TÔN THỜ CHÚA BA NGÔI TRONG ÐỜI SỐNG
Lễ Chúa Ba Ngôi, Năm B
Ðnl 4:32-34, 39-40; Rm 8:14-17; Mt 28:16-20
Trong thời Cựu ước, mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi không được mạc khải cho dân được chọn. Bị bao vây bởi các dân thờ đa thần, dân Do thái được Thiên Chúa truyền dạy qua Môsê là họ phải tôn thờ một Thiên Chúa là Chúa tể duy nhất, hằng hữu, toàn năng và chân thật, ngoài ra không có chúa nào khác (Ðnl 4:39). Ðó là điều thiết yếu trong tôn giáo độc thần của họ. Do đó, đề cập đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có thể khiến họ lầm tưởng rằng có ba chúa hay ba thần. Mà ba chúa hay ba thần là điều trái nghịch với nền tôn giáo độc thần của họ, lại còn có thể làm giảm lòng tin của họ vào một Chúa.
Thế nên Thánh kinh Cựu ước không nói gì rõ rệt về mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi. Ðôi khi Thánh kinh Cựu ước mới ám chỉ, chứ không nói rõ, về Ba ngôi Thiên Chúa. Chẳng hạn như trong sách Sáng thế, Thiên Chúa dùng số nhiều để nói về mình: Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta (St 1:26). Ðại danh từ ngôi thứ nhất số nhiều ở đây là chúng ta, ám chỉ rằng có hơn một ngôi vị nơi Thiên Chúa.
Phải chờ cho tới khi Chúa Giêsu xuống thế làm người và tự xưng Người là con Thiên Chúa, tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa mới được tỏ hiện. Khi ông Gioan tiền hô làm phép rửa cho Ðức Giêsu ở sông Giođan, thì Chúa Thánh thần và Thiên Chúa Cha cũng được bày tỏ. Khi ra khỏi nước, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: Ðây là Con yêu quí của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt 3:16-17). Trong bữa tiệc ly, Ðức Giêsu còn bầy tỏ cho các tông đồ về Chúa Thánh thần: Thầy ra đi thì có lợi cho chúng con hơn. Nếu Thầy không đi, Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với chúng con (Ga 16:7).
Như vậy trong dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa Cha được bầy tỏ trước tiên, rồi đến Chúa Con, rồi đến Chúa Thánh thần. Ba ngôi trong một Chúa là một Mầu nhiệm. Người ta có thể dùng hình tam giác cân và đều để diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong hình tam giác cân và đều, ta thấy ba cạnh và ba góc đều nhau và bằng nhau, nhưng chỉ là một hình tam giác. Thánh Patriciô dùng một lá thố tương thảo (shamrock) có hình tam diệp thể để so sánh mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa. Ngài hỏi dân Ái Nhĩ Lan xem họ thấy bao nhiêu cọng tam diệp thể. Họ trả lời có một. Rồi Ngài hỏi vậy có bao nhiêu lá. Họ nói có ba. Khi học kinh bổn thời tiền Công đồng Vaticanô II và sau đó một thời gian, người công giáo Việt Nam học bằng cách tự hỏi, rồi tự thưa. Những người sinh trước Công đồng Vaticanô II hẳn còn nhớ thưa thế nào cho câu hỏi: Hỏi Ðức Chuá trời có mấy ngôi? Rồi người học tự thưa theo sách, hay thưa theo những người đọc thuộc lòng: Thưa Ðức Chúa trời có Ba ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh thần. Rồi Sách lại hỏi thêm: Hỏi trong Ba Ngôi, có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém chăng? Họ lại tự thưa theo sách Bổn: Thưa Ba Ngôi cũng bằng nhau. Sở sĩ trước đây giáo dân học kinh bổn thuộc lòng như vậy là vì người ta thiếu sách vở, và có những người lại không biết đọc. Việc học thuộc lòng còn có điểm lợi là ghi tạc vào tâm khảm của họ một niềm tin vững chắc như đanh đóng cột hay kiềng ba chân vậy.
Một trong những điều Giáo hội muốn nhắc nhở cho người tín hữu về Chúa Ba ngôi là dấu thánh giá. Dấu thánh giá nhắc nhở cho ta lòng tin vào hai mầu nhiệm quan trọng trong đức tin công giáo là: mầu nhiệm Một Chúa Ba ngôi và mầu nhiệm Cứu chuộc. Ta thấy linh mục rửa tội nhân danh Chúa Ba ngôi như lời Chúa dạy trong Phúc âm hôm nay: Hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh thần (Mt 28:20). Các bí tích khác cũng được cử hành nhân danh Chúa Ba ngôi. Trong phần đầu lễ, linh mục chủ tế dùng lời chúc bình an của thánh Phaolô để chào đón giáo dân tham dự thánh lễ như sau: Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Linh mục kêu cầu Chúa Ba ngôi khi cử hành Bí tích Giải tội. Linh mục sức dầu bệnh nhân, nhân danh Chúa Ba ngôi. Ðức giám mục cử hành Bí tích Thêm sức trong dấu thánh Chúa Ba ngôi. Ta bắt đầu và kết thúc kinh đọc bằng dấu thánh giá tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba ngôi. Trước khi dùng bữa, ta cũng làm dấu thánh giá, tạ ơn Chúa Ba ngôi cho ta của ăn hàng ngày.
Biết được có mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi còn làm giàu cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Biết được có Chúa Cha là Ðấng tạo dựng loài người, Chúa Con là Ðấng cứu chuộc nhân loại, Chúa Thánh Thần là Ðấng thánh hoá, an ủi, ban sức mạnh thiêng liêng sẽ giúp ta dễ dàng cầu nguyện, biết phải xin với Ngôi Vị nào cho thích hợp. Xét về phương diện thần học thì khi ta cầu nguyện với một Ngôi Vị là ta cầu nguyện với hai Ngôi Vị kia vì Ngôi Cha, Ngôi Con, Ngôi Thánh thần là một Chúa. Tuy nhiên xét theo tâm lý học, thì để cho mình cảm thấy chắc ăn, ta có thể cầu nguyện với cả Ba Ngôi Vị cùng lúc như: Lậy Thiên Chúa Ba Ngôi, con thờ lạy, chúc tụng và tạ ơn Ba Ðấng. Con xin Ba Ðấng ban cho con được thế nọ, thế kia vân vân...
Thiết tưởng hôm nay nhân ngày lễ kính Chúa Ba ngôi ta cần trả lời vài thắc mắc sau đây: Ta có ý thức được chỗ đứng của Chúa Ba ngôi trong đời sống chưa? Dấu thánh giá ta làm có nhắc nhở cho ta về lòng tin vào Chúa Ba ngôi không? Ta có làm dấu thánh giá cách ý thức và kính cẩn, hay làm một cách cẩu thả, vô ý thức cho qua lần chiếu lệ?
Lời cầu nguyện: xin cho được ơn biết tôn thờ Chúa Ba Ngôi.
Lậy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng!
Thờ lạy, đội ơn và chúc tụng Ba ngôi Thiên Chúa.
Cảm tạ Chúa Cha đã tạo thành nên con.
Xin Ngôi Hai Thiên Chúa tiếp tục công việc cứu độ nơi con.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hoá đời sống con.
Xin đến phù trợ mỗi khi con làm dấu thánh giá,
kêu cầu đến Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen
Lễ Chúa Ba Ngôi, Năm B
Ðnl 4:32-34, 39-40; Rm 8:14-17; Mt 28:16-20
Trong thời Cựu ước, mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi không được mạc khải cho dân được chọn. Bị bao vây bởi các dân thờ đa thần, dân Do thái được Thiên Chúa truyền dạy qua Môsê là họ phải tôn thờ một Thiên Chúa là Chúa tể duy nhất, hằng hữu, toàn năng và chân thật, ngoài ra không có chúa nào khác (Ðnl 4:39). Ðó là điều thiết yếu trong tôn giáo độc thần của họ. Do đó, đề cập đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi có thể khiến họ lầm tưởng rằng có ba chúa hay ba thần. Mà ba chúa hay ba thần là điều trái nghịch với nền tôn giáo độc thần của họ, lại còn có thể làm giảm lòng tin của họ vào một Chúa.
Thế nên Thánh kinh Cựu ước không nói gì rõ rệt về mầu nhiệm một Chúa Ba ngôi. Ðôi khi Thánh kinh Cựu ước mới ám chỉ, chứ không nói rõ, về Ba ngôi Thiên Chúa. Chẳng hạn như trong sách Sáng thế, Thiên Chúa dùng số nhiều để nói về mình: Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta (St 1:26). Ðại danh từ ngôi thứ nhất số nhiều ở đây là chúng ta, ám chỉ rằng có hơn một ngôi vị nơi Thiên Chúa.
Phải chờ cho tới khi Chúa Giêsu xuống thế làm người và tự xưng Người là con Thiên Chúa, tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa mới được tỏ hiện. Khi ông Gioan tiền hô làm phép rửa cho Ðức Giêsu ở sông Giođan, thì Chúa Thánh thần và Thiên Chúa Cha cũng được bày tỏ. Khi ra khỏi nước, Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán: Ðây là Con yêu quí của Ta, Ta hài lòng về Người (Mt 3:16-17). Trong bữa tiệc ly, Ðức Giêsu còn bầy tỏ cho các tông đồ về Chúa Thánh thần: Thầy ra đi thì có lợi cho chúng con hơn. Nếu Thầy không đi, Ðấng Phù Trợ sẽ không đến với chúng con (Ga 16:7).
Như vậy trong dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa Cha được bầy tỏ trước tiên, rồi đến Chúa Con, rồi đến Chúa Thánh thần. Ba ngôi trong một Chúa là một Mầu nhiệm. Người ta có thể dùng hình tam giác cân và đều để diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong hình tam giác cân và đều, ta thấy ba cạnh và ba góc đều nhau và bằng nhau, nhưng chỉ là một hình tam giác. Thánh Patriciô dùng một lá thố tương thảo (shamrock) có hình tam diệp thể để so sánh mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa. Ngài hỏi dân Ái Nhĩ Lan xem họ thấy bao nhiêu cọng tam diệp thể. Họ trả lời có một. Rồi Ngài hỏi vậy có bao nhiêu lá. Họ nói có ba. Khi học kinh bổn thời tiền Công đồng Vaticanô II và sau đó một thời gian, người công giáo Việt Nam học bằng cách tự hỏi, rồi tự thưa. Những người sinh trước Công đồng Vaticanô II hẳn còn nhớ thưa thế nào cho câu hỏi: Hỏi Ðức Chuá trời có mấy ngôi? Rồi người học tự thưa theo sách, hay thưa theo những người đọc thuộc lòng: Thưa Ðức Chúa trời có Ba ngôi: Ngôi Nhất là Cha, Ngôi Hai là Con, Ngôi Ba là Thánh thần. Rồi Sách lại hỏi thêm: Hỏi trong Ba Ngôi, có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém chăng? Họ lại tự thưa theo sách Bổn: Thưa Ba Ngôi cũng bằng nhau. Sở sĩ trước đây giáo dân học kinh bổn thuộc lòng như vậy là vì người ta thiếu sách vở, và có những người lại không biết đọc. Việc học thuộc lòng còn có điểm lợi là ghi tạc vào tâm khảm của họ một niềm tin vững chắc như đanh đóng cột hay kiềng ba chân vậy.
Một trong những điều Giáo hội muốn nhắc nhở cho người tín hữu về Chúa Ba ngôi là dấu thánh giá. Dấu thánh giá nhắc nhở cho ta lòng tin vào hai mầu nhiệm quan trọng trong đức tin công giáo là: mầu nhiệm Một Chúa Ba ngôi và mầu nhiệm Cứu chuộc. Ta thấy linh mục rửa tội nhân danh Chúa Ba ngôi như lời Chúa dạy trong Phúc âm hôm nay: Hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh thần (Mt 28:20). Các bí tích khác cũng được cử hành nhân danh Chúa Ba ngôi. Trong phần đầu lễ, linh mục chủ tế dùng lời chúc bình an của thánh Phaolô để chào đón giáo dân tham dự thánh lễ như sau: Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Linh mục kêu cầu Chúa Ba ngôi khi cử hành Bí tích Giải tội. Linh mục sức dầu bệnh nhân, nhân danh Chúa Ba ngôi. Ðức giám mục cử hành Bí tích Thêm sức trong dấu thánh Chúa Ba ngôi. Ta bắt đầu và kết thúc kinh đọc bằng dấu thánh giá tuyên xưng đức tin vào Chúa Ba ngôi. Trước khi dùng bữa, ta cũng làm dấu thánh giá, tạ ơn Chúa Ba ngôi cho ta của ăn hàng ngày.
Biết được có mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi còn làm giàu cho đời sống thiêng liêng của người tín hữu. Biết được có Chúa Cha là Ðấng tạo dựng loài người, Chúa Con là Ðấng cứu chuộc nhân loại, Chúa Thánh Thần là Ðấng thánh hoá, an ủi, ban sức mạnh thiêng liêng sẽ giúp ta dễ dàng cầu nguyện, biết phải xin với Ngôi Vị nào cho thích hợp. Xét về phương diện thần học thì khi ta cầu nguyện với một Ngôi Vị là ta cầu nguyện với hai Ngôi Vị kia vì Ngôi Cha, Ngôi Con, Ngôi Thánh thần là một Chúa. Tuy nhiên xét theo tâm lý học, thì để cho mình cảm thấy chắc ăn, ta có thể cầu nguyện với cả Ba Ngôi Vị cùng lúc như: Lậy Thiên Chúa Ba Ngôi, con thờ lạy, chúc tụng và tạ ơn Ba Ðấng. Con xin Ba Ðấng ban cho con được thế nọ, thế kia vân vân...
Thiết tưởng hôm nay nhân ngày lễ kính Chúa Ba ngôi ta cần trả lời vài thắc mắc sau đây: Ta có ý thức được chỗ đứng của Chúa Ba ngôi trong đời sống chưa? Dấu thánh giá ta làm có nhắc nhở cho ta về lòng tin vào Chúa Ba ngôi không? Ta có làm dấu thánh giá cách ý thức và kính cẩn, hay làm một cách cẩu thả, vô ý thức cho qua lần chiếu lệ?
Lời cầu nguyện: xin cho được ơn biết tôn thờ Chúa Ba Ngôi.
Lậy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng!
Thờ lạy, đội ơn và chúc tụng Ba ngôi Thiên Chúa.
Cảm tạ Chúa Cha đã tạo thành nên con.
Xin Ngôi Hai Thiên Chúa tiếp tục công việc cứu độ nơi con.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hoá đời sống con.
Xin đến phù trợ mỗi khi con làm dấu thánh giá,
kêu cầu đến Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen