B.A..
Cử nhân văn chương
Babel, Tower Of
Tháp Babel. Trên đồng bằng Shinar người dân quyết định xây dựng một thị trấn xây một tháp có thể cao tới tận trời. Giavê nghi ngờ các động cơ của họ (Stk 11:1-9). Người làm xáo trộn ngôn ngữ của họ đến nỗi họ không còn hiểu được tiếng nói nhau. Rồi Người tản mác họ khắp thế giới.
Babylonian Captivity
Thời lưu đày ở Babylon. Một từ ngữ được Petrarch sử dụng, và sau này cũng được sử dụng bởi các nhà viết sử về thời kỳ lưu đày của các Đức Giáo hòang ở Avignon, Pháp, từ năm 1309 đến năm 1377. Bảy Đức Giáo hòang người Pháp—gồm có Clement V, John XXII, Benedict XII, Clement VI, Innocent VI, Chân phước Urban V, và Gregory XI—từng sống ở Avignon. Đức giáo hòang Gregory, vị cuối cùng của thời kỳ này, đã trở về Rome theo lời khuyên của thánh nữ Catherine thành Siena (1347-80) bất chấp sự phản đối của Vua nước Pháp và đa số các Hồng y.
Bad Example
Gương xấu. Việc thực hiện một hành vi xấu về luân lý gây vấp phạm cho người khác và khuyến khích họ cũng làm như vậy. Đặc biệt gương xấu quy chiếu cho các nhà lãnh đạo trong Giáo hội hoặc xã hội dân sự, là những người được chờ mong thực thi trên cả nhân đức bình thường, và sự ứng xử luôn được công chúng theo dõi. Vì vậy, lẽ tất nhiên cư xử sai phép của họ tạo ra gương xấu cho những ai nhìn vào họ như người hướng dẫn và người gây cảm hứng cho họ.
Bad Faith
Ý gian, thiếu thành thật, gian lận. Là điều kiện của một người hoặc là người ấy hành động trái với lời lương tâm chỉ bảo, hoặc người ấy không tìm sự soi sáng của lương tâm trước khi có quyết định luân lý. Từ ngữ gian lận cũng áp dụng cho một người lấy tài sản của người khác và không tìm các cách hợp lý để tìm ra chủ nhân thật sự của tài sản ấy, hoặc trả lại tài sản cho người ấy. Còn những người được cho là có ý gian hay bất lương, khi họ không theo Công giáo mặc dầu họ biết chân lý của công giáo, hoặc khi họ không tìm các biện pháp thích hợp để học biết đức tin chân thật là gì.
Baianism
Thuyết Baiô. Là một hệ thống ân sủng được Michael Baius (1513-89) khai triển tại Louvain và bị kết án trong 79 luận đề bởi thánh Đức Giáo hòang Pius V vào năm 1567. Các nguyên lý chính của thuyết này là: 1. tình trạng nguyên thủy của con người không phải là ân ban siêu nhiên của Chúa; 2. tội tổ tông cũng giống như là một sự ham muốn bình thường; 3. là kết quả của sự sa ngã, ý chí con người không thật sự là tự do nội tại; 4. mọi hành vi của con người diễn ra hoặc từ sự tham lam (ham muốn xấu) hoặc từ đức ái do Chúa ban cho. Các hành vi trước là xấu về luân lý, còn các hành vi sau lại tốt về luân lý. Thuyết Baiô là tiền thân trực tiếp của thuyết Jansen (đạo lý khắc khổ) và trao cho nó các tiền đề lý luận phái sinh từ các nhà Cải cách Tin lành, và thuyết Jansen được xây dựng trên các tiền đề ấy.
Balaam
Balaam, Bilơam. Là nhà tiên tri ngọai giáo đưa ra nhiều ấn tượng mâu thuẫn trong Kinh thánh. Được vua Balak của Moab mời khẩn cấp đến Thung lũng Jordan để nguyền rủa người Israel đang xâm chiếm đất nước, Balaam chứng tỏ một ước muốn gây ngạc nhiên là vâng lời Giavê, mặc dầu ông không phải là người tin đạo. mọi lời khấn nài và tiền hối lộ của vua Balak đều vô ích,; thay vào việc ông Balaam nguyền rủa dân Israel, ông lại liên tục chúc phúc cho họ (Dân số 22-24). Tuy nhiên sau đó, ông Moses biết rằng Balaam đã phản bội dân ông bằng cách khuyến khích họ phạm tội trọng khi ăn thực phẩm dâng cúng cho các ngẫu tượng. Moses ra lệnh cho Balaam phải chết (Dân số 31:8-16). Trong Tân ước cũng nhắc đến tội ác của Balaam. Thư của thánh Giuđa xếp hạng ông Balaam giống như Cain nổi lọan và Korah (Giuđa 11), và thánh Gioan tố cáo một số người làm điều ác như là “người nắm giữ đạo lý của Bilơam" (Kh 2:14).
Baldachino
Phương du, lộng che. Một cái tán hình vòm, làm bằng gỗ, đá hoặc kim lọai, che trên bàn thờ cao. Nó được treo bằng dây hoặc đỡ bằng các cột trụ. Nó cũng được gọi là bình thánh. Phương du nổi tiếng nhất là phương du trong thánh đường thánh Phêrô tại Rome, do Bernini (1598-1680) thiết kế cho Đức Giáo hòang Urban VIII. Tên phương du (baldachino) phát sinh từ Baldacco, tức Baghdad theo tiếng Ý, thành phố cung cấp nhiều chất liệu quý cho các phương du này. Phương du cũng được gọi cho các lộng che sử dụng trong cuộc rước kiệu hoặc đặt trên các ngai giám mục.
Balsam
Nhựa thơm, tô hợp hương. Tô hợp hương lấy từ một số cây và dùng trong dược phẩm và nước hoa. Đây là một trong các chất của dầu thánh, cùng với dầu ôliu, dùng trong việc ban bí tích Thêm sức và nghi lễ Rửa tội công khai. Nhựa thơm tượng trưng việc tiếp nhận ơn Chúa để gìn giữ khỏi sự xấu xa của thế gian, và gửi hương thơm nhân đức Kitô giáo cho đời sống sùng đạo.
Baltimore Catechism
Sách Giáo lý Baltimore. Lúc đầu gọi là “Sách giáo lý của tín lý Kitô giáo, được sọan và xuất bản theo lệnh của Nghị hội Baltimore lần thứ ba”. Đây là công đồng toàn miền năm 1884 cho phép xuất bản sách giáo lý này vào năm 1885, sau khi một ủy ban gồm sáu Giám mục được ủy thác sọan cuốn giáo lý này. Vấn đề một cuốn Giáo lý chung đã được hội đồng giám mục Mỹ xem xét kể từ công đồng giáo tỉnh đầu tiên năm 1829, nhưng phải 50 năm sau dự án mới hòan thành. Sau khi sách giáo lý được ấn hành, nhiều bản in đã được xuất bản, với ý nghĩa từ ngữ, ghi chú giải thích, và cả nhiều cách sắp xếp khác nhau nữa, đến nỗi trong vài thập niên có sự đa dạng lớn trong các sách được gọi là sách Giáo lý Baltimore.
Baltimore, Councils Of
Các công đồng Baltimore. Là 13 công đồng của các Giám mục Mỹ, gồm ba công đồng toàn miền (1852-84) và 10 công đồng giáo tỉnh (1829-69), nhờ đó Giáo hội công giáo tại Mỹ được tổ chức có nề nếp. Công đồng cuối cùng vào năm 1884 quyết định sọan sách Giáo lý Baltimore, quy định dạy giáo lý trong các trường học công giáo, thành lập Đại học công giáo Mỹ (CUA), và xác định sáu ngày lễ buộc hàng năm trong năm phục vụ.
Bambino
Tượng Chúa Hài Đồng, Tượng Bambino. Là tượng của Chúa Hài Đồng, bằng sáp, đặt nằm trong Máng cỏ tại Bê Lem. Tượng Chúa Hài đồng được đặt trong các nhà thờ từ lễ Giáng sinh đến lễ Chúa Hiển linh. Việc sùng kính này bắt nguồn từ thánh Phanxicô Átxidi (1181-1226). Một tượng gỗ có nạm ngọc của Chúa Hài Đồng, gọi là "Santissimo Bambino" (Hài Đồng chí thánh), đặt trong nhà thờ Ara Coeli của dòng Phanxicô ở Rome. Tượng được đưa từ Đất Thánh về, được rước trong lễ Giáng sinh và lễ Hiển Linh, và nổi tiếng là từng làm nhiều phép lạ.
Banneux
Đền thánh Banneux. Là đền thánh dâng kính Đức Mẹ Người Nghèo, gần thành phố Liège ở làng Banneux, vùng Flamand. Việc sùng kính Đức Mẹ này là kết quả của một lần Đức Mẹ hiện ra với một cô gái nghèo 12 tuổi trong vườn nhà cô bé vào ngày 16-1-1933. Đức Mẹ nói với cô rằng Ngài đến để cất đi đau khổ và bệnh tật của người nghèo mọi quốc gia. Một bức họa trên tường nhà thờ của làng Banneux được thực hiện theo sự mô tả của cô bé, cho thấy Đức Mẹ mang áo trắng với dây thắt lưng màu xanh và tay phải cầm tràng chuỗi Mân Côi. Ngày 18-1-1933, thân phụ cô bé, một người vô thần công khai, đi với cô bé vào vườn, và mặc dầu ông không nhìn thấy Đức Mẹ, ông được biến đổi và trở lại ngay tức khắc, lòng ngập tràn vui sướng trong sự hiện diện của một sức mạnh vô hình. Sau nhiều năm điều tra, Tòa Thánh cho phép việc sùng kính công khai Đức Mẹ Banneux, bổn mạng của người nghèo, từ năm 1942. Đức Giám mục Liège đã chấp thuận chính thức vào năm 1949, và một tượng mang tước hiệu trên được làm phép trọng thể vào năm 1956. Khách hành hương từ nhiều quốc gia đến làm việc sùng kính Đức Mẹ tại nhà htờ này. Hơn 100 đền thờ trên thế giới được dâng kính Đức Mẹ Banneux.
Bannezianism
Cáo thư hôn phối, rao hôn phối. Việc thông báo công khai sự kết hôn sắp tới của một đôi nam nữ. Mục đích của việc rao hôn phối là nhắm phát hiện các ngăn trở hôn nhân nếu có. Trừ khi có phép chuẩn, việc rao hôn phối cần thực hiện ba lần trong ba chủ nhật hoặc ba lễ trọng tại các nhà thờ của hai đương sự. Những ai biết các ngăn trở hôn phối thì buộc phải trình báo với giáo sĩ liên hệ. Những người sắp chịu chức thánh cũng cần được thông báo công khai ở nhà thờ như thế. (Từ nguyên Anglo-Saxon gebann, công bố.)
Baptism
Bí tích Rửa tội, phép Thanh tẩy. Là bí tích trong đó, bởi nước và lời Chúa, một người được tẩy sạch mọi tội lỗi, đưọc tái sinh và thánh hóa trong Chúa Kitô để có sự sống đời đời. (Từ nguyên Latinh baptisma; từ chữ Hi Lạp baptisma, nhúng, nhận chìm.)
Baptism, Matter And Form
Bí tích Rửa tội, Chất thể và mô thức của Bí tích Rửa tội. Nước tự nhiên được đổ lên hoặc rưới lên một người, hoặc một người được dìm trong đó, là chất thể hoặc yếu tố vật chất cần thiết cho phép rửa tội. Việc đọc các lời lúc rửa tội là mô thức của phép rửa tội, cụ thể là: “Ta rửa tội cho con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.” Có vấn đề đã tranh luận là liệu trong Giáo hội ban sơ, ngoài việc kể trên, phép rửa tội cũng được thực hiện nhân danh Chúa Giêsu hay không. Nhưng điều chắc chắn rằng Giáo hội công giáo thời đầu đã tuyên bố sự cần thiết dùng công thức Chúa Ba Ngôi để cho phép rửa tội thành sự.
Baptismal Covenant
Khế ước Rửa tội. Một thỏa thuận được thực hiện bởi người sắp rửa tội, hoặc tự mình hoặc qua người đỡ đầu, để thuộc trọn vẹn về Chúa Kitô, và Chúa hứa chúc phúc cho người ấy với trọn đời đầy ân sủng Chúa.
Baptismal Font
Giếng Rửa tội. Một đồ chứa bằng gỗ, đá hay kim loại, thường được trang trí đẹp, dùng để chứa nước rửa tội trong nghi thức long trọng của phép rửa tội. Theo luật chung, nhà thờ giáo xứ nào cũng cần có giếng rửa tội.
Baptismal Graces
Ơn phép Rửa tội. Các hiệu quả siêu nhiên của bí tích rửa tội. Đó là: 1. cất đi mọi tội lỗi, cả tội tổ tông lẫn tội cá nhân; 2. cất đi mọi hình phạt do tội, hình phạt tạm và hình phạt đời đời; 3. ban ơn thánh hóa và các nhân đức đối thần (tin, cậy, mến), và các ơn Chúa Thánh Thần; 4. tháp nhập vào Chúa Kitô; và 5. gia nhập vào Nhiệm Thể, là Giáo hội Công giáo; 6. in dấu ấn rửa tội, giúp người ấy có thể nhận lãnh các bí tích khác, tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô qua phụng vụ thánh, và lớn lên trong việc trở nên giống Chúa Kitô nhờ việc thánh hóa bản thân. Nhưng phép rửa tội không cất đi hai hiệu quả của tội tổ tông, đó là dục vọng và phải chết thể lý. Tuy nhiên, phép rửa tội giúp Kitô hữu được thánh hóa bằng sự đấu tranh với dục vọng, và ban cho danh hiệu được chỗi dậy trong thân xác vinh quang trong ngày tận thế.
Baptismal Name
Tên thánh Rửa tội. Là tên thánh một người nhận lãnh khi chịu phép rửa tội. Nghi thức mới nhất của Giáo hội quy định việc chọn tên thánh, khi người ban phép hỏi cha mẹ hoặc người đỡ đầu của đứa nhỏ: “Ông (bà) muốn đặt tên thánh nào cho đưa bé?” Theo truyền thống của Giáo hội, tên thánh rửa tội “ nên lấy từ một người mà sự thánh thiện đã cho ngài có vị trí trong hàng ngũ các thánh. Sự giống tên như thế sẽ kích thích người ấy bắt chước các nhân đức và sự thánh thiện của thánh bổn mạng, và hơn nữa, sẽ hy vọng và cầu nguyện rằng vị thánh gương mẫu của mình sẽ là vị bầu cử cho mình và che chở cho sự an toàn hồn xác của mình” (Giáo lý của công đồng chung Trent, phép Rửa tội).
Baptismal Register
Sổ Rửa tội. Sổ rửa tội được linh mục ban phép rửa tội thực hiện. Sổ được lưu trữ trong sổ bộ của giáo xứ. Trong sổ có ghi tên của những người được rửa tội, tên của người rửa tội, tên của cha mẹ và người đỡ đầu; cũng ghi ngày tháng và nơi rửa tội. Có các điều khỏan đặc biệt để ghi cho cha mẹ có con sinh ngòai giá thú. Tên mẹ phải được ghi nếu việc sinh đẻ là công khai, hoặc nếu người mẹ yêu cầu bằng văn bản hay có người làm chứng. Tên người cha cũng được ghi nếu người nầy yêu cầu bằng văn bản hay có người làm chứng, hoặc nếu người này được công nhận là cha đứa trẻ trong giấy tờ nào đó của chính quyền. Trong một số trường hợp, đứa trẻ được ghi là có cha mẹ vô danh. Vị mục tử phải giữ gìn sổ rửa tội.
Baptism Of Blood
Rửa tội bằng máu. Là việc tử vì đạo trong trường hợp của một người chết cho đức tin Kitô giáo trước khi người ấy lãnh bí tích rửa tội. Các hiệu qủa của rửa tội bằng máu là tha mọi tội lỗi và được vào thiên đàng ngay lập tức. Từ ngữ này đi vào từ vựng Kitô giáo trong ba thế kỷ đầu khi nhiều tân tòng chờ đợi được rửa tội và nhiều người ngọai giáo trở lại bất ngờ với đức tin công giáo, chịu tử vì đạo trước khi họ có thể rửa tội bằng nước.
Baptism Of Desire
Rửa tội bằng ước muốn. Từ ngữ này tương đương với rửa tội bằng nước, vốn là đủ trong sự quan phòng của Chúa để giúp một người nhận được tình trạng ân sủng và cứu linh hồn mình. Theo giáo huấn của Giáo hội, “Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi” (Công đồng chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội, II, 16).
Baptism Of Martyrdom
Rửa tội bằng tử vì đạo. Cũng gọi là rửa tội bằng máu. Đây là sự chịu đụng kiên trì nỗi tra tấn chết người, được thực hiện do người ta thù ghét Chúa Kitô, hoặc vì mình có đức tin Kitô giáo hoặc nhân đức Kitô giáo.
Baptistery
Cung Rửa tội, đền Rửa tội. Là một phần của nhà thờ hoặc một tòa nhà riêng dành để ban bí tích rửa tội. Nó thường nằm ở sân đi vào nhà thờ để nêu ý nghĩa là cần được rửa tội để gia nhập Giáo hội. Khi là tòa nhà riêng, đền rửa tội thường có dạng hình bát giác hoặc hình tròn, chung quanh có hành lang, có một tiền phòng và một phòng ở giữa có một vũng nước. Các đền Rửa tội đẹp nhất là ở Palma vùng Mallorca; Florence và Pisa tại Ý; và Cranbrook tại Anh.
Bar
Bar, một tiền tố trong ngôn ngữ Aramaic có nghĩa là “con”, chẳng hạn Bar-Jonah, con của Jonah; Bartholomew, con của Tolmai.
Barabbas
Barabbas. Tên của “một người tù khét tiếng”, như thánh Matthêu mô tả (Mt 27:16-17). Thánh Gioan gọi ông là “một tên cướp” (Ga 18:40-41). Thánh Marcô và thánh Luca đều nói ông bị ngồi tù vì là tên phiến lọan và tên giết người (Mc 15:7-15; Lc 23:19-25). Khi Philatô tra hỏi Chúa Giêsu tại phiên tòa và thấy Chúa không bị tội gì cả, ông đề nghị dân chúng chọn tha Chúa Kitô hoặc tha Barabbas, với hy vọng rằng sự nổi danh của tên tù khét tiếng sẽ làm cho họ đồng ý tha Chúa Kitô. Nhưng, được các thầy tư tế xúi giục căm giận, họ nhấn mạnh rằng người có tội được tha và người vô tội phải chết. (Từ nguyên Aramaic bar' abba, con của bố.)
Barnabas
Thánh Barnabas, Ba-na-ba. Cũng còn gọi là Giuse, người Lêvi ở đảo Cyprus (TĐCV 4:36-37). Thánh nhân đã trở thành một thành viên của Giáo hội thuở đầu. Việc các Kitô hữu ở Jerusalem chấp nhận thánh Phaolô (Sao-lô) một phần lớn là nhờ lợi khẩu của Barnabas, khi ngài thuyết phục họ về sự thành thực của Phaolô và việc hóan cải bằng phép lạ của Phaolô ở Damascus. Cả hai vị cùng lên đường làm việc Chúa, vâng theo Chúa Thánh thần: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm" (TĐCV 13:2). Hai vị rất thành công trong một năm họat động ở Antioch, rửa tội cho nhiều người (TĐCV 11:25-26). Nhưng rồi cuối cùng hai vị nổi nóng đến mức phải chia tay nhau. Trong chuyến đi dự tính sau đó, Barnabas muốn cháu mình là Marcô cùng đi với hai vị, nhưng Phaolô không đồng ý. Kết quả là Phaolô chọn Silks đi với mình, còn Barnabas và Marcô trẩy đi đảo Cyprus (TĐCV 15:36-40). Tình bạn mới này dọn đường cho Marcô sẽ trở thành môn đệ của thánh Phêrô và là Thánh sử thứ nhì. (Từ nguyên Hi lạp barnabas, từ chữ Aramaic, có nghĩa là “con của sự an ủi.")
Baroque
Nghệ thuật Barốc. Là một hình thức trang trí của nghệ thuật và kiến trúc của Giáo hội, bắt đầu tại Ý từ thế kỷ 17 và sớm lan tỏa khắp châu Âu. Mục đích của nghệ thuật này là đưa cuộc sống mới vào phong cách lạnh lùng của cuối thời Phục hưng. Tuy nhiên, hình thức thuần túy đôi khi bị hy sinh cho đam mê trang trí.
Barsabbas
Ông Barsabbas, Basaba. Ông là một trong hai ứng viên được chỉ định để thay thế cho ông Giuđa làm Tông đồ thứ 12 (TĐCV 1:23-26). Truyền thống chủ trương rằng Barsabbas và Matthia thuộc trong số 72 môn đệ được Chúa Kitô chọn (Lc 10:1). Các tông đồ rút thăm và ông Matthia được chọn. (Từ nguyên Aramaic bar sa'ba', con của Sabbas.)
Bartholomew
Thánh Batôlômêô. Là một trong 12 Tông đồ được nêu tên chung với các vị bốn lần trong Tân ước (Mt 10:3; Mc 3:18; Lc 6:14; TĐCV 1:13). Ngòai ra tên thánh nhân không xuất hiện lần nào nữa. Các tác giả suy đoán rằng thánh nhân có thể là ông Nathanael được thảo luận trong Tin mừng theo thánh Gioan (Ga 1:45-48), nhưng không có bằng chứng rõ ràng. (Từ nguyên Hi lạp bartholomaios, từ chữ Aramaic bar talmai, con của Tolmai.)
Bartimaeus
Bartimaeus, Ba-ti-mê. Là người ăn xin bị mù ngồi bên vệ đường khi Chúa Giêsu và các môn đệ đi ngang gần ông sau khi các ngài thăm Jericho. Ông thu hút sự chú ý của Chúa bằng cách la to và xin Chúa chữa mình hết mù mắt. Chúa Giêsu chữa ông lành bệnh và ông gia nhập đám đông đi theo Chúa (Mc 10:46-52). (Từ nguyên Hi Lạp bartimaios, từ chữ Aramaic bartimai, con của Timaeus.)
Baruch
Baruch, Barúc. Baruch là bạn thân và là thư ký của ngôn sứ Giêrêmia, sống vào thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên. Chúa đã cung cấp nhiều cảnh báo dài cho Giêrêmia về người Do thái. Chương 36 sách Giêrêmia mô tả chi tiết cách thức ngài đọc các sứ điệp cho Baruch, và ra lệnh cho Baruch đọc cho dân chúng nghe trong đền thờ. Vua Jehoiakim nghe các lời cảnh báo mà không hài lòng, và ra lệnh tiêu diệt hai người. Giêrêmia cứ cho lặp lại các lời sứ điệp, ngài xác tín đến nỗi tòan dân nghe theo lời ngài. Cả Giêrêmia và Baruch phải bỏ trốn vương quốc. Sách Baruch là một trong các sách của Kinh thánh Công giáo. Năm chương đầu là các lời sứ ngôn được Baruch dùng để an ủi dân Do Thái đang lưu đày. Chương 6 là thư của Giêrêmia, và được gán cho Giêrêmia là tác gỉa chứ không phải là của Baruch.
Basilians
Tu sĩ Dòng thánh Basiliô. Một tên chung cho nhiều hội dòng. Các tu sĩ Chính thống giáo đôi khi cũng được gọi là Basilians (tu sĩ dòng Basiliô), bởi vì họ thừa hưởng tinh thần của thánh Basiliô (329-79), mặc dầu họ không có luật giống nhau. Có năm dòng tu thánh Basiliô dành cho nam giới và bốn dòng dành cho nữ giới, tất cả đều có qui chế Tòa thánh. Một dòng tu Các linh mục của thánh Basiliô được thành lập năm 1822 tại Annonay, Pháp, để lo công tác giáo dục và mục vụ giáo xứ.
Basilica
Vương cung thánh đường. Là một nhà thờ lớn, dài, có hình dáng chữ nhật và một hậu cung ở cuối. Lúc đầu tên Vương cung thánh đường được trao cho một số nhà thờ ở Rome, Thánh Địa, và ở những nơi mà đền thờ ngọai giáo được biến thành nhà thờ công giáo. Chiều rộng của Vương cung thánh đường thì không bao giờ lớn hơn một nửa của chiều dài. Thánh đường được các hàng cột chia ra thành một lòng nhà thờ và gian hông chạy chung quanh. Phần trên của lòng nhà thờ được soi sáng bằng các cửa sổ trên mái của gian bên. Các cửa sổ thấp hơn cũng soi sáng cho phần cánh nhà thờ. Bàn thờ được đặt trong hoặc trước hậu cung nối vòm từ lòng nhà thờ và mở ra trong cánh ngang của nhà thờ. Ở cửa chính của vương cung thánh đường là tiền đường, và các tân tòng không được phép vào quá tiền đường này. Vương cung thánh đường thánh Gioan Lateran, Nhà thờ mẹ, là the Mother Church, là đại vương cung thánh đường của thượng phụ phương Tây, tức Đức Giáo hòang; vương cung thánh đường thánh Phêrô là dành cho thượng phụ Constantinople; vương cung thánh đường thánh Phaolô ngọai thành là dành cho thượng phụ Alexandria; vương cung thánh đường Đức Bà Cả là dành cho thượng phụ Antioch; vương cung thánh đường thánh Lôrensô ngọai thành là dành cho thượng phụ Jerusalem. Mỗi đại vương cung thánh đường này đều có một bàn thờ dành riêng cho Đức Giáo hòang sử dụng, và cho các chức sắc được Đức Giáo hòang cho phép. Bên cạnh vương cung thánh đường là dinh thự cổ dành cho các thượng phụ khi các ngài về Rome. Nhà thờ thánh Phanxicô Átxidi cũng là một đại vương cung thánh đường, với một bàn thờ và ngai dành cho Đức Giáo hòang. Mười một nhà thờ ở Rome và nhiều nhà thờ khác trên khắp thế giới được Đức Giáo hòang đặt tên là tiểu vương cung thánh đường, cụ thể là tại Loreto và Padua ở Ý, Lộ Đức ở Pháp, Lough Derg ở Ireland. Các giáo sĩ phục vụ ở các nhà thờ này được hưởng tước hiệu danh dự để chủ tọa trong một số buổi lễ tại đó. (Từ nguyên Latinh basilicus, hòang gia.)
Basilica Of St. Peter
Vương cung thánh đường thánh Phêrô. Là nhà thờ của thượng phụ bên cạnh Dinh Giáo hòang ở Vatican. Năm 67, thánh Phêrô bị xử tử ở đấu trường của vua Nero, gần chân cột hình tháp được đưa từ Ai Cập về, và dựng đứng giữa quãng trường trước Vương cung thánh đường thánh Phêrô. Năm 90, thánh Giáo hòang Anacletus đánh dấu ngôi mộ của Phêrô bằng cách xây dựng một nhà nguyện nhỏ trên địa điểm, mà vua Constantine, sau khi phá đấu trường cũ, hy vọng đặt móng cho một nhà thờ chính tòa mới. Vương cung thánh đường đầu tiên tồn tại 1100 năm, trước khi Đức Giáo hòang Nicholas V quyết định xây dựng một nhà thờ lớn hơn nhiều. Công việc xây dựng tiến triển rất chậm. Các Đức Giáo hòang kế tiếp mời sự giúp đỡ xây dựng của Rosselino (1439-1507), Alberti (1474-1515), Bramante (1444-1514), Michelangelo (1475-1564), Maderna (1556-1629), và Bernini (1598-1680). Vương cung thánh đường hòan thành sau một quá trình xây dựng kéo dài 176 năm. Đức Giáo hoàng Urban VII long trọng cung hiến vương cung thánh đường năm 1626. Hàng cột nổi tiếng bao quanh quãng trường, gồm bốn dãy cột, là do Bernini thiết kế. Bên trên hàng cột là 126 bức tượng các thánh, mỗi tượng cao tới 3,65m. Trên cửa vào mở mặt tiền là Loggia della Benedizione, nơi Đức Giáo hòang ban phép lành cho dân chúng. Từ mái cổng có năm cửa dẫn vào vương cung thánh đường, trong đó cửa thứ nhất mang tên Porta Santa (Cửa Thánh), chỉ mở trong Năm thánh mà thôi. Lối vào ở giữa có các cửa bằng đồng của vương cung thánh đường nguyên thủy, mô tả cuộc đời của Chúa Kitô và của Đức Trinh nữ. Lòng nhà thờ này là dài nhất so với lòng các nhà thờ khác trên thế giới, với các cột trụ được xoi rãnh để đặt tượng các thánh lập Dòng. Lòng nhà thờ dẫn đến bàn thờ cao, có một phương du bằng đồng và được mạ vàng, do Bernini thực hiện năm 1633, che trên bàn thờ. Trước bàn thờ là hàng lan can hình tròn bằng cẩm thạch, với 95 ngọn đèn thắp sáng ngày đêm, dẫn xuống hầm mộ bằng đồng trên đó có thánh giá vàng của thánh Phêrô. Phía trái khi người ta đi lên từ Confessio là tượng đồng từ thế kỷ thứ năm của vị giáo hòang tiên khởi, đã đặt trong vương cung thánh đường đầu tiên năm 445. Chân phải của tượng đã bị mòn và láng bóng do hàng triệu người đã hôn chân thánh Phêrô. Quá gian ngang thánh đường là đài ngồi, nơi chứa một hòm thánh tích bằng đồng trong đó có ngai gỗ giám mục của Vị đại diện đầu tiên của Chúa Kitô. Nhiều mộ Giáo hòang là nằm trong phần đài ngồi và các cánh nhà thờ, trong đó nổi tiếng nhất là mộ Đức Giáo hòang Phaolô III, được xem là đẹp nhất trong các mộ ở thánh đường. Bức tượng Pietà nổi tiếng thế giới của Michelangelo ở trong nhà nguyện thứ nhất của cánh phải thánh đường với tượng Đức Mẹ còn trẻ và Người Con tử nạn của ngài. Trong tầng hầm thánh đường, trong bốn mét cách giữa móng nhà thờ cũ và nhà thờ mới, là phần mộ của nhiều Giáo hòang, trong đó có Đức Giáo hòang Adrian IV, người Anh duy nhất kế vị thánh Phêrô, và thánh Giáo hòang Pius X, vị Giáo hòang nổi tiếng về Bí tích Thánh thể. Thi hài thánh Phêrô nằm trong một hầm mộ dưới bàn thờ cao. Các cuộc khai quật khoa học gần đây đã xác minh đó là hài cốt của ngài.
Basil, Rule Of Saint
Luật thánh Basiliô. Một bộ luật tu trì được thánh Basiliô Cả (329-79) viết ra từ năm 358 đến năm 364. Nó vẫn là nền tảng cho đời đan tu trong Giáo hội phương Đông. Có hai dạng luật này, một dạng thông thường có 55 đọan và một dạng hỏi đáp có 313 câu. Mặc dầu là khắc khổ, luật cố ý tránh một số hình thức thái quá của đan tu phương Đông trước thời thánh Basiliô. Các giờ kinh phụng vụ được qui định sẵn. Công việc tay chân và công việc khác đều được yêu cầu làm. Trẻ em được giáo dục ở các lớp học gần tu viện và được tạo cơ hội để thử ơn gọi tu trì. Các tu viện đều chăm sóc người nghèo. Bộ luật hiện nay mang hình thức của luật duyệt lại của thánh Theodore thành Studion (759-826).
Basin (Ecclesiastical)
Chậu rửa tay. Là một chậu kim loại được trang trí dùng để linh mục rửa tay trong Thánh lễ, và cho Giám mục rửa tay trong các nghi thức.
B., Bb., B1..
Beatus, beati, chân phúc, chân phước, á thánh.
B.C..
B.C. Trước Công nguyên
B.C.L..
Baccalaureus Civilis (or Canonicae) Legis – Tú tài dân luật, Tú tài giáo luật.
B.D..
Cử nhân Thần học
Beadle
Thầy tư tế, người tiếp tân, người thông báo, cận vệ. Một chức nhỏ trong Giáo hội có các nhiệm vụ thay đổi qua nhiều thế kỷ và ở các nơi khác nhau. Dưới thời Đức Giáo hòang Gregory Cả, thầy tư tế là “người bảo vệ nhà thờ”, lo thắp đèn nến ở nhà thờ. Sau đó, đây là một người tiếp tân, lo dẫn giáo dân vào chỗ ngồi, hoặc là một người thông báo, lo việc đọc các thông báo cho công đòan, hoặc là một người cận vệ đi trước một giám mục hay một giám chức khác để dọn đường cho ngài đi giữa đám đông. (Từ nguyên Anglo-Saxon b_odan, chỉ huy, mời.)
Beads
Tràng chuỗi, tràng hạt. Các hạt nhỏ bằng gỗ, đá, hoặc thủy tinh được sắp xếp thành một chuỗi, một sợi, một dây tùy theo lọai và theo số kinh đọc trong một số hình thức đạo đức. Tràng hạt được người Công giáo sử dụng như một cách để bảo đảm mức chính xác trong việc đọc một kinh nhiều lần. Chuỗi Mân Côi, đôi khi được gọi là chuỗi Năm Mươi, gồm năm nhóm hạt, mỗi nhóm có 10 hạt, và thường được sử dụng. Việc dùng tràng hạt để đọc kinh đã có từ xa xưa, và cũng được sử dụng nhiều nơi người Hồi giáo, Ấn Độ giáo và Phật giáo.
Beard
Bộ râu. Trong Giáo hội phương Đông, việc để râu là một tập tục có từ thời các thánh tông đồ như là một dấu hiệu của nam tính và sự hùng dũng. Từ thế kỷ thứ năm trở về sau, các giáo sĩ phương Tây dần dà cạo sạch râu. Trong thế kỷ 12, có nhiều sắc lệnh của các công đồng ở phương Tây chống lại việc giáo sỉ để râu. Trong các thế kỷ 16 và 17, việc để râu thắng thế và một số Giáo hòang cũng để râu. Sau đó, người ta trở lại với tập túc trước đó, và gần đây nhất nhiều linh mục ở phương Tây thích theo tập tục để râu dài và tóc dài.