Tình liên đới

De Lubac nhận được sự động viên và an ủi qua nhiều phát biểu thiện cảm và liên đới. Hans von Balthasar, người trước đó không lâu đã lao đao trong việc quyết định rời khỏi Dòng Tên để cống hiến hết mình cho công việc thành lập Cộng đồng Thánh Gioan, đã viết,

“Bạn thân mến, tôi không thể tin được những gì bạn đã viết cho tôi. Thật là buồn lòng, hoàn toàn không thể hiểu nổi. Thế nhưng đây có lẽ là hình thức tử đạo hẳn đóng ấn cho công việc của bạn. Bạn đã là người chiến thắng; không có gì sẽ cản được ảnh hưởng liên tục của các ý tưởng của bạn... Đừng mất can đảm, hãy tiếp tục làm việc như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Có rất nhiều bạn bè vây quanh bạn và muốn giúp đỡ bạn. Tôi sẽ làm những gì có thể để các trước tác của bạn được biết đến ở các nước nói tiếng Đức. Nếu bạn có thời gian, hãy viết thêm [cho tôi trong một lá thư khác]: Ai phải rời Fourvière? Rondet? Bouillard? Tôi sợ rằng Karl Rahner hiện đang rất nản lòng, anh ấy, người gần như là hy vọng duy nhất của chúng ta. Chúng ta phải hỗ trợ anh ta; bạn và anh ấy phải giúp đỡ lẫn nhau. Ai đó [Martha Gisi] đang dịch chương kết luận của bạn [từ cuốn Histoire et Esprit [Lịch sử và Tinh thần] sang tiếng Đức]. Nó sẽ sớm xuất hiện trong loạt sách Christ heute [Kitô hữu Ngày nay], với sự cho phép của Aubier. Tôi đang cầu nguyện cho bạn. Hãy vui vẻ. Trân trọng, Balthasar" (14).



Ba cuốn sách về Phật giáo

Trong khi Bề trên cả, theo lời xúi bẩy của các cố vấn của ngài, thì Bề trên Giám tỉnh mới của Lyons, Cha André Ravier, đã đứng về phía Henri de Lubac. Cha nghĩ điều quan trọng là de Lubac nên tiếp tục làm công việc nghiên cứu và xuất bản. “Vì tôi bị cấm về thần học, chúng tôi quyết định tôi nên viết về Phật giáo” (Phục Vụ Giáo Hội, trang 72). Và vì vậy việc này đã xảy ra. Ngay từ những năm 1930, ngài đã thu thập rất nhiều tài liệu và đã thuyết giảng về Phật giáo ở Lyons. Lần lượt rất nhanh, ba tập về chủ đề này đã ra đời (15). [Chỉ có một cuốn đã được dịch sang tiếng Anh, là cuốn Các khía cạnh của Phật giáo]. Tuy nhiên, chúng rất đáng đọc, bởi vì chúng cung cấp các hiểu biết sâu sắc rất hữu ích về việc biện phân các tinh thần. Điều này cần thiết đúng lúc khi việc nhìn nhận đầy đủ ý nghĩa và nghiên cứu sâu sắc về một truyền thống tôn giáo khác thường đi đôi với chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo, một chủ nghĩa cuối cùng đánh đồng tất cả các tôn giáo và do đó không chỉ tước đoạt các phẩm chất đặc biệt của Kitô giáo mà còn của các tôn giáo khác nữa. De Lubac thừa nhận rằng việc đương đầu với lịch sử tôn giáo đã đem lại cho ngài một cảm giác sâu sắc hơn về “điều mới mẻ” không gì sánh được [xem Grm 31:22] đã đi vào thế giới với Chúa Kitô (Phục Vụ Giáo Hội, trang 32).

Phân khoa thần học, do chưởng ấn là Đức Tổng Giám Mục Lyons, Hồng Y Gerlier, đứng đầu, đã giúp de Lubac giữ thái độ bình thản khi nghe tuyên bố rút lại quyền giảng dạy của ngài. Dễ hiểu thôi, vì họ không muốn Dòng Tên can thiệp vào công việc của khoa mà không gây thêm rắc rối. De Lubac gặp khó khăn trong việc thuyết phục các đồng nghiệp của mình về sự vô dụng của bất cứ kháng cáo hoặc phản đối nào chống lại quyết định của bề trên dòng của ngài. Khi ngài nói lời từ biệt với Đức Hồng Y Gerlier, vị giáo phẩm nói với ngài, "Tôi tất nhiên không muốn thúc giục cha bất tuân bề trên của cha; nhưng, cha biết đấy, chiếc ghế [giáo sư] là của cha; cha có thể lấy lại nó mỗi lần cha quay lại Lyons” (Phục Vụ Giáo Hội, trang 68). Năm 1951, Đức Hồng Y Gerlier đã bổ nhiệm de Lubac một cách đầy phô trương làm cố vấn thần học của mình.

Khi de Lubac nhìn lại vụ này sau một thời gian trôi qua, ngài hối tiếc nhất về cách đối xử bâng quơ đối với ngài. Trong suốt những năm đó, ngài không được hỏi han và trò chuyện gì về vấn đề thiết yếu với bất cứ ai làm việc ở Rôma, bất kể là thẩm quyền Giáo hội hay một người trong Dòng Tên. Không ai nói cho ngài hay ngài đã bị buộc tội gì, cũng như không ai yêu cầu điều tương tự như một "bản rút lại" (retractatio), một lời giải thích hoặc công khai rút lại một tuyên bố đặc thù nào. Mùa xuân năm 1953, khi gặp Cha Bề trên cả, ngài đã tránh bất cứ cuộc thảo luận nào về câu hỏi căn bản hoặc về các dữ kiện riêng lẻ của vụ việc (xem (Phục Vụ Giáo Hội, trang 75).

Các bước hướng tới hòa giải

Năm 1953, de Lubac trở lại Lyons. Ngài sống tại nhà Dòng Tên ở Rue Sala. Vào cuối năm đó, qua trung gian của Đức Hồng Y Gerlier, de Lubac được phép bắt đầu giảng dạy trở lại, mặc dù không phải trong tư cách thành viên của khoa thần học một cách thường xuyên; ít nhất ngài có thể giảng một số bài về một chủ đề không phải là thần học. Cùng năm đó, ngài lại thành công trong việc nhận được sự phê duyệt minh nhiên của một vị kiểm duyệt đối với cuốn: Méditation sur l’Église [Suy Gẫm về Giáo Hội) (16). Nó không được viết cho các chuyên gia và do đó phù hợp với nhiều độc giả hơn. Nó khai triển từ những cuộc nói chuyện mà de Lubac đã trình bầy tại các hội nghị dành cho các linh mục trong những năm từ 1946 đến 1949. Do đó, nó không được thúc đẩy bởi các vụ việc vào năm 1950 hoặc được viết ra để tự bênh vực; đúng hơn, việc phát hành nó đã bị trì hoãn bởi những gì đã xảy ra sau năm 1950.

Trong số nhiều bài khác, nó bao gồm chương mang tên “Con người của Giáo hội”, một mô tả xuất sắc về ý nghĩa thực sự của việc thuộc về Giáo hội. Herbert Vorgrimler (17) rất đúng khi nói rằng những trang này có thể được coi như một chương trình cho công trình thần học của Henri de Lubac. Chúng trình bầy lý tưởng sống trong và với Giáo hội mà ngài vốn cam kết suốt đời. Một cách đặc trưng, bức chân dung của ngài bắt đầu bằng một trích dẫn của Origen:

Origen từng viết, “Vì chính bản thân tôi, tôi ước mong trở thành người thực sự của giáo hội”. Ngài nghĩ, và nghĩ đúng, rằng không có cách nào khác để trở thành một Kitô hữu trọn nghĩa. Và bất cứ ai bị ước mong tương tự chiếm hữu đều thấy việc trung thành và vâng lời thi hành chính xác mọi điều được việc tuyên xưng đức tin Công Giáo đòi hỏi là không đủ. Một người như vậy phải say mê vẻ đẹp của Ngôi nhà Thiên Chúa; Giáo hội phải đánh cắp trái tim của họ. Giáo Hội phải là quê hương thiêng liêng của họ, là “mẹ và anh em của họ”, và không có gì liên quan đến Giáo Hội bị họ thờ ơ hoặc xa lánh; họ phải bén rễ vào đất của Giáo Hội, phải tự đồng hình đồng dạng với Giáo Hội, và biến mình thành một với trải nghiệm của Giáo Hội. Họ phải cảm thấy mình giàu có với sự giàu có của Giáo Hội; họ phải ý thức rằng chỉ qua Giáo Hội và qua Giáo Hội mà thôi, họ mới tham dự vào tính bất lay chuyển của Thiên Chúa. Từ Giáo Hội, họ phải học được cách sống và chết. Thay vì phán xét Giáo Hội, họ phải để Giáo Hội phán xét họ, và họ phải vui lòng đồng ý với tất cả những hy sinh mà sự hiệp nhất của Giáo Hội đòi hỏi (SpCh, trang 241-42).

Các năm 1955 và 1956 đã nới lỏng hơn nữa các biện pháp kỷ luật đối với de Lubac. Một lần nữa, theo yêu cầu của Đức Hồng Y Gerlier, một nhượng bộ đã được thực hiện vào năm 1956 để de Lubac diễn giảng từ đó trở đi sau thời gian thực nghiệm tại Đại học Công Giáo về các chủ đề Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Con người và Ý niệm Thiên Chúa

Năm 1956, ấn bản thứ ba, được mở rộng của cuốn De la Connaissance de Dieu [Về Nhận thức của Thiên Chúa] được xuất bản với tựa đề Sur les Chemins de Dieu [Trên Các Nẻo đường của Thiên Chúa] (18). Nó trình bày luận đề cho rằng con người ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa một cách sống động, tự nhiên, tiền khái niệm; de Lubac nói đến “ý niệm Thiên Chúa trong con người”, một điều dĩ nhiên không nên hiểu như thể Thượng đế hiện diện trong con người. Mà chính sự vắng mặt của điều mà con người nhất thiết phải khao khát để hoàn thành mọi khao khát của họ đã khiến họ ý thức được ý niệm Thiên Chúa này, hơn là cảm giác được Thiên Chúa kêu gọi. Các nhà phê bình [các ấn bản trước đó] đã cáo buộc rằng “thần học tự nhiên” mà de Lubac đề xuất một cách chắc nịch [aphoristically] trong cuốn sách này, mà không phát triển nó một cách có hệ thống, đã không phân biệt nó một cách rõ ràng với các lập trường mà Huấn quyền vốn đã lên án như là thuyết trực thể luận [ontologism], thuyết bất khả tri hay thuyết duy tín [fideism] (19). Tuy không sửa đổi quan điểm của mình ở những điểm chủ yếu, de Lubac đã bảo vệ các lập luận của mình chống lại các cuộc tấn công này bằng nhiều bổ sung và minh xác và nhất là bằng cách trích dẫn rất nhiều tài liệu từ lịch sử thần học. Martin Lenk đã kiểm tra tỉ mỉ các sửa đổi của de Lubac. Kết luận của ông: phương thức tư duy nghịch lý của de Lubac, mà ngài học được từ các Giáo phụ và cũng được đưa ra ánh sáng khi ngài suy tư về ý niệm Thiên Chúa trong con người, đã va chạm với hệ thống thần học tự nhiên là một phần của nền thần học Tân Kinh viện vốn được giảng dạy trong các chủng viện, vì de Lubac không thích hợp với khuôn khổ này.

Khoa Chú giải Trung cổ

Tháng 4 năm 1956, de Lubac bắt đầu soạn tập đầu tiên của bộ Exégèse médiévale (Chú giải Trung cổ). Ngài đã thu thập tài liệu cho bộ này dưới dạng rất nhiều tờ ghi chép các đoạn trích. De Lubac đã nghiên cứu một cách có hệ thống về Giáo phụ học Latinh và Hy lạp (20) và đã sao chép những đoạn có liên quan. Tuy nhiên, ngài không dựa hoàn toàn vào bộ sưu tập Migne vì có những cuốn trong bộ này không đáng tin cậy. Vì thế, bất cứ khi nào có thể, ngài đã sử dụng các ấn bản phê bình và với sự uyên bác đáng kinh ngạc, ngài thường truy tìm các ấn bản khá mù mờ của các tác giả ít được biết đến và thu thập các nhận xét và tuyên bố của họ về lối hiểu Kinh thánh của Kitô giáo. Chính De Lubac đã cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về kế hoạch và việc thực hiện công trình đồ sộ, bốn tập này, cuối cùng đã xuất hiện trong những năm 1959-1964.

“Chính tại Corenc, gần Grenoble, [trong khi tôi cư ngụ] nơi các Nữ tu Chúa Quan phòng, tôi bắt đầu làm việc vào những ngày đầu tháng 4 năm 1956. Lúc đầu [được dự tính sẽ thực hiện] với kích thước khiêm tốn, nhưng bộ sách đã phình to quá khổ. Tôi ấm lòng với việc làm này và thích thú khi sắp xếp thành khối nhiều mẩu nhỏ ghi chép trước đây (giống như những gì tôi đã làm cho cuốn Corpus mysticum [Nhiệm Thể]); tôi đã thực hiện được một số khám phá lạ lùng, thoáng thấy những hệ luận bất ngờ, trở nên gắn bó với một số nhân vật ít được biết đến hoặc được biết đến một cách nghèo nàn. Trong diễn trình này, tôi ngày càng ý thức mạnh mẽ hơn về bản chất thiết yếu của mối liên kết phi thường, luôn bị đe dọa nhưng luôn được duy trì hoặc tái lập trong Giáo hội [Hoàn Vũ], giữa hai Giao ước; tôi thấy nó ngày càng chi phối rõ ràng hơn toàn bộ lịch sử và toàn bộ tín lý của Giáo Hội, từ thế kỷ thứ nhất cho đến thời đại của chúng ta... Tôi ngưỡng mộ sự tổng hợp kỳ diệu của toàn bộ đức tin, tư tưởng và linh đạo Kitô giáo chứa đựng trong điều gọi là tín lý về ‘bốn ý nghĩa [của Kinh thánh]’, chỉ nắm được khi nó khai mở. Tôi rất vui khi xử công bằng theo cách đó [tức là, qua nghiên cứu của tôi] đối với một trong những yếu tố trung tâm của truyền thống Công Giáo, vốn không được đánh giá cao trong thời hiện đại, nhưng mang theo những lời hứa hẹn đổi mới” (Phục vụ Giáo hội, trang 83- 84).

Vào tháng 3 năm 1958, nhờ những nỗ lực bền bỉ của Cha Agostino Bea, SJ., Cha giải tội của Đức Giáo Hoàng, và của Cha Giám tỉnh Dòng Tên, họ đã lo liệu qua mặt được các viên chức Rôma và trình lên Đức Giáo Hoàng bốn cuốn sách của de Lubac, cùng với một lá thư tâm huyết của tác giả. Đức Piô XII đã nhanh chóng gửi lời cảm ơn và lời khích lệ thân tình tới de Lubac. Cha Bề trên Cả Dòng Tên, Cha Janssens, không biết phải làm gì, và đã không xem bức thư vì nó không có tính chính thức. Cha Janssens, vì được thông báo sai lạc về khả năng chuyên môn thực sự của de Lubac, nên đã nghĩ rằng với phép được giảng dạy về Ấn Độ giáo và Phật giáo, nguyên trạng ban đầu trước đây đã được khôi phục. De Lubac đã phải sửa sai ngài và chỉ rõ rằng ngài cũng đã dạy thần học căn bản tại Khoa Thần học. Cuối cùng, Cha Bề trên cả đã gửi đến ngài một lá thư hòa giải, trong đó, Cha Bề trên cả nói tới các hiểu lầm và sự kiện Thiên Chúa biến mọi điều trở nên tốt đẹp cho những người yêu mến Người (Phục vụ Giáo hội, trang 90-91).

Tháng 12 năm 1958, Đức Hồng Y Gerlier từ Rôma đã chấp thuận bằng miệng cho de Lubac tiếp tục giảng dạy. Lúc này, Cha Bề trên cả nói rằng mình chưa bao giờ loại bỏ de Lubac khỏi ghế giáo sư của ngài. Để trả lời một cuộc điều tra không chính thức, Bộ các Chủng viện bày tỏ sự ngạc nhiên khi người đã có phép giảng dạy từ năm 1929, và chưa bao giờ bị thu hồi nay lại phải xin phép giảng dạy một lần nữa.

Trong một lá thư ngày 19 tháng 6 năm 1959, Cha Bề trên cả yêu cầu de Lubac nhận lại nhiệm vụ giảng dạy của mình ở Khoa Thần học. Từ tháng 11 năm 1959 đến ngày 1 tháng 3 năm 1960, de Lubac một lần nữa chịu trách nhiệm về một số giảng khóa, nhưng sau đó ngài xin miễn nhiệm vụ này. Vài tháng sau, ngài nhận được từ Khoa danh hiệu giáo sư danh dự [honoris causa].

Khỏang cùng lúc với việc phục hồi chức năng, một vinh dự lớn đã được trao tặng de Lubac ở bình diện thế tục. Ngày 5 tháng 12 năm 1958, ngài được bầu làm thành viên của Académie des sciences morales et politiques (Hàn lâm viện các Khoa học Luân lý và Chính trị), một trong năm chi nhánh của Institut de France (Viện Pháp Quốc).

Tranh chấp với Hans Küng

Điều thú vị là vào năm 1958, Henri de Lubac tự coi mình có nghĩa vụ bảo vệ người đồng dòng của mình là Henri Bouillard chống lại Hans Küng (21). Đầu tiên, Küng vốn nhận sự giúp đỡ của Bouillard để viết luận án tiến sĩ năm 1957 về Karl Barth (22), nhưng một năm sau, ông chỉ trích gay gắt và có chút trịch thượng cách giải thích của người cố vấn của mình về Barth. Trong nghiên cứu về Barth (23) của mình, một nghiên cứu vốn có quan điểm bênh vực nhà thần học Thệ phản, Küng đã cố gắng chứng minh, chỉ bằng một vài đoạn rằng, liên quan tới học thuyết công chính hóa, Barth cổ vũ một lập trường mà người Công Giáo có thể chấp nhận được. Quan điểm của Bouillard (24) có tính dị biêt hóa và hoài nghi hơn, và dĩ nhiên Küng cáo buộc quan điểm này cản trở phong trào đại kết.

Phát hiện của Bouillard là: mặc dù những nhận xét lẻ tẻ về “đặc tính sáng tạo” của ân sủng, trong quan điểm của Barth, diễn trình công chính hóa cuối cùng vẫn là một điều ở bên ngoài con người. Nó chỉ là lời chứng cho việc công chính hóa mà về phương diện khách quan đã xảy ra trong Chúa Kitô, nhưng nó không hề làm cho con người trở thành một con người mới.

Henri de Lubac chỉ ra rằng sẽ chẳng phục vụ chính nghĩa đại kết chút nào khi các điểm được cho là nhất trí được tuyên bố quá sớm, mà không cẩn thận tìm ra ý nghĩa thực sự trong các tuyên bố của Thánh Phaolô, và không xem xét đủ nghiêm túc Sắc lệnh về Công chính hóa của Công đồng Trent.

_________________________________________________________________________________

Ghi chú

1 Xem bên dưới, trang 122-38.

2 Hubert Schnackers, Die Kirche als Sakrament und Mutter [Giáo Hội như Bí tích và Mẹ] (1979).

3 Các tu sĩ dòng Đa Minh đặt chữ viết tắt O.P. sau tên của họ; nó là chữ viết tắt của Ordo Praedicatorum [Dòng Thuyết giáo].

4 Alfredo Ottaviani (1890-1979) được bổ nhiệm làm giám định viên của Sacrum Officium (“Văn phòng Thánh”, ngày nay gọi là Bộ Giáo lý Đức tin); được phong Hồng Y năm 1953; từng là Tổng trưởng Văn phòng Thánh từ năm 1959 đến năm 1968 và là chủ tịch của Ủy ban Chuẩn bị Thần học cho Công đồng Vatican II năm 1959.

5 Martin Lenk, Von der Gotteserkenntnis: Natürliche Theologie im Werk Henri de Lubacs [Về Nhận thức của Thiên Chúa: thần học tự nhiên trong các trước tác của Henri de Lubac] (1993).

6 Henri de Lubac, bản dịch tiếng Anh: History and Spirit: The Understanding of Scripture according to Origen [Lịch sử và Tinh thần: Lối hiểu Kinh thánh theo Origen] (San Francisco: Ignatius Press, 2007); trích dẫn là HS.

7 Henri de Lubac, “‘ Tu m’as trompé, Seigneur ’: Le Commentaire d’Origene sur Jérémie, XX, 7” [“ ‘Lạy Chúa, Chúa đã đánh lừa con’: Bình luận của Origene về Giêrêmia XX, 7” trong Memorial Joseph Chaine (Lyons: Phân khoa Công Giáo, 1950). In lại trong Recherches dans la foi: Trois études sur Origène, Saint Anselme, et la Philosophie chrétienne [Nghiên cứu trong Đức tin: Ba Nghiên cứu về Origène, Thánh Anselm, và Triết học Kitô giáo] (Paris: Beauchesne, 1979), trang 9-78.

8 Xem bên dưới, trang 191-93.

9 Henri de Lubac, Exégèse médiévale (Khoa Chú giải Thời Trung cổ], 2 quyển. (1959-1964). Bản tiếng Anh: Medieval Exegesis,vol.1, của Mark Sebanc (Grand Rapids, Mich: Eerdmans, 1998); vol. 2, của Edward M. Macierowski (Grand Rapids, Mich: Eerdmans, 2000).

10 Marie-Joseph Lagrange, O.P. (1855-1938), nhà chú giải, giáo sư ở Salamanca và Toulouse, và là người sáng lập Trường Kinh Thánh ở Jerusalem. Tác phẩm quan trọng nhất của ngài là La Méthode historique [Phương pháp lịch sử] (1903).

11 Henri de Lubac, L’Écriture dans la Tradition [Kinh thánh trong truyền thống] (1966); Bản tiếng Anh: Scripture in the Tradition [Kinh thánh trong truyền thống] của Luke O’Neill, (New York: Crossroad Publishing, 2000).

12 Recherches des Sciences Religieuses [Nghiên cứu các Khoa học Tôn giáo] là một tạp chí học thuật được xuất bản bởi các tu sĩ Dòng Tên. De Lubac đã giữ chức vụ chủ biên của nó từ năm 1946 nhưng cũng phải từ bỏ chức vụ này vào năm 1950.

13 Công bố trên Bulletin de Littérature Ecclésiastique [Tạp chí Văn chương Giáo Hội] 94 (1993): 54tt.

14 Trích dẫn từ Thomas Krenski, Hans Urs von Balthasar: Das Gottesdrama [Hans Urs von Balthasar: Thần Kịch] (1995), trang 91tt.

15 Henri de Lubac, Aspects du Bouddhisme [Các khía cạnh của Phật Giáo], tập 1 (1951), Bản tiếng Anh, Aspects of Buddhism, của George Lamb (New York: Sheed & Ward, 1954); La Rencontre du bouddhisme et de l’occident [Cuộc Gặp gỡ của Phật giáo và Phương tây] (1952); Aspects du Bouddhisme: Amida [Các khía cạnh của Phật giáo: Amida], vol. 2 (năm 1955).

16 Henri de Lubac, Méditation sur l’Église [Suy gẫm về Giáo Hội] (1953). Năm 1968, Hans Urs von Balthasar đã thực hiện bản dịch tiếng Đức thứ hai của cuốn sách này, có tựa đề Die Kirche: Eine Betrachtung [Giáo Hội: Một Suy gẫm]. Năm 1956, Sheed & Ward xuất bản bản dịch tiếng Anh, từ ấn bản tiếng Pháp thứ hai, của Michael Mason. Nó đã được tái bản với tên The Splendor of the Church [Ánh quang Giáo Hội](San Francisco: Ignatius Press, 1986, 1999); được trích dẫn là SpCh.

17 Herbert Vorgrimler, “Henri de Lubac”, trong Herbert Vorgrimler và Robert Vander Gucht, chủ biên, Bilanz der Theologie im 20. Jahrhundert: Bahnbrechende Theologen [Bảng cân bằng thần học thế kỷ XX: những nhà thần học đột phá] (1970), tr. 200.

18 Về chủ đề này, xem cách riêng trang 139-58, ở bên dưới.

19 Fideism [Thuyết Duy tín] (tiếng Latinh fides, “đức tin”) là một quan điểm thần học coi tất cả chân lý tôn giáo chỉ có thể tiếp cận được trong hành động tín thác của đức tin và bác bỏ các lập luận của lý trí. Quan điểm này, cũng như đối thủ của nó, chủ nghĩa duy lý [rationalism], (tiếng Latinh ratio, “lý trí”), đã bị Công đồng Vatican I (1869-1870) lên án.

20 Patrologia Latina [Giáo phụ học Latinh] (PL) và Patrologia Graeca [Giáo phụ học Hylạp] (PG) được xuất bản bởi Jacques-Paul Migne (1800-1875). Bộ sưu tập các tác phẩm về giáo phụ này (217 tập của các Giáo phụ Latinh và 162 tập của các Giáo phụ Hy Lạp) in lại các ấn bản trước đó và do đó được coi là "không có tính phê phán".

21 Henri de Lubac, “Zum katholischen Dialog mit Karl Barth”, Dokumente 14 [“Về Cuộc Đối thoại Công Giáo với Karl Barth”, Tài liệu 14] (1958): 448-54.

22 Karl Barth (1886-1968), nhà thần học Thệ phản, là người đề xướng “thần học biện chứng”. Tác phẩm chính của ông là Kirchliche Dogmatik [Tín điều Giáo Hội] (1932-1967) nhiều tập.

23 Hans Küng, Rechtfertigung: Die Lehre Karl Barths und eine katholische Besinnung [Công chính hóa: Giáo huấn của Karl Barth, và một bình luận Công Giáo] (1957).

24 Henri Bouillard, Karl Barth, vol. 1, Genèse et Évolution de la Théologie dialectique [Karl Barth, Tập 1, Khởi nguyên và Biến hóa của Thần học Biện chứng], vols. 2 và 3, Parole de Dieu et existence humaine [Lời Thiên Chúa và nhân sinh](1958). Xem đánh giá của chính Küng trong Dokumente [Tài liệu] 14 (1958): 236tt.

Kỳ sau: Cộng tác tại Công đồng Vatican II