Xu hướng “Trần thế”

Ở đây, cuối cùng, chúng ta tiến vào tầm cao và trung tâm của vấn đề. Đây là nơi mà cuộc cách mạng có tính quyết định và cứu chuộc được cho là đã diễn ra. Khi loại bỏ xu hướng vô dụng chỉ lo tự bảo tồn mình, khi chịu đột phá và đột nhập vào thế giới, Giáo hội mới được coi là thức tỉnh nhận ra con người thật của chính mình và do đó, cũng biểu lộ việc Kitô hữu thực sự là ai.



Để có thể trình bầy ý tưởng trên một cách rõ ràng hơn, ta cần được hỗ trợ bằng các điển hình lịch sử và được tăng cường bằng các hình ảnh tương phản nhau. Chúng ta vốn biết, trước đây, không hề có điều gọi là thế giới thế tục mà đúng hơn, vũ trụ được tri nhận có tính tôn giáo trong mọi phương diện hoặc, như một số người dám nói, "được thần hóa". Ẩn mình trong một loại ảo tưởng tôn giáo nguyên sơ, con người tri nhận Thần tính như hiện diện ở khắp mọi nơi và gần gũi với họ trong thiên nhiên. Nhưng giờ đây, trong thế giới kỹ thuật và cơ khí hóa hiện đại, với việc nó thống trị thiên nhiên, bức màn ảo tưởng này đã bị xé bỏ một cách tàn nhẫn; thế giới đã được “phi thần hóa” và hoàn toàn “được nhân bản hóa”, và người Kitô hữu được kêu gọi sải bước đi vào thế giới lạnh lẽo và hết ảo tưởng này, một cách không sợ hãi và không dè dặt. Kế tiếp, mức độ nghiêm trọng của thách thức được nhấn mạnh với chúng ta, ở chỗ, một cuộc chạy trốn nào đó, không thể phủ nhận, khỏi thực tại đã diễn ra giữa những người Công Giáo sau Cách mạng Pháp và trong thời kỳ Lãng mạn được phóng đại thành một khuôn mẫu cho mọi thái độ Kitô giáo trong quá khứ. Nhưng nhận định này chắc chắn không công bằng, vì đã có biết bao cởi mở đối với thế giới, không những trong phong trào tông đồ của Giáo hội sơ khai, mà còn cả trong cuộc phiêu lưu nhằm Kitô giáo hóa Đế quốc Rôma và quyền lực trần thế của nó từng bị nhiều nghi vấn và ngày nay bị phán đoán rất khắc nghiệt; trong việc trở lại đạo của những người man rợ, trong việc thuần hóa và văn minh hóa các vùng rừng và đất hoang của họ bởi các đan sĩ và các dòng hiệp sĩ; trong sự hiện diện của thế giới trần thế trong các tác phẩm nghệ thuật, triết học và văn học vĩ đại của phương Tây; trong ảnh hưởng luân lý có tính tạo văn minh đối với các nền văn hóa và vương quốc. Dù sao, những nhà cải cách và những nhà duy thuần túy (purist) ở khắp nơi đều có xu hướng tìm kiếm quá nhiều thay vì quá ít ở đây để hòa nhập qua lại và thích ứng với thế giới!

Rồi, chúng ta được chỉ cho thấy các phong trào khổ hạnh của quá khứ, những phong trào, được người ta kể lại, trước đây sợ thế gian - bắt đầu với việc tầng lớp quý tộc tâm linh trốn vào sa mạc, vào các nơi ẩn tu và đan viện sống theo cộng đoàn (cenobitic), tiếp theo là các tiểu luận [tract] của phong trào đơn tu trung cổ viết về sự khinh miệt thế gian (de contemptu mundi) và sau đó về những làn sóng hiện đại nối tiếp nhau của cuộc sống từ bỏ mình được thể hiện trong các lời khuyên của Tin Mừng. Tuy nhiên, chúng ta được nhấn mạnh rằng với mỗi đợt nối tiếp nhau ấy, các phong trào này, theo một bản năng Kitô giáo mầu nhiệm nào đó, bắt đầu dấn thân ngày càng nhiều hơn vào thế giới. Do đó, việc chạy trốn khỏi thế gian để hoàn toàn chiêm niệm của các đan sĩ đầu tiên đã nhường chỗ cho những người tu sĩ Biển Đức chịu trồng trọt, tiếp theo là các vị giảng thuyết và truyền giảng Tin Mừng. Rồi, với Dòng Tên, những vị này hoàn toàn được miễn lối sống tu kín và lao sâu vào thế giới. Ngày nay, các cộng đồng thế tục (Instituta saecularia) đã đi hết chặng đường và hiện đang sống theo những lời khuyên Tin Mừng giữa thế giới trần tục, không tách biệt với thế giới về bất cứ phương diện nào. Và nếu quả thực những hình thức sống tu trì này đã đại diện từ lâu cho sự hiện diện Kitô giáo ở tuyến đầu, thì cuộc hành trình thế tục đầy ấn tượng này từ những hình thức đan viện lánh đời nhiều nhất qua lối sống hoàn toàn trong thế gian chắc chắn phải là một dấu chỉ rõ ràng của ơn phúc đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và do đó, chúng ta không nên ngần ngại rút ra những hậu quả tối hậu từ cuộc hành trình tiến về phía trước không thể cưỡng lại được này – nhất là khi chúng ta thêm tính năng động của thế giới hiện đại vào phương trình. Như thế, điều mọi người tưởng tượng bấy lâu nay như được hiểu theo nghĩa đen trong các lời khuyên Tin Mừng thì nay chắc chắn phải được hiểu, trước hết, theo nghĩa tâm linh. Do đó, tuy vẫn tôn trọng đức đồng trinh bề ngoài, nhưng tinh thần nhân tính trọn vẹn của hôn nhân Kitô giáo cần được nhập thể và được khẳng định không chút sợ hãi, cũng như thực hành bề ngoài của đức khó nghèo kiểu cũ phải được nhân bản hóa thành sự xa cách cao quí của bản thân đối với mọi của cải, và, trên hết, tính trẻ thơ bất tận của đức vâng lời bề ngoài phải đạt đến việc chu toàn bên trong bằng một sự trưởng thành tự do của một Kitô hữu giáo dân hoàn toàn có tinh thần trách nhiệm, sẵn lòng để lương tâm mình mạo hiểm phán đoán giữa thế gian.

Người ta chỉ cần nâng đỡ các tuyên bố trên bằng những lời nói xa gần trong lịch sử về thái độ “Manikêô” [nhị nguyên] giấu mặt, ghét xác thịt nơi các Kitô hữu thời cổ đại và thời Trung cổ — những dấu vết của điều đó dường như vẫn còn rõ ràng một cách đáng buồn trong các điều răn và cấm đoán của Giáo hội đối với hôn nhân; người ta chỉ cần chỉ ra tính dễ phục tùng tự nhiên của một nhân loại vẫn còn như trẻ nít và man rợ một cách không thể dạy dỗ được đối với thẩm quyền cha chú và độc đoán của Giáo hội, một sự phụ thuộc mà giờ đây người ta đã bỏ được, nhờ diễn trình trưởng thành tự nhiên; cuối cùng, chúng ta chỉ cần thêm điều này, trong thời đại chuyên môn hóa như của chúng ta, tài năng ngày càng thuộc về tay các chuyên gia và do đó sẽ ngày càng bị lấy khỏi các thẩm quyền Giáo hội, những thẩm quyền này, do đó, sẽ bị hạn chế trong lĩnh vực thiêng liêng thuần túy, và chúng ta có bức tranh đầy đủ về xu hướng đặc thù này. Do đó, trọng tâm trong Giáo hội đang từ đẳng cấp linh mục và những người sống theo các lời khuyên Tin Mừng chuyển sang hàng giáo dân một cách không thể cưỡng lại được. Vì họ mới là trung tâm thực sự của Vương quốc Thiên Chúa trên trái đất, với điều kiện họ là “Giáo Hội” cởi mở, bám rễ vào thế giới. Mang so sánh, hàng ngũ giáo sĩ chỉ là đẳng cấp nâng đỡ, và lối sống các lời khuyên Tin Mừng chỉ để nhắc nhở giáo dân, một cách ẩn dụ, rằng tự họ, họ không chỉ là “thế gian”; Vương quốc của Thiên Chúa cuối cùng vẫn chưa đến, nhưng thay vào đó, “tương lai” của Chúa sẽ chỉ được biến đổi vào cuối thời gian thành sự hiện diện cởi mở. Và do đó, lối sống từ bỏ mình chỉ là một dấu chỉ, trong khi cuộc sống sở hữu và sử dụng là điều có thật, và cũng như vậy, người chăn chiên chính thức ở đó chỉ vì lợi ích của đoàn chiên và phải đầu tư tất cả sức lực của mình để thấy đoàn chiên này phát triển và nở rộ.

Sau đó, nếu chúng ta mang thuyết biến hóa sinh học và thêm nó vào thế giới quan này - hoàn tất với sự chuyển giao nó một cách ngây thơ vào lĩnh vực lịch sử nhân loại cả tự nhiên lẫn siêu nhiên - thì xu hướng này sẽ trở nên không thể ngưng lại được; vì bây giờ, con người phải tự lãnh lấy trách nhiệm phát triển vũ trụ này và bằng cách lập kế hoạch tâm linh tích cực, không những để lái lịch sử thế giới hướng tới sự thành toàn của nó mà, khi làm thế, còn để chuẩn bị và “đẩy nhanh” tương lai nước Chúa.

Với việc thay đổi nhấn mạnh này, một câu trả lời giờ đây đã nảy sinh, ngoài ý muốn và dường như không được thúc đẩy, đối với câu hỏi chính của chúng ta. Kitô hữu là ai? Trong thí dụ cuối cùng, họ là người bám rễ đời sống Kitô hữu một cách sâu xa nhất vào bản thể của thế giới trần tục; là người “nhập thể” nó một cách trọn vẹn nhất. Vậy thì chúng là gì đối với mọi phương tiện ân sủng đã được cung cấp như Kinh thánh, các bí tích, việc rao giảng, v.v.? Một cách đơn giản không vì lý do nào khác ngoài việc được chuyển dịch thành cuộc sống và hành động; và điều này xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của Kitô hữu, nói cách khác, trong sinh hoạt chung hàng ngày của thế giới này. Bằng cách này, dụ ngôn về men bột và những lời về muối đất, ánh sáng thế gian, đã được ứng nghiệm.



Tất cả những điều đó nghe thật đơn giản và có tính soi sáng, và cũng rất có tính giải phóng (khỏi áp lực của chủ nghĩa giáo sĩ trị và sự kìm hãm của một chủ nghĩa khổ hạnh xa lánh thế giới), vận dụng được mọi năng lực của chúng ta một cách đầy kích thích đến mức sự mơ hồ của xu hướng này gần như bị chôn vùi dưới nhiều lạc quan và hứng khởi. Nhưng nó lập tức tái xuất hiện khi người ta hỏi những linh hồn “dấn thân vào thế giới” này: Thế thì chiều kích Kitô giáo mà các bạn, trong tư cách Kitô hữu, tìm cách nhập thể vào thế giới là gì? Khi định nghĩa một thuật ngữ, người ta không thể sử dụng lại nó trong định nghĩa. Và như thế, như diều gặp gió, các bạn đã có một khái niệm về Kitô hữu là gì (và do đó, Kitô hữu là ai) mà với nó, các bạn hành động để lập kế hoạch tiếp cận thế giới. Vì chắc chắn, các bạn sẽ không muốn gợi ý rằng việc “dấn thân vào thế giới” trong chính nó đã là điều giải đáp được câu hỏi Kitô hữu là ai. Dù sao, bản thân các bạn cũng đã là một phần của thế giới; do đó các bạn không cần phải ngỏ lời với thế giới một cách chuyên biệt. Một việc như vậy tốt nhất nên quy cho Thiên Chúa, Đấng tự trong Người không phải là “thế giới” và như thế, khi hướng về nó, đã ban cho nó một “ân sủng”. Tuy nhiên, đối với các bạn, thuộc “thế giới” là một sự kiện của bản nhiên và bắt nguồn từ sự kiện này, là một nghĩa vụ tinh thần. Hay có lẽ đó là tinh thần cống hiến đầy vui tươi và có trách nhiệm mà với nó các bạn khao khát muốn giúp xây dựng thế giới — đó có phải là tinh thần Kitô giáo mà các bạn muốn đóng góp? Tuy nhiên, tinh thần này, bất kể xuất sắc đến đâu, chắc chắn trong nguyên tắc không vượt quá những gì người ta có quyền mong đợi ở mọi thành viên trong xã hội con người?

Hay các bạn có ý muốn nói rằng chính mức độ đặc thù trong cam kết của các bạn đối với ích chung và sự tận tâm của các bạn đối với đồng loại mới đại diện cho điều chuyên biệt làm Kitô hữu, vì, quả thật, điều này có thể là gì đối với người khác nếu không phải là một phẩm tính nhân bản đặc biệt trong sáng, có tính soi sáng, và hấp dẫn? Các bạn có thể nêu lên những lý do quan trọng để nâng đỡ điều này, như nhận định rằng cách tiếp cận Kitô giáo hệ ở, không phải nơi các thực hành bề ngoài và việc đi nhà thờ, mà đúng hơn ở việc thực hiện mối quan tâm chính của Chúa Kitô, điều mà Người vốn gây ấn tượng mạnh mẽ nơi chúng ta, thí dụ, trong việc rửa chân, là tất cả chúng ta nên là anh em của nhau và giúp đỡ lẫn nhau, giống như Người, Thầy của chúng ta, đã làm. Do đó, điều đó có nghĩa là chúng ta nên phân biệt chúng ta với các thành phần khác của nhân loại, bằng cách tuân giữ các đòi hỏi của nhân tính và tình liên đới chung của chúng ta một cách có ý thức và nhất quán hơn những người khác. Và nếu nhiệm vụ của nhân loại trong thế giới “tối hậu” và hoàn toàn “thế tục” này thực sự phải bao gồm việc xây dựng trí thức và kỹ thuật của thế giới này bởi con người, thì Điều Kitô hữu cần làm là đặt mình lên tuyến đầu của công trình liên đới nhân bản này, dùng gương sáng của chúng ta để chỉ đường. Do đó, thay vì luôn luôn đến quá trễ, vì chúng ta bận ngắm nghía, mơ mộng, chuyện lên thiên đường, trong khi đó bỏ lỡ hết cơ hội này đến cơ hội nọ của lịch sử thế giới, thì cuối cùng chúng ta phải thức tỉnh trước các đòi hỏi tôn giáo của hiện tại và làm gương sáng trong lãnh vực này.

Vậy thì chủ nghĩa cộng sản có cần thiết không, nếu các Kitô hữu lanh lẹ và tỉnh táo đúng lúc? Há mối quan tâm của con người đối với người nghèo và người bị bóc lột không luôn luôn được Kinh thánh Cựu ước và Tân ước in sâu vào chúng ta từ những buổi đầu đó sao? Và há nếu không có mối liên hệ chết người giữa những kẻ bóc lột và Kitô giáo, thì chủ nghĩa vô thần hiện đại đâu có cần thiết đó sao? Ở đây, chúng ta phải đương đầu với sự kiện này là:

“Sự hiện hữu và phong trào vô sản gần như nhất thiết buộc bản thân nó phải vô thần bởi vì, trong những thập niên quyết định việc khởi đầu của nó, Thiên Chúa đã không hiển hiện với nó. Kể từ thời của Chúa Kitô, đáng lẽ Thiên Chúa đã có thể trở thành hiển hiện và hiển nhiên đối với loài người trong những Kitô hữu biết noi gương Chúa Kitô. Nhưng dưới hình thức bằng chứng như thế, Kitô giáo, vốn không nâng đỡ họ như một sắp xếp có tính che chở, nông dân và tư sản của xã hội, hầu như hoàn toàn vắng bóng đối với họ; nhưng lại hiện diện rất mạnh mẽ như một biện minh và vũ khí cho kẻ bóc lột. Đó không phải là một kết luận hợp luận lý mà là một trải nghiệm hiển nhiên cho thấy không có Thiên Chúa.... Chủ nghĩa vô thần cách mạng, từng chứng kiến sự ra đời của phong trào công nhân, trực tiếp do sự vắng mặt Thiên Chúa tạo ra, hay nói cách khác, là do sự vắng mặt của các Kitô hữu” (2).

Đáng lẽ phải như thế nào? Một cảm thức sống động về tình yêu thương huynh đệ thay vì thực hành tôn giáo giả hình [pharisaical], mù quáng trước nhu cầu của thế giới. Vậy thì, đâu là trọng điểm của tính chất trọng đời sau quá mức, khi bổn phận Kitô hữu của chúng ta hiển nhiên một cách không thể tránh né, ngay dưới mũi chúng ta? Và ngày nay chắc chắn không kém hiển nhiên so với thời của Tuyên ngôn Cộng sản? Có bao nhiêu nhu cầu nhân bản sơ đẳng của chúng ta vẫn chưa được đáp ứng bởi vì người ta cho rằng mình không có thời gian cho chúng? Đây là chỗ Kitô hữu có thể bước vào, có thể làm cho tôn giáo của họ nhập thể.

Dù có thể đúng bao nhiêu đi nữa, câu hỏi căn bản nằm ở bên dưới vẫn phải được lặp lại: Điều này có phải có nghĩa là, rốt cuộc, Kitô giáo chỉ là một hình thức mạch lạc của chủ nghĩa duy nhân bản? Nếu đúng như vậy, thì xét cho cùng, nền thần học nghiêm túc và ngay thẳng của Phong trào Ánh sáng và chủ nghĩa tự do là đúng đắn, và Chúa Kitô chỉ là vị thầy cao quý nhất của nhân loại, là khuôn thước và mẫu gương thuần khiết nhất của nó. Nhờ mẫu gương này, chúng ta mới biết tình liên đới và vị tha thực sự nghĩa là gì. Nhưng nếu chúng ta biết thế, thì đâu là trọng điểm của đức tin? Há không đủ hay sao khi chỉ cần nỗ lực để chu toàn các lời khuyên bảo của Bài giảng trên núi, những lời khuyên bảo đơn giản ngay trong chúng dù chúng đòi hỏi toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta, và về chúng chắc chắn không có gì là mầu nhiệm hết? Vậy tại sao chúng ta còn cần các mầu nhiệm đức tin? Tình bác ái huynh đệ có thể được nội tâm hóa trong chúng ta; vậy thì tại sao chúng ta cần những “công thức” mà chúng ta phải tuân phục như là chân thật nhưng mãi luôn ở bên ngoài đối với chúng ta? Nếu làm một Kitô hữu có nghĩa là thể hiện một cách thực tiễn, và nếu chúng ta chỉ có thể thể hiện một cách thực tiễn những gì chúng ta hiểu và do đó cam kết với, thì đâu là trọng điểm của điều không thể hiểu được, điều mãi vẫn không thể lĩnh hội và không thể đồng hóa được?

Ở đây, câu hỏi “Kitô hữu là ai” đã được phát biểu một cách rõ ràng nhất. Nếu việc tôi là một Kitô hữu là để phục vụ thế giới thế tục, thì tôi phải có một khái niệm hướng dẫn rõ ràng và dễ hiểu về nó. Tuy nhiên, điều này phải được thích ứng cho phù hợp với lý trí và hành động của con người, và do đó, trong mỗi trường hợp, khi hành động, tôi bắt đầu từ một khái niệm hướng dẫn, chắc chắn nằm vững vàng ở phía sau tôi, như một dữ kiện, mặc dù tại mọi thời điểm nó vẫn nằm trước tôi như một mục tiêu phải được thể hiện bằng thực hành. Đó là giả định ẩn đằng sau xu hướng thứ tư này. Bất kể ý niệm thể hiện thực tiễn có đúng bao nhiêu đi nữa, nhưng nó vẫn dựa trên một phép trừ giấu ẩn, đó là, việc chiều kích Kitô giáo là chiều kích thực sự nhân bản (không hơn).

Có nhiều cách để phần nào che dấu giả định nằm ở bên dưới đó. Một cách là, sau khi đã phi thần hóa thế giới không bao lâu, lại định nghĩa lại nó ngay lập tức bằng các thuật ngữ thần học và nói tới một “thần học về thực tại trần thế”. Tốt nhất, người ta có thể suy diễn khía cạnh cuối cùng này từ nền thần học đó sau khi trình bầy “triết lý” (theo nghĩa của Thánh Tôma Aquinô chẳng hạn) của nó trước đã. Nhưng ngày nay người ta đã hạ giá triết lý, để chạy theo “khoa học chính xác” của các sự kiện thuần túy. Khoa học này sau đó được sử dụng, không qua trung gian triết học, để đối đầu với thần học. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể tạo ra cuộc đối thoại biểu kiến; trong thực tế, nó không hơn gì một hình thức biện chứng bị bóp méo và thoái hóa. “Sáng thế như cứu thế” và “Sáng thế như mầu nhiệm cứu thế” là những chủ đề và tiêu đề phổ biến của các cuốn sách hiện đại, và chúng có một âm sắc đầy hứa hẹn. Nhưng bên dưới có một mạch chập [short circuit], một đánh đồng giữa triết học với thần học, và khi điều này xảy ra, thì thần học luôn phải nhận phần mạch chập.

Trong phép biện chứng này, có thể hòa giải ngay cả những lập trường mâu thuẫn nhất - nhưng chỉ một cách biểu kiến và không có bất cứ sự trung gian thực sự nào. Vì vậy, ngày nay người ta nói, cùng một mạch và cùng một giọng điệu xác tín sâu sắc, về việc thế giới cuối cùng đã được “phi thần hóa” ra sao và trở nên hoàn toàn thế tục và cả về việc thế giới phải được tiếp cận ra sao như một mầu nhiệm thánh thể trong tính toàn bộ của nó, như nhiệm thể đang phát triển của Chúa Kitô, một sự “thần hóa” vũ trụ vượt quá bất cứ điều gì mà suy nghĩ thực tiễn của thời Trung cổ từng hình dung theo đường lối triết học Kitô giáo về thế giới. Trong một công trình sáng thế đã được giải thích, trong cả chiều kích biến hóa của nó, một cách trực tiếp như một mầu nhiệm thần học và bí tích, mọi diễn trình thế tục và trần tục rõ ràng cũng hòa nhập trực tiếp vào diễn trình tâm linh, và điều này bất chấp việc “phi thần hóa” nó trước đó, hay nói ngắn gọn là phải phục tùng tuyệt đối sự sai khiến của con người trong suy nghĩ và lên kế hoạch kỹ thuật của họ. Như thế, thế giới, được phi thần hóa đến mức vô thần, cũng là thế giới được thánh thiêng hóa đến mức thần linh. Nhưng rốt cuộc đây không chỉ là những cụm từ trống rỗng mà với chúng các Kitô hữu tự lừa dối và làm mình ra mù quáng trong thế giới hiện đại, một thế giới vốn có thể sống còn rất tốt mà không cần đến họ. Sau khi bí mật xóa bỏ những sự phân biệt từ trước, quả là vô nghĩa nếu hành động như thể người ta vẫn còn đang duy trì chúng và nói điều gì đó có ý nghĩa Kitô giáo sâu sắc khi gọi trần thế là tâm linh và tâm linh là trần thế.

Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về truyền thống Kitô giáo, đã được viện dẫn ở đầu phần này như một nhân chứng hùng hồn, và khiến tâm trí ta có nên buộc tội nó vì tính trần tục quá mức (thần hóa thế giới) hay vì tính trốn tránh thế giới quá mức (phi thần hóa thế giới) của nó. Nếu quyết định này chứng tỏ là bất khả, thì điều phải được coi là rõ ràng là Kitô giáo đã luôn luôn nhìn thấy và phát biểu cả hai khía cạnh của thực tại, mặc dù bằng các khái niệm và cách diễn đạt văn hoá luôn thay đổi. Không ai có thể phủ nhận rằng số phận của vũ trụ nói chung luôn nằm ở trung tâm và trong phạm vi hiểu biết của Kitô hữu về hữu thể. Nói một cách chính xác, các thế giới quan thực tế và mạnh mẽ nhất của chủ thuyết phi vũ trụ hay trốn chạy thế giới có thể ít bị chê trách hơn cả. “Vũ trụ thánh”, tức thế giới, đang lớn lên và trưởng thành qua việc sáng thế, nhập thể, hòa giải và cứu chuộc của Thiên Chúa, nhưng cũng qua việc chu toàn các quy luật hữu thể vốn có trong thế giới và trong con người, thành sự viên mãn cuối cùng của Chúa Kitô, vốn là mối quan tâm thích đáng của những người như Origen và Dionysios thành Areopagite, Boethius và John Eriugena, các bậc thầy của Trường phái Chartres và các Nhà Kinh viện vĩ đại, Albertô, Bonaventure, Tôma; mối quan tâm của Nicholas thành Cusa và các nhà tư tưởng Kitô giáo của thời Phục hưng, từ Florence đến Oxford; mối quan tâm tương tự của phong trào huyền nhiệm baroque của những người như Jakob Böhme và trường phái của ông và tiếp đó Schelling và Baader. Tất cả những người này, ngoại trừ Thánh Augustinô, nên sớm bị khiển trách vì đã trộn lẫn quá nhiều điều thế tục vào điều thánh thiêng, quá nhiều triết học vào thần học. Sự kiện này đặc biệt khiến người ta nghi ngờ việc cáo buộc các phong trào khổ hạnh của chủ nghĩa đơn tu hoặc phong trào chấp nhận khó nghèo thời Trung cổ có quan điểm quá thiên về thế giới bên kia hoặc thậm chí theo chủ nghĩa Manikêô [nhị nguyên], những dấu vết cuối cùng mà thời hiện đại huy hoàng của chúng ta dường như chỉ được coi là thành công nhờ đã xóa bỏ được. Quả thực, có thể các phong trào này đại diện cho một điều gì đó có tính đối trọng đối với một Kitô giáo quá trần tục, vốn đã xâm nhập vào lãnh vực chính trị cũng như vào lĩnh vực triết học. Há chúng, như một đối trọng, đã không có giá trị và sự biện minh của chúng đó sao? Chúng ta có phải giả thiết rằng trước hết, chúng ta phải khám phá ra ai mới thật sự là một Kitô hữu? Vì bốn xu hướng trên đây đã được chứng tỏ là không đơn giản và do đó, có thể là một nguy hiểm? Vì ở mỗi trường hợp, tuy theo những cách khác nhau, đều có việc người ta cho rằng một điều gì đó đã được biết đến mà thực ra vẫn còn bị đặt nghi vấn. Và nếu, ngay trong triết học, không có gì có nhiều hậu quả tai hại bằng các tiền giả định không được cân nhắc, thì trong lãnh vực Kitô giáo điều đó còn tệ hơn thế nữa. Do đó, chúng ta phải quyết tâm xoay quanh và tiếp cận điều dường như ở phía sau chúng ta như một điều ở phía trước chúng ta. Đặt câu hỏi phía trước chúng ta, cùng với nỗ lực trả lời nó, là cách tiếp cận đúng đắn, vì câu trả lời nhất thiết sẽ đến với chúng ta từ nguồn mà từ đó chính cuộc sống Kitô hữu của chúng ta đã được ban tặng, tức là Lời hằng sống của Thiên Chúa.

Ghi chú

(1) Arnold Gehlen, “Das Engagement der Intellektuellen gegenüber dem Staat”, Merkur, 1964, 407.

(2) Walter Dirks, “Bittere Frucht”, trong Das schmutzige Geschäft: Die Politik und die Verantwortung der Christen (Walter-Verlag, 1964), 261.

Kỳ sau: Chương ba: Thiên Chúa ở phía trước chúng ta, hay Kitô hữu là ai?