Chương Hai: Có Chúa đứng sau chúng ta — Phê bình các xu hướng hiện nay

Sự lưỡng nghĩa của Điều Cần thiết

Một cuộc xem xét thấu đáo toàn bộ kho vũ khí của Giáo Hội đang được tiến hành. Như thường diễn ra trong những dịp như vậy, người ta bắt gặp một mảng gỉ sét trên một vũ khí cũ kỹ, và khuyết điểm rõ ràng này khiến đôi mắt ta tìm những khuyết điểm khác, ít thấy hơn; chẳng bao lâu sau đó, toàn bộ kho vũ khí, với tất cả các thiết bị liên quan, bắt đầu trông có vẻ cũ kỹ, và cuối cùng, toàn bộ sưu tập được dọn sạch và lên kế hoạch cho hệ thống mới. Điều này liên hệ đến rất nhiều hoạt động, và ở đâu có hoạt động, dường như ở đó có sự sống, sáng kiến, có ý hướng mục đích. Ta cũng thấy điều đó trong các định chế vốn có tiếng không được linh động cho lắm. Ai mà không thấy sự cải tiến đó, sự cập nhật đó, tự nó là một hoạt động đáng khen ngợi hay không thấy ngày nay, trong quá trình đổi mới này, một loạt những điều tốt đẹp và thực sự rất quan trọng, đáng khen ngợi, nếu không muốn nói là không thể thiếu, đang xảy ra? Và cũng giống như mùa dọn dẹp tuyệt vời nhà cửa vào đầu năm hiếm khi trôi chẩy mà không có một tinh thần Dionysiô (hăng say) nào đó nơi các bà nội trợ và phụ nữ dọn dẹp, nên người ta có thể kể công các Kitô hữu ngày nay đã có một tâm tư được nâng cao tương tự; thậm chí có nơi, với các giáo sĩ trẻ, ngày lễ dám biến thành Đại hội mừng thần Saturn thực sự, trong đó bất cứ điều gì phá vỡ được trật tự buồn nản lâu đời dường như đều được phép và được kêu gọi, miễn là nó hoàn toàn có tính hiện đại và cởi mở.

Chứng kiến sự “phá hủy” và “dọn dẹp” đầy sáng tạo như trên, người ta không cần phải nhạy cảm lắm mới nêu ra câu hỏi: thực sự, mọi thứ tiền giấy này được hỗ trợ bởi loại vàng tiêu chuẩn nào. Chắc chắn, trong đời sống Giáo Hội, việc dọn dẹp như vậy luôn được liên kết với một cuộc thanh tẩy nội tâm, hay sự hoán cải, và sự hoán cải này càng chà xát sâu bao nhiêu thì nó càng làm đau đớn bấy nhiêu; nếu không, có thể người ta sẽ nghĩ nó chỉ là những lời nói suông. Và nếu thế, chúng ta sẵn sàng chi trả bao nhiêu cho sự cải cách của mình? Không những chỉ ở những thứ ít quan trọng đối với chúng ta, chẳng hạn như uy tín lịch sử, mà còn ở những thứ đã ăn sâu vào chính da thịt của chúng ta? Hay chúng ta tưởng tượng chúng ta có thể thoát nạn chỉ bằng một vài thích nghi dễ dãi? Đối với việc tiếp cận các công trình mới này, xem ra sẽ chỉ là một quan điểm vụng về, khi toàn bộ xu hướng dường như được tóm tắt bằng khẩu hiệu: bằng mọi giá, phải thoát khỏi sự cô lập lớn lao mà người ta bắt đầu cảm thấy khó chịu, và chào đón việc sáp lại gần nhau, việc huynh đệ hóa, việc leo xuống khỏi ngai vàng và bệ tượng, việc hợp đoàn hóa, việc dân chủ hóa, việc nới lỏng, việc san bằng, cập nhật hóa và hiện đại hóa bất cứ khi nào có thể, hướng tới mọi thứ xem ra là của hôm nay, của ngày mai và của ngày sau đó.

Ai có thể phủ nhận rằng trong lần leo xuống này, lần từ bỏ những đỉnh cao quá khứ này, chúng ta đang, trong nhiều trường hợp, thậm chí có lẽ hầu hết các trường hợp, tựu chung và muộn màng chỉ làm và bắt kịp những điều từng được chờ đợi từ lâu, quá hạn từ lâu, hay hướng đi này thực sự có tính độc đáo và là một hướng đi thực sự có tính Tin Mừng cần tiếp nhận? Chắc chắn, “người lớn nhất trong anh em” phải trở thành đầy tớ của mọi người, vì há Chúa Kitô không luôn luôn bác bỏ cách rõ ràng mọi tước vị (chẳng hạn như “Thầy” hoặc “Cha”..., v.v) và, mặc dù Người chính là Thầy của chúng ta, vậy mà Người đã hạ mình trở thành nô lệ của mọi người đó sao? Chừng nào việc leo xuống này thực sự liên hệ đến việc bắt kịp những gì đã quá hạn từ lâu, dù sau một thời gian trì hoãn khá khó hiểu, chúng ta chắc chắn có thể tự chúc mừng mình, cho dù cùng một lúc, chúng ta không thể không tự hỏi xem lý do là gì, mà đến phải vội vàng vào phút chót như thế.

Dường như, để tỏ ra đáng tin cậy, Giáo hội cũng phải thuộc “thời đại của mình”. Điều này, nếu xem xét một cách nghiêm túc, có khi có nghĩa là Chúa Kitô cũng đã thuộc “thời đại của Người” khi vào lúc đó, Người đã hoàn thành sứ mệnh của Người, một điều đối với người Do Thái và người ngoại giáo là một tai tiếng và điên rồ, và chết trên Thập giá. Chắc chắn, vụ tai tiếng này đã xảy ra “đúng lúc”, trong hoàng thời (kairo) của Đức Chúa Cha, trong thời viên mãn, chính vào lúc Israel đã chín muồi và sẵn sàng nở rộ như một trái cây và khi các quốc gia đã chín muồi để gieo hạt giống trong các luống rãnh đã dọn sẵn của họ. Nhưng Chúa Kitô đã không bao giờ và sẽ không bao giờ trở thành “hiện đại”. Cả Người lẫn các môn đệ của Người là Phaolô và Gioan đều không nói một lời nào mang lại khích lệ cho thời hiện đại chính trị hoặc ngộ đạo. Như thế, khá đơn giản, kết quả phải là điều này: động cơ hợp lệ duy nhất cho mọi phong trào khác nhau của chúng ta chỉ có thể là loại bỏ thế giới của những vụ tai tiếng giả dối, phi Kitô giáo để vụ tai tiếng đích thực, vốn nằm ở tâm điểm sứ mệnh của Giáo hội, có thể xuất hiện một cách rõ ràng tuyệt đối. Điều này hữu ích cho phần rỗi xiết bao!

Như thế, giờ đây, chúng ta như có một tiêu chuẩn để biện phân các tinh thần - những tinh thần, mà dưới bề mặt, có khả năng thông tri và làm sinh động xu hướng hiện nay trong Giáo hội. Và sau cùng, khi các Kitô hữu nhận thấy rằng phong trào đấu tranh hiển nhiên này, chính vì nó hiển nhiên, đang rất cấp thiết đối với cuộc khủng hoảng Kitô giáo, rằng nó đụng đến cả hai cách và có thể được nhìn theo hai cách và do đó có thể nguy hiểm đến mức nó dám cho là mình đã sở hữu “điều duy nhất cần thiết” và do đó, xoa dịu tiếng lương tâm, biến việc hoán cải đã nói trên đây trở nên không cần thiết, lúc ấy, có lẽ trận chiến đã thắng hơn một nửa rồi. Vì cuộc khủng hoảng không xảy ra trước cũng như không theo sau sáng kiến của các Kitô hữu nhưng nằm ở chính trái tim họ. Nó liên tục thách thức và nghi vấn mọi sáng kiến này với câu hỏi đơn giản này: Chúng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa hay rời xa Người? Thiên Chúa đang ở trước chúng ta, trong tầm nhìn tìm kiếm của chúng ta, hay Người ở đàng sau chúng ta, ở sau lưng chúng ta?

Có Chúa ở đàng sau họ có nghĩa là, trong trường hợp chuyên biệt của các Kitô hữu chủ trương cải cách này, họ đã biết về Thiên Chúa, về sự mặc khải của Người, nội dung và phạm vi của nó, về Giáo hội, về việc làm Kitô hữu. Và như vậy, được trang bị bằng kiến thức sẵn có này, họ có thể ra ngoài để gặp gỡ thế giới, thế giới của những người đồng đạo, của những Kitô hữu đồng đạo, của những người không phải là Kitô hữu, của những người chống Kitô hữu. Tất nhiên, kiến thức mà những người này mang theo với họ là kiến thức chắc chắn và thỏa đáng, mặc dù ở dạng tóm tắt, được rút gọn thành một số khái niệm chính.

Sự rút gọn trên thực sự có thể chính đáng, dưới góc độ cuộc gặp gỡ có dự tính với thế giới hiện đại hoặc với thế giới trần thế ngày nay, như các nhà thần học của chúng ta muốn nói với chúng ta, một cách trang trọng và với một nụ cười đầy ý nghĩa,. Như thế, họ biết tất cả về Thiên Chúa và sự mặc khải, và câu hỏi dành cho họ chỉ đơn giản là: Tôi phải nói với con cái mình ra sao? Họ phát xuất từ Thiên Chúa và vươn ra thế giới trần thế; họ có Thiên Chúa phía sau họ và thế giới trần thế phía trước họ. Họ sẽ không phủ nhận việc để được Chúa Kitô sai vào thế gian, trước tiên người ta phải dành đủ thời gian với Người. Họ đã có điều đó ở đằng sau họ rồi, họ nghĩ vậy. Bây giờ họ đang ở trong giai đoạn hành động, và họ cho rằng, một cách thật lòng đối với bản thân và những người khác, thời gian chiêm niệm của họ đã qua rồi. Và nếu lương tâm của họ có thỉnh thoảng nhắc nhở họ rằng họ chưa đạt được bằng trung học về chiêm niệm hoặc họ đã trượt kỳ thi vào đại học về chiêm niệm, thì lương tâm này nhanh chóng được an ủi bằng khẩu hiệu contemplativus in actione có nghĩa đại khái là: người hành động là người chiêm niệm rồi, vì không có cách nào khác để chứng tỏ mình đã trưởng thành, đã đến tuổi trưởng thành bằng là qua hành động.

Khẩu hiệu trên là khẩu hiệu của rất nhiều Kitô hữu hiện đại, cả giáo sĩ lẫn giáo dân, những người mà người ta rất sợ họ đã khoác cái tên “truyền giáo” như một hình thức ngụy trang cho Tin Mừng, để che dấu việc họ rời xa Thiên Chúa. Ở đây chúng ta thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng trong đó xu hướng hiện thời trong Giáo hội, về phương diện tập thể và cá nhân, đang hiện diện. Cuộc khủng hoảng này không có nghĩa nên bác bỏ một xu hướng như vậy, như một kế hoạch, một phong trào, một hậu quả; đúng hơn, có nghĩa là nó phải được đánh giá lại liên tục theo quan điểm Kitô giáo, vì trong mọi biến cố, sự rõ ràng biểu kiến của nó thường che giấu một sự mơ hồ ở bên dưới. Việc từ Thiên Chúa bước vào thế giới có thể là một sứ mệnh Kitô giáo chân chính, là việc chu toàn nghĩa vụ Kitô hữu của chúng ta đối với thế giới; nhưng nó cũng có thể là việc trốn chạy khỏi Thiên Chúa, sợ tai tiếng Thập giá, phản bội Chúa Kitô. Mọi điều đều có mặt tối của chúng; chỉ có Chúa Kitô là không có mặt tối nào cả.

Xu hướng Kinh thánh

Việc hướng về Lời Chúa được nhiều người ca ngợi trong thế giới Công Giáo ngày nay như là một dấu hiệu hy vọng đẹp nhất, không thể nhầm lẫn và chắc chắn điều này thực sự là như vậy. Không cần phải nói ở đây rằng bằng cách gạt qua một bên mọi bức màn vốn che khuất một tầm nhìn rõ ràng về các nguồn gốc Kitô giáo, chúng tôi có ý nói đến mọi công thức giáo điều và giáo lý cắt xén và khô khan sau này trong Giáo Hội về mạc khải, chúng ta có thể tiếp cận trực tiếp với chân lý của Thiên Chúa và Chúa Kitô. Qua hành động này, Kitô hữu mong muốn có thể “nghe, nhìn và chạm” vào Lời Sự Sống, mà giờ đây cuối cùng họ đã được phép làm như vậy. Chúng ta ngạc nhiên nhìn lại những ngày đen tối trong quá khứ, khi có quá nhiều dây thép gai quấn quanh bản văn thánh thiêng đến nỗi bất cứ ai chạm vào nó có thể bị điện tuyệt thông giật, đúng hơn, giống như dân Israel không dám đến gần chân Núi Sinai vì sợ phải chết. Cả bức tường Vulgate [Bản Kinh Thánh Phổ Thông] đã có cả ngàn năm nay, một bức tường, trong nhiều năm sau khi các nhà duy nhân bản miệt mài nghiên cứu bản văn gốc, vẫn tiếp tục ngăn chặn quyền truy cập bản văn này, ngày nay bức tường ấy cũng đã sụp đổ. Hiện nay có rất nhiều bản dịch và bình luận để đáp ứng nhu cầu hiểu biết của vô số người, những người lần đầu tiên đặt chân đến Miền đất hứa của bản văn gốc. Và chắc chắn, Giáo Hội sẽ dốc hết sức lực để thỏa mãn cơn khát Lời này và giữ cho Lời luôn sống động và tinh khiết, chính Giáo Hội bây giờ cũng chỉ mới bắt đầu hợp tác với việc nghiên cứu của thế giới không Công Giáo và không Kitô giáo, để phân tích bản văn theo các nguyên tắc phê bình lịch sử và văn học hiện đại.

Niềm vui của việc khởi đầu mới mẻ này không nên bị làm cho cụt hứng, nhưng chắc chắn nó phải khiêm hạ khi nhận ra rằng phong trào Kinh thánh Công Giáo hiện đại nợ sự hiện hữu của nó, không phải như phong trào của Luther, ở sự khao khát sơ đẳng đối với lời nguyên thủy của Thiên Chúa sau những năm dài của Chủ nghĩa Kinh viện và tín lý của Giáo hội, nhưng phần lớn, ở việc các học giả chú giải nhận ra rằng nền bác học Kinh thánh của Công Giáo không thể tiếp tục như từ trước đến nay mà không trở thành trò cười cho khắp thế giới học thuật. Với nỗ lực vô tận và miệt mài, con thuyền chú giải tí hon đương thời đã phải lèo lái giữa Scylla và Charybdis đầy những kết án sẵn sàng được Giáo hội đưa ra, thậm chí cho đến tận những thời điểm rất gần đây, trước khi cuối cùng tới đuợc các vùng nước tương đối an toàn của nghiên cứu tự do và hợp pháp. Không còn nghi ngờ gì nữa, khi nền bác học xuất hiện giữa bầu không khí trong lành, ngọn lửa âm ỉ bùng lên thành ngọn lửa giải thoát giữa các vòng tròn rộng lớn, và đổi lại điều này đã có tác dụng khích lệ, kích thích đối với việc nghiên cứu. Tuy nhiên, không nên quên hoàn cảnh đầy khiêm hạ của việc khởi đầu của nó, tức sự kiện người Công Giáo chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để khai triển điều vốn là mối quan tâm đúng đắn nhất của chính chúng ta, tụt hậu so với những người khác, bên ngoài Giáo hội của chúng ta, những người đã nâng nó lên từ lâu thành đặc điểm riêng, khác biệt của họ.

Và vì mọi điều khác ngoài Chúa Kitô đều có mặt tối của chúng, nên hầu như hiển nhiên, phong trào Kinh thánh cũng không phải là không có bóng tối của nó. Vì một đàng, cuộc tìm về nguồn của Công Giáo không thẳng thừng như vậy. Giữa hai cuộc Thế chiến, khẩu hiệu vang lên xung quanh chúng ta là: canh tân các Giáo phụ, từ phía sau phái (tân) Kinh viện đầy tính học thuật cứng ngắc. Tuy nhiên, đối với nhiều người, “Mùa Xuân giáo phụ” này chỉ có tính trang điểm; nó không đủ tính phê phán để tồn tại lâu dài. Ngày nay, thay vào đó, chúng ta đã quay trở lại với mùa thu của các giáo phụ từ lâu, dọn đường cho một “mùa xuân Kinh thánh”, và ít có người có khuynh hướng duy trì toàn bộ truyền thống diễn giải, cả của các giáo phụ (đầu tiên là xu hướng Platông hóa, sau đó là xu hướng chính trị hóa kiểu Constantinô) lẫn của Kinh viện, bị nghi ngờ là ý thức hệ sâu xa, trong yếu tính không khác cách mà Luther chê bai là “con điếm”. Nhưng rồi, họ quên không cân nhắc việc những người biết suy nghĩ cũng đã bắt đầu triết lý rất nhiều và những người không khảo sát trước nhất các giả định nằm dưới suy nghĩ của họ, càng dễ dàng hơn xiết bao trở thành nạn nhân của một ý thức hệ thô thiển, như khái niệm “con người hiện đại ", chẳng hạn. Bên cạnh đó, điều này cũng phản ảnh sự kiện cuộc thao diễn của Công Giáo trong cố gắng trở về nguồn, hiện đang gặp phải một cuộc thao diễn hối hả của Thệ Phản theo hướng ngược lại, từ Kinh thánh tiến về phía trước, về phía hiện tại, và đã dừng lại ở "con người hiện đại” lấy họ làm chân trời và tiêu chuẩn của mình và chọn“ triết học hiện đại ”(Heidegger) làm công cụ thông diễn của mình. Bất cứ điều gì “con người hiện đại” có thể hiểu, bất cứ điều gì họ có dây trời [antenna] đề dò bắt, bất cứ điều gì giúp họ về phương diện tôn giáo và tỏ ra thoải mái với họ, thì đó là điều phải được công bố; phần còn lại phải bị bãi bỏ coi như chuyện hoang đường. Bản chất mơ hồ của một chủ trương như thế có thể được nhìn thấy từ cách xa cả hàng dặm, vì nó có thể chứa đựng trong chính nó điều tồi tệ nhất và, một lần nữa, sự thôi thúc hướng tới điều tốt nhất. Điều tồi tệ nhất, vì “con người hiện đại” (thực sự là một người khổng lồ trong hoang đường!) được coi như thước đo điều Lời Chúa có thể hoặc không thể nói, có thể hoặc không thể mong đợi hoặc yêu cầu nơi con người; điều tốt nhất, vì nó đòi chúng ta tiếp cận toàn bộ mạc khải, trải nghiệm nó, suy gẫm về nó và biến nó thành của riêng chúng ta, như một điều mới mẻ và độc đáo đối với mọi thời đại. Và do đó, cuộc thao diễn của Công Giáo trong cố gắng trở về nguồn không tiến vào lãnh thổ chưa khai phá nhiều hơn dân Israel khi họ vào Đất Canaan. Vì “người Canaan đã ở trong đất ấy rồi... ”. Điều đó không có nghĩa là đã có chiến tranh ngay lập tức nhưng có nghĩa là, sau hiệp định hòa bình, việc chung sống với cộng đồng dân cư ban đầu trở nên khó khăn hơn, nhiều hậu quả quan trọng hơn.

Nói một cách tổng quát, khó khăn bất ngờ giữa cuộc hành quân chinh phục chiến thắng này là hoàn toàn lành mạnh, vì nó bắt buộc mỗi người chúng ta phải coi Lời Chúa như chính nó, nghĩa là, một lời kêu gọi phải quyết định tuyệt đối... "Ai không ở với Ta, là chống lại Ta, và ai không thu góm với Ta là phân tán". Trong tính trung lập bác học, cùng lắm, người ta chỉ có thể vất vả ở bên lề, và những người nấn ná quá lâu ở bên lề dường như một là tránh né quyết định hai là quyết định một cách tiêu cực và che đậy sự kiện bằng hoạt động bác học.

Kỳ tới: Xu hướng Phụng vụ