II. Sự hồi tâm của Thệ Phản
1. Hồi tâm trong thái độ
Diễn trình hồi tâm của người Thệ Phản cần được diễn ra trên hai bình diện. Trước nhất, họ cần nhìn nhận rằng một người anh em hay một người chị em trong Chúa Giêsu Kitô vẫn có thể sùng kính Đức Maria mà không vì thế bẻ gẫy sự hiệp thông của đức tin. Thứ đến, vấn nạn không ở chỗ phải chăng một bên quá sùng kính, còn bên kia sùng kính không đủ (hàm ý một bất cân xứng), mà vấn đề là điều gì ở cả hai phía đang án ngữ giữa tín hữu và Chúa Giêsu Kitô. Người Thệ Phản cần tự hỏi liệu sự im lặng quá thường xuyên của họ đối với Đức Maria há không quá thiên kiến đối với mối liên hệ của họ với Chúa Giêsu Kitô đó hay sao (20).
Nếu ta nhìn vào hai truyền thống liên hệ và cùng nhau lục lọi Thánh Kinh để nhìn ra vị trí của Đức Maria trong lịch sử cứu rỗi, như ta đã làm ở phần đầu sách này, thì việc làm của ta sẽ đem lại các hậu quả cụ thể đối với ta. Đây không phải là vấn đề chỉ kìm hãm sự thổi phồng Đức Maria trong lòng sùng kính của Công Giáo và tái lập Đức Maria vào đúng vị trí của ngài trong lòng đạo của Thệ Phản (bớt chỗ kia một ít, thêm chỗ này một ít!). Phong trào đại kết cần nhiều hơn thế. Như cùng nhau có cái nhìn mới về các dị biệt vẫn tồn tại giữa chúng ta, nhất là thuộc lãnh vực tín điều hóa vị trí của Đức Maria trong công trình cứu rỗi.
Đó chính là hình thức hồi tâm mà người Thệ Phản cần phải có.
Khi bàn luận về Đức Maria, ta phải bước ra khỏi cái thế giới tranh cãi vô bổ và những biếm họa dễ dãi mà mỗi bên vốn sẵn sàng dành cho bên kia, để mong không dính dáng gì tới nhau. Để chống lại thái độ quá chú trọng tới Đức Maria trong lòng sùng kính Công Giáo, người Thệ Phản đã tự giam mình vào một im lặng đến độ không những không kính trọng đức tin của Công Giáo mà còn dẫn tới thái độ tự kiểm duyệt chính mình, không đếm xỉa gì tới chủ trương của các Nhà Cải Cách cũng như vị trí đích thực của Đức Maria trong lịch sử cứu rỗi.
Vì lý do đó, ta phải hoan hô chào đón một vài tiếng nói Thệ Phản, những tiếng nói không hẳn kém thế giá, từng kêu gọi ta “hướng tới một thái độ tích cực mà chúng ta, trong tư cách con cháu Phong Trào Thệ Phản, cần phải có đối với vị trí của Mẹ Chúa Cứu Thế trong các điều mà Kitô hữu chúng ta biết chắc chắn”. Tác giả này nói tiếp rằng: “một giáo huấn về Đức Maria không những là điều có thể có mà còn cần thiết nữa trong đức tin và nền thần học Thệ Phản. Không có giáo huấn này, việc phê phán Công Giáo Rôma sẽ bị bóp méo và chắc chắn vô hiệu. Dù sao, về phương diện này, ta chỉ cần hồi tưởng và khuyến cáo cuốn chú giải tinh tế của Luther về Kinh Magnificat” (21).
Như thế, bất chấp các lệch lạc có thể có trong lòng sùng kính Đức Maria, người Thệ Phản được thúc giục bước ra khỏi sự dè dặt thái quá hiện nay để tái lập vị trí chân thực của Đức Maria trong sự hiểu biết đức tin và trong lời cầu nguyện của giáo hội.
Việc tái đánh giá hay phục hồi Đức Maria và vị trí độc đáo mà ngài vốn chiếm giữ trong kế hoạch của Thiên Chúa này không phải là hoa trái của một “thỏa hiệp đại kết”, gom lại một chỗ các quan điểm hoàn toàn khác nhau, mà là một trở về với Đức Maria của Tin Mừng và là một dấu ấn của lòng trung thành lớn hơn đối với Thánh Kinh. Ngay Karl Barth, người vốn hết sức nghiêm khắc phê phán lòng sùng kính Đức Maria, cũng minh nhiên viết về ngài rằng: “Ở đây, có một người còn lớn hơn cả Ápraham, lớn hơn cả Đavít, và lớn hơn cả Gioan Tẩy Giả, lớn hơn cả Phaolô và lớn cả toàn bộ Giáo Hội Kitô Giáo; ở đây, ta đang xử lý với lịch sử Mẹ của Chúa, và là Mẹ của Thiên Chúa. Đây là một biến cố độc nhất và vô song” (22).
Sự tỉnh táo Thệ Phản này cũng nên dẫn ta tới chỗ đừng nói quá về tầm quan trọng của Đức Maria trong đời sống Giáo Hội Công Giáo. Vị trí của ngài trong lòng đạo của người Công Giáo rất khác nhau, và phụng vụ Chúa Nhật rất dè dặt về ngài. Các tín điều thánh mẫu và các tuyên bố khác về Đức Maria cần được đặt trong “phẩm trật các chân lý” và chúng không hề chiếm hàng đầu trong giáo huấn Công Giáo hiểu như một toàn bộ. Người Thệ Phản được khuyến khích có cái nhìn mới mẻ, một cái nhìn không cường điệu: khi nói về Giáo Hội Công Giáo, họ không nên lẫn lộn tâm điểm hay những điều cốt chính trong phát biểu đức tin với các điều ngoại vi.
2. Hồi tâm trong tín lý
Mọi sự đều được thâu tóm nơi Chúa Kitô, và không có một khoảng trống nào nữa cần được lấp đầy giữa Thiên Chúa và ta, giữa trời và đất, giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Hơn nữa, nhờ đức tin, ta được lồng vào chuỗi dài mọi tín hữu: các tông đồ, các tiên tri, các tử đạo, và các chứng tá mọi thời từng đi trước ta và nay tạo thành hiệp thông các thánh. Bất chấp vị trí đặc biệt làm mẹ Chúa Kitô, Đức Maria vẫn không thể bị tách biệt ra khỏi hiệp thông này, và điều đó phải là sự tôn kính trước nhất và chân thực nhất đối với ngài.
Vị trí thích đáng ta có thể phục hồi cho Đức Maria chỉ có thể có trong hiệp thông các thánh mà thôi. Các thánh là những người đi trước và là mẫu mực cho những ai, cùng với các ngài và theo sau các ngài, đứng trong hàng ngũ “đoàn tùy tùng” của Chúa Kitô chiến thắng (Eph 4:8; Cl 2:15). Bằng sự sống và chứng tá, Đức Maria và mọi vị khác chia sẻ cùng một hiệp thông các thánh như nhau trong Chúa Kitô.
A. “Sự cộng tác” hay đáp ứng tích cực của Đức Maria
Cẩn thận đọc Sách Thánh, ta sẽ được thúc đẩy một cách lành mạnh để hiểu rõ vai trò và vị trí của Đức Maria. Dù ơn thánh luôn luôn ở hàng đầu, nhưng lúc nào nó cũng đòi phải có một đáp ứng, một đáp ứng tình yêu bằng tình yêu. Từ cái nhìn này, Đức Maria đã được ban cho ta làm mẫu gương dứt khoát và toàn hảo của lời đáp xin vâng mà đức tin Kitô Giáo cần phải thốt ra. Trong viễn tượng này, Đức Maria có thể được coi như mẫu mực của tín hữu, những người nên công chính nhờ đức tin, chứ không nhờ việc làm. Trong tư cách ấy, Đức Maria, “đấng đầy ơn phúc”, nữ tì hèn mọn của Chúa, được Chúa đoái nhìn một cách trìu mến và do đó, có phúc hơn mọi phụ nữ, đấng được tuyên xưng là có phúc vì đã tin; Đức Maria này quả là “mẫu mực cho Giáo Hội” (23), cho dân Chúa đang sống trên trần gian và đang tiến về nước trời; ngài quả là chị ta:
“Maria, người em gái ta, “cô gái nhỏ”, và chính vì thế là chị của mọi con người nhân bản chúng ta.
“Maria, khuôn mặt đơn sơ, thường hay bị bóp méo và bôi lọ, hiển nhiên do cùng một hành động.
“Maria, “đấng có phúc lạ” với cái nhìn thấu suốt tâm hồn thiên thần và giọng nói đã cất cao bài Magnificat cho ta.
“Maria Thành Nadarét, đầy ơn phúc và hồng ân, mà đức tin vốn là công trình kỳ diệu.
Một câu truyện, một tập chú vào lịch sử riêng mình, đủ nói với ta về Thiên Chúa của tầng trời trở thành xác phàm nơi ngài.
“Maria, đấng, hơn bất cứ người nào khác, có khả năng hơn hết nói với ta về lịch sử ấy.
“Maria, còn hơn là mẹ ta; mãi mãi, ‘Maria là chị ta’” (24).
Khi đã loại bỏ mọi hàm hồ lưỡng nghĩa liên quan tới việc ơn cứu rỗi có hiệu lực là nhờ một mình ơn thánh của Chúa Kitô mà thôi, người Thệ phản sẽ tìm ra ý nghĩa của sự “cộng tác” nói ở đây. Theo chân các Nhà Cải Cách, họ sẽ tìm thấy nơi Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, một con người chỉ nhờ đáp ứng tích cực của mình mà “cộng tác” vào ơn cứu rỗi và nhờ đó cho ta thấy một cách điển hình mọi Kitô hữu đều được thánh hóa ra sao. Vì, nhờ là “mẫu mực của Giáo Hội” và ở giữa hiệp thông các thánh, Đức Maria đã trở thành “mẹ ta và ta trở thành con cái ngài. Chính do lòng tốt và ơn an ủi tràn trề, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một của châu báu như thế, bằng cách biến Đức Maria thành mẹ thật của họ, Chúa Kitô là anh của họ, và Thiên Chúa là Cha của họ” (25). Như thế, ta có thể hiểu “sự cộng tác” ấy là việc “mô phỏng Đức Maria” mà Calvin vốn mời gọi mọi Kitô hữu thể hiện (26).
a. Hai tín điều mới đây của Công Giáo
A. Piepkorn, một nhà thần học của Giáo Hội Luthêrô, từng viết như sau: “Liên quan tới sự chín chắn của một số cái nhìn thấu suốt về giáo hội học của Công Giáo Rôma lần đầu tiên được mô tả một cách xúc tích trong Lumen Gentium và Unitatis Redintegratio: sẽ đến ngày người ta phải chấp nhận và nhìn nhận rằng trước 1854 và trước 1950, toàn thể Giáo Hội không được tham khảo, toàn thể Giáo Hội không nhất trí với các định nghĩa này hay đồng thuận với chúng, và bất chấp mức độ giá trị giáo luật (canonical) của chúng đối với những ai chấp nhận thẩm quyền của giám mục Rôma, chúng vẫn được để ngỏ cho Giáo Hội như một toàn bộ chất vấn” (27).
Vào thời kỳ ấy, quan điểm như trên vẫn còn bị tác giả của nó coi như không phải là giải pháp được người Công Giáo Rôma chấp nhận. Ba mươi năm đối thoại đại kết đã chứng minh rằng sự thông cảm nỗi khó khăn này càng ngày càng gia tăng như đã thấy ở phần nói tới sự hồi tâm về phía Công Giáo (28). Tình thế mới này mang theo lời kêu gọi phía người Thệ Phản và giúp nhóm Dombes đi đến chủ trương sau.
“Dù các nhà Thệ Phản của Nhóm Dombes không thể chấp nhận được việc Vô Nhiễm Thai cũng như Mông Triệu thuộc đức tin của giáo hội, đặc biệt vì các tín điều này không được Sách Thánh chứng thực, tuy nhiên họ khá nhậy cảm đối với giá trị tượng trưng của chúng và sẵn sàng để anh em Công Giáo coi chúng như các tín điều. Nếu xét tới những gì chúng tôi đã nói về sự cộng tác và công chính hóa nhờ đức tin mà thôi (29), chúng tôi có thể nói rằng việc giải thích các tín điều này không còn chứa bất cứ điều gì ngược lại với việc công bố Tin Mừng. Trong chiều hướng này, các tín điều ấy không tạo nên một sự dị biệt đến độ gây chia rẽ. Về phần mình, người Thệ Phản của Nhóm tin rằng rất có thể xem sét việc trở về hiệp thông trọn vẹn trong đó, mỗi bên được tự do trong việc tôn trọng các quan điểm của phe kia”.
b. Sự trọn đời đồng trinh của Đức Maria
Về tước hiệu “đồng trinh mãi mãi” của Đức Maria, người Thệ Phản tôn trọng điều này như là một công bố thuộc đức tin chung trước khi có sự phân rẽ và nay là thành phần đức tin của đa số anh chị em Kitô hữu của họ. Bất kể các khó khăn có như thế nào của tước hiệu này, họ cũng vẫn tôn kính Đức Maria như trinh nữ tuyệt hảo, một tước hiệu mãi mãi là của ngài chỉ vì ngài đã thụ thai Chúa Giêsu một cách đồng trinh.
2. Đức Maria trong kinh nguyện và ca ngợi của Kitô Giáo
Lòng tôn kính Đức Maria, một lòng tôn kính vốn có chỗ đứng trong truyền thống Thệ Phản, sẽ không bao giờ biến thành sự thờ phượng: vì “chỉ một mình Thiên Chúa được tôn vinh mà thôi!”.
Hiển nhiên, trong sự tôn kính Đức Maria, người ta thấy nhiều mức độ khác nhau. Với viễn tượng ấy, người Thệ Phản hẳn sẵn sàng hiểu rằng các truyền thống Kitô Giáo khác có thể tiến xa hơn họ trong cách nói lên lòng tôn kính này, tuy họ không chấp nhận sự khác nhau về chủng loại giữa việc tôn kính Đức Maria và tôn kính các thánh hay các chứng tá vĩ đại của đức tin. Nhưng thử hỏi: ở phía Thệ Phản, đặc tính của việc “tôn kính dành cho Trinh Nữ thánh thiện và đầy ơn phúc Maria” là thế nào? (30).
Vượt lên trên sự im lặng của họ, các tranh cãi thần học của họ, và sự thận trọng dè dặt của họ trước các lệch lạc mà họ cho là thờ ngẫu thần Maria, người Thệ Phản vẫn cần phải đặt Đức Maria trở lại vị trí chân chính của ngài trong mầu nhiệm cứu rỗi và trong hiệp thông các thánh, cả về tín lý lẫn phụng vụ. Làm như thế, họ sẽ đóng góp lớn lao vào ước nguyện hiệp thông của các giáo hội và sẽ đặt mình tốt hơn vào hàng ngũ các truyền thống lớn của toàn thể giáo hội.
Điều trên hàm nghĩa rằng các Giáo Hội Thệ Phản sẽ dành một chỗ thích đáng trong việc thờ phượng Chúa Nhật và Kinh Nguyện Thánh Thể cho các chứng tá nói trên, nhất là trong các mùa chính của năm phụng vụ, như Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, Mùa Thương Khó và Mùa Hiện Xuống, và sẽ phục hồi ý nghĩa cho lễ Các Thánh.
Nhờ cố gắng đọc lại Sách Thánh như thế và nhờ cái hiểu đổi mới này, các Giáo Hội Thệ Phản sẽ phục hưng việc tiếp xúc với chính các truyền thống của họ, và, giống một số nhà Cải Cách, biết khám phá ra niềm vui vốn được liên kết với các ngày Lễ Đức Mẹ, như Lễ Truyền Tin, Lễ Thăm Viếng, và Lễ Dâng Con Vào Đền Thờ. Tất cả các lễ này đều được nối kết với mầu nhiệm Chúa Kitô.
Sau cùng, việc chú ý tới các thái quá có thể có trong lòng sùng kính Đức Maria buộc người Thệ Phản chất vấn chính cách thức cầu nguyện của họ, các giới hạn và thiếu sót của nó. Liệu những hạn chế đôi khi quá đáng trong nền phụng vụ của họ có chừa chỗ nào cho một lòng đạo đức không rơi vào cảm tính hay hứng khởi vô độ không? Chú ý tới sự thật trong lối cầu nguyện của ta là một thao tác hồi tâm mà ai trong chúng ta cũng cần phải thực hiện.
“Điều gì cản trở” (xem Lc 18:16; Cv 8:36) không cho người Thệ Phản:
- hân hoan dùng đức tin ca hát vị trí mà Kinh Tin Kính vốn dành cho Đức Maria?
- nhấn mạnh tới định mệnh đặc biệt của người con gái đất Israel, từng trở thành mẹ Chúa Kitô và là chi thể của giáo hội?
- làm chứng cho việc hồi tâm của Đức Maria, đấng từng thêm vào tư cách làm mẹ của mình, tư cách khiêm nhường hơn làm hiền tỉ và nữ tì?
- nhất trí rằng kinh Magnificat ca ngợi một cách điển hình chính đức tin và đức cậy của họ?
- có khả năng ca ngợi Thiên Chúa vì những gì Người cho phép Đức Maria trở thành và thực hiện, và không khinh mạng những ai vì tình yêu đối với Chúa Giêsu đã đem danh mẹ của Người vào việc tạ ơn của họ, bằng cách sử dụng chính lời lẽ của thiên thần lúc Truyền Tin và lời chúc phúc của người chị em họ Êlisabét, và ngay cả lời của ông già Simêong lúc Dâng Con Vào Đền Thờ?
- nhìn nhận rằng lời tán tụng của Tin Mừng trên luôn luôn là lời tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc; không gì gán cho “mẹ” Maria mà lại không thuộc Con Trai của ngài; và trong hiệp thông các thánh, không nên từ chối điều gì với Đức Maria?
- nhớ rằng Đức Maria là khởi đầu và là kết thúc thừa tác vụ trên gian của Chúa Giêsu, một chứng tá cho việc bắt đầu thừa tác vụ này tại Cana và lúc hoàn tất nó trên thánh giá?
Kết luận và tóm lược
Ở cuối hành trình của ta, liệu ta có cần phải tiếp tục nói tới “sự bất đồng” giữa người Thệ Phản và người Công Giáo về chủ đề Maria hay không? Thiển nghĩ cần trả lời câu hỏi này một cách dè dặt.
Nhiều điểm bất đồng vẫn còn đó, và vì ta đã nghiên cứu chúng một cách tường tận đến nỗi không thể không nhớ đến chúng khi viết mấy giòng kết luận này. Nhưng quan tâm của ta đúng ra là cố gắng cởi bỏ khỏi chúng các hiểu lầm khác nhau vẫn còn đang đè nặng lên chúng tận cho đến nay và giảm nhẹ ảnh hưởng của chúng bằng cách luôn cố gắng làm cho việc tương hợp giữa các quan điểm được rõ ràng hết sức. Chúng ta đã tìm hiểu tường tận liệu và đến mức độ nào các bất đồng kia nghiêm trọng đến có thể đụng tới “nền tảng” của đức tin ta.
Nhờ đó, Nhóm Dombes đã đưa ra kết luận sau đây:
“Là thành viên của Nhóm Dombes, và dưới ánh sáng các đề nghị hồi tâm trình bày ở cuối hành trình của mình, chúng tôi không còn coi các dị biệt mô tả trên có tính phân rẽ chúng tôi nữa. Ở cuối cuộc nghiên cứu lịch sử, Thánh Kinh và tín lý của mình, chúng tôi không còn thấy sự bất tương hợp nào có tính bất giản lược nữa, bất kể một vài phân rẽ thực sự về thần học và thực tiễn.
“Chúng tôi đồng thanh chấp nhận những gì kinh tin kính truyền lại cho chúng tôi. Kinh này dạy chúng tôi rằng Chúa Giêsu ‘được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria’. Chúng tôi cũng chấp nhận chứng cớ của Thánh Kinh. Chúng tôi vốn coi Đức Maria giữ vị trí tâm điểm trong việc khai triển sự sống của Chúa Kitô trong nhiệm thể của Người là Giáo Hội. Quan điểm này chính đáng vì dựa vào điều khoản đức tin vốn là thành phần trong Kinh Tin Kính Các Tông Đồ qua các hạn từ ‘hiệp thông các thánh’”.
Nếu thế thì đâu là nỗi khó khăn vẫn còn đang tiếp diễn? Đối với người Thệ Phản, nỗi khó khăn đó hiển nhiên nằm ở một số chủ đề được người Công Giáo sử dụng để nói về Đức Maria. Nhưng hơn thế nữa, nó còn nằm ở việc nại tới thánh truyền, tới việc khai triển học lý, và tới vai trò của huấn quyền, ở đây cũng như ở các phạm vi khác.
Đối với người Công Giáo, nỗi khó khăn ấy rõ ràng nằm ở lối đọc chứng tá Thánh Kinh có tính hết sức giới hạn của người Thệ Phản, và có lẽ nghiêm trọng nhất, chính là sự đối kháng của họ đối với cảm tình tính, một đối kháng được duy trì trong nhiều thế kỷ qua những tranh cãi khôn nguôi về Trinh Nữ Maria.
Tuy thế, toàn bộ công trình nghiên cứu này cho thấy không có điều gì về Đức Maria khiến ta biến ngài thành biểu tượng của những điều chia rẽ chúng ta.
Vậy thì mọi sự đều đã đâu vào đó cả hay sao? Chắc chắn không! Nhưng thiển nghĩ ta nên chấp nhận một tiêu chuẩn chung như sau: Đức Maria không bao giờ tách biệt khỏi Người Con của ngài và “nữ tì của Chúa”, người mà “Đấng Toàn Năng đã làm cho nhiều điều trọng đại”, luôn tôn vinh Con của mình là Cứu Chúa của mình và của tất cả chúng ta. Ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô trong chính mầu nhiệm thập giá. Theo Thánh Gioan, mọi sự đã “hoàn tất” sau khi Chúa Giêsu ủy thác mẹ và môn đệ của Người cho nhau. Vì Đức Maria hiện diện như thế trong kế hoạch Thiên Chúa và ở ngay khởi đầu hiệp thông các thánh, thiển nghĩ cả hai bên, Thệ Phản lẫn Công Giáo, cùng với muôn triệu chứng tá trong lịch sử cứu rỗi, đều được mời gọi liên tục quay về với Chúa Giêsu Kitô, Đấng “được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria”.
Ghi chú
(20) Xem chương 1, phần nói về Đức Maria trong các giáo hội thoát thai từ Cải Cách trong thế kỷ 19.
(21) P. Maury, “La Vierge Marie dans le catholicisme contemporain”, Bulletin Fac. Théol. Prot. (Paris: 1946) 6.
(22) K. Barth, “Quatre études bibliques”, Foi et Vie, số 85-86 (1936) 487.
(23) S. De Diétrich, “Rôle de Vierge Marie” Cahiers d’Orgemont, số 58 (1966) 27.
(24) A. và F. Dumas, Marie de Nazareth (Geneva: Labor et Fides, 1989) 98-99.
(25) Luther, Bài Giảng Năm 1522; xem Kirchenpostille (WA 10/1/1).
(26) Tuy Calvin từ khước việc gọi Đức Maria là “người giữ kho ơn thánh” theo nghĩa của truyền thống Trung Cổ, nhưng ông đã tái giải thích ý nghĩa của tước hiệu này theo quan điểm Cải Cách: “Theo một nghĩa khác, Trinh Nữ quả là người giữ kho ơn thánh. Vì ngài gìn giữ học lý có sức mở cửa nước trời cho ta ngày nay và dẫn ta tới Chúa Giêsu, Chúa chúng ta; ngài gìn giữ học lý ấy như một kho tàng, và rồi nhờ ngài, ta lãnh nhận được học lý ấy và ngày nay, ta được bồi đắp nhờ học lý này. Như vậy, bạn hãy chiêm ngắm vinh dự Chúa ban cho ngài; hãy xem xem ta nên nghĩ ra sao về ngài: không ngưng lại nơi ngài cũng như không biến ngài thành ngẫu tượng, nhưng để, nhờ ngài, ta được dẫn tới Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì đó chính là nơi ngài sẽ sai ta đến” (Bài Giảng thứ 25 về Sự Hoà Hợp của Tin Mừng, trích dẫn trong La Revue réformée, số 31 [1957/4] 37).
(27) A. Piepkorn, “Mary’s Place Within the People of God” Marian Studies 18 (1967) 82.
(28) Xem Chương 4, phần nói về Sự Hồi Tâm Tín Lý của Công Giáo (nhận định của Nhóm Dombes).
(29) Xem Chương 3, phần nói về Sự Cộng Tác của Đức Maria (hướng tới một hoà giải)
(30) Xem Ch.Drelincourts, The Honor Due to the Holy and Blessed Virgin Mary.
1. Hồi tâm trong thái độ
Diễn trình hồi tâm của người Thệ Phản cần được diễn ra trên hai bình diện. Trước nhất, họ cần nhìn nhận rằng một người anh em hay một người chị em trong Chúa Giêsu Kitô vẫn có thể sùng kính Đức Maria mà không vì thế bẻ gẫy sự hiệp thông của đức tin. Thứ đến, vấn nạn không ở chỗ phải chăng một bên quá sùng kính, còn bên kia sùng kính không đủ (hàm ý một bất cân xứng), mà vấn đề là điều gì ở cả hai phía đang án ngữ giữa tín hữu và Chúa Giêsu Kitô. Người Thệ Phản cần tự hỏi liệu sự im lặng quá thường xuyên của họ đối với Đức Maria há không quá thiên kiến đối với mối liên hệ của họ với Chúa Giêsu Kitô đó hay sao (20).
Nếu ta nhìn vào hai truyền thống liên hệ và cùng nhau lục lọi Thánh Kinh để nhìn ra vị trí của Đức Maria trong lịch sử cứu rỗi, như ta đã làm ở phần đầu sách này, thì việc làm của ta sẽ đem lại các hậu quả cụ thể đối với ta. Đây không phải là vấn đề chỉ kìm hãm sự thổi phồng Đức Maria trong lòng sùng kính của Công Giáo và tái lập Đức Maria vào đúng vị trí của ngài trong lòng đạo của Thệ Phản (bớt chỗ kia một ít, thêm chỗ này một ít!). Phong trào đại kết cần nhiều hơn thế. Như cùng nhau có cái nhìn mới về các dị biệt vẫn tồn tại giữa chúng ta, nhất là thuộc lãnh vực tín điều hóa vị trí của Đức Maria trong công trình cứu rỗi.
Đó chính là hình thức hồi tâm mà người Thệ Phản cần phải có.
Khi bàn luận về Đức Maria, ta phải bước ra khỏi cái thế giới tranh cãi vô bổ và những biếm họa dễ dãi mà mỗi bên vốn sẵn sàng dành cho bên kia, để mong không dính dáng gì tới nhau. Để chống lại thái độ quá chú trọng tới Đức Maria trong lòng sùng kính Công Giáo, người Thệ Phản đã tự giam mình vào một im lặng đến độ không những không kính trọng đức tin của Công Giáo mà còn dẫn tới thái độ tự kiểm duyệt chính mình, không đếm xỉa gì tới chủ trương của các Nhà Cải Cách cũng như vị trí đích thực của Đức Maria trong lịch sử cứu rỗi.
Vì lý do đó, ta phải hoan hô chào đón một vài tiếng nói Thệ Phản, những tiếng nói không hẳn kém thế giá, từng kêu gọi ta “hướng tới một thái độ tích cực mà chúng ta, trong tư cách con cháu Phong Trào Thệ Phản, cần phải có đối với vị trí của Mẹ Chúa Cứu Thế trong các điều mà Kitô hữu chúng ta biết chắc chắn”. Tác giả này nói tiếp rằng: “một giáo huấn về Đức Maria không những là điều có thể có mà còn cần thiết nữa trong đức tin và nền thần học Thệ Phản. Không có giáo huấn này, việc phê phán Công Giáo Rôma sẽ bị bóp méo và chắc chắn vô hiệu. Dù sao, về phương diện này, ta chỉ cần hồi tưởng và khuyến cáo cuốn chú giải tinh tế của Luther về Kinh Magnificat” (21).
Như thế, bất chấp các lệch lạc có thể có trong lòng sùng kính Đức Maria, người Thệ Phản được thúc giục bước ra khỏi sự dè dặt thái quá hiện nay để tái lập vị trí chân thực của Đức Maria trong sự hiểu biết đức tin và trong lời cầu nguyện của giáo hội.
Việc tái đánh giá hay phục hồi Đức Maria và vị trí độc đáo mà ngài vốn chiếm giữ trong kế hoạch của Thiên Chúa này không phải là hoa trái của một “thỏa hiệp đại kết”, gom lại một chỗ các quan điểm hoàn toàn khác nhau, mà là một trở về với Đức Maria của Tin Mừng và là một dấu ấn của lòng trung thành lớn hơn đối với Thánh Kinh. Ngay Karl Barth, người vốn hết sức nghiêm khắc phê phán lòng sùng kính Đức Maria, cũng minh nhiên viết về ngài rằng: “Ở đây, có một người còn lớn hơn cả Ápraham, lớn hơn cả Đavít, và lớn hơn cả Gioan Tẩy Giả, lớn hơn cả Phaolô và lớn cả toàn bộ Giáo Hội Kitô Giáo; ở đây, ta đang xử lý với lịch sử Mẹ của Chúa, và là Mẹ của Thiên Chúa. Đây là một biến cố độc nhất và vô song” (22).
Sự tỉnh táo Thệ Phản này cũng nên dẫn ta tới chỗ đừng nói quá về tầm quan trọng của Đức Maria trong đời sống Giáo Hội Công Giáo. Vị trí của ngài trong lòng đạo của người Công Giáo rất khác nhau, và phụng vụ Chúa Nhật rất dè dặt về ngài. Các tín điều thánh mẫu và các tuyên bố khác về Đức Maria cần được đặt trong “phẩm trật các chân lý” và chúng không hề chiếm hàng đầu trong giáo huấn Công Giáo hiểu như một toàn bộ. Người Thệ Phản được khuyến khích có cái nhìn mới mẻ, một cái nhìn không cường điệu: khi nói về Giáo Hội Công Giáo, họ không nên lẫn lộn tâm điểm hay những điều cốt chính trong phát biểu đức tin với các điều ngoại vi.
2. Hồi tâm trong tín lý
Mọi sự đều được thâu tóm nơi Chúa Kitô, và không có một khoảng trống nào nữa cần được lấp đầy giữa Thiên Chúa và ta, giữa trời và đất, giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Hơn nữa, nhờ đức tin, ta được lồng vào chuỗi dài mọi tín hữu: các tông đồ, các tiên tri, các tử đạo, và các chứng tá mọi thời từng đi trước ta và nay tạo thành hiệp thông các thánh. Bất chấp vị trí đặc biệt làm mẹ Chúa Kitô, Đức Maria vẫn không thể bị tách biệt ra khỏi hiệp thông này, và điều đó phải là sự tôn kính trước nhất và chân thực nhất đối với ngài.
Vị trí thích đáng ta có thể phục hồi cho Đức Maria chỉ có thể có trong hiệp thông các thánh mà thôi. Các thánh là những người đi trước và là mẫu mực cho những ai, cùng với các ngài và theo sau các ngài, đứng trong hàng ngũ “đoàn tùy tùng” của Chúa Kitô chiến thắng (Eph 4:8; Cl 2:15). Bằng sự sống và chứng tá, Đức Maria và mọi vị khác chia sẻ cùng một hiệp thông các thánh như nhau trong Chúa Kitô.
A. “Sự cộng tác” hay đáp ứng tích cực của Đức Maria
Cẩn thận đọc Sách Thánh, ta sẽ được thúc đẩy một cách lành mạnh để hiểu rõ vai trò và vị trí của Đức Maria. Dù ơn thánh luôn luôn ở hàng đầu, nhưng lúc nào nó cũng đòi phải có một đáp ứng, một đáp ứng tình yêu bằng tình yêu. Từ cái nhìn này, Đức Maria đã được ban cho ta làm mẫu gương dứt khoát và toàn hảo của lời đáp xin vâng mà đức tin Kitô Giáo cần phải thốt ra. Trong viễn tượng này, Đức Maria có thể được coi như mẫu mực của tín hữu, những người nên công chính nhờ đức tin, chứ không nhờ việc làm. Trong tư cách ấy, Đức Maria, “đấng đầy ơn phúc”, nữ tì hèn mọn của Chúa, được Chúa đoái nhìn một cách trìu mến và do đó, có phúc hơn mọi phụ nữ, đấng được tuyên xưng là có phúc vì đã tin; Đức Maria này quả là “mẫu mực cho Giáo Hội” (23), cho dân Chúa đang sống trên trần gian và đang tiến về nước trời; ngài quả là chị ta:
“Maria, người em gái ta, “cô gái nhỏ”, và chính vì thế là chị của mọi con người nhân bản chúng ta.
“Maria, khuôn mặt đơn sơ, thường hay bị bóp méo và bôi lọ, hiển nhiên do cùng một hành động.
“Maria, “đấng có phúc lạ” với cái nhìn thấu suốt tâm hồn thiên thần và giọng nói đã cất cao bài Magnificat cho ta.
“Maria Thành Nadarét, đầy ơn phúc và hồng ân, mà đức tin vốn là công trình kỳ diệu.
Một câu truyện, một tập chú vào lịch sử riêng mình, đủ nói với ta về Thiên Chúa của tầng trời trở thành xác phàm nơi ngài.
“Maria, đấng, hơn bất cứ người nào khác, có khả năng hơn hết nói với ta về lịch sử ấy.
“Maria, còn hơn là mẹ ta; mãi mãi, ‘Maria là chị ta’” (24).
Khi đã loại bỏ mọi hàm hồ lưỡng nghĩa liên quan tới việc ơn cứu rỗi có hiệu lực là nhờ một mình ơn thánh của Chúa Kitô mà thôi, người Thệ phản sẽ tìm ra ý nghĩa của sự “cộng tác” nói ở đây. Theo chân các Nhà Cải Cách, họ sẽ tìm thấy nơi Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, một con người chỉ nhờ đáp ứng tích cực của mình mà “cộng tác” vào ơn cứu rỗi và nhờ đó cho ta thấy một cách điển hình mọi Kitô hữu đều được thánh hóa ra sao. Vì, nhờ là “mẫu mực của Giáo Hội” và ở giữa hiệp thông các thánh, Đức Maria đã trở thành “mẹ ta và ta trở thành con cái ngài. Chính do lòng tốt và ơn an ủi tràn trề, Thiên Chúa đã ban cho nhân loại một của châu báu như thế, bằng cách biến Đức Maria thành mẹ thật của họ, Chúa Kitô là anh của họ, và Thiên Chúa là Cha của họ” (25). Như thế, ta có thể hiểu “sự cộng tác” ấy là việc “mô phỏng Đức Maria” mà Calvin vốn mời gọi mọi Kitô hữu thể hiện (26).
a. Hai tín điều mới đây của Công Giáo
A. Piepkorn, một nhà thần học của Giáo Hội Luthêrô, từng viết như sau: “Liên quan tới sự chín chắn của một số cái nhìn thấu suốt về giáo hội học của Công Giáo Rôma lần đầu tiên được mô tả một cách xúc tích trong Lumen Gentium và Unitatis Redintegratio: sẽ đến ngày người ta phải chấp nhận và nhìn nhận rằng trước 1854 và trước 1950, toàn thể Giáo Hội không được tham khảo, toàn thể Giáo Hội không nhất trí với các định nghĩa này hay đồng thuận với chúng, và bất chấp mức độ giá trị giáo luật (canonical) của chúng đối với những ai chấp nhận thẩm quyền của giám mục Rôma, chúng vẫn được để ngỏ cho Giáo Hội như một toàn bộ chất vấn” (27).
Vào thời kỳ ấy, quan điểm như trên vẫn còn bị tác giả của nó coi như không phải là giải pháp được người Công Giáo Rôma chấp nhận. Ba mươi năm đối thoại đại kết đã chứng minh rằng sự thông cảm nỗi khó khăn này càng ngày càng gia tăng như đã thấy ở phần nói tới sự hồi tâm về phía Công Giáo (28). Tình thế mới này mang theo lời kêu gọi phía người Thệ Phản và giúp nhóm Dombes đi đến chủ trương sau.
“Dù các nhà Thệ Phản của Nhóm Dombes không thể chấp nhận được việc Vô Nhiễm Thai cũng như Mông Triệu thuộc đức tin của giáo hội, đặc biệt vì các tín điều này không được Sách Thánh chứng thực, tuy nhiên họ khá nhậy cảm đối với giá trị tượng trưng của chúng và sẵn sàng để anh em Công Giáo coi chúng như các tín điều. Nếu xét tới những gì chúng tôi đã nói về sự cộng tác và công chính hóa nhờ đức tin mà thôi (29), chúng tôi có thể nói rằng việc giải thích các tín điều này không còn chứa bất cứ điều gì ngược lại với việc công bố Tin Mừng. Trong chiều hướng này, các tín điều ấy không tạo nên một sự dị biệt đến độ gây chia rẽ. Về phần mình, người Thệ Phản của Nhóm tin rằng rất có thể xem sét việc trở về hiệp thông trọn vẹn trong đó, mỗi bên được tự do trong việc tôn trọng các quan điểm của phe kia”.
b. Sự trọn đời đồng trinh của Đức Maria
Về tước hiệu “đồng trinh mãi mãi” của Đức Maria, người Thệ Phản tôn trọng điều này như là một công bố thuộc đức tin chung trước khi có sự phân rẽ và nay là thành phần đức tin của đa số anh chị em Kitô hữu của họ. Bất kể các khó khăn có như thế nào của tước hiệu này, họ cũng vẫn tôn kính Đức Maria như trinh nữ tuyệt hảo, một tước hiệu mãi mãi là của ngài chỉ vì ngài đã thụ thai Chúa Giêsu một cách đồng trinh.
2. Đức Maria trong kinh nguyện và ca ngợi của Kitô Giáo
Lòng tôn kính Đức Maria, một lòng tôn kính vốn có chỗ đứng trong truyền thống Thệ Phản, sẽ không bao giờ biến thành sự thờ phượng: vì “chỉ một mình Thiên Chúa được tôn vinh mà thôi!”.
Hiển nhiên, trong sự tôn kính Đức Maria, người ta thấy nhiều mức độ khác nhau. Với viễn tượng ấy, người Thệ Phản hẳn sẵn sàng hiểu rằng các truyền thống Kitô Giáo khác có thể tiến xa hơn họ trong cách nói lên lòng tôn kính này, tuy họ không chấp nhận sự khác nhau về chủng loại giữa việc tôn kính Đức Maria và tôn kính các thánh hay các chứng tá vĩ đại của đức tin. Nhưng thử hỏi: ở phía Thệ Phản, đặc tính của việc “tôn kính dành cho Trinh Nữ thánh thiện và đầy ơn phúc Maria” là thế nào? (30).
Vượt lên trên sự im lặng của họ, các tranh cãi thần học của họ, và sự thận trọng dè dặt của họ trước các lệch lạc mà họ cho là thờ ngẫu thần Maria, người Thệ Phản vẫn cần phải đặt Đức Maria trở lại vị trí chân chính của ngài trong mầu nhiệm cứu rỗi và trong hiệp thông các thánh, cả về tín lý lẫn phụng vụ. Làm như thế, họ sẽ đóng góp lớn lao vào ước nguyện hiệp thông của các giáo hội và sẽ đặt mình tốt hơn vào hàng ngũ các truyền thống lớn của toàn thể giáo hội.
Điều trên hàm nghĩa rằng các Giáo Hội Thệ Phản sẽ dành một chỗ thích đáng trong việc thờ phượng Chúa Nhật và Kinh Nguyện Thánh Thể cho các chứng tá nói trên, nhất là trong các mùa chính của năm phụng vụ, như Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, Mùa Thương Khó và Mùa Hiện Xuống, và sẽ phục hồi ý nghĩa cho lễ Các Thánh.
Nhờ cố gắng đọc lại Sách Thánh như thế và nhờ cái hiểu đổi mới này, các Giáo Hội Thệ Phản sẽ phục hưng việc tiếp xúc với chính các truyền thống của họ, và, giống một số nhà Cải Cách, biết khám phá ra niềm vui vốn được liên kết với các ngày Lễ Đức Mẹ, như Lễ Truyền Tin, Lễ Thăm Viếng, và Lễ Dâng Con Vào Đền Thờ. Tất cả các lễ này đều được nối kết với mầu nhiệm Chúa Kitô.
Sau cùng, việc chú ý tới các thái quá có thể có trong lòng sùng kính Đức Maria buộc người Thệ Phản chất vấn chính cách thức cầu nguyện của họ, các giới hạn và thiếu sót của nó. Liệu những hạn chế đôi khi quá đáng trong nền phụng vụ của họ có chừa chỗ nào cho một lòng đạo đức không rơi vào cảm tính hay hứng khởi vô độ không? Chú ý tới sự thật trong lối cầu nguyện của ta là một thao tác hồi tâm mà ai trong chúng ta cũng cần phải thực hiện.
“Điều gì cản trở” (xem Lc 18:16; Cv 8:36) không cho người Thệ Phản:
- hân hoan dùng đức tin ca hát vị trí mà Kinh Tin Kính vốn dành cho Đức Maria?
- nhấn mạnh tới định mệnh đặc biệt của người con gái đất Israel, từng trở thành mẹ Chúa Kitô và là chi thể của giáo hội?
- làm chứng cho việc hồi tâm của Đức Maria, đấng từng thêm vào tư cách làm mẹ của mình, tư cách khiêm nhường hơn làm hiền tỉ và nữ tì?
- nhất trí rằng kinh Magnificat ca ngợi một cách điển hình chính đức tin và đức cậy của họ?
- có khả năng ca ngợi Thiên Chúa vì những gì Người cho phép Đức Maria trở thành và thực hiện, và không khinh mạng những ai vì tình yêu đối với Chúa Giêsu đã đem danh mẹ của Người vào việc tạ ơn của họ, bằng cách sử dụng chính lời lẽ của thiên thần lúc Truyền Tin và lời chúc phúc của người chị em họ Êlisabét, và ngay cả lời của ông già Simêong lúc Dâng Con Vào Đền Thờ?
- nhìn nhận rằng lời tán tụng của Tin Mừng trên luôn luôn là lời tuyên xưng mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc; không gì gán cho “mẹ” Maria mà lại không thuộc Con Trai của ngài; và trong hiệp thông các thánh, không nên từ chối điều gì với Đức Maria?
- nhớ rằng Đức Maria là khởi đầu và là kết thúc thừa tác vụ trên gian của Chúa Giêsu, một chứng tá cho việc bắt đầu thừa tác vụ này tại Cana và lúc hoàn tất nó trên thánh giá?
Kết luận và tóm lược
Ở cuối hành trình của ta, liệu ta có cần phải tiếp tục nói tới “sự bất đồng” giữa người Thệ Phản và người Công Giáo về chủ đề Maria hay không? Thiển nghĩ cần trả lời câu hỏi này một cách dè dặt.
Nhiều điểm bất đồng vẫn còn đó, và vì ta đã nghiên cứu chúng một cách tường tận đến nỗi không thể không nhớ đến chúng khi viết mấy giòng kết luận này. Nhưng quan tâm của ta đúng ra là cố gắng cởi bỏ khỏi chúng các hiểu lầm khác nhau vẫn còn đang đè nặng lên chúng tận cho đến nay và giảm nhẹ ảnh hưởng của chúng bằng cách luôn cố gắng làm cho việc tương hợp giữa các quan điểm được rõ ràng hết sức. Chúng ta đã tìm hiểu tường tận liệu và đến mức độ nào các bất đồng kia nghiêm trọng đến có thể đụng tới “nền tảng” của đức tin ta.
Nhờ đó, Nhóm Dombes đã đưa ra kết luận sau đây:
“Là thành viên của Nhóm Dombes, và dưới ánh sáng các đề nghị hồi tâm trình bày ở cuối hành trình của mình, chúng tôi không còn coi các dị biệt mô tả trên có tính phân rẽ chúng tôi nữa. Ở cuối cuộc nghiên cứu lịch sử, Thánh Kinh và tín lý của mình, chúng tôi không còn thấy sự bất tương hợp nào có tính bất giản lược nữa, bất kể một vài phân rẽ thực sự về thần học và thực tiễn.
“Chúng tôi đồng thanh chấp nhận những gì kinh tin kính truyền lại cho chúng tôi. Kinh này dạy chúng tôi rằng Chúa Giêsu ‘được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria’. Chúng tôi cũng chấp nhận chứng cớ của Thánh Kinh. Chúng tôi vốn coi Đức Maria giữ vị trí tâm điểm trong việc khai triển sự sống của Chúa Kitô trong nhiệm thể của Người là Giáo Hội. Quan điểm này chính đáng vì dựa vào điều khoản đức tin vốn là thành phần trong Kinh Tin Kính Các Tông Đồ qua các hạn từ ‘hiệp thông các thánh’”.
Nếu thế thì đâu là nỗi khó khăn vẫn còn đang tiếp diễn? Đối với người Thệ Phản, nỗi khó khăn đó hiển nhiên nằm ở một số chủ đề được người Công Giáo sử dụng để nói về Đức Maria. Nhưng hơn thế nữa, nó còn nằm ở việc nại tới thánh truyền, tới việc khai triển học lý, và tới vai trò của huấn quyền, ở đây cũng như ở các phạm vi khác.
Đối với người Công Giáo, nỗi khó khăn ấy rõ ràng nằm ở lối đọc chứng tá Thánh Kinh có tính hết sức giới hạn của người Thệ Phản, và có lẽ nghiêm trọng nhất, chính là sự đối kháng của họ đối với cảm tình tính, một đối kháng được duy trì trong nhiều thế kỷ qua những tranh cãi khôn nguôi về Trinh Nữ Maria.
Tuy thế, toàn bộ công trình nghiên cứu này cho thấy không có điều gì về Đức Maria khiến ta biến ngài thành biểu tượng của những điều chia rẽ chúng ta.
Vậy thì mọi sự đều đã đâu vào đó cả hay sao? Chắc chắn không! Nhưng thiển nghĩ ta nên chấp nhận một tiêu chuẩn chung như sau: Đức Maria không bao giờ tách biệt khỏi Người Con của ngài và “nữ tì của Chúa”, người mà “Đấng Toàn Năng đã làm cho nhiều điều trọng đại”, luôn tôn vinh Con của mình là Cứu Chúa của mình và của tất cả chúng ta. Ta chiêm ngưỡng Chúa Kitô trong chính mầu nhiệm thập giá. Theo Thánh Gioan, mọi sự đã “hoàn tất” sau khi Chúa Giêsu ủy thác mẹ và môn đệ của Người cho nhau. Vì Đức Maria hiện diện như thế trong kế hoạch Thiên Chúa và ở ngay khởi đầu hiệp thông các thánh, thiển nghĩ cả hai bên, Thệ Phản lẫn Công Giáo, cùng với muôn triệu chứng tá trong lịch sử cứu rỗi, đều được mời gọi liên tục quay về với Chúa Giêsu Kitô, Đấng “được tượng thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria”.
Ghi chú
(20) Xem chương 1, phần nói về Đức Maria trong các giáo hội thoát thai từ Cải Cách trong thế kỷ 19.
(21) P. Maury, “La Vierge Marie dans le catholicisme contemporain”, Bulletin Fac. Théol. Prot. (Paris: 1946) 6.
(22) K. Barth, “Quatre études bibliques”, Foi et Vie, số 85-86 (1936) 487.
(23) S. De Diétrich, “Rôle de Vierge Marie” Cahiers d’Orgemont, số 58 (1966) 27.
(24) A. và F. Dumas, Marie de Nazareth (Geneva: Labor et Fides, 1989) 98-99.
(25) Luther, Bài Giảng Năm 1522; xem Kirchenpostille (WA 10/1/1).
(26) Tuy Calvin từ khước việc gọi Đức Maria là “người giữ kho ơn thánh” theo nghĩa của truyền thống Trung Cổ, nhưng ông đã tái giải thích ý nghĩa của tước hiệu này theo quan điểm Cải Cách: “Theo một nghĩa khác, Trinh Nữ quả là người giữ kho ơn thánh. Vì ngài gìn giữ học lý có sức mở cửa nước trời cho ta ngày nay và dẫn ta tới Chúa Giêsu, Chúa chúng ta; ngài gìn giữ học lý ấy như một kho tàng, và rồi nhờ ngài, ta lãnh nhận được học lý ấy và ngày nay, ta được bồi đắp nhờ học lý này. Như vậy, bạn hãy chiêm ngắm vinh dự Chúa ban cho ngài; hãy xem xem ta nên nghĩ ra sao về ngài: không ngưng lại nơi ngài cũng như không biến ngài thành ngẫu tượng, nhưng để, nhờ ngài, ta được dẫn tới Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì đó chính là nơi ngài sẽ sai ta đến” (Bài Giảng thứ 25 về Sự Hoà Hợp của Tin Mừng, trích dẫn trong La Revue réformée, số 31 [1957/4] 37).
(27) A. Piepkorn, “Mary’s Place Within the People of God” Marian Studies 18 (1967) 82.
(28) Xem Chương 4, phần nói về Sự Hồi Tâm Tín Lý của Công Giáo (nhận định của Nhóm Dombes).
(29) Xem Chương 3, phần nói về Sự Cộng Tác của Đức Maria (hướng tới một hoà giải)
(30) Xem Ch.Drelincourts, The Honor Due to the Holy and Blessed Virgin Mary.