Người Giáo dân Việt Nam quen đọc Điều Răn thứ nhất trong Kinh Mười Điều Răn như sau: Thứ nhất: thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Cha ông ta quả đã tóm lược một cách tài tình Lời Chúa phán trên núi Sinai bằng một công thức ngắn gọn, dễ đọc và dễ nhớ. Thực thế, đó là cách chính Đức Kitô đã làm khi trả lời Qủy Cám dỗ: Ngài tóm lược nội dung Điều răn thứ nhất đã được sách Xuất Hành (20: 3-6) và sách Đệ nhị luật (5:3-10) thuật lại trong một câu ngắn gọn: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng sự Người mà thôi (Lc 4:8).
Thực ra, Điều răn thứ nhất dài hơn thế nhiều lắm và không hẳn sử dụng chính hạn từ thờ phượng một cách trực diện, mà là gián tiếp qua hạn từ cúi đầu (bow) mà nhiều người dịch là thờ lạy . Vậy thờ phượng có hẳn là phải cúi đầu, khom lưng, qùy gối, những hạn từ do chữ bow gợi lên?
Theo nguyên ngữ Do thái, thì thờ phượng (worship) là do chữ Sahah. Từ này có nghĩa là phục lạy (prostrate oneself) hoặc cúi sâu (bow down). Đây là thái độ rất chung khi đến trước mặt Chúa như trong 1Sm 15:25 (Saul ngỏ lời với Samuel: xin tha tội cho tôi; xin trở lại với tôi và tôi sẽ phục lạy Giavê) hay trong Grm. 7:2 (Chúa truyền cho Giêrêmia nói với dân: Hãy lắng nghe lời Yahweh, hỡi dân Giuđa, những người đến qua cổng mà phục lạy Giavê). Đôi khi, nó được dùng song song với từ khác để nhấn mạnh đến việc khấu đầu trước khi thờ phượng như trong Xh 34:8 (và Môisen phủ phục xuống đất và thờ phượng Chúa) (Xem W.E. Vine, Merril F. Unger, William White Jr. Vine’s Complete Expository Dictionary Of Old and New Testament Words). Đây cũng là điều Qủy cám dỗ đề nghị với Đức Kitô: tôi sẽ cho ông mọi sự ấy, nếu ông chịu phủ phục dưới chân tôi và thờ phượng tôi. Chúa Kitô hiểu thâm ý của qủy nên đã nói với nó như câu trên đã trích: con người chỉ phải phủ phục thờ lạy một mình Thiên Chúa thôi (Mt 4:9). Như thế, đứng trước vinh quang cao cả của Thiên Chúa, tạo vật hèn mọn là con người thường hoặc tự ý phủ phục thờ lạy Người như Ezekiel (Ez 1:28) hoặc bị bó buộc phải ngã ngựa như Phaolô (Cv 9:4).
Thực ra, tâm tình thờ phượng không hẳn nhất thiết phải như thế. Khi ở gần Thiên Chúa, tâm tình này phức tạp hơn, vừa bộc phát vừa ý thức, vừa bó buộc, vừa tự ý: ý thức sắc bén về tình trạng vô nghĩa và tội lỗi của mình, xấu hổ trong im lặng (Gióp 42: 1-6), kính sợ đến run rẩy (Tv 5:8) và biết ơn (St. 24:48), hân hoan sùng bái (Tv 95:1-6) với cả con người. Nhưng thế nào thì thế, cử chỉ bên ngoài vẫn là điều cần thiết. Không thể có thờ lạy thực sự nếu thụ tạo không biểu lộ ra nơi thân xác sự nhìn nhận và lòng tôn kính của mình đối với quyền tối thượng của Chúa trên công trình sáng tạo. Hai cử điệu thờ lạy căn bản chính là phục lạy và hôn kính. Phục lạy có thể có nhiều cách: nhẹ nhất thì cúi đầu, trọng hơn thì qùy gối (một hay cả hai gối) và trọng hơn cả là sấp mình xuống đất như Môsê. Hôn kính chính là nguồn gốc của hạn từ adoration (thờ lạy): thực vậy, ngày xưa người ta thường tôn kính thần minh bằng cách dùng tay chạm vào tượng rồi đưa lên miệng hôn (nguyên ngữ Latinh: ad = tới, lên; os, oris = miệng). Cử chỉ này vừa nói lên ước vọng chạm tới Thiên Chúa vừa nói lên sự xa cách giữa họ với Người (Xem Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đàlạt, Điển Ngữ Thần học, Q.IV tr.144-145).
Cả hai cử điệu trên ta đều thấy rất rõ trong phụng vụ Thánh Thể. Tuy nhiên, ta cũng thấy chúng ở những nơi khác nữa, kể cả trong cuộc sống hằng ngày. Thực vậy, trong các gia đình Việt-nam, con cháu có thói quen chắp tay và cúi đầu chào kính ông bà cha mẹ và nói chung các người trên. Các phụ nữ Úc hoặc Anh mỗi lần gặp Nữ Hoàng hoặc một nhân vật thuộc Hoàng gia thường có thói quen bái gối (curtsy). Ta cũng thường hôn kính ảnh ba má, ông bà. Nhưng con cháu các gia đình Việt Nam đâu có thờ phượng ông bà, các phụ nữ Anh Úc đâu có thờ phượng Nữ hoàng và chúng ta nói chung đâu có thờ phương hình ảnh ba má ông bà? Những cử điệu trên chỉ là những cử điệu bề ngoài dể diễn tả tâm tình thờ phượng Thiên Chúa mà thôi, chúng không là chính tâm tình thờ phượng ấy. Chính vì không chú ý đến khía cạnh này mà chúng ta đã phạm nhiều sai lầm, cụ thể nhất là đã chỉ thờ phượng Chúa cách hời hợt bên ngoài qua các điệu bộ thân xác, mà tâm hồn thật xa Chúa xiết bao. Một phần cũng chỉ vì quá chú ý đến những cử điệu thân xác này mà không chú ý bao nhiêu đến mạch sống văn hóa, mà cuộc tranh chấp về lễ nghi tại Á-Đông đã xẩy ra vào thế kỷ 18 gây nhiều trở ngại cho việc Phúc Âm hóa các dân tộc Á Đông trong đó có Việt-Nam (Xem Vũ Kim Chính S.J. Ông Bà Tổ Tiên, Giá Trị Văn Hóa, Phong Tục Tập Quán Của Người Việt Liên Hệ Đến Việc Truyền Giáo).
Chuyện xẩy ra như sau: Các dân tộc Á Đông có thói quen lập bàn thờ tổ tiên ngay trong gia đình để dâng hương, dâng hoa trái cũng như khấn vái ông bà. Động lực đàng sau thói quen đó là lòng hiếu thảo: làm con phải nhớ ơn sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên: Công cha như Núi Thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra; Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Trước bàn thờ tổ tiên, người Á Đông chắp tay, cúi đầu, vái lạy và thưa chuyện với tổ tiên một cách chân tình. Bề ngoài, những cử chỉ ấy giống hệt những cử chỉ người Công Giáo phương tây chỉ dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi. Nên chúng đã bị cực lực lên án. Kết quả là bàn thờ tổ bị phá bỏ khỏi các gia đình muốn gia nhập Giáo Hội Công Giáo và người Công Giáo Á Đông bị cấm chỉ không được tham dự những nghi lễ theo phong tục dành cho người quá cố như lập bàn thờ hay dâng lễ vật, dâng hương và bái lạy vì những nghi thức này liên hệ tới mê tín. Dĩ nhiên, người Công Giáo Á Đông tuân theo lệnh cấm chỉ ấy. Chỉ phiền một điều là làm như thế, họ đã trở thành nạn nhân của một lệnh cấm chỉ khác khắc nghiệt hơn nhiều vì có liên hệ dến chính sự sống tự nhiên và cả siêu nhiên nữa: lệnh cấm đạo của các Vua Chúa. Thực thế, năm 1785, Nguyễn Nhạc khi ra lệnh cấm đạo, đã nêu lý do: Trẫm muốn tiêu diệt đạo Âu Châu vì đó là một giáo phái không có tôn kính cha mẹ (Xem Tài Liệu Học Hỏi của Ủy Ban Trung Ương Chuẩn bị Phong Thánh).
Cả hai việc cấm chỉ ấy sau này đều đã được cất bỏ. Ngày 8 Tháng 12 Năm 1939, Bộ Truyền Giáo của Tòa Thánh ra huấn thị chính thức coi là hợp pháp và xứng đáng việc cúi đầu kính bái và những hình thức khác tỏ lòng thành kính dân sự trước người quá cố hay trước di ảnh của họ (Xem Nguyễn Huy Lai, Truyền Thống Tôn giáo Xã hội Ở Việt Nam). Quả là một huấn thị sáng suốt, tuy muộn màng đến hai thế kỷ, một sự muộn màng từng làm cho khuôn mặt người Công Giáo nước ta đậm nét ngoại lai. Thực ra, nếu người ta không quá chú trọng đến những điệu bộ bên ngoài của việc thờ phượng và nếu họ chịu khó đi vào mạch sống văn hóa dân tộc, như Cha Vũ Kim Chính nhận định, thì sự muộn màng kia đã không xẩy ra. Một phần nào chúng ta cũng đã có cùng một não trạng như người đàn bà Samaria trong đoạn trích Tin Mừng ở đầu bài. Hạnh phúc thay, Bà đã nhận ra sứ điệp của Đức Kitô và đã chỉ thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật.
Ngày nay ai trong chúng ta cũng hiểu thờ phượng trong thần khí và trong sự thật là hành vi qua đó Thiên Chúa được nhìn nhận như Đấng duy nhất đáng được tôn vinh cực độ vì Người là Đấng hoàn hảo vô cùng, có toàn quyền thống trị trên con người và có quyền đòi con người phải hoàn toàn lệ thuộc Người như Đấng hóa công. Nó vừa là hành vi của lý trí vừa là hành vi của ý chí được diễn tả qua lời cầu nguyện, qua những cử chỉ ngợi khen và những hành vi tôn kính và dâng hiến thích đáng (John A. Hardon S.J. Pocket Catholic Dictionary). Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo đứng trên hai cái nhìn để định nghĩa sự thờ phượng. Khi nhìn lên Thiên Chúa, thì: Thờ lạy Thiên Chúa là nhận biết Người là Thiên Chúa, là Đấng hóa công và là Đấng Cùu Độ, là Đức Chúa và là chủ mọi loài hiện hữu, là Tình yêu vô cùng và hay thương xót (2096). Còn khi nhìn xuống thân phận thụ tạo, thì: Thờ lạy Thiên Chúa là với niềm cung kính và suy phục tuyệt đối của ta, nhìn nhận sự hư vô của loài thụ tạo, vì loài thụ tạo như ta chỉ hiện hữu được là do Thiên Chúa. Thờ lạy Thiên Chúa, là làm như Mẹ Maria trong kinh Magnificat, ca tụng Người, tôn xưng Người và tự hạ mình xuống, với lòng tri ân tuyên xưng những việc vĩ đại Người làm (2097). Trong chiều hướng ấy điệu bộ cử chỉ trở thành thứ yếu. Không lạ gì, trong việc canh tân phụng vụ hiện nay của Giáo hội, các điệu bộ đã được nội tâm hóa nhiều lắm đến độ ngay phần Dâng Mình Máu Thánh Chúa, có giáo xứ đã để giáo dân đứng mà thờ lạy Ngôi Hai Nhập Thể như Giáo xứ Thánh Giêrôm, Punchbowl, tiểu bang New South Wales, Úc.
Kỳ sau: Thánh Danh Chúa