SỰ NGHIỆP

Các Việc Sáng lập

Từ những gì đã nói trên đây, ít nhất có một điều rõ ràng. Các công trình quan trọng nhất của Balthasar, ít nhất là dưới mắt ngài, không phải là các trước tác của ngài mà là những sáng lập của ngài. So với các cuốn sách, những sáng lập này còn ít được lên kế hoạch hơn nữa, mà chúng cũng không phải do sáng kiến của riêng ngài, và vì vậy ngài không bao giờ coi chúng là của riêng mình. Phần lớn, ngài chỉ hỗ trợ chúng.

Sáng lập đầu tiên, Studentische SchulungsgeIneinschaft [Cộng đồng đào tạo sinh viên] (viết tắt là SG), phát xuất từ một ý nghĩ của Robert Rast. Balthasar đã giúp làm cho nó thành hiện thực, và trong hơn 25 năm, tiến hành công trình này gần như một mình. Ngài đã trình bày linh thao đầu năm, tổ chức hội nghị hàng năm và khóa đào tạo, xen kẽ giữa triết học và thần học. Đôi khi chính ngài dẫn dắt những khóa này, nhưng dù gì, ngài vẫn luôn có mặt ở đó trong tư cách người góp phần kích thích cuộc thảo luận và là tiêu điểm kín đáo. Năm 1947, khi các thành viên đầu tiên đã trải qua bốn khóa đào tạo theo lịch trình và kết thúc việc học, họ cùng nhau tham gia Akademische Arbeitsgemeinschaft [Nhóm Làm việc Học thuật] (AAG). Cho đến năm 1979, Balthasar đã tham gia vào công trình này với tư cách là cố vấn thiêng liêng, và mỗi năm, cho đến cuối đời, ngài dành cho Mùa Vọng của nó một buổi tĩnh tâm ở Einsiedeln.

Giống như tất cả các sáng lập khác của Balthasar, hai tổ chức trên có đặc điểm là không có tổ chức. Chúng phụ thuộc vào tình bạn và thiện chí của các thành viên của chúng. Đó là lý do tại sao, vào cuối những năm 60, với các quan tâm của thế hệ Sáu Tám (1968) nằm ở nơi khác, Studentische SchulungsgeIneinschaft đã chết dần chỉ để trỗi dậy dưới hình thức mới một thời gian ngắn sau đó. Akademische Arbeitsgemeinschaft cũng bị ảnh hưởng, nhiều người trong số "Sáu Tám" là bạn hữu của Balthasar. Năm 1970, ngài quyết định viết một bức thư Giáng sinh đầy những khuyên răn mạnh mẽ. Tôi xin trích đoạn văn chính sau đây:

“Trong Kitô giáo, quả là vô nghĩa khi ta đem quá khứ, hiện tại và tương lai chống chọi nhau, vì biến cố Chúa Kitô mang tính cánh chung và do đó vượt quá ranh giới thời gian. Kitô giáo ban đầu theo cách riêng của nó hết sức hướng về tương lai chính vì nó liên tục suy gẫm về 'thời quá khứ qua hẳn' (past perfect) của Thập giá và Phục sinh, từ đó phát sinh 'định mức' và 'mệnh lệnh' cho hiện tại. Tất cả những cuộc canh tân vĩ đại trong lịch sử của Giáo Hội đều có 'hình thức thời gian' này. Chỉ Kitô hữu nào chịu suy gẫm (chiêm niệm) các nguồn mới có cơ hội đạt được thái độ chân chính hướng về tương lai và thứ cam kết (hành động) đúng đắn. Như chúng ta đã biết, toàn bộ kế hoạch và mục đích của Linh Thao là chuẩn bị và huấn luyện cho hoạt động tông đồ, biến đổi thế giới".

Về việc sáng lập tiếp theo, tức Cộng đồng Thánh Gioan, không cần phải nói nhiều. Chúng ta đã thấy Balthasar coi nó như trung tâm các công trình của ngài. Tuy nhiên, người sáng lập và bề trên đầu tiên của nó là Adrienne von Speyr, trong khi Balthasar chịu trách nhiệm hướng dẫn và và đào tạo tâm linh. Những gì có thể nói về cộng đồng này đã được chính Balthasar và một người trong cộng đồng giải thích ở nơi khác rồi (39).

Điều làm Balthasar thất vọng - có lẽ thất vọng nhất trong đời ngài - là, giống như nhánh cây thần thoại của Tantalus, việc sáng lập cộng đồng nam, bất cứ khi nào xem ra nó đã nằm trong tầm tay ngài, đều cũng lẩn tránh ngài. Việc sáng lập ngành linh mục có lịch sử riêng của nó. Không có sinh viên thần học nào được chấp nhận vào Cộng đồng Thánh Gioan nhưng ngay từ năm 1944, Balthasar đã giải thích cho người kế nhiệm tương lai của mình trong tư cách cố vấn tinh thần của Akademische Arbeitsgemeinschaft về ý tưởng "tập hợp một nhóm sinh viên thần học và các linh mục trẻ quan tâm song song với Schulungsgemeinschaft [Cộng đồng đào tạo sinh viên] hiện nay"(40). Điều này cuối cùng đã xảy ra vào năm sau. Sự chăm sóc về tinh thần và mục vụ của Balthasar cũng mở rộng cho các linh mục và sinh viên thần học. Thật vậy, đây là điều ngài rất mong muốn. Điều này thấy rõ trước hết ở vô số các cuộc tĩnh tâm, nhưng cả trong sự kiên nhẫn không mệt mỏi, đầy thân thiện mà với nó ngài luôn sẵn sàng có đó cho các sinh viên tiến sĩ và những người tìm hiểu khác. Thư từ luôn được hồi âm, và các lời mời đến thăm và nói chuyện với ngài ở Basel đã được gửi đi một cách nồng nhiệt. Năm 1968, với sự giúp đỡ của bạn bè (và có lẽ nhờ sự trung gian trên trời của Adrienne - bà từng lưu ý ngài về việc này vào năm 1952), ngài đã có thể mua được một ngôi nhà nghỉ mát cho cộng đồng ở Rigi-Kaltbad. Kết quả là, các tiếp xúc của ngài với một nhóm các đồng tu trẻ hơn đã phần nào được định chế hóa. Mỗi năm nhóm ''Rigianer" dành một vài ngày đi nghỉ với ngài. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1983, ngành linh mục của Cộng đồng Thánh Gioan mới được thành lập. Trong những năm cuối đời, Balthasar quan tâm đến việc bồi đắp nó lên.

Johannesverlag [Nhà Xuấn bản Thánh Gioan] nên được đề cập đến như việc sáng lập thứ ba. Một lần nữa việc này diễn ra với sự giúp đỡ của những người bạn đã thành lập các qũy giám hộ (trustees) hợp pháp. Lúc đầu, nó nhằm để xuất bản các tác phẩm của Adrienne, nhưng ngay sau đó nó đã được sử dụng để xuất bản các tác phẩm của chính Balthasar. Nó cũng đại diện cho một chính sách xuất bản có tầm nhìn xa liên quan đến Giáo hội và văn hóa không phụ thuộc vào các lực lượng thị trường và, theo nghĩa tốt nhất, có một sự nhấn mạnh khác: thuận lợi hay không thuận lợi. Các ấn phẩm của công ty dần dần được phát triển thành mười loại hoặc tuyển tập, từ các sách thiêng liêng và khám phá lại các bậc thầy bị lãng quên, qua các đóng góp bác học vào thần học, đến những cuốn sách thuộc loại chuyên đề, thực sự là những cuốn sách nhỏ. Lịch sử của liên doanh xuất bản này, trong đó Balthasar đã đầu tư phần lớn năng lực làm việc của mình, đang chờ để được viết ra. Điều ít nhất cần phải nói một cách không phóng đại, là, nếu không có công ty xuất bản này để ngài tùy ý sử dụng, thì các tác phẩm của riêng Balthasar có lẽ đã không được viết và xuất bản. Một lần nữa, Balthasar áp dụng nguyên tắc tổ chức tối thiểu. Ngài thường là dịch giả, biên tập viên và nhà xuất bản, và các tác giả phần lớn phát xuất từ bạn bè của ngài.

Balthasar và de Lubac


Điều trên cũng đúng với việc sáng lập chung cuối cùng của Balthasar, Communio: Tạp Chí Công Giáo Quốc Tế. Chúng ta hãy nghe chính ngài nói về vấn đề này:

“Vào năm 1945, một yêu cầu đã được đưa ra nhiều lần [qua Adrienne] là ‘Tôi nên bắt đầu một tạp chí’. Làm sao thực hiện được điều này lúc còn là một tuyên úy sinh viên hoàn toàn làm tôi rối trí. Tôi không thấy khả thể nào cả. Sau đó, giải đáp đã xuất hiện: ‘Không phải bây giờ. Nhưng phải lập kế hoạch và nhắc nhớ’ những người sẽ viết cho nó nhớ đến nó. Một năm sau, lại nhắc một lần nữa: ‘Đừng quên tạp chí đấy nhé!’ Nhưng tôi đã không nghĩ đến nó một cách nghiêm túc. Rồi, vào một buổi tối tại một nhà hàng ở Via Aurelia, Rome, một vài người trong chúng tôi từ Ủy ban Thần học Quốc tế quyết định bắt đầu một tạp chí quốc tế Communio. Đáng lẽ ra nó đã được phát động trước nhất ở Paris, nhưng việc này không thành, và do đó nó xuất hiện lần đầu tiên ở Đức vào năm 1973. Tôi không bao giờ dám nghĩ đến việc liên kết tạp chí này, mà ngày nay được phát hành bằng 11 thứ tiếng, với những gì đã được yêu cầu nơi tôi gần bốn mươi năm trước đó. Khi nhóm sáng lập bắt đầu tan dần, tôi bị bỏ lại một mình, bị đẩy, trái với ý muốn của mình, vào một loại vai trò điều hợp. Chỉ khi đó, tôi mới nhận ra có thể có mối liên hệ với yêu cầu đó trong quá khứ từ Thiên đàng [Adrienne]. Hồng phúc vốn chỉ dựa vào một mạng lưới mỏng manh liên kết các quốc gia và lục địa khác nhau này đã củng cố giả thiết này, một giả thuyết dần dần nhưng chắc chắn đã trở thành một xác tín chắc chắn" (41).

Một điều gì khác nữa cần phải được nói ở đây. Balthasar đã, một cách kín đáo, đặt một số lượng lớn việc làm vào tạp chí này - thư từ, dịch thuật, sửa đổi. Bạn của ngài, Franz Greiner, chủ bút điều hành ấn bản tiếng Đức, biết rõ điều này hơn bất cứ ai. Ông chết trước Balthasar một năm.

Các trước tác

Balthasar chắc chắn là một trong những người viết nhiều nhất trong thời đại chúng ta. Thư mục của ngài bao gồm 85 tập riêng biệt, hơn năm trăm bài báo và đóng góp cho các tác phẩm được sưu tập, và gần một trăm bản dịch, chưa kể nhiều tác phẩm nhỏ hơn và sáu mươi tập các tác phẩm của Adrienne von Speyr. Đây không phải là nơi để trình bầy dù là một phác thảo tổng quát về thành tựu to lớn này. Nhưng một vài gợi ý về tiểu sử có thể giúp người đọc sắp xếp thứ tự các phần riêng lẻ một cách rõ ràng hơn.

Balthasar nhấn mạnh nhiều lần rằng công trình của ngài hoàn toàn không thể tách rời khỏi công trình của Adrienne von Speyr. Tuy nhiên, các tác phẩm sớm nhất đã ra đời một cách độc lập. Ở một mức độ nào đó, người ta có thể thấy trong chúng, Balthasar đã đưa những gì thực sự là của ngài vào các tác phẩm sau này của ngài, và tác phẩm đó vẫn thực sự là của riêng ngài đến một mức nào đó, mặc dù được đào sâu hoặc có một điểm nhấn khác. Không bao giờ có ai nói về Balthasar I và Il, mặc dù bản thân ngài có lúc đã từng nói rằng "khi gần đến lúc kết thúc giai đoạn đầu tiên, có lúc ngài nghĩ đến việc cần phải thay đổi hướng đi" (42).

Ngoài luận án của ngài và cuốn Apokalypse der deutschen Seele [Ngày Chung cuộc của Linh hồn Đức], các chuyên khảo về Origen, Grêgôriô Thành Nyssa, và Maximus thuộc về công trình ban đầu này, chưa kể các nghiên cứu chuyên biệt hơn về các giáo phụ. Sau đó, có hai cuốn sách gần nhất với triết học và thần học đại học. Warheit [Chân lý](1947) và Karl Barth chủ yếu vẫn mang dấu ấn của các nghiên cứu và của chính con người ngài, mặc dù ảnh hưởng của Adrienne đang bắt đầu tỏa sáng qua ý niệm chân lý như là mặc khải và trong học thuyết tuyển chọn phổ quát. Cũng điều này ít nhiều đúng đối với tuyển tập các câu cách ngôn Das Weizenkorn [hạt Lúa Mì] (1944), mà phần lớn có lẽ đã có từ thời ngài còn là sinh viên.

Cuốn sách nhỏ kín đáo này, cùng với tác phẩm đầu tiên viết hoàn toàn dưới ảnh hưởng các viễn kiến của Adrienne (Das Herz der Welt [Trái tim Thế giới] - 1945), là tác phẩm có tính đột phá thực sự của Balthasar. Cả hai cuốn sách — ban đầu, chỉ ở Thụy Sĩ — hướng đến một lượng độc giả lớn và đã được tái bản vài lần, trong khi Apokalypse [Ngày Chung Cuộc] ngay từ đầu đã được coi là khó đọc. Das Herz der Welt [Trái tim của thế giới], cuốn sách của ngài về Chúa Kitô, được Balthasar viết trong một thời gian rất ngắn trong kỳ nghỉ hè năm 1943 trên một tảng đá ở Hồ Lucerne. Hình thức nặng ngữ học ở đó hơi có vấn đề. Adrienne chỉ trích một cách thích đáng:

“Cha biết đấy, có một số đoạn ở phần đầu tôi thấy hơi buồn tẻ. Nói cách khác, việc cha thưởng thức cách chơi chữ, âm thanh của từ ngữ, việc phân tích chúng, các chữ 'cùng nguồn gốc' của chúng, dường như đây đó để lại bóng mờ phủ lên khía cạnh tâm linh. Tôi sẽ vui vẻ chỉ cho cha thấy các đoạn đó nếu điều này giúp ích” (43).

Sau đó là các bài viết xoay quanh sứ mệnh của Adrienne: Der Laie und der Ordensstand [Người Giáo dân và Dòng tu] và Theologie und Heiligkeit [Thần học và Thánh thiện] đã được đề cập (cả hai năm 1948) và Die Schleifung der Bastionen [San bằng các Pháo đài](1952). Rồi hai chuyên khảo về Thérèse von Lisieux, Geschichte einer Sendung [Têrêxa thành Lisieux và Sứ mệnh Thiêng liêng] (1950) và Elisabeth von Dijon und ihre geistliche Sendung [Elisabeth thành Dijon và Sứ mệnh Thiêng liêng] (1952), nhằm khám phá một loại thần học hậu thiên về sứ mệnh. Hai cuốn sau đó được kết hợp dưới tên Schwestern im Geist. Der Christ und die Angst [Chị em trong Tinh thần. Kitô hữu và sợ hãi](1951) và cuốn bình luận về các vấn đề đặc sủng trong Tổng luận Thần học (Thomas von Aquin, Besondere Gnadengaben und die zwei Wege des menschlichen Lebens [Thánh Tôma Aquinô, Đặc sủng và Hai nẻo đường Sự sống Con người], 1954) cung cấp cơ sở thần học cho những ân sủng đặc biệt của Adrienne. Cuối cùng, Balthasar mạo hiểm đi vào trung tâm của sứ mệnh với Das betrachtende Gebet [Cầu nguyện Chiêm niệm] (1955) đã được đề cập và loạt Adoratio [Thờ lạy] mà nó thuộc về. Hai chuyên khảo có niên đại từ thời kỳ này đã giúp cho sứ mệnh của Adrienne được phối hợp trong Giáo hội và thế giới. Đầu tiên là chuyên khảo Reinhold Schneider (1953), "một người bạn thân yêu, người duy nhất ở Đức (ngoài một số tu sĩ Dòng Tên) biết Thánh Inhaxiô là ai, đâu là các tiền đề căn bản của ngài. Nhờ ông, tôi đã bắc được cầu nối giữa Apokalypse [Ngày Chung Cuộc] và Der Laie und der Ordensstand" (Người Giáo dân và Dòng tu]. Chuyên khảo thứ hai là một nghiên cứu về Bernanos, người đã hoàn toàn mê hoặc Balthasar vì "tâm điểm của ông không phải là trực giác về Thiên Chúa mà là nhận thức của trái tim: cái nhìn của Thiên Chúa trên con người tội lỗi, người có thể và cần được mang đến thành toàn nhờ thừa tác và huyền bí (tuyên xưng và phán đoán). Ở đây, Bernanos nghiêm túc trình bày về việc đi xuống [descent] như đường để đến với Thiên Chúa, noi gương Thiên Chúa, Đấng đã xuống với chúng ta". Có thể coi Theologie der drei Tage [Thần học Tam nhật] là đứa con sinh sau đẻ muộn của nhóm tác phẩm này. Mặc dù nó được viết cho một dịp đặc biệt (Balthasar thay thế một cộng tác viên đã bị bỏ tên khỏi sách giáo khoa Mysterium Salutis[mầu nhiệm Cứu rỗ]), nó vẫn cung cấp được một giải thích thần học cho các trải nghiệm Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh của Adrienne.

Theologie der Geschichte [Thần học Lịch sử] (1950), được tái bản và sửa đổi nhiều lần và cuối cùng được đưa vào Das Ganze im Fragment [Tổng thể trong Mảnh vụn] (1963) và Theödramatik [Thần kịch], là một phát biểu ban đầu về trọng điểm của nền thần học Balthasar. Tại đây, các dòng suối phát khởi từ các nghiên cứu của chính ngài hòa vào dòng suối linh hứng nhận được từ Adrienne. "Các bản phác thảo trong Thần học" được sưu tầm năm 1960, Verbum Caro [Ngôi Lời thành Xác thịt] và Sponsa Verbi [Người Phối ngẫu của Ngôi Lời], xoay quanh cùng một điểm chính này. Thời kỳ sáng tạo đầu tiên sắp kết thúc với những bộ sưu tập này. Mặc dù, cần phải nói rằng chúng hoàn toàn không đưa ra một bức tranh chi tiết hoặc tập chú rõ nét nào về những mối bận tâm chính của Balthasar trong tư cách một nhà thần học và mục tử trong những năm đầu tiên. Nếu có người yêu cầu các sinh viên của ngài ở Basel mô tả suy nghĩ của ngài, chắc chắn họ sẽ trích dẫn các chữ chủ chốt “sứ mệnh”, "vâng lời”, “chiêm niệm", và các chủ đề hôn nhân trên Thiên đàng và Địa ngục trống rỗng, trước đây vốn được coi như những điều kỳ quặc về thần học. Christlicher Stand [Địa vị Kitô giáo], mặc dù được lên kế hoạch vào khoảng năm 1945, nhưng chỉ ra đời vào năm 1977. Cho đến lúc đó, ngài vẫn chưa xuất bản nhiều về đức vâng lời và hôn nhân trên Thiên đàng. Cuộc tranh cãi về Hỏa ngục hoàn toàn dành cho các năm cuối đời của Balthasar. Vào thời điểm đó không ai có thể biết các chủ đề này nhận được bao nhiêu từ nguồn cảm hứng của Adrienne von Speyr.

Thời kỳ sáng tạo thứ hai của Balthasar, sau khi ngài bị bệnh nặng, mặc dù phong phú hơn khá nhiều, nhưng dễ dàng xem xét hơn. Cột trụ của nó là bộ ba tuyệt vời gồm mười lăm tập (1961-1987). Rồi, còn một số lượng lớn các trước tác không thường xuyên, viết theo yêu cầu của tình hình lúc đó trong Giáo hội. Chúng ta đã thấy cuốn Thẩm mỹ bắt đầu thành hình lần đầu tiên ra sao vào năm 1958; ở đây, cần nói thêm rằng xét về nguồn gốc, nó đi xa hơn nhiều. Người ta có thể tìm thấy nó một cách tóm lược trong một tiểu luận năm 1943 về bộ ba giã từ [ farewell trio] trong Cây sáo thần của Mozart, sau đó, rõ ràng hơn trong Wahrheit [Chân lý], nơi điều mỹ đến trước điều chân. Sẽ không sai nếu người tìm kiếm những ý niệm mơ hồ đầu tiên trong việc ngài bất đồng với các suy nghĩ của Kierkegaard, người mà nhờ Guardini ngài đã khám phá ra ở Berlin. Balthasar không bao giờ có thể tha thứ cho Kierkegaard vì đã lên án Don Giovanni, và với nó mọi điều mang tính thẩm mỹ, là phi đạo đức và phản tôn giáo. Tuy nhiên, nền thẩm mỹ về vinh quang Thiên Chúa chói lọi trên thế giới chỉ thực sự trở nên khả hữu khi Balthasar tiến đến chỗ coi việc Chúa Kitô hạ thế, "id quo majus cogitari nequit [điều không thể nghĩ tưởng] liên quan đến kế họach cứu rỗi" như hình thức trong đó Thiên Chúa tự mạc khải Người trong thế giới. Tất cả các tập trong bộ Herrlichkeit [Vinh quang] đều xoay quanh điểm trung tâm này, có lẽ đẹp nhất trong các chương nói về những kẻ ngu đần thánh thiện [holy fools] và các bước vâng lời tiên tri (44).

Theodramatik [Thần kịch] đã được thai nghén trước Thẩm mỹ, và về nguồn gốc, có lẽ nó còn lùi xa hơn nữa; nó thậm chí còn gần trái tim của Balthasar hơn. Để sang một bên các nghiên cứu tiến sĩ của ngài và cuốn Ngày Chung Cuộc (nơi có ít nhất một phác thảo sơ bộ về Prolegomena [Các Lời Nói Đầu] và Das Endspiel [Các Lời Bạt]), các tiếp cận đầu tiên đối với chủ đề này cần được tìm thấy trong các giảng khóa về bi kịch Kitô giáo được Balthasar nhiều lần trình bầy từ năm 1946 / 7 trở đi (45). Sau đó, vào năm 1950, ngài nói về 'triết học và thần học đã được dự kiến từ lâu của mình về bi kịch (về hành động, về biến cố - điều này cuối cùng trở lại vấn đề cũ về hành động và suy niệm)". Hai năm sau, ngài có thể tường trình: "Sau điều đó [chú giải về Thánh Tôma], cuối cùng, là đề tài tôi hằng ấp ủ muốn viết mấy năm nay về: Theatrum Dei (thần học về kịch nghệ”. Giống như cuốn Thẩm Mỹ, khởi đầu công trình về phần thứ hai của bộ ba này được đánh dấu bằng bệnh tật. Từ tháng Giêng đến tháng Ba năm 1973, ngài "ít nhiều hoàn toàn mắc bệnh, sốt cao độ khiến người ta hoàn toàn kiệt sức. Tất cả những gì tôi có thể làm là đọc một đống vở kịch trên giường để viết Lời Nói Đầu cho cuốn Bi Kịch [Dramatic]. Nếu có thể, tôi muốn hoàn thành Lời Nói Đầu vào mùa thu, vì tôi phải trở lại với thần học”. Trong tập 2/2, ngài có thể mang vào thần học về sứ mệnh của ngài, và vào tập 3, một chủ đề yêu thích khác, sẽ đồng hành với ngài suốt đời: cánh chung. Ngài giả thiết đảm nhiệm cuốn cánh chung trong Herder Handbuch der Vogmengeschichte [Sách Giáo Khoa của Herder về Lịch sử Các Tín điều]. Tuy nhiên, hóa ra, ngài chỉ có thể xuất bản các tiểu luận về chủ đề hấp dẫn này (46). Năm 1954, ngài viết: "Mọi thứ ở đây đều cột chặt với nhau như thắt nút, nhưng nút thắt này chặt đến mức khó mà tháo gỡ".

Cuốn Theologik [Thần Luận lý] ít quan trọng hơn đối với ngài; quả thật, ngài vốn nghĩ sẽ không hề viết ra nó. Đối với tập đầu tiên, ngài phải dùng đến cuốn sách mà ngài đã xuất bản vào năm 1946: Wahrheit [Chân lý]. "Cuốn sách đầu tiên ấy: ‘Sự thật của thế giới’, như nó được phụ đề, lúc đó, giả thiết phải được nối tiếp bằng một phần hai, ‘Sự thật của Chúa’. Trong Theologik [Thần Luận lý], điều này theo sau, trong hai tập, việc in lại của cuốn sách năm 1946. Điều mà khi bắt đầu mới thai nghén, Balthasar không dám hy vọng, đã trở thành hiện thực: bộ ba đã hoàn tất, với số cuốn nhiều hơn đáng kể so với dự kiến ban đầu. Tập duy nhất mà ngài phải bỏ là tập kết thúc Aesthetic [Thẩm mỹ], Ökumene [đại kết]. Như đã quảng cáo. Sở dĩ như thế là để ngài có thể đẩy nhanh cuốn Theodramatik [Thần kịch]. Trước sự thúc giục của bạn bè, ngài đồng ý tiếp nối bộ ba bằng một cuốn tóm tắt Lời Bạt (1987). Trong di chúc của mình, ngài viết rõ: những bản thảo chưa được xuất bản khi ngài qua đời nên bị tiêu hủy: ngài đã xuất bản tất cả những gì cần được xuất bản (một chỉ thị hợp lý, khi người ta nghĩ tới việc các di cảo được đối xử ra sao!).

Mặc dù ngài đã xuất bản mọi thứ cần được xuất bản, một vài tác phẩm đã được lên kế hoạch nhiều năm vẫn chưa được viết ra. "Cuốn sách về đức vâng lời" mà ngài đã thường xuyên nhắc đến từ những năm bốn mươi, không bao giờ được viết dưới dạng đó. Các phần của nó có thể được tập hợp từ cuốn Theologie der Geschichte (đức vâng lời của Chúa Con), cuốn Cựu ước của bộ Thẩm mỹ (các bước của đức vâng lời tiên tri), và Christlicher Stand (Đức vâng lời của Kitô hữu), với sự dàn dựng phát xuất từ nhiều đoạn nói về đức vâng lời trong các trước tác khác. Điều khó khăn hơn là hình thành một ý niệm về "Cuộc Gặp gỡ Á Châu". Từ năm 1957 trở đi, kế hoạch cho cuốn sách này, được báo trước bởi bản dịch Begegnung der Religionen [Khởi nguyên Các Tôn giáo] của Jacques Cuttat, liên tiếp xuất hiện. Balthasar, người trước đây đã nghiên cứu ngữ học Ấn-Âu và tiếng Phạn, biết nhiều về tư tưởng Ấn Độ hơn óc tưởng tượng của những người ngỡ ngàng vì bị ông chỉ trích về các kỹ thuật chiêm niệm phương đông. Ấn bản cuối cùng của Communio mà ngài lên kế hoạch và xem xét để in hóa ra lại là về chủ đề "Phật giáo và Kitô giáo". Điều này không hẳn chỉ là tình cờ. Trong những năm cuối đời, ngài không ngừng vận động để việc làm về chính chủ đề này được thực hiện.

Nhiều điều vẫn chưa được hoàn thành, có lẽ hầu hết các kế hoạch xuất bản của ngài. Lectio Spiritualis [Sách Thiêng Liêng]và Christliche Meister [Những Bậc thầy Kitô giáo] được ngài ấp ủ nhiều nhất. Ở đây, hai điều đặc biệt làm ngài quan tâm: một lần nữa, truyền thống thiêng liêng của các Giáo phụ, và sau đó là ý tưởng về 'một nền linh đạo liên tục Đức'.

Ngài viết: "Đấy là điều khiến Goerres và Schlegel và những người theo thuyết Lãng mạn bận tâm, nhưng họ biết quá ít. Vai trò của các tu sĩ Dòng Tên từ năm 1570 đến năm 1770 chủ yếu là vai trò quyền tối thượng ngoại lai và việc phá vỡ truyền thống. Họ hầu như không để lại gì, trái ngược với Luther, người đã được chuyển vào trung tâm, trong khi phong trào huyền nhiệm của Rhineland có vẻ mất giá và suy nhược. Thật là một cảnh tượng điêu tàn! Thật là một nhiệm vụ khó giải quyết! Ước chi Wagner là một Kitô hữu!"


Kỳ tới: Mở rộng và đơn giản hóa