TỪ ĐIỂN VIỆT - BỒ - LA GIÚP HIỂU RÕ Ý NGHĨA MỘT SỐ KINH ĐỌC Chúa Nhật VÀ LỄ TRỌNG

Trong những ngày qua tôi đã gởi đến quý vị phần I gồm ý nghĩa một số từ cổ trong các kinh đọc thường ngày, phần II tiếp theo đây là ý nghĩa các từ cổ trong các kinh đọc ngày Chúa Nhật, lễ trọng và các kinh cầu.

Trong phần I, một số độc giả thắc mắc tại sao ngoài Từ điển Việt – Bồ - La tôi lại ưa trích dẫn “Phép giảng tám ngày” hoặc “Tự Vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc. Xin thưa:

‒ Thứ nhất, như mọi người đã biết cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) đã cho xuất bản ba quyển sách đầu tiên bằng Chữ Quốc Ngữ tại Roma năm 1651: (1).Ngữ pháp tiếng Việt, in chung trong phần đầu cuốn Từ điển Việt - Bồ - La; (2).Từ điển Việt - Bồ - La; (3).Phép giảng tám ngày. Bộ ba cuốn sách này có thể cho chúng ta cái nhìn tổng quan về tiếng Việt thế kỉ XVII, thời các giáo sĩ đến truyền giáo tại Việt Nam. Một cuốn ngữ pháp, một cuốn từ điển và một tác phẩm văn xuôi có thể nói đó là bộ ba điển hình có thể dùng để khảo sát một ngôn ngữ nào đó trong một giai đoạn lịch đại nào đó. Chính vì thế, để lấy thêm cứ liệu dẫn chứng ngoài Từ điển Việt – Bồ - La tôi thường trích thêm “Phép giảng tám ngày” là tác phẩm văn xuôi bằng chữ quốc ngữ đầu tiên, của cùng một tác giả, cùng một lần xuất bản.

‒ Thứ hai, sau “Từ điển Việt – Bồ - La” hơn 100 năm (1772-1773), cuốn từ điển tiếng Việt thứ hai chào đời đó là cuốn “Tự Vị Annam Latinh” của Đức Cha Bá Đa Lộc (Pierre Pegneaux de Béhaine). Hầu hết các nhà nghiên cứu Việt ngữ học đều công nhận “Tự Vị Annam Latinh” có kế thừa “Từ điển Việt – Bồ - La”; Cụ Nguyễn Đình Đầu trong phần “thay lời giới thiệu - Tự Vị Annam Latinh” cũng đã ghi nhận như thế. Hai cuốn “Từ điển Việt – Bồ - La” và “Tự Vị Annam Latinh” gần như là “cặp đôi hoàn hảo”, vì hai cuốn từ điển này đặc trưng phản ánh diện mạo tiếng Việt Trung Đại. Từ điển Việt – Bồ - La làm nền tảng cho Tự Vị Annam Latinh và ngược lại Tự Vị Annam Latinh bổ sung và hoàn thiện Từ điển Việt – Bồ - La.

Đó là lý do tại sao tôi thường trích dẫn kèm “Phép giảng tám ngày” và “Tự Vị Annam Latinh” mỗi khi Từ điển Việt – Bồ - La không đáp ứng đủ để giải thích các từ cổ.

Phần tiếp sau đây là giải nghĩa các từ cổ trong các kinh đọc Chúa Nhật, Lễ Trọng và các Kinh Cầu.

1. Kinh Nghĩa Đức Tin

Ngày Chúa Nhật hôm nay (hay lễ trọng nào thì đọc: ngày lễ...), chúng con hợp nhau kính lạy thờ phượng Chúa, khong khen cảm tạ ơn Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho chúng con, và phạt tạ Chúa vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa, thì chúng con dám xin Chúa hãy khứng ban những ơn cần kíp cho chúng con được rỗi linh hồn. Nên chúng con cả lòng tin vững vàng mọi điều đạo thánh Chúa dạy, nhất là những điều cần kíp này: là có một Đức Chúa Trời phép tắc vô cùng dựng nên trời đất, mà Người có Ba Ngôi: Ngôi Thứ Nhất là Cha, Ngôi Thứ Hai là Con, Ngôi Thứ Ba là Thánh Thần, Ba Ngôi cũng một tính một phép cho nên Ba Ngôi cũng một Chúa mà thôi.

Chúng con tin Ngôi Thứ Hai ra đời làm người sinh bởi Bà Maria đồng trinh, đặt tên là Giêsu; ở thế gian ba mươi ba năm, đoạn chịu chết trên cây thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ, đến ngày thứ ba Người sống lại, khỏi bốn mươi ngày lên trời, đủ mười ngày lại cho Đức Chúa Thánh Thần xuống trên các Thánh Tông Đồ và Hội Thánh mới lập; ai chẳng thông công cùng Hội Thánh ấy thì chẳng được rỗi linh hồn; mà linh hồn là giống thiêng liêng chẳng hề chết được; và đến ngày tận thế xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét, kẻ lành lên thiên đàng hưởng phúc đời đời, kẻ dữ sa hỏa ngục chịu phạt vô cùng.

Mà chúng con tin các sự ấy mà thôi thì chưa đủ cho được lên thiên đàng; song phải giữ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời cùng Sáu Luật Điều Hội Thánh, và làm những việc lành phúc đức. Nhân vì sự ấy chúng con hằng phải sợ hãi và trốn tránh các tội lỗi, nhất là bảy mối tội đầu, là căn nguyên mọi tội lỗi khác.

Vậy chúng con phải ân cần lo lắng mà năng chịu các phép Bí Tích Đức Chúa Giêsu đã truyền, là những phương linh nghiệm cho chúng con được nên thánh. Có bảy phép Bí Tích mà thôi; song phép Rửa Tội, phép Mình Thánh Chúa cùng phép Giải Tội là ba phép cần kíp hơn cho chúng con được rỗi.

Ấy vậy, chúng con hằng phải ra sức lo lắng thể nào mà chịu các phép trọng ấy cho nên, cùng tin thật vững vàng mà giữ cẩn thận các điều trước này, thì mới được hưởng phúc thanh nhàn đời đời kiếp kiếp. Amen.

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “kính lạy thờ phượng Chúa”: nếu tra Từ điển tiếng Việt hiện đại thì cả hai từ này đều không có. Từ điển Việt – Bồ - La giải thích “kính lạy” nghĩa là “thờ lạy”, “thờ phượng” cũng có nghĩa là “thờ lạy”. Trong tiếng Việt việc ghép hai từ đồng nghĩa để làm tăng mức độ biểu cảm của ý nghĩa từ ngữ mình muốn diễn đạt đó là cách thường thấy, ví dụ: đời đời kiếp kiếp, thiên thu vạn đại, giàu sang phú quý,... Các giáo sĩ thời ấy đã áp dụng cách ghép từ có trong tiếng Việt này, để có ý nhấn mạnh đến việc thờ lạy Chúa.

- Cụm từ “khong khen cám tạ ơn Chúa”: Từ điển Việt – Bồ - La có mục từ “khen” với nghĩa là “khen”, không có mục từ “khong khen”. Tự Vị Annam Latinh có mục từ “khong khen” với nghĩa là “khen” dưới dạng từ láy, trong đó yếu tố “khong” là yếu tố không có nghĩa. Nếu cụm từ “khong khen cám tạ ơn Chúa” mà bỏ từ láy “khong khen” đi, thay vào đó bằng từ “khen”, thì cụm từ ghép “khen cám tạ” sẽ không đối ứng về mặt âm và không vần, không điệu, rất khó đọc. Các giáo sĩ đã chọn lựa từ rất hợp lý bằng cách ghép từ láy “khong khen” với từ “cám tạ” vừa để bổ trợ với nhau về mặt nghĩa, vừa tạo thành từ ghép song tiết nhịp đôi rất dễ đọc, có nghĩa là “ca khen và cám tạ ơn Chúa”.

- Cụm từ “và phạt tạ Chúa”: Từ điển Việt – Bồ - La không có từ “phạt tạ”, Tự Vị Annam Latinh chú thích từ “phạt tạ” có nghĩa là “khiêm tốn xin tha thứ”. Như thế, nghĩa của nguyên câu kinh sẽ là “khiêm tốn xin Chúa tha thứ vì những tội lỗi chúng con đã phạm mất lòng Chúa”.

- Tiếp đến là cụm từ “thì xin Chúa hãy khứng ban những ơn cần kíp”: từ “khứng” trong Từ điển Việt – Bồ - La có nghĩa là “muốn” và nghĩa mà từ điển tiếng Việt hiện đại ghi chú là “ưng, thuận”. Nghĩa trong Từ điển Việt – Bồ - La là nghĩa chủ động “muốn”, nghĩa trong tiếng Việt hiện đại là nghĩa thụ động “ưng, thuận”. Nghĩa trọn vẹn của câu cách dễ hiểu là: “xin Chúa muốn (chủ động theo ý Chúa) ban những ơn cần kíp cho chúng con”. Có thể hiểu thêm nghĩa của câu kinh là: ơn ban là những gì tùy thuộc vào tình thương và lòng nhân lành của Chúa, do ý Chúa “muốn” chứ không phải do chúng con “kèo nài” và Chúa chỉ có việc “ưng, thuận” hay bằng lòng thôi.

- Cụm từ “cả lòng” đã giải thích trong “Kinh Ăn Năn Tội” ở bài trước. “Cả lòng tin vững vàng” nghĩa là dồn hết lòng tin vào Chúa, tin cách vững vàng mạnh mẽ.

- Cụm từ “Ba Ngôi cũng một tính, một phép”: Từ điển Việt – Bồ - La có từ “phép” với bốn nét nghĩa khác nhau, nghĩa từ “phép” trong cụm từ này là “quyền năng” đây là nghĩa mà từ điển tiếng Việt hiện đại không có. Chúng ta cũng gặp từ “phép” với nghĩa “quyền năng” trong cụm từ “phép tắc” đã giải thích trong Kinh Cậy ở bài trước. Cụm từ “Ba Ngôi cũng một tính, một phép” nghĩa là: Ba Ngôi cùng một bản tính, cùng một quyền năng như nhau. Từ điển Việt – Bồ - La cũng giải thích “tính” có nghĩa là bản tính, bản thể. Chúng ta cũng gặp nghĩa từ “phép” này trong cụm từ “phép lạ” nghĩa là thể hiện quyền năng cách lạ lùng.

- Cụm từ “khỏi bốn mươi ngày lên trời”: Từ điển Việt – Bồ - La giải thích từ “khỏi” nghĩa là “đã vượt qua, đã qua”, tác giả lấy ví dụ: “khỏi hai ngày” nghĩa là “đã qua hai ngày, như vậy “khỏi bốn mươi ngày lên trời” nghĩa là “qua bốn mươi ngày, lên trời”...

- Trọn vẹn câu kinh là: “Chúng con tin Ngôi Thứ Hai ra đời làm người sinh bởi Bà Maria đồng trinh, đặt tên là Giêsu; ở thế gian ba mươi ba năm, đoạn chịu chết trên cây thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ; đến ngày thứ ba Người sống lại; qua bốn mươi ngày, lên trời...” Qua câu kinh này, chúng ta gặp cả vấn đề về ngữ pháp và việc đặt dấu ngắt câu; nhưng tôi tạm dừng ở việc dùng Từ điển Việt – Bồ - La để soi sáng ý nghĩa các từ ngữ; còn phần về việc giải thích ngữ pháp và việc dùng dấu ngắt câu của tiếng Việt thế kỉ XVII, tôi sẽ dành giải thích và gởi đến độc giả trong các nghiên cứu sau này.

- Cụm từ “linh hồn là giống thiêng liêng”: từ “giống” trong tiếng Việt thế kỉ XVII cũng có những nét nghĩa như trong tiếng Việt hiện đại, nhưng kết hợp “giống thiêng liêng” lại là kết hợp của tiếng Việt thế kỉ XVII. Tiếng Việt hiện đại chỉ có kết hợp “loài thiêng liêng” không ai nói “giống thiêng liêng” cả; mặc dù nghĩa như nhau, nhưng bối cảnh kết hợp và chọn lựa từ của hai giai đoạn lịch sử hoàn toàn khác nhau.

- Cụm từ “nhân vì sự ấy” nghĩa là “bởi vậy, vì vậy”, cụm từ này chúng ta có thể gặp trong rất nhiều kinh cũng như các chặng đàng thánh giá trong các sách kinh.

- Cụm từ “phương linh nghiệm”: nếu tra từ điển tiếng Việt hiện đại chúng ta sẽ hiểu cụm từ này nghĩa là “phương cách có hiệu quả, hiệu nghiệm”, nhưng nếu hiểu theo nghĩa này thì ý nghĩa của câu kinh sẽ rất hạn hẹp. Từ điển Việt – Bồ - La giải thích “phương linh nghiệm” là “phương thức siêu nhiên”. Câu kinh: “là những phương linh nghiệm cho chúng con được nên thánh” nghĩa là “là những phương thức siêu nhiên giúp chúng con được nên thánh”.

- “Vậy chúng con phải ân cần lo lắng”: Từ “ân cần” trong tiếng Việt hiện đại chẳng có nét nghĩa nào phù hợp với câu kinh. Từ điển Việt – Bồ - La giải thích “ân cần” nghĩa là “chăm chỉ”. Nghĩa của câu kinh là “chăm chỉ siêng năng chịu các phép Bí Tích Đức Chúa Giêsu đã truyền”.

- Chúng ta cũng gặp lại từ “chịu” với nét nghĩa tích cực trong cụm từ “chịu các phép trọng”, là nét nghĩa mà chỉ trong tiếng Việt thế kỉ XVII mới có.

- Cụm từ “hưởng phúc thanh nhàn”: Từ điển Việt – Bồ - La giải thích “thanh nhàn” nghĩa là “không thay đổi, vững bền”, “phúc thanh nhàn” nghĩa là phúc vững bền, không thay đổi. Chúng ta gặp lại kiểu ghép các từ đồng nghĩa để làm gia tăng nét nghĩa muốn diễn tả “hưởng phúc thanh nhàn đời đời kiếp kiếp”: nghĩa là “hưởng phúc vững bền mãi mãi”.

2. Kinh Mười Điều Răn

Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn

Thứ nhất: thờ phượngmột Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.

Thứ hai: chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

Thứ ba: giữ ngày Chúa Nhật.

Thứ bốn: thảo kính cha mẹ.

Thứ năm: chớ giết người.

Thứ sáu: chớ làm sự dâm dục.

Thứ bảy: chớ lấy của người.

Thứ tám: chớ làm chứng dối.

Thứ chín: chớ muốn vợ chồng người.

Thứ mười: chớ tham của người.

Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.

- Kinh “mười điều răn”, từ “răn” trong tiếng Việt hiện đại không có nghĩa phù hợp với kinh này. Từ điển Việt – Bồ - La giải thích “răn” là “lệnh truyền”, như vậy chúng ta hiểu “mười điều răn” nghĩa là “mười lệnh truyền” của Thiên Chúa. Cũng như thế chúng ta hiểu “sáu điều răn Hội Thánh” nghĩa là “sáu điều Hội Thánh truyền lệnh” buộc phải giữ.

- Trong kinh này chúng ta gặp lại từ “thờ phượng” nghĩa là “thờ lạy” đã giải thích trong Kinh Nghĩa Đức Tin; cụm từ “kính mến” nghĩa là “kính yêu” đã giải thích trong Kinh Mến. Có một cụm từ cổ đặc biệt “mà chớ”, một thời gian nhiều nơi đã không hiểu rõ nghĩa và sửa lại “mà nhớ”. Thực ra người sửa lại thành “mà nhớ” cũng có dụng ý của người sửa, nhưng nghĩa của “mà chớ” rất hay và phù hợp với nghĩa toàn văn của câu kinh. Từ điển Việt – Bồ - La ghi “mà chớ” nghĩa là “không có gì hơn nữa, không còn gì hơn nữa”, tác giả còn giải thích thêm “có bấy nhiêu mà chớ” nghĩa là “có bấy nhiêu và không có gì hơn nữa, không có gì thêm nữa”. Câu kinh “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ” nghĩa là mười điều răn ấy chỉ tóm lại có hai điều thôi, không có gì hơn nữa, không cần phải thêm gì nữa, chỉ hai điều tóm lại ấy là đủ rồi.

3. Kinh Sáu Điều Răn

Hội Thánh có sáu điều răn:

Thứ nhất: xem lễ ngày Chúa Nhật, cùng các ngày lễ buộc.

Thứ hai: chớ làm việc xác ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.

Thứ ba: xưng tội trong một năm ít là một lần.

Thứ bốn: chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu trong mùa Phục Sinh.

Thứ năm: giữ chay những ngày Hội Thánh buộc.

Thứ sáu: kiêng thịt ngày thứ sáu, cùng những ngày khác Hội Thánh dạy.

- Trong kinh này chúng ta gặp từ “xem”, nếu dùng từ điển tiếng Việt hiện đại thì nghĩa không phù hợp một chút nào, có lẽ vì nghĩa hiện đại này mà có các bạn trẻ ngồi trên xe máy ngoài đường, ngồi gốc cây, ngồi tít ngoài xa xăm để “xem lễ”. Từ điển Việt – Bồ - La có mục từ “xem lễ thánh” nghĩa là “tham dự Thánh Lễ”, không phải là đứng ngoài xa mà xem, mà là dự phần vào hoạt động đó. Đó là nghĩa chính mà mỗi người cần hiểu rõ trong điều răn Hội Thánh đòi hỏi khi dự lễ. Chúng ta cũng gặp lại từ “chịu Mình Thánh” với nghĩa của từ “chịu” nghĩa tích cực mà từ điển tiếng Việt hiện đại không có, đã được giải thích trong Kinh Truyền Tin.

4. Kinh Bảy Phép Bí Tích

Đạo Đức Chúa Trời Có Bảy Phép Bí Tích:

Thứ Nhất: Là Phép Rửa Tội.

Thứ Hai: Là Phép Thêm Sức.

Thứ Ba: Là Phép Mình Thánh Chúa.

Thứ Bốn: Là Phép Giải Tội.

Thứ Năm: Là Phép Xức Dầu Thánh.

Thứ Sáu: Là Phép Truyền Chức Thánh.

Thứ bảy: là Phép Hôn Phối.

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “phép Bí Tích”: Từ “bí tích” xin tìm đọc ở các từ điển Công Giáo hiện đại, vì cả ở Từ điển Việt – Bồ - La và Tự Vị Annam Latinh đều không có từ “bí tích”. Tuy nhiên, Từ điển Việt – Bồ - La có rất nhiều mục từ với từ “phép” đồng nghĩa với từ “bí tích”. Ví dụ tác giả ghi nhận “làm phép giải tội” nghĩa là “làm bí tích tha tội”; “Đức Chúa Jesu truyền phép giải tội” nghĩa là “Chúa Jesu truyền lại cho chúng ta bí tích tha tội.v.v.” Chúng ta cũng gặp nghĩa của từ “phép” này trong cụm từ “phép thiêng”, “phép nhiệm” của Từ điển Việt – Bồ - La nghĩa là “khả năng kín ẩn”. Ở mục từ khác tác giả Từ điển Việt – Bồ - La ghi chú “phép” cũng nghĩa là “nghi lễ”. Kết hợp hai nghĩa của hai mục từ “phép” này chúng ta có được nghĩa của từ “bí tích”, nghĩa là một “nghi lễ” bên ngoài với các “dấu ấn, khả năng kín ẩn” bên trong. Như vậy có thể nói từ “phép” trong tiếng Việt thế kỉ XVII tương đương với nghĩa của từ “bí tích” chúng ta dùng hiện nay.

5. Kinh Mười Bốn Mối

Thương người có mười bốn mối

Thương xác bảy mối:

Thứ nhất: cho kẻ đói ăn.

Thứ hai: cho kẻ khát uống.

Thứ ba: cho kẻ rách rưới ăn mặc.

Thứ bốn: viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc.

Thứ năm: cho khách đỗ nhà.

Thứ sáu: chuộc kẻ làm tôi.

Thứ bảy: chôn xác kẻ chết.

Thương linh hồn bảy mối:

Thứ nhất: lấy lời lành mà khuyên người.

Thứ hai: mở dạy kẻ mê muội.

Thứ ba: yên ủi kẻ âu lo.

Thứ bốn: răn bảo kẻ có tội.

Thứ năm: tha kẻ dể ta.

Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta.

Thứ bảy: cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

- Tựa đề kinh này là “Kinh Mười Bốn Mối”, chúng ta gặp từ “mối”: từ này có nét nghĩa hoàn toàn không tìm thấy trong từ điển tiếng Việt hiện đại. Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận “mối” nghĩa là “điều” hay “khoản”. Nghĩa là “thương người có mười bốn điều, thương xác bảy điều, thương linh hồn bảy điều”. Nghĩa thứ hai của từ “mối” là “đầu mối” từ đó phát sinh ra những điều tiếp theo. Từ “mối” trong “Kinh Cải Tội Bảy Mối”, “Kinh Phúc Thật Tám Mối” dưới đây cũng có hai nghĩa như vậy.

- Trong suốt kinh này chúng ta gặp từ “kẻ” là từ khiến chúng ta rất dễ dị ứng, bởi vì hiện nay từ “kẻ” thường đi kèm với những từ có sắc thái tiêu cực như“kẻ cướp”, “kẻ gian”, “kẻ thù”... Nhưng vào thời Từ điển Việt – Bồ - La từ “kẻ” có nét nghĩa trung tính nghĩa là “người”. Chúng ta cũng thấy câu tục ngữ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” có từ “kẻ” cũng mang nét nghĩa trung tính là “người” như trong Từ điển Việt – Bồ - La ghi nhận vậy.

- Cụm từ “tù rạc” đã giải thích trong Kinh Bởi Lời, bài trước.

- Chúng ta cũng gặp cụm từ “cho khách đỗ nhà”: Từ “đỗ” trong Từ điển Việt – Bồ - La nghĩa là “ở lại”; “cho khách đỗ nhà” nghĩa là “cho khách ở lại trong nhà mình”. Tác giả từ điển còn ghi chú thêm “đỗ quán” nghĩa là “ở lại quán”; “chẳng đỗ lâu” nghĩa là “không ở lại lâu”... Tuy nhiên, nếu chỉ cho “khách” theo nghĩa hiện nay, nghĩa là những người trong quan hệ với chủ nhà thì câu kinh này cũng thường thôi, vì khách của mình thì mình phải cho họ ở lại trong nhà mình thì có gì lạ đâu. Nhưng, từ “khách” thời Từ điển Việt – Bồ - La có nghĩa là “người ngoài”, “người muốn trú trọ”, nói cách nôm na là người lỡ đường không có quan hệ gì với chủ nhà cả, người dưng. Như vậy “cho khách đỗ nhà” mới là mối phúc, mới là thương người, còn nếu đón tiếp “khách” của mình, thì đó là phép xã giao lịch sự chứ đâu phải là việc làm biểu lộ lòng thương người nữa.

- Cụm từ “chuộc kẻ làm tôi”: Từ “làm tôi” Tự Vị Annam Latinh dịch là “làm người phục dịch”, nghĩa là làm tôi tớ, làm đầy tớ. Từ “chuộc” Từ điển Việt – Bồ - La giải thích nghĩa là “mua lại, chuộc lại”. Vào thời phong kiến những người nghèo, những người tầng lớp dưới bị bán làm nô lệ, phục dịch cho người giàu và những tầng lớp trên trong xã hội. “Chuộc kẻ làm tôi” nghĩa là dùng tiền của mình để mua lại những người làm đầy tớ để cho họ được tự do. Câu kinh này trong bối cảnh hiện nay phải hiểu là nâng đỡ, cứu giúp những người nghèo khổ, giải thoát những ai bị áp bức...

- Cụm từ “mở dạy kẻ mê muội”: Từ điển Việt – Bồ - La không có từ “mở dạy”, nhưng có từ “mở đạo” nghĩa là “dạy đạo”. “Mở dạy” là từ ghép hai từ đồng nghĩa (‘mở’ cũng là ‘dạy’), để chỉ một nghĩa duy nhất là “dạy”. Từ “mê muội” có nghĩa là “dốt nát, ngu muội” (‘muội’ cũng là ‘ngu’). Hiểu nôm na là giúp đỡ những ai thiếu điều kiện học hiểu, những người không có cơ hội đến trường, không có phương tiện để hiểu biết những điều cần thiết.

- Cụm từ “răn bảo”: “răn” có nghĩa là “khuyên”. Chúng ta cũng gặp lại từ này trong tiếng Việt hiện đại “khuyên răn” (“răn” cũng có nghĩa là “khuyên”).

- Trong kinh này chúng ta gặp từ “dể” nghĩa là “khinh”. Tiếng Việt hiện đại có từ “khinh dể” ghép hai yếu tố đồng nghĩa để làm tăng mức độ biểu cảm, nhưng qua thời gian yếu tố “dể” đã mờ nghĩa.

- Từ “nhịn” trong cụm từ “nhịn kẻ mất lòng ta”: Từ điển tiếng Việt hiện đại ghi từ “nhịn” với hai nghĩa: -1.Tự ý để cho qua, không thỏa mãn nhu cầu nào đó của bản thân như nhịn đói, nhịn khát... -2.Dằn xuống không để biểu hiện sự phản ứng ra ngoài ví dụ như cố nhịn cười... Với hai nghĩa này trong tiếng Việt hiện đại không diễn tả được nghĩa của câu kinh. Từ điển Việt – Bồ - La ghi ba nghĩa của từ “nhịn” như sau: -1.nhịn: chịu đựng cách kiên trì; -2.nhịn: nhẫn nại (kiên trì, bền bỉ chịu đựng...); -3.nhịn: dung thứ (rộng lượng tha thứ). Với ba nghĩa này của từ “nhịn” theo Từ điển Việt – Bồ - La câu kinh sâu sắc và ý nghĩa tuyệt vời.

6. Kinh Cải Tội Bảy Mối

Cải tội bảy mối có bảy đức:

Thứ nhất: khiêm nhường, chớ kiêu ngạo.

Thứ hai: rộng rãi, chớ hà tiện.

Thứ ba: giữ mình sạch sẽ, chớ mê dâm dục.

Thứ bốn: hay nhịn, chớ hờn giận.

Thứ năm: kiêng bớt chớ mê ăn uống.

Thứ sáu: yêu người chớ ghen ghét.

Thứ bảy: siêng năng việc Đức Chúa Trời, chớ làm biếng.

- Lưu ý trong kinh này là: tiếng Việt thế kỉ XVII dùng từ “chớ” tương đương với từ “đừng” trong tiếng Việt hiện đại.

- Trong kinh này chúng ta gặp từ “sạch sẽ” hoàn toàn khác nghĩa với tiếng Việt hiện đại. Từ điển Việt – Bồ - La ghi chú “sạch sẽ” nghĩa là “trong sạch” (là có phẩm chất tốt đẹp, không bị một vết nhơ bẩn nào, một tâm hồn trong sạch), từ này đồng nghĩa với từ “thanh tịnh” (từ Hán Việt).

- Cụm từ “hay nhịn” đã giải thích trong Kinh Mười Bốn Mối ở trên.

7. Phúc Thật Tám Mối

Phúc thật tám mối:

Thứ nhất: ai có lòng khó khăn, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

Thứ hai: ai hiền lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy.

Thứ ba: ai khóc lóc, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được yên ủi vậy.

Thứ bốn: ai khao khát nhân đức trọn lành, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được no đủ vậy.

Thứ năm: ai thương xót người ấy là phúc thật, vì chưng mình sẽ được thương xót vậy.

Thứ sáu: ai giữ lòng sạch sẽ ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời vậy.

Thứ bảy: ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.

Thứ tám: ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.

- Từ điển Việt – Bồ - La ghi chú một mục từ “phúc thật tám mối” nghĩa là “tám đầu mối phúc lạc chân thật”, hiểu nôm na là “tám đầu mối đem lại hạnh phúc chân thật” và đây là ý nghĩa trọn vẹn sâu sắc của kinh này.

- Trong kinh này chúng ta gặp một cấu trúc ngữ pháp lặp đi lặp lại rất hay của tiếng Việt thế kỉ XVII, nhưng về phần ngữ pháp tôi sẽ gởi đến quý vị trong các bài nghiên cứu sau. Các cụm từ “ấy là”, “vì chưng” lặp đi lặp lại trong tám mối phúc: từ “ấy là” có nghĩa “chính là”, “vì chưng” có nghĩa “bởi vì”, chúng ta có thể thay thế vào lời kinh và sẽ thấy dễ hiểu thêm.

- Từ “khó khăn” trong tiếng Việt hiện đại không phù hợp với lời kinh. Từ điển Việt – Bồ - La giải thích “khó khăn” nghĩa là “nghèo khó”, “khó khăn” với nghĩa “nghèo khó” đồng nghĩa với những câu đầu tiên Tin Mừng Matthêu chương 5. “Có lòng khó khăn” nghĩa là “có tinh thần nghèo khó chính là phúc thật”.

- Trong kinh này chúng ta gặp cụm từ “chịu khốn nạn vì đạo ngay”: từ “khốn nạn” trong tiếng Việt hiện đại đã có nét nghĩa “hèn mạt, không còn nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa” không phù hợp chút nào với lời kinh. Từ điển Việt – Bồ - La và Tự Vị Annam Latinh giải thích “khốn nạn” nghĩa đơn giản là “khó nhọc, cực khổ” mà thôi. Từ “khốn nạn” đã thay đổi nghĩa nhiều trong tiếng Việt hiện đại.

Chúng ta cũng có từ “đạo ngay” trong câu kinh này. Từ điển Việt – Bồ - La không có mục từ “đạo ngay” nhưng Tự Vị Annam Latinh có mục từ này “đạo ngay” nghĩa là “đạo thật”. Tuy nhiên, trong “Phép giảng tám ngày” thì cha Đắc Lộ đã có bài giáo lý dài “ngày thứ bốn” phân tích các “đạo vạy” đối lập với “đạo ngay” là đạo Đức Chúa Trời. Chúng ta hiểu câu kinh này: ai chịu khổ cực, khó nhọc vì đạo Chúa Trời thì người ấy là người có phúc thật.

Sr.Minh Thùy (phần II- còn tiếp)

Phục Sinh 2014