Vessels, Sacred
Đồ thánh. Các đồ dùng và bình đựng được dùng trong phụng vụ. Trong nghi lễ Latinh đó là chén thánh, đĩa thánh, bình đựng Mình thánh, hộp Mình thánh, tráp nhỏ, mặt nguyệt, mặt nhật, - là các thứ trực tiếp tiếp xúc với Thánh Thể. Các vật dụng khác được dùng trong phụng vụ là bình đựng rượu, thau rửa tay, lư hương, tàu hương và que rảy nước thánh.
Vestibule
Tiền đình, tiền sảnh. Nguyên thuỷ là lối vào sân trong và sau này ám chỉ bất cứ lối đi vào một nơi nào đó. Hiện nay, tiền đình thường ám chỉ phòng đợi của nhà thờ, nằm giữa các cửa ngoài và phần chính thức của nhà thờ. Trong các nhà thờ Công Giáo, tiền đình là tương đối rộng rãi, tùy thuộc vào kích thước nhà thờ, là nơi để sách hay giá sách, bảng thông tin, thường đặt bình nước thánh, và các yết thị nhằm thông tri cho các tín hữu biết những điều phải làm trước hoặc sau khi tham dự các nghi lễ, hay các việc đạo đức riêng trước Thánh thể tại nhà thờ.
Vestments
Lễ phục, phẩm phục. Là các loại lễ phục riêng của hàng giáo sĩ theo quy định của Giáo hội khi cử hành Thánh lễ, ban bí tích, rước kiệu, ban phép lành, và nói chung khi thi hành nhiệm vụ linh mục một cách chính thức. Việc mặc phẩm phục bắt nguồn từ việc ông Aaron mặc lễ phục khi thi hành chức tư tế. Trong Giáo hội Công Giáo, ngay cả dưới thời hang Toại Đạo, khi các Giám mục và Linh mục cử hành phụng vụ, các ngài mặc trang phục đặc biệt, nếu không nói là luôn luôn khác biệt. Khi Giáo hội được tự do và xuất hiện công khai, các lễ phục phụng vụ thường được dùng để phân biệt với thường phục.
Vestry
Phòng áo, phòng thánh, phòng sinh hoạt giáo xứ. Một hay nhiều căn phòng phía trước nhà thờ được dành làm nơi để đồ thánh và phẩm phục, và là nơi các linh mục và các thừa tác viên giúp lễ mặc lễ phục. Đó cũng là nơi thường tổ chức các buổi họp của giáo xứ. Trong Anh giáo và Anh giáo ở Mỹ, vestry có nghĩa là hội đồng giáo dân đảm trách các công việc trần thế của giáo xứ. Trong truyền thống Công giáo, phòng áo thường được gọi là phòng thánh.
Veto, Royal
Quyền phủ quyết hoàng gia. Quyền mà một số nhà cầm quyền yêu sách trong việc loại bỏ ứng viên được chỉ định đảm nhận toà giám mục công giáo, mà chính quyền dân sự nhận thấy là không thể chấp nhận được. Trên nguyên tắc, Toà Thánh không bao giờ thừa nhận quyền này, nhưng hơn một lần Toà Thánh đã cho phép sử dụng quyền phủ quyết để tránh điều xấu tệ hại hơn.
Vexilla Regis
Bài thánh thi Vexilla Regis (Cờ Vua cả). Đây là bài thánh thi “Cờ Vua Cả tung bay phất phới” được hát trong giờ Kinh Chiều từ Chúa Nhật Lễ Lá đến thứ Năm Tuần Thánh, và vào lễ Suy Tôn Thánh Giá (hay Thánh Giá Khải Hoàn, ngày 14-9). Trước đây, thánh thi này cũng được hát trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh, khi kiệu Mình Thánh Chúa từ nhà tạm sang bàn thờ chính, và trong giờ kinh chiều ngày lễ Tìm Thấy Thánh Giá (ngày 3-5), mà nay không còn nữa. Bài thánh thi này do Venantius Fortunatus (530-609) sáng tác, và ít nhất có 40 bản dịch khác nhau bằng tiếng Anh.
V.F., Vic. For.
V.F., Vic. For., Vicarius Foraneus--Cha quản hạt, cha hạt trưởng.
Vg
Vg, Vulgate, Bản dịch Kinh Thánh Vulgate, Bản Kinh Thánh phổ thông bằng tiếng Latinh.
V.G.
V.G., Vicarius Generalis - Linh Mục Tổng Đại diện, Cha Chánh Địa phận, Linh Mục Tổng Quản.
Vice
Tật xấu. Là thói quen luân lý xấu. Nói cách kỹ thuật, tật xấu là một xu hướng mạnh về phạm tội trọng do đã thường xuyên lặp đi lặp lại cùng một hành vi xấu. Các đặc tính của tật xấu là tự phát, dễ dàng và hứng thú khi làm điều sai về luân lý. (Từ nguyên Latinh vitium, bất cứ lọai khuyết tật nào.)
Vicegerent
Vị đại diện. Là một giám mục phụ tá được bổ nhiệm để làm trợ lý cho Hồng y giám quản của Giáo phận Roma. Ngài được Đức Giáo hòang bổ nhiệm với quyền hành ngang hàng với Hồng y giám quản, về quyền tài phán và trong các nghi lễ của Giám mục. Đức Giáo hòang Piô X (trị vì 1902-14) tuyên bố chức vụ này bị hủy bỏ khi chức này bị trống ngôi trong triều đại giáo hòang của Ngài. (Từ nguyên Latinh vicis, thay thế + gerens, hành xử.)
Victim
Lễ phẩm, lễ vật, vật hy tế, vật hy sinh. Là một sinh vật được tế lễ cho Chúa. Việc hiến tế bao hàm rằng vật hy sinh được dâng thật sự hay một cách tương đương lên Chúa, như một cử chỉ tôn thờ hay đền tội. Giết chết vật hy sinh gọi là sát tế; tự nguyện nộp vật hy sinh gọi là hiến dâng hay hiến vật. Các yếu tố này gom chung gọi là hy lễ.
Victim Soul
Linh hồn nạn nhân. Là một người được Chúa chọn cách đặc biệt để chịu đau khổ nhiều hơn hầu hết các người khác trong khi còn sống, và người này rộng lòng chấp nhận sự đau khổ trong sự kết hiệp với Chúa Cứu Thế, và noi theo gương cuộc Khổ Nạn và Cái chết của Chúa Kitô. Động cơ của một linh hồn nạn nhân là lòng yêu mến lớn lao đối với Chúa, và ước muốn đền bù tội lỗi của nhân lọai.
Victorines
Kinh sĩ đan viện thánh Victor. Là các kinh sĩ Dòng của đan viện cổ xưa thánh Victor tại Paris, Pháp. Được William ở Champeaux thành lập năm 1113, đan viện này bị xóa sổ trong cuộc Cách mạng Pháp. Đan viện nổi tiếng vì trong đó có nhiều học giả, nhà thần bí và nhà thơ, như Hugh của thánh Victor (1096-1141), Richard của thánh Victor (qua đời năm 1173) và Walter của thánh Victor (qua đời sau năm 1180).
Vid
Vid, vidua--Bà Goá, góa phụ.
Vidi Aquam
Thánh ca Vidi Aquam, “Tôi đã thấy nước”. Là thánh ca “Tôi đã thấy nước”, hát như một điệp ca trong mùa Phục sinh thay thế cho thánh ca Rảy nước thánh Asperges (“Xin rảy nước”). Các chữ mở đầu là dựa vào Ê-dê-ki-en (Ed) 47; câu này là Tv 117:1 (bản Phổ thông Vulgate).
Vigil
Vọng, lễ vọng, ngày áp lễ. Là ngày hoặc đêm trước một ngày lễ nổi bật hoặc lễ trọng. Đó là ngày chuẩn bị cho ngày hôm sau, với giờ kinh và lời nguyện đặc biệt, trước đây còn có việc giữ chay nữa, để kính nhớ một mầu nhiệm hoặc vị thánh được mừng vào ngày đó. Ngày nay, Giáo hội chỉ còn giữ các ngày lễ vọng long trọng cho Lễ Chúa Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống. Mặc dầu số các ngày lễ vọng đã được giảm kể từ Công đồng chung Vatican II, Giáo hội muốn khái niệm lễ vọng vẫn sống động trong tâm trí các tín hữu. Do đó “thật thích đáng khi việc đọc Lời Chúa trong ngày vọng các lễ lớn, một số ngày trong tuần của mùa Chay và mùa Vọng, ngày chủ nhật và ngày chính lễ, cũng có một cấu trúc như phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ" (Inter Oecumenici, 1964, 38). (Từ nguyên Latinh vigilia, từ chữ vigil, tỉnh táo.)
Vigil Light
Đèn nến canh thức. Là ngọn nến được giữ sáng tại một đền thánh hoặc trước một ảnh thánh, thường kết thành một chùm nến giống nhau, và được các tín hữu thắp sáng lên như một hành vi đạo đức tôn kính.
Vincentian Canon
Chuẩn tắc Vinh Sơn. Là chuẩn tắc ba mặt của tính chính thống Công giáo được thánh Vinh sơn thành Lérins (400-50) diễn tả trong hai bản ghi nhớ của ngài (Comonitoria): “Phải quan tâm đặc biệt để đức tin Công giáo chính thống được tin ở khắp nơi [ubique], luôn mãi [semper], và bởi mọi người [ab omnibus].” Qua chuẩn tắc ba mặt này là truyền bá, bền vững và phổ quát, Kitô hữu có thể phân biệt chân lý tôn giáo với sự sai lầm.
Vincentians
Tu sĩ Tu hội Vinh Sơn. Là thành viên của Tu hội Truyền giáo do thánh Vinh Sơn Phaolô thành lập năm 1625. Còn gọi là Dòng Lazarist, lấy tên của Quảng trường thánh Lazare, nơi đặt trụ sở Tu hội ở Paris, Pháp. Công tác ban đầu của Tu hội là rao giảng các hạt truyền giáo và hướng dẫn tĩnh tâm. Nhiều chủng viện được thiết lập sau đó. Tu sĩ tạo nên một tu hội có đời sống chung. Họ là các linh mục giáo phận sống chung có lời khấn Dòng. Công tác tông đồ hiện nay của họ là truyền giáo, dạy chủng viện, linh hướng cho Tu hội Nữ tử Bác ái, giáo dục và thực hiện linh thao cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân.
Vincible Ignorance
Vô tri khả triệt. Là sự thiếu hiểu biết mà vì đó một người phải chịu trách nhiệm về luân lý. Đây là sự vô tri có tội, bởi vì nó có thể xóa bỏ được, nếu người ấy dùng sự cần cù siêng năng đủ. Một người được cho là vô tri đơn giản (nhưng có tội) nếu người ấy không cố gắng đủ để học điều cần nên biết; sự có tội tùy thuộc vào nỗ lực của người ấy để xóa bỏ sự vô tri của mình. Một người được cho là vô tri dại dột khi sự thiếu hiểu biết là không được trực tiếp mong muốn, nhưng đúng hơn là do sự lơ là hoặc lười biếng của mình; kết quả là tội giảm nhẹ hơn, nhưng trong các vấn đề nghiêm trọng người ấy vẫn chịu trách nhiệm nặng. Còn một người giả vờ vô tri khi người ấy cố ý cổ vũ nó, nhằm không bị cấm trong điều người ấy muốn làm; sự vô tri này là sai trầm trọng khi nó liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng. (Từ nguyên Latinh vincibilis, dễ vượt thắng; ignorantia, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin.)
Vindication
Biện hộ, bào chữa, báo oán. Là việc bảo vệ một quyền hoặc một yêu sách, nhất là bởi công quyền, dù là giáo quyền hay dân quyền. Là một hình thức công bằng, sự báo óan của một người áp đặt một sự trừng phạt hoặc đòi bồi thường do sai lầm đã làm cho người ấy. (Từ nguyên Latinh vindicare, yêu sách, bảo vệ, trả thù; từ chữ vindex, người bảo vệ, người báo thù.)
Viol
Viol, Violaceus—màu tím.
Violation
Vi phạm, xâm phạm. Là sự báng bổ sự gì là thánh. Một nhà thờ bị xâm phạm bằng tội giết người trong đó, một tội ác đổ máu trong đó, tư cách vô đạo đức và xấu xa trong đó, và (trong Giáo luật năm 1918) việc chôn cất một người ngọai giáo hoặc người bị vạ tuyệt thông khét tiếng trong đó. Các thi thể và huyệt mộ bị xâm phạm bằng cách lấy cắp thi thể hoặc đưa vào một mục đích xấu xa nào đó. (Từ nguyên Latinh violare, từ chữ vis, sức lực.)
Violence
Bạo lực, cưỡng bức, hành hung. Là dùng sức mạnh thể lý hay tâm lý để buộc một người phải hành động ngược lại sự chọn lựa của người ấy, hoặc chống lại một xu hướng chọn lựa trong cách nào đó. Sự cưỡng bức có thể là tuyệt đối hay là tương đối. Cưỡng bức tuyệt đối đòi hỏi sự kháng cự bằng mọi cách có thể được. Nó tiêu diệt ý chí tự do, và mọi sự quy trách cho hành động ấy là gán cho người xâm phạm, nếu người ấy hành động với đầy đủ tự do của ý chí. Nếu nạn nhân không phản ứng với mọi sự kháng cự bề ngòai có thể được, hoặc với sự kháng cự bề ngòai nhưng bề trong lại đồng ý với hành động của người kia đối với mình, thì cưỡng bức ấy gọi là tương đối. Tự do của ý chí không bị tước đi, nhưng bị giảm theo tỉ lệ sự đồng ý hoặc sự ghê tởm trong tâm trí của nạn nhân.
Virginity
Trinh khiết, đồng trinh, trinh tiết, trong sạch. Là tình trạng giữ vẹn toàn thân xác của người nam hay người nữ. Sự vẹn toàn này có thể là về thể lý hay luân lý, và trong thực tế hay trong ý hướng. Trong sạch thể xác đôi khi được định nghĩa như là không có cảm giác nhục dục tội lỗi nào. Nhưng theo nghĩa hẹp, một người là trong sạch thể xác khi không có quan hệ tình dục với người khác phái. Trong sạch luân lý có nghĩa là vắng mọi sự đồng ý với khoái lạc tính dục; nói theo nghĩa hẹp, là không chiều theo khóai lạc tính dục với người khác phái, cả trong tư tưởng. Trong sạch trong thực tế là khi de facto một người đã không tìm hưởng khoái lạc tính dục trong quá khứ; trong sạch trong ý hướng là khi một người có ý định không bao giờ hưởng khoái lạc ấy, theo các phân biệt trên đây. (Từ nguyên Latinh virgo, còn trinh, còn tân.)
Virginity, Virtue Of
Nhân đức trong sạch, nhân đức trinh tiết. Là nhân đức khác với nhân đức khiết tịnh do sự xuất sắc đặc biệt của nó. Khiết tịnh hạn chế sự thỏa mãn của ham muốn tình dục, trong khi nhân đức trong sạch lọai trừ hòan tòan ham muốn tình dục.
Virgins, Consecration Of
Hiến thánh trinh nữ. Là sự cung hiến long trọng một người nữ cho đức trinh tiết suốt đời. Tập tục này có từ thời các thánh Tông đồ, với nghi thức chính thức cho việc hiến thánh trinh nữ được đặt ra vào khỏang năm 500. Năm 1970, Đức Giáo hoàng Phaolô VI duyệt lại nghi thức, qua đó các phụ nữ hiến thánh trinh tiết của mình “cho Chúa Kitô và mọi anh chị em”, mà không cần trở nên thành viên của một Tu hội nào cả.
Virtual Intention
Ý định tiềm tàng. Là ý định đã từng một lần thực hiện và tiếp tục ảnh hưởng hành vi đang làm hiện giờ. Nhưng ý định này không hiện diện trong ý thức của người ấy lúc thực thi hành vi. Loại ý định này là đủ cho hành vi con người trở nên cố ý, và do đó người ấy chịu trách nhiệm về luân lý. (Từ nguyên Latinh virtualis, từ chữ virtus, khả năng, hiệu quả.)
Virtue
Nhân đức. Là một tập quán tốt giúp một người hành động theo lý trí đúng được đức tin soi sáng. Còn gọi là một tập quán tác động tốt, nhân đức làm cho người ấy trở nên người tốt và các hành vi của người ấy cũng nên tốt. (Từ nguyên Latinh virtus, dũng khí, sức mạnh cá tính, nam tính.)
Virtues
Dũng thần. Là các thiên thần trong đạo binh thứ hai thuộc bậc thứ hai của thiên thần, hay bậc trung gian của thiên thần. Các ngài được Chúa sai đi thực hiện các việc vĩ đại hay phép lạ phi thường.
Visibility
Hữu hình, có thể thấy rõ. Là phẩm tính của Giáo hội, nhờ đó Giáo hội xuất hiện ra ngoài và có thể được nhận biết bằng các giác quan. Có hai loại hữu hình được phân biệt. Giáo hội là hữu hình về bề ngoài, trong nghĩa rằng các thành phần của Giáo hội có thể được nhận dạng là các Kitô hữu Công giáo. Giáo hội còn là hữu hình về mô thức trong việc sở hữu một số đặc tính thể lý, nhất là sự tuyên xưng đức tin, sự thực thi nghi thức qui định, vâng lời các luật có thể nhận biết dưới quyền hàng giáo phẩm có thẩm quyền.
Visitandines
Dòng Đức Mẹ Đi Viếng. Dòng này được thánh Phanxicô thành Sales và thánh Jane Frances de Chantal thành lập năm 1610. Dòng được lập cho các phụ nữ muốn sống đời chiêm niệm, nhưng ít khắc khổ hơn so với nữ tu các Dòng trước đó, nhấn mạnh đức khiêm nhường, nhu mì, và bác ái với chị em. Lúc ban đầu các nữ tu có lời khấn đơn, sau đó Dòng trở nên một Dòng với nội cấm nghiêm từ năm 1618, và do đó được Đức Giáo hòang Phaolô V phê chuẩn. Các tu viện là tương đối độc lập. Nữ tu nổi tiếng nhất của Dòng Đức Mẹ Đi Viếng là thánh nữ Margaret Maria Alacoque, và các mặc khải tư của Chúa cho nữ tu này giúp cổ vũ việc sùng kính Thánh Tâm. Có nhiều nhóm Nữ tu Đức Mẹ Đi Viếng, trong đó có một cộng đoàn nữ tu Nhật ở Yokohama.
Visitation, Canonical
Kinh lược. Là sự thẩm xét chính thức của các bề trên trong Giáo hội đối với các tu sĩ, cộng đòan, học hiệu, hoặc lãnh địa, liên quan đến các vấn đề đức tin, việc thờ phượng, luân lý hoặc kỷ luật Giáo hội. Các cuộc kinh lược có thể là bình thường hoặc ngọai thường, và phải được Tòa thánh, đấng bản quyền địa phương, hoặc tổng quyền (bề trên cả, tổng phục vụ) của các Hội Dòng cho phép.
Visitation, Feast Of The
Lễ Đức Mẹ Đi Viếng. Là lễ kính nhớ Đức Mẹ Maria đi viếng người chị họ, thánh Elizabeth. Lễ này được mừng lần đầu tiên bởi Dòng Phanxicô vào năm 1263 theo sáng kiến của thánh Bonaventure. Trong cuộc Đại ly khai Tây phương, lễ này được mở rộng cho toàn Giáo hội bởi các Đức Giáo hòang Urban VI (trị vì năm 1378-89) và Boniface IX (trị vì năm 1389-1404) nhằm chấm dứt sự ly khai. Ngày nay lễ này được mừng vào ngày 31-5.
Vitandus
Vitandus, phải xa tránh, phải đoạn giao. Là hình thức nghiêm khắc nhất của vạ tuyệt thông, đôi khi được Tòa Thánh đưa ra và bằng một cách rõ ràng. Nó có nghĩa là, như một biện pháp chữa trị, các tín hữu không được phép liên lạc hoặc tiếp xúc với người bị vạ này “trừ ra trong trường hợp vợ chồng, cha mẹ, con cái, tôi tớ, thần dân,” và nói chung không giao tiếp với người ấy, trừ ra khi có một nguyên nhân miễn trừ hợp lý.
Viterbo
Đền thánh Viterbo, là đền thánh dâng kính Đức Bà Libertrix tại Ý. Sự sùng kính đối với Đức Maria Mẹ Thiên Chúa được khởi đầu ở đây theo một cách đặc biệt năm 1320, sau khi Viterbo được cứu thóat khỏi một kinh nghiệm kỳ lạ và kinh hòang—bóng tối không thể giải thích được che phủ thành phố này suốt bốn ngày. Người dân vẽ ảnh Đức Maria và Chúa Hài Nhi lên bức tường một nhà nguyện kính thánh Anna vào giữa thế kỷ 14, và trong hơn 100 năm, họ đến nhà nguyện này để tạ ơn Đức Mẹ. Nhà thờ hiện giờ được xây dựng năm 1680, và vẫn có đông đảo khách hành hương thường xuyên đến đền thành.
Vladimir, Our Lady Of
Đức Bà Vladimir, là một ảnh tượng thánh của Đức Bà Maria và Chúa Con, vốn có một truyền thống lâu đời và đáng kính trong lịch sử của Nga. Ảnh tượng có lẽ được vẽ vào đầu thế kỷ 12, và được đem từ Constantinople đến Kiev ở Ukraine. Lúc ấy ảnh tượng được làm quà tặng cho hòang thân trị vì thành phố Vladimir, phía đông của Moscow. Rồi ảnh tượng được chuyển từ Vladimir về Moscow. Tamerlane cho quân đội của ông dừng lại, và Moscow được cứu bình an (1395). Ảnh tượng vẫn ở lại Moscow. Trong ba dịp khác, vào các năm 1451, 1459, và 1480, quân Tatar đã đe dọa Moscow, nhưng thành phố vẫn yên lành nhờ sự cầu bầu của Đức Bà Vladimir. Như một cử chỉ tạ ơn, ba lễ được cử hành để tôn sùng Đức Bà hàng năm vào các ngày 21-5, ngày 23-6 và ngày 26-8. Thời Cách mạng Nga, người Cộng sản đưa ảnh tượng từ Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Lên Trời về Phòng trưng bày nghệ thuật Tretiakov, nơi hiện nay ảnh tượng vẫn được trưng bày.
Vocal Prayer
Khẩu nguyện. Là hình thức cầu nguyện như là “đàm đạo” với Chúa, hoặc các thiên thần và các thánh, và thực hiện bằng lời hay bằng cách diễn tả tương đương. Về mặt kỹ thuật, khẩu nguyện dùng một số công thức có sẵn, bởi vì ngay cả khi một người cầu nguyện trong tâm trí, người ấy cần sử dụng một hình thức ngôn ngữ nào đó, ít là trong nội tâm. Vì vậy trong thực tế việc phân biệt giữa khẩu nguyện và tâm nguyện chỉ là một vấn đề nhấn mạnh, hoặc để cho tình cảm tự nhiên làm chủ (tâm nguyện), hoặc một người dùng các kiểu nói có sẵn, mà không là lời nói trực tiếp ngay lúc đó với Chúa (khẩu nguyện). (Từ nguyên Latinh vocalis, nói, nói chuyện; từ chữ vox, tiếng nói.)
Volto Santo
Volto Santo, Nhan thánh Chúa, Dung nhan Chúa. Là một trong nhiều thánh tích, được tín hữu tôn kính như có mang dấu khuôn in mặt của Chúa Kitô. Thánh tích nổi tiếng nhất chính là khăn mặt của bà Veronica, gọi đơn giản là Veronica. Thánh tích được nhiều người biết đến hơn nữa là Tấm khăn liệm thánh được bảo quản tại Turin, Ý từ năm 1578. Người ta tin rằng đây là cuộn vải gai được dùng để liệm xác Chúa Giêsu Kitô, sau khi tháo xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá (Mt 27:59).
Voluntariety
Ước muốn, mong muốn. Là năng lực ý chí hay họat động của ý chí con người trong mong muốn, chọn lựa hoặc yêu mến một điều thiện thật sự hay hiển nhiên. Về phía chúng ta, ước muốn là sự đáp trả của ý chí tự do với ơn Chúa, và là lý do cho công đức siêu nhiên, khi hành động là tốt về luân lý, và được thực thi trong tình trạng ân sủng. Nó cũng là nguyên nhân của tội, khi ý chí cố ý chọn lựa làm điều gì trái với ý Chúa mà mình đã biết. Mức độ của ước muốn là một trong các yếu tố quyết định khung công đức cho hành vi tốt, và khung tội cho các hành vi có tội.
Voluntarism
Thuyết ý chí, thuyết duy ý chí. Là thuyết đề cao ý chí. Thuyết này có nhiều hình thức: 1. trong Chúa, ý chí của Chúa là ưu tiên hơn trí khôn của Chúa, kết quả là sự thật là sự thật và điều thiện là điều thiện, vì Chúa muốn như thế (Duns Scotus); 2. nơi con người, ý chí, trong đó có sự tự do, là cái làm cho con người thật sự là con người (thánh Âu Tinh); 3. thế giới này là hình ảnh của ý chí, một năng lực vũ trụ mù quáng và không mục đích (Schopenhauer); 4. ý chí tự do của mỗi người quyết định cho cá nhân cái gì là tốt và cái gì là xấu về luân lý (Kant); 5. cái tạo thành nhân vị là sự thực thi ý chí tự do của mỗi người trong cuộc đời (chủ nghĩa hiện sinh). (Từ nguyên Latinh voluntarius, thỏa thích, cố ý, mong muốn cách tự do.)
Voluntary Doubt
Hoài nghi cố ý. Là sự không tin chắc của tâm trí do ý chí gây ra hoàn tòan, khi một người chủ trương đồng ý, thậm chí khi chưa có bằng chứng đủ, hoặc chưa thỏa đáng một cách thận trọng.
Vote, Ecclesiastical
Bầu cử trong Giáo hội. Để có hiệu lực, sự bầu cử trong bầu chọn chức sắc trong Giáo hội, chẳng hạn một bề trên thượng cấp của một Dòng tu, phải là thật sự tự do và kín. Là không thật sự tự do, nếu một cử tri bị hướng dẫn cách trực tiếp hay gián tiếp để bầu phiếu, vì quá sợ hãi hoặc dối gạt một người hoặc nhiều người.
Votive Mass
Lễ kính tùy ý, lễ ngoại lịch. Là thánh lễ dâng để tôn kính một mầu nhiệm đức tin, hoặc Đức Trinh Nữ, một vị thánh hoặc tất cả các thánh, nhưng không thuộc lịch phụng vụ của ngày đó. Lễ kính tùy ý, với vài ngoại lệ, có thể cử hành vào bất cứ ngày thường nào trong năm, ngoài mùa Chay và mùa Vọng, và vào các ngày khác vốn không buộc cử hành đúng lễ ngày hôm ấy. Nói chung, lễ kính tùy ý có thể cử hành vào bất cứ ngày nào mà trong Sách lễ Roma ghi là lễ ngọai lịch, hoặc bất cứ ngày nào khác trong năm. (Từ nguyên Latinh votivus, từ chữ votum, lời khấn, lời cầu bầu.)
Votive Office
Kinh Nhật tụng tùy ý. Trước kia là quyền đọc Kinh Nhật tụng khác, so với Kinh Nhật tụng riêng của chính ngày đó. Quyền này bị hủy bỏ năm 1911, với một ngọai lệ là có thể đọc Kinh Nhật Tụng Đức Trinh Nữ vào các ngày thứ Bảy không phải là ngày lễ quan trọng. Tuy nhiên sự tùy chọn này đã bị thu hồi, kể từ khi Phụng vụ Các Giờ Kinh được duyệt lại sau Công đồng chung Vatican II.
Vow
Lời khấn. Là lời hứa tự do và có suy nghĩ với Chúa để làm điều tốt lành, và làm vui lòng Chúa hơn là không làm. Người khấn phải biết rằng mình sẽ mắc tội trọng với Chúa, nếu vi phạm lời hứa. Lời khấn có tính ràng buộc là sẽ có tội trọng hay nhẹ, tùy theo ý hướng của người khấn. Nếu người ấy khấn một điều nghiêm trọng, người ấy có ý ràng buộc mình với lời khấn theo hình phạt tội trọng, nếu vi phạm. Lời khấn gia tăng giá trị luân lý của các hành động con người vì nhiều lý do. Lời khấn kết hiệp linh hồn với Chúa bằng mối dây thờ phượng, và do đó các hành vi làm theo lời khấn cũng trở thành các hành vi thờ phượng. Do đó, các hành vi có công trạng hơn. Khi khấn hứa, một người trao cho Chúa sự tự do luân lý có thể làm khác đi, giống như một người không chỉ thỉnh thoảng trao tặng hoa trái, mà còn cho cả cây sinh hoa trái đó nữa. Và lời khấn giữ gìn người ấy khỏi rơi vào sự yếu đuối của con người, bởi vì người ấy không để vấn đề rơi vào do dự hoặc sự thay đổi thất thường nữa. Mục đích của lời khấn là xin ơn Chúa nâng đỡ quyết định của người khấn, cho đến khi hết hạn của lời khấn, hoặc trong trường hợp khấn vĩnh viễn, cho đến khi chết. (Từ nguyên Latinh vovere, thề, hứa.)
Vow Of Chastity
Lời Khấn Đức Khiết Tịnh, Lời khấn Đức Trong sạch. Là lời khấn qua đó một người tự ý từ bỏ quyền kết hôn, và đưa thêm nhân đức thờ phượng vào nghĩa vụ xa lánh khỏi mọi cám dỗ về khoái lạc nhục dục.
Vulgate
Bản Kinh thánh Vulgate, Bản dịch Kinh thánh Phổ thông, Bản dịch Vulgate. Là bản dịch Kinh thánh bằng tiếng Latinh, chủ yếu là do công của thánh Jerome (Giê-rô-ni-mô), và được sự ủy nhiệm của Đức Giáo hòang Damasus I năm 382. Theo dòng thời gian, bản dịch trở thành bản tiêu chuẩn trong Giáo hội, nhưng khoảng thế kỷ 16, hàng trăm bản được ấn hành với nhiều điểm khác nhau trong đó. Công đồng chung Trent tuyên bố rằng bản dịch Vulgate “phải được xem là bản chính thức dùng để đọc cho công chúng, trong các bản văn, bài giảng và bài trình bày”, và Công đồng ra lệnh duyệt lại cẩn thận bản dịch này. Sắc lệnh này có nghĩa rằng Kinh thánh phổ thông là bản văn Kinh thánh chính thức của Giáo hội. Sau khi được duyệt lại nhiều lần, bản văn Kinh thánh Phổ thông được các Công đồng chung Vatican I và II sử dụng. (Từ nguyên Latinh vulgata [bản], “phổ thông [bản]”; từ chữ vulgatus, chung, phổ thông; từ chữ vulgare, phổ biến; từ chữ vulgus, quần chúng, dân thường.)