Beatification
Tôn phong chân phước, tôn phong á thánh. Một tuyên bố của Đức Giáo hòang, với tư cách là người đứng đầu Giáo hội, xác định rằng một tín hữu đã qua đời đã sống một đời thánh thiện, hoặc đã tử vì đạo và nay đang ở trên thiên đàng. Như là một tiến trình, việc tôn phong á thánh gồm, có việc xem xét trong nhiều năm về cuộc sống, các nhân đức, các trước tác và sự nổi tiếng thánh thiện của người tôi tớ Chúa. Tiến trình này thường được thực hiện bởi vị Giám mục của giáo phận, nơi người tôi tớ Chúa đã cư ngụ hoặc qua đời. Đối với vị tử vì đạo, các phép lạ được ban qua lời bầu cử của vị này không cần được cứu xét trong giai đọan ban đầu này. Tiến trình thứ hai, gọi là tiến trình Tông tòa, được Tòa thánh lập ra sau khi tiến trình thứ nhất cho thấy rằng người tôi tớ Chúa đã thực thi nhân đức với mức độ anh hùng, hoặc chết như người tử vì đạo cho đức tin của mình. Các vị được phong chân phước gọi là “Chân phước” hay “Á thánh” và được giáo hữu tôn kính, nhưng chưa được toàn thể Giáo hội tôn kính. (Từ nguyên Latinh beatificatio, tình trạng nên chân phước; từ chữ beatus, phúc, phước.)
Beatific Vision
Phúc kiến, thị kiến vinh phúc. Là sự hiểu biết trực giác về Chúa, tạo ra niềm hạnh phúc nước Trời. Như Giáo hội định nghĩa, linh hồn người công chính “nhìn thấy yếu tố thiên linh bằng thị kiến trực giác và mặt đối mặt, đến nỗi yếu tính thiên linh được biết rõ ngay lập tức, cho thấy cách rõ ràng, đầy đủ và cởi mở, không trực tiếp thông qua bất cứ thụ tạo nào khác" (Denzinger 1000-2). Hơn nữa, linh hồn các thánh "nhìn thấy rõ ràng Thiên Chúa, một Chúa và Ba Ngôi, như Chúa tỏ hiện" (Denzinger 1304-6). Việc này được gọi là thị kiến trong tâm trí bằng cách loại suy với cái nhìn của thể xác, vốn là tổng hợp nhất của các khả năng giác quan; thị kiến này được gọi là vinh phúc bởi vì nó tạo ra hạnh phúc trong tâm trí và tòan hữu thể. Nhờ thị kiến vinh phúc với Chúa như thế, người có phúc được chia sẻ trong hạnh phúc Thiên Chúa, nơi phúc của Chúa Ba Ngôi là (nói theo kiểu con người) kết quả của việc Chúa thấu biết trọn vẹn sự thiện vô cùng của Chúa. Phúc kiến cũng được các thiên thần hưởng nhờ, và được Chúa Kitô sở hữu trong nhân tính của Người mặc dầu Người đã sống cuộc đời phải chết này ở trần gian. (Từ nguyên Latinh beatificus, vinh phúc, hạnh phúc tột đỉnh, chia sẻ hạnh phúc lớn lao; từ chữ beatus, phúc.)
Beati Possidentes
Beati Possidentes, Phúc cho người sở hữu, phúc cho người có của cải. Chữ sở hữu ở đây có nghĩa là sở hữu 9/10 tài sản theo luật. Luật ủng hộ các người sở hữu của cải, xét rằng bất cứ ai cũng cần phải chứng tỏ mình có của cải như thế.
Beatitude
Phúc, hạnh phúc, mối phúc thật. Là hạnh phúc hoặc vinh phúc khi sở hữu sự thiện tốt lành. Mối phúc thật là hạnh phúc trọn vẹn của một tạo vật được hưởng, khi được ân sủng và ánh sáng vinh quang nâng lên đến sự thị kiến Thiên Chúa mãi mãi. (Từ nguyên Latinh beatitudo, hạnh phúc; tình trạng sống hạnh phúc; sự đạt đến đối tượng làm cho người ta hạnh phúc; từ chữ beatus, phúc.)
Beatty Papyri
Beatty Papyri, Cuộn giấy cói Beatty. Là bản chép tay các Tin Mừng và Công vụ Tông đồ trên 13 tờ cuộn, trong thế kỷ thứ ba, cộng thêm 20 tờ cuộn khác chép thư Phaolô và sách Khải huyền. Các bản chép tay phần Cựu ước trong bộ sưu tập này có 180 tờ cuộn trong chín quyển sách, có từ thế kỷ thứ hai. Các cuộn giấy cói Beatty ghi lại các phần cơ bản nhất của bản văn Kinh thánh hiện nay. Không có dị bản nào nổi bật hoặc sai cơ bản trong cả Cựu ước hoặc Tân ước. Các cuộn giấy cói Beatty được phát hiện gần Hermopolis ở Ai Cập, đa số là do ông A. Chester Beatty (1875-1968) tìm thấy vào năm 1931.
Beaupré, St. Anne De
Đền thánh Anna ở Beaupré. Là đền thánh nổi tiếng thế giới dâng kính Đức Trinh Nữ ở Quebec, Canada. Nguồn gốc đền thánh phát sinh từ phép lạ chữa lành cho người què Louis Grimont vào ngày 16-3-1658. Ngôi nhà thờ nhỏ dần dần được mở rộng thêm, và nhà thờ hiện nay được gọi là tiểu vương cung thánh đường vào năm 1888. Trong gian ngang phía bắc của nhà thờ có hòm thánh tích bằng vàng, chứa một xương cổ tay thật của thánh nữ Anna. Hàng năm nhiều phép lạ nơi đây được báo cáo, với hàng ngàn khách hành hương đến cầu nguyện quanh năm, nhất là vào ngày 26-7, lễ thánh Anna.
Beauraing (Shrine)
Đền thánh Beauraing. Một nơi Đức Trinh nữ Vô nhiễm đã hiện ra. Ngài hiện ra với năm trẻ em người Bỉ trong độ tuổi 9-15 trong 33 lần tại làng nhỏ Beauraing, miền Vallon, nước Bỉ. Ngày 29-11-1932, các em bé này đang đi trên đường dẫn nước của ngành đường sắt thì nhìn thấy một bà giang tay ra, mang áo trắng, đầu đội triều thiên có các tia vàng trên đầu Ngài, và một quả tim vàng trên ngực Ngài. Trong lần hiện ra sau đó, Ngài khuyên các em luôn phải sống tốt. Ngày 1-1-1933, trong lần hiện ra cuối cùng, Đức Mẹ nói với cậu bé lớn tuổi nhất: “Nếu con yêu mến Con của Ta và yêu mến Ta, con hãy tự hiến vì Ta.” Lúc đầu mọi sự nhìn nhận việc hiện ra bằng các cuộc rước kiệu đã bị cấm đóan. Tiếp theo là 10 năm điều tra. Nhiều phép lạ được kể lại bởi những người đến thăm đền thánh, và một đền thánh lớn được xây dựng để tôn kính Đức Mẹ và tôn vinh những người được chữa lành. Cuối cùng, vào ngày 2-7-1949, Giám mục Charue của giáo phận Namur cho phép tôn kính công khai “Đức Mẹ Beauraing."
Beauty
Vẻ đẹp, sắc đẹp, cái đẹp, thẩm mỹ. Cái đẹp là sự hấp dẫn theo bản năng. Theo thánh Tôma Aquinas, "Cái đẹp liên quan đến năng lực nhận thức; vì những vật đẹp là những vật làm cho người ta hài lòng hoặc ưa nhìn. Vì thế cái đẹp của một vật là ở một tỉ lệ thích hợp" (Summa Theologica, I, 5,4). Do đó, cái đẹp không chỉ ở trong vật hữu hình, mà còn đặc biệt trong các sự vô hình, thiêng liêng. "Sự hiệp nhất trong khác biệt làm nên trật tự; trật tự tạo ra thỏa thuận; rồi tỉ lệ và thỏa thuận, trong các vật hòan chỉnh và đầy đủ, làm nên cái đẹp” (Thánh Phanxicô Salêsiô, Chuyên khảo về lòng mến Chúa, I).
Becoming
Thay đổi, trở nên. Là thay đổi; từ cái này trở nên cái khác. Thay đổi là đối nghịch với hiện hữu, trong nghĩa rằng một hữu thể đang trong quá trình trở nên một cái gì khác với cái nó đã là. Các từ ngữ “trở nên” và “đang trở thành” là các nét chính hiện nay của triết học quá trình và thần học quá trình, vốn chối bỏ rằng bất cứ hữu thể nào, kể cả Thiên Chúa, chỉ đơn thuần hiện hữu, nhưng cho rằng mọi sự đang trong sự biến đổi liên tục.
Beehive
Dõ ong, tổ ong. Là biểu tượng của nhiều vị thánh, thường là biểu tượng cho tài hùng biện của các vị. Thánh Ambrose (340-97) được xem là thánh bổn mạng của các người nuôi ong mật. Con ong cũng là biểu tượng của thánh Gioan Kim Khẩu (347-407), vị thánh bổn mạng lưỡi vàng của các nhà hùng biện, và của thánh Bernard thành Clairvaux (1090-1153).
Beelzebul (Also Baalzebub, Beelzebub)
Beelzebul, Baalzebub, Beelzebub, quỷ trưởng, tướng quỷ. Theo cách phát âm của từ ngữ này, nó có nghĩa là một thần dữ hoặc một người có ảnh hưởng xấu xa. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu cương quyết bác bỏ việc Chúa làm phép lạ là nhờ quyền năng của Beelzebul (Mt 12:24, Lc 11:19-20). Trong Cựu Ước, Vua A-khát-gia (Ahaziah) tìm cách thỉnh ý Ba-an Dơ-vúp (Baalzebub), thần của Éc-rôn (Ekron) (Vua II 1:3). Tên này mang ý nghĩa khinh bỉ của “chủ ruồi nhặng”."
Before Christ (B.C.)
Trước Công nguyên (B.C.). Thời kỳ lịch sử con người từ khi có con ngươi đến khi Chúa Kitô đến trần gian. Đôi khi được gọi là “Trước kỷ nguyên Kitô giáo” (B.C.E.).
Beghards
Hiệp hội nam giáo dân Bêganh. Là các nhóm giáo dân thởi Trung Cổ, tự ý sống cuộc đời cầu nguyện trên mức bình thường và sống khổ chế giữa đời tục lụy. Các nhóm này được thành lập vào thế kỷ 12 tại Hà Lan, đa số thuộc phường hội nghề thủ công thời ấy. Mỗi cộng đoàn có quỹ chung, tài sản chung và nhà trú ngụ chung. Sau hai thế kỷ xây dựng lối sống tốt như thế, các lạm dụng đã lẻn vào và các đường lối lạc giáo được đón nhận. Được Đức Giáo hoàng và các Giám mục ra các hình thức chữa phạt và được Tòa thẩm tra cảnh cáo, họ không giảm bớt hành xi xấu và do đó bị lên án. Sau cuộc Cách mạng ở Pháp, các hội này biến mất hẳn trong thực tế.
Beguines
Hiệp hội nữ giáo dân Bêganh. Là các cộng đoàn nữ giáo dân được thành lập tại Hà Lan trong thế kỷ 12. Họ tự nguyện chăm sóc người bệnh tật và người nghèo khổ, họ sống đời bán đan tu, không có của riêng và từ bỏ lạc thú trần gian. Mỗi nhà ở có 2-3 giáo dân Bêganh được gọi là một béguinage, một đơn vị tự lập có một nhà nguyện trong khuôn viên làm nhà sinh hoạt chung. Không có luật chung và không có bề trên, một số cộng đoàn chọn luật của Dòng Ba Phanxicô. Họ có ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống người khác về sống tốt lành, nhất là trong công việc giáo dục và từ thiện, nhưng rồi có dính líu đến các lầm lạc và lạc giáo thời ấy, nên bị Công đồng chung Vienne lên án. Họ hầu như biến mất trong cuộc Cách mạng Pháp. Những nhóm còn tồn tại đến ngày nay làm công tác chăm sóc người bệnh, và làm đăng ten để kiếm sống. (Từ nguyên Pháp Béguine, theo tên vị sáng lập Lambert le Bègue.)
Behavior
Thái độ ứng xử, cung cách. Trong thần học luân lý, đó là mọi họat động của con người. Đặc biệt hơn, đó là cách thức một người hành động trong các hoàn cảnh đã cho, với hàm ý rằng người ấy có thể hành động một cách khác, và do đó chọn làm điều đã làm hay không làm. Thái độ ứng xử là họat động dễ thấy của con người.
Being
Hữu thể, hiện hữu, tồn tại. Hữu thể là bất cứ cái gì tồn tại, dù là hiện hữu hoặc có thể hiện hữu, dù là trong tâm trí, trong óc tưởng tượng hoặc trong một phát biểu. Xét về triết học, hữu thể là một thực thể, và phù hợp với yếu tính hoặc một vật. Trái ngược với nó là không có thực và hàm chứa một mâu thuẫn nội tại.
Being In Time
Hiện hữu trong thời gian, Tại thể tính. Một từ ngữ trong triết học của triết gia Martin Heidegger (1889-1976) để tái định nghĩa con người như là Dasein in Zeitlichkeit, nghĩa là “Tại thể tính.” Theo tiền đề này, con người không có yếu tính hoặc bản tính ổn định. Thay vào đó, con người liên tục thay đổi theo dòng thời gian. Triết học của Heidegger đã được áp dụng vào các sách Tin mừng và văn kiện của Giáo hội Công giáo. Khi áp dụng vào sách Tin mừng, ý nghĩa thực sự chỉ có thể tìm thấy được bằng cách tước đi huyền thoại được điều kiện hóa bởi thời gian trong truyện cuộc đời Chúa Giêsu. Áp dụng vào các văn kiện của Giáo hội, triết học Heidegger kêu gọi đánh giá lại các tín lý Công giáo của thời đã qua theo từ ngữ hiện đại.
Bel
Thần Ben. Thần bảo vệ của thành Babylon, đôi khi được gọi là Merodach (Mơ-rô-đác). Sau khi thắng trận trước người dân Babylon, người Do Thái ăn mừng chiến thắng bằng cách hô vang: “Nói lên đi: Ba-by-lon đã thất thủ, Ben phải nhục nhã, Mơ-rô-đác tan tành (Các tượng thần của nó phải nhục nhã, các đồ gớm ghiếc của nó bị tan tành)" (Giêrêmia 50:2).
Belial
Bêlia, Satan. Sự đồi bại xấu xa, sự vô kỷ luật. Từ ngữ được nhân cách hóa trong Tân ước. Thánh Phaolô nói: “Làm sao ánh sáng lại dung hoà được với bóng tối? Làm sao Đức Ki-tô lại hoà hợp được với Bêlia?" (II Cr 6:14-15). (Từ nguyên Hi Lạp belial; từ chữ Do Thái cổ b_l_ya'al, vô lại.)
Belief
Niềm tin, tín ngưỡng, tin tưởng. Sự chấp nhận điều gì đó là thật dựa vào lời nói của một người đáng tin cậy. Nó khác với đức tin ở chỗ đức tin nhấn mạnh vào việc tin vào người được tin tưởng. Hơn nữa, niềm tin nhấn mạnh hành vi của ý chí, vốn giúp một người sẵn sàng tin tưởng, trong khi đức tin là một hành vi của tâm trí, vốn đồng ý với điều được tin.
Bell-Book-Candle
Chuông-Sách-Nến. Là các biểu tượng được dùng trong hình thức cũ của việc ra vạ tuyệt thông trong Giáo hội. Trong khi vạ tuyệt thông được đọc lên, các vật phụ này được các linh mục mang đến và được dùng một cách biểu tượng: sách được đóng lại, nến được tắt đi và chuông rung như chuông tử cầu cho người qua đời.
Bells
Chuông. Là các vật hình chén lõm bằng kim loại phát ra âm thanh khi được rung hoặc đánh dùi vào. Sau khi được làm phép, chuông trở thành các á bí tích của Giáo hội. Chuông thánh lễ là cái chuông nhỏ cầm tay, được rung khi linh mục nâng Mình thánh và Chén thánh, để hướng sự chú ý của cộng đoàn vào phần trọng thể nhất của thánh lễ. Trong nhiều nhà thờ, một số tu viện và đan viện, chuông lớn ở tháp chuông được kéo rung lúc rạng đông, buổi trưa và buổi tối, và cũng kéo rung lúc linh mục nâng Mình thánh và Chén thánh trong thánh lễ, để cho những người sống gần khu vực biết có thánh lễ và có thể tham gia cầu nguyện. Một linh mục mang Mình thánh Chúa cho bệnh nhân trong một tu viện, hoặc trong bệnh viện công giáo, có một người đi hộ tống, cầm chuông nhỏ và lắc để loan báo có sự hiện diện của Mình thánh Chúa. Các chuông không được rung trong các lễ nghi phụng vụ từ kinh Vinh Danh ngày thứ Năm tuần thánh đến kinh Vinh Danh trong thánh lễ vọng Phục sinh, nhằm nói lên nỗi buồn rầu của Giáo hội về cuộc Thương khó và Tử nạn của Chúa Kitô.
Bells. Blessing Of
Làm phép chuông. Một nghi thức long trọng đặc biệt của một giám mục hoặc vị linh mục được ngài ủy thác để làm phép chuông ở tháp chuông nhà thờ. Sau khi được rảy nước thánh, chuông được xức dầu thánh ở bên ngòai và bên trong, và kinh nguyện được đọc khi nghe tiếng chuông để xua đuổi ma quỷ và mời gọi dân Chúa cầu nguyện. Việc làm phép đơn giản là dành cho các chuông ít quan trọng.
Ben
Ben, con của; chẳng hạn, Ben-hadad, con của Hadad. Trong số nhiều, là các thành viên bộ tộc phát sinh từ một tổ tiên chung.
Ben., Bd.
Benedictio – làm phép, chúc lành, chúc phúc.
Benedicite
Thánh thi Benedicite (Xưng tụng Chúa đi…). Là thánh thi của Tôbia, với các chữ đầu tiên là "Tại Giê-ru-sa-lem, mọi người hãy xưng tụng Chúa Benedicite]" (Tôbia 13:10).
Benediction Of The Blessed Sac- Rament
Chầu Thánh Thể, chầu phép lành, chầu Mình Thánh Chúa. Là sự sùng kính phép Thánh Thể trong Giáo hội công giáo nghi lễ Latinh. Trong dạng thức truyền thống, một linh mục mang áo các phép, dây các phép, và áo choàng, đặt Mình thánh Chúa trong hào quang và đặt trên bàn thờ, sau đó xông hương. Thánh ca O Salutaris Hostia hơạc một thánh ca tương tự thường được hát khi bắt đầu đặt Mình thánh Chúa, sau đó là một thời gian suy niệm, chúc tụng và thờ lạy bởi linh mục và giáo dân. Kết thúc giờ chầu, thánh ca Tantum Ergo được hát với một lần xông hương nữa, sau đó linh mục cầm hào quang đưa lên theo hình thánh giá để ban phúc lành cho những người dự. Trong khi ban phúc lành, linh mục mang khăn vai phủ đôi tay của ngài. Một chuông nhỏ được rung lên khi ban phúc lành. Rồi lời kinh chúc tụng được linh mục và giáo dân hát lên hoặc đọc, và Mình Thánh Chúa được lấy cất vào Nhà tạm. Việc chầu Mình Thánh Chúa thường được tổ chức trong các lễ trọng và ngày Chủ nhật, cũng thực hiện trong mùa Chay, trong một sứ mạng, tĩnh tâm hoặc trong chầu lượt 40 giờ. Các ngày chầu khác có thể được chỉ định bởi vị Giám mục bản quyền. Kể từ Công đồng chung Vatican II, Giáo hội đã đơn giản hóa nghi thức truyền thống, cho phép nhiều hình thức lựa chọn về kinh nguyện, thánh ca, bài đọc “nhằm hướng sự chú ý của tín hữu vào việc tôn thờ Chúa Kitô” (Eucharistiae Sacramentum, 1973, số 95).
Benedictus
Bài ca Benedictus (Chúc tụng). Là bài ca tạ ơn của Dacaria (Zechariah) khi con trai ông là Gioan Tẩy Giả (Lc 1:68-79) chào đời. Bài ca dâng lên Chúa để tạ ơn Chúa đã thực hiện các lời hứa về Đấng Thiên sai (Mêsia), và nói với người con sẽ là vị Tiền hô của Đấng Mêsia. Trong Giáo hội phương Tây, bài ca này được hát hay đọc trong Giờ Kinh Sáng.
Benedictus Deus
Thông điệp Benedictus Deus của Đức Giáo hòang Benedict XII, công bố năm 1336, trong đó ngài định nghĩa tín lý của Giáo hội về sự chết, sự phán xét, thiên đàng và hỏa ngục.
Bene Esse
Bene Esse, hạnh phúc, tình trạng khỏe mạnh. Hạnh phúc khác với hiện hữu (esse). Như thế việc giáo dục là không cần thiết cho sự hiện hữu của một người, nhưng lại cần thiết cho hạnh phúc của người ấy.
Benefice
Đặc quyền, lợi ích, lợi lộc. Là một thực thể pháp lý được giáo quyền có thẩm quyền ban cho mãi mãi. Nó bao gồm một phận sự thánh và quyền tiếp nhận các thu nhập tương đương. Thu nhập có thể đến từ nhiều nguồn: 1. bất động sản hoặc động sản có được nhờ đặc quyền; 2. các đóng góp bắt buộc của gia đình hoặc của một người nào đó; 3. dâng cúng tự nguyện của giáo dân; 4. chi tiêu được trả tùy theo quy chế hoặc tập tục của giáo phận; 5. phần phân chia của ca đoàn nếu các thu nhập bao gồm các khoản này. Tại nhiều quốc gia, các giáo xứ được xem là có đặc quyền theo luật Giáo hội.
Benemerenti Award
Huy chương Benemerenti, Huy chương Công trạng. Là huy chương có từ thời Đức Gíao hoàng Gregory XVI năm 1852 và trao thưởng để nhìn nhận các thành tích xuất sắc trong lĩnh vực quân sự hoặc dân sự. Huy chương quân đội có một mặt mang hình Đức Giáo hoàng Gregory XVI và mặt kia có hình một thiên thần mang cuộn giấy có chữ benemerenti (tặng cho người có công trạng) dưới huy hiệu Giáo hoàng. Huy chương dân sự có chữ benemerenti, chung quanh là một vòng lá sồi được khắc vào mặt phải. Huy chương đeo ở ngực, kèm theo các dây màu cờ Tòa thánh.
Bene Placito
Bene Placito, chấp thuận, đồng ý. Chữ này nói về hành vi của cấp dưới chấp thuận bề trên của mình, ít là một thỏa thuận ngầm. Đôi khi được áp dụng cho việc các văn kiện Giáo hoàng có được sự chấp thuận của chính quyền dân sự, trước khi tín hữu được phép thực thi các khoản của văn kiện ấy.
Benevol
Benevolentia, lòng khoan dung, lòng từ tâm
Benevolence
Lòng nhân, lòng tốt, lòng khoan dung, lòng từ tâm. Là nhân đức của một người luôn có lòng thương giúp đỡ cho người khác. Khi có lòng từ tâm như thế, nó trở thành đức ái tỉm điều tốt có ích cho người mình thương mến, để so sánh với tình yêu nhục dục, nơi đó điều tốt được tìm kiếm vì lợi ích của người đang thương. (Từ nguyên Latinh benevolentia, lòng tốt, từ tâm.)
Benignity
Hiền lành, nhu mì, khoan hậu. Là một trong các hoa quả của Chúa Thánh Thần, được thánh Phaolô liệt kê ra. Nó tương đương với lòng tốt, sự dễ thương. (Từ nguyên Latinh bene, tốt + gigni, sinh ra: benignitas, lòng tốt.)
Benjamin
Benjamin, Ben-gia-min. Là con út trong 12 người con của Jacob. Trong số này chỉ có Giuse và Benjamin được bà Rachel, người vợ sau cùng và được thương yêu nhất của Jacob, sinh ra. Khi các anh em đi qua Ai Cập để mua lương thực trong nạn đói, ước muốn lớn của Giuse được gặp lại Benjamin đã thúc đẩy Giuse yêu cầu các anh em trở về nhà và đem Benjamin tới gặp ông (Stk 42-44). Cuộc đòan tụ hạnh phúc đã diễn ra. Thời gian trôi qua, sự tổ chức các chi tộc đã phát triển và con cháu của Benjamin lập thành chi tộc Benjamin, và vùng đất họ sinh sống là phía tây sông Jordan. Họ trở thành những chiến binh miền núi dũng mãnh để bảo vệ tự do (II Sam 2:9, 15). Thánh Phaolô là một hậu duệ của chi tộc Benjamin (Rm 11:1-2).
Bequest
Việc nhường lại gia sản. Là tiền bạc hoặc tài sản có giá trị được để lại vì mục đích tôn giáo sau khi một người qua đời. Điều này nằm trong bản chất của ý muốn và thường qui định rằng cần dâng nhiều lễ cầu hồn cho người tặng gia sản. Trong một số quốc gia, việc nhường lại gia sản là bị cấm vì trái với sự công bằng.
Berengarianism
Lạc giáo Berengarius. Là lạc giáo của Berengarius thành Tours (999-1088), một nhà thần học Pháp chối bỏ sự biến đổi bản thể, trong khi nhìn nhận một hình thức hiện diện thật sự nào đó của Chúa Kitô trong phép Thánh Thể. Công đồng Rome năm 1079 yêu cầu Berengarius phải tuyên xưng đức tin vào sự Hiện diện thật sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Công thức tuyên tín Thánh thể này thường được các Đức Giáo hòang trích dẫn, nhất là Đức Giáo hòang Phaolô VI trong thông điệp Mysterium Fidei (năm 1965).
Bergsonianism
Triết học Bergson. Là triết học của triết gia Pháp Henri Bergson (1859-1941), người quan niệm rằng sức sống tinh thần và vật chất là hiệp nhất với nhau. Cụm từ élan vital tổng hợp triết thuyết này, vốn nói rằng trong sự hiện hữu có một lực sống gốc và lan khắp, và nó chuyển từ một thế hệ hữu thể sống qua một thế hệ khác bằng các sinh vật cá thể phát triển. Các sinh vật này là đường nối giữa các thế hệ kế tiếp nhau. Các thuyết tiến hóa của ông Bergson đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng phương Thây hiện đại, chẳng hạn trong các tác phẩm của linh mục Teilhard de Chardin (1881-1955).
Bernardines
Tu sĩ Dòng thánh Bênađô cải cách. Là tên gọi chung cho Dòng cải cách của thánh Bernard (1090-1153) và các tu hội nhỏ khác. Từ ngữ này cũng thỉnh thỏang được dùng một cách không thích hợp cho Dòng Xitô, vì các tổng tu nghị dòng cấm sử dụng danh từ “Dòng thánh Bernard."
Bestiality
Thú dâm. Giao hợp thể xác với con vật. Đây là tội xấu nhất trong các tội chống lại đức trong sạch, bất kể hành vi được thực hiện ra sao.
Beth
Beth, mẫu tự thứ hai trong bảng chữ cái của tiếng Do Thái cổ, có nghĩa là “nhà”. Nhiều thị trấn đưa chữ cái này vào tên của mình, chẳng hạn Bethany, Bethanath.
Bethany
Bêtania. Bêtania ở bên kia núi Olivet, cách 1,6km về phía đông nam của nơi Chúa Kitô lên trời, bên rìa một ngọn đồi gần đó, là nơi có ngôi nhà của bà Martha và bà Maria sống với em trai là Lazarô, và là nơi Chúa làm cho ông Lazarô đã chết sống lại. Trong thế kỷ thứ bốn, một nhà thờ ngầm được xây dựng làm nơi đánh dấu ngôi mộ của Lazarô. Làng Bêtania nguyên thủy đã bị người Roma phá hủy thời vua Titus (năm 39-81) và không hề được tái thiết. Nhiều tu viện, nhà thờ và các đền thờ mới đã được xây dựng gần đó, nhưng hiện nay tất cả ở trong tình trạng hư hỏng nặng. Năm 1187 Bêtania bị người Hồi giáo chiếm giữ và họ cấm Kitô hữu đi vào trong mộ của Lazarô, nhưng đến năm 1614 các tu sĩ Phanxicô chi tiền và được phép mở một lối đi vào khác, để cho các tín hữu có thể đến gần mộ mà không phải đi qua đền thờ Hồi giáo. (Từ nguyên Hi Lạp bêthania, tiếng Do Thái cổ bet`aniyyah, chữ rút gọn của bêt chananyah, nhà của Ananiyah.)
Bethel
Bethel, Bết Ên. Một thị trấn cổ miền Canaan, có tên cũ là Luz, cách Jerusalem khỏang 19km. Đây là nơi mà tổ phụ Jacob có thị kiến về một cái thang dài, và là nơi người Do thái "chầu Đức Chúa" (Thủ lãnh 21). Hòm Bia Giao ước có lẽ được lưu giữ ở đây một thời gian. Từ chữ Do thái cổ Beth'el, Nhà Chúa.
Bethlehem
Bêlem. Bêlem còn được gọi là Ephrathah để chỉ định nơi sinh của Vua David, là một trong các thành cổ nhất tại Palestine, cách Jerusalem 19km về phía đông nam. Ở giữa làng, với dân số 30.000 người, là Nhà thờ Giáng sinh, với cung thánh nằm ngay trên cái hang được truyền thống xem là nơi Chúa Kitô đã giáng sinh. Từ vương cung thánh đường có hai lối đi dẫn xuống nơi này. Các cửa lớn của nhà thờ được khóa chặt để ngăn ngừa người Hồi giáo giải hóa thánh thiêng. Được Vua Constantine xây dựng vào năm 330, Nhà thờ Giáng sinh là một trong các cấu trúc Byzantine cổ xưa nhất và là một trong các nhà thờ xây sớm nhất của Kitô giáo. Trong hốc lớn ở tầng ngầm là bàn thờ. Gần bàn thờ là ngôi sao bạc trên sàn nhà bằng cẩm thạch, mà phần mở ở giữa cho thấy sàn xưa bằng đá của hang bên dưới. Chung quanh phần mở có dòng chữ "Nơi đây Chúa Giêsu Kitô được Đức Maria Đồng trinh sinh ra." Năm mươi ba ngọn đèn nến được thắp sáng liên tục suốt cả ngày đêm. Trong hang đá, thánh lễ Giáng sinh được cử hành mỗi ngày, các tín hữu quỳ trên sàn nhà bằng cẩm thạch. (Từ nguyên Do thái cổ beth lechem, nhà bánh mì hoặc nhà của thần Lahm.)
Betrothal
Đính hôn, hứa hôn. Một thỏa thuận hứa kết hôn với nhau. Trừ khi được viết và đề ngày tháng, được hai bên ký tên và được linh mục hoặc hai người chứng ký tên, sự hứa hôn này, dù chính thức chăng nữa, không phải là một ngăn trở để có thể kết hôn với một người khác. (Từ nguyên tiếng Anh troth, biến thái của truth, sự thật.)
Betting
Đánh cá, đánh cuộc, cá độ. Là một thỏa thuận trong đó hai hay nhiều người đồng ý trao giải thưởng cho ai đóan chính xác một sự việc hoặc sự kiện trong tương lai. Việc đánh cuộc là được phép về luân lý theo các tiêu chuẩn công giáo, nhưng dựa vào một số điều kiện. Các bên đánh cá phải hiểu rõ ràng các điều kiện thỏa thuận theo cùng một cách, và họ phải thành thật không biết gì về kết quả của điều sẽ xảy ra; họ thành thật muốn trả tiền (và có thể trả) trong trường hợp họ thua cuộc; và việc đánh cá không thể là việc khuyến khích làm điều xấu hoặc phạm tội.
B.F.
B.F., Bona fide – Thiện ý, thực tâm, thực lòng, thành thực.