Tabernacle
Nhà tạm, lều, lều tạm. Là tủ nhỏ hay vật chứa giống cái hộp để cất giữ Mình Thánh Chúa. Trong thời đầu Kitô giáo Mình Thánh Chúa được cất giữ tại nhà riêng để tránh cuộc bách hại. Sau đó nhà tạm hình chim câu được treo bằng dây trước bàn thờ. Ngày nay, nhà tạm có thể là hình tròn hay hình chữ nhật và làm bằng gỗ, đá hoặc kim loại. Nhà tạm được phủ màn và viền quanh bằng kim loại quý hay lụa, và bên trong có khăn lót cho bình thánh hoặc các vật thánh khác. Theo chỉ thị của Tòa Thánh, kể từ Công đồng chung Vatican II, nhà tạm phải luôn kiên cố và bất khả xâm phạm, đặt giữa bàn thờ chính hay trên bàn thờ cạnh, nhưng luôn ở nơi thật xứng đáng (Huấn thị Eucharisticum Mysterium ‘Mầu nhiệm Thánh Thể’, ngày 25-5-1967, II C). (Từ nguyên Latinh tabernaculum, lều, từ ngữ giảm nhẹ của taberna, trại, có lẽ từ ngôn ngữ Etruscan.)
Tabernacle (Biblical)
Lều tạm (trong Kinh thánh). Là một đền thánh dùng trong việc thờ phượng của người Do thái cả trước khi Vua Solomon (Sa-lô-môn) xây dựng Đền thờ. Lều tạm tượng trưng cho việc Chúa hiện diện với dân Chúa (Xh 25:8). Khi họ di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, Lều tạm được dời theo cùng họ. Đức Chúa nói với ông Moses (Mô-sê) các hướng dẫn chi tiết về kích thước, vật liệu, trang trí Lều tạm và vị trí Lều trong khu vực cung điện dành riêng cho việc thờ phượng Chúa (Xh 25, 26, 27). Trong Tân Ước, Lều tạm có một ý nghĩa mới, như được mô tả trong Thư gửi giáo đoàn Do thái. “Để vào cung thánh, Chúa Kitô đã đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên, nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này. Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta" (Dt 9:11-12).
Tabernacles, Feast Of
Lễ Lều. Là một trong ba lễ lớn nhất của Israel cổ đại, vẫn còn được người Do thái kỷ niệm. Lễ này nhắc nhớ tập tục dựng nhiều cành cây và cành lá, làm thành một cái lều che, và mọi người sống ở lều này trong kỳ lễ, bắt đầu từ ngày thứ 15 của tháng Tishri (khoảng tháng Chín) và kéo dài bảy ngày. Mục đích nguyên thủy của Lễ lều là tạ ơn Chúa về mùa gặt, nhưng dần dà theo dòng thời gian nó trở thành một lễ tưởng niệm long trọng thời kỳ lâu dài ở trong sa mạc, tìm nơi sinh sống ở Đất Hứa, và xây dựng Đền thờ làm nơi thường xuyên thờ phượng một Chúa chân thật duy nhất.
Tabgha
Tabgha, làng Tabgha. Một địa điểm cách Capernaum (Ca-phác-na-um), Palestine, khoảng hai dặm (3,2km), là nơi hành hương, vì tại đó xưa kia Chúa Kitô đã làm phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều. Một vương cung thánh đường cổ xây dựng gần nơi ấy, trong đó có một tranh khảm lớn vẽ hình hai con cá và ba tấm bánh trong một cái giỏ. Cùng với một tu sĩ Dòng Phanxicô và một linh mục Chính thống giáo, Đức Giáo hòang Phaolô VI năm 1964, trên đường đến Biển Galilee (Ga-li-lê), đã ghé thăm Tabgha để nhìn xem tranh khảm trên sàn nhà, và chúc lành cho đền thánh thiêng liêng.
Tables Of The Law
Tấm bia Lề Luật. Là hai tấm bia đá trên đó ghi Mười Điều Răn của Đức Chúa (Xh 20, 31:18). Khi ông Moses (Mô-sê) xuống núi gặp dân chúng, ông thấy họ thờ con bê bằng vàng. Ông Moses nổi cơn thịnh nộ: Ông ném các tấm bia đang cầm trong tay và đập vỡ dưới chân núi (Xh 32:19). Sau đó, ông lại lên Núi Sinai (Xi-nai) với hai tấm bia đá mới và Mười Điều Răn được viết lên đó (Xh 34:28). Moses đặt hai tấm bia vào Hòm Bia để bảo vệ an tòan (Đnl 10:5).
Tabor
Núi Tabor, Núi Ta-bo. Là một ngọn núi ở Galilee (Ga-li-lê), phía đông của Nazereth (Na-da-rét). Ngọn núi này dễ nhận biết vì nó nằm ở vị trí trống trải. Nhiều sự kiện quân sự trong Cựu Ước đã xảy ra tại Núi Tabor. Anh em của Gideon (Ghít-ôn) bị quân Midianite (Ma-đi-an, Tl 8:18) giết chết ở đây. Ông Barak (Ba-rắc) thi hành nhiệm vụ quan trọng xuống núi để đánh bại quân Canaanite (Ca-na-an, Tl 4:14-16). Truyền thống thường cho rằng việc Chúa Giêsu Biến hình đã diễn ra trên Núi Tabor hơn là trên núi Hermon, nhưng không thể chứng minh điều này được.
Tabula Rasa
Tabula Rasa, bảng sạch, bỏ sạch hết cái cũ. Từ ngữ này được dùng trong triết học kinh viện để mô tả tâm trí con người, trước khi nó thu thập ý tưởng từ kinh nghiệm giác quan và suy tư lý luận.
Talebearing
Thói mách lẻo, thói ngồi lê đôi mách. Là lan truyền các câu chuyện xấu hoặc chuyện tầm phào. Tính chất tội của thói mách lẻo là người ấy trở thành đồng phạm, trong việc gây thiệt hại cho thanh danh người khác, bằng sự gièm pha hoặc sự vu khống.
Tametsi Decree
Sắc lệnh Tametsi (Mặc dầu). Là sắc lệnh năm 1563 của Công đồng chung Trent về luật hôn nhân. Sắc lệnh qui định rằng bất cứ việc kết hôn nào diễn ra ngoài sự hiện diện của linh mục quản xứ hoặc vị đại diện của ngài, và hai người chứng, đều là bất thành. Nơi nào mà linh mục không thể đến được thì được miễn trừ, và không ràng buộc cho những nơi mà luật công đồng Trent không được phổ biến. Sắc lệnh này đã phổ biến hầu như toàn thế giới trong một dạng thức được điều chỉnh trong sắc lệnh Ne Temere (1908) của thánh Giáo hòang Piô X.
Tant
Tant, Tantum--chỉ có một, duy nhất.
Tantum Quantum
Tantum Quantum, bao nhiêu...bấy nhiêu, hết khả năng, trong mức độ có thể. Từ ngữ này trong phần Nguyên lý và Nền tảng của Linh thao của thánh Ignatius (I-nhã) nhắc đến việc sử dụng chính đáng các tạo vật: “Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ. Bởi thế người ta chỉ được sử dụng thụ tạo theo mức độ [tantum quantum] chúng giúp đạt tới cứu cánh, và phải gạt bỏ theo mức độ [tantum quantum] chúng làm cản trở.”
Targum
Targum, bản dịch Targum. Là bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Aramaic, được người Do thái thực hiện sau khi tiếng Do thái cổ đã ngưng là tiếng nói thông thường của họ. (Từ nguyên Do thái cổ Mishnaic targ_m, bản dịch, chuyển ngữ; từ chữ Do thái cổ tirg_m, người ấy giải thích.)
Taste
Vị, nếm hưởng. Là cảm giác thân xác để cảm nhận hương vị. Từ ngữ này thường được dùng trong văn chương thánh để mô tả “sự nếm hưởng” Chúa hoặc “nếm” một mầu nhiệm mặc khải. Nó hàm ý sự hiện diện của một cảm giác linh thiêng, vốn có thể cảm nhận một sự êm dịu khi tiếp xúc với chân lý của Chúa, giống như vui thích khi nếm hưởng một món ăn ngon hay thức uống ngon.
Tau Cross
Thánh giá Tau, thánh giá chữ T. Là một hình biểu tượng giống như mẫu tự Hi Lạp tau hoặc T. Thanh cây đỡ được ông Moses (Mô-sê) đưa lên để nâng cao con rắn đồng, và dấu hiệu được người Do thái viết bằng máu trên ngưỡng cửa, được cho là có hình chữ tau. Thánh giá chữ T cũng là biểu hiệu của thánh Antôn ở Ai Cập.
Te Deum Laudamus
Te Deum Laudamus, thánh thi “Lạy Thiên Chúa”. “Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng” là các chữ đầu của một thánh thi ca ngợi và tạ ơn của Kitô giáo, đôi khi được gọi là thánh thi của thánh Ambrose, nhưng hiện nay người ta tin là do thánh Niketas sáng tác trong thế kỷ thứ tư.
Teilhardism
Học thuyết Teilhard. Là thuyết tiến hóa của linh mục Dòng Tên người Pháp Teilhard de Chardin (1881-1955). Ngài chủ trương rằng vũ trụ trải qua bốn giai đoạn phát triển: 1. vũ trụ khai sinh, hoặc tiến hóa từ các nguyên tố đến vật chất có tổ chức; 2. khởi nguyên sự sống, hay tiến hóa từ vật chất có tổ chức đến sự sống; 3. tâm trí hình thành, hay tiến hóa từ sinh vật đến hữu thể có lý trí; và 4. Kitô diễn hóa chủ thuyết, hay tiến hóa từ con người cá nhân có lý trí đến một xã hội, trong đó Chúa Kitô là chủ tể của thế giới. Học thuyết Teilhard bị chỉ trích trong hai văn kiện của Tòa thánh, năm 1952 và năm 1967, khi cho rằng các tác phẩm của cha Teilhard chứa đựng “nhiều điều hàm hồ và các sai lầm nghiêm trọng, có thể nguy hại cho giáo lý Công giáo."
Teleology
Cứu cánh luận, cứu cánh tính. Là thuyết cho rằng có mục đích hay cứu cánh trong thế giới, rằng không có gì xảy ra một cách tình cờ cả, và rằng không trình thuật đầy đủ nào về vũ trụ có thể được chấp nhận mà không qui chiếu đến Chúa thượng trí. (Từ nguyên Hi Lạp telos, cùng đích, hoàn tất + logia, khoa học.)
Temerarious
Táo bạo, liều lĩnh. Giáo trừng đối với lời dạy nào đó mà Giáo hội xét là hấp tấp vội vàng, và sẽ dẫn đến sai lầm giáo lý, nếu kiên trì chủ trương như thế.
Temp
Temp, Tempus, tempore--thời gian, đúng lúc, kịp.
Temperament
Khí chất, tính khí, tính tình. Là các phẩm chất cảm xúc, trí tuệ và tình cảm của mỗi cá nhân. Một lập trường cổ điển cho rằng có bốn lọai khí chất: điềm tĩnh, hoặc không dễ bực tức; sôi nổi, hoặc có ít mức độ nóng giận; linh họat, hoặc lạc quan và không lo lắng; và ưu tư, hoặc bi quan về tương lai. Người ta đồng ý rằng không ai chỉ có một khí chất, mặc dầu có một khí chất là nổi bật.
Temperance
Tiết độ, điều độ, chừng mực. Là nhân đức điều hòa mong ước khoái lạc. Trong nghĩa rộng nhất, tiết độ điều hòa mọi hình thức khoan khoái, vốn đến từ sự thể hiện một chức năng hay năng lực nào đó của con người, chẳng hạn niềm vui thuần túy tinh thần từ hoạt động trí tuệ, hoặc các an ủi cảm được khi cầu nguyện, và lạc thú cảm giác được tạo ra bởi các việc như nghe nhạc hoặc ngắm phong cảnh đẹp. Trong nghĩa hẹp, tiết độ là tương ứng với đức dũng cảm. Nếu đức dũng cảm kiểm soát sự liều lĩnh và sợ hãi trước các đau khổ lớn, vốn có thể đe dọa bản tính con người, đức tiết độ kiểm soát ước muốn khoái lạc lớn hơn. Vì lạc thú đi theo mọi hoạt động tự nhiên, nó càng mãnh liệt hơn khi kết hợp với các sinh hoạt tự nhiên nhất. Trên bình diện cảm giác, có các lạc thú phục vụ cá nhân như khi ăn uống, và phục vụ toàn nhân loại như khi giao hợp. Tiết độ chủ yếu điều hòa các khoái cảm ấy. (Từ nguyên Latinh temperare, chia đều, điều hòa, giúp đủ điều kiện.)
Templars, The Knights
Hiệp sĩ Dòng Đền thờ. Là Dòng đầu tiên và mạnh nhất trong các Dòng vũ trang, được thành lập năm 1118 để bảo vệ thành Jerusalem (Giê-ru-sa-lem). Mười năm sau, Dòng được Giáo hội phê chuẩn và đặt dưới sự quyền trực tiếp của Đức Giáo hòang. Dòng này theo Luật Dòng Biển Đức, có ba lời khấn bình thường và thêm lời khấn của người thập tự chinh. Là các chiến sĩ anh dũng và tu sĩ nhiệt thành, họ thu hút nhiều người tham gia. Nhiều tu sĩ đã chết làm thánh tử vì đạo. Nhiều khó khăn với hàng giáo sĩ và bất đồng nội bộ đã khiến cho Vua Philip Le Bel của Pháp tổ chức cuộc thập tự chinh chống lại họ. Việc Đức Giáo hòang Clement V chấp thuận cuộc Thập tự chinh này đã được thực thi một cách bất lương. Các Hiệp sĩ bị xét xử về dị giáo và phạm thánh, và vị bề trên cả của Dòng bị thiêu sống theo lệnh của Vua Philip. Năm 1312 Đức Giáo hòang ra sắc lệnh giải tán Dòng này, nhưng không lên án các tu sĩ Dòng. Chính lòng tham lam của Vua Philip IV đã dẫn đến việc xóa bỏ Dòng Hiệp sĩ Đền thờ.
Temple (Biblical)
Đền thờ (trong Kinh thánh). Là trung tâm thế giới của Do Thái giáo ở Jerusalem (Giê-ru-sa-lem). Đền thờ nguyên thủy được Vua Solomon (Sa-lô-môn) xây cất trong thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên (II Sb 1-5). Đền thờ tồn tại 350 năm trước khi bị người Babylon phá hủy (II V 25:9). Năm 516 trước Công nguyên, một đền thờ khiêm tốn hơn được Zerubbabel (Dơ-rúp-ba-ven, Er 5:2) xây dựng. Herod (Hê-rô-đê) xây dựng lại Đền thờ và hòan thiện vào năm 20 trước Công nguyên, nhưng nó lại bị phá hủy, lần này bởi quân Roma năm 70. Trong hơn một ngàn năm, Đền thờ là trung tâm đời sống tôn giáo cho người Do thái trên khắp thế giới. Một số biến cố trong đời Chúa Giêsu diễn ra trong Đền thờ. Khi còn bé, Ngài được cha mẹ đưa đến Đền thờ để làm nghi thức thanh tẩy, và lúc ấy ông Simeon (Si-mê-ôn) nhận biết Ngài là Đấng Mê-si-a (Thiên sai, Messiah, Lc 2:22-35). Hàng năm cha mẹ Ngài lên Jerusalem (Giê-ru-sa-lem) dự lễ Vượt Qua. Dịp sinh nhật lần thứ 12 của Chúa Giêsu, xảy ra sự kiện là cha mẹ tìm gặp Ngài trong Đền thờ “đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi" (Lc 2:41-50). Trong đời sứ vụ công khai, Chúa và các Môn đệ đã đều đặn viếng Đền thờ và giảng dạy ở đó. (Từ nguyên Latinh templum, Đền thờ, nơi để xem điềm báo.)
Temporal
Thuộc thời gian, tạm thời, trần tục, thế tục, đời. Là bất cứ cái gì chỉ kéo dài một thời gian, rồi sự hiện hữu hoặc họat động của nó sẽ không còn nữa. Trong nghĩa này, tạm thời là đối lập với vĩnh cửu, tức điều gì kéo dài mãi mãi. Cũng áp dụng cho sự gì thuộc thế gian này, hoặc trần tục, ngược lại với thuộc thiên đàng. Hoặc là sự gì thuộc vật chất, ngược lại với điều thiêng liêng. Và cuối cùng, thế tục cũng thường áp dụng cho “đời” hoặc “dân sự”, như quyền đời hay thế quyền; và như thế nó ngược lại với giáo quyền, việc đạo. Nói chung, thế tục là mọi sự thuộc về sự có giới hạn, hoặc có tinh chất tùy thuộc thời gian và sự đổi thay. (Từ nguyên Latinh tempus, thời gian.)
Temporal Power
Thế quyền, quyền bính phần đời. Là quyền của Giáo hội trên của cải vật chất của mình, và quyền của Đức Giáo hòang trên các lãnh thổ dân sự thuộc về Giáo hội, chẳng hạn trên các Lãnh địa Giáo hoàng. Quyền này cộng thêm vào quyền cai trị trong các vấn đề thiêng liêng, và trở thành cần thiết nếu sự tự do khỏi quyền dân sự được bảo đảm. Hiện nay thế quyền được thực thi liên quan đến thành Vatican hay Quốc gia Vatican kể từ Hiệp ước Lateran năm 1929. Từ ngữ thế quyền cũng là sự sử dụng ảnh hưởng chính trị của các giám mục trước đây về đất đai, và hiện nay về tài chính và các vấn đề khác nữa.
Temporal Punishment
Hình phạt tạm. Là hình phạt mà Chúa công bình phán quyết trên trần gian này, hay trong Luyện ngục, vì các tội đã phạm, mặc dầu tội ấy đã được tha.
Temporary Vow
Lời khấn tạm. Là lời cam kết với Chúa về sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, hay thực hành nhân đức nào đó trong một khoảng thời gian nhất định. Khi khấn trong một Dòng tu, lời khấn tạm này là công khai, vì được bề trên nhân danh Giáo hội chấp nhận. Khấn lần đầu trong Dòng thường là khấn tạm, và sẽ được nhắc lại tùy theo Hiến chương và là bước chuẩn bị cho việc khấn vĩnh viễn. Do đó, đây không phải là một cam kết có tính tạm thời. Theo giáo luật, nó có tính tạm thời, để khi hết thời hạn này, người khấn có tự do rời bỏ tu hội. Tuy nhiên người khấn tạm phải có ước muốn kiên trì trong lời khấn cho đến chết.
Temptation
Cám dỗ, thử thách. Là sự gạ gẫm phạm tội, hoặc bằng thuyết phục hoặc bằng cung cấp lạc thú nào đó. Cám dỗ có thể phát sinh từ thế gian, xác thịt hoặc ma quỷ. Cám dỗ từ thế gian là sự hấp dẫn của gương xấu và áp lực tâm lý để chiều theo. Cám dỗ từ xác thịt là mọi quyến rũ dục vọng, dù là xác thịt hay tinh thần, trong đó bản tính sa ngã của con người có xu hướng tự nhiên hướng về bảy mối tội đầu. Cám dỗ từ ma quỷ là mọi sự xúi giục của ma quỷ, vì ma quỷ có phương pháp khuyến khích mọi hình thức tham lam hay ích kỷ, nhằm làm cho người ta kiêu ngạo, và qua kiêu ngạo đến với mọi tội khác.
Tendency
Khuynh hướng, xu hướng. Là bất cứ chiều hướng hoặc thiên hướng nào, vốn trở thành sự ước muốn nơi con người. Nó là sự hấp dẫn đến với điều tốt lành, hoặc sự không muốn điều xấu. Khuynh hướng tự nhiên là bẩm sinh, và thật sự là sức tự nhiên hoặc khả năng tự nhiên của con người tìm cách diễn tả ra ngòai. Khuynh hướng siêu nhiên là các ơn Chúa ban để giúp ý chí thực thi nhân đức vượt quá khả năng của ý chí tự nhiên, hoặc quá khả năng của nhân đức chỉ được nhận biết trong đức tin. Cả hai khuynh hướng tự nhiên và siêu nhiên có thể đều là có ý thức, còn gọi là được sáng tỏ, khi một người cảm nghiệm thật sự sự cố gắng của mình hướng tới sự lành và tránh sự dữ; hoặc cả hai khuynh hướng có thể là đồng thời, mà không ý thức rõ nỗ lực được dùng để đáp trả một ước muốn. (Từ nguyên Latinh tendentia; từ chữ tendere, kéo ra, tự hướng dẫn mình, đề nghị.)
Tender Conscience
Lương tâm lỏng lẻo. Là lương tâm tạo ra các phán đóan đúng cách khách quan, với sự thỏai mái so sánh, cả trong các phân biệt tinh tế giữa tốt và xấu.
Tenebrae
Tenebrae, Giờ kinh bóng tối. Là việc hát chung một phần của Kinh Nhật Tụng vào tối ngày thứ Tư Tuần Thánh, Thứ Năm Tuần Thánh và Thứ Sáu Tuần Thánh, trước giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Ca ngợi Ban Sáng của ngày Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh. Tập tục này đã có từ nhiều thế kỷ trước, nó mang tên Tenebrae do nghi thức buồn thương trong buổi đọc kinh, trong đó có một cây trụ tam giác với 15 cây nến. Các nến này lần lượt được tắt từng cây một, và sau khi cây nến cuối cùng được tắt đi, kinh nguyện được đọc trong bóng tối, một cây nến được thắp lên, và cộng đòan giải tán trong thinh lặng.
Ten Tribes
Mười chi tộc. Là mười đơn vị xã hội của Israel, sau khi Vua Solomon (Sa-lô-môn, năm 933 trước Công nguyên) băng hà, tách rời hai chi tộc Judah (Giu-đa) và Benjamin (Ben-gia-min), để thành lập Vương quốc Israel. Còn hai chi tộc này thành lập Vương quốc Judah. Khi Israel bị quân Assyrian (Át-sua) xâm chiếm năm 721 trước Công nguyên, nhiều người Do thái tài giỏi bị lưu đày đến Assyria, và hậu duệ của họ sống hòa trộn với Dân ngoại, hoặc trở thành một phần của Do thái kiều ở nước ngoài.
Terce
Kinh giờ Ba. Là giờ kinh thứ ba của Kinh Nhật Tụng, được đọc vào khỏang 9 giờ sáng. Bài thánh thi mở đầu kính nhớ việc Chúa Thánh Thần xuống trên các thánh Tông đồ, tiếp sau đó là ba thánh vịnh, một bài đọc ngắn, Xướng đáp và Lời cầu trong ngày. Hiện nay kinh giờ Ba là phần của hora media (giờ giữa), đọc sau giờ kinh Sáng và trước giờ kinh Chiều. (Từ nguyên Latinh tertius, thứ ba.)
Terminus A Quo
Terminus A Quo, khởi điểm, mốc trước. Là điểm khởi hành, điểm xuất phát. Trong triết học, từ ngữ này có nghĩa là “điểm khởi đầu” của một vật, để đối lại với từ ngữ “terminus ad quem” (đích điểm, mốc sau) là điểm mà một vật nhắm đi tới.
Terna
Terna, Bộ ba đề bạt. Là danh sách ba danh tánh được đệ trình Tòa Thánh làm ứng viên cho chức Giám mục; hoặc là danh sách ba người được trình lên bề trên tổng quyền (bề trên cả, tổng phục vụ) để bổ nhiệm hoặc chấp thuận làm Giám tỉnh. Danh sách này luôn luôn bao gồm các lý do thuận và chống, cho mỗi một người trong ba người. (Từ nguyên Latinh terni, mỗi ba người; từ chữ ter, ba lần.)
Territorial Law
Luật tòng thổ. Là qui định của Giáo hội ràng buộc các tín hữu trong một lãnh thổ nhất định, chẳng hạn một giáo phận.
Tertian
Tu sĩ thời cuối nhà tập. Là một tu sĩ đang trong giai đọan cuối của thời huấn luyện thiêng liêng, thường là trước khi khấn trọn đời, vốn được gọi là “năm ba nhà tập” (tertianship). (Từ nguyên Latinh tertianus, của phần thứ ba; từ chữ tertius, thứ ba.)
Tertiaries
Người Dòng ba. Là các giáo dân sống giữa đời thường, cố gắng đi theo con đường trọn lành Kitô giáo, như một chặng trong đời họ cho phép, theo tinh thần của một Dòng tu mà họ chọn lựa, và sống theo luật Tòa thánh phê chuẩn cho hội của họ. Người Dòng ba tại thế thường không sống trong cộng đòan, không mang áo Dòng, nhưng chia sẻ trong việc lành ơn ích của Dòng chính.
Tertium Quid
Tertium Quid, đệ tam vật, cái thứ ba. Là một vật hoặc ý tưởng nằm trung gian giữa hai vật khác, hoặc là một sự lựa chọn cho điều xem ra là một song luận.
Test
Test, testes, testimonium--chứng nhân, chứng tá.
Testem Benevolentiae
Tông thư Testem Benevolentiae (Bằng chứng cho thiện chí của chúng tôi). Là tông thư của Đức Giáo hòang Lêô XIII (ngày 22-1-1899) trong đó Ngài lên án Chủ nghĩa thực tiễn Mỹ.
Testimonials
Chứng thư. Là thư giới thiệu mà luật Giáo hội đòi hỏi, xác nhận một người có đủ tư cách lãnh nhận một bí tích, chẳng hạn truyền chức Linh mục. Người ban bí tích có bổn phận nghiêm trọng đòi hỏi đương sự xuất trình chứng thư có lợi cho người ấy.
Testimony
Lời khai, chứng từ, chứng cớ. Trong luật Giáo hội, là lời tuyên bố hoặc bác bỏ một sự gì, nhất là bởi một người biết trực tiếp vụ việc, và được xem là vô tư trong chứng tá của mình, và đang nói sự thật không thiên vị.
Thaddaeus
Thaddaeus, tông đồ Ta-đê-ô. Là một trong 12 Tông đồ, nhưng người ta ít biết về Ngài. Thánh sử Mátthêu và Máccô đều nêu tên Ngài trong danh sách Nhóm Mười Hai (Mt 10:3; Mc 3:18). Thánh Luca thay thế tên Ngài là “Giu-đa con ông Gia-cô-bê" (Cv 1:13). Tin mừng Thánh Gioan một lần mô tả Ngài là “ông Giu-đa, không phải Giu-đa Iscariot (Ít-ca-ri-ốt)” (Ga 14:22).
Thaumaturgus
Thaumaturgus, Người làm phép lạ. Một tước hiệu ban cho một số thánh nhân nổi tiếng, vì đã làm nhiều phép lạ khi còn sống, hoặc sau khi đã qua đời. Trong số các thánh này, có thánh Gregory (213-70), các thánh Cosmas và Damian (thế kỷ thứ ba), thánh Nicholas (thế kỷ thứ tư), và thánh Antôn thành Pađua (1195-1231). (Từ nguyên Latinh thaumaturgus; từ chữ Hi Lạp thaumatourgos: thauma, sự lạ + -ergos, “làm,” từ chữ ergon, làm việc.)
Theandric
Thần nhân. Nghĩa đen là "Chúa-người," qui chiếu đến các hành động của Chúa Kitô, trong đó Chúa dùng bản tính con người như một công cụ của thiên tính của Chúa, chẳng hạn các phép lạ của Chúa Kitô. Các họat động con người khác của Chúa Kitô, như đi, đứng, ăn uống, nói năng, đều là thần nhân, nhưng trong một nghĩa rộng hơn các hành vi con người của Ngôi Hai là thần nhân, nhưng các hành vi thuần túy của Chúa Ngôi Hai, chẳng hạn việc Tạo dựng, không thể gọi là thần nhân.
Theatines
Tu sĩ Dòng Theatine. Là các giáo sĩ Dòng Chúa Quan Phòng; Dòng này được thành lập tại Roma năm 1524 bởi hai thành viên của Dòng các cha Diễn thuyết Tình yêu Thiên Chúa (Roman Oratory of Divine Love), thánh Cajetan (1480-1547) và Gian Pietro Caraffa (1476-1559), sau trở thành Đức Giáo hòang Phaolô IV. Là tu sĩ sống nhiệm nhặt, các vị là công cụ cho phong trào Chống Cải Cách. Mục đích tông đồ của các vị vẫn như xưa: tái lập trong Giáo hội của Chúa luật nguyên thủy của đời sống tông đồ.
Theban Legion
Đạo binh Theban. Là một đạo binh của quân đội Roma khoảng năm 300, dưới quyền của Maurice, tư lệnh của đạo binh, nay được tôn kính như vị thánh. Truyền thuyết nói rằng họ từ chối trừng phạt các Kitô hữu, kết quả là họ bị tàn sát trong vùng Agaunum, Thụy Sĩ. Mặc dầu có nhiều tranh cãi quanh câu chuyện này, nhiều nguồn tin làm chứng cho sự kiện, nhất là một lá thư của thánh Eucherius và các bài trong Sách tiểu sử các thánh tử đạo.
Theism
Hữu thần thuyết. Là niềm tin vào một Chúa ngôi vị và quan phòng. Tuy nhiên, thuyết có nhiều hình thức, như độc thần giáo (một thần), đa thần giáo (nhiều thần), hoặc đơn nhất thần đạo (thờ một thần mà không phủ nhận thần các tôn giáo khác). Hữu thần thuyết thường được phân biệt với thuyết vô thần, vốn bác bỏ sự hiện hữu của một Thượng đế ngôi vị và siêu việt. (Từ nguyên Hi Lạp theos, Chúa.)
Theocentricity
Quy thần tính, sự đặt Chúa làm trung tâm. Là tính chất của người không chỉ chú ý đến Chúa, mà còn lấy Chúa làm mục tiêu chính của chuỗi hành động hoặc một hệ tư tưởng của mình. Quy thần tính thường được phân biệt với Chủ hướng quy Kitô (Christocentricity.)