được đặt ra là ta phải liên hệ với ngài ra sao. Căn cứ vào các tìm tòi nghiên cứu, người ta thấy có hai khả thể sau đây. Khả thể thứ nhất, vốn gọi là kiểu mẫu phù trợ, một kiểu mẫu nổi bật trong thánh truyền, cho thấy ta chạy đến với Đức Maria và các thánh nói chung chủ yếu để các ngài cầu bầu cho ta trước tòa Thiên Chúa. Ở đây, ta tưởng tượng ra Thiên Chúa hiện hữu như một vị vua đang oai phong cai trị mọi người, có các triều thần xếp hàng theo tầm quan trọng đi xuống. Vì ở quá xa ngai tòa, những con người nhỏ hèn như chúng ta cần những người quan trọng hơn để cầu bầu cho ta, để ta nhận được các ơn phần hồn và phần xác. Ta cần bằng hữu ở những chốn cao sang, có thể nói như thế. Và vì ngài là Mẹ của Chúa, nên Đức Maria là người bầu cử có uy hơn cả, để ta nhận được những ơn mà nếu không có ngài ta sẽ bị chối từ.

Người ta không thấy mối liên hệ phù trợ ấy trong Tân Ước cũng như các thế kỷ đầu của Kitô Giáo. Nó được khai triển vào cuối thời đế quốc Rôma do ảnh hưởng của hệ thống bảo trợ dân sự lúc Giáo Hội đã được chính thức công nhận. Trước đó, chỉ có phương thức người đang sống liên hệ với người đã chết như bạn đồng hành trong cùng một cộng đoàn của Chúa Thánh Thần. Mẫu tình đồng hành này đặt các thánh ở thiên đàng không phải giữa Thiên Chúa và những người ở trần gian nhưng song hành với anh chị em họ trong Chúa Kitô. Thư gửi Tín Hữu Do Thái coi họ như một đám mây lớn gồm nhiều chứng nhân bao quanh ta và chào mừng ta chiến thắng ( Heb. 12:1). Như Thánh Augustinô từng giảng dạy: “tôn kính các tử đạo là tôn kính các bằng hữu của Chúa Kitô” (Sermon 332.1); các ngài cũng là bằng hữu của ta vì cùng đi tìm một tình yêu như nhau.

Trong mô thức tình đồng hành ấy, chứ không phải mô thức người bảo trợ xin ơn cho khách hàng của mình, thực hành chính phải là chăm sóc các hoài niệm về người chết nhằm lên sinh lực cho các hy vọng của ta. Nền thần học về hoài niệm của Johannes Baptist Metz đã cho ta thấy sức mạnh của thực hành này, bởi vì nó đã phá tan cái nghiệt ngã của hiện trạng, gợi lên một tương lai đáng tranh đấu và những đôi chân vững tiến để hoàn thành những điều còn dở dang.

Tưởng niệm các tử đạo của El Salvador, những người gây hứng để ta hành động đòi công lý cho người nghèo và cử hành Thánh Maria Mađalêna, nhân chứng đầu hết của phục sinh, người khích lệ ta biết cổ vũ phụ nữ tham gia vào thừa tác vụ, chính là những điển hình tốt của thời hiện đại. Điều ấy không có nghĩa: ta không cần các thánh cầu nguyện cho ta nữa; nhưng lời cầu nguyện này nay diễn ra trong bối cảnh cùng nhau tham dự vào dự án Nước Trời. Khi tưởng nhớ các chứng tá đầy gian nan nguy hiểm của các ngài, ta trở thành những người hợp tác với các ngài trong hy vọng.

Giữa đám mây bao la những nhân chứng này, ta thấy có những người sống thực lời hứa của Thiên Chúa một cách đặc biệt. Khi những người này được nhận diện nhờ trực giác tâm linh của toàn thể cộng đồng, họ trở thành có ý nghĩa công cộng đối với đời sống người khác. Một người như thế chính là Đức Maria Thành Nadarét, một người đàn bà nghèo có đức tin suốt đời hợp tác với Thiên Chúa, nhất là trong công trình cứu chuộc làm mẹ Đấng Mêxia. Tuy nhiên có hai trở ngại khiến ta khó có thể lặp lại ký ức về ngài.

Không phải khuôn mặt mẫu tử của Thiên Chúa

Các học giả về lịch sử Thánh Mẫu hay có thói quen biện luận rằng Đức Maria nhập thân nhiều khía cạnh của Thiên Chúa, được biểu tượng hóa rõ rệt nhất trong hình dáng nữ tính của người mẹ. Theo lịch sử, nhiều chứng cớ đối với việc chuyển dịch hình ảnh Thiên Chúa này đã có từ buổi đầu của Kitô Giáo, lúc Mẹ Thiên Chúa thay thế nhiều tước hiệu, đền thờ, tượng ảnh và quyền lực của các nữ thần mẹ vĩ đại trong thế giới Địa Trung Hải. Việc “rửa tội” các hình ảnh ngoại giáo này là một chiến lược thành công của truyền giáo từng giúp Kitô Giáo lôi cuốn được rất nhiều người vốn quen thuộc với các thần mình nữ giới trong khi vẫn duy trì được lòng trung thành với Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần. Từ đó, khuynh hướng muốn chuyển dịch các phẩm tính thần minh cho Đức Maria đã luôn bám riết lấy truyền thống Thánh Mẫu. Đặc biệt trong các thời kỳ thoái hóa của thần học, ngài được mô tả như người chuyển dịch quyền lực của Thiên Chúa để làm phép lạ cho những người ngài yêu thích, chuyển dịch lòng từ nhân của Chúa Kitô để cứu vớt kẻ có tội và chuyển dịch sự hiện diện của Chúa Thánh Thần để ban ơn thân mật của Thiên Chúa. Phái tính đàn bà của ngài cũng như vai trò lịch sử làm mẹ của ngài cũng đóng một vai trò không kém quan trọng trong các khai triển ấy, vì có bà mẹ hay xót thương nào lại để cho con cái mình mặc tình đau đớn hay sa mất bao giờ? Đức Mẹ được mô tả có chức năng biểu lộ cho ta thấy tình yêu Thiên Chúa quả là gần gũi, biết quan tâm, đáng tin tưởng và quyến rũ xiết bao, điều mà người ta vốn không nhận ra khi họ quan niệm Thiên Chúa như quyền uy trong vai một quan toà lạnh lùng hay một người cha ưa thử thách.

Phân tích trên hữu ích, vì nó giúp ta hiểu một số cường điệu trong nền thần học và sùng kính Đức Mẹ. Phân tích ấy giúp ta thấy rõ: biểu tượng Thánh Mẫu đã khai triển ra các phẩm tính thần linh để bù trừ cho nền thần học quá ư tổ phụ về Thiên Chúa. Nhưng một vấn để nẩy sinh khi các nhà thần học tìm cách duy trì mãi mãi hiện trạng trên. Thí dụ, trong khảo luận về Đức Maria tựa là “Khuôn Mặt Mẫu Tử Của Thiên Chúa” (The Maternal Face of God), Leonardo Boff, nhà thần học Ba Tây đã cho rằng: Cũng như Con Thiên Chúa đã nhập thể trong Chúa Giêsu thế nào, thì Chúa Thánh Thần, ngôi nữ trong Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng trở thành xác thân nơi Đức Maria như vậy, như thế phần nào để quân bình hóa phái tính nơi Thiên Chúa của Kitô Giáo. Điều trở ngại cho giả thuyết ấy là Đức Maria chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là thần minh hết, mà là phàm nhân hoàn toàn, bất cứ lúc nào và bất cứ ở nơi nào.

Như chúng ta đã tiếp nhận, truyền thống Thánh Mẫu là một nguồn phong phú cho các hình ảnh nữ tính về Thiên Chúa, như hình ảnh mẫu tử với những ấm áp dưỡng nuôi và cực lực che chở; hình ảnh yêu thương đầy cảm thương vô bờ; hình ảnh quyền lực duy trì, chữa lành và giải thoát; và hình ảnh nội tại tính mọi mặt. Các phẩm tính thần minh này được rời cư qua Đức Maria chỉ vì các thiếu sót tìm thấy trong thần học về Thiên Chúa, trong Kitô học và trong Thánh Thần học. Duy trì vĩnh viễn hiện trạng này là điều vô nghĩa về lâu về dài, vì đã dùng Đức Maria để khỏa lấp các ý niệm thiếu sót về Thiên Chúa. Đúng hơn, nên để các hình ảnh nữ tính đó trở về với nguồn cội của chúng và làm phong phú trí tưởng tượng và lòng đạo đức của ta trong mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng vốn vượt lên trên phái tính nhưng là hóa công của cả đàn ông lẫn đàn bà theo hình ảnh của Người. Patricia Fox, S.M., nhà thần học Úc, trong bài diễn văn của mình tựa là “Mẹ Nhân Từ: Một Tước Hiệu Dành Lại Cho Thiên Chúa” đã chứng minh chiến lược này, cũng như Julian thành Norwich, Đức Gioan Phaolô I và muôn vàn Kitô hữu ngày nay đang cả gan gọi tên Thiên Chúa dưới hình thức nữ phái. Hãy để Thiên Chúa có khuôn mặt nữ phái của riêng Người.

Trong khi tháo gỡ có phê phán biểu tượng Đức Maria như khuôn mặt nữ phái của Thiên Chúa, ta thấy vẫn có một cái nhìn thông sáng có thể duy trì từ khuôn mẫu méo mó này. Sự kiện lòng nhân từ và quyền lực Thiên Chúa đã được hình ảnh Đức Maria chuyên chở một cách thành công từ trước đến nay cho thấy khả năng của người đàn bà có thể đại diện được cho Thiên Chúa. Không hẳn chỉ là khuôn mặt của Đức Maria mà là khuôn mặt của mọi người đàn bà đều đã được dựng nên như là imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa). Không phải chỉ có Đức Maria mà mọi người đàn bà, và cả đàn ông nữa, đều được mời gọi hợp tác với Đấng Khôn Ngoan Thần Thánh để nước nhân từ và công lý ngự đến. Được cất khỏi gánh nặng lịch sử làm người bổ túc cho Đấng Thần Linh tổ phụ, và trong tư cách tích cực biểu hiệu cho phẩm giá phụ nữ trước Thiên Chúa, Đức Maria được tự do đứng chung hàng với chúng ta trong hiệp thông các thánh.

Không phải người đàn bà lý tưởng

Khó khăn thứ hai từng làm Đức Maria xa cách hiệp thông các thánh, nhất là như cách phụ nữ cảm nghiệm lúc này, là chiến lược đúc ngài thành người đàn bà lý tưởng và đặt ngài làm mẫu mực cho mọi phụ nữ khác. Những người nhận phương thức này đều nhất loạt sử dụng một nền nhân học nhị nguyên vốn tách biệt nam nữ thành hai ngăn đóng kín, nâng giới tính lên hàng một nguyên lý hữu thể học mà hậu quả gần như là hai loại bản tính nhân loại khác biệt. Một đàng, bản tính nam giới trang bị cho đàn ông quyền lãnh đạo trong khu vực công vì bản tính ấy nổi bật về thông minh, quả quyết, tự lập và khả năng quyết định. Mặt khác, bản tính nữ giới thích hợp với khu vực tư: chăm sóc con cái, nội trợ và chăm sóc người yếu đuối, vì nó nổi bật về khả năng tương quan, hiền dịu, chăm bẵm, thái độ thiếu quả quyết, hiến mình phục vụ và bảo đảm phục vụ.

Nhà thần học Thụy Sĩ là Hans Urs von Balthasar theo phương thức này. Ông cho rằng trong Giáo Hội, có nguyên tắc vâng lời thánh thiện kiểu Đức Mẹ để bổ túc cho nguyên tắc cai trị theo phẩm trật kiểu Thánh Phêrô. Nguyên tắc Đức Mẹ kia ấn định rằng phụ nữ phải cởi bỏ ý riêng để vâng theo lời Thiên Chúa như đã được các nam phát ngôn viên phát biểu rõ ràng. Gương mẫu hàng đầu chính là Đức Maria tại Cana. Ngài thấy người ta thiếu rượu, nhưng thay vì tự ý giải quyết việc thiếu rượu kia theo sáng kiến riêng của mình, ngài đã làm một hành vi tự làm rỗng chính mình bằng cách chạy đến xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Balthasar nhận định: “Là một người đàn bà, ngài đặt trái tim ngài ở chỗ nó nên ở, chứ không ở đầu óc mình” (Mary for Today, p. 74).

Người ủng hộ quan điểm này được nhiều người biết đến nhất có lẽ là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong hai tông thư Mẹ Đấng Cứu Chuộc Phẩm Giá Phụ Nữ, ngài cho rằng giống như Đức Mẹ, mọi phụ nữ đều được qui hướng về việc trao ban tình yêu không giới hạn ngay khi tiếp nhận nó. Giống như Đức Mẹ, mọi phụ nữ đều được mời gọi làm mẹ, hoặc thể lý hoặc thiêng liêng (đồng trinh). Thực vậy, “nhìn lên Đức Mẹ, phụ nữ sẽ tìm ra bí quyết sống nữ tính của mình một cách đầy phẩm giá và thực hiện được các thành tựu của mình”. Điều ấy hàm nghĩa rằng nơi Đức Mẹ, phụ nữ thấy phản chiếu các nhân đức cao cả nhất mà họ được mời gọi thực hành, nghĩa là “toàn diện tính của tình yêu dâng hiến; sức mạnh có thể chịu đựng được những đau khổ lớn lao nhất; trung thành vô giới hạn và tận tụy với công việc không biết mệt mỏi; khả năng biết phối hợp trực giác bén nhậy với lời nói hỗ trợ và khuyến khích” (Mẹ Đấng Cứu Chuộc số 46).

Phản ứng tiêu cực của nhiều phụ nữ đối với biểu tượng Thánh Mẫu trên nẩy sinh do việc hiểu ra rằng cái lý tưởng nữ giới ấy có tác dụng làm trở ngại việc phát triển bản thân, ngăn cản việc phát triển trí hiểu có phê phán, khả năng giận giữ một cách công chính và nhiều đặc điểm khác của một nhân cách trưởng thành. Đem áp dụng vào các vai trò xã hội, việc định nghĩa nữ tính một cách cứng ngắc cũng sẽ ngăn cản phụ nữ không được hành động trong khu vực công, vì tự bản chất họ được chỉ định đảm nhiệm các vai trò nội trợ và phụ thuộc. Sống “theo nữ tính” có thể nguy hại đến cả sức khỏe và sự sống của người ta, bởi nó khắc sâu tính thụ động trong các hoàn cảnh lạm quyền và bạo hành. Các nhà thần học Mỹ Da Đen và Nam Trung Mỹ từng chỉ trích thêm rằng: quan niệm về nữ tính như trên đã được lên khuôn nhờ các đặc quyền về nòi giống và giai cấp. Chỉ những người đàn bà da trắng, trung lưu mới hưởng được các phẩm tính “nữ tính” kia, bởi họ không biết gì tới cuộc đấu tranh sinh tồn mà bao thế hệ nô lệ và di dân nghèo từng phải can dự. Người nô lệ được trả tự do trong thế kỷ 19 là Sojourner Truth đã chỉ đích danh cái ý niệm đầy kỳ thị chủng tộc và giai cấp về nữ tính này khi bà viết: “Người đàn ông đàng kia nói rằng cần phải giúp các phụ nữ lên xe và bước qua hào rạch… Chưa có ai đã từng giúp đỡ tôi lên xe hay qua các vũng bùn. Há tôi không phải là đàn bà sao? Nhìn tôi đi, nhìn cánh tay tôi đi! Tôi từng cày bừa, trồng tỉa và thu hoạch vào kho lẫm, đâu có người đàn ông nào chỉ huy tôi! Há tôi không phải là đàn bà hay sao? Tôi có thể làm việc nhiều và ăn nhiều như đàn ông, khi có dịp, và chịu cả roi vọt nữa. Há tôi không phải là đàn bà sao? Tôi đã đẻ 13 đứa con và phải chứng kiến chúng bị bán làm nô lệ và khi tôi than khóc kêu gào mẹ tôi thì nào có ai khác ngoài Chúa Giêsu nghe tôi đâu! Há tôi không phải là đàn bà sao?”

Quả thế, đàn bà là gì? Và ai là người quyết định điều đó?

Một nền thần học thỏa đáng về Đức Maria phải rõ ràng về điểm này: Không hề có một người nữ đời đời; cũng không có một bản tính nữ theo yếu tính; không có cả một người đàn bà lý tưởng. Ngược với một nhân học nhị nguyên vốn tách biệt đầu với tim, quan niệm giải phóng về Đức Maria phải phát sinh từ một nền nhân học bình đẳng theo nghĩa hùn hạp (partnership), biết tôn trọng sự dị biệt nam nữ nhưng bác bỏ việc vơ đũa cả nắm (stereotype) các ơn phúc hay khả năng vốn được ban nhưng không. Nền nhân học này có nhiệm vụ khẳng định rằng phái tính phải phối hợp với nòi giống, giai cấp, sắc tộc, xu hướng tính dục, bối cảnh lịch sử, địa dư và xã hội cũng như cấu trúc văn hóa để xác định mỗi người như một chủ thể độc đáo. Nhân loại hiện hữu trong nhiều phương cách đa nguyên không thể nào giản lược được.

Trút bỏ được gánh nặng làm người đàn bà lý tưởng, Đức Maria có thể trở thành chính ngài một cach đơn giản. Một người phụ nữ nghèo ca bài Magnificat nói tới việc hạ bệ các tên bạo chúa và mang cơm no cho người đói bụng, và như thế tiến thêm một bước nữa để cùng đứng chung với chúng ta trong hiệp thông các thánh. Ta phải tưởng niệm ngài ra sao?

Một phụ nữ nông thôn Do Thái có đức tin, một bằng hữu của Thiên Chúa và là một tiên tri.

Nguồn trước hết giúp ta tưởng niệm Đức Maria là Tân Ước. Các chứng tá của Tân Ước khá đa dạng vì mỗi phúc âm gia hình dung ngài theo khung thần học trong tác phẩm của họ. Cái nhìn tiêu cực của phúc âm Máccô coi mẹ Chúa Giêsu và các anh em của Người như những người đứng bên ngoài vòng môn đệ tương hợp với nền đạo đức học không thân thiện mấy với người thân trong toàn bộ phúc âm này. Gia phả của Chúa Giêsu trong phúc âm Mátthêu đặt Đức Mẹ vào hàng 4 người đàn bà khác vốn sẵn sàng đưa ra sáng kiến trong những hoàn cảnh mù mờ, vượt quá cấu trúc hôn nhân theo kiểu tổ phụ, do đó đã trở thành những người hợp tác với Thiên Chúa một cách bất ngờ trong một thứ thần học gồm đủ lời hứa và nên trọn. Phúc âm Luca mô tả Đức Maria như người đàn bà có đức tin, được Chúa Thánh Thần phủ bóng lúc thụ thai Chúa Giêsu và lúc khởi đầu Giáo Hội trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, như người đầu tiên đáp ứng lại tin mừng, biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa. Quả là điển hình đầy hình ảnh của nền thần học về việc làm môn đệ. Bức chân dung đầy văn phong của phúc âm Gioan vẽ mẹ Chúa Giêsu tại Cana và dưới chân thánh giá phù hợp với quan niệm riêng của phúc âm này về việc môn đệ đáp ứng lại Ngôi Lời nhập thể, tỏ hiện và được tôn vinh. So với các chân dung về Chúa Giêsu, các giải thích khác nhau này khó có thể hoà hợp với nhau, mỗi giải thích đều có mục tiêu dạy dỗ riêng của nó.

Muốn nhìn được một cách đầy đủ và thoả đáng người đàn bà thực sự đứng đàng sau các bản văn trên là điều khó thực hiện được. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây về cấu trúc chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của Palestine ở thế kỷ thứ nhất có thể giúp ta nắm được một số khía cạnh về đời sống của ngài. Phần lớn các kết quả này phát sinh từ cuộc đi tìm Chúa Giêsu lịch sử, nhưng chúng cũng hữu ích trong cuộc tìm kiếm của chúng ta hòng gặp được Đức Maria lịch sử của thành Nadarét. Óc tưởng tượng tôn giáo của ta, nhờ suy gẫm các bản văn phúc âm, có thể xác định ra biểu tượng Thánh Mẫu phù hợp với các dữ kiện lịch sử cụ thể.

Ta hãy tưởng niệm bà tổ mẩu Maria như người phụ nữ nông thôn Do Thái có đức tin.

Do Thái. Là thành viên của dân tộc Do Thái, Đức Maria thừa hưởng niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất hằng sống phát xuất từ Ápraham và Xara trở về sau, một Thiên Chúa biết lắng nghe tiếng kêu than của người nghèo và giải phóng người nô lệ để đưa họ vào mối liên hệ giao ước. Xét vì Chúa Giêsu rõ ràng biết và giữ đức tin Do Thái, nên ta có lý khi giả thiết rằng cùng với chồng là Thánh Giuse, Đức Maria hẳn đã thực hành tôn giáo Do Thái đó tại nhà, tuân theo Sách Tôra, giữ ngày Sabát và các ngày lễ, đọc kinh, đốt nến và tới hội đường theo phong tục tại Galilê.

Phúc âm Luca mô tả Đức Maria lúc có tuổi như một thành viên trong cộng đồng Giêrusalem tiên khởi, cùng cầu nguyện với 120 người đàn ông và người đàn bà khác trước lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 1:13-15). Ta dễ tưởng tượng ra những cuộc đàm đạo của ngài với Maria Mađalêna, chứng nhân đầu hết của phục sinh, với Gioanna, Sugianna và các nữ môn đệ khác, cũng như với nhiều người nữa như Phêrô, người vừa phản bội Con mình. Dưới ánh sáng cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, cộng đồng này chắc chắn tin rằng Đấng Mêxia quả đã đến. Điều ấy không hề khiến họ lấy làm lý do để từ bỏ niềm tin Do Thái. Đúng hơn, họ tiếp tục làm việc thờ phượng tại Đền Thờ và giảng tin mừng cho những người đồng đạo Do Thái Giáo của họ trước khi hoàn toàn xác tín rằng Phúc Âm đã được dự liệu cho cả người ngoại giáo nữa. Nói theo ngôn ngữ bác học, Đức Maria là một Kitô Hữu theo Do Thái Giáo trước khi có cuộc ly khai giữa hội đường và nhà thờ. Ngài không bao giờ là một Kitô hữu theo kiểu Rôma, càng nhất định không phải là một người ngoại giáo. Quả không tôn vinh chút nào khi tẩy rửa ngài khỏi tính Do Thái không những về phương diện sắc tộc, bằng cách đổi mầu xậm của ngài thành màu tóc hung và mắt xanh, mà cả về phương diện tôn giáo, bằng cách biến lòng đạo đức vốn đâm rễ sâu trong truyền thống Do Thái thành lòng đạo đức Công giáo thời sau này.

Người phụ nữ nông thôn. Người đàn bà Do Thái này sống trong một ngôi làng miền quê mà dân cư phần lớn là các nông dân cấy trồng và các thợ thủ công cung cấp cho các nông dân ấy các dụng cụ cần thiết. Phần lớn phụ nữ của làng thôn này không biết đọc biết viết. Kết hôn với một tekton địa phương (thọ mộc và đẽo đá), suốt ngày ngài phải bận bịu với công việc hiến sinh, khó khăn và không công của những người đàn bà đủ hạn tuổi hết nuôi ăn, đến lo quần áo và chăm bẵm cả gia hộ. Nếu các anh chị em, được nhắc tới khi Chúa Giêsu trưởng thành đang giảng dạy tại Nadarét, cũng sống chung lúc ngài còn nhỏ, thì chắc gia hộ này còn gồm nhiều người khác như Giacôbê, Giuđa, Simong…; các phúc âm ngoại thư giải thích rằng những người này là con đời vợ trước của Thánh Giuse. Tư thế kinh tế của gia hộ này là điều đang còn được tranh cãi: các học giả như John Meier đặt họ vào giai cấp lao động cổ xanh, nhưng nhiều người khác như John Dominic Crossan đặt họ vào giai cấp nông dân, đang ngắc ngư khốn khổ dưới ba tầng thuế khóa của Đền Thờ, của Hêrốt và của Rôma. Nhưng điều này thì hiển nhiên: thời ấy là thời khó khăn. Làng này thuộc một đất nước bị chiếm đóng dưới gót giầy Đế Quốc Rôma; cuộc kháng chiến có tính cách mạng làm cho tình thế căng thẳng hơn nữa; bạo lực và nghèo khó nổi bật hơn cả.

Ta rất biết ơn các nữ thần học gia của thế giới thứ ba đã nhận ra các điểm tương tự giữa cuộc sống của Đức Maria và cuộc sống của không biết bao nhiêu phụ nữ nghèo ngày nay. Sinh con trong hoàn cảnh không nhà; trốn chạy như người tị nạn với con thơ tới một xứ lạ để khỏi bị giết do hành động quân sự gây ra; mất đứa con vì bị nhà nước xử tử bất công. Báo chí tiếp tục đưa ra các hình ảnh thương đau ấy tận đến bây giờ. Đức Maria quả là đàn chị đối với những người đàn bà bị đẩy ra bên lề, sống những cuộc đời không ai biết đến, trong những hoàn cảnh áp bức cùng cực. Quả chả tôn vinh ngài chút nào khi ta lột bỏ các hoàn cảnh lịch sử đầy kình chống và nguy hiểm, để đem ngài vào ảnh tượng một cuộc sống thanh bình, trung lưu, mặc mầu xanh dương hoàng tộc.

Người đàn bà có đức tin. Tính cụ thể trong đời sống của ngài giữa xã hội nông thôn Do Thái miền Địa Trung Hải này cho ta bối cảnh mạnh mẽ để ta giải thích Đức Maria thành Nadarét như một người đàn bà có đức tin. Như đã mô tả trong Thánh Kinh, ngài sống nhờ đức tin chứ không nhờ nhìn thấy, luôn phải đặt câu hỏi, phải ngẫm nghĩ sự việc trong lòng và phó mình cho đêm đen Đức Tin, khi đau đớn xé nát tâm hồn mình. Thời ấy, lòng mong chờ một vị quân vương thiên sai chính là một phần trong niềm hy vọng lớn hơn muốn được giải phóng khỏi các đau khổ do chế độ áp bức áp đặt. Trình thuật thời thơ ấu của phúc âm Luca làm nổi bật đức tin của Đức Maria trong ký ức ta bằng cách đặt ngài vào vị trí then chốt được hợp tác với Thiên Chúa trong công trình làm cho lời hứa lịch sử trên xẩy ra. Cảnh Truyền Tin không là gì khác hơn một trình thuật về ơn gọi tiên tri theo mẫu ơn gọi đã ngỏ với Môsê từ bụi cây bốc lửa. Sau khi đặt câu hỏi, ngài tự do ưng thuận, bằng cách lao mình vào một cuộc mạo hiểm mà kết thúc chưa biết sẽ như thế nào. Vốn là dấu chỉ sự liên đới của mình với dự án Thiên Chúa, việc ngài mang thai đã xẩy ra nhờ sự phủ bóng của Chúa Thánh Thần. Bất chấp sự lạm dụng việc thụ thai đồng trinh để hạ giá việc người đàn bà tích cực sử dụng tính dục của họ, biến cố này đã lật ngược chế độ tổ phụ vì đã thay thế việc chỉ có nam giới trước đây mới được hợp tác với ruah, Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Như Sojourner Truth từng chế riễu các giáo sĩ hay chống đối bà lên tiếng trước công chúng: “cưng ơi, Chúa Kitô của cưng từ đâu mà ra? Có biết Người từ đâu mà ra không? Người từ Thiên Chúa và một người đàn bà mà ra. Mấy người đàn ông các cưng chẳng liên quan gì tới việc đó!”. Người đàn bà phi qui ước và đứa con được tượng thai ngoài cấu trúc gia đình tổ phụ quả đã khởi đầu việc nên trọn của lời Thiên Chúa hứa. Đối với Thiên Chúa, không điều gì là không làm được.

Việc hợp tác đầy đức tin của Đức Maria với Thiên Chúa trong công trình giải phóng đã được nhấn mạnh trong bài kinh Magnificat của ngài, bài kinh dài lời nhất trên miệng bất cứ người đàn bà nào trong bộ Tân Ước, nhưng lại là bài kinh thường bị làm ngơ trong thánh mẫu học cổ truyền. Ngài được sự ngưỡng mộ của người chị họ Êlisabét; Giacaria trước đó đã bị hóa câm; căn nhà vì thế là không gian của phụ nữ, và hai người phụ nữ làm đầy cái không gian ấy bằng một ngôn ngữ đầy tính tiên tri của đức tin. Người phụ nữ già có thai gọi người phụ nữ trẻ có thai là người “có phúc hơn mọi người nữ”, như thế là nhắc lại lời khen mà thánh kinh Do Thái vốn đã dành cho Giaen và Giuđitha vì hành động anh hùng giải phóng dân Chúa của họ. Và rồi theo gương các ca sĩ vĩ đại trong Thánh Kinh như Miriam, Môsê, Đơvôra, Hana, đức Maria đã cất cao lời ca khen Thiên Chúa. Tâm trí ngài mừng vui trong Thiên Chúa, Đấng cứu vớt ngài, vì dù là người đàn bà nghèo hèn và tầm thường, Thiên Chúa quyền năng, hằng sống và thánh thiện đã làm cho ngài những điều cao cả. Không phải cho riêng ngài mà cho mọi người nghèo hèn, Người đã hạ kẻ quyền thế khỏi ngai vàng, hiển dương người thấp bé, làm đầy người đói khát với đủ điều ngon ngọt, xua đuổi kẻ giầu khó không biết ăn năn ra đi tay không. Tất cả những điều ấy để làm ứng nghiệm lời hứa thuở xưa. Trong chính con người của ngài, điều ấy đang xẩy tới vì ngài là hiện thân của những con người vô danh mà Thiên Chúa đang tới cứu vớt. Bài kinh vĩ đại này, một bài ca cứu độ đầy tính cách mạng, đặt đức Maria vào liên đới với dự án Nước Thiên Chúa đang tới mà nội dung là chữa lành, là cứu chuộc và giải phóng. Quả chả tôn vinh ngài chút nào khi rút gọn niềm tin của ngài vào lòng đạo đức tư riêng hay mối tương quan mẹ con đơn giản chỉ hoàn toàn tập chú vào Chúa Giêsu.

Phạm vi bài này không cho phép nói nhiều hơn về việc tưởng niệm Đức Maria như một người phụ nữ nông thôn Do Thái có đức tin, nhưng ta có thể đã bắt đầu thấy ra tiềm năng nằm sẵn trong trong các cảnh Phúc Âm khác. Cũng như đối với mọi con người khác, ngài cũng có lịch sử cá nhân riêng của mình. Ngài nổi bật trong ký ức cộng đồng nhờ “phương cách qua đó, bằng đời sống đặc thù riêng, ngài đã chấp nhận ý Thiên Chúa một cách trọn vẹn và có trách nhiệm, vì ngài đã nghe lời Thiên Chúa, đã đem nó vào hành động, và vì đức ái cũng như tinh thần phục vụ vốn là sức mạnh thúc đẩy ngài hành động” (Phaolô VI, Marialis Cultus, số 35). Chính với tư cách một người đàn bà nghèo khó, một trong những người ở phía dưới của lịch sử, mà ngài đã có đức tin. Các học thuyết sau này của Giáo Hội nhằm gán cho ngài những hồng ân ngoại thường hình như không có nghĩa bao nhiêu khi liên kết với việc tưởng niệm này, với vị thế “người không được nhận là người” (non-person) nhưng đã được Thiên Chúa ban cho những điều vĩ đại.

Chúng ta bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi rằng: đối với thế kỷ 21, một nền thần học có căn bản thần học vững chắc, tạo được sức sống thiêng liêng và đầy thách thức đạo đức về Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu Kitô, phải là một nền thần học như thế nào? Câu trả lời của chúng ta dẫn chúng ta bước theo nẻo đường tưởng nhớ hiệp thông các thánh. Để nhắc tới Đức Maria thành Nadarét như một người dự phần vào mối hy vọng của đoàn ngũ mọi người đàn ông và đàn bà diễm phúc, từng đi trước chúng ta; để chúng ta được khích lệ nhờ việc làm mẹ Thiên Chúa của ngài, đem Thiên Chúa xuống sinh ra trong thế giới của chúng ta; để đòi lại sức mạnh ký ức đau thương của ngài, giúp cho người đau khổ trổ sinh; và để múc năng lực từ ký ức của ngài cho mối liên hệ sâu sắc hơn đối với Thiên Chúa hằng sống và cho việc chăm sóc lớn hơn đối với thế giới. Phương thức thần học này ít nhất cũng thích hợp với một kiểu mẫu linh đạo hiện đại. Khi cộng đồng Kitô giáo tưởng niệm như thế, thì Đức Maria, bằng hữu của Thiên Chúa và là tiên tri, sẽ gây hứng khởi cho nhiều cuộc sống của cả đàn bà lẫn đàn ông.