SAIGÒN -- Một lần nữa, xuân lại về trên quê hương đất Việt. Những ngày này, Sài Gòn tất bật, nhộn nhịp, vội vã mà đầy vẻ hân hoan để đón Tết Nguyên Đán, một cái tết dân tộc, bao giờ cũng có ý nghĩa với những người con của đất Việt.

Những gian hàng bánh, kẹo, các loại mứt nhiều sắc màu…. được bày bán đầu tiên: có thể nói không chợ nào thiếu và siêu thị thực phẩm nào cũng có. Chợ lá dong ở ngã ba ông Tạ (Tân Bình) cũng bán sớm. Lượng trái cây ở các chợ cũng bắt đầu về thành phố nhỉnh hơn mọi ngày kể từ ngày cúng Ông Táo là 23 tháng chạp; nào dừa, bưởi,cam, quýt……





Đặc biệt, ngay từ ngày đầu tiên của tháng hai, đã có bốn chợ hoa tết được khai trương: công viên nằm trên đường Hai Bà Trưng, gần nhà thờ Tân Định, công viên ngay trung tâm Sài Gòn, gần chợ Bến Thành; công viên Gia Định; và khu đô thị mới Nam Sài Gòn. Hoa, cây, cảnh….. ở bốn nơi này đủ làm cho nắng Sài Gòn rực rỡ hương xuân, chưa kể chợ hoa Nguyễn Huệ sẽ được bắt đầu từ ngày 28 tết, là điểm hứa hẹn cho nhiều khách tham quan. Và dọc theo đường phố, những chậu mai, cành đào còn được bán trên lề đường; những người bán lẻ cây kiểng trên các xe thô sơ gần các chợ cũng nhiều làm cho người ta có được sự cảm nhận rằng mùa xuân đang len lỏi vào từng con người Việt Nam.

Chiều ngày thứ năm, ngày 03/2/2005, Hội Hoa Xuân ở vườn Tao Đàn được khai mạc trong tiếng trống của đội múa lân. Theo tác giả Hoa Mai, báo Người Lao Động, thì năm nay có 800 nghệ nhân của Sài Gòn và các tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng… cùng về tham dự Hội Hoa Xuân năm nay với 5.000 hiện vật trưng bày tại 12 khu gồm kiểng cổ, bon-sai, phong lan, hoa xứ lạnh, xương rồng… Nét mới của Hội Hoa Xuân là có 7 khu trưng bày độc đáo, gồm:

  • - Khu lưu niệm trưng bày các hiện vật đã đoạt giải vàng từ năm 1981 đến như bộ sưu tập tiêu bản bướm, bộ sưu tập ảnh lan hài Việt Nam, tranh thêu, tranh sơn mài, tranh bằng chất liệu hoa khô, lá, gỗ, đá, hải quỳ, san hô…
  • - Khu trưng bày của các nghệ nhân nước ngoài, gồm 700 mét vuông với các giống lan mới lạ, bộ sưu tập sứ nhiều màu và vườn cảnh đom đóm.
  • - Khu trưng bày kỳ hoa dị thảo, vườn mai vườn đào, cây ghép 5 loài trên một cây.
  • - Khu trưng bày phong lan với bộ sưu tầm lan rừng Việt Nam như Thủy Tiên, Ngọc Điệp, Lan Hài, Dã Hạc…
  • - Khu trưng bày hoa xứ lạnh được thiết kế theo dạng nhà kính, trang bị máy lạnh gồm những chủng loại cây đặc trưng của Đà Lạt hay xuất xứ từ nước ngoài đang được trồng tại Đà Lạt. Đặc biệt có bộ sưu tầm Đỗ Quyên, Địa Lan nhiều màu.
  • - Khu trưng bày hoa tươi có bộ sưu tập 40 chủng loại hoa hồng, dứa Nam Mỹ, quỳnh nở ban ngày nhiều màu…
  • - Khu trưng bày cây khô mỹ thuật được bổ sung thêm các tác phẩm nghệ thuật từ cây trầm hương.
Bên cạnh việc trưng bày hoa trong thời gian lễ hội, tại Hội Hoa Xuân còn có nhiều hoạt động khác như hội thi hoa kiểng, lễ hội dân gian, giao lưu với các nghệ nhân lâu năm trong nghề, múa lân sư rồng, trao tặng kỷ niệm chương cho các nghệ nhân…(Hoa Mai, Người Lao Động 02/2/2005)

Công viên 23 tháng 9 ngoài hoa kiểng truyền thống như Cúc Mâm Xôi, Cúc Mặt Trời còn có nhiều giống hoa nhập từ nước ngoài như Tùng Nhật, Cẩm Tú, hoa Diễm Châu tươi đẹp và lộng lẫy, hoa Loa Kèn nhiều màu sặc sỡ. Hoa Phong Lan vùng nhiệt đới như Hồ Điệp, Kim Điệp; hoa Thái Lan như Đỗ Quyên, Phụng Tiên, Thu Hải Đường, Mắt Ngọc, Lá Tim…..làm thỏa lòng những người thích chơi hoa và dùng hoa tươi trang trí nhà. Nụ Tầm Xuân được nhập từ Trung Quốc về có màu trắng như tuyết, đem nhuộm đủ màu sắc xanh đỏ, tím vàng…, trưng bày được cả tháng, được nhiều người ưa chuộng. Đủ hương, đủ sắc làm cho các loài hoa nhiều lúc được ví như một thế giới của những con người, mỗi người một vẻ.

Những ngày trước tết, người ta còn bận rộn với những thủ tục chúc tết nhau giữa các đơn vị hành chánh, giữa các tôn giáo và chính quyền, giữa những người cùng sống, cùng làm việc trong một môi trường nhưng về quê ăn tết. Các nhà thờ, chùa….cũng có sự chuẩn bị để những ngày đầu năm được hòa chung với dân tộc niềm vui truyền thống.

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”, bánh mứt, hoa quả…những sắc màu đó có làm nên một cái tết dân tộc không? Xin thưa: chưa đủ, dường như mỗi con người Việt Nam, dù đang sống trên đất Việt hay trú ngụ nơi đất khách quê người, từ trong đáy lòng vẫn nhớ đến cội nguồn tổ tiên, vẫn nhớ rằng dòng máu trong tim luôn tràn đầy “chất Việt Nam” thì mới hình thành nên một cái Tết Nguyên Đán, cái tết của dân tộc Việt Nam cho đến ngàn đời.